Buổi chiều, khi không trời lại đổ ào xuống một cơn mưa thật
ngắn rồi lại hiu hiu chút nắng vàng hoe lăn tăn trên thửa lúa vừa trổ sửa. Con
đường đất trở nên lầy lội, trơn trợt. Cái vũng bên lề ngập nước đỏ ngầu chợt biến
thành một cái ao nho nhỏ cho lũ vịt thích thú ngụp lội.
Tôi lót mảnh nylon trên một thân cây bị chặt ngang cạnh đồng
ruộng, ngồi đó, dõi mắt nhìn khung cảnh chiều quê và đám trẻ nhỏ vừa tan học
đang mon men theo bờ đê, tay cắp cặp, tay xách guốc, dép, miệng cười nói, chọc
phá ồn ào.
Giọng nói của bọn chúng vang lên lanh lảnh, trong trẻo.
Thỉnh thoảng là tiếng ụ ựa, tiếng lục lạc kêu leng keng của
đàn bò đang chậm rãi bước về chuồng. Xen lẫn với tiếng kêu quang quác, tiếng vỗ
cánh phành phạch, tung nước của lũ vịt, là tiếng kêu cục cục của họ nhà gà rủ
nhau lên ổ. Thứ âm thanh kỳ diệu của miền đồng quê làm cho tôi say sưa lắng
nghe, quên cả mệt nhọc trong ngày.
- Huy nè, có thư từ thành phố gởi xuống cho anh! Ngọc, người
bạn đồng nghiệp với tôi bước đến cạnh bên với lá thư màu xanh trên tay
- Cám ơn Ngọc! Đón lấy lá thư, tôi bắt chuyện khi thấy Ngọc
toan quay bước đi:
Ngọc khỏe chưa? Đã dặn Ngọc cứ nghĩ ngơi, mấy chuyện này từ từ
làm cũng được mà Ngọc nhìn tôi với một nụ cười nhẹ:
- Không sao anh! Nằm hoài cũng chán. Em vào văn phòng anh định
xem lại các bảng vẽ thì gặp chị Sáu đến phát thư. Em thấy lá thư này có lẽ đặc
biệt với anh nên em mang ra cho anh ngay Tôi liếc nhanh qua cái tên của người gởi,
rồi phì cười nói cùng Ngọc:
- Của Mai! Cả hai tháng hơn rồi anh chưa có viết gì cho Mai
cả, chắc là Mai rủa anh đây rồi Vẫn nụ cười không đổi trên môi, Ngọc từ giả
tôi:
- Thôi Ngọc vào xem lại một ít giấy tờ. Anh đọc thư xong thì
có thể đi dùng cơm chiều được rồi đó. Tôi mỉm cười chào Ngọc rồi chậm rãi xé
bao thư ra đọc. Nhìn thấy tuồng chữ đều đặn, tròn xoe quen thuộc của Mai nhưng
lòng tôi lại không hớn hở, vui mừng. Một cảm giác thật lạ dấy lên trong lòng.
Giọng văn nàng vẫn thế, vẫn là những vòi vĩnh, trách móc hết mực mè nheo. Tôi
quen thuộc như có thể đoán trước nàng sẽ viết điều gì kế tiếp. Lá thư của nàng
cũng như bao lá thư trước, vẫn không đồng ý cho tôi theo đuổi công việc mà tôi
đang làm. " Về Sài Gòn nha anh! Ba em đã đồng ý giao cho anh làm giám đốc
kỹ thuật của công ty. Ở Đà Lạt, ba cũng vừa có mở một chi nhánh lâm sản. Em
cũng đã xin với ba cho anh được làm tại đây. Anh biết mà, em rất thích khí hậu
tại Đà Lạt. Gia đình em đặt nhiều kỳ vọng vào anh. Tương lai của chúng ta sẽ tốt
đẹp. Chứ anh nghĩ coi. Làm cái việc như anh đang làm thì có mà khổ" Tôi
buông thỏng tay trước nổi mệt mỏi chợt ùa đến. Cất lá thư vào túi, tôi ngước mắt
nhìn ra xa cùng một tiếng thở dài nặng nề. Cơn nóng của mùa hè đã vơi giảm đi
nhiều. Mặt trời đã xuống thấp sau rặng tre xa xa cuối tầm nhìn. Nắng chiều soi
qua những cụm mây xám to tướng tạo thành những đường viền sáng rực rỡ như xé toạc
cả nền trời.
- Vỡ đê, vỡ đê rồi bà con ơi! Khoác vội cái áo mưa lên người,
tôi tông cửa lao ra ngoài thì đụng ngay phải Hoàng đang hối hả chạy đến
- Anh Huy, mưa lũ lớn quá. Đất trồi, cái đê bị vỡ rồi
- Báo động cho mọi người mang theo dụng cụ cần thiết tới đắp
đê ngay để nước lũ không làm hư hại lúa của đồng bào Tôi nói với Hoàng xong thì
hấp tấp chạy về phía con đê bị vỡ. Mưa vẫn xối xả. Lượng nước ùa vào từ con
sông đang hung hãn sủi bọt, dậy sóng.
- Anh Huy! Góc đê gần nhà thím Mười bị vỡ ! Ngọc từ đâu ùa đến
níu lấy tay tôi kéo đi. Người nàng ướt đẫm, trên tay cầm cái đèn bão soi đường
cho tôi bước theo
- Ngọc nghĩ cái đám công nhân của ông Thuyên lại ăn chặn vật
liệu. Cho nên, phần đê ở đó không đủ sức chịu đựng. Ngọc cố gắng nói thật to
cho tôi nghe. Dường như nàng không bận tâm gì đến mưa gió đang trút xuống tấm
thân bé nhỏ của nàng.
- Lo đắp lại cái đê đã! Tôi bảo cùng Ngọc rồi xông tới đám
công nhân đang đứng dưới lán trại, la lên:
- Sao các anh còn đứng đó! Mau gắng sức đắp lại con đê nhanh
lên.
- Ông anh à! bộ muốn bọn tôi bỏ mạng hả!
- Mưa lụt to như vầy có điên mới xông ra đó
- Để tạnh mưa tí rồi làm cũng chả muộn mà Tôi bực bội vô cùng
trước những lời nói ấy của đám người do ông Thuyên cai quản.
- Thuyên đâu? Ông Thuyên đâu? Tôi xô đẩy những người đang đứng
trước mặt để bước vào lán trại. Ông Thuyên đang ngồi chơi cờ tướng, trông thấy
tôi liền ngước lên nói:
- Đã bảo với anh rồi! Khoảng đê ngay nhà con mẹ Mười cần phải
cung cấp thêm vật tư! Anh không nghe tôi giờ đổ nợ ra đấy thì đừng nhìn tôi
như thế Máu nóng trong người tôi sôi lên:
- Chuyện đó để ngày mai họp tôi sẽ nói sau! Bây giờ, tôi muốn
ông điều động đám công nhân ra đắp lại con đê ấy ngay!
- Anh nói giỡn chơi ấy à? Mưa to thế mà kêu chúng tôi đắp đê? Ông Thuyên trợn mắt nhìn tôi, rồi tiếp:
đã hơn 10 giờ tối rồi, giờ này mà còn làm gì nữa hả Tôi còn
chưa kịp lao đến thộp cổ áo của hắn thì Ngọc đã xô cửa xông vào
- Anh Huy, bà con đang kéo đến phản đối.....
Tôi vội cùng với Ngọc trở ra bên ngoài. Cơn mưa vẫn còn ào ạt
trút nước. Trước khoảng sân của trại, một toán nông dân đang lớn tiếng hét hò.
Trông thấy tôi, Hoàng khổ sở nói:
- Họ làm dữ quá anh Huy ơi! Em ráng giải thích, trấn tỉnh họ
nhưng họ không chịu nghe Tôi vỗ vai Hoàng động viên anh ta rồi hỏi:
- Em huy động được mọi người chưa?
- Dạ chỉ có hai đội 4, và 6! Còn đội 3, 5 thì đòi thêm tiền
công họ mới chịu làm. Nhìn sang nhóm người của ông Thuyên đang đứng núp mưa dưới
lán trại của họ, Hoàng hỏi tôi:
Còn bọn họ? Chắc là không xong rồi hở Tôi lắc đầu chán chường,
Hoàng gắt gỏng:
- Phe cánh lão Thuyên thiệt quá đáng.
- Mặc họ! Lo cứu con đê trước khi nước tràn vào ruộng lúa của
dì Mười và bà con khác. Em, dắt đội 4 và 6 đi tải đất về đây ngay ! Kêu thằng
Trực, thằng Dũng của hai đội 3, 5 ra làm giúp. Anh đồng ý trả thêm tiền.
- Nhưng anh đâu có quyền quyết định
- Anh sẽ chịu trách nhiệm với công ty Ngọc chợt nắm tay áo
tôi giật khẻ ra hiệu. Tôi xoay lại thì bắt gặp dì Mười và đám con trai của dì
hùng hổ xông đến.
- Tụi bây làm ăn cái kiểu gì kì cục vậy hả Con đê ngoài đường
cái mà vỡ thì cái mương nhỏ của nhà tao chịu sao nổi? Dì Mười điểm mặt tôi mắng
xối xả. Tôi đang khổ sở giải bày thì tiếng la thất thanh của Út Hường, con gái
dì Mười vang lên:
- A, nước tràn vào ruộng lúa nhà mình rồi má ơi ! Một mảng đất
to trụt xuống. Dòng nước lũ cuồn cuộn, hung hãn xoáy thốc vào thủa ruộng của dì
Mười. Đám lúa quằn xuống làm xót lòng bọn chúng tôi.
- Mồ tổ tụi bây, lúa nhà tao bị tụi bây phá cả rồi Dì Mười
khóc òa ra cùng tiếng la mắng. Thằng Dũng, con trai lớn của dì Mười bất ngờ
xông đến đấm vào mặt tôi một cú thật mạnh. Tôi té bật ra sau. Còn chưa kịp phản
ứng thì Ngọc đã nhảy tòm xuống con đê, dùng tấm thân của nàng chắn ngang dòng
nước đó. Cơn mưa vẫn không ngớt hạt. Nước lụt cuồn cuộn vỗ vào tấm thân của Ngọc.
Nhưng không thể hung hãng trào vào ruộng lúa được nữa. Hành động của nàng bất
ngờ quá, khiến cho mọi người sững sờ, kinh ngạc. Không nghĩ suy gì nữa, tôi
cũng lao mình vào dòng nước đó.
- Ngọc ! Tôi gào lên, Em điên rồi sao?
- Không còn cách nào hơn .. Giọng nàng yếu ớt. Tôi ôm chầm lấy
tấm thân ướt mềm của Ngọc, dùng tấm lưng mình chắn giòng nước thay nàng. Toàn
thân Ngọc lạnh cóng. Da mặt nàng trắng bệch, xanh xao, nhưng đôi tay nàng vẫn cố
bám chặt vào bờ đất, gồng mình ngăn cơn nước. Lúc này, toán người do Hoàng huy
động cũng đã kéo đến. Dưới ánh đuốc và đèn bão rực sáng, mọi người dầm mưa quần
quật chống trả lại với cơn bão bất ngờ này. Từng mảng đất to được ném xuống
dòng nước chảy xiết. Tiếng hét hò, động viên nhau huyên náo cả trời khuya
- Anh không sao chứ? Ngọc thều thào với tôi. Hơi thở dồn dập
của nàng phà vào mặt, khiến cho tôi tự dưng xúc động, bồi hồi.
- Anh không sao! Ngọc dại dột quá! Tôi nói, gắng tỏ vẻ bình
tỉnh với nàng. Nước vẫn còn quật vào thân thể hai chúng tôi mạnh bạo. Những va
chạm làm cho tôi cảm nhận Ngọc đang lả người đi từ từ.
- Không sao anh..... con đê đắp cũng gần xong .. Ngọc còn
chưa kịp dứt lời thì một đợt nước quật đến. Nó mang theo một gốc củi đập mạnh
vào cả hai chúng tôi. Ngọc bật lên một tiếng la khẻ đau đớn. Tôi cũng cảm thấy
choáng váng, chỉ kịp nhận ra dường như có bàn tay ai đó vừa bắt lấy bả vai của
tôi kéo lên. Mắt tôi nặng trĩu khép lại dần, bên tai còn nghe văng vẳng tiếng
reo hò
- Đắp đê được rồi ! Đám lúa của dì Mười đã được cứu rồi Nắng
sớm làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng lắm. Những cụm hoa vạn thọ trước
sân bệnh viện dường như thêm vàng rực dưới cơn nắng của một ngày đẹp trời.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế nhỏ dưới tàn cây bàng xanh bóng
lá. Lá thư của Mai tôi đặt cạnh bên mà không cần bóc ra đọc. Tôi đã quyết định.
Quyết định chọn sống theo sở thích của tôi, chứ không theo sự đặt để của Mai.
Tôi biết Mai sẽ dễ dàng quên đi tôi, vì rằng tình yêu của Mai
được hình thành trên những công thức do nàng đặt ra.
Nàng kén chọn tình cảm và sắp xếp hạnh phúc theo nguyên lý của
gia đình nàng, cái nguyên lý không phù hợp với bản tính của tôi. Sống theo những
sắp đặt đó, tôi biết, tôi sẽ không cam lòng và nàng cũng sẽ không thành công. Bởi
vì rằng, tôi và Mai hoàn toàn không cùng định nghĩa của hạnh phúc. Sự gượng ép
chỉ là mầm mống của đổ vỡ mà thôi Tôi chợt nhớ đến lời nói của một người thầy
giáo củ:
- Thầy thấy em là một người sống cho xã hội, nhưng Mai lại là
típ người phụ nữ nặng về gia đình. Có bao giờ em nghĩ thế không? Nếu như mai
này em lấy vợ, thầy nghĩ, người vợ của em phải có cùng tư tưởng sống như em, hoặc
ít ra phải là một người thông cảm cho em thật nhiều Lời nói của thầy hôm nào
bây giờ tôi mới hoàn toàn đồng ý. Thủa quen Mai và thương Mai, tôi còn là một
chàng sinh viên đại học. Mai xinh đẹp, tính tình vui vẻ, là "cơn sốt"
cho biết bao bạn học của tôi. Trong một lúc bồng bột, tôi đã để con tim mình lấn
át lý trí. Tôi đã si cái sắc đẹp đó của Mai. Đúng thế, con người ai mà không
yêu cái đẹp, huống chi ở Mai, cái đẹp là sự thu hút đầy ma lực. Khi Mai đã
chính thức đồng ý là bạn gái của tôi, nỗi vui mừng dường như có xen lẫn tính tự
hào của một thằng con trai trước bao cặp mắt ganh tuông thất bại khác. Chỉ đến
khi ra trường, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng, giữa tôi và Mai không thể nào tiến
tới xa hơn nữa. Đôi lần, tôi đã cố gắng nuông chìu theo sự đòi hỏi của Mai,
nhưng tôi luôn thất bại. Dường như, Mai đi cặp với tôi là muốn tự hào, khoe
khoang cái đẹp, cái giàu của nàng, bên cạnh cái bằng học đỗ thủ khoa của tôi.
Trong những buổi tiệc họp mặt thân hữu của ba nàng, tôi hệt như một con rối cho
hai cha con nàng sắp đặt. Nàng khoe tôi với mọi người như khoe về một món trang
sức trên người của nàng. Ông Hân, thân phụ của nàng kể về tôi như một đắc ý với
nguyên lý của ông "Có tiền là có tất cả".....Họ quên đi tôi là một
tên đàn ông. Một tên đàn ông có đủ đầy sĩ diện, và tự ái. Tôi không chịu bất kể
một ai sắp đặt cho mình. Chính thế, tôi cảm thấy lạc lỏng dần với môi trường
sinh hoạt của gia đình Mai. Tôi từ chối sự cất nhắc của ông Hân, và chịu nhận
làm khoa trưởng kỹ thuật của một công ty khác. Tôi sẵn sàng và vui mừng ưng thuận
cho những công trình tại miền quê xa xôi, hoặc núi đồi hẻo lánh. Gia đình Mai
cho tôi là một thằng khờ với mớ lý tưởng lạc hậu, lỗi thời. Họ cam đoan rằng cực
khổ, đói nghèo sẽ làm cho tôi thay đổi tư tưởng. Nhưng họ đã lầm. Chính những dấn
thân ấy mới là niềm vui sống của cá nhân tôi. Không màng sang giàu. Hạnh phúc đối
với tôi là được nhìn thấy những nụ cười hân hoan, rạng rỡ trên gương mặt đồng
bào, những con người mà tôi đang phục vu.
- A, thì ra anh trốn ra đây há ! Tiếng cười thân thiện của
Hoàng reo lên, làm tôi giật mình xoay lại. Hoàng ôm một bó hoa và một túi trái
cây trờ đến ngồi cạnh tôi. Gương mặt của Hoàng lộ vẻ hân hoan lắm. Tôi ngạc
nhiên nhìn người phụ tá, cũng là người bạn thân của mình hỏi:
- Có chuyện chi trông em vui vẻ vậy?
- Vui chứ anh! Hoàng vừa phe phẩy cái nón vừa sung sướng báo
cho tôi biết:
Ông Tiến bên phòng vật tư bay rồi
- Bay rồi? Là sao? Tôi ngỡ ngàng. Hoàng cười hìhì:
- Thì ổng bị đuổi rồi đó. Đám ông Thuyên cũng bị cuốn gói bay
theo. Cũng là nhờ dì Mười với bà con cả đó. Họ kéo đến trước công ty làm dữ quá
trời. Ông Khải tổng giám đốc phải ký lệnh trục xuất ông Tiến và ông Thuyên
ngay. Từ nay, coi như đám chuột hết còn ăn vụn
- Vậy à! Tôi mỉm cười vui vẻ:
Bà con thiệt là ngon lành hén.
- Mớ trái cây này là của dì Mười nhờ em cầm lên cho anh đó.
Thằng Dũng con trai bả cũng gởi lời xin lỗi anh. Nó còn hẹn anh em tụi mình một
chầu nhậu đó nha
- À, còn điều này thú vị lắm! Hoàng reo lên. Anh biết ai làm
trưởng phòng vật tư thay ông Tiến không? Tôi lắc đầu, Hoàng liền vỗ vào vai
tôi thích thú reo lên:
- Ngọc đó! Ông Khải quyết định cho Ngọc giữ chức vụ đó. Còn
thư ký của anh thì sẽ thay bằng một người khác. Nghe Hoàng nói thế, lòng tôi
vui vẻ lạ. Tôi mừng cho Ngọc. Cuối cùng thì tài năng và lòng nhiệt thành của
nàng cũng đã được chiếu cố đến.
- Anh nè, Hoàng khuých vào vai tôi, cười tinh nghịch:
Thư ký mới của anh phen này trẻ đẹp lắm đó nha! Tiếc là em
ván đã đóng thuyền rồi, không thì em không có nhường cho anh đâu Tôi bật cười,
nhưng lạ thật, nụ cười của tôi dường như vô vị.
- Ừ, nãy giờ lo ba hoa mà quên thăm hỏi anh ra sao hở Hoàng vừa
sửa lại cái túi trái cây, vừa hỏi tôi. Tôi đáp
- Cũng khỏe nhiều rồi! Ngày mốt ra viện đó :
- Ừ, sẵn mới nói nha! Hoàng tiếp lời tôi, cái hôm vỡ đê đó,
em không ngờ Ngọc lại gan cùng mình vậy. Thân gái mà lại dám nhảy xuống đê ngăn
nước. Em thiệt là phục lăn quay:
- Ừ, anh cũng phục Ngọc lắm.
- Em cũng phục cả anh!
- Phục anh? Tôi ngạc nhiên. Hoàng gật gù :
- Thì anh làm một chiêu Anh hùng cứu mỹ nhân thiệt là đẹp mắt
đó mà. Bây giờ nhìn cái đầu anh mang băng, đúng là dấu tích lịch sư?
- Thằng khỉ! Phá anh hả À mà Ngọc đã xuất viện chưa?
- Hôm nay nè!
- Hôm nay?
- Ừ, túi trái cây này là cho anh, còn bó hoa này là cho Ngọc
đó. Anh con trai, ai mà tặng bông
- Mấy giờ Ngọc xuất viện?
- Í cha, còn 5 phút nữa à Tôi và Hoàng hối hả toan đứng dậy
thì từ xa, Ngọc đã bước đến. Hoàng vội đón nàng với đóa hoa hồng rực rỡ:
- xin lỗi nha! tại gặp anh Huy, ảnh già chuyện quá, nên trễ
đón Ngọc
- Xì, Hoàng già chuyện thì có! Ngọc cười, rồi bước đến cạnh
tôi hỏi thăm
- Cái trán của anh ra sao rồi?
- Không sao! Có vồ ra một tí. Trông càng thông minh đó mà
Nàng bật cười. Sắc mặt nàng trông đã hồng hào hơn trước. Bờ tóc ngắn ngang vai
hôm nay được nàng xỏa tung cho bay theo gió, khiến cho tan biến đi hình ảnh một
cô thư ký kỹ thuật rất "con trai" khi xưa. Ở Ngọc hoàn toàn tương phản
với Mai. Ngọc bình dị với cả dung nhan và tính tình. Nàng lại năng nổ trong
công tác. Sự nhiệt tình của nàng đôi khi làm cả nhóm con trai chúng tôi phải
thán phục. Cũng như hành động vừa qua của Ngọc đã khiến cho mọi người sửng sờ,
yêu mến.
- Bao giờ anh xuất viện? Ngọc lột trái cam chia cho tôi và
Hoàng rồi hỏi.
- Ngày mốt! Tôi đáp rồi chìa tay ra:
Chúc mừng Ngọc được lên làm trưởng phòng. Nàng bắt nhẹ bàn
tay của tôi rồi cười:
- Cái tin này em muốn để cho Ngọc nói làm anh ngạc nhiên chơi
đó mà
- Khoan đã! Tôi giơ tay ra hiệu cho Hoàng ngưng lời nói rồi
hỏi:
Em nói ông Khải cho anh làm giám đốc kỹ thuật? Hoàng gật đầu
với nụ cười tủm tỉm, rồi cáo từ:
- Em chạy đi lấy xe đón Ngọc nha ! Anh với Ngọc ngồi nói chuyện
tí đi há Hoàng bỏ đi rồi, tôi ngồi thừ người ra trước những tin tức quá bất ngờ
đó.
- Anh sao vậy? mệt à ? Ngọc hỏi. Giọng nàng êm ái, đôi mắt lộ
vẻ quan tâm chân thành.
- Không có sao ! Anh còn khỏe lắm. Mai mốt xuất viện là sung
sức như xưa cho Ngọc xem
- Anh Huy nè!
- Gì đó Ngọc? Thoáng chần chừ, Ngọc nói khẻ:
- Ráng giữ gìn sức khỏe nha anh! Ngày xưa em làm thư ký cho
anh. Em học được từ anh nhiều điều lắm. Và bản tính của anh cũng làm em mến phục
nhiều. Em quí trọng anh như một người anh lớn trong nhà.
- Vậy à! Không dè, anh có 1 cô em chì như thế hén. Tôi cười
nhẹ pha trò. Nhưng Ngọc vẫn giữ vẻ nghiêm túc. Nàng tiếp:
- Sự quí trọng đó đã làm cho Ngọc không chỉ thích làm việc
cùng anh mà còn vui vẻ săn sóc cho anh. Ngọc biết, đôi khi anh không cần những
điều đó. Nhưng Ngọc vẫn thầm lặng làm vì Ngọc tự nguyện và luôn tìm thấy hạnh
phúc mỗi lúc bên cạnh anh. Tôi im lặng. Một thoáng xúc động dấy lên trong lòng.
Tự kiểm lại mình, tôi trách mình không ít. Thì ra, trong quá khứ, tôi đã hững hờ,
vô tình với Ngọc nhiều quá. Tôi muốn nói với nàng đôi điều, nhưng không hiểu
sao, cứ mãi nghẹn lời. Hoàng đã trở lại. Ngọc đứng dậy từ giả tôi
- Anh giữ gìn sức khỏe ! Nếu chị Mai có đến thăm thì cho Ngọc
gởi lời chào nhé. Nàng xoay bước quay đi. Cơn gió nhẹ ùa đến làm tung mái tóc của
nàng, gởi lại trong tôi một làn hương dìu dịu.
Tôi muốn nói với nàng giữa tôi và Mai đã chấm dứt, nhưng tôi
lại im lặng. Nói để làm gì chứ. Cho Ngọc hay cho tôi? Loại người sống "bao
đồng" như tôi có lẽ không nên có tình yêu. Bởi lẽ, tôi không thể cưng chìu
bạn gái của tôi như mọi người khác. Say mê với công việc, có lúc làm cho tôi
quên hẳn bản thân mình thì huống hồ chi là những người xung quanh tôi. Làm như
thế sẽ bất công với người bạn gái. Im lặng. Phải, tôi nên im lặng. Mặt trời đã
lên cao. Cơn nắng xua bóng của tôi trãi dài trên nền đất quạnh hiu.
- Em càng phấn đấu bao nhiêu, càng thành công bao nhiêu, nhiệt
tình và tài năng của em càng đưa em đến vị trí cao bao nhiêu, thì sự cô đơn
càng nhiều bấy nhiêu ! Khó ai hiểu được mình em ạ Lời của thầy giáo củ lại vọng
về trong tôi. Có lẽ, thầy nói đúng. Cho dù quanh tôi có bao bạn bè yêu mến,
nhưng thật sâu trong lòng tôi, vẫn chỉ có mình tôi với tôi mà thôi. Lặng nhìn
theo bóng dáng của Ngọc, tôi chợt dấy lên một ước mong thật tha thiết.
- Hạnh phúc của mình là niềm vui của mọi người mà ! Khẻ thở
dài, lắc đầu. Tôi xua đuổi đi cái mơ ước chợt đến đó. Tôi đang tự thuyết phục
tôi hay đang tự dối gạt tôi? Lý tưởng và tình yêu! Dường như khó tồn tại song
song. Buổi chiều xuống chầm chậm sau dãy đồi núi xanh rờn trước mặt. Màn sương
trắng mỏng lượng lờ buông xuống, khỏa lấp dần dần những thân cây thông quanh
công trường. Trên nền đất đỏ thịt những vết bánh xe vận tải chằng chịt đan vào
nhau khiến cho từ trên cao nhìn xuống, tôi có thể liên tưởng đến một bức tranh
theo trường phái siêu thực đang bày ra trước mắt. Bất chợt, tôi trông thấy một
chiếc nón vàng quen thuộc thấp thoáng giữa những chiếc xe be to lớn. Tôi khẻ mỉm
cười, rồi bước về phía ấy. Khả Tú, người trợ lý kỹ thuật mới của tôi, đang lui
cui với bản vẽ trên tay.
- Gần tới giờ cơm rồi sao em còn siêng đột xuất vậy? Tôi tằng
hắng ra hiệu cho Khả Tú biết sự xuất hiện của mình rồi bông đùa hỏi.
- Anh đến thiệt đúng lúc đó. Em đang coi lại bản vẽ. Hình như
có chút sai sót trong phần A1. Những con số này khi em đem đi đo đạc thì có tí
lệch lạc. Góc độ không chuẩn. Theo em thì độ dốc phải bớt đi 2 độ Tôi không
chăm chú lắm, mà chỉ nhìn gương mặt của Tú tủm tỉm cười. Cái nón màu vàng của
Tú to hơn gương mặt trái xoan, duyên dáng của nàng nhiều, khiến cho tôi có cảm
tưởng cô kỹ sư 24 tuổi đời này giống như một cô bé 15, 16 hơn. Tú về làm việc
cho tôi cũng đã hơn một năm. Thủa ban đầu, mỗi lúc nhìn Tú, tôi lại nghĩ đến Ngọc.
Từ sau khi Ngọc và tôi không còn làm cùng một địa phận, chúng tôi đã ít gặp gỡ
nhau. Tôi vẫn bù đầu với công việc. Cả Ngọc cũng thế. Nhưng sau đó 2 năm, tôi
nhận được thiệp hồng báo tin vui của Ngọc. Những gì sâu kín trong lòng mà tôi
giành cho Ngọc đã không còn dịp để nói. Tôi đã quá tự tin rằng Ngọc hiểu lòng
tôi, và chờ tôi. Chính thế, tôi vẫn lao đầu vào với công việc, nhiều hơn là thời
gian giành cho Ngọc. Nhưng tôi đã lầm. Tôi đã sai ! Ngọc vẫn chỉ là một con người
bình thường và tôi cũng chả là siêu nhân. Ngọc không thể chờ tôi cả đời con gái
của nàng. Đó là điều mà tôi nhận thức được .. khi mà tôi đã mất Ngọc. Tôi không
trách Ngọc, mà chỉ trách chính mình. Thế là từ đó, tôi đâm ra chán nản tình cảm.
Thời gian của tôi đều đổ dồn vào những công trình xây cất dồn dập. Với cương vị
của một giám đốc kỹ thuật, tôi lại không thích ngồi ở văn phòng. Cứ hễ, có đề
án nào, ở đâu, là tôi có mặt tại đó. Thức khuya, dậy sớm, trăn trở, hoặc hân
hoan cùng với công nhân là niềm vui của tôi.
Thắm thoát thế mà cũng đã gần 10 năm. Tôi đã bước gần đến cái
tuổi 40 của đời người. Năm năm nữa thôi. Năm năm sẽ trôi qua, thoáng chốc như một
cơn gió. Đời người! Ngắn ngủi đến hãi sơ.
- Anh Huy nè! Làm gì mà ngơ người ra vậy? Anh có nghe em nói
không? Khả Tú lay tay tôi lo lắng. Tôi phì cười, kéo nàng lại bên cạnh, âu yếm
chùi vết bẩn trên đỉnh gò má của nàng rồi nói:
- Coi em kìa nha, chiều cuối tuần rồi mà vẫn còn áo quần, đầu
tóc, lắm lem. Tú dúi đầu vào ngực tôi cười khúc khích:
- Em là cô bé lọ lem của anh mà!
- Ừ, vậy thì bây giờ hoàng tử muốn rước cô bé lọ lem đi nè
- Đi đâu vậy anh?
- Bí mật! Tôi nheo mắt nhìn Tú rồi nhìn đồng hồ:
anh cho em 60 phút tắm rửa, sửa soạn.
- Nhưng còn cái bảng vẽ nè..... em.....
- Khi em trở ra đây, anh sẽ có câu trả lời cho em! Tôi cắt
ngang lời nàng. Tú còn chần chừ:
- Nhưng cái bảng vẽ đó.....
- Em chỉ còn 59 phút! Tôi giả bộ làm mặt nghiêm. Tú phì cười
ngắt nhẹ vào tay tôi nói:
- Được rồi! em xin tuân lệnh anh giám đốc! Nói xong, nàng
chạy biến về phía cabin của mình. Tôi mỉm cười nhìn theo vóc dáng của nàng. Niềm
hạnh phúc dấy lên trong lòng tôi thật êm ả. Thật không ngờ, tôi lại yêu Tú và
được Tú yêu. Kể ra, phần số của tôi cũng còn may mắn lắm chứ. Mất đi Ngọc, tôi
cứ ngỡ đời sẽ không còn cho tôi cơ hội được yêu. Nhưng sự xuất hiện của Tú đã
như một ngọn gió mới thổi vào cõi lòng khô khan của tôi.
Tú có những bản tính hệt như Ngọc. Nàng nhiệt tình trong công
việc, thích "những chuyện làm của con trai", năng động, ưa đời sống
xã hội. Nhưng Tú không trầm lặng. Tú khác Ngọc ở điểm đó. Nàng hoạt bát, vui
tươi, hầu như luôn đem niềm vui đến cho mọi người xung quanh. Tôi còn nhớ có lần
nàng đã nói với tôi rằng "đề án đầu tiên và quan trọng nhất của đời em, là
làm sao đôi môi anh lại cười, và gương mặt anh không còn ngầu nữa" Quả thật,
tôi đã bị nàng chinh phục. Sự kiên nhẫn của nàng đã làm tôi thay đổi và đã làm
sống lại trong tôi dòng cảm xúc vốn đã bị quên lãng khá lâu. Đôi khi, tôi ngạc
nhiên lắm. Tú nhỏ hơn tôi gần 10 tuổi, nhưng nàng hiểu con người của tôi khá
nhiều.
Không còn gì tuyệt diệu cho bằng, khi cõi lòng mình được một
ai đó hiểu thấu. Cảm giác cũng hệt như sự sung sướng khi con bệnh của mình được
chẩn đoán trúng. Có lần, Tú đã nói với tôi:
- Em không ngại tuổi tác! Thiên hạ nói sao mặc thiên hạ.
Mình tuy sống trong xã hội, nhưng một khi đến bên nhau, thì chừng đó chỉ còn có
mỗi anh và em. Anh yêu em và em yêu anh. Tình yêu không có ranh giới nào cả
Nàng đã không ngại dư luận mà chấp nhận tôi, thì lẽ nào tôi lại không thể đón
nhận nàng. Cơ hội không đến trong đời người nhiều lần. Tôi đã được Tú cho cái
cơ hội quí báu đó. Tôi sẽ không vuột mất. Tôi mỉm cười vui vẻ khi thấy Tú trở
ra. Bộ đồ jeen và áo sơ mi trắng trông nàng thật trẻ trung. Mỗi lần ra phố với
tôi, nàng quả như nàng lọ lem thay hình đổi dạng. Nhìn nàng, khó ai mà tin rằng
đó là một cô kỹ sư luôn lăn lốc giữa bụi cát mịt mù của công trường. Nàng thường
nói cùng tôi "Đi với anh, em phải điệu tí ti. Cái này là điệu cho anh thui
đó nghen. Anh là một giám đốc giỏi, có nhiều xã giao, em đi bên cạnh mà hông điệu
tí thì chả khác nào em làm mất đi phong thái của anh. Với lại, em biết, anh
thích nhìn em..... xinh hơn mà !" Nàng nghĩ cho tôi đến thế thì còn gì bằng.
Cho nên, khi trông thấy Tú trở lại, tôi giang rộng hai tay chờ đón nàng.
- Sớm được 5 phút đó nha! Nàng ùa đến, xà vào lòng tôi cười
reo
- Chà, cái áo jeen hôm nọ chúng ta cùng mua đó à? Tôi ngắm
nàng. Tú nheo mắt cười:
- Ừa, hôm nay hai đứa mình bận giống nhau mà! Tình ác hén!
Tôi cười, ôm choàng lấy bờ vai nàng, hôn vào dòng tóc đen đẹp của nàng mà nói:
- Tất cả là nhờ có em thôi!
- Vậy thì phải bao em một chầu no nê nha
- Ừ, dĩ nhiên! Tôi vừa dìu nàng đi theo con dốc thoai thoải
dẫn xuống phố, vừa nói:
Anh đặc biệt dành cho em một bữa ăn tối cạnh bờ hồ, có ánh
sáng của đèn cầy và nhạc hòa tấu êm dịu, chịu chứ?
- Cám ơn anh. Nàng hôn phớt vào má tôi, rồi ngã đầu vào vai
tôi cùng sóng bước. Bất chợt nàng ngước lên hỏi:
- Ừ, anh tìm ra chỗ sai trong bản vẽ chưa?
- Em muốn biết ngay bây giờ sao?
- Dạ, em muốn biết đó. Không thì em không an tâm.
- Làm việc ngay cả lúc đi cạnh người yêu sao?
- Học từ anh thôi đó mà! Nàng cười lém lỉnh. Tôi bật cười
theo rồi siết chặt tấm thân nàng vào lòng thật âu yếm.
- Em thiệt là món quà trời ban cho anh!
- Anh còn hổng nói thì em bay về trời lại à! Tôi cười, cốc
nhẹ vào đầu nàng rồi chậm rãi giải thích vì sao có sự sai lệch đó. Nàng chăm
chú lắng nghe, thỉnh thoảng xen vào vài câu thảo luận. Câu chuyện cứ kéo dài suốt
quãng dốc dẫn xuống thành phố Đà Lạt. Ở dưới chân đồi, ánh sáng điện muôn màu sắc
lung linh trong màn đêm hệt tựa những vì sao. Và riêng tôi, cạnh bên, đang có một
ngôi sao thật đẹp. Ngôi sao mang tên Khả Tú.
Hoàng Vi Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét