Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Kinh nghiệm tự học tiếng Anh một cách bài bản: Ngữ pháp, Từ vựng và nghe nói

Kinh nghiệm tự học tiếng Anh 
một cách bài bản: 
Ngữ pháp, Từ vựng và nghe nói 
Với sự ảnh hưởng của hai cường quốc lớn là Anh và Mỹ, tiếng Anh ngày càng trở thành ngôn ngữ phổ biến để giao dịch toàn cầu. Do đó, nhu cầu học tiếng Anh ngày càng tăng cao, thế nhưng vấn đề làm thế nào để có thể sử dụng tốt tiếng Anh vẫn là một vấn đề với nhiều người. Đa số mọi người đều cho rằng họ chưa học đủ tiếng Anh, chưa biết nhiều từ vựng, hay trí nhớ kém. Điều này phần nào đúng nhưng không phải nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Với cách suy nghĩ ấy, chúng ta sẽ có xu hướng chọn những thủ thuật học tiếng Anh nhanh và dễ dàng mà bất chấp các nguyên tắc căn bản. Đi theo cách đó, bạn sẽ học được thứ tiếng Anh bồi chứ không thể tiến xa hơn và đạt được các yêu cầu cao hơn khi sử dụng tiếng Anh cho công việc. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nó nằm ở cách tư duy ngôn ngữ và xử lý thông tin của chúng ta.
Ngày nay, người học tiếng Anh thường có xu hướng bỏ qua các vấn đề ngữ pháp hoặc cho rằng mình đã nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh rồi. Nhưng ngữ pháp không phải là câu chuyện của các mẫu câu. Ngữ pháp của một ngôn ngữ chính là hệ thống tư duy của ngôn ngữ ấy. Ví dụ như trong tiếng Anh, tính từ luôn đứng trước danh từ mà nó bổ sung. Điều này cho thấy cách nhận biết thực tại của ngôn ngữ tiếng Anh tập trung vào tính chất của sự vật. Trong khi ấy, ở tiếng Việt, tính từ đứng sau danh từ, cho thấy người Việt nhận thức thực tại bằng khái niệm trừu tượng nhiều hơn là tính chất. Từ đó cũng nảy sinh hai nét đặc trưng trong văn chương Anh – Mỹ và văn chương Việt. Những áng văn đẹp của văn chương Anh – Mỹ luôn có những mô tả kỹ lưỡng vào tính chất của sự vật, sự việc. Trong khi ấy các áng văn đẹp của văn chương Việt Nam hiện đại thường không có những mô tả kỹ lưỡng tính chất được thể hiện trong cảnh vật mà chỉ tả cái tượng chung chung của cảnh. Từ đó cũng dần hình thành hai kiểu mẫu văn hóa: người Anh – Mỹ tỉ mỉ trong nhận thức về sự vật và sự việc, trong khi người Việt chỉ quan tâm đến cái tổng quát về sự vật và sự việc. Đương nhiên, để hình thành cách tư duy còn nhiều yếu tốt khác, nhưng ngôn ngữ là một trong các yếu tố quan trọng. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho tầm quan trọng của các nguyên tắc ngữ pháp. Khi tiếp cận ngữ pháp nếu ta chỉ biết học theo công thức mà không học cách tư duy vấn đề của loại ngôn ngữ ấy thì chưa thể gọi là nắm vững ngữ pháp, và do đó khi phải đối mặt với những văn bản có tính hàn lâm thường dễ bị hiểu không chính xác.
Tương tự như vậy, với câu chuyện từ vựng. Đương nhiên biết càng nhiều từ vựng thì bạn càng dễ dàng sử dụng. Điều này không chỉ đúng với tiếng Anh mà ngay cả tiếng Việt cũng vậy. Thế nhưng để nhớ hết từ vựng lại là một khó khăn khác. Học từ vựng mà học theo kiểu nhồi nhét vô tổ chức thì theo thời gian các từ sẽ rơi rụng. Tiếng Anh, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, từ vựng đều có phân loại và nắm giữ các vai trò khác nhau trong truyền đạt thông tin. Nắm vững từ loại sẽ rút ngắn được thời gian nhồi nhét từ vựng vào đầu. Từ loại tiếng Anh bao gồm 8 loại: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ, liên từ, đại từ và thán từ. Bốn loại từ đầu tiên có số lượng lớn và số lượng thay đổi liên tục; trong khi đó, bốn loại từ sau có số lượng ít và hầu như không biến đổi. Bốn loại từ danh, động, tính và trạng đóng vai trò cung cấp thông tin, còn bốn loại từ sau chủ yếu đóng vai trò ngữ pháp. Nếu học một cách thông minh và có kế hoạch, chúng ta cần phải nắm càng chắc càng tốt bốn loại từ sau còn danh từ, động từ, tính từ và trạng từ chúng ta sẽ bổ sung dần dần. Để ghi nhớ chúng, học từ theo nhóm chủ đề chúng ta quan tâm là cách rất hữu hiệu. Nếu bạn xác định được rõ ràng rằng bạn học tiếng Anh phục vụ mục đích chuyên môn của bạn thì vốn từ bạn sử dụng sẽ vững chắc hơn và thích hợp hơn. Cách học từ theo kiểu nhặt nhạnh chỉ thích hợp với trẻ em trong nhà trường, khi chúng có dư dả thời gian và bị thúc ép bởi thày cô giáo. Nếu bạn muốn học tiếng Anh nhanh mà vẫn vững thì cách học từ vựng nhặt nhạnh như vậy là một cản trở. Hơn nữa, việc học từ vựng theo nhóm chủ đề liên quan đến chuyên môn cũng sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều cho kỹ năng đọc và viết tiếng Anh.
Nghe – nói tiếng Anh để phục vụ giao tiếp thực sự là một nhu cầu thiết yếu. Chúng ta thường cho rằng giao tiếp tiếng Anh là một điều gì đó rất khó. Trên thực tế, giao tiếp không quá khó như chúng ta tưởng. Không phải do chúng ta không biết cách giao tiếp mà vì bản thân chúng ta không có nhiều điều để nói, không chỉ bằng tiếng Anh mà còn cả bằng tiếng Việt. Giao tiếp là một quá trình trao đổi thông tin, nếu chúng ta không có nhiều thông tin để nói thì câu duy nhất chúng ta cần biết đó là “I don’t know”. Vậy thì, để nói được tiếng Anh, chúng ta không cần học vội các nguyên tắc giao tiếp mà cần có lượng kiến thức nhất định, có quan điểm riêng, thái độ riêng. Vấn đề còn lại chỉ là nói sao cho người nước ngoài có thể hiểu được những quan điểm, thái độ và kiến thức của chúng ta. Điều này lại cần đến vốn từ vựng liên quan theo nhóm chủ đề chuyên môn đã được đề cập ở trên. Để nói chuẩn hoặc diễn đạt chuẩn, không phải chúng ta cứ học các nguyên tắc là đủ, mà cần thường xuyên tiếp xúc với cái “chuẩn” ấy đã. Trên thực tế, để một người ngoại quốc học ngôn ngữ của một quốc gia đến đạt “chuẩn” thì không có, nhưng có thể đặt mình trong môi trường luyện nghe và phát âm chuẩn. Không phải cứ ra Bờ Hồ nói chuyện với người nước ngoài là bạn có tiếng Anh chuẩn, bởi ngay cả người Anh cũng chưa chắc đã đúng “chuẩn”. Bạn hoàn toàn có thể tập theo các học liệu tiếng Anh chuẩn như BBC Learning English hoặc nghe tiếng Anh từ những bộ phim hay và hấp dẫn như như The King’s Speech, Notting Hill, Love Actually…, hay các series có diễn viên nói cả giọng Anh và giọng Mỹ như The Originals, House M.D., Lie to Me,… Tuy nhiên, suy cho cùng, không phải chúng ta cố để đạt đến chuẩn tiếng Anh trong giao tiếp mà điều quan trọng là làm sao để diễn đạt cho đầy đủ thông tin và thái độ của mình. Đây lại là vấn đề tâm lý cá nhân, không phải vấn đề tiếng Anh.
Trên đây là một số kinh nghiệm để tiếp cận tiếng Anh một cách bài bản, trong bài sau, tôi sẽ đề cập đến những vấn đề chuyên sâu hơn như Đọc, Viết và Dịch.
Lê Duy Nam
Theo http://bookhunterclub.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...