Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

"Điều anh không biết” của Phi Tuyết Ba - Lời tự tình của người con gái đang yêu

"Điều anh không biết” của Phi Tuyết Ba
Lời tự tình của người con gái đang yêu
Riêng điều ấy không bao giờ anh biết
Có một chiều em lỡ hẹn cùng anh
Chiều vàng xanh nơi góc phố xanh
Em đến gần cánh cửa xanh hé mở
Trên bậc cửa có một đôi guốc đỏ
Đôi chân em sao khó bước qua
Chỉ một bước thôi là hết cách xa
Anh gần lắm phía bên kia đôi dép
Chẳng hiểu vì sao chân em lui bước
Chiều đương xanh bên cánh cửa xanh
Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh
Đôi guốc đỏ biết rằng em đã tới
Bài thơ là lời tự tình của một người con gái đang yêu. Có lẽ vì thế mà khung cảnh hẹn hò ngập tràn sự sống, niềm tin và hi vọng. Thời gian là một buổi chiều có ánh nắng mặt trời chiếu vàng góc phố. Phải chăng, cái thời điểm ấy thường gợi một chút buồn và thoáng một nỗi trống vắng trong lòng người. Nhưng không, dường như trong mắt người đang yêu thì dù trong thời điểm ấy, con người vẫn cảm thấy vui, bồn chồn và xao xuyến. Tả cảnh buổi chiều những sắc màu chủ đạo ở đây lại là màu xanh (chiều vàng xanh; góc phố xanh; cánh cửa xanh). Đó là màu của niềm tin, màu của hi vọng, màu của sự tươi mới lâu bền và hơn thế nữa là màu của hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà tác giả ca khúc “Màu xanh tình yêu” cũng đã từng thốt lên rằng:
“Nguyện cầu cho tình yêu mãi xanh
Như màu xanh tình anh với em”
Giá như cái màu xanh ấy cứ bình yên mãi thế! Thế mà, một điều bất ngờ đã xảy ra:
“Trên bậc cửa có một đôi guốc đỏ”
Để rồi:
“Có một chiều em lỡ hẹn cùng anh”
“Đôi guốc đỏ” sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu vị trí của nó không phải là ở đúng bậc cửa nhà anh. Mà dù nó có ở bậc cửa nhà anh thì đã sao chứ? Vì nó có thể là của một người bạn, một người chị, một người em gái quen thân nào đó thì sao? Nhưng khi yêu, trước cảnh tượng ấy có người con gái nào lại có thể nghĩ được nhiều như thế! Để rồi trên cái nền màu xanh hạnh phúc ấy, xuất hiện một màu đỏ - một màu đỏ thách thức và ám ảnh lòng người. Màu đỏ của đôi guốc trở thành một vách ngăn giữa “anh” và “em” - giữa người ở phía ngoài và bên trong cánh cửa xanh ấy. Đó chính là sự vô lý nhưng cũng rất hợp lý của bài thơ.
“Đôi chân em sao khó bước qua
Chỉ một bước thôi là hết cách xa
Anh gần lắm phía bên kia đôi guốc”
Lại một sự vô lý nữa xuất hiện trong ba câu thơ. Chỉ cần “em” bước qua đôi guốc ấy thì mọi sự sẽ rõ ràng. Nhưng chỉ vì lòng tự ái, sự nghi ngờ và thậm chí có cả một chút ghen tuông đã khiến cô gái quyết định lui bước. “Anh” và “em” chỉ cách nhau bởi một chút không gian mong manh là một đôi guốc và một cánh cửa “hé mở”. Giữa họ chỉ là một đôi guốc vậy mà cái quyết định bước qua hay không lại khó khăn đến thế? Phải chăng cô gái không thể bước vào vì sợ phải đối diện với một sự thật phũ phàng? Phải chăng cô gái muốn lui bước để trả thù anh bằng một sự im lặng mãi mãi?.. Dù bước vào hay không thì con tim đang yêu cũng có cái lý riêng của nó.
Tình cảm con người vốn dĩ là vậy. Nó rất khó hiểu,  khó giải thích và khó gọi thành tên. Ở đây, ta chỉ biết rằng cô gái đã không chiến thắng nổi chính bản thân mình cho nên cuộc hẹn hò đã không thành. Nhưng dù sao cô gái vẫn muốn nói:
“Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh
Đôi guốc đỏ biết rằng em đã tới”
Là một lời tự thanh minh với chính mình nhưng ta hình dung được một người con gái với tâm hồn cao thượng đến vô cùng.
“Riêng điều ấy không bao giờ anh biết
Có một chiều em lỡ hẹn cùng anh”.
Tình yêu là như vậy bởi một chút lặng thầm cho tình thêm mãnh liệt!.
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái Hạt Phiên toà thành phố. Trước vành móng ngựa là một chàng trai chừng hai nhăm tuổi, mặt xanh gầy, vô cảm. Chánh án, một người rất...