Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Cao Xuân Huy nghĩ về triết

Cao Xuân Huy nghĩ về triết
Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh gọi Cao Xuân Huy là "Nhà đạo học của thế kỷ 20".
"Đạo học" là gì? Là cái học về triết lý Đông phương. Tức nhà đạo học là nhà triết học chuyên về triết Đông.
Cao Xuân Huy "chuyên trị" Đông, nhưng cũng rất am tường Tây. Đối chiếu với cái tương phản vẫn là một cách giúp ta hiểu chính mình sâu sắc hơn.
Đọc Tư tưởng phương Đông – Gợi những điểm nhìn tham chiếu, người đọc có niềm vui thấy cái nghĩa lý hay ho của tinh thần Đông phương được nói ra một cách đích đáng. Sau đây là một trích tuyển.
"Cái sinh khí được thêm vào những yếu tố khoáng vật để tạo thành sinh vật không phải một thực chất do khoáng vật sinh ra mà là một khả năng đã có sẵn ở trong Toàn thể, trong Bản thể" (tr. 165). "Nhìn theo quan điểm chủ toàn thì từ khoáng vật đến sinh vật không có một sự nhảy vọt, một sự biến chất nào cả; giữa khoáng vật và sinh vật, không có một sự dị biệt về tính chất mà chỉ có một sự dị biệt về trình độ" (tr. 172). Giữa "hạt bụi nào" với "thân tôi" không có "một sự biến chất nào cả". Chẳng qua Trịnh Công Sơn "trình độ" hơn bụi. Trình độ mấy rút cuộc cũng phải "về làm...". Và lúc nào cũng có hằng hà sa số hạt bụi đang "hóa kiếp" thành hằng hà sa số "tôi"... "Dịch" mới vui.
"Với phương thức chủ toàn, tư tưởng xuất phát từ toàn thể để đi đến bộ phận (...) toàn thể quyết định bộ phận; toàn thể không phải chỉ là tổng số của bộ phận, nghĩa là các bộ phận cộng lại không nói hết được cái nội dung của toàn thể - đặc tính của một bộ phận bị quyết định bởi quan hệ của nó đối với toàn thể và đối với các bộ phận khác (...) Phương thức chủ toàn của tư tưởng có tính hữu cơ, năng động, liên tục" (tr. 83). Phương thức chủ biệt của tư tưởng xuất phát từ bộ phận để đi đến toàn thể, (...) bộ phận quyết định toàn thể, toàn thể là do các bộ phận ghép lại mà thành, toàn thể chỉ là tổng số của các bộ phận (...) Phương thức chủ biệt của tư tưởng có tính cơ giới, cố định, gián đoạn" (tr. 84). "Trong hai phương thức tư tưởng trên đây đều có nhu cầu dị biệt hóa và đồng nhất hóa. Phương thức chủ toàn dị biệt hóa toàn thể vũ trụ thành những cái toàn thể cục bộ, những cái hệ thống hữu cơ lớn và nhỏ, có quan hệ tương hỗ với nhau. Nó đặt lên trên toàn thể vũ trụ một tính đồng nhất tuyệt đối và lên trên mỗi hệ thống cá biệt một tính đồng nhất tương đối. Phương thức chủ biệt của tư tưởng cũng có nhu cầu dị biệt hóa và đồng nhất hóa, nhưng trái lại với phương thức chủ toàn, nó đem cái nguyên lý "đồng nhất" tuyệt đối đặt lên trên mỗi sự vật cá biệt" (tr. 84). Tóm lại, người nghĩ chủ toàn thấy vũ trụ là một sinh vật, kẻ nghĩ chủ biệt thấy vũ trụ là một cái máy. Có phải sinh vật vũ trụ có "trình độ" cao hơn tất cả hằng hà sa số sinh vật mà nó chứa?
"(Nếu bảo rằng:) Chủ thể là chủ thể, chủ thể không phải là khách thể; khách thể là khách thể, khách thể không phải là chủ thể; chủ thể là một cái tuyệt đối, khách thể cũng là một cái tuyệt đối, chúng hoàn toàn bài trừ lẫn nhau, thế thì làm sao chủ thể biết được khách thể?" (tr. 79). Khách thể tuyệt đối chẳng qua là một mớ khái niệm trong óc những người hay khái niệm hóa những cái họ thấy!
"Cái thế giới mà chúng ta tri giác được chỉ là một cái màn ảnh giăng ra trong tâm giới chúng ta, chỉ có điều nhà duy vật luận thì cho rằng cái màn ảnh ấy phản ánh một thế giới có thật, còn nhà duy tâm luận thì nói rằng nó chỉ là một cái huyễn cảnh do ý thức của chúng ta tạo ra mà thôi. Cả hai chủ trương này đều bị hãm vào mâu thuẫn nội tại, cả hai đều được xây dựng trên cái nguyên lý đồng nhất điên đảo vì cả hai đều đã đồng nhất hóa một cách tuyệt đối chủ thể và khách thể, tâm và vật" (tr. 106). Một thời gian dài, người Tây phương cuồng tín duy tâm, sát hại vô số vì kỳ thị tôn giáo.(1) Bây giờ họ cuồng tín duy vật, say sưa khoa học, đạo Chúa coi như chỉ còn là nét văn hóa truyền thống. Việc để cho vật chất độc tôn đang khiến văn hóa tinh thần Tây phương suy thoái hết sức trầm trọng. Người Đông phương, nhất là người Việt Nam, vốn không cực đoan. Nhưng đến thế kỷ 20, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt khó khăn, ta bắt đầu lây cái bệnh "duy" của Tây.
"Các hiện tượng đều là những trạng thái của bản thể, không có vấn đề quan hệ nhân quả giữa hai hiện tượng nhất định mà chỉ có vấn đề quy luật xuất hiện của một trạng thái nào đó, sau một trạng thái nào đó" (tr. 113). Sân rồi đến nhà. Sân đâu phải là "nhân" của "quả" nhà. Ăn là "nhân" của "quả" no như ta quen nghĩ, hay giữa ăn với no cũng như giữa sân với nhà? Óc ta có khuynh hướng xem "trước, sau" giữa việc với việc khác "trước, sau" giữa vật với vật. Thời gian nẩy sinh từ đó. Thử đừng phân biệt thời gian với không gian. Thử hình dung toàn thể thực tại như một "cục", mà thời gian chỉ là một kích thước. Mỗi lát mỏng vô cùng của cục ấy là thực tại ở một "thời điểm"... Nhưng có lẽ mọi cố gắng hình dung đều quá thô sơ.
"Theo thầy tôi, mỹ cảm là sự cảm thụ trực giác về sự hài hòa giữa tính nhất thể và tính đa dạng, giữa tính đồng nhất và tính dị biệt, giữa động và tĩnh, giữa sự hợp nhất và sự phân hóa (...) niềm khát khao da diết của con người vươn tới cái đẹp chính là nỗi nhớ nhung (...) không phút nào nguôi đối với sự hài hòa nguyên thủy".(2) Cái đẹp không thể tính toán mà thấy, mà làm ra được. Loài người ngày càng say sưa tính toán, say đến nỗi vớ được cái gì là "tính" cái ấy, kể cả cái đẹp. Lý luận về nó, trời ôi! Xin hãy hướng cái óc khoa học về "Luật Cuối Cùng" mà để yên cho "sự hài hòa nguyên thủy".
"Ðạo là bản thể của vũ trụ (...) Thường hữu nghĩa là (...) tồn tại một cách hằng thường, vĩnh cửu, không bao giờ mất (...) Thường vô nghĩa là (...) tồn tại mà không có hình thể (...) sinh ra trời đất vạn vật mà không thành trời đất vạn vật (...) Đạo (...) là thường vô cho nên (...) lại là thường hữu"(tr. 419-420). Đạo không có hình thể thì làm sao biết là "có"? Thử nghĩ nếu không có Đạo thì vạn vật ở đâu ra? Nếu không có biển, làm sao có sóng?!
"Phàm vật gì cũng có thể chất của nó và đức tính (hay bản tính) của nó. Chẳng hạn, nước thì thể chất của nó là H2O, đức tính hay bản tính của nó là (...) lỏng (...) loãng (...) Ðức tính của nước phát ra ngoài thành tác dụng, như thấm vào đất nuôi cây cối, bốc lên thành mây mưa v.v. (...) Ðạo là bản thể của vũ trụ; mà Ðức là bản tính, năng động tính, và tác dụng của Ðạo" (tr. 420-421). Chúng tôi cho rằng Đức là "cái sức đẩy nội tại đằng sau mỗi vòng sinh diệt. Ðức khiến Ðạo sinh vạn vật, rồi Ðức đẩy vật theo hướng ly căn, khiến vật mỗi lúc mỗi thêm xa Ðạo. Nhưng đến lúc nào đấy, Ðức sẽ bắt đầu đẩy vật theo hướng ngược lại để vật qui căn, về Ðạo".(3)
"Tống Nho đã (...) gán cho Khổng Tử những tư tưởng triết học của Lão Tử. Ngoài ra, Tống Nho lại còn vay mượn cho Nho giáo nhiều khái niệm (...) của Phật giáo (...) cái mà người ta gọi là (...) Tân Nho giáo này thật ra chỉ là một hỗn hợp phẩm giữa Lão, Phật và Khổng" (tr. 179). Việc Nho giáo rút cuộc phải chấp nhận "hỗn hợp" với tư tưởng Lão, tư tưởng Phật, việc ấy thực ra nghĩa lý thế nào?.
Thiết tưởng, trên hết, nó phản ánh cái thực tế là sau bao nhiêu thế kỷ liên tục bành trướng về phía nam, chiếm đất của những dân tộc phi - Hoa, sống chung với họ, hợp chủng với họ, người Tàu đời Tống không còn là người Tàu thời Khổng Tử. Đến Tống, đã quá lâu cư ngụ nơi "thủy thổ" khác phương bắc, tiếp xúc với văn hóa khác văn hóa phương bắc, thậm chí trong huyết quản cái máu Hoa thực tế đã bị máu Việt tộc mơ màng pha đậm vào, làm sao người Tàu có thể tiếp tục "viễn chi" chuyện siêu hình được nữa?!. Ðã có quá nhiều lời về chuyện người Hoa "hóa" các dân tộc khác. Tưởng đến lúc nên xem xét kỹ chuyện người Hoa bị hóa.(4)
"Con người phương Tây càng ngày càng bị giam hãm trong ý thức của mình" (tr. 148). Chúng tôi thấy câu chuyện mình tự giam mình nó như thế này. Người Tây phương bây giờ đặt trọn niềm tin vào khoa học, đồng hóa Thượng Đế với "Luật Tự Nhiên Cuối Cùng". Cuộc hành trình đi tìm Luật có đặc điểm là dọc đường người đi liên tục đạt những tiến bộ vật chất có giá trị củng cố niềm tin. Càng đi càng tin, càng tin lại càng cố đi, cứ thế "buồng giam" ngày càng chật, rút cuộc sẽ chỉ còn chứa được đúng một cái máy vi tính hữu cơ quen gọi là "người"! À, cũng nhờ những tiến bộ vật chất ngoạn mục, người Tây phương coi như đã lôi kéo được toàn thể nhân loại vào "ở tù" chung với họ rồi.
(1) Xem bài "Người Tây cuồng tín" của Nguyễn Hiến Lê đăng trên trang gocnhin.net.
(2) Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt văn Việt người Việt, nxb. Trẻ, 2001, tr. 378.
(3) Xem bài "Một cách hiểu Đức" của TT in trong Cảm nghĩ miên man, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2015.
(4) Xem bài "Mềm như nước", sđd.
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...