Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Thơ sầu rụng

Thơ sầu rụng

Tình cờ tôi đọc được một cái còm của một người trong một bài viết của Dương Diên Hồng
“Thơ chỉ là cảm xúc không phải là sáng tạo”, Câu còm làm cho tôi nghĩ ngay đến bài thơ “Thơ sầu rụng” của Thi sĩ họ Lưu. Đã mấy lần tôi định thử sức mình bằng cách bình bài thơ này nhưng lần nào cũng không bình nổi. Đọc thấy hay lắm nhưng nghĩ mãi mà không thể nói nó hay ở đâu. (Cười!) Tất nhiên là nếu bình theo cái kiểu diễn nôm bài thơ như nhiều người trên mạng thì bài thơ này lại rất dễ bình. Nhưng nếu hỏi người bình: Bài thơ nói gì? Cái tinh hoa của bài thơ nằm ở đâu thì tôi chắc rằng người bình sẽ tịt vì tôi, tự nhận là người cảm nhận thơ cũng không đến nỗi tệ lắm mà bao nhiêu năm trời trăn trở với bài thơ này mà cũng chẳng thể tìm ra. Hôm nay, tự dưng đọc được cái cảm nhận này, trong tôi bỗng bừng lên một một ý nghĩ.
KHÔNG! THƠ KHÔNG CHỈ LÀ SÁNG TẠO MÀ NÓ CÒN LÀ MỘT SIÊU SÁNG TẠO. MỌI SỰ SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI ĐỀU PHẢI BẮT ĐẦU TỪ MỘT CÁI RẤT THỰC NÀO ĐÓ TRONG CUỘC SỐNG. NHƯNG THƠ THÌ KHÔNG THẾ. NÓ CÓ THỂ SÁNG TẠO NGAY CẢ TRONG HƯ VÔ.
Vầng trăng từ độ lên ngôi.
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.
Để mái tóc vương vần thơ sầu rụng.
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều.
Những ngày lạnh rớt gió vèo trong mây.
Nhẹ bàn tay! Nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm xông đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian nhẹ rót một dòng buồn tênh.
Thi sĩ muốn nói cái gì đây? Tình yêu chăng? Tất nhiên rồi! Nhưng hình như còn một cái gì đó nữa chưa hẳn là tình yêu nằm ở đâu đó trong bài thơ này. Cái “Buồn tênh” của thi nhân là cái buồn không sắc thái. Nó là một trạng thái không buồn, không vui nhưng ta không thể làm được bất cứ một điều gì, ta ngồi im lặng nhìn thời gian trôi đi không cảm xúc. Nó khác hẳn với cái: “ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” của Xuân diệu. Xuân diệu buồn, nhưng họ Lưu không buồn. Bạn đã yêu chưa? Và nếu bạn đã yêu rồi thì có bao giờ bạn ngồi, ngắm nhìn cô gái mình yêu mà trong lòng không dậy lên một cảm xúc? Cái buồn vô cớ của Xuân diệu ta có thể hiểu. Nhưng cái “Buồn tênh” của họ Lưu không ai hiểu, không ai có nổi cái cảm xúc này. Hóa ra trong thơ luôn ẩn chứa những điều ta chưa từng gặp trong đời. Ta đi lí giải nó, để mong hiểu nó để rồi ta chợt nhận ra: Ta không hiểu gì cả, cũng như ta chẳng bao giờ hiểu tại sao ta lại yêu? Tiếng thầm thì của thơ cũng giống như tiếng thầm thì của một cô gái. “ Hãy yêu em đi anh và đừng hỏi tại sao!”. Phải chăng đây chính là sự sáng tạo trong hư vô?
Sáng tạo là làm ra, chỉ ra được một cái mà trước đó chưa từng một ai biết đến. Trước Lưu Trọng Lư chẳng có cái buồn này và sau Lưu Trọng Lư hình như cũng chẳng có ai.
Toàn bộ không gian của bài thơ là một không gian đầy hư ảo, huyễn hoặc được trộn vào những hình ảnh rất thực trong đời thường, Điều đó khiến cho chúng ta mê đi. Ta không hiểu là mơ hay thực.
Vầng trăng vừa độ lên ngôi.
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.
Cái từ “Lên ngôi” đầy huyễn hoặc. Ta không thể biết đó là nàng vừa mười sáu hay nàng vừa bắt đầu bước vào con tim của chàng lãng tử họ Lưu? Hay là cả hai? Vì khi nàng đã bước vào con tim thi nhân là cái lúc thời gian bắt đầu ngừng lại: “ Em mãi là mười sáu”. Có lẽ như thế thì đúng hơn. Một giấc mơ năm năm ư? Có không nhỉ điều đó trong đời? Không có đâu. Nó chỉ có trong thơ thôi. Chàng lãng tử mang trong tim mình một vầng trăng mười sáu phiêu bạt bốn phương, Năm năm sau quay về “Bến cũ” vầng trăng vẫn còn đó, vẫn lóng lánh như xưa. Thi nhân ngồi lặng bên nhà mình nhìn sang và chợt nhận ra rằng có một vần thơ buồn đang vương lên mái tóc của nàng.
Để mái tóc vương vần thơ sầu rụng.
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Ôi! Mái tóc của cô gái ta yêu sao mà huyền bí. Nó có thể vương vào đấy tất cả cuộc đời ta. Ta viết vần thơ yêu thả vào trong gió, nó bay đi và vương vào mái tóc nàng.
Một không gian đầy mộng ảo của một mối tình đơn phương. Chỉ có mối tình đơn phương nó mới mênh mang đến thế và nó mới mong manh đến thế. Nó mong manh đến mức làm cho thi nhân sợ.
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay.
Mùi hương hàng xóm xông đầy mái đông.
Ta có cảm tưởng nhà thơ như muốn đưa tay vuốt nhẹ lên mái tóc buông lơi ấy nhưng cái mùi hương “ Hàng xóm” đã chặn tay chàng lại. Cái từ “Hàng xóm” chính là cái nguyên nhân của nỗi sợ trong chàng. Nó đã nhấc thi nhân từ hư vô quay về với thực tại. Nó thầm bảo cho ta biết đây chỉ là một tình yêu đơn phương.
Mãi về sau này tôi mới gặp lại cái nỗi sợ nhẹ nhàng và thánh thiện ấy của tình yêu trong câu thơ của Lưu Quang Vũ
Khe khẽ chứ kẻo buồm bay đi mất.
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.
Nhưng cái sợ của Lưu quang vũ vẫn không thể bằng cái sợ của Lưu Trọng Lư. Cái sợ của Lưu quang vũ là cái sợ của một thực thể. Hãy hôn nàng thật nhẹ! Còn cái sợ của Lưu trọng lưu là một nỗi sợ của một ảo ảnh. Một nỗi sợ trong trí tưởng tượng bay bổng của thi nhân.
Tất cả chỉ là hư ảo. Chỉ có một cái thực duy nhất đó là cái mùi hương bay lên từ mái tóc nghiêng nghiêng của cô hàng xóm nhà bên. Cái mùi hương ấy, cái mái tóc ấy đưa nhà thơ bay vào một không gian liêu trai đầy mộng mị và huyễn hoặc.
Và đến đây thì bắt đầu lộ ra cái “Còn một cái gì đó nữa nằm đâu đây trong bài thơ này”. Lưu Trọng Lư đang yêu chăng? Chưa hẳn! Đúng hơn nó có thể chỉ là một cái cảm xúc bất chợt thăng hoa khi cái đẹp bay lên trong tâm tưởng của thi nhân. Nó đưa thi nhân vào một miền hư ảo. Nhưng cái hư ảo này không biến mất, Nó còn mãi trong nhà thơ để tuôn ra từ ngòi bút và còn mãi trong chúng ta, những kẻ yêu thơ.
Hà Nội, 12/4/2020
Nguyễn Thế Duyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Ma...