Hàn Mặc Tử
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ như một lời trách
móc, đồng thời cũng là lời mời gọi tha thiết, một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng của
nhân vật trữ tình với lời nhớ nhung da diết:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”
Sao đã lâu lắm rồi anh không trở về thăm thôn Vĩ ? hay nói đúng hơn là anh
không về thăm em, thăm lại người xưa. Đây là lời của nhân vật trữ tình đồng
thời cũng là lời của tác giả, ông ước mơ một lần được về lại thăm thôn Vĩ để:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Cảnh vật của thôn vĩ thật nên thơ và tươi mát. Thôn Vĩ - nơi có những hàng cau
thẳng tắp còn đọng lại những giọt sương đêm đang vươn mình đón “nắng mới
lên”. Nắng chiếu lên hàng cao vào buổi sáng kết hợp với sương đêm làm cho khu
vườn ánh lên màu “xanh như ngọc”. Rất xa là hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới
lên”, còn rất gần lại là “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Mướt quá” gợi cảm
giác tươi non tràn đầy sức sống. Cảnh vật vừa xa lại vừa gần, vừa thực lại vừa
ảo, vừa mơ hồ lại vừa rõ ràng, tạo nên sự huyền ảo, lấp lánh của “vườn ai”.
Trong không gian ấy ta bắt gặp một khuôn “mặt chữ điền” của cô gái thấp thoáng sau những “lá trúc che ngang”. Tính cách thôn nữ hiện lên sự duyên dáng nhưng hàm chứa một chút tinh nghịch mà vẫn dịu dàng. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” Mặt chữ điền thường là kiểu khuôn mặt của đàn ông nên ta hiểu ở đây mặt cô gái không phải là mặt chữ điền mà nó được tạo nên bởi những lá trúc, điều đó đã tạo nên một khuôn mặt dịu dàng mà lại thật đáng yêu. Hàn Mặc Tử hẳn đã mang trong lòng một tình yêu Huế tha thiết nên ông đã vẽ nên một bức tranh thôn vĩ bằng ngôn từ hết sức nên thơ và đậm đà bản sắc dân tộc. Vừa vui vẻ, hạnh phúc đến say mê như lạc vào cõi tiên khi ký ức trở về với thôn vĩ là thế, bỗng chốc lại buồn bã, suy tư:
“Gió theo lối gió, mây đường mây”
Câu thơ chia thành hai vế: “gió theo lối gió/ mây đường mây”. Gió và mây là
đôi bạn tâm giao trong vũ trụ vậy mà lại quay lưng lại với nhau, hình thức diễn
đạt thật tinh tế, chân thực, nó chứa đựng một nội dung tinh tế. Gió cuộn mình
trong gió, mây cuộn mình trong mây, mây và gió như những kẻ xa lạ, quay lưng
lại với nhau mang hai nỗi buồn bã, cô đơn. Điều này là một sự thật nghịch lí
thế nhưng trong văn chương lại chấp nhận cái phi lí ấy.
Bầu trời buồn bã là thế, mặt đất cũng chẳng vui gì hơn:
“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Ở đây, tác giả dùng thủ pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu” như cõi lòng người
đang mỏi mệt, nỗi lòng quạnh hiu. Mặt nước buồn, lòng sông buồn nên bờ bãi
cũng u sầu. “Hoa bắp lay” gợi tả sự khô héo, tàn úa, hoa bắp khẽ lay trước
gió.
Sự tương phản của hình ảnh, tâm trạng và tứ thơ của hai khổ thơ và lời mời mọc kia còn vương lại chút say của lòng người, chẳng khác gì:
Mỗi người mỗi nẻo, quay lưng lại với nhau không bận tâm, quyến luyến, cảnh vật
mang một nổi buồn da diết đến thế!
Thế nhưng khi đêm xuống trăng lên, tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng thay đổi:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Trăng gắn liền với thơ của Hàn Mặc Tử, ông có rất nhiều bài thơ viết về
trăng:
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”
(Trăng ngọc trăng vàng)
Hay:
“Trăng nằm sóng soải trên cành cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”
(Bẽn lẽn - Gái quê)
Với Hàn Mặc Tử có trăng là có sông trăng, có đời là có bến để đợi chờ, có
sông là có thuyền về trú ẩn. Đây cũng chính là nét đặc sắc của bài thơ. Một
bức tranh thật trữ tình, lãng mạn. Thuyền và sông trăng thật đẹp và hài hòa
biết bao. Câu hỏi tu từ vang lên như một nỗi lòng khắc khoải, đợi chờ, ngóng
trông được gặp gương mặt sáng như trăng của người thôn vĩ trong lòng thi
nhân. Như thế mới biết nỗi lòng của nhà thơ dành cho người con gái xứ Huế tha
thiết đến nhường nào. Nhà thơ sợ mình sẽ lỡ hẹn cùng trăng, cùng người con
gái Huế hay đúng hơn là sợ cô gái bị lỡ làng vì thuyền kia sẽ không kịp về bến
hay sẽ không bao giờ về bến xưa để bến nơi đây thấp thỏm chờ mong, em nơi đây
vẫn đợi vẫn chờ.
Khi con người ta không còn tha thiết với thực tại thì lại tìm đến với hư ảo, vô cùng:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa”
Câu thơ có lối ngắt nhịp rất lạ 1/3/3: Mơ/ khách đường xa/ khách đường xa. Điệp
ngữ “khách đường xa” là khách thể, mà chủ thể ngồi đây đang mong ngóng đến
nao lòng: và đấy là “mơ”. “Mơ” là những gì chưa xảy ra trong hiện thực, mơ về
một người đang chập chờn lúc ẩn lúc hiện, vì vậy, mà cái nhìn qua đôi mắt của
nhà thơ tất cả đều trở nên hư ảo:
“Áo em trắng quá nhìn không ra”
Xứ Huế mộng mơ, lắm sương khói. Sương khói đã trắng mà còn thêm màu áo em “trắng
quá”. Màu trắng quá là màu không bình thường, đó là màu của hư vô, màu của
riêng Hàn Mặc Tử. Hình ảnh của người thiếu nữ như tan loãng trong cái màu trắng
và màu sương khói huyền ảo ấy khiến nhà thơ “nhìn không ra” và biến tất cả
thành “mờ nhân ảnh” tất cả như trôi vào hư vô:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”
Cũng chính vì thế mà nhà thơ cảm thấy băn khoăn, chơi vơi, hụt hẫng. Tác giả
tự hỏi “ở đây” là ở đâu? Huế hay Quy Nhơn hay là trong giấc mơ của Hàn Mặc Tử.
vì cả Huế và Quy Nhơn đều có sương giăng vào những ngày cuối thu và đầu xuân,
tác giả không xác định được không gian vì khói sương của đất trời đã làm mờ
đi tất cả chỉ còn một lòng thiết tha hướng tới tình người.
Bài thơ được mở đầu và kết thúc cũng bằng một câu hỏi tu từ:
“Ai biết tình ai có đậm đà”
Câu hỏi là sự băn khoăn, day dứt của nhà thơ. Hàn Mặc Tử như tự hỏi: cảnh vật
và con người ở đây lung linh quá, mờ ảo quá như sương như khói. Câu hỏi tu từ
có hai từ ai: “ai biết”, “ai có” vừa bộc lộ tình yêu thương vừa khao khát được
yêu thương nhưng lại chứa đầy vô vọng. vì không biết “ai có tình ai có đậm
đà” không nên anh chưa “về thăm thôn vĩ”. Toàn bài thơ là một vòng khép kín,
mở đầu bằng một câu hỏi để đưa tác giả quay về với thôn vĩ trong tâm tưởng và
câu hỏi kết thúc bài thơ lại kết thúc hành trình đó. Những câu hỏi được đưa
ra tăng dần theo cấp bậc: “sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, “vườn ai mướt
quá xanh như ngọc?”, “thuyền ai đậu bến sông trăng đó?”, “ai biết tình ai có
đậm đà?”, những câu hỏi xoáy sâu vào nội tâm của tác giả đang nhớ tới người
mình yêu thương. Nếu so sánh trong hệ thống bài thơ ta bắt gặp từ “ai” lặp đi
lặp lại bốn lần. “Ai” - là một người nào đó không xác định là nhà thơ hay là
cô gái? Đây có phải là nỗi lòng của tác giả đã ẩn chứa một tình yêu sâu kín
trong tâm hồn và muốn bộc bạch tâm trạng của mình cho người đọc hiểu và cảm
thông - một cái tôi trữ tình hết sức lãng mạn và thắm thiết.
|
Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017
Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"
Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét