Tùy bút
- Âm thanh bí mật
- Câu dầm
- Những hàng me Sài Gòn
- Quà đêm trên sông Ông Lãnh
- Lập đông ở miền Đông
- Hồn ma cũ
- Mưa thu nhớ tằm
Thơ
- Thơ Ba Mén
- Dâng má thương
- Âm thanh bí mật
- Câu dầm
- Những hàng me Sài Gòn
- Quà đêm trên sông Ông Lãnh
- Lập đông ở miền Đông
- Hồn ma cũ
- Mưa thu nhớ tằm
Thơ
- Thơ Ba Mén
- Dâng má thương
Bình Nguyên Lộc mà tùy bút, thơ?
Tưởng ông chỉ chuyên tìm hiểu nguồn gốc
người Việt với "lột trần" tiếng Việt với viết truyện ngắn truyện dài
thôi chứ?...
Thì đúng vậy. Quả nhiên Bình Nguyên Lộc
không chuyên về, nghĩa là viết rất ít, tùy bút. Ngay trong số bảy bài chọn đây,
thì đã có bài thực ra là trích đoạn từ một truyện ngắn. Ông lại càng ít khi thơ
hơn nữa.
Chợt nghĩ, Bình Nguyên Lộc đã bỏ ra không
biết bao nhiêu thì giờ để nghiên cứu những đề tài hóc búa và để hư cấu vô số
truyện éo le, mà đã dành quá ít thì giờ cho việc "diễn" chính tâm hồn
mình. Như ta có thể thấy qua số bài tùy bút, thơ ít ỏi, đó là một tâm hồn đa
cảm, nhạy cảm...
Chẳng những có nhiều cảm xúc tinh, Bình
Nguyên Lộc còn có năng khiếu khiến được chúng hiện ra thành lời gợi cảm, với
nét duyên riêng trên dáng chung Nam bộ.
Hình như chính Bình Nguyên Lộc cũng ưng ý
loại văn này của mình và muốn viết nhiều hơn nhưng hoàn cảnh không cho phép.
Tiếc cho ông, cho cảnh này chuyện nọ vật kia, và cho người đọc...
Sau đây là chút "của tin".
Âm thanh bí mật
"Đậu này nó nóng như Trương Phi,
Giòn như pháo nổ, mua đi các bà!"...
Giòn như pháo nổ, mua đi các bà!"...
Ngâm sĩ mù có phải là một người Bắc? Giá
ngoài bài đậu "Phi, pháo", thỉnh thoảng hát xẩm cho bà con cô bác
nghe chùa.(1)
Năm 2013 không biết nhạc bột khoai có còn
nấn ná, chớ hát ru em thì về vườn lâu lắm rồi.
Gần sáu thập kỷ trước, "ký giả"
ngồi giữa "hòn ngọc Viễn Đông" nghe tiếng "chim vịt kêu
thương" mà "bâng khuâng". Bây giờ, đọc lại Âm Thanh Bí Mật, có
độc giả nào cũng chợt nghe bâng khuâng?...
Sáng sáng sau trận phát thanh xôi giò,
bánh bèo, bắp nấu thì một giọng ngâm thơ trong trẻo nổi lên trong các xóm. Mới
nghe người ta ngỡ ai mở ra-dô đâu đó vì giọng ngâm hay hơn cả giọng ngâm của
các ngâm sĩ quen biết.
Ca sĩ vô hình ngâm lục bát như vầy:
"Đậu này nó nóng như Trương Phi,
Giòn như pháo nổ, mua đi các bà!"
Giòn như pháo nổ, mua đi các bà!"
Thì ra đó là chị mù bán đậu rang, còn quờ
quạng ngoài đầu ngỏ. Trước kia chị nầy đi hành khất. Từ ngày có lời khuyên răn
của cảnh sát, chị ta đổi nghề. Cảm động thay!
Đó là một nghệ sĩ có tài mà không tự biết,
người nghe cứ tiếc sao mình không có một cái máy ghi âm để thâu lấy giọng rao
hàng ngâm thơ của chị.
Chiều lại, một số hành khất chưa chịu
"hoàn lương" hiến cho ta những phút trở về quê cũ và thời xưa não
nuột khiến cho ta rưng rưng nước mắt, nhớ lại thời thơ ấu nào.
Tiếng "kêu cơm" của họ, nhứt là
vào những ngày sóc ngày vọng, đánh thức tỉnh trong lòng ta cả một dĩ vãng xa
xôi: một con đường mòn uốn éo qua làng, một bà lão xách bị than van trong chiều
tà:
"Ớ... ơ bớ cơm, bớ gạo, làm doan, làm
phước bố thí cho kẻ bần hàn..."
Sài Gòn bỗng chết mất đi và thôn dã hiện
lên với tất cả thi vị và đói rét của nó.
Đèn đường đã bừng cháy. Trời nóng bức
khiến ai cũng thèm cái gì ươn ướt mà ngòn ngọt. Vừa lúc ấy thì một thứ âm thanh
huyền ảo khác nổi lên.
"Ai... bột khoai bún tàu... đậu xanh
nước dừa đường cát hôn..."
Tiếng "cát" lên cao vút như đầu
ngọn thông rồi hạ xuống tiếng "hôn" nó cứ mõn lần trong đêm tối như
là giọng thỏ thẻ của một giai nhân (...)" (1957)
Câu dầm
Câu dầm theo lối "của tôi", tuy
cũng có xách theo tới "vài chục cần" nhưng không nhằm câu con cá nào
hết, mà nhằm "hứng lấy những hột mưa nhọn hoắt, đón những ngọn gió lạnh
quíu tay", nhằm được "bơ vơ trong bóng tối" mà "thèm thuồng
một ngọn đèn xa", được "rùng rợn vì tiếng vạc não nùng" v.v. Hứng
mưa, đón gió, thèm đèn, rợn người vì tiếng vạc, kế đến gặp được ông Ba Sa, bữa
câu đó coi như toại nguyện!
Tôi ưa đi câu, không phải để được cá bởi
vì tôi nặng bóng vía lắm:
"Cá không ăn câu, mồ cha con cá dại
Cần câu anh cầm, nghĩ lại con cá khôn."
Cần câu anh cầm, nghĩ lại con cá khôn."
Cũng không phải theo dấu của ông già sông
Vị đợi chờ chúa Thánh rước về làm tướng Tây Kỳ.
Đi câu, đối với tôi là những giờ mà lòng
được nhẹ bổng không buồn, không vui, lâng lâng như đã thoát trần. Đi câu là
những giờ rình một tăm cá hay lơ đãng ngó theo bóng chim thằng chài xẹt mau như
sao băng, hoặc xem "từng mây lơ lửng trời xanh ngắt". Đó là những
phút hồi hộp nhìn cái phao chìm lần... chìm lần, nghe đầu cần câu nặng nặng.
Rồi... roạch một cái, con cá gì đó đã sứt mép còn lưỡi câu thì góa mồi, mồ hôi
ngư ông nhỏ giọt... Đi câu là xem những con sông, ngọn rạch, tựa hồ như những
con đường biết đi, mang theo hình ảnh của cả một sự sống, một cuộc đời hiếu
động. Đi câu là vớt những trái tràm, những bụi cây rù rì trôi từ trên nguồn về
để nghe nó kể lể chuyện rừng xanh.
Tôi lại thích đi câu dầm. Vì vậy mỗi lần
về quê, tôi về vào mùa mưa để đi câu dầm, tìm lại những cảm giác đã sống qua
ngày nào.
Phải nói cho các bạn nghe câu dầm là làm
sao chớ. Có gì đâu: vài chục cần câu tre ngắn, đâu cần uốn cong như cây cung,
đuôi cần vạt nhọn, nhợ câu ngắn hơn cần một chút, lưỡi thép hơi to.
Ở làng tôi người ta gọi đó là câu cắm, là
vì cần câu được cắm dài theo bờ ruộng, có người lại kêu là câu bủa, vì cần
nhiều, bủa khắp đồng ruộng. Còn câu dầm của họ thì lại là một cách khác nữa.
Nhưng tôi có cần gì nói trúng một tiếng
nhà nghề của địa phương đâu. Câu dầm của tôi là một cuộc đi câu ban đêm, những
đêm mưa dầm, phải dầm mưa mà câu.
Ở đây, câu, đối với tôi cũng không phải là
bắt cá bằng cần. Đi câu dầm là hứng lấy những hột mưa nhọn hoắt, đón những ngọn
gió lạnh quíu tay để được tận hưởng trong tưởng tượng cái cảnh ấm êm, chăn gối
nệm bông.
Bơ vơ trong bóng tối, thèm thuồng một ngọn
đèn xa... Lắng nghe sự sống bí mật, âm thầm của côn trùng trong cỏ, trong
lau... Rùng rợn vì tiếng vạc não nùng như tiếng một cô hồn đau khổ, và tiếng
thì thầm của đêm tối, tiếng gió vi vu...
Đó là những thú lạ thường mà người kỳ khôi
hay tìm kiếm. Nhưng điều nầy thích hơn hết, là đi câu dầm thế nào cũng gặp ông
Ba Sa.
Ông Ba Sa là một người thuộc về âm. Ban
ngày không ai thấy ông đâu hết, trừ khi ông giúp đám ma, nhà héo, đi cúng chùa,
cúng đình. Những lúc hội họp xóm làng như vậy, ông ít nói chuyện với ai, không
hiểu vì thói quen sống cô độc, hay vì lẽ gì khác.
Như một con cú ăn đêm, bạn bè với bóng
tối, ông Ba chỉ ra khỏi nhà lúc đỏ đèn để đi câu dầm, về mùa mưa. Còn trong
những tháng nắng ruộng khô không biết ông làm gì.
Đêm nào tôi cũng thấy ngọn đèn ông Ba leo
lét đằng xa. Một khi kia nghe mình hiu quạnh cô đơn quá, cần phải nói với ai
một điều gì, hay ít ra cũng cần sự có mặt một "hơi" người bên cạnh,
tôi mò lần lại cái đóm đỏ, ẩn hiện như đèn ma đằng kia.
Ông Ba cũng không tìm cách trốn tránh gì
tôi, song cái miệng làm thinh của ông thì không ai cạy nổi.
Nhưng tôi đã có những chiếc đũa phép, một
điếu thuốc mời, rồi hai điếu, rồi ba, rồi không còn biết là mấy điếu nữa. Trong
những lúc như vậy mới biết hút thuốc điếu là sướng.
Cái sức nóng nhỏ mọn của điếu thuốc như
thấm nhuần khắp châu thân, nghe như đỡ lạnh mình và lạnh lòng.
Khói thuốc xui người khép nép nhứt cũng
phải cởi mở lòng. Lời qua, tiếng lại, ban đầu còn cụt ngủn, xẳng lè lần lần
thân mật, có bao nhiêu trút rót ra không tiếc.
Một tiếng sét đằng xa vọng lại, tức thì
ông Ba có chuyện Thiên Lôi, chuyện lưỡi tầm sét để nói cho tôi nghe liền.
Ông Ba biết rất nhiều chuyện yêu ma, và ở
đây, hoàn cảnh rất thích hợp để gợi sự hãi hùng, rùng rợn (...)
Những hàng me Sài Gòn
Bình Nguyên Lộc lang thang trên những vỉa
hè Sài Gòn cách nay mới sơ sơ... ngót sáu chục năm. Người lang thang đi rồi,
nhưng vỉa hè còn ở lại, me cũng còn ở lại tuy phong độ so với trước chắc suy
nhiều...
BNL ngó me, vừa vì mến me vừa do có ý muốn
theo dõi "cô Mùa". Tuồng như sợ nỗi nhớ mùa nọ mùa kia của mình chưa
đủ dông dài, nhân thấy me ngủ chiều, ông bèn nhớ luôn tuốt về thời tiền sử!
Những hàng me Sài Gòn bây giờ có bao nhiêu
gốc đủ già để biết người xưa?
Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ! Nó
không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt.
Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến
Tuyết không đẹp bằng những chị Mén, chị Vầu, thì cũng có những cây anh đào,
thanh tùng không đẹp bằng me, bằng me Sài Gòn.
Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không
cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ
những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên
vỏ sậm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không xơ rơ
như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên
nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi măng cốt sắt,
khô, nóng và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao!
Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me
phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng, những hàng me bầu
bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi
vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến
luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra...
Ôi, những hàng me chứa chấp cô Mùa, một cô
gái quê ít dám léo hánh đến thành phố. Chính trên mớ tóc xanh biến màu theo
thời tiết của ngươi mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hằng năm
len lén đến vài lần nơi thành phố.
Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào
đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng
Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.
Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo
màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa,
là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi-măng
của thành phố.
Ôi, những cây me ngủ chiều, gợi nhớ sự
nghỉ ngơi của đồng áng, gợi nhớ những nỗi buồn tiền sử của loài người, khi
chiều xuống họ hãi hùng nhìn cây ngủ, chim về, mặt trời chun xuống thiên nhai
không biết ngày mai sẽ trở lại hay không...
A... ha, những cây me vui, những cây me
rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những
hột nước làm cho ai nhăn mày...
Tôi thương Sài Gòn vì những hàng me. (1952)
Quà đêm trên sông Ông Lãnh
Vậy là "gã Bình Nguyên Lộc" còn
ưa "lang thang" dưới sông nữa, chớ đâu phải chỉ trên "hè
phố". Nhờ "gã" chịu khó đi rồi chịu khó ghi, mà nay ta mới được
thấy chút ít hình ảnh của con sông Ông Lãnh, tức con kinh Tàu Hũ, tức con lạch
Bến Nghé, một thời...
Món bánh canh cá rô, "hay tệ lắm (...)
cá lóc", không biết có còn nhiều người thích ăn?
"Con đò Thủ Thiêm"...
Khách chạy xe dưới đáy sông Sài Gòn bây
giờ có biết chăng xưa kia, trên mặt nước trên đầu mình, đêm đêm một "cô bé
(...) có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc" đã chèo qua chèo lại rao
bán "bắp non"?...
Nếu ban ngày con sông Ông Lãnh rộn rịp
sanh hoạt với những ghe thương hồ chở khẩm lừ trái cây và các thứ hàng hóa
khác, thì về đêm, một sự sống âm thầm nhưng không kém linh động, nổi lên trong
khi người ta ngỡ con rạch ngủ yên.
Ở đây không có xe hơi, không có ra-đi-ô,
không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh hồn của
nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng thành nhạc.
Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên
mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bóng
một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên: "Ai... chè đậu...
cháo cá... hông?".
Bất giác ta bị đẩy lùi về thế kỷ trước và
câu ca dao:
"Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm"
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm"
như được một người bình dân nào bập bẹ cho
nó thành hình, chập chững lần dò, bỏ một tiếng, thêm một lời, để tỏ tình gián
tiếp với cô bé chèo thuyền có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc.
Khách hàng dưới sông phần lớn là dân quê,
những trạo phu của ghe thương hồ. Vì thế quà ở đây cũng nấu theo lối quê, thật
thà nhưng đậm hương vị. Cháo cá ngọt cái chất ngọt của cá đen ở đồng chớ không
phải ngọt ngay nhờ bột ngọt hóa học như cháo trên bờ. Mùi thơm của chè đậu
trắng gợi nhớ mùa chè cúng đưa ông Táo ngày hăm ba Tết ở làng xa.
Lối bán hỗn hợp hai thứ quà mặn ngọt này
cũng là theo truyền thống nhà quê. Trên phố, người ta bán cháo cá vào giấc
sáng, thỉnh thoảng về đêm; chè đậu luôn luôn bán buổi trưa từ 11 giờ đến hai
giờ.
Quà trên sông Ông Lãnh luôn luôn nóng hổi,
vì bếp lửa khỏi phải gánh nặng nề, nên các nồi quà được nằm mãi trên cà-ràng
cho đến khi vơi tới đáy.
Ai đã ăn món xu xoa mật đường hạ trên kinh
Tàu Hủ vào mùa nực chưa? Đường hạ đen sản xuất ở Biên Hòa tiết ra một mùi thơm
đặc biệt mà đường cát trắng không có được. Khi thứ đường hạ ấy được nấu thành
mật để ăn bánh đúc hoặc ăn tàu hủ (óc đậu), xu xoa, thì hương vị của nó càng
đậm đà hơn.
Ta cứ nghe như là phảng phất đâu đây mùi
đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò, với
tiếng rít ghê rợn của các "ông che" (...)
"Kẹo đậu phộng trà Huế hông?". Ông
già rụng răng nầy rao nghe còn dở hơn chú Khách trên. Nhưng người ta cứ mong
lão tới.
Họ thích xem lão đưa cao ấm nước trà đang
sôi lên, rót trà xuống một tô nước lạnh, lão rót thế nào mà bọt dâng lên còn
nhiều hơn là bọt bia, không khát nước, trông thấy cũng cứ thèm.
Thích nhứt là xem lão ta uống, không biết
bao tử lão là bao lớn mà hễ khách quen thách uống là lão tự pha cho lão, không
phải một tô thường, mà một tô con rồng, thứ tô sứ giả sản xuất ở Lái Thiêu cách
đây bốn mươi năm mà ngày nay ít gia đình nào còn giữ được.
Tô ấy to bằng năm tô thường. Lão ta uống
một hơi, không nghỉ để thở lần nào cả. Những người biết lão nhiều, kể rằng lão
có tài ăn năm mươi chiếc bánh trôi nước có nhân, rồi uống liên tiếp hai tô nước
như vậy.
"Kẹo đậu phộng trà Huế hông?". Câu
hát không hay ho gì nhưng nghe yêu đời lắm, vì do miệng một kẻ yêu đời hát lên,
kẻ ấy đã ngót bảy mươi rồi và chắc không con cháu, nhưng chưa hề ai thấy lão
than thở một lần, đêm đêm quạt lò trà xành xạch để sống những ngày nhàn như
thời Sài Gòn chưa thấy xe hơi, những ngày một miếng kẹo, một tô trà Huế đậm và
một miếng trầu, cả ba thứ được bán chung lại với một giá kinh khủng là... một xu.
Lập đông ở miền Đông
"Anh Chín cất cái chòi này giống như
khoét một lỗ trong rừng. Chung quanh nhà anh, thảo mộc xanh mịt đứng sững lên
như thành giếng đóng rêu. Nhà anh Chín giống như nằm dưới đáy giếng, chỉ thấy
một mảnh trời tròn, nhỏ. Gió bấc lướt trên ngọn cây, té vào giếng ấy như nước
chảy vào chỗ trũng, và vì không có lối ra gió quay cuồng, càng vặn thêm lòng
người vốn đã lạnh.
Cái buồn chiều hôm, cái buồn một ngày mưa,
cái buồn đêm vắng cũng nghe không khó chịu bằng nỗi buồn nhìn cây lá xơ rơ trong
gió. Nghe như là một cuộc tang thương đã qua đó, và cái gì cũng đã hết, đã
chết, hoàn toàn trống rỗng từ ngoài vào đến bên trong."
Mặt trời mãi không thấy đâu hết từ sớm đến
giờ. Mây trắng đục phủ cả vòm trời và hối hả từ phía rừng sâu bay về đâu không
biết. Những hột mưa nhỏ xíu khi nhặt khi thưa cứ rơi mãi xuống mặt đất lầy
nhầy. Thỉnh thoảng những sợi nước nhuyễn ấy bị gió từng cơn thổi tạt, khi thì
xiên qua, khi thì xiên lại giống như những sợi chỉ treo vật gì, đánh đòng đưa
trước gió. Có khi gặp phải hai luồng gió ngược nhau, những sợi mưa ấy tréo lộn
với nhau như tre đan. Có khi hột nước mịn quá và rơi nhặt quá, bị gió cuốn, bay
như khói.
Gió nhẹ, mưa sương, nhưng anh Chín nghe
cái lạnh thấm tới đáy lòng anh. Nhưng anh không ngạc nhiên vì thời tiết. Đã ba
ngày rồi trời vẫn thế. Năm nào, vào độ này trời cũng âm u, vần vũ ba bốn ngày,
rồi mưa dứt hẳn, cùng với gió bấc trên rừng về, và mùa nắng bắt đầu thiêu đốt
vạn vật cho đến mùa mưa tới. Anh Chín nhớ rằng hồi ở dưới làng người ta gọi
cảnh thê lương này là "trời lập đông".
Vậy hôm nay là ngày thứ ba trong những
ngày lập đông ủ dột.
Những đám mây thừa trong lục địa bị đuổi
xua ra biển cả, như còn tiếc sứ mạng chưa tròn, đánh rơi mãi những giọt lệ giã
từ buồn như mưa Ngâu.
Anh Chín cất cái chòi này giống như khoét
một lỗ trong rừng. Chung quanh nhà anh, thảo mộc xanh mịt đứng sững lên như
thành giếng đóng rêu. Nhà anh Chín giống như nằm dưới đáy giếng, chỉ thấy một
mảnh trời tròn, nhỏ. Gió bấc lướt trên ngọn cây, té vào giếng ấy như nước chảy
vào chỗ trũng, và vì không có lối ra gió quay cuồng, càng vặn thêm lòng người
vốn đã lạnh.
Cái buồn chiều hôm, cái buồn một ngày mưa,
cái buồn đêm vắng cũng nghe không khó chịu bằng nỗi buồn nhìn cây lá xơ rơ
trong gió. Nghe như là một cuộc tang thương đã qua đó, và cái gì cũng đã hết,
đã chết, hoàn toàn trống rỗng từ ngoài vào đến bên trong (...)
Hai cặp trâu cổ, nhốt chung trong chòi,
phía sau, bỗng rống lên, những tiếng dài chết lần theo với tiếng gió hú trong
cây. Đàng xa thác nước Hàn Dài và Hàn Ông Sâm giận dữ đổ ào ào nghe như mưa
nguồn gầm trong cây lá. Tùy theo chiều gió, tiếng thác khi thì xáp lại gần như
muôn binh tiến đến, khi thì dịu lại như mưa sắp tàn (...)
Lập đông đã dứt trong đêm rồi. Mưa bụi
không rơi nữa. Mặt trời ban mai đã trở lại sau những ngày núp ẩn, để nghe chim
muông tung hô, chào đón. Qua các lỗ trống trên tàng cây, ánh nắng lò vào bóng
râm, thành những tia ngay bót như cây cột đình. Anh Chín thỉnh thoảng ôm lấy
những cây cột nắng đó để mà sưởi. Những lúc ấy anh sè tay hứng lá trắc tròn
xoe, vừa rơi vừa quay như chong chóng, hoặc những lá sao dài rơi xụi lơ xuống
đất.
Cùng với tiếng ve rân trong nắng sớm,
những tiếng tố hộ, tố hộ của loài công vang dội từ gốc rừng này đến gốc rừng
khác. Những man khê, suối dại rù rì đâu đó, dưới cỏ, trong rêu (...)
Rốt cuộc anh cũng tới nơi. Bờ sông Bé cao
nghều nghệu như muốn ép con sông nhỏ chảy dưới kia, sâu thăm thẳm. Vách lá xanh
đứng sững lên làm cho sâu thêm vực thẳm ấy. Bờ sông man rợ khiến dòng nước hiền
lành kia cũng mang một vẻ hiểm ác như chứa trong lòng nó không biết bao nhiêu
là thủy quái (...) (Trích từ truyện ngắn Thèm Người. Nhan đề phần trích tạm đặt.)
Nhờ thấy một người khách "rót cà-phê
ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống", "Kỳ mới hiểu, tại
sao chàng lại ưa thích tiệm cà phê nầy".
"Hồn ma cũ (...) giục chàng đến
đó".
Nhưng thiết tưởng người trong tiềm thức
không có hồn ma cũ nào hết, mà đọc nhằm:
"(...) những buổi sáng sớm mưa dầm.
Bên ngoài, mưa gió lạnh, mà ngồi được trước một tách cà-phê lên hơi, bên cạnh
cái lò chụm trấu, thì thú tuyệt vời",
chắc cũng muốn bước vô ngồi thử trong một
tiệm cà-phê cắc chú "truyền thống"...
Kỳ đẩy xe đạp qua các bờ đất, ra tới ngã
ba Cầu Kinh, thì mặt nhựt mới tô lợt son tàu lên tấm nền trời dựng sau những
ngọn dừa nước ở hướng Đông.
Từ đó mà ra Sài Gòn, vào giờ đường vắng,
chỉ mất mười lăm phút là cùng; Kỳ cũng chẳng có công chuyện gì cần phải làm
sớm. Thế mà chàng cũng cứ dậy khuya mà đi như mọi ngày.
Qua đường Hàng Sanh, qua đường Hàng Bàng,
qua đại lộ Hai Bà Trưng, xuống "Một Hình", rồi đổ ra Chợ Cũ. Kỳ đi
thật là lòng vòng, do các nẻo xa nhứt để đi tới đích.
Chợ Cũ còn dụi mắt, trừ các tiệm cà-phê.
Kỳ sung sướng như về quê nhà và vào ngay tiệm nước ở góc hai phố X.Y.
Chàng ngồi trước chiếc bàn con đặt sát
vách, không nhìn ai hết, cốt tránh thấy. Chàng muốn nghe nhiều và ngửi sâu. Ở
đây có những tiếng động, những âm thanh, những mùi vị quen thuộc và rất thân
yêu mà chàng mến thích.
Ngoài sau bếp, người thợ xíu-mại bằm thịt
bằng hai con dao Tàu, mà hắn hạ lưỡi dao xuống thớt theo một nhịp điệu kỳ lạ,
nghe như một khúc nhạc man rợ nhưng vẫn êm tai. Những anh phổ ky hô món ăn hoặc
hô số tiền, mà khách phải trả, không phải bằng văn xuôi, mà bằng lời hát có ca,
có kệ đàng hoàng. Khi một người khách đứng lên, hắn hát to cho anh thủ quỹ
nghe: "Ạ ...a... người đội nón nỉ đen á...à...à...sáu đồng lẻ bảy cắc
ạ...a...". Lẽ cố nhiên, hắn hát bằng tiếng Tàu, thổ ngữ Quảng Đông, câu
hát thành dài lê thê vì những á...a, á...à, nghe rất thú vị. Có một câu ngắn:
bạc tẩy tảl tống mùl mà hắn làm được một bài hát nhỏ, nghê nga đến lúc tách sữa
trứng gà bưng ra tới bàn khách, bài hát mới dứt.
Mùi bánh bao hấp từ các xửng dưới lò bốc
lên, mùi cà-phê rịn ra từ những chiếc vợt đầu tiên trong ngày, tất cả những
tiếng và hơi ấy tạo thành một không khí, mà Kỳ rất thích.
Ngày nay, các tiệm cà-phê "các
chú", phần đông đã đổi mới, không ca hát lăng nhăng nữa, không bằm dao
trên thớt theo một nhịp điệu riêng nữa, nên Kỳ chỉ vào tiệm nầy thôi. Chàng đã
ghiền không khí ở đây, ghiền cả thời gian nữa; phải ngồi tiệm vào lúc thật sớm,
như bây giờ, mới hưởng đầy đủ không khí một tiệm cà-phê cắc chú ngày xưa (...)
Kỳ còn ghiền một yếu tố nữa, mà không phải
lúc nào cũng đòi hỏi dược. Đó là những buổi sáng sớm mưa dầm. Bên ngoài, mưa
gió lạnh, mà ngồi được trước một tách cà-phê lên hơi, bên cạnh cái lò chụm
trấu, thì thú tuyệt vời. Càng thú hơn, khi nghe một anh phổ ky đối đáp với
khách hàng:
- Nị không lạnh sao, mà ở trần?
- Hà cái lầy pên Tàu lặng lắn (lạnh lắm)
qua pên lây lực lắn (nực lắm), khoong pết (không biết) lặng mà...
Kỳ ngồi làm thinh, không kêu món uống. Thế
mà anh phổ ky lại hát lên: "Vách bên trái, cà phê không thật đậm, nhớ lược
bằng vợt mới, nghe không". Rồi người thủ quỹ kiêm nhơn viên rót cà-phê,
nhìn chàng một cái, đoạn thi hành y theo lời phổ ky dặn dò.
Đó là yếu tố quan trọng nhứt của không khí
tiệm nầy. Đây là một tiệm cà-phê lâu đời và nhứt là một tiệm cà-phê giữ truyền
thống của họ, nên họ có những người khách lâu năm, rất lâu năm. Họ thuộc lòng
từ ý muốn nhỏ của mỗi người khách: người nầy ba muỗng đường; người kia một
muỗng rưỡi thôi. Còn khách thì không thốt ra lời nào cũng có kẻ dưng tới tay
món uống vừa ý.
Kỳ lấy muỗng nhỏ dò đáy ly cà-phê đen như
thuốc Bắc: chỉ có độ một muỗng đường cát ở dưới ấy thôi, thật là đúng sở thích
của chàng. Chàng gác muỗng lên miệng dĩa, cúi xuống hớp một hớp cà-phê, chấp
chấp lưỡi để nghe mùi thơm của nó (...) .
Ngày nào cũng thế, chàng ngồi đó như một
vị tiên bất tử. Khách hàng, hết lớp nầy đến lớp kia ra vào, y như các thế hệ
người kế tiếp nhau mà tàn mọc trên dương thế, còn chàng thì ở ngoại càn khôn mà
nhìn những kiếp sống phù du nầy (...)
Mưa thu nhớ tằm
Trời, đọc Bình Nguyên Lộc mới biết cái khu
phố đông đúc khô khan nơi mình lớn lên, trước đó không lâu nó đã là một
"ngoại ô xa (...) khá nên thơ" có tre, có cả cây dâu tằm!
Cầu Mới chắc là cầu về sau gọi cầu Trương
Minh Giảng, bắc qua kênh Nhiêu Lộc nước đen thui. Chợ chồm hổm Bà Y thì chịu
không đoán nổi vốn đã ở chỗ nào...
Chắc không phải ngẫu nhiên mà BNL tìm thăm
xóm Quảng để tình cờ gặp cây dâu tằm đâu. Vì ông vốn có gốc Quảng. Bác Y xa quê
ở nhớ tằm nuôi, còn người phỏng vấn bác hôm trời mưa dầm năm nọ, có phải người
ấy xa quê trong gia phả rồi nhớ cái gì đó chưa từng thấy mà tìm đến?
Đi đường Trương Minh Giảng để ra ngoài đô
thành, khi qua khỏi Cầu Mới, bên tay mặt khách, đâm ra một con đường phố mới,
chưa có tên, tạm gọi là Lộ 18.(2)
Bên phía tay mặt phố là một xóm nhà lá khá
sầm uất, có cả một cái chợ chồm hổm nơi đó, tục gọi là chợ Bà Y.
Đó là xóm nhà của đồng bào Quảng Nam -
Quảng Ngãi tới đây lập nghiệp từ lâu, kẻ trước người sau, từ hơn hai mươi năm
nay.
Người ta giới thiệu tôi với gia đình ông
Y, mà tên của người vợ được lấy đặt tên chợ.
Ông Y, là một bác thợ dệt, gốc ở phủ Điện
Bàn, tỉnh Quảng Nam, vào đây sanh sống từ những năm đói kém tiền chiến.
Bác ta làm công cho một xưởng dệt Khách ở
Chợ Lớn.
Hôm tôi vào xóm Quảng Nam năm ấy, trời
giữa thu như độ nầy (...)
Mưa dầm không nặng hột cứ rơi mãi không
thôi (...)
Tôi hỏi thăm bác Y về đời sống hằng ngày ở
Quảng Nam, hỏi tên những cây mọc dựa đường, tên địa phương của dụng cụ nông
nghiệp v..v. và xin bác đọc cho chép một mớ ca dao địa phương mà bác nhớ (...)
Ngồi nhìn giọt tranh mãi cũng chán, nên
tôi lén quan sát người chủ nhà hà tiện lời kia. Bỗng tôi sực nhớ một cử chỉ của
bác ta mà tôi bỏ qua từ lúc khởi đầu nói chuyện: là mắt bác luôn luôn nhìn ra
góc trái sân nhà và không bao giờ rời chỗ đó ra.
Chà, bậy quá, tôi nghĩ thầm. Té ra bác ta
có một công việc quan trọng nơi đó mà phải bỏ dở vì mình. Tôi nhìn theo chỗ ngó
của bác Y. Qua những làn mưa tro trắng đục, tôi thấy lơ thơ vài bụi sả đang ngã
nghiêng trước gió. Phía sau mấy bụi sả là một cây dâu già, to bằng cây ổi bốn
năm tuổi.
Nước mưa thoát ra đường mòn trước nhà do
góc rào đó và mài khuyết đất quanh gốc dâu. Một cái mương nhỏ đang đào dở chừng
để xuyên tạc đường nước, bấy giờ đã bể bờ và nước lại trở về đường cũ.
Thì ra hồi nãy bác Y đang bận cứu cây dâu,
chừng như quí lắm nên bác ta mới dầm mưa mà làm việc và hiện đang sốt ruột
trông thấy.
- Cây dâu nầy bác trồng à ?
- Dạ, trên mười năm rồi!
- Để làm gì, rơ miệng cho các cháu?
Ta có tục tẩy lưỡi trẻ con bằng lá dâu vì
thứ lá nầy nhám.
- Dạ không, tôi không có con.
- Vậy để đuổi tà ma?
Bác Y mỉm cười:
- Tôi không sợ ma quỉ cho lắm.
Mặt bác Y giãn ra, bớt vẻ băn hăn bó hó.
- Chớ bác trồng dâu làm gì ?
- Để cho nó giống làng tôi. Trong Nam nầy,
ít khi tôi được thấy cây dâu lắm, nhứt là ở Sài Gòn.
- Ngoài bác, người ta trồng dâu nuôi tằm
hả?
Nghe nói tiếng "tằm", mắt bác Y
bỗng sáng lên rồi ươn ướt.
Tôi chợt hiểu bác ta, kéo ghế ngồi xít lại
gần bác rồi hỏi thêm, giọng cố thân mật:
- Cây dâu khiến tôi nhớ tằm. Có phải để...
Bác Y bẽn lẽn như con gái bị người ta đoán
trúng tim đen, nhưng lại sung sướng đến mọc óc trên da mặt.
Bác quên tôi là người lạ, nắm lấy tay tôi,
nói một thôi không ngớt:
- Những ngày trời ủ dột như vầy, tôi nhớ
nhà thì ít mà nhớ tằm sao mà như nhớ người tình nhơn đầu. Tôi nhớ
"hén" lạnh, tôi nhớ "hén" đói vì dâu ướt át suốt ngày, khó
tìm ra dâu ráo cho "hén ăn".
Bác Y nói đến con tằm mà y như người ta
nói đến một người bạn, dùng tiếng "hắn" để kêu nó, và cái giọng Quảng
Nam biến hắn ra hén, nó bùi ngùi làm sao buổi trưa hôm đó.
- Nên tôi trồng cây dâu nầy để sáng sáng,
chiều chiều ra nhìn lá mà nhớ hén. Nhiều đêm, nằm vừa thiu thiu ngủ là tôi nghe
văng vẳng tiếng rào rào, ngỡ hén đang ăn lên, tôi vụt ngồi dậy rờ quanh thì
không có gì hết. Buồn quá tôi thắp cây đèn dầu, chạy ra sân soi vào lá với hy
vọng hão huyền tìm gặp một con tằm hoang. Lạ thiệt! Hồi xưa, tằm vẫn ở hoang
chớ phải không thầy? Nhưng sao bây giờ không có tằm hoang nữa. Tôi trồng cây
dâu nầy mười năm, mỗi đêm mỗi trông đợi mà không bao giờ gặp tằm hoang cả.
Lúc ấy từ nhà ai ngoài sau, vọng đưa ra
tiếng hát ru con. Tiếng ấy hát rằng:
Ù... Ơ... Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Con tằm đỏ chín, con đê đỏ mùi.
Con tằm đỏ chín, con đê đỏ mùi.
- Thầy có thấy tằm "hén"chín đỏ
bao giờ chưa? Trời, nó khéo (3) và nó dễ thương làm sao! Hén ngủ "thức
lớn" rồi hén thức chơi với mình suốt bảy ngày, rồi hén "chộ".
Xong là hén chín. Ban đầu một vài con, rồi cả nong đều chín đỏ như người bạn
trung thành đang đau khổ dồn hết bao nhiêu máu huyết lại để chuẩn bị nhả tơ cho
ta dùng. Thương biết bao nhiêu!
À, thầy nên chép câu ca dao nầy mà hồi nãy
tôi quên:
"Thương tằm cổi áo bọc dâu
Ngỡ tằm có nghĩa, hay đâu bạc tình".
Ngỡ tằm có nghĩa, hay đâu bạc tình".
Con tằm hén giống như đứa con èo uột. Hén
hay đau ốm lắm. Mình cực khổ với hén hết sức mà lắm khi hén bạc tình, hén lăn
ra chết ráo nạo từ nong nầy qua nong khác. Mà có lẽ cũng vì hén như hũ mắm treo
đầu giàn như vậy nên mình thương hén càng nhiều chăng? Mà thầy ôi, bạc tình
chính là tôi, chớ không phải tằm đâu. Tôi đã bỏ tằm, vô trong nầy... người bạn
tôi có lỗi gì đâu (...)
Bác Y lại tiếp:
- Tơ mà nó vô tới Sài Gòn thì mùi tằm
không còn được bao nhiêu. Tôi ưa hít tơ lắm, như là hít áo của một người yêu để
nhớ hơi, mà tơ ở đây, hít đến mệt phổi cũng không nghe hơi hám gi.
Mưa đã dứt. Người bạn tôi đã nhiều lần
ngáp dài giữa câu chuyện "con tằm đỏ chín" nầy nên đứng dậy kiếu về.
Tôi siết chặt tay bác Y.
Ra đến ngoài, bác còn hỏi tôi:
- Chắc thầy cũng thương tằm lắm phải không?
Tôi nhìn mặt thầy thì đoán biết.
- Phải - tôi nói láo bừa - tôi thương tằm
lắm. Bà nội tôi ngày xưa có để tằm mà! (Thu 1956)
Thơ Ba Mén
Quán nhỏ. Có người ngồi uống cà-phê ngó
ghe đậu dưới bến, "bỗng chạnh tình quê", nước mắt rưng rưng. Người ấy
rồi để ý bàn bên cạnh có ông cũng đang "khóc trộm"...
Hai người "đồng tâm" kể cho nhau
nghe chuyện xóm làng mình, người này kể tới đâu người kia thấy "cõi lòng
ấm dịu, bàng hoàng bâng khuâng" tới đó...
Rồi có Bình Nguyên Lộc không biết ở chỗ
nào mà cũng nghe được chuyện, mà viết thành thơ để "thương những người
chìm nổi"...
Thơ quê chơn chất đôi lời,
Tình kia cảnh nọ rụng rời lòng ai!
Tình kia cảnh nọ rụng rời lòng ai!
Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà-phê.
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Quán bên hè, uống tách cà-phê.
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Bến Ông Lãnh màn mưa bao phủ,
Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia.
Ghe ơi, vài bữa ghe về,
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?
Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia.
Ghe ơi, vài bữa ghe về,
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?
Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu.
Năm năm, bao cuộc bể dâu?
Phút giây in lại như hầu hôm qua.
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu.
Năm năm, bao cuộc bể dâu?
Phút giây in lại như hầu hôm qua.
Bàn bên cạnh, một ông bới tóc,
Liếc sang nhìn đang khóc trộm thầm,
Đoán mình là kẻ đồng tâm,
Lân la nói chuyện. Mưa dầm cứ rơi.
Liếc sang nhìn đang khóc trộm thầm,
Đoán mình là kẻ đồng tâm,
Lân la nói chuyện. Mưa dầm cứ rơi.
Cà-phê nóng lên hơi nghi ngút,
Lò than hồng lách tách nổ ran.
Nghe người kể chuyện xóm làng.
Cõi lòng ấm dịu, bàng hoàng bâng khuâng,
Lò than hồng lách tách nổ ran.
Nghe người kể chuyện xóm làng.
Cõi lòng ấm dịu, bàng hoàng bâng khuâng,
Viết lại đây mẩu đời luân lạc,
Thương những người chìm nổi, đầy vơi.
Thơ quê khôn tả hết lời,
Để ghi dấu vết một thời chiến tranh.
Thương những người chìm nổi, đầy vơi.
Thơ quê khôn tả hết lời,
Để ghi dấu vết một thời chiến tranh.
Dâng má thương
"Thổ ngơi thơm phức", vì là nơi
"má thương" xưa đã ở.
"Hồn đất", "hồn
ma..."...
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đây bây giờ"!
Hồn ở đây bây giờ"!
Từ đáy thời gian, dậy tiếng ru
Ầu ơ lời má, giọng trầm phù
Má ơi, hồn đất bao năm thiếp
Bỗng chốc trưa nay vẳng, tít mù...
Ầu ơ lời má, giọng trầm phù
Má ơi, hồn đất bao năm thiếp
Bỗng chốc trưa nay vẳng, tít mù...
Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa
Thổ ngơi thơm phức: hồn ma cũ
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa
Thổ ngơi thơm phức: hồn ma cũ
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ
Ngày qua, năm tháng cứ trôi xuôi
Một phút nhớ xưa, thoắt ngậm ngùi
Những ngỡ tro tàn trong bếp lạnh
Hay đâu than ngún dưới tro vùi
Một phút nhớ xưa, thoắt ngậm ngùi
Những ngỡ tro tàn trong bếp lạnh
Hay đâu than ngún dưới tro vùi
Ngược dòng năm tháng mấy dòng này
Những áng tuyết xưa gợi lại đây
Gởi cả muôn thương cùng vạn nhớ
Tân Uyên đất má, thảm vơi đầy.
Những áng tuyết xưa gợi lại đây
Gởi cả muôn thương cùng vạn nhớ
Tân Uyên đất má, thảm vơi đầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét