Lá Diêu bông
Hành trình kiếm tìm hạnh phúc
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
... Ới Diêu Bông!...
Lá Diêu bông- hành trình kiếm tìm hạnh phúc
Trong tài sản thơ phú giàu có của ông, Hoàng Cầm có rất nhiều tác phẩm, ngay
cả khi chưa công bố, đã được "ngôn truyền" trong công chúng. Và khi
cất tiếng hoan ca, nó đủ sức lay động tới con tim mọi giai tầng. Lá Diêu bông
là một bài thơ có số phận "hạnh phúc" như thế, cho dù nó nói về nỗi
bất hạnh- hay hạnh phúc "ảo" của kiếp người.
Bài thơ dạng kể chuyện, ngắn gọn đến mức tiêu biểu cho sự hàm súc, hàm súc từ
hình ảnh đến ngôn từ, khó có thể lược bớt đi một từ nào trong bài thơ.
Câu chuyện có hai nhân vật: Em - tác giả và Chị - đối tượng mối tình thơ ấu của
ông. Người ta thường cho rằng bài thơ nói về mối tình đầu đơn phương mộng ảo
của người nghệ sỹ tài ba. Nhiều người đã kiếm tìm để biết thêm về cuộc sống tình
duyên của hai nguyên mẫu - tác giả và chị Vinh, khai thác sâu các tầng bậc chất
lãng mạn trong con người và thơ Hoàng Cầm.
Nhưng thực ra, ngoài phần nổi của bài thơ đã là khá đẹp và hấp dẫn, còn có phần
chìm, phần hồn- đó cũng chính là thông điệp của của bài thơ nữa. Cũng giống
như người đi tìm trầm hương, cái lõi trầm bên trong mới thực sự quý giá.
Ta hãy quay lại bài thơ và cùng thưởng thức nó.
"Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều - cuống rạ"
Chỉ với ba câu, tác giả giới thiệu ngay với chúng ta nhân vật chính: Cô thiếu
nữ dậy thì mặc váy (con gái Đình Bảng từ tuổi nào đó mới mặc váy), đang vu vơ
đi tìm một cái gì đó phi vật thể giữa cuống rạ đồng chiều (có phiên bản chép
là thẫn thờ, đúng ra phải là thẫn thơ, chữ thẫn thờ không hợp với tuổi thơ).
Đồng thời tác giả cũng đã tự giới thiệu về mình: Một chú nhi đồng. Một người
trai mười tám chắc đã tả "em" nào là hai mắt lá răm, nào đôi môi hồng,
nào làn thu thủy nét xuân sơn v.v. Còn chú bé nhi đồng chắc chắn chưa hề biết
về những cái đó, chú chỉ nhìn thấy có mỗi cái váy (chắc vì ngang tầm mắt của
chú!).
Tuổi Trẻ ngày nay ít người biết cửa võng là gì. Cửa võng - một thứ cửa làm bằng
gỗ hoặc vải thêu, nhà giàu thì sơn son thếp vàng, hình chữ ∏, ba bên chạm trổ
nhiều họa tiết, hoặc ghép thêm những chi tiết phụ nhằm tăng thêm sự cầu kỳ của
cửa.
Váy buông chùng cửa võng nghĩa là hai thân váy thu sang hai bên rồi buông
chùng xuống. Có thể Chị chưa hết tuổi lớn nên váy mặc còn tém sang hai bên
như cửa võng.
"Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng"
Chắc hẳn có mấy chú bé nhằng nhẵng bám theo nên chị nói cho qua chuyện. Xin
lưu ý chữ "bảo", không phải Chị nói mà là bảo, bảo là khi người
trên nói với người dưới. Hơn nữa, Chị chỉ gọi là chồng, như một trò chơi đóng
giả vợ chồng con cái của trẻ con chứ không như Trần Tiến "Em đố ai tìm
được lá diêu bông, xin lấy làm chồng"
"Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày đâu phải lá diêu bông"
"Chau mày" không phải vì thằng bé dốt quá, làm gì có lá Diêu bông
(lá Diêu bông là do nhà thơ sáng tạo ra, có thể hiểu là lá của một loài hoa
phiêu diêu, không có thực, giống như hạnh phúc ở trên đời này vậy, cũng là một
cái gì đó hư ảo). Hãy phân tích tiếp xem vì cái gì.
"Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông"
"Lắc đầu' là một động tác mạnh hơn "chau mày", cộng thêm động
tác nhìn về phía xa xa, như trông đợi một cái gì đó.
"Ngày cưới chị, em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim"
Chữ "cười" ở đây cho ta lời giải thích vì sao chị "chau
mày" và "lắc đầu" ở hai thời điểm trước đó. Nghĩa là chị đã đi
tìm, đã mong mỏi hạnh phúc lứa đôi. Khi làm đám cưới, chị cảm thấy hạnh phúc,
mãn nguyện (có bản chép xe chỉ cắm trôn kim hay ấn trôn kim, nghe thô lỗ quá,
ấm trôn kim mới đúng, nó nói lên người con gái đã sẵn sàng cho vai trò làm vợ,
may vá thêu thùa, giữ gìn mái ấm gia đình).
"Chị ba con em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn"
Khi đã có ba con, lúc nghe nhắc lại lá Diêu bông, Chị có thái độ hoàn toàn thất
vọng, không còn muốn nhìn thấy một sự thật phũ phàng: Làm gì có hạnh phúc lứa
đôi trong cuộc đời Chị, cái hạnh phúc mà Chị mong mỏi khi nhỡn nhơ đi tìm
trong đồng chiều cuống rạ trước đây?
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời... Ới Diêu Bông!
Khổ cuối của bài thơ như một lời kết cho câu chuyện, như láy lại sự kiên trì
ngây thơ suốt cả cuộc đời "Em" trong mối tình vô vọng với "Chị",
như một lời than cho số phận bất hạnh của người đàn bà nói riêng và kiếp người
nói chung.
Bài thơ thoạt tưởng chỉ là kể về câu chuyện tình liêu trai bất thành, mà thực
ra nó là khúc ca xót xa, khóc cho người mình yêu chứ không phải là than thân
trách phận. Nó triết lý về hành trình tìm kiếm hạnh phúc đời người. Và nó nói
hộ nỗi lòng khát khao. Ai đọc, cũng thấy mình trong đó...
Hạnh phúc chỉ là ảo. Nhưng người ta vẫn không ngừng kiếm tìm...
Vì khát vọng vẫn mạnh hơn ảo vọng. Đó là cái lẽ, bài thơ Lá Diêu bông luôn được
mọi lớp người yêu thích, nhập tâm suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét