Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Tiếng vọng ngày xanh

Tiếng vọng ngày xanh

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc – người vừa ra mắt tập thơ Nhớ sông (NXB Hội Nhà văn 2022) là một cây bút đa năng và lặng lẽ. Được biết đến là một nhà thơ có “dáng dấp” riêng, song anh viết đều tay cả thơ lẫn văn xuôi.
Huỳnh Văn Quốc sinh năm 1970, quê ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Phú Yên.
Tập thơ đầu tay của Huỳnh Văn Quốc – Vòng tay mẹ – ra đời vào năm 1995, trong đó có tác phẩm đoạt giải B cuộc thi thơ trên Báo Tiền Phong. Cuộc thi đó là một trong số rất ít “sân chơi” mà Huỳnh Văn Quốc tham gia. Anh là một người cầm bút lặng lẽ, vô cùng lặng lẽ!
Sau Vòng tay mẹ, hơn 10 năm sau, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc mới in tập thơ thứ hai Hát với luống cày. Đầu tháng 9.2022, anh ra mắt tập thơ thứ ba Nhớ sông.
Ở mảng văn xuôi, Huỳnh Văn Quốc có tập truyện dài dành cho thiếu nhi Tiếng vọng ngày xanh (năm 2001, được giải thưởng của NXB Kim Đồng) và tập truyện ngắn Người mẫu trần gian (năm 2003). Huỳnh Văn Quốc chia sẻ:
“Cho đến nay, đề tài thiếu nhi vẫn luôn đem lại cho tôi nhiều cảm hứng. Nhưng để bắt tay vào viết một cuốn sách ra mắt bạn đọc như cách đây hơn 20 năm trước, có quá nhiều khác biệt về thế hệ trên mọi phương diện để chọn cách viết sao cho phù hợp, nên sự lần lữa cứ kéo dài. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ mình sẽ trở lại mảng viết này trong thời điểm thích hợp.
Tôi nghĩ, văn học thiếu nhi trước hết là dành cho thiếu nhi ở mọi hoàn cảnh khác nhau, nên mong muốn nhất là có nhiều tác phẩm chạm vào những góc khuất nơi những số phận còn chịu nhiều thiệt thòi của tuổi thơ. Khi ấy, tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ là bạn đồng hành thời thơ ấu của các bạn nhỏ tuổi…”.
Vanvn.vn xin giới thiệu một số chương trong truyện dài Tiếng vọng ngày xanh của Huỳnh Văn Quốc.
PHƯƠNG TRÀ giới thiệu
Chương III:
Vườn hoang
Thằng Túc hay bày lắm trò nghịch, mà tôi lại ham vui nên thích tham gia. Hôm nay nó đầu têu một nhóm có thằng Tiêu, thằng Thịnh, thằng Tèo sang rủ tôi đi hái duối dẻ ở vườn nhà lão Trợ. Mắt trước mắt sau, thấy trong nhà không ai để ý vậy là tôi đi ngay.
Duối dẻ là loài cây mọc hoang ở rào ở bụi, mọc tự nhiên chứ không ai trồng được. Hoa duối dẻ to bằng đầu ngón tay cái người lớn, cánh cứng với hai mặt khác nhau: mặt trong có màu trắng ngà, mặt ngoài màu vàng hung như da bò, người ta còn gọi là duối-dẻ-bò. Hoa nở chúm lên trên kiểu như hoa súng. Vì cánh cứng như giấy bìa vở tập nên hoa duối dẻ mới “tham gia” nổi các trò chơi tuổi nhỏ hay nghịch phá của chúng tôi. Hoa là người bạn trong những ngày thơ ấu, đầu trần chân đất lang thang làng trên xóm dưới mặc cha mẹ rầy la. Chúng tôi hay dùng hoa duối dẻ chơi trò “xoay vụ”. Cứ ngắt một nụ hoa đặt cuống xuống đất, thường là địa điểm ở những truông làng, xoắn tay búng một cái là hoa xoay tít như chong chóng, hễ đứa nào búng hoa xoay lâu hơn là đứa ấy thắng. Phần thưởng không hề có mặt đồng tiền hoặc “hiện vật” nào. Thường đứa nào thắng cuộc sẽ được mỗi thằng chúng tôi lần lượt cõng đi một đoạn. Có khi gặp đứa thắng hơi quá, chơi trò nhong ngựa trên lưng để hành bạn cho đã, liền bị đứa cõng trả đũa bằng cách giả vờ vấp ngã để hất “cục nợ” xuống đất. Thế là đứa cõng không hề gì còn đứa được cõng bị ngã lăn cù!
Lạ một điều là hoa duối dẻ ban ngày không hề có mùi hương, nhưng mỗi lúc hoàng hôn buông xuống là toả hương thơm ngào ngạt cả một vùng. Mùi hương là tiếng nói, là âm nhạc của hoa. Ban ngày hoa duối dẻ lặng lẽ nép mình trong bờ bụi, mộc mạc chân chất như con nhà nông, không ai thèm để ý ngoài bọn trẻ chúng tôi. Vậy mà khi hoàng hôn buông, hoa như chàng Trương Chi cất lên bản nhạc mê hồn từ sâu thẳm tâm can. Hương duối dẻ không choáng ngợp vẻ ngoài như hoa lài, không “thủ thỉ” dịu dàng như hoa sứ, mà mùi hương của nó như một thứ men làm ngây ngất lòng người, nghe vô cùng quyến rũ. Một thứ hương như có mật, vừa thơm lừng lựng vừa ngọt nồng nàn, ai nghe qua một lần cũng đều có cảm giác thèm nếm thứ bánh ngọt ướp hương dầu chuối.
Chúng tôi thường hái hoa duối dẻ về đặt trên bàn, đợi đêm đến thưởng thức hương thơm. Vốn tin chuyện vô hình, mẹ tôi gắt:
– Mang vứt ra ngoài mau! Hoa gì ban ngày không hương, đến xẩm tối mới thơm? Rõ ràng là mùi thơm của ma quỷ cám dỗ!
Cha tôi bênh:
– Bà đừng tập cho con trẻ tính nhát. Một mình bà muốn tin gì thì tin, đừng bắt con phải tin theo rồi nó lo sợ những chuyện mơ hồ.
Tôi cũng có ý không tin mẹ, giờ nghe cha nói càng thấy mình không sai. Nhưng rồi bọn trẻ chúng tôi cũng không hái hoa duối dẻ mang về nhà nữa. Những chùm quả duối dẻ chín vàng mới thật sự hấp dẫn chúng tôi.
Trời đứng bóng. Xóm làng đều yên ắng. Bọn tôi lẻn ra khỏi nhà rủ nhau đi mà không gặp sự cản trở của người lớn nào.
Vườn nhà lão Trợ nghe nói rộng hơn năm mẫu đất, tre dày bao bọc xung quanh. Mặt trước giáp với đường cái quan, phía lưng lại thông được ra sông. Gia đình lão bỏ đi đã lâu, dời lên thị xã làm ăn, còn khu vườn này chẳng ai chăm sóc, cũng không sang nhượng lại cho ai! Nghe đồn rằng vườn không người ở thì ma nhiều lắm. Nhà tôi sát vườn lão. Tôi không thấy mặt ngắn mặt dài con ma ra sao nhưng lại rất sợ rắn. Vườn hoang thường là nơi các loài chim thú rắn rết hay trú ngụ, vì chúng tránh được sự quấy nhiễu của con người. Từ ngày lão dọn nhà đi, các cây ăn quả như mít, xoài, đào, ổi… đều lắc lư những trái, chín rụng đầy vườn không ai buồn nhặt, chỉ có trẻ con là hay mò đến lượm ăn. Hôm nay đi với mấy thằng “trời ơi” này, tôi không dám đi trước. Chỉ có thằng Túc là gan dạ nhất. Cha nó mất sớm vì trúng ca-nông; nó chỉ còn mẹ và mấy đứa em gái nhỏ nên việc gì cũng làm, lại liều lĩnh nữa. Đang đi bỗng nhiên nó chùn lại, mắt la mày lét thì thào:
– Tụi bay có nghe thấy gì không?
– Thấy gì?
Cả bọn dỏng tai nghe ngóng. Thằng Thịnh đực mặt ra, nhăn nhở:
– Tao chịu. Chỉ nghe rắm mày đánh “bẹp” một cái thì có!
Nói xong nó đưa tay chun mũi, miệng phun phèo phèo. Thằng tèo, thằng Tiêu bất giác làm theo. Tôi đứng xa hơn nên không bắt chước làm gì, vả lại cũng không nghe thấy. Thằng Túc cười rất dơ, vỗ vai thằng Thịnh:
– Tai mày thính thiệt!
Thằng Tiêu lại nhổ thêm một bãi nước bọt, chửi đổng:
– Cái đồ chết bầm!
Sục sạo khắp các kẽ rào, chúng tôi cũng không bói đâu ra được duối dẻ chín. Chùm thì chim moi quá nửa, chùm đang còn xanh… Cuối cùng thằng Túc rủ:
– Ê tụi bay! Hay là hái trâm đi?
Nó chỉ vào cây trâm giữa rào khá cao, đang lùm lùm những chùm hạt bằng đầu chiếc đũa, chín mọng tím. Trâm cũng là một loại cây gốc gác ở rừng, thường được dùng làm trụ rào sống vì có thân to, chắc; mùa trái chín chủ nhà không thèm động, thả chộ cho trẻ nhỏ leo trèo.
Không đợi ai nói gì thêm, thoắt cái thằng Túc đã trèo lên lưng chừng cây. Thấy mấy đứa kia đều trèo mà tôi còn ngần ngại, nó khiêu khích:
– Ê! Mày trèo không nổi à?
Tôi thú thật:
– Cao vầy tao ngán lắm.
Ngồi vắt vẻo trên cao, cả bọn rung cành cười ngất:
– Thằng nhát quá! Sợ chết mà cũng đòi đi. Thôi mày cứ ở dưới đất lượm trâm cho tụi tao cũng được, lát nữa chia đều!
Trâm lúc lỉu đầy cây, chúng hái ném xuống rào rào. Tôi vừa nhặt cho vào mũ vừa nghêu ngao hát:
Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái…
Như được châm ngòi, cả bọn hào hứng hát theo:
Con gái có duyên
Đồng tiền có lỗ
Bánh đỗ thì ngon
Bành giòn thì béo
Cái kéo thợ may
Cái cày xới ruộng
Cái xuổng đắp bờ
Cái lờ đơm cá
Cái ná bắn chim
Cây kim may áo
Cái gáo múc nước
Cái thước đo vải
Cái…
Đang hát, thằng Túc bỗng khựng lại, miệng lắp bắp:
– Chết cha rồi, ma bay ơi! Ma!
Nó tụt nhanh, phóng thịch xuống đất rồi cắm đầu chạy. Không biết hư thực ra sao, bọn tôi cũng nháo nhào chạy theo mà không dám quay đầu xem thử chuyện gì đã xảy ra, trâm văng tung toé. Tim đập thình thịch liên hồi, chúng tôi chạy không kịp thở, chen nhau mà chạy; đứa nào cũng sợ mình tụt sau đứa kia, tâm lý vừa hốt hoảng lại vừa thấy một thứ khoái cảm sợ hãi đang dâng lên rậm rực gai người.
Bọn tôi chạy ra đến đường cái thì dừng lại, đứa nào đứa nấy đều thở hổn hển, mặt tái mét. Thằng Túc nói không ra hơi:
– Tao…tao thấy…thấy…hình như ma…
Thằng Tiêu đã bắt đầu sốt ruột, nó gắt:
– Thì ai chẳng biết, nhưng bộ dạng con ma làm sao?
Chừng như đã bình tĩnh hơn, thằng Túc nói tiếp:
– Làm sao tao biết được! Chỉ thấy một con gì to lắm đang ở trong bụi. Tao định nín hơi dòm thử, nhưng chưa kịp nhìn kỹ thì bất ngờ nó ngó lên, không phải mặt người, mà là ma! Nó nhìn tao chăm chăm, mặt nó đen sì… Tao đâu dám dòm lâu, chỉ còn nước phóng xuống đất mà vọt cho lẹ.
Nghe nó nói mà bọn tôi nửa tin nửa ngờ. Chẳng lẽ giữa ban ngày ban mặt lại có chuyện mơ hồ nhảm nhí? Nhưng nhìn mặt nó bây giờ thì biết đây không phải là lúc nó nói láo. Vậy thì đó là thứ gì, ma hay người, hay là những con vật lạ lùng nào đấy? Cả bọn nhao nhao chẳng ai chịu ai, tôi đề nghị:
– Tốt nhất tụi mình nên quay lại xem thì rõ!
Máu tò mò đã làm cho bọn tôi lúc này háo hức lắm, cho nên khi thấy tôi đề nghị quay lại để xem cho kỹ là cả nhóm tán thành ngay.
Tuy nhiên, hăm hở là vậy nhưng vẫn vó một trục trặc nhỏ, là bây giờ chẳng đứa nào chịu đi trước cả. Ai cũng cảm thấy ngài ngại một thứ gì không rõ rệt. Thằng Tiêu thường hay khôn lỏi, nó đùn đẩy:
– Chỉ có thằng Thịnh là thính tai thính mắt, tốt nhất nên để nó đi đầu.
Thằng Thịnh giãy nảy, chỉ tay sang thằng Túc:
– Ông Túc hồi nãy đi đầu quen rồi, giờ đi lần nữa cũng được lắm chớ…
Vẫn chưa hết hồi hộp, thằng Túc gạt phăng:
– Mỗi ông một lần chớ, sao bắt tui đi đầu hoài vậy?
Không thấy ai nói gì, nó bỗng quay sang tôi:
– A đúng rồi! Lúc nãy ai đi sau cùng thì bây giờ phải đi trước. Ông Quyết phải đi trước rồi!
Thằng Tèo vỗ tay hùa theo:
– Phải rồi! Chính thằng Quyết đề nghị quay lại mà, nó đi đầu là đúng nhất đấy…
Thật khổ cho tôi chưa? Ai biểu lúc hăng lên lại đề nghị quay lại làm gì, để bây giờ bị chúng nó đùn đẩy. Không đi đầu chúng sẽ chê nhát như thỏ đế, còn nếu nhắm mắt làm liều lỡ có chuyện gì thiệt là tai hại. Tôi định chỉ cho thằng Tèo thì nó lại hùa theo thằng Túc để bắt bí tôi. Hoá ra đứa nào ngại trách nhiệm là đứa ấy lại mau mồm mau miệng đổ qua cho người khác để người ta đừng tập trung tới mình, mà chỉ chú ý tới anh nào im lặng chưa lên tiếng mà thôi. Hừm! Thì đi chớ ngại gì! Nhưng như vậy thật chẳng công bằng chút nào. Tôi liền nảy ra một mẹo:
– Tốt thôi, ai đi đầu cũng được hết. Nhưng tao muốn bốc thăm cho đàng hoàng, khỏi ai ép ai, hễ trúng ai người ấy đi.
Có lẽ việc bốc thăm vốn đã mang tính chất đỏ đen thua thắng nên dễ kích thích niềm hứng khởi tò mò khiến tụi bạn hào hứng tham gia. Còn khi có kết quả thì như một thực tế đã “an bài”, làm cho người ta không còn so bì tị nạnh được với ai, bởi chính tay mình bốc trúng kia mà, có ai gí vào đâu? Cho nên khi nghe tôi đề nghị, cả bọn nhao nhao hưởng ứng:
– Vậy thì làm ngay đi, còn đợi gì nữa?
Chiếc mũ lệch của thằng Tèo được ngửa ra. Bọn tôi cho vào đấy năm chiếc lá non bằng nhau, được hái từ các loại cây khác nhau bên bờ rào, quy ước đứa nào bốc nhằm lá ổi là phải đi đầu.
Sau khi xóc lá, chiếc mũ được đặt ở chạc ba một cây cao quá đầu chúng tôi, chỉ vừa đủ cho tay với vào, gặp lá nào cầm lá ấy ngay, không chần chừ. Thằng Túc lại đề nghị:
– Ai bày ra trò này thì ưu tiên bốc trước.
Tôi cười vui vẻ:
– Được thôi!
Cả bọn nhìn tôi, chờ đợi. Tất cả đều im lặng, ra chiều việc này quan trọng lắm. Thấy vậy tôi càng khoái, càng làm cho ra vẻ. Tôi đĩnh đạc bước lại bụi cây, nhắm mắt, thò tay vào mũ… Mắt vẫn nhắm, tôi giơ cao chiếc lá lên trước mặt cả nhóm. Bỗng tiếng cười bật ra, đứa thì vỗ tay reo hò, đứa lại ôm bụng khoái trá, cười lăn cười lóc. Té ra tôi đã bốc phải chiếc lá ổi! Đích lá ổi trăm phần trăm rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nghĩ ra cách này tôi tâm đắc lắm, ai ngờ người trúng thăm lại chính là mình; giá lúc nãy đồng ý quách cho xong, khỏi phải mất công vẽ vời làm gì cho mệt! Buồn cười quá, tôi cũng đành cười theo chúng nó.
Vậy là tôi đành phải đi trước với vẻ mặt phớt tỉnh. Cả bọn rón rén từng bước thận trọng theo sau, gần như nín thở, mắt căng ra đảo khắp chung quanh, tai lắng hết mọi âm thanh để thăm dò động tĩnh.
Trên đọt măng tre cong cong như chiếc cần câu đang lác đác lá non, một đôi chim cu lửa đứng phơi mình trong nắng tỉa lông cánh cho nhau. Chốc chốc con trống hứng chí gáy vang một hồi mà bà con hay “phổ” cho âm điệu của nó là “đu đủ luộc, đu đủ luộc, đu đủ luộc…”, cứ từng tràng ba tiếng một như vậy với chất giọng trầm đục khàn khàn. Cu lửa gáy không giòn và sang bằng chim cu cườm, nhưng cái chất dân dã quê mùa của chúng khiến tôi có cảm tình, lâu dần cũng cảm thấy thích, thấy nhớ mỗi khi vắng chúng.
Nghe động, bất thình lình đôi cu lửa bay vụt đi, hốt hoảng; đọt măng tơ cũng nống vọt lên theo…
– Tụi bay vào đây làm gì?-Một tiếng quát giận dữ gào lên.
Chúng tôi khựng lại, định thần nhìn ra anh Bành ở xóm trên, nhưng sao hôm nay trông anh giận dữ quá, trên tay lại lăm lăm khẩu súng bắn đạn chì…
Thằng Tiêu nhanh mồm nhanh miệng:
– Vậy chớ ông cũng vào đây làm gì?
– A, thằng cà chớn!-Anh ta chĩa súng ra doạ-Tao rình cặp cu lửa cả buổi, bọn mày phá đám còn lý sự hả?
Cả bọn ù té chạy, đứa nào cũng muốn mình vượt lên trước! Nhưng ngoái cổ nhìn thấy anh ta không đuổi theo, thằng Túc cười hì hì:
– Tao hiểu rồi, ma đấy chớ ma đâu! Hồi nãy lão nhát ma bọn mình để được yên tĩnh mà bắn chim…
– Mai tao mách thầy giáo-Thằng Tiêu ra vẻ hiểu biết-Bọn mình học bài ở lớp là không nên phá tổ chim, trong khi lão Bành đi bắn chim lại còn hăm dọa tụi mình!
Cả bọn cũng nhao nhao đầy vẻ hiểu biết:
– Được được, phải bảo vệ chim, bảo vệ môi trường. Chúng mình phải tiếp tục “cản mũi” ông Bành mới được…
Nghe các bạn hạ quyết tâm, tôi thấy phấn chấn hẳn; và lại mong sớm sớm chiều chiều những con cu lửa, những bầy dồng dộc, những đàn cò… lại tin cậy về với khu vườn này cất lên tiếng hót để tuổi thơ chúng tôi được chắp thêm đôi cánh tuyệt vời của thiên nhiên, của ước mơ bay bổng…
Những ngày chờ đợi kết quả thi cứ như kéo dài ra. Chúng tôi thỉnh thoảng lại rủ nhau đi xem điểm, lần nào đi cũng chỉ thấy sân trường vắng tanh, chưa dán yết. Thời gian trông chờ càng lâu, tư tưởng tôi càng biến đổi liên tục. Lúc mới thi về, tôi vẫn an tâm về bài làm của mình, đầu óc rất thanh thản. Khi đã qua nửa tháng rồi mà chẳng có tin tức, tôi lại đâm lo, nghĩ hôm đó mình làm thiếu chỗ này nhầm chỗ nọ, rồi gạch xóa lung tung, nếu gặp giám khảo khó tính họ không thèm đọc thì rớt là cái chắc!
Chương XIV:
Mùa thi

Một hôm thằng Chạm thì thầm hỏi tôi:
– Quyết à, nhà mày gần nhà Hồng Vân không?
– Nhà nó ở xóm trên, nhà tao xóm dưới, cũng không gần gì mấy. Mà mày hỏi làm gì vậy?
Thằng Chạm lại thầm thì, vẻ mặt vừa hào hứng vừa ngượng ngập:
– Mày không thấy nó đẹp gái à?
Tôi ngớ ra. Ừ nhỉ! Mới đó mà nhanh thật. Chúng tôi đã sắp hết tuổi thiếu niên, có đứa đủ tuổi đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên. Tôi cũng đang là đối tượng Đoàn, sẽ được kết nạp trước kì thi tốt nghiệp cấp II, thầy Cư chủ nhiệm lớp cũng là Bí thư Đoàn trường bảo vậy. Nay đang là những tháng cuối cùng của năm học lớp 9, con trai con gái trong lớp đều quan tâm tới nhau hơn, không còn mắc cỡ ngại ngùng như trước nữa. Nhiều đứa “trưởng thành” sớm, tối không lo học mà đã lo đến nhà bạn gái “tán tỉnh”, có thể bạn học cùng lớp, có thể bạn ở ngoài. Có lẽ tôi là thằng “lạc hậu” nhất nên vẫn còn tính trẻ con như ngày nào, chỉ biết có sách vở. Thằng Chạm nài nỉ tôi:
– Tối nay mình đến nhà cậu, cậu dẫn mình tới nhà Hồng Vân chơi nhen!
Tôi giãy nảy:
– Sao không đi ban ngày?
– Mình còn phải làm giúp cha mình.
– Vậy thì cậu đi một mình. Ban đêm mình ớn lắm.
Thằng Chạm xuống giọng:
– Nếu nhà khác mình đi một mình cũng được, nhưng nhà Hồng Vân mình ngại lắm!
Tôi cười:
– Sao? Ngại mà cũng đòi đi?
– Nhưng vì Hồng Vân đẹp gái, mình lại cứ muốn đến nhà chơi.
Tôi nói cho xong chuyện:
– Vậy thì còn ngại gì nữa. Cứ “liều mình như chẳng có” là xong thôi.
Chạm lại bần thần:
– Nói thật với Quyết, mình còn ngại mấy chiếc roi cày của cha Hồng Vân lắm. Không biết ông còn nhớ mặt mình không?
Tôi bật cười:
– Cậu thật là… Sáu bảy năm rồi, cậu đã lớn nhiều mà vẫn chưa quên mấy chiếc roi cày hồi nhỏ sao? Theo mình, cha của Hồng Vân quên từ lâu rồi, người lớn hay quên chuyện trẻ con lắm. Cậu chưa phải người lớn, vậy mà bày đặt…
Chạm cười ngượng ngập:
– Nghĩ lại hồi đó mình bị Hồng Vân đánh đau quá nên phát cáu. Chớ nếu bây giờ, Hồng Vân có đánh mình một trăm roi chắc cũng chẳng thấy đau!
Tôi làm ra vẻ hiểu biết, lắc đầu:
– Cậu bị hớp hồn rồi!
Chạm cười vu vơ, tôi tiếp:
– Xem ra cậu rảnh thật đấy! Con gái học giỏi, nó lên mặt lắm, cậu đừng có tơ tưởng! Kỳ thi tới nơi rồi, dứt tốt nghiệp cấp II là tiếp tới chuyển cấp lên lớp mười. Kỳ thi nào cũng găng cả, vậy mà cậu không lo, còn lo cha của Hồng Vân có nhớ mặt mình không!
Chạm xua tay:
– Cậu nói giống thầy Cư quá. Nhưng nói thật, mình chán học lắm rồi, tốt nghiệp lớp 9 sợ còn chưa được, nói gì lên lớp 10. Cha mình đã sắm sẵn bộ đồ nghề thợ mộc, chờ mãn năm học mình sẽ ở nhà để lo làm ăn. Sau đó cưới vợ, vậy là xong.
Có lẽ Chạm nói cũng đúng. Trong lớp hiện giờ đang chia thành hai hướng. Một hướng đợi tốt nghiệp xong sẽ xin học các lớp Trung cấp chuyên nghiệp để ra đi làm, nếu rớt ở nhà làm thợ. Còn hướng kia cứ theo lên học cấp III, tuy nhiên còn phải đợi kết quả thi, có đứa còn quả quyết nếu thi rớt, năm sau sẽ lại tiếp tục thi lớp mười, không đổi hướng! Tôi thì không dám nghĩ đến sự kiên trì như vậy, chỉ thầm quyết tâm sẽ đậu ngay đợt này, chứ nếu thi rớt, việc học sẽ bị “mất trớn” ngay, chắc gì năm sau đã đủ khí thế để thi đậu! Hơn nữa nhà tôi cũng đâu thuộc diện nằm dài ra mà học. Phải làm! Mẹ tôi hứa: “Nếu thi đậu, nhà dẫu nghèo, mẹ cũng cố cho con ăn học. Thà nghèo tiền bạc chứ đừng để nghèo kiến thức, cha con nói rồi”. Tôi chỉ là một học sinh học tập rất ngẫu hứng, nói như ngôn ngữ thể thao là “phong độ” không ổn định! Khi hứng lên, tôi học rất khá, cứ lấy lớp phó học tập làm chuẩn, có khi tôi gần “soán ngôi” chứ không ít. Thầy cô và bạn bè đều nhìn tôi với đôi mắt tin tưởng, thường ngầm xếp vào loại “top ten” của lớp!
Nhưng chỉ được một thời gian là tôi lại lơ là, về nhà không bao giờ ngó ngàng đến sách vở, ngoài việc làm giúp mẹ, cứ hễ rảnh ra là kiếm sách truyện hoặc những sách ngoài chương trình về đọc, rồi lại đi chơi! Kết quả nhiều môn tôi gần như bị “mất căn bản”. Những thầy cô tin tưởng quí mến tôi nhất, có lúc đã buộc phải phê vào sổ liên lạc: “Kết quả học tập đi xuống trầm trọng. Học hành như thế à?”. Thông thường ở các lớp, cứ nửa năm đầu tôi học khá, nửa năm sau bắt đầu ỷ lại nên lơ là, tuột dốc lúc nào không hay. Kết quả cuối năm bao giờ tôi cũng chỉ được xếp loại học tập trung bình khá. Vậy nhưng nhiều khi thi đố vui để học giữa các trường, hoặc thi học sinh giỏi, bao giờ tôi cũng được chọn vào đội tuyển của trường. Tôi chỉ học giỏi các môn xã hội, còn môn tự nhiên chỉ rớ tới mỗi khi phải đối phó với kì thi. Những môn tự nhiên, khi tôi đã để mắt đến rồi thì học cũng đâu đến nỗi. Tôi không học tủ, nhưng kết quả thi của những môn này bao giờ cũng cao điểm vào hàng nhất nhì lớp. Còn môn văn là môn tôi đam mê, tuy cao nhất so với lớp nhưng điểm đạt vẫn thấp hơn những môn này! Những lúc ấy tôi thấy học toán-lí-hóa sướng hơn học văn nhiều, nhưng vì tôi không chăm nên kết quả trung bình cả năm vẫn thấp, vẫn bị lệch so với môn văn. Giá như tôi không đợi “nước tới chân mới nhảy”, mà học các môn này ngay từ đầu nhỉ? Một sự nuối tiếc muộn màng gây nên cảm giác hụt hẫng trong lòng tôi. Tôi giận mình đâu phải là thằng không có khả năng, vậy mà bao nhiêu năm vẫn cứ học lệch, ngẫu hứng, tuy cũng được thầy khen bạn mến nhưng chưa bao giờ có được một suất phần thưởng cuối năm mang về cho mẹ mừng cả! Bao nhiêu lần nuối tiếc là bấy nhiêu lần tôi tự hứa sẽ khắc phục từ đầu, vậy nhưng rồi lại bị “nguội” quyết tâm sau ba tháng hè, khi bước sang năm học mới vẫn cứ lặp lại sai lầm cũ! Chiến thắng bản thân thật khó.
Năm học lớp 9 đã sắp qua rồi, hai kì thi quyết định sắp tới rồi, vậy mà tôi vẫn bỏ bê sách vở, mãi đến lúc này nghe mẹ nhắc lời cha “thà nghèo tiền bạc chớ đừng nghèo kiến thức”, tôi mới vắt chân lên cổ mà chạy! Kiến thức thì nhiều mà thời gian lại ít, đêm đêm tôi thức đến hai ba giờ sáng, tức là phải học bù lại những ngày không chịu học. Chẳng có gì phải kêu ca, cho chừa mày đi, Quyết ạ! Tôi tự rủa sả mình như vậy. Bốn môn thi, hai tự nhiên, hai xã hội, học gấp gáp trong vòng một tháng. Tôi chia ra mỗi tuần phải “đánh” bay một môn. Thời gian đã eo hẹp mà những đứa ỷ học từ sớm rồi nên cứ tới nhà tìm tôi, ngồi chơi hàng buổi. Tôi không biết làm cách nào, không chơi với nó thì mất lòng, mà chơi thì mất thời gian, làm sao học kịp chương trình? Anh Hai góp ý: “Dễ ợt! Em cứ ôm sách vở lên chùa ông mình mà học, vừa yên tĩnh vừa khỏi bị bạn bè phát hiện quấy rầy”. Mẹ tôi giục ngay: “Phải đấy, lên chùa học cho Trời Phật phù hộ, thi dễ đậu. Ngày xưa, cô giáo Lý ở làng này cũng đã ôn bài vở hàng tháng ở chùa mới thi đậu Tú tài đấy”. Chuyện này thì tôi có nghe. Lúc ấy ở làng hiếm người học lắm, không như bây giờ, học lên Tú tài càng hiếm, cho nên trai tráng thời kỳ ấy mới có câu: “Rớt Tú tài anh đi trung sĩ” kia mà! Nhưng Tú tài cũng đâu có dễ đậu. Đó là cô Lý bây giờ đang dạy trường làng, và anh Trương mất đã lâu. Hai người yêu nhau, rủ nhau cùng đến chùa học cho Trời Phật phù hộ như lời mẹ tôi nói, sau khi thi đậu sẽ lấy nhau. Đến kì thi, chỉ một mình cô Lý đậu, còn anh Trương bị rớt. Anh buồn bã suốt mấy ngày và đã tìm đến cái chết. Dân làng ai cũng cảm thương anh, chép miệng thở dài: “Thua keo này bày keo khác, việc gì phải lụy đến thân”.
Chùa làng được xây trên một khu đất cao biệt lập với xóm làng, quanh năm thoáng mát. Vì có ông tôi (bên ngoại) trụ trì ở đây nên tôi thường lui tới. Ngôi chùa đối với tuổi thơ tôi có gì như vừa bí hiểm vừa xa lạ. Những hàng chữ Hán cùng với các hình vẽ ông Thiện ông Ác đã một thời làm tôi tò mò và e ngại. Bây giờ thì tôi không còn cảm giác ấy nữa. Tôi thấy như các ông đang chào tôi, vui mừng khi thấy tôi đến, vì ở đây vắng vẻ quá! Chỉ những hôm rằm và mùng một đầu tháng âm lịch, chùa mới đông người cúng bái, còn thì chỉ mình ông tôi sớm khuya tụng kinh gõ mõ. Thấy tôi đến học, ông vui vẻ bảo:
– Ở đây tha hồ cho con học. Nếu ăn cơm chay được thì trưa ở lại ăn với ông, khỏi phải về mệt.
Ở với ông, phải nói là thoải mái thật. Tuy đạm bạc đơn sơ nhưng phóng khoáng vô cùng. Buổi trưa ăn cơm, tuy không mặn mà như ở nhà, nhưng mọi thứ đều rất thơm tho, tinh khiết. Hèn chi không bao giờ tôi thấy ông bị bệnh. Chiếc nồi đồng ôm thắt eo ngang hông như hình củ tỏi, ông dùng để nấu cơm. Gạo lức nấu nồi đồng ôm ăn với muối mè, tuy không phải cao lương mĩ vị gì nhưng ăn mãi không chán. Những miếng cháy ở quanh hông nồi, vàng ruộm, ăn rất thơm miệng. Chỉ có nấu nồi đồng ôm, cơm mới thơm tho đậm đà như vậy. Tôi như được ăn hạt cơm khác mà từ trước đến giờ chưa được nếm qua. Ở quanh vườn chùa, rau nấu canh mọc nhiều, ông tôi thường hái rau dền làm món chính. Rau dền tía nấu canh, nước đỏ như khoai tím, ăn rất thơm. Những bữa cơm trưa ăn cùng ông, món ăn đơn sơ mà tôi thấy ngon miệng lạ! Thỉnh thoảng ông lại dạy tôi dăm ba chữ Hán nói về đạo đức. Tôi nắn nót viết vào sổ tay, thấy trang trọng vô cùng.
Ban ngày tôi học ôn ở chùa, ban đêm về nhà thức nhồi bài đến khuya, quay đi quay lại đã hết veo thời gian. Vậy nhưng tôi cũng đã gạo bài “cạn kiệt” những điều trong sách, không còn phải lo lắng gì nữa. Tôi bước vào phòng thi tốt nghiệp cấp II với tâm lí hết sức thoải mái, tự tin. Kết quả điểm số tôi rất cao, môn nào cũng đạt 9 điểm, đứng thứ nhì sau đứa đậu thủ khoa có môn toán đạt mười điểm. Vậy nhưng khi cộng điểm học tập cả năm, kỳ thi này tôi điểm cao nhưng vẫn chỉ xếp loại trung bình! Lặp lại bài học cũ rích nhưng khó sửa! Giá như ngay từ đầu năm tôi đã học cực lực như kì thi này thì kết quả xếp loại chắc chắn sẽ ở hàng đầu. Chỉ tại vẫn chứng nào tật nấy, cứ đợi “nước đến chân mới nhảy”!
Nỗi buồn “xếp hạng” cũng chỉ thoáng qua, tôi lại vùi đầu vào chặng ôn thi chuyển cấp. Đang trong khí thế của đợt thi tốt nghiệp đậu cao tôi “thừa thắng xông lên”, học rất nhanh. Thằng Dự học cùng lớp vốn là anh em con cô con cậu với tôi, đã không hăng hái lại còn gieo tư tưởng bi quan:
– Nói thiệt với anh Quyết, chỉ có anh em mình nghèo mới phải cắm đầu cắm cổ học mà còn lo ngay ngáy như vầy. Chớ tụi nhà khá, nó có học hành gì đâu, nhưng chưa thi đã biết đậu rồi đấy!
– Sao lạ vậy?
– Lạ gì mà lạ! Người ta đút tiền vào các cửa, làm gì mà con em họ chẳng đậu. Trong khi vào lớp 10 đâu phải cứ xét từ năm điểm trở lên là đậu như thi tốt nghiệp. Phải cạnh tranh, như vậy ai có tiền là cạnh tranh mạnh chớ sao!
Chuyện hối lộ và gian lận trong thi cử, tôi đã nghe nhiều rồi. Lúc này lại nghe thằng Dự tâm sự, tôi không khỏi ăn khoăn:
– Chẳng lẽ bài thi không làm được câu nào, vẫn cứ có tiền đút lót là đậu à?
Dự ra vẻ sành sỏi:
– Anh chỉ biết học chớ chưa biết mánh khóe của thiên hạ đâu. Thiếu gì cách họ phù phép cho hơp lí! Nói anh biết, nhà thằng Tiêu cũng đang “chạy” cho nó vào lớp mười đấy. Hồi chị nó cũng “chạy” theo kiểu ấy mà tốt nghiệp được lớp mười hai. Có hai người trùng tên, vậy là bài điểm cao được đánh tráo tên cho chị nó. Còn người kia bị rớt, ức quá chút xíu nữa là tự tử, may mà can kịp.
Từ lâu thằng Dự vốn được coi là sành đời quả không sai. Nó giống như thằng Chạm, thứ gì cũng biết, duy chỉ có việc học là chểnh mảng. Tôi cũng chểnh mảng như nó nhưng khác nhau ở chỗ, cứ tới kì thi là tôi lập lại được “trật tự”. Còn nó thì “lập lại” không nổi, đành buông xuôi luôn. Nó nói chuyện tán tỉnh con gái rành hơn chuyện học, còn thằng Tiêu và thằng Chạm cũng vậy, cho nên bi quan về việc thi cử là phải. Vậy mà thằng Tiêu còn muốn học lên theo con đường tiêu cực, trong khi thằng Chạm và thằng Dự đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái nghề. Tâm lí tôi vốn thoải mái, vậy mà nghe lời tính toán của thằng Dự, tôi cũng đâm lo lắng, ngán ngẩm. Chúng nó đã tính trước cả rồi, nếu thi rớt chuyển cấp sẽ ở nhà làm nghề này nghề nọ. Còn tôi lỡ thi rớt sẽ biết làm gì đây? Lo là ở chỗ đó!
Ngày đi thi, mẹ bảo anh Hai theo tôi để cổ vũ tinh thần. Tôi không chịu, nói để đi với bạn bè, cổ vũ lỡ rớt thì xấu hổ chết. Thằng Năm xóm dưới có lần tâm sự với tôi, lúc trước nó nhác việc nhà lắm, nhưng dạo này chuẩn bị đi thi, nhiều việc cha mẹ chưa bảo nó đã tự giác làm trước rất chu đáo. Nó bảo phải làm vậy để lỡ có thi rớt, cha mẹ sẽ nghĩ thương mà không nỡ rầy la. Thằng này quả là khôn khéo thật!
Thi cả ngày mà trường lại xa, mẹ và ông cho tiền ăn trưa. Tôi vốn ngại quán xá, cố ăn sáng thật no để thay cho bữa trưa, còn tiền sẽ mua sách mà đọc. Những lúc mải chơi tôi cũng đã quen nhịn như vậy rồi. Tính tôi rất lười ăn, không thấy đói trong những lúc đi xa. Vào phòng thi, tôi lầm lũi làm bài cho đến hết giờ, thấy đề khó, làm câu được câu không, rất khó đoán điểm. Nhiều đứa bỏ ra trước. Tôi cố “nhằn” cho hết các câu mới thôi. Lúc ra tới cổng trường, tôi đã thấy ngay anh Hai đứng chờ tự lúc nào! Câu đầu tiên anh hỏi:
– Sao em, làm bài được không?
Tôi dè dặt đáp:
– Vốn liếng bao nhiêu, em dốc ra cả, thấy cũng không đến nỗi bí lắm.
Anh thở phào:
– Vậy thì ổn rồi. Anh em mình tìm chỗ ngồi nghỉ để chiều em thi cho thoải mái.
Trường cấp ba này vốn cũng là trường quê mới dựng được vài năm, xung quanh hàng quán thưa thớt, hôm nay lại gặp học sinh chen chúc không đủ chỗ ngồi, phải đứng cả ra ngoài đường, vừa nhai bánh mì vừa bàn tán sôi nổi bài làm khi sáng. Có đứa vui vẻ ra mặt, có đứa rầu rĩ chẳng muốn tham gia. Hai anh em tôi không chen vào đấy. Anh Hai bảo tôi dắt xe đạp đi vòng ra sau cánh đồng, dọc theo con mương lớn có nhiều cây dương. Tới một nơi khá vắng vẻ, hai anh em ngồi xuống vệ cỏ bên gốc dương. Anh Hai lấy từ trong bọc giấy ra hai cuốn bánh tráng, vừa cười vừa nói:
– Mẹ biết em không ưa ăn quán, sợ nhịn đói làm bài không tốt, nên đã làm sẵn hai cuốn bánh bảo anh mang đi “tiếp tế” cho em.
Nhìn cuốn bánh to bằng bắp tay, tôi không hề có cảm giác đói chút nào. Lúc này tôi đâu còn muốn ăn, nhưng vẫn phải ăn với anh Hai cho vui lòng mẹ. Gió đồng mơn man thổi. Tôi cảm thấy thật thơ thới trước môn thi còn lại, chắc sẽ không phụ lòng mẹ và anh.
Những ngày chờ đợi kết quả thi cứ như kéo dài ra. Chúng tôi thỉnh thoảng lại rủ nhau đi xem điểm, lần nào đi cũng chỉ thấy sân trường vắng tanh, chưa dán yết. Thời gian trông chờ càng lâu, tư tưởng tôi càng biến đổi liên tục. Lúc mới thi về, tôi vẫn an tâm về bài làm của mình, đầu óc rất thanh thản. Khi đã qua nửa tháng rồi mà chẳng có tin tức, tôi lại đâm lo, nghĩ hôm đó mình làm thiếu chỗ này nhầm chỗ nọ, rồi gạch xóa lung tung, nếu gặp giám khảo khó tính họ không thèm đọc thì rớt là cái chắc! Càng nghĩ tôi càng thấy mất tự tin. Sao mà mung lung quá! Từ chỗ lạc quan, tôi dần dần cảm thấy bi quan, không còn niềm tin vào chính khả năng của mình nữa.
Giữa lúc tôi đã bắt đầu chán nản thì thằng Tiêu đến. Đâu khoảng chín mười giờ đêm, tôi đang ngủ vùi bỗng nghe tiếng gõ cửa thật mạnh:
– Quyết ơi! Quyết ơi! Có kết quả rồi.
Tôi vùng ngay dậy. Nhưng mẹ tôi còn nhanh hơn, hình như mấy đêm nay bà không ngủ được, bà bước lại mở cửa. Thằng Tiêu ào vào. Giọng nó hào hển nói:
– Đậu rồi! Đậu rồi! Làng mình có sáu đứa thi kì này, ông cao điểm nhất bọn đó!
Bao nhiêu phấp phỏng chờ đợi, bây giờ như vỡ òa ra. Tôi mừng đến phát run, hỏi rối tít:
– Vậy hả? Có thiệt không? Mà sao lại đêm hôm mới biết như vầy?
Có lẽ vui quá nên thằng Tiêu không giấu giếm:
– Nói thiệt, tôi định nhờ người quen xuống thị xã “chạy” giùm. Ông ta bảo kết quả đã công bố từ chiều, còn “chạy” gì được nữa! Tôi liền rủ mấy đứa xách hon-đa chạy lên trường. Thấy điểm tôi không cao nhưng cũng vừa đủ đậu, mừng quá trời. Nhìn sang điểm ông, thấy điểm cao gấp hai, tôi phấn khởi quá, về ghé nhà con bồ chơi một lát rồi vào đây báo trước cho ông mừng. Tôi chưa về nhà mà!
Lúc này trông thằng Tiêu thật đáng mến. Xởi lởi, nhiệt tình và thật lòng! Phần mình đã ổn rồi, tôi lại nghĩ đến những đứa khác, hỏi nó:
– Trong nhóm bạn bè gần đây, đứa nào cũng đậu hết chớ?
Thằng Tiêu chép miệng:
– Rớt nhiều! Thằng Dự nè, thằng Chạm nè, thằng Đinh nè… còn nhiều lắm, ngay cả con Hồng Vân cũng rớt còn nói chi ai!
Tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác. Vậy là “tan đàn sẻ nghé” cả. Tội nghiệp thằng Dự em họ tôi, sao không cố lên một chút, chưa thi đã tính bỏ cuộc! Còn Hồng Vân, nghe đồn gia đình đã ưng thuận cho một đám đến hỏi, tính cưới “tảo hôn”, bây giờ với kết quả này thì rõ rồi! Những năm này, trường cấp ba còn khan hiếm quá, tỉ lệ đậu có khi một phải chọi mười. Thi vào lớp 10 sao mà cơ cực! Tôi mừng cho tôi nhưng vẫn thấy buồn cho những bạn bè khác, rớt rồi thì mỗi đứa một cảnh. Giá như có nhiều trường để việc thi bớt ngặt, bạn bè tôi cùng được vào học hết thì hay biết bao nhiêu.
9/9/2022
Huỳnh Văn Quốc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...