Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Con đường viết của tôi

Con đường viết của tôi 
1/VIẾT CHO MÌNH 
HAY VIẾT CHO NGƯỜI
Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt luôn tập thơ ép hoa lá kỳ công suốt 3 năm liền ấy đi. Một khi đã nhận thấy sự ấu trĩ của mình, nhìn lại vào cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đang viết dở, cũng thấy sao mà dở tệ, vì thế, tôi đã xé nó đi (Hồi đó còn đang viết tay). Nguyên nhân khiến tôi cảm thấy những bài viết của tôi ấu trĩ hay dở tệ là bởi cái tôi khi viết và cái tôi của các chuẩn mực, nhận định hoàn toàn chênh lệch nhau. Đoạn này, tôi sẽ trình bày kỹ ở các phần sau. Sau đó, tôi lại muốn viết một cuốn tiểu thuyết dã sử, vừa có màu sắc thần tiên, vừa có màu sắc kiếm hiệp.  Và thế là tôi đã dành 2 năm (Nửa cuối năm lớp 6 đến nửa đầu năm lớp 8) để tìm tài liệu lịch sử, văn hóa cho nó, và xây dựng một đề cương chi tiết về những biến cố sẽ diễn ra trong một bộ tiểu thuyết gần 1000 trang. Tôi viết nó liên tiếp trong hơn 2 năm. Nhiều lần bị gián đoạn, nhiều chương phải viết đi viết lại. Đó là những ngày mà sáng và chiều vẫn phải ở trên lớp học (tôi học lớp chọn ở một trường rất danh tiếng, nên áp lực rất lớn), tối đi học thêm và làm bài tập về nhà, tôi chỉ có khoảng từ 11h đêm đến 4h sáng để viết tiểu thuyết. Và sáng hôm sau, 6 rưỡi đã phải dậy để đi học. Tôi đã bắt đầu con đường văn chương của mình như thế đấy. Khởi đầu cho việc viết chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là viết chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi sự thử nghiệm, chấp nhận thất bại, khả năng tự đánh giá bản thân, sự tìm tòi nghiên cứu (có thể trong sách vở hoặc cuộc sống), và đặc biệt, kỷ luật cá nhân.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy, tôi đặt tên là “Điệu nhạc trần gian”(Xuất bản 2004, NXB Phụ Nữ) với ẩn ý rằng mọi vẻ đẹp của cõi trần và hiện hữu với đủ sắc thái hỷ lạc sầu bi đều hơn những tham vọng cao xa như tột đỉnh quyền lực hay thần tiên thoát tục. Khi đem sách tới các Nhà xuất bản, các Nhà xuất bản không dám nhận in vì cho rằng tôi ăn cắp bản thảo ở đâu đó và cương quyết rằng với độ tuổi của tôi, tôi không thể viết được một cuốn sách như vậy, với những tư tưởng như vậy. Tôi đã từng đưa cuốn sách này đến gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông Khoa lúc đó còn khuyên tôi là viết cho người Việt Nam thì chỉ cần viết về “củ sắn củ khoai” là được rồi. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười khẩy một cái rồi quay đi. May sao, cuốn sách đến tay nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cảm thấy thích thú với cuốn sách nên đã cùng vài người bạn khác giúp tôi xuất bản sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì dành cho tôi những lời khen ngợi cuốn sách như sau: “Bố cục lớp lang liền mạch, nhân vật rõ ràng, tả người có dáng, tả cảnh có hình, tả tình có điệu… Chuyện là chuyện tiên ma nhưng đời là đời thực, tình là tình thực, và điều này đọc tác phẩm người đọc có thể thấy thuyết phục.” Khi được xuất bản, nhiều nhà báo đã viết về tôi, nhiều bạn đọc gửi thư cảm ơn và tỏ lòng mến phục. Tôi cho rằng, tôi đã thành công ở độ tuổi ấy. Và cuốn “Điệu nhạc trần gian” đến nay, khi nhìn lại, dù rất nhiều lỗi tư duy và dùng từ, nhiều non nớt trong xây dựng nhân vật, nhưng tôi vẫn thấy kết quả ấy là xứng đáng với những gì tôi đã bỏ ra lúc ấy. Có thể, thời gian sắp tới, tôi sẽ sửa chữa lại để cuốn sách hoàn thiện hơn, phù hợp với tôi hiện nay – vốn đã tự định hình rõ rệt.
Tôi kể lể rất dài để muốn nói với các bạn rằng viết lách thật sự rất khó khăn, rất nhiều những vấn đề phải đối mặt, mà không phải chỉ có ý tưởng, chỉ có kỹ năng là các bạn đã có thể viết được. Cho dù bạn viết một bài thơ bốn câu, một bài tản văn, một bài báo xã luận bình thường, một bài tâm tình trên blog, hay truyện ngắn, tiểu thuyết… bạn cũng phải đối mặt với rất nhiều thứ phức tạp đến từ bên trong bạn.
Trong loạt này, tôi sẽ đề cập đến những khó khăn, những ảo tưởng mà chúng ta phải đối mặt với việc viết. Có thể những điều này sẽ không cần thiết với những ai muốn nhanh chóng viết được một bài quảng cáo hoặc tuyên truyền, nhưng tôi hi vọng rằng những kinh nghiệm của tôi sẽ có ích cho những người muốn viết một cách nghiêm túc (dù có đeo đuổi con đường chuyên nghiệp hay không).
Viết cho mình hay viết cho người khác
Đây là câu hỏi khiến tôi dằn vặt suy nghĩ mất nhiều năm. Trong nhiều năm đó, tôi chẳng viết gì nên hồn. Một phần là do những gì tôi tự viết cho mình không bị tịch thu sau khi xuất bản thì cũng cả một dàn nhà báo lên tiếng phẫn nộ. Điều này cũng khiến tôi phải suy nghĩ về cách viết của mình. Tôi cứ liên tục đặt các chuỗi câu hỏi: Nếu mình viết cho mình thì mình cần gì phải viết, cứ để gió cuốn trôi thôi. Nếu mình viết vì người khác thì phải cố làm thế nào cho đại chúng có thể chấp nhận mình, mà tiêu chuẩn của mình và đại chúng lại khác xa nhau một trời một vực. Và thế là tôi chán, không viết nữa. Tôi sẵn sàng bán khả năng viết của mình cho các dự án truyền thông, phim truyền hình ngớ ngẩn để lấy mấy trăm triệu đi chơi bời trác tang, coi như cũng xong một đời.
Tôi chỉ thực sự thoát ra vũng lầy của các chuỗi câu hỏi ấy khi tôi viết tiểu thuyết “Thiên Mã” (Xuất bản 2010, NXB Kim Đồng). Đây là một cuốn truyện khoa học viễn tưởng, có một chút màu sắc tâm linh. Trải nghiệm khi viết cuốn sách này rất thú vị. Tôi phát hiện ra là những điều tôi biết trước đây, thông qua việc viết kết nối lại với nhau một cách tự động, thậm chí phạm vi nhận thức của tôi còn được mở rộng. Lúc này, tôi mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc viết cho mình.
Viết cho mình không phải đơn giản là nỗi lòng của mình có gì thì phơi bày ra hết, “Mình” là một cái gì đó rất rộng lớn mà chính bản thân chúng ta cũng không hiểu hết. Bạn chỉ nhận thức được bề mặt của cái “mình” ấy thôi, giống như việc bạn có thể nhìn thấy được màu da, bàn tay, bàn chân, khuôn mặt…v…v…, nhưng không dễ gì để nhận biết các chuyển động của xương khớp, sâu xa hơn là các hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục… và càng bất khả thi để cảm nhận các nội tiết tố của chúng ta vận hành thế nào. Đó chỉ là cái bất khả tri trong cơ thể vật lý, hãy tưởng tượng thế giới tâm trí của chúng ta sẽ khó khăn để hiểu như thế nào. Bởi vậy. Viết không phải chỉ để bộc lộ, mà là quá trình sắp xếp tư duy bản thân, thậm chí đột phá vào các ngóc ngách bên trong của mình mà thông thường chúng ta sẽ không có nhiều dịp để chạm tới. Do đó, viết cho mình là một quá trình nhận biết bản thân một cách sâu sắc và tập trung. Hamvas Béla, triết gia Hungary yêu thích của tôi còn cho rằng Viết là một hoạt động Yoga tinh thần.
Nhưng viết cho mình không có nghĩa rằng chúng ta được quyền bừa bãi với câu chữ. Không viết đúng chính tả, không viết đúng ngữ pháp, dùng từ ngờ nghệch, câu cú không chuẩn, cấu trúc bài lộn xộn… không phải là sống đúng với bản chất mà là do sự khiếm khuyết trong khả năng tư duy và vốn kiến thức của chúng ta gây ra. Nếu bạn coi việc viết là để hoàn thiện mình thì bạn cần thiết phải gia tăng khả năng tư duy và vốn kiến thức. Bạn muốn “mình” sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn hay “mình” sẽ mãi mãi là kẻ què quặt ốm yếu? Nếu bạn có thể mất không ít tiền để bồi bổ, tập luyện để có một cơ thể khỏe đẹp, tại sao bạn không sẵn sàng bỏ chút thời gian, công sức để chăm lo cho cái tâm trí đang lộn xộn của mình? Những nhà văn, nhà thơ, triết gia viết cho bản thân họ mà vẫn thuyết phục được người khác chính là bởi vì họ luôn tôi rèn tâm trí của họ thành một tuyệt tác (chứ không phải chỉ tác phẩm).
Và nếu bạn xác định rằng việc viết không phải chỉ để phơi bày bản thân mà còn để hiểu hơn về bản thân thì bạn sẽ không ngại khi phải viết để phục vụ người khác. Bạn có thể coi các nhiệm vụ viết để phục vụ người khác như một cách thức để giúp chúng ta mở rộng phạm vi bản thân: Có thể là hiểu thêm một lĩnh vực mới, có thêm kiến thức mới, học thêm được một kỹ năng viết mới… Trừ những thứ viết có thể gây hại cho tính mạng con người hay tẩy não độc giả, còn thì mình đều có thể thử học để biết. Thậm chí, không chỉ viết cho người khác, ngay cả việc dịch cũng sẽ giúp bạn hoàn thiện khả năng viết của mình. Nếu bạn e sợ rằng việc viết cho người khác sẽ ảnh hưởng đến việc viết của bản thân bạn thì chứng tỏ rằng bạn cũng chưa hiểu bản thân mình đủ nhiều, chưa xác định được rằng bản thân mình là cái gì.
Vậy nên, viết cho mình hay viết cho người không quá quan trọng trong quá trình bạn viết. Có những lúc bạn tưởng viết cho mình, nhưng cái “mình” ấy có thật là “mình” hay không thì chưa chắc. Có lúc bạn viết cho người khác nhưng bạn đồng nhất được những thứ mình tâm đắc với những yêu cầu của bài viết, bạn lại được biểu hiện bản thân mình. Trên thực tế, cái gọi là “mình” được bồi đắp nên bởi người khác, và người khác cũng chỉ là phóng chiếu của “mình” mà thôi. Chỉ có hành động viết và tâm thế sáng rõ của mình khi viết là thứ có thể khiến chúng ta đi sâu bản thân và biểu hiện ra những gì tưởng như mình chưa từng nghĩ đến. Nếu bạn khư khư mình chỉ viết những thứ thuộc về mình, tức là bạn đang tự lập trình chính bạn, tự bạn biến mình thành robot của rất nhiều người khác đã cài vào bạn. Nếu bạn chỉ biết chạy theo các yêu cầu của người này người khác mà quên đi cảm giác học hỏi, quên đi những tiêu chuẩn của bản thân, quên đi các điều tâm đắc của mình thì bạn cũng sẽ trở thành loài zombie chạy theo tiếng ồn của đám đông dư luận.
Tôi thích câu này của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”: “Văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm”. Nhưng điều quan trọng đó là chúng ta phải xem xét xem “tấc lòng” chúng ta có gì để viết, hệ trọng hơn đối với các cây viết trẻ thì cần phải xem xét xem chúng ta có “tấc lòng” hay không đã.
2/ĐÚNG NGỮ PHÁP, ĐƠN GIẢN NHƯNG KHÔNG DỄ
Khi tôi bắt đầu dậy lớp “Viết để biểu hiện bản thân” do Book Hunter tổ chức, tôi đã đặt ra vấn đề viết đúng ngữ pháp tiếng Việt cho tất cả những ai đến học lớp của tôi. Đương nhiên, một câu hỏi lập tức bật ra trong đầu của không ít bạn: “Biểu hiện bản thân thì cần gì đúng ngữ pháp?”. Câu hỏi này không phải là không có cái lý của nó.
Mấy năm gần đây, những lời kêu gọi “Be yourself” hay “Cảm xúc thật cần được tuôn trào” thì những lối viết bất chấp các nguyên tắc của ngữ pháp trở nên thịnh hành hơn. Người ta có thể viết các bài kể lể tâm sự mà không cần dấu phẩy, dấu chấm. Hay thậm chí những bài bày tỏ quan điểm bức xúc mà chả thấy chủ ngữ, vị ngữ đâu. Vấn đề là, số đông mọi người thấy điều đó là bình thường, là thứ có thể chấp nhận được, thậm chí còn đắp vào đó những lý lẽ như “tự do là chính mình”. Tự do có nhiều thang bậc lắm! Có thứ tự do của sự hỗn độn và nhếch nhác. Có thứ tự do làm chủ tất cả những quy tắc và phá vỡ quy tắc. Kẻ chưa từng làm chủ tất cả những quy tắc thì không có khả năng phá vỡ quy tắc, mà chỉ là một kẻ kém cỏi.
Vậy thì các quy tắc ngữ pháp tại sao lại quan trọng đến vậy, và tại sao chúng ta cần phải tuân thủ chúng. Nếu bạn nhìn các quy chuẩn ngữ pháp như những công thức toán học trong sách giáo khoa, bạn sẽ thấy chẳng có lý do gì để mình phải tuân theo. Thế nhưng, chúng ta hãy quay lại một trong các nguyên nhân của việc viết. Đầu tiên, con người viết không phải để sáng tạo thơ ca văn chương hay ghi lại nỗi lòng sâu kín bên trong mình. Viết là một cách thức để lưu trữ và truyền đạt thông tin. Lúc bấy giờ, văn chương thơ ca đều được lưu trữ qua truyền khẩu. Sau này, khi văn chương, thơ ca được lưu trữ cùng với lịch sử, triết học, luật pháp…v…v… thì chúng ta đã được đọc những văn bản rõ nghĩa và chuẩn về văn phạm. Truyền thông tin qua nói, chúng ta có thể không quá quan tâm đến ngữ pháp, nhưng một khi đã được lưu trữ và truyền tải bằng hình thức viết thì văn bản nhất thiết phải đúng quy tắc.
Chúng ta hãy tạm quên thế nào là chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và chú ý đến quy tắc của thông tin. Một thông tin bao hàm trong nó chủ thể tạo ra hành động hoặc trạng thái và bản thân hành động hoặc trạng thái ấy ở trong một bối cảnh hay tình trạng nào đó. Truyền đạt thông tin một cách rõ ràng tức là truyền đạt điều mình muốn nói một cách đầy đủ và có trình tự để người đọc có thể theo dõi được. Khi đọc một đoạn hoặc một câu văn bản, người đọc có nhu cầu muốn biết điều gì đang diễn ra, diễn ra như thế nào và ở đâu, ai là người khiến sự việc diễn ra như thế. Tất cả những điều ấy đều được mã hóa bởi các câu chữ có trong các vị trí Chủ ngữ, Vị ngữ, Trạng ngữ. Trong một vài trường hợp, khi thông tin đã được cung cấp đủ rồi, tác giả hoàn toàn có thể lược bỏ đi những phần phải lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, tạo nên các câu ẩn chủ ngữ hay ẩn tân ngữ…v…v… Đôi khi, để tạo nhịp điệu cho câu văn, tác giả có thể viết một loạt những liệt kê danh từ hoặc động từ, tính từ.   Đây  là một cách phá vỡ quy tắc của các tác giả chuyên nghiệp, muốn cho câu văn của mình những nhịp điệu đặc biệt và tránh đi sự nhàm chán của việc lặp đi lặp lại theo công thức. Những phá cách mang tính chủ động này hoàn toàn khác với lối viết vô thức của những tay viết non tay và lười biếng.
Đặt dấu phẩy và dấu chấm ở đâu trong câu cũng không phải câu chuyện dễ. Dấu phẩy và dấu chấm ra đời đánh dấu một bước tiến lớn trong tư duy của loài người. Thuở đầu, các văn bản cổ đều không có dấu phẩy và dấu chấm, thậm chí không có khoảng cách giữa các chữ trong câu. Ngay cả khi người ta đã sử dụng chữ viết dạng Latin thay thế cho chữ tượng hình, từ khoảng cách giữa các chữ đến dấu phẩy và dấu chấm vẫn chưa được phát minh. Các bạn hãy tưởng tượng mình phải đọc một văn bản liền tù tì mà trong đó các chữ không cách nhau ra, các câu không biết kết thúc ở đâu… Điều này đòi hỏi một bộ óc siêu phàm để đọc và hiểu văn bản. Đến thế kỷ thứ 7 người ta mới phát minh ra khoảng cách giữa các chữ, và đến tận thế kỷ 13 mới có dấu phẩy và dấu chấm. Sự đột phá này đã mang lại sự rõ ràng mạch lạc trong  việc đọc hiểu câu văn và nắm bắt văn bản. Và thế là, người ta thay lối tư duy lần mò từng chữ để hiểu sao lối tư duy phân tích có trình tự. Nhờ thế, khả năng xử lý văn bản của con người nhanh hơn, dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, tư duy trình tự tốt hơn. Và nếu như bạn bất cần đến dấu phẩy và dấu chấm, thì tức là bạn đang quay trở lại với cái thời lần mò của đêm trường Trung Cổ. (Lưu ý, chỉ có thơ ca là có đủ uy quyền để có thể chọn lựa việc dùng dấu phẩy và dấu chấm hay không. Tôi sẽ có phân tích riêng về thơ ca ở những bài sau). Sau này, các dấu như chấm than, ba chấm, hỏi cũng xuất hiện dần dần nhằm làm tăng thêm sắc thái của văn bản. Việc sử dụng các loại dấu câu này để thể hiện các sắc thái biểu cảm đòi hỏi độ tinh tế trong biểu lộ cảm xúc của người viết. Đặt dấu vào đúng vị trí, đúng sắc thái cần người viết chủ động trong nhận thức tình trạng xúc cảm của mình. Như vậy, việc đặt dấu dù là hai dấu cơ bản (phẩy và chấm) hay dấu biểu hiện sắc thái (ba chấm, chấm than, hỏi) đều cần đến sự chủ động của người viết. Hơn ai hết, người viết phải hiểu rằng mình muốn viết gì, điều muốn viết ấy được chia ra thành mấy phần và các phần đó phải được hiển thị theo cách như thế nào để độc giả có thể tiếp cận. Rèn luyện đặt dấu câu đúng vị trí cũng là một cách để rèn luyện tư duy mạch lạc.
Có một quan điểm khá thông thường hiện nay đó là những câu văn mượt mà thường là những câu dài dòng. Trên thực tế, câu càng dài dòng thì sẽ càng rối rắm, càng rối rắm thì càng kém phần mượt mà. Những câu văn quá dài, quá rối rắm sẽ dẫn đến lủng củng, ý tứ của người viết không rõ ràng. Với những người mới bắt đầu viết thì không nên viết những câu phức hợp dài dòng. Những câu đơn hoặc câu ghép có sức mạnh của chúng. Chúng khiến người đọc có thể hiểu ngay thông tin mà bạn muốn đề cập đến trong câu văn là gì. Đương nhiên, trong vài trường hợp ta sẽ dùng những câu phức hợp, câu đảo ngữ, câu ẩn một số thành phần… nhưng lưu ý, cần cân nhắc và tính toán thật kỹ khi viết các loại câu này để tránh lối diễn đạt loằng ngoằng và khả năng sai văn phạm.
Việc viết sao cho đúng ngữ pháp, theo tôi cũng giống như luyện công. Viết đúng ngữ pháp cũng như những động tác hít thở, đứng tấn, đều tạo ra các trụ vững. Một khi đã trụ vững rồi, chúng ta bắt đầu mới tập đến các chiêu thức, tương ứng với từ vựng, cấu trúc đoạn văn, bài văn… Làm chủ tất cả các thao tác ấy, ta có  thể viết tựa “nước chảy mây trôi” mà không cần phải bận tâm đến điều gì. Tôi đã từng luyện viết giống như các cao nhân luyện võ vậy đấy!
Với những ai bị gặp rắc rối trong viết đúng văn phạm cũng đừng quá lo lắng. Đây là một việc rất đơn giản để cải thiện. Cách tốt nhất và nhanh nhất, đó là các bạn tìm đọc các văn bản mang tính chất mẫu mực như tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc tản văn Việt Nam thời trước thời kỳ Đổi Mới. Những tác phẩm này đều được viết theo đúng văn phạm tiếng Việt. Sau khi đọc qua để hưởng thụ cái hay cái đẹp, các bạn có thể vừa đọc vừa tự tập phân tích Chủ ngữ – Vị ngữ, các dấu câu, các thông tin mà  tác giả đưa vào cuốn sách. Một khi bạn đã có tư duy mạch lạc khi đọc, bạn sẽ có tư duy mạch lạc khi viết. Đương nhiên, quá trình này phải song song với luyện tập và kiểm tra ngữ pháp của bản thân một cách đều đặn và thường xuyên.
3/SỰ “HAY” MUÔN VẺ, 
CHI BẰNG CỨ ĐÚNG LÒNG MÌNH
“Hay” là một khái niệm rất chung chung. Đọc một áng văn tuyệt mỹ, anh bảo hay, tôi bảo dở, âu cũng là lẽ thường tình. Hay dở cũng như xấu đẹp, tùy vào trình độ cao thấp, và thói quen tư duy của người tiếp nhận. Bàn về lẽ hay dở, tôi đặc biệt tâm đắc với lời than của Hàn Phi Tử hơn hai ngàn năm về trước: “…lời nói thuận xuôi, trơn bóng, đẹp đẽ, văn vẻ thì bị xem là hoa mỹ mà không thật; lời nói thuần hậu, cung kính, cương trực, thận trọng thì bị xem  là vụng về mà không thứ tự; lời nói nhiều dẫn chứng, nhiều  tỉ dụ thì bị xem là trống rỗng mà vô dụng; lời nói tóm lược các điểm nhỏ và trình bày đại cương nên vắn tắt mà không tô điểm thì bị xem là giản tỉnh và không minh biện; lời nói thân mật và trúng tình người thì bị xem là tiếm mà không khiêm nhường; lời nói rộng rãi lớn lao, xa vời không lường thì bị xem là ngoa mà vô dụng; lời nói vụn vặt về chuyện trong nhà trong cửa, kể từ con số thì bị xem là thô lậu; lời nói gần đời mà giọng không bạo nghịch thì bị xem là tham sống mà siễm nịnh bề trên; lời nói xa thói tục, khác người thường thì bị xem là quái đản; lời nói mẫn tiệp, hùng biện có nhiều văn vẻ thì bị xem là không thật; lời nói không văn hoa chỉ trình việc thật thì bị xem là quê mùa, lời nói thường kể kinh Thi, kể phép tắc người xưa thì bị xem là lời kẻ tụng sách… Bởi vậy cho nên dụng cụ đo lường tuy trúng, cũng chưa chắc được theo, nghĩa lý tuy hoàn mỹ cũng chưa chắc được dùng…”. Viết hay đến mấy mà không tìm được người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với mình cũng kể như là tự mình thấy sướng cho bản thân mình mà thôi. Thế thì làm sao để viết “hay”, và lấy tiêu chuẩn gì làm thang đo cho cái sự “hay”?
Hay, có thể là do bài viết chạm tới vấn đề mà số đông quan tâm, dùng biện luận hoặc lối nói hài hước để thuyết phục. Hay, cũng có thể là chạm tới thẳm sâu trong tâm hồn người đọc. Hay, biết đâu lại nằm trong việc tạo ra sự mới lạ độc đáo mà người khác không thể bắt chước được. Hay với đại đa số đám đông chỉ là những trò múa máy câu chữ để thôi miên độc giả. Hay muôn vẻ lắm, nhưng trước khi đạt được đến sự hay, tối thiểu hãy viết một cách đúng đắn. Bản thân sự đúng đắn có cái hay của nó.
Viết đúng đắn có thực sự khó khăn tới vậy không? Không! Viết đúng đắn rất đơn giản, nhưng những kẻ bất lương trong nghề viết lại luôn cảm thấy viết đúng đắn là điều vô cùng khó khăn. Yếu tố căn bản để viết đúng đắn đó là “Nói có sách, mách có chứng”. Tức là, khi bạn đưa ra bất cứ một nhận định gì về tình trạng xã hội, bạn cần phải có bằng chứng và cơ sở rõ ràng, không thể bạ đâu phang đấy. Một bài viết vu vơ của bạn trên mạng có thể gây hại cho tâm trí của người khác, giống như một quân domino khi đổ có thể tạo ra hiệu ứng phá hủy hơn mức bạn nghĩ. Một thông tin bạn đưa ra khi chưa có kiểm chứng hoặc chưa chắc chắn đúng có thể tạo ra một niềm tin sai lầm cho cả đám đông và người  Một yếu tố quan trọng không kém đó là thật với lòng mình. Lòng mình không hẳn do mình quyết định mà do đủ các yếu tố bên ngoài tác động vào: từ truyền thống đến truyền thông, từ ám ảnh quá khứ đến những kỳ vọng tương lai. Nên thật với lòng mình không phải chỉ là “yêu ai cứ bảo là yêu/ ghét ai cứ bảo là ghét”, mà còn phải biết được cái lẽ yêu ghét của mình do cái gì chi phối.  Vậy nên, phải có bản lĩnh, phải có trí tuệ mới có thể “thật với lòng mình”. Đảm bảo được “viết đúng”, rồi bạn hẵng bàn đến “viết hay”.
Cái hay tuy không thể định nghĩa rõ ràng, nhưng có thể xem xét được tại sao một bài viết ta có thể đánh giá là hay. Khi đọc một bài viết “hay”, ta có hai trạng thái, hoặc là cái “hay” đấy phù hợp với não trạng của chúng ta, hoặc là cái “hay” là cái đột phá mà ta chưa từng nghĩ tới. Việc lựa chọn cái hay nào cũng tùy thời điểm, tùy độ tuổi, không thể lường trước. Ngay lập tức chọn kiểu “hay” này mà phủ nhận kiểu “hay” khác thì e rằng chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để mở mang tâm trí. Tuy nhiên, dù kiểu “hay” nào đi chăng nữa thì văn bản viết cũng cần phải phù hợp với học thức của người đọc. Một đứa trẻ mới học cấp 1 thì không thể thấy kịch Faust là hay, bởi nó không đủ kiến thức để hiểu các từ ngữ, không đủ trải nghiệm cuộc sống để hiểu các dằn vặt tâm lý, không đủ nhận thức xã hội để giải mã các ẩn ngữ bên trong… Và đương nhiên, một người đọc đủ các sách kinh điển với vốn kiến thức và hiểu biết rộng lớn, tự nhiên sẽ thấy những cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh đang bán đắt khách hàng đầu kia là nhạt nhẽo. Nếu không có độ tương thích về vốn kiến thức và hiểu biết, người ta khó có thể thấy một văn bản là hay. Ấy chính là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vậy.
Để đạt được cái “hay”, khó có thể hướng dẫn nhau. Hướng dẫn ai đó viết văn hay thực ra chỉ là hướng dẫn người ta cách lừa gạt thiên hạ. Điều quan trọng, suy cho cùng, tôi vẫn cho rằng, viết cho đúng mới thực là điều quan trọng. Một văn bản viết cho đúng đắn cũng đủ để không thẹn với người, không thẹn với mình. Lời đúng đắn thì chẳng nhất thiết phải suy tính trước sau mệt thân mệt não đắn đo như Hàn Phi Tử. Thời đó, Hàn Phi Tử còn sợ Tần Thủy Hoàng phật ý mà chém đầu chứ thời nay có ai chém đầu chúng ta đâu.
Với những người chưa có nhiều kinh nghiệm viết, chưa có kiến thức phong phú thì nên lấy sự đúng đắn là điều tâm niệm. Khi đặt viết điều đúng đắn làm trọng thì viết không còn là sự giãi bày nữa mà tự nhiên trở thành một phương thức để luyện tâm luyện trí, vừa mở rộng hiểu biết lại vừa nhận thức bản thân rõ hơn. Viết điều đúng đắn dần dần sẽ khiến chúng ta thấy chán ngán những sự bay bướm vô nghĩa hay những thủ thuật truyền thông khéo léo, dần dần chúng ta cũng nhận ra được những gì là chân giá trị trong cuộc đời, những gì chỉ là phù phiếm thoảng qua. Các cụ xưa nói, “văn chính là người”, vậy thì hãy làm người đúng đắn viết điều đúng đắn.
4/TẠI SAO CẦN TUÂN THỦ CÁC NGUYÊN TẮC KHI VIẾT?
Có nhiều người coi việc viết nhằm mục đích để thuyết phục người đọc, thế nên chỉ cần viết sao cho bay bướm văn hoa hoặc văn phong kỳ dị là đủ hoặc lời lẽ êm tai như ru ngủ. Lối viết này được các nhân vật nổi tiếng của làng viết yêu thích, đặc biệt trong thời đại Internet. Tất cả các văn bản viết một khi đã đăng trên mạng thường được cho rằng chỉ đọc lướt. Thế nên, nội dung gì không quan trọng, người viết cứ chém thoải mái, tần số xuất hiện cái tên càng nhiều thì người viết càng nổi tiếng. Dần dần, nội dung trong bài viết không đọng lại nơi người đọc mà chỉ biết đến cái tên của người viết. Bởi thế, người viết thời Internet dễ nổi danh, miễn là bạn đủ sức trâu bò viết những điều vô nghĩa vừa mắt đám đông độc giả dễ dãi. Nhưng viết một bài có tác động thay đổi nhận thức người đọc, khiến người đọc thấm thía đến mức thỉnh thoảng lấy ra đọc lại rồi vỗ đùi tâm đắc thì lại cần nhiều yếu tố khác. Các yếu tố ấy chính là nguyên tắc khi viết.
“Văn tâm điêu long” (Lưu Hiệp), tập luận bàn về văn chương kinh điển nhất của Trung Hoa nói điều này thật chí lý: “Người ta thường đi con đường văn từ hoa lệ, càng đi càng quên lối về. Nếu có thể xác lập được cái phép tắc chân chính khiến văn chương đã sáng rõ lại mạnh mẽ thì cái “phong” sẽ trong, cái “cốt cách” sẽ vững, cái thể của thiên sẽ rực rỡ.” Điều này nghĩa là sao? Nghĩa là viết mà chỉ chú trọng vào câu chữ màu mè hay lối chơi chữ sáo rỗng thì rốt cuộc là người viết cũng chẳng biết được mình đang viết điều gì, ý tứ sẽ rối loạn vô phương, người đọc không thể lĩnh hội được (Mà cũng có thể họ cố tình để người đọc càng đọc càng chẳng hiểu rốt cuộc người viết viết cái gì). Thế nên người đọc non kinh nghiệm dễ dàng bị rơi vào mê hồn trận câu từ, nhưng người đọc có kinh nghiệm thì nhìn loại văn bản màu mè ấy chắc chắn sẽ vứt vào thùng rác. Theo quan điểm của Lưu Hiệp, “phong” tương ứng với chí khí của tác giả, “cốt cách” chính là mạch văn, “thể” chính là  cá tính của người viết được biểu hiện trong văn bản. Ở đây, ông muốn nói rằng nắm vững được phép tắc của việc viết văn thì chí khí của người viết sẽ sáng rõ, mạch văn sẽ vững vàng mà hành văn sẽ đẹp một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Vậy thì cái phép tắc của việc viết văn là gì?
Phép tắc của viết văn không phải đơn thuần chỉ là chuyện viết đúng Chủ ngữ – Vị ngữ. Viết đúng Chủ ngữ – Vị ngữ nằm trong việc viết cho đúng mạch văn, bởi như đã nói ở bài trước, đó là vấn đề nguyên tắc thông tin. Thế thì cái phép tắc viết văn thực sự là như thế nào? Bản chất các phép tắc này là một quá trình phức tạp trong cân nhắc chọn lựa cái chí khí của mình, sắp xếp cái mạch văn của mình và từ đó mới thể hiện được cái cá tính của mình.
Thế nào là chọn lựa chí khí của mình? Chí khí về bản chất chính là thái độ của mình với một vấn đề nào đó. Thái độ có muôn màu, có tức tối, có ghen tị, có mê tín, có sợ hãi, có đồng cảm, có khinh khét, có bức bối, cũng có hi vọng…v…v… Thái độ nào cũng có cái hay cái dở. Thái độ được hình thành từ việc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài và thông tin bên ngoài ấy có sự va đập với hệ thống thông tin được lưu trữ trong ký ức của chúng ta. Nếu sự va đập này có tương thích và giao hòa thì thái độ có thiên hướng tích cực, còn nếu sự va đập này mang tính phá vỡ thì thái độ sẽ có thiên hướng tiêu cực. Để sự va đập ấy diễn ra không kiểM soát, tức là không có quá trình phân tích, tự vấn và kiểm chứng đối chiếu thì thái độ sẽ cực đoan, dẫn đến lập luận lỏng lẻo và thiếu sót, tức là đã mất đi cái cốt cách của văn bản vậy. Vậy thì phép tắc khi viết bản chất chính là quá trình xử lý các luồng thông tin va đập với nhau trong tâm trí để xác lập thái độ, hay nói ngắn gọn là cách tư duy về một vấn đề.
Trước hết, chúng ta phải xác định rõ ràng vấn đề chúng ta định viết là gì. Nếu vấn đề quá rộng lớn và chung chung thì chúng ta sẽ không hiểu biết đủ để viết. Những điều chúng ta định viết nhất định phải phù hợp với khả năng có thể tiếp cận của chúng ta. Nếu định viết về một chủ đề chúng ta chưa biết thì không có cách nào khác đúng đắn hơn là học hỏi, tìm tòi để biết. Người biết càng cặn kẽ về một chủ đề thì viết càng ít sơ hở.
Tiếp nữa, người viết cần phân tích cả tâm trí của bản thân mình. Tại sao mình phản ứng tích cực hoặc tiêu cực với một vấn đề? Điều gì thúc đẩy phản ứng ấy? Thái độ mình đang có đây rốt cuộc là do một sự va đập mất kiểm soát hay đã qua quá trình phân tích đầy đủ. Thông thường, chỉ những người chủ động kiểm soát phản ứng của mình trước một vấn đề mới có khả năng chọn lựa tìm tòi, phân tích để hiểu vấn đề. Sau khi tìm tòi, phân tích rồi, thái độ thực sự mới được chủ động xác lập một cách dần dần.
Quan trọng không kém là dựng khung cho bài viết, theo cách nói người xưa là cái “cốt cách”,  cách hiểu ngày nay là cái dàn ý. Dàn ý không thể đi trước quá trình xử lý thông tin và xác lập thái độ được, nó phải đi sau. Dàn ý thực chất là hệ thống hóa quá trình xử lý thông tin của chúng ta. Hệ thống chặt chẽ thì thông tin được sắp xếp mạch lạc trên một nền lập luận vững vàng. Chúng ta sẽ không còn phải bận tâm vừa viết vừa nghĩ mà để hành văn của mình thỏa sức như “nước chảy mây trôi”. Nhà có cấu trúc vững thì thiết kế trang trí sẽ tôn thêm vẻ đẹp, nhà dột nát thì trang trí thế nào cũng tù hãm. Con công lông có màu mè sặc sỡ nhưng xương cốt kém thì không thể bay cao và xa như đại bàng.
Đó chính là phép tắc căn bản khi viết. Người viết có kinh nghiệm thì các phép tắc này diễn ra rất nhanh trong tâm trí. Người viết non tay thì phải từng bước từng bước rèn rũa mới thành tài được. Những phép tắc này không chỉ đúng với văn chương nghị luận mà có phần còn đúng với cả văn chương nghệ thuật. Những người sáng tác nghệ thuật thường có thói quen cho rằng chỉ cần cảm xúc kết hợp với chiêu trò xào xáo câu chữ là đủ. Nhưng cảm xúc từ đâu mà có, cảm xúc khiến ta nhìn thế giới như thế nào, lại chính là cái tứ văn, tứ thơ vậy. Người sáng tác nghệ thuật không làm chủ được lối viết chẳng qua cũng chỉ mô tả lại cảm xúc của mình bằng câu từ mà thôi; còn nếu muốn sâu sắc hơn thế, ấn tượng hơn thế, đánh động vào lòng người hơn thế thì không có khả năng thực hiện. Đương nhiên cách cấu tứ cái cốt của văn bản nghệ thuật có phần khác với cách lập dàn ý của văn bản nghị luận. Điều này không có nghĩa rằng viết một cách mạch lạc và theo phép tắc là khô cứng. Lời văn biến tấu linh hoạt phụ thuộc vào dòng chảy cảm xúc và vốn từ rộng rãi của người viết, không phụ thuộc vào việc có được cấu tứ chặt chẽ hay không. Cái chí khí, cái cốt cách của văn bản càng vững thì càng có đủ lực để biến tấu câu từ linh hoạt theo ý mình.
Đó là lý do tại sao khi chúng ta bắt đầu con đường viết của mình, không nên bắt đầu từ cái vỏ mà phải bắt đầu rèn từ cốt lõi. Rèn viết không phải chỉ là học mấy nguyên tắc ghi lại trong sách hướng dẫn hay học thủ thuật. Rèn viết thực chất là học cách rèn tư duy, xác lập thái độ, hệ thống hóa tư duy của mình và học cách hiểu câu từ mình sử dụng. Khi rèn khả năng viết vững vàng, bạn có thể viết bất cứ thể loại nào mình muốn mà không cần phải học các thủ thuật.
5/SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG NHƯ HÀNH TRÌNH 
KHÁM PHÁ THẾ GIỚI TÂM TRÍ
Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuộng nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là những người mơ hồ nhận thức được rằng, tất cả những gì đang diễn ra ở ngoài kia đều sẽ có một hình chiếu trong tâm trí hoặc ngược lại, vạn sự diễn ra đều là phóng chiếu ở tâm. Như vậy thì, thành công ở đời sống bên ngoài có lẽ không lý thú bằng con đường khám phá và chinh phục thế giới tâm trí bên trong.
Nghe qua thì việc sáng tác văn chương có phần nào giống những người thiền định hay những bậc tu hành nhỉ! Điều này không sai. Nếu người thiền định hay bậc tu hành thông qua các phương pháp tĩnh lặng để đạt được tri kiến, thì người sáng tác văn chương thông qua hành vi chiêm nghiệm và viết, cũng để đạt được tri kiến. Có nhà văn chiêm nghiệm rồi viết, cũng có nhà văn vừa viết vừa chiêm nghiệm, nhưng dù thế nào, trong quá trình sáng tác, những tri kiến mới mẻ sẽ xuất hiện bên ngoài cái biết thông thường của chúng ta. Nếu sau khi viết xong một bài thơ, một truyện ngắn, một tản văn, một cuốn tiểu thuyết…v…v… mà ta không thấy mình trưởng thành hơn, tức là ta chưa thực sự sáng tác mà chỉ thông qua viết để mô phỏng lại những gì đã biết như một cái máy.
Viết thơ, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết… như một cái máy là thói quen thường thấy của những nhà văn chuyên nghiệp hoặc ở cấp độ thấp hơn, là các cây viết thị trường. Các nhà văn chuyên nghiệp khi đã định hình phong cách, định hình tư tưởng, định hình lối tư duy rõ rệt, thì tâm trí của họ đã trở thành một phần mềm thông minh luôn vận hành tự động. Mọi dữ liệu đời sống tự động nạp vào tâm trí của họ, tự bố cục theo những gì tâm trí họ định sẵn. Nếu bạn thấy một nhà văn, nhà thơ nào có phong cách lặp đi lặp lại nhưng vẫn hấp dẫn thì đó là bởi họ đã bị mắc kẹt trong chính cái phần mềm thông minh mà họ tạo ra trong các tác phẩm thành công ban đầu. Đương nhiên, một tác giả chân chính sẽ nhận thức được điều này. Họ sẽ vùng vẫy để thoát khỏi sự “chuyên nghiệp” ấy. Họ sẵn sàng thử nghiệm những thứ mới hơn, đi vào các ngóc ngách khác lạ trong tâm trí mình, thậm chí sẽ dẫn đến các biểu hiện điên rồ trong lối viết cũng như trong đời sống. Các thử nghiệm này chưa chắc được số đông độc giả đón nhận, nhưng với tác giả đó là bước đi cần thiết để thoát khỏi cái bóng của chính mình. Các cây viết thị trường thì vừa giống lại vừa khác. Họ cũng chạy trên phần mềm, nhưng là phần mềm cải tiến lắp ghép từ rất nhiều người khác. Họ đủ hiểu độc giả muốn gì, các Nhà xuất bản yêu cầu gì, và từ những yêu cầu đó họ cải tiến thành một phần mềm. Thường trong các tác phẩm thị trường, tính cá nhân của nhà văn không cao, mà chỉ tuân thủ theo các xu hướng có sẵn của xã hội. Người đọc đọc tác phẩm của họ để ve vuốt cái tôi cá nhân của bản thân với những thói quen suy nghĩ đã sẵn có của họ.
Vậy thì vấn đề quan trọng nhất của sáng tác có phải là thoát khỏi những phần mềm tâm trí có sẵn hay không? Không hoàn toàn như vậy! Nếu người viết nhận ra rằng mình bị rơi vào phần mềm tâm trí, càng cố vùng vẫy thì càng khó thoát. Thực ra nếu chúng ta nhớ lại cái cảm giác run rẩy ban đầu khi bước vào con đường sáng tác, còn ngơ ngác trước mọi thủ thuật viết lách, còn non nớt trong diễn đạt, bạn sẽ thấy rằng quá trình sáng tác văn chương có chiều sâu hơn một cuộc vùng vẫy rất nhiều.
Còn nhớ những ngày đầu tôi viết cuốn tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”. Lúc ấy, tôi chưa biết gì về các lý thuyết văn học, chưa giỏi các thủ thuật, còn nghĩ cuộc đời là màu hồng với những lý tưởng cao vời về tình yêu và chính nghĩa. Tôi tự hóa thân mình vào nữ nhân vật chính, tôi tưởng tượng ra kinh thành Thăng Long thời Lý, vùng núi phía Nam Trung Quốc, và cả mảnh đất  kỹ lưỡng từng chi tiết (thậm chí còn chả quan tâm đến sử liệu). Tôi tạo cho mình những người bạn, những kẻ thù; tạo cho mình một thời cuộc để sống; tạo ra những va đập và phản ứng của đời thường. Một cuộc đời giả lập đã được tạo ra, để trong đó tôi cho phép cá tính của mình thoải mái bộc lộ và xem xét những phản ứng. Tôi cũng để những nhân vật khác trong truyện có cá tính riêng dựa trên nguyên mẫu người tôi đã gặp và đưa vào đó những dự đoán của tôi về phản ứng phù hợp với cá tính nhân vật.  Tất cả những nhân vật va đập với nhau để tạo ra một thế cuộc của cuốn sách, rồi chính thế cuộc ấy lại tác động góp phần nổi bật nhân vật chính đại diện cho tôi. Nghe tưởng chừng như tôi kiểm soát toàn bộ cuộc chơi sáng tác và thế giới trong truyện do một tay tôi dàn xếp tất cả. Nhưng không phải vậy. Các nhân vật đều có đời sống riêng của nó, kể cả nhân vật đại diện cho tôi. Chúng luôn có những phản ứng bên ngoài sự sắp đặt. Tại sao lại vậy? Bởi lúc viết, tôi chưa hoàn toàn hiểu hết con người sâu thẳm bên trong minh và cũng chưa từng hệ thống hóa những gì tiếp thu được từ thế giới bên ngoài. Trong quá trình sáng tác, những nhận thức từ thế giới bên ngoài được lắp ráp lại với nhau để tạo thành một thế giới trong tưởng tượng. Nhân vật đại diện cho tôi, mà thực ra là chính tôi, đã đi vào thế giới tưởng tượng ấy, sống hoàn toàn trong đó, trải nghiệm từng thang bậc hỉ nộ ái ố trong đó, để rồi rút ra những tri kiến riêng cho mình. Suốt 2 năm viết tiểu thuyết, tôi sống song song hai cuộc đời: một cuộc đời trong truyện và một cuộc đời vật vờ ngoài đời thật. Có thể xem, việc sáng tác một cuốn tiểu thuyết giống như là một lần “lịch kiếp” vậy. Trải qua kiếp người giả lập ấy, nếu chúng ta không học được bài học gì cho bản thân, chúng ta sẽ lặp đi lặp lại kiếp ấy ở những cuốn tiểu thuyết khác. Chính bài học chúng ta không học được qua trải nghiệm sáng tác sẽ đẩy chúng ta vào phần mềm thông minh của chính mình.
Vậy thì sáng tạo văn chương thực sự là một cuộc dấn thân toàn bộ bản thân mình vào thế giới tâm trí bên trong. Càng dấn thân, càng liều chết xông lên mà không màng tới những gì đã bỏ lại ở thế giới bên ngoài, thì ta càng đạt được các nấc thang cao hơn của sự sáng tạo. Đôi khi, sự dấn thân này sẽ gặp bế tắc, bởi thế giới tâm trí dường như bị rơi vào tình trạng thiếu thông tin. Ta lại làm một cuộc hành trình ngược lại, đó là dấn thân toàn bộ vào một cuộc chơi bên ngoài. Thế nhưng, cuộc chơi bên ngoài này chỉ là một hướng đi đột phá. Bởi ta chơi trò chơi bên ngoài với cái nhìn nội tâm. Sau cuộc du ngoạn ngắn ngày ấy, ta lại quay vào thế giới nội tâm với các dữ kiện mới thu thập được, để có thể kiến tạo cho mình một thế giới mới hơn. Nhưng nếu với cuộc chơi bên ngoài, bạn không thể quăng quật bản thân mình vì sợ tổn thương, sợ đau đớn, thì bạn cũng không thể thu lượm được tri kiến nào mới mẻ. Và đến khi quay lại với việc sáng tác văn chương, bạn vẫn sẽ lặp lại cái phần mềm của mình với các dữ liệu góp nhặt khác.
Thế nên, con đường sáng tạo văn chương hay sâu xa hơn là hành trình khám phá nội tâm của mỗi cá nhân cần sự dũng cảm phi thường. Trên con đường này, người viết không sợ hãi sự cô độc, không hoảng hốt trước các ý nghĩ điên rồ, không ngại các cơn tra tấn tinh thần, không e dè trong việc đạp đổ các ý tưởng của chính mình. Thậm chí, con đường này có phần gai góc hơn tu hành, bởi vì không cái phao niềm tin nào để bấu víu. Người viết loay hoay giữa vô cùng, và chỉ những người dũng cảm phi thường mới có thể thích thú với vô cùng.
6/DIỄN ĐẠT LOẰNG NGOẰNG VÀ SỰ SUY THOÁI CỦA TƯ DUY
Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ bay bướm như Oscar Wilde, Mikhail Prisvin hay C.S Lewis… Nhìn qua, tưởng như đó là hai lối diễn đạt đối lập nhau, nhưng không, chúng không hề đối lập. Trên thực tế, chúng đối lập với thứ diễn đạt loằng ngoằng và vô nghĩa mà ngày nay đang thịnh hành không chỉ ở các văn bản tiếng Việt mà cả ở các văn bản ngoại văn.
Trước khi nói về cái sự “diễn đạt loằng ngoằng”, ta phải trở lại những chức năng căn bản của viết. Bản chất hành vi “viết” là để lưu trữ và truyền đạt thông tin. Thông tin này có thể là sự mô phỏng thế giới bên ngoài (các hợp đồng, các sự kiện lịch sử, các văn bản pháp luật, các nghiên cứu, các tin tức…v…v…), cũng có thể là sự mô phỏng của thế giới bên trong (các chiêm nghiệm triết lý, các thang bậc cảm xúc, các ám ảnh, các ước mơ và hy vọng…v…v…). Ngôn ngữ là một hệ thống hình chiếu của thế giới tâm trí vốn dĩ rất phức tạp của xã hội loài người. Xã hội càng mở rộng các phạm vi của đời sống vật chất và tinh thần thì ngôn ngữ cũng sẽ càng đa dạng. Hành vi viết cấu trúc các ngôn từ theo cách người viết tiếp nhận và xử lý thông tin của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Vậy thì “viết” chỉ là biểu hiện của quá trình “tư duy” mà thôi.  Một sự “diễn đạt loằng ngoằng” là thể hiện cho cái “viết” hỗn loạn, hay nói một cách khác là sự tư duy thiếu rõ ràng.
“Diễn đạt loằng ngoằng” có rất nhiều cấp độ, mỗi cấp độ lại tương ứng với một kiểu khiếm khuyết của tư duy. Một khi tư duy không rõ ràng sẽ dẫn đến việc viết thiếu hệ thống, ngôn từ bóng bảy không hợp với bối cảnh, thông tin sắp xếp lộn xộn.
Thứ nhất phải kể đến việc sử dụng ngôn từ bóng bảy không hợp với bối cảnh. Các từ ngữ được ra đời gắn liền với sự mô phỏng thế giới bên trong và bên ngoài của con người. Có những từ rất đơn giản để mô phỏng những vật thể hoặc hành vi hiện hữu, ví dụ như “cái bàn”, “con mèo”, “ngôi nhà”, “khóc”, “đánh nhau”, “mặt trời”…v…v… Nhưng cũng có nhiều từ dùng để mô phỏng những thứ nội tâm phức lạp như “buồn rầu”, “cô đơn”, “khoái lạc”… Phức tạp hơn thế nữa là các chiêm nghiệm siêu hình và trừu tượng như “nhận thức”, “tâm thức”, “sự thông thái”, “tình yêu”, “nhân tính”… Không thua kém, các từ nhằm mô phỏng mối quan hệ trong xã hội con người và thế giới tự nhiên cũng vô cùng phức tạp như “tình yêu”, “quốc gia”, “pháp luật”, “lòng thương xót”, “nghệ thuật”…v…v… Ở nhóm từ mô phỏng thế giới hiện hữu, người viết ít khi dùng từ sai với bối cảnh. Nhưng với các từ thuộc nhóm nội tâm, nhóm chiêm nghiệm siêu hình trừu tượng và nhóm mô phỏng các mối quan hệ trong xã hội con người và thế giới tự nhiên, thường xuyên bị dùng sai với bối cảnh. Việc dùng sai các từ này thường là do người viết không nắm rõ được nghĩa của từ biến chuyển ra dòng thời gian cũng như được quy ước theo cách hiểu phổ thông được ghi lại trong từ điển. Họ dùng từ theo thói quen được hình thành từ môi trường thông tin họ thường xuyên tiếp xúc. Nhiều người cho rằng từ ngữ chỉ là từ ngữ, sai chút có sao đâu hoặc quy chuẩn phổ thông thay đổi theo dòng thời gian, cần gì phải quan tâm. Hệ lụy của việc này đó là dẫn đến việc người đọc tiếp nhận sai ý nghĩa mà người viết muốn truyền đạt. Những người sử dụng từ ngữ một cách vô ý thức thường không có thói quen tư duy làm sao để người đọc hiểu đích xác được điều mình đang viết, hoặc nguy hại hơn, họ thậm chí còn không hiểu mình đang viết gì mà chỉ tuôn trào các dòng ngôn từ được lắp ghép với nhau trong tâm trí mà thôi.
Thứ hai, những câu văn dài dòng nhiều vế là một sự thể hiện cho việc thiếu khả năng tư duy phân loại thông tin. Những câu văn rất dài, “dây cà ra dây muống”, vế này ngoằng vào vế kia, thường được viết bởi những người không có thói quen sắp xếp các thông tin thành từng mảng khác nhau theo trình tự, mà muốn trong một câu thể hiện cả hệ thống thông tin phức tạp. Nói vui, họ không biết đặt dấu phẩy và dấu chấm đúng chỗ. Người đọc khi đặt các văn bản như vậy thường sẽ không thể biết được trong một câu văn dài dằng dặc đó, đâu là chủ thể tạo ra hành động và đâu là hành động (tức chủ ngữ và vị ngữ). Đây là hiện trạng lỗi tư duy khi viết thường thấy ở người viết hiện nay khi người viết không được học hành tử tế về ngữ pháp tiếng Việt. Thậm chí, trong nhiều văn bản tiếng Anh (có thể cả với tiếng Đức và tiếng Pháp), lối diễn đạt loằng ngoằng này được ưa chuộng như một điển hình của lối viết hàn lâm. Thật là khổ cho những dịch giả phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Không rõ họ có quá choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây mà tôn sùng lối viết này hay chăng?
Thứ ba, “diễn đạt lằng ngoằng” còn được thể hiện ở những bài viết thiếu tính hệ thống, tức là thông tin không được sắp xếp có trình tự, ý trên ý dưới trùng lặp nhau, đang viết ý nọ lại xọ sang ý kia. Người viết những văn bản này không trải qua quá trình xử lý thông tin. Bản chất quá trình xử lý thông tin là tìm ra các mối tương quan giữa các thông tin và nhóm thông tin với nhau. Các thông tin chưa qua xử lý thường thiếu tính chính xác, không liên kết với nhau. Người viết dựa trên thông tin chưa qua xử lý thường không hiểu vấn đề mình định viết mà hoàn toàn bị lái hướng bởi các định kiến và cảm xúc. Các thông tin tìm kiếm được từ thế giới bên ngoài được lắp ghép vô tội vạ vào các định kiến và dòng cảm xúc của người viết, bất kể đúng sai. Người đọc khi gặp phải những văn bản như thế này sẽ có hai loại phản ứng. Đối với những người viết thiếu hệ thống nhưng kém khả năng diễn đạt, người đọc sẽ cười khảy bỏ qua để tìm bài viết thú vị hơn. Đối với những người viết thiếu hệ thống nhưng biết nhiều thủ thuật diễn đạt, người đọc rất dễ bị lôi cuốn và bị đưa vào mê hồn trận của người viết. Người đọc một khi đã mắc kẹt tại đây, sẽ bị tẩy não dễ dàng và bị đồng hóa trở thành kệ người tư duy loằng ngoằng khác. Những văn bản mang tính tuyên truyền thường xuyên có lối “diễn đạt loằng ngoằng” này.
Thời đại của Internet, ai cũng có thể trở thành tác giả mà không cần trải qua quá trình biên tập và thẩm định, là một cơ hội hiếm có cho những lỗi sai căn bản trong diễn đạt mà tôi vừa kể trên. Đi kèm với các lỗi sai trong diễn đạt này là một sự suy thoái trong tư duy. Người ta không cần phải tư duy rõ ràng rành mạch nữa, không cần phải sắp xếp thông tin trong văn bản sao cho người đọc có thể hiểu được điều mình viết ra nữa. Người ta chỉ cần bắn lên thế giới ảo bất cứ cái gì xuất hiện trong não trạng hỗn loạn của mình và khoác cho nó những mỹ từ như “sáng tạo”, “hậu hiện đại”, “tự do biểu đạt”…
Quay trở lại với điểm tôi đề cập ở phần mở đầu của bài viết. Thế nào là “sự mộc mạc”. “Sự mộc mạc” trong diễn đạt không phải là sử dụng các ngôn từ thô lậu, mà là sử dụng những ngôn từ đúng đắn để diễn đạt đúng bản chất của vấn đề, không nói quá lên cũng không giảm bớt đi. Môi trường sống của một nhà văn như thế nào sẽ được phản ánh trung thực qua văn bản của mình. Một nhà văn thích sử dụng các ngôn từ đơn giản như đời sống thường ngày vốn là những nhà văn lăn lộn vào cuộc sống để trải nghiệm. Một nhà văn thích sử dụng các ngôn từ bay bổng, giàu hình ảnh, vốn là những nhà văn sống chậm rãi và chìm đắm trong thế giới nội tâm và siêu hình. Nhưng dù như thế nào, văn bản của họ là một thể thống nhất các hình chiếu mô phỏng cho cả thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của họ. Một nhà văn lớn, họ chủ động với hành vi viết của mình, chứ không để các hình chiếu của thế giới định hình bản thân họ.
7/XÂY DỰNG NỀN TẢNG KIẾN THỨC 
CHO NGƯỜI SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG
Nhiều người cho rằng những người sáng tác như nhà văn, nhà thơ phải như những kẻ “nhặt lá đá ống bơ”, ngơ ngơ ngác ngác như chú bê lạc giữa cõi đời. Hình ảnh ấy  thật dễ thương và dễ tạo thương cảm. Tuy nhiên, nếu bạn là người say đắm với các tác phẩm văn chương kinh điển, bạn có thể tưởng tượng rằng người sáng tác văn chương (nhà văn, nhà thơ, biên kịch…) có thể tạo ra cả một thế giới nghệ thuật bằng tâm trí và ngôn từ, có thể khám phá những chiều sâu tâm trí mà người thường ít dám bước vào, lại có thể là một kẻ ngu ngơ? Bất hợp lý đúng không! Vậy đấy, một người sáng tác văn chương không những phải hiểu biết nhiều  mà còn phải như những nhà điều tra cự phách, có thể khám phá ra nhiều góc khuất mà người thường bỏ qua. Để trở thành một “nhà điều tra cự phách”, người sáng tác văn chương buộc phải chuẩn bị cho mình những vốn kiến thức phong phú.
Người sáng tác văn chương có ba loại: Loại thứ nhất viết dựa trên vốn sống. Loại thứ hai dựa trên sự suy tưởng. Loại thứ ba là kết hợp cả vốn sống và suy tưởng. Ba loại người sáng tác văn chương này đều cần có kiến thức, dù các lĩnh vực kiến thức của họ có thể khác nhau.
Những người viết dựa trên vốn sống thường có thiên hướng viết về hiện thực xã hội hoặc khai thác bản chất của con người với vai trò là một phần tử cấu thành nên xã hội. Vốn sống thu thập được mấu chốt không phải ở chuyện đi nhiều, gặp nhiều mà là quan sát kỹ và phân tích rõ ràng. Khi gặp một người, nếu thông qua cử chỉ, cách ăn mặc, lời nói… , bạn có thể đoán ra được xuất thân, những ham muốn, nỗi tuyệt vọng, những ẩn ức đang cố che giấu, thì bạn có thể dễ dàng trở thành một nhà văn. Bởi khả năng phân tích tâm lý ấy có thể giúp ích rất nhiều cho nhà văn trong xây dựng nhân vật – một yếu tố quan trọng hàng đầu của viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi một cảnh tượng diễn ra trước mắt bạn, nếu bạn có thể có những hình dung liên tưởng hoặc phát hiện ra những tác nhân ẩn đằng sau, hoặc đơn giản là những sắc thái cảm xúc sâu sắc của bản thân bạn biểu hiện bằng ngôn từ… Tất cả những vốn sống ấy không tự nhiên mà có, không tự nhiên đi vào đầu chúng ta. Những vốn sống ấy đòi hỏi chúng ta phải thực sự dấn thân sâu vào cuộc sống, lăn lộn với mọi thử thách với một trái tim rộng mở và một lý trí tỉnh táo.
Viết dựa trên sự suy tưởng không phải là một lựa chọn dễ dàng dành cho kẻ lười biếng như người ta vẫn tưởng. Nếu những người viết dựa trên vốn sống phải lao vào cuộc đời để thu thập kiến thức thì những người viết dựa trên suy tưởng bước trên một hành trình vào cõi hư vô. Ở đó, họ phải đối mặt với các thang bậc cảm xúc của cá nhân, các ý nghĩ điên rồ, các ám ảnh bệnh hoạn, những ảo giác lý tưởng, những biểu tượng mơ hồ…v…v… Tất cả, họ phải tự lý giải, không lời chỉ dẫn. Cuộc chiến bên trong ấy khiến họ có vẻ như xa lánh với đời sống bên ngoài, thậm chí như ngơ ngơ không chú ý gì đến xã hội.  Những điều họ viết ra cho ta biết rất nhiều góc khuất bên trong tâm lý của chúng ta mà bấy lâu nay ta đã bỏ quên hoặc cố tình chối bỏ. Vốn kiến thức của những người suy tưởng chính là chiều sâu tâm lý con người mà họ đã khám phá ra trong cuộc chiến đơn độc của mình.
Một người sáng tác lão luyện thực sự sẽ không trói mình ở một trong hai cực, hoặc bên ngoài, hoặc bên trong. Họ sẽ đi trên cả hai con đường ấy, và điều đó đòi hỏi ở họ một bản lĩnh phi thường. Họ vừa chế ngự được những trạng thái tâm lý của mình lại vừa thực sự đang sống. Để có được bản lĩnh ấy, họ phải được rèn luyện. Từ nhỏ, họ đã tiếp xúc với nhiều thang bậc văn hóa qua sách vở và các tác phẩm nghệ thuật. Họ được thử thách qua các môi trường cộng đồng trí tuệ trong giai đoạn trưởng thành. Họ có cơ hội để tiếp xúc với cái đẹp của thiên nhiên, con người. Tư duy của họ có khả năng xử lý một lượng thông tin khổng lồ, trái tim của họ có thể chịu đựng mọi xung động tâm lý, lý tưởng của họ to lớn hơn bất cứ một chính trị gia nào, suy nghĩ của họ tương đương với các triết gia, những tư tưởng của họ không khác gì  một bậc chứng ngộ.
Vì thế, xây dựng nền tảng kiến thức rất cần thiết đối với người sáng tác văn chương. Không có những vốn kiến thức của riêng mình, bạn chỉ kể lể chứ không sáng tác. Những ai cho rằng họ có một năng khiếu thiên bẩm của việc viết, những người này đã sai lầm. Người sáng tác đơn giản là quan sát kỹ hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn, và rèn luyện thói quen sử dụng ngôn từ nhiều hơn qua việc đọc sách. Thiên bẩm của họ không phải là “viết” mà là khả năng nhận thức thế giới bằng nhiều chiều chứ không phải bề mặt giống như đại đa số nhân loại.
Hà Thủy Nguyên
Theo http://bookhunterclub.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...