Tìm trong nỗi nhớ 2
6. "Đi đâu" luôn luôn là vấn đề phải lo nghĩ trước
hàng tháng của vợ chồng Lan Chi mỗi khi kỳ nghỉ hè đến gần. Từ cuối tháng tư,
khi đợt nghỉ mùa xuân của lũ trẻ vừa kết thúc, hai vợ chồng đã bắt đầu hỏi nhau: "Hè này nhà mình đi đâu nhỉ?" Ra biển, lên núi, đi trong nước Pháp
hay ra nước ngoài? Đi đâu thì đi, phải quyết định cho nhanh để trong tháng năm
còn tìm thuê nhà hay thuê khách sạn, đặt chỗ trước, chứ cứ lần lữa đợi đến tháng
sáu thì chẳng còn nhiều nơi tốt mà kén chọn. "Tốt" ở đây còn kèm theo
tiêu chuẩn là "không đắt", cho nên thực ra cũng chẳng được kén chọn
gì nhiều. Ngân sách eo hẹp, đi xa thì tốn kém, đi gần thì loanh quanh cũng chỉ
có vài nơi. Có những năm Lan Chi chả thấy hào hứng gì, lại nghĩ đến cảnh chen
chúc tàu xe, đảo lộn cuộc sống mà phát ngán, cô bảo: "Thôi, hè này mình ở
nhà một lần thì đã sao, đi mãi cũng chán!". Nhưng Trung phản đối:
"Cả năm đã ở nhà rồi, chịu khó đi ít ngày cho lũ trẻ được thay đổi không
khí". Lại có năm tìm mãi không được nơi ưng ý, đến lượt Trung chán ngán đề
xuất ý kiến tẩy chay chuyện đi nghỉ một năm, nhưng Lan Chi không chịu: "Nghỉ hè, nhà nào người ta cũng cho con đi chơi cả, mình lại giam con ở nhà sợ
chúng nó tủi thân".
Đúng vậy, tháng bảy và nhất là vào đầu tháng tám, cả nước
Pháp ồ ạt xuống đường đi nghỉ, ai không đi được tự dưng cảm thấy mình lạc lõng,
thua kém thiên hạ. Các nhà ga đông nghịt người. Trên các con đường cao tốc, vào
những ngày và những giờ cao điểm, tốc độ xe chạy còn chậm hơn trong đường làng,
hàng đoàn ô tô lũ lượt mệt mỏi nhích từng tí một, người và xe vã mồ hôi dưới
ánh mặt trời gay gắt. Vậy mà ai cũng hớn hở ra đi. Dãy phố của Lan Chi thường
ngày đã vắng, vào những dịp này lại càng vắng tanh, hầu như nhà nào cũng có vài
tuần đóng cửa im ỉm. Kể ra ở lại nhà vào lúc này thì điều kiện nghỉ ngơi còn
yên tĩnh hơn là lên núi hay ra biển. Nhưng mà buồn, trẻ con chẳng có bạn để
chơi. Đến đầu năm học mới, cô giáo ra bài văn "Kể lại kỳ nghỉ hè của
em" thì đứa nào không đi đâu sẽ chẳng biết kể gì hết. Đấy là trẻ con, chứ
còn người lớn bị người quen hỏi thăm "hè này đi đâu" mà lại trả lời
là "không đi đâu cả", thì thấy như mình tự nhiên bị tụt xuống mất vài
nấc trong bậc thang xã hội. Nghe nói có nhà sa sút không còn tiền đi nghỉ đã phải
đóng cửa tắt đèn, chui xuống kho ở tầng hầm sống một tuần để giữ sĩ diện với
hàng xóm. Chắc là chuyện đùa thôi, nhưng chuyện thật một trăm phần trăm là gia
đình em gái Trung đã từng phải vác lều bạt lên núi cắm trại một tuần để khỏi phải
chui vào kho ở. Không phải là do thiếu tiền, mà vì vợ chồng Hạnh đột nhiên có sự
cố nên không đi nghỉ được đúng vào thời gian dự kiến, đến phút cuối cùng mới
thay đổi kế hoạch nên chỉ còn kiếm được một chỗ "camping" ở một vùng
dưới chân núi. Lên núi cắm trại thì cũng là một thú vui của dân tây, phải cái
dân mình không có tình thần thể thao leo núi như tây, lại kém chịu lạnh, nên
tuy cả nhà đã chả dám leo đâu cao, chủ yếu chỉ chui ra chui vào cái lều, vậy mà
sau kỳ nghỉ về đến Paris mẹ Trung còn bị ho dai dẳng đến hơn một tháng. Thế
nhưng hè nào bà cũng chịu khó đi nghỉ cùng gia đình con gái, tuy rằng chuyện đó
đối với bà có vẻ là nghĩa vụ hơn là niềm vui. Hè năm ngoái, gia đình Hạnh đi
nghỉ tại một bờ biển nổi tiếng ở Tây Ban Nha, đúng được hai tuần trời nắng rực
rỡ. Bãi biển đẹp, nước biển đã ấm lại trong, nhưng Hạnh phàn nàn là cô dỗ thế
nào mẹ cũng chỉ chịu ra bãi biển có đúng một lần (không nhúng chân xuống nước),
rồi lại về nhà ngồi vì sợ nắng.
Lan Chi nhớ lại tuổi thơ của mình, nghèo đói mà sao thật dễ
vui. Nghỉ hè hầu như chẳng ai đi đâu hết, lũ trẻ cùng phố được thả ra là tụ tập
ngay lại với nhau, tự nghĩ ra đủ thứ trò chơi, vui nổ trời, đến chiều tối bố mẹ
phải rát cổ bỏng họng gọi năm lần bảy lượt thì mới chịu về nhà tắm rửa, ăn uống.
Ở đây, những nhà tử tế không có cái lối thả rông con ra đường như vậy. Trẻ con
được nghỉ hè hai tháng, không lẽ đóng cửa nhốt chúng ở nhà cả sáu chục ngày. Vì
thế, hè mới lấp ló đến gần mà vợ chồng Lan Chi đã lo sốt vó đến trách nhiệm mua
vui giải trí cho con.
Năm nay, Lan Chi có vẻ ung dung hơn mọi năm về chuyện đi nghỉ
hè. Đã đầu tháng năm rồi, sực nhớ là chưa thấy vợ bàn gì đến chuyện này cả,
Trung hỏi :
- Em đã chọn được nơi nào đưa con đi nghỉ hè năm nay chưa?
- Anh có sắp xếp đi nghỉ với em và bọn trẻ được không, hay lại
để bốn mẹ con đi với nhau thôi ? - Lan Chi không trả lời mà hỏi lại.
- Em đưa con đi rồi anh tranh thủ đến vài ngày thôi. Hè năm
nay chắc anh phải ở lại trực bệnh viện.
Xin nghỉ phép vài tuần vào dịp hè đối với Lan Chi là một vấn
đề đơn giản, chỉ cần báo trước một tháng cho ông chủ là xong. Mùa hè, sinh viên
nghỉ học đi kiếm việc làm thêm đông như kiến, cửa hàng chẳng khó khăn gì để tìm
người bán hàng tạm vài tuần. Nhưng cái nghề bác sĩ của Trung thì lại hay bắt
anh làm việc vào lúc thiên hạ đi chơi: kỳ nghỉ hè không những người ta chẳng
chịu ốm bớt đi cho, mà lại còn có thêm bao nhiêu bệnh tật tai nạn cứ trái khoáy
xảy ra vào đúng lúc tinh thần nghỉ ngơi của dân chúng lên đến cao điểm . Không
phải năm nào Trung cũng lấy phép được vào dịp hè để đi nghỉ với vợ con. Những lần
như vậy, vợ chồng Trung thường chọn một nơi nghỉ gần nhà, để anh có thể đến vào
dịp cuối tuần hay vào ngày nghỉ bù nào khác rồi lại quay về làm việc mà không mất
nhiều thời gian đi lại.
- Nếu anh không đi nghỉ được thì hè này em mang bọn trẻ con
sang Đức chơi với con nhà Duy. Hẹn với vợ chồng nó đã mấy năm nay rồi, thôi thì
dịp này đi luôn là tiện nhất, - Lan Chi bảo.
- Cũng hay đó, - Trung nói. - Nhưng đi Berlin thì có lẽ một
tuần là đủ. Rồi đem bọn nó về đây, đi biển hay lên núi thêm một tuần cho
thoáng. Mùa hè nóng ở Berlin lâu anh sợ lũ trẻ nó chán. Thì cũng thành phố, nhà
cửa như đây chớ có gì đâu.
- Em muốn sang chỗ Duy hai tuần. Mấy năm rồi chị em không gặp
nhau. Với lại có hai đứa con nhà Duy chơi cùng thì bọn trẻ nhà mình nó cũng
vui. Để chúng nó luyện nói tiếng Việt với nhau. Biển với núi thì chúng nó đi
mãi rồi, còn lạ gì nữa.
- Tùy em thôi. Vậy em định bao giờ đi ?
- Em định đi hai tuần cuối tháng bảy. Đã hỏi Duy rồi, nó bảo
lúc đó đối với nhà nó là tiện nhất.
Thế là quyết định. Giữa tháng bảy này, bốn mẹ con sẽ đi
Berlin. Lan Chi thở phào nhẹ nhõm. Mọi chuyện giải quyết dễ dàng nhanh gọn như
vậy mà cô cứ băn khoăn suy tính cả tháng nay.
Nhưng cuộc đời thường hay có những sự cố bất ngờ. Quãng cuối
tháng năm, khi Lan Chi đã hoàn toàn ung dung với kế hoạch đi Đức chơi, thì bỗng
dưng Trung lại đề nghị cô chuyển chuyến đi Berlin lên đầu tháng bảy hoặc sang
tháng tám. Lý do là vì cuối tháng bảy, một anh bạn của Trung sẽ từ Mỹ qua Pháp
chơi và dự định ghé thăm anh vài hôm. Trung muốn vợ con có mặt ở nhà vào dịp
đó.
Chuyện tưởng hết sức đơn giản, không ngờ Lan Chi lại giãy nảy
lên:
- Em có kế hoạch hết rồi, không thay đổi được nữa đâu. Đã hẹn
chính xác với Duy là hai tuần cuối tháng bảy, bây giờ lại đổi sang dịp khác thì
không tiện cho nhà nó. Nó cũng có kế hoạch của nó chứ, đâu phải cứ ngồi nhà đợi
mình mãi được. Sao anh không nói từ trước ?
- Anh mới nhận được thư của Tuấn hôm nay. Mà trước sau vài tuần
có gì là quan trọng ? Nếu em thấy đi dịp khác không tiện cho Duy thì cứ đi như
đã hẹn vậy, nhưng về sớm một tuần có được không ? Anh sẽ hẹn Tuấn đến chơi mấy
ngày cuối tháng bảy, - ngạc nhiên trước phản ứng của vợ, Trung nhượng bộ.
- Anh bảo anh ấy đến vào đầu tháng tám ấy, - Lan Chi không chịu.
- Không được đâu. Nó bảo là ba mươi tháng bảy đã phải quay về
Mỹ rồi.
- Thôi, thế thì anh chịu khó tiếp bạn anh một mình. Hai ông với
nhau, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, càng vui chứ sao. Chẳng mấy khi được
sống lại đời độc thân vui tính. Em mà là anh thì em thích như vậy hơn. Có em với
bọn trẻ con ở nhà chỉ thêm vướng bận chứ được ích gì.
Khổ nỗi, ông bạn của Trung không sang Pháp dưới dạng độc thân
vui tính, mà đi cùng với vợ con. Vì vậy, Trung muốn vợ con mình cũng có mặt ở
nhà cho vui vẻ. Hơn nữa, thiếu Lan Chi, anh sợ không đón tiếp gia đình bạn chu
đáo được. Nhất là anh lại làm việc ở bệnh viện, giờ giấc linh tinh.
Vấn đề đâm ra rắc rối. Lan Chi khăng khăng không chịu thay đổi
chuyến đi Berlin. Cô bảo rằng cô không muốn sai lời hứa với Duy. Rằng đã hẹn là
sang Đức hai tuần thì cô sẽ ở đó đúng hai tuần. Rằng mấy năm rồi chị em không gặp
nhau, thế mà anh lại muốn em về sớm chỉ để tiếp đón bạn bè anh, nào em có quen
biết gì họ đâu...
"Nếu em không muốn thì thôi", Trung lạnh lùng nói rồi
quay ngoắt người bỏ đi, không buồn nghe hết những lý lẽ dài dòng của vợ. Lan
Chi ngẩn người ra nhìn theo chồng. Rất ít khi cô thấy anh có vẻ bực bội như vậy.
"Hay là mình chỉ đi một tuần thôi nhỉ?", Lan Chi nghĩ nhưng vẫn đứng
yên, không nói lại câu nào.
Đúng là Trung rất bực. Không hẳn do yêu cầu của anh bị Lan
Chi từ chối, mà cái chính là vì anh thấy vợ mình đột nhiên trở nên xa cách và
khó hiểu. Tất cả những lý lẽ mà cô đưa ra anh đều thấy chẳng xuôi tai. Anh có cảm
giác như cô che giấu anh điều gì. Ừ thì cô cứ đi Berlin, nhưng sao nhất thiết lại
phải đi hai tuần bằng được? Sao không thể chiều chồng mà về sớm một tuần? Nào
anh có yêu cầu điều gì quá đáng đâu.
Kể ra, yêu cầu của Trung không có gì là quá đáng thật, nhưng
nói cho khách quan thì vợ anh cũng không phải là không có lý khi thích ở thăm
em trai hơn là về nhà sớm để đón tiếp bạn của chồng. Có điều, cô lại giải thích
cái lý của mình một cách thiếu tự tin đến nỗi không làm sáng tỏ được
"chính nghĩa". Hẳn là trong thâm tâm Lan Chi không được thanh thản
cho lắm: cô biết rằng mình chưa hoàn toàn thành thật với chồng. Nhưng làm sao
cô có thể thú nhận được với anh, khi ngay cả với chính bản thân mình cô cũng
không muốn thừa nhận rằng ngoài việc muốn gặp em trai, ngoài những lý do khiến
cô không hào hứng với đề nghị của Trung, còn có một nguyên nhân thầm kín khác
thúc đẩy cô phải có mặt ở Berlin cả hai tuần cuối tháng bảy. Cô không muốn thừa
nhận rằng cái ý định đi Đức chơi quả là đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự ám ảnh
cô kể từ khi nghe cái tin do Tài "ủng" đem đến. Điều này, tất nhiên,
Trung không thể biết.
Vậy là đến ngày bốn mẹ con lên đường, cả Trung lẫn Lan Chi đều
có tâm trạng không thoải mái. Anh tự nhủ là không đáng để bực mình vì một chuyện
nhỏ nhặt như vậy, cái chính là vợ con có kỳ nghỉ vui, thế là được rồi. Cô tự nhủ
là mình không có lỗi gì với chồng, mình không định làm điều gì không phải, việc
mình có mặt hay không có mặt ở nhà khi bạn Trung đến chơi đâu có gì là quan trọng...
Trung lái xe đưa vợ con ra ga. Đến lúc chia tay, tự nhiên Lan
Chi mủi lòng, cô đột ngột vòng tay ôm cổ chồng, gắn vào môi anh một cái hôn thật
thắm thiết và hứa: "Nếu bọn trẻ con ở đó một tuần thấy chán thì em sẽ
mang con về sớm, có gì em sẽ gọi điện cho anh". "Anh sẽ gọi điện
cho em đến nhà Duy, như vậy tiện hơn", Trung nói, cảm động vì cái hôn thắm
thiết bất ngờ của vợ.
Tàu bắt đầu chuyển bánh. Lan Chi nhìn bóng chồng lùi xa dần
trên sân ga, chẳng hiểu sao bỗng thấy lòng se lại như sắp phải xa anh lâu lắm.
Cô cũng chẳng rõ mình chờ đợi gì ở chuyến đi này. Có lẽ chẳng đợi chờ gì hết cả.
Vậy mà cứ thấy trong lòng pha trộn những cảm giác lạ lùng, một chút hy vọng, một
chút bồn chồn, và dường như có cả một chút lo sợ nữa.
Đây là lần đầu tiên được đi Berlin nên cả ba đứa trẻ đều hớn
hở. Nhất là cu Nam, tàu chạy mới được chừng một tiếng mà cu cậu đã sốt ruột hỏi: "Sắp đến Berlin chưa hả mẹ?" "Đầu tiên phải đến Paris cái
đã. Sau đó chúng mình sẽ chuyển tàu đi Berlin", Lan Chi giải thích. Thấy
con trai nhấp nhổm không yên, cô bèn lấy một quyển sách mang ở nhà đi, đưa cho
thằng bé và bảo: "Nếu con chán ngắm cảnh rồi thì đọc sách vậy. Đọc hết
quyển này chắc sẽ đến Paris." Rồi cô cũng lấy ra cho mình một quyển sách.
Đọc cho khỏi nghĩ ngợi linh tinh. Trước mắt là cả một chặng đường dài. Còn hơn
ba tiếng nữa tàu mới đến Paris.
7. Lan Chi không sao gạt được khỏi đầu mình những ý nghĩ về Kiên
kể từ hôm đặt chân đến Berlin. Mặc dù cô ra sức tự khẳng định với mình rằng mục
đích chính của chuyến đi này chỉ là thăm gia đình cậu em trai, có "chuyện
gì khác" thì cũng chỉ là nhân thể, thế nhưng ngay từ đêm đầu tiên ở đây,
trằn trọc khó ngủ vì cảm giác lạ nhà, trong đầu cô chốc chốc lại lởn vởn một
câu hỏi: "Không biết giờ này Kiên đã ở Berlin chưa nhỉ?"
Cũng khó mà không nghĩ về cái "chuyện gì khác" ấy,
khi biết rằng rất có thể hiện giờ Kiên đã ở đây, trong chính thành phố này,
cùng hít thở bầu không khí này, cùng ngắm vòm trời đầy sao này bên ngoài cửa sổ...
Và rất có thể sáng mai, một hồi chuông cửa sẽ vang lên, cô sẽ ra mở cửa và sẽ
thấy trước mắt mình là một bông hồng nhung đỏ thắm.
Bắt quả tang mình đang mơ mộng vẩn vơ như vậy, tự nhiên Lan
Chi thấy hơi xấu hổ, cô tự mắng mình là "cải lương" rồi tự dội cho
mình một gáo nước lạnh: "Vớ vẩn thật! Chắc gì cái tin mà Tài "ủng"
tung ra đã đúng. Tin ai chả tin, lại đi tin cái mồm dẻo như kẹo kéo ấy. Vả lại,
nếu Kiên có mặt ở Berlin thời điểm này thật thì cũng chắc gì anh ấy đã biết là
mình đang ở đây. Mà nếu anh ấy biết mình đang ở đây thì cũng chắc gì anh ấy đã
muốn tìm gặp mình. Mỗi người một phận rồi, còn hoa cúc hoa hồng gì nữa!"
Tự trấn áp mình như vậy cho lương tâm yên ổn thôi, chứ thực
ra Lan Chi cũng biết rằng những mơ mộng của cô không hẳn là không có cơ sở.
Ngay từ khi mới dự kiến chuyến đi này, cô đã nhẩm tính rất nhanh rằng nếu Kiên
đến Berlin thì thể nào anh cũng phải đến chỗ Sơn, ông bạn thân của anh ở thành
phố này. Sơn thì hàng ngày đều gặp Duy ở chỗ làm việc, nhất định phải biết chuyện
Lan Chi từ Pháp sang thăm em trai. Chẳng có lý do gì mà Sơn lại không nhanh nhảu
truyền ngay cái tin ấy cho Kiên để làm quà. Diễn biến tiếp theo thế nào thì...
hạ hồi phân giải.
"Hạ hồi" không diễn ra nhanh chóng lắm: ngày hôm
sau, lại ngày hôm sau, rồi thêm ngày hôm sau nữa, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
Nhưng Lan Chi cũng không có thời gian để bận tâm nhiều đến chuyện đó: vừa mới
sang Đức được vài hôm, cô còn đang rối rít tít mù với con, với cháu, với em
trai em dâu. Ban ngày thì cùng em dâu dắt một bầy năm đứa vừa con vừa cháu đi
chơi. Tối đến thì hàn huyên với em trai, đủ thứ chuyện trên trời dưới biển của
mấy năm xa cách. Hai chị em vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại
và e-mail, nhưng với lối trao đổi ngắn gọn này thì có nhiều chuyện dài dòng chẳng
tiện nói ra, bây giờ gặp nhau mới là lúc dốc bầu tâm sự.
"Bầu tâm sự" của Duy chủ yếu là những chuyện liên
quan đến Thu Uyên (vợ Duy). Lúc vừa mới bước vào nhà, Lan Chi đã hơi sửng sốt
khi nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã của em dâu. Chẳng còn gì giống cô gái
tươi roi rói, mắt long lanh hạnh phúc mà Lan Chi gặp lần đầu trong lễ cưới của
em trai cách đây dăm năm nữa. Ở thêm vài hôm thì lại chứng kiến thêm nhiều chuyện
lạ: thỉnh thoảng, lại thấy cô em dâu thắp hương xì xụp khấn vái thần thánh gì
đó với một vẻ hết sức thiết tha trước cái bàn thờ nhỏ kê ở góc phòng. Rồi đến bữa
ăn, sau khi đã trổ tài xào nấu đủ món thơm điếc mũi để thết chị chồng xong, ngồi
vào bàn, Thu Uyên lại dọn riêng ra cho mình một đĩa rau luộc và bảo : "Cả
nhà cứ ăn ngon miệng nhé. Hôm nay em ăn chay." Lan Chi ngạc nhiên đưa mắt
nhìn Duy, nhưng cậu em trai ra hiệu cho cô cứ ăn đi, đừng bận tâm đến chuyện
đó, cho nên cô đành giả bộ toàn tâm toàn ý tập trung vào bữa ăn, nhưng trong
lòng thì cứ thắc mắc mãi không yên. Đợi lúc chỉ còn hai chị em ngồi lại với
nhau, Lan Chi hỏi ngay: "Này, sao tự nhiên Thu Uyên lại cúng vái ăn chay
thế nhỉ? Cái này là từ trước hay mới đây thôi? Vợ chồng em có chuyện gì trục
trặc không đấy?" Duy thở dài: "Mới gần đây thôi. Bọn em thì chẳng
có chuyện gì. Có chuyện là chuyện gia đình Uyên ở Hà Nội ấy chứ."
Gia đình Thu Uyên ở Hà Nội mấy năm nay không hiểu sao cứ bị vận
hạn trút xuống đầu tới tấp. Đầu tiên là việc cậu em rể của cô chả rõ làm ăn thế
nào mà tự dưng vỡ nợ. Chuyện hết sức mù mờ, Duy không hiểu nổi vì ngay cả Thu
Uyên cũng chẳng hiểu gì mấy. Chỉ biết rằng cậu em rể này mấy năm trước thì làm
ăn vô cùng phát đạt, tiền của thu về như nước (cũng chẳng rõ bằng cách nào),
nhà xây cao ngất ngưởng, cô vợ (em gái của Thu Uyên) vốn là giáo viên cấp hai
thì đẻ con xong bèn bỏ việc luôn, chỉ ở nhà ôm con, quản lý ôsin và đi
"shopping" để tiêu tiền cho bớt nặng túi. Nhưng tiền đến nhanh nhẹn
như thế nào thì tiền đi cũng chóng vánh như vậy. Trong lúc Thu Uyên còn đang hết
sức ngưỡng mộ tài làm kinh tế của cậu em rể, thỉnh thoảng vẫn đem ra để treo
gương sáng cho chồng mình noi theo, thì tự nhiên cô nhận được lá thư kêu cứu của
mẹ gửi từ Hà Nội. Trong thư, mẹ Thu Uyên cho biết rằng công việc làm ăn của
Tùng, em rể cô, đã bị đổ bể, do cậu ta vừa bị lừa trong một phi vụ làm ăn lớn (hay là chính cậu ta đi lừa người khác rồi bị phát giác - điều này chỉ là nghi vấn
thôi chứ vợ chồng Duy không xác định được, vì mẹ Thu Uyên nói hết sức lấp lửng).
Chỉ có điều chắc chắn là cái nhà cao ngất ngưởng đã bị tịch thu, Tùng nợ ngập cổ
đang đợi ngày ra tòa, và Trâm (em gái Thu Uyên) thì dọa rằng nếu chồng phải đi
tù thì cô sẽ tự tử. Mẹ của Thu Uyên viết bằng một giọng vừa ra lệnh vừa van
xin, giục vợ chồng cô gửi tiền về để cứu em, chứ chẳng lẽ anh chị sống sung sướng
mà nỡ để gia đình em nó tan nát, con Trâm nó có làm sao thì mẹ cũng chẳng thiết
sống làm gì. Đọc thư, Thu Uyên hoảng loạn tâm thần, cuống cuồng bắt chồng vét hết
sạch số tiền dành dụm trong nhà băng (tích cóp nhằm mục đích mua nhà) để gửi
về trả nợ cho em rể. Ai ngờ, anh chị kiếm tiền ở tây không giỏi bằng cậu em rể
tiêu tiền ở nhà. Hy vọng mua nhà của vợ chồng Duy vỡ tan như bong bóng xà phòng
mà vẫn không cứu được Tùng khỏi cái cảnh vào nhà đá ngồi bóc lịch. Em gái của
Thu Uyên không tự tử nhưng khóc lóc ôm con về ở với bố mẹ, việc làm chưa có, tiền
cũng không. Gia đình tự nhiên lâm vào cảnh cùng quẫn: bố mẹ Thu Uyên xưa nay vốn
không có nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu và trợ cấp của con, cả con
phát đạt trong nước lẫn con kéo cày ở nước ngoài. Nay không những đã mất đi một
nguồn quan trọng, mà lại phải gánh thêm con gái và cháu ngoại tay trắng về ăn
bám. Tất nhiên, sức các cụ thì tự thân vận động hãy còn mệt, làm sao gánh nổi
ai. Lại phải trông chờ vào con gái con rể ở Đức thôi.
Vợ chồng Duy nhận thêm trách nhiệm chu cấp cho một gia đình bốn
miệng ăn ở Hà Nội đúng vào thời điểm Thu Uyên vừa mới sinh đứa con thứ hai. Lúc
trước, cô vốn đã chỉ có chỗ làm việc nhì nhằng, thu nhập không đáng kể, nên khi
có thêm bé thứ hai, vợ chồng Duy tính toán thấy Thu Uyên đi làm chẳng bõ tiền
thuê người trông con, nên bèn quyết định để cô thôi việc, ít nhất là vài năm
khi con còn nhỏ. Nhân khẩu tăng, tiền không những không nở ra mà còn teo lại, vốn
liếng trong nhà băng thì đã vét sạch cả rồi, đương nhiên vợ chồng Duy không có
đủ khả năng để trợ cấp cho gia đình Thu Uyên ở Hà Nội với mức độ như mong muốn.
Những lá thư nhà bắt đầu bay sang tới tấp, mỗi lá thư có ít nhất một câu chuyện
đau lòng về cuộc sống của gia đình Thu Uyên ở Hà Nội, kèm theo dăm câu ám chỉ
bóng gió đến những kẻ bội bạc, ích kỷ, chỉ biết sướng cái thân mình ở nước
ngoài mà chẳng thiết gì đến những người ruột thịt ở quê hương. Mỗi lần đi làm về,
chỉ cần nhìn thấy mắt vợ đỏ mọng lên là Duy biết ngay rằng vừa mới có thư từ Hà
Nội gửi đến.
Tai họa chưa dừng lại ở đó. Cách đây hơn nửa năm, bố Thu Uyên
đột nhiên bị tai biến mạch máu não, cả nhà đã có lúc tưởng cụ không qua khỏi,
may được Giời Phật phù hộ nên cụ thoát khỏi tay tử thần, nhưng vẫn phải nằm liệt
giường liệt chiếu. Nhà đã quẫn lại càng quẫn : bao nhiêu khoản chi tiêu nảy ra,
nào tiền thuốc thang, nào tiền thuê nguời chăm sóc bố..., mà nguồn trợ cấp thì
không có cách gì sinh sôi nảy nở thêm ra được. Thấy Thu Uyên khóc nhiều quá,
Duy xót ruột nên chạy đi vay tiền cho vợ về Hà Nội thăm bố ốm, tất nhiên ngoài
tình cảm ra còn phải mang theo về được một khoản kha khá để đỡ đần các cụ ở
nhà. Trở lại Berlin, vợ Duy đã có vẻ thanh thản hơn. Nhưng chỉ vài tháng sau,
khoản tiền ở Hà Nội tiêu xong thì sự thanh thản của Thu Uyên cũng hết. Mắt cô lại
đỏ mọng lên mỗi lần nhận được thư nhà. Những câu chuyện kể trong thư giờ đây
không chỉ dừng lại ở chỗ đau lòng mà đã lên đến mức thê thảm. Những câu ám chỉ
bóng gió đã chuyển thành những lời mắng mỏ, đay nghiến. Chỉ còn một chỗ bấu víu
duy nhất trong lúc tuyệt vọng, mẹ Thu Uyên không thể nào hiểu nổi rằng nước Đức
không phải là cái kho của "Alibaba" và túi tiền của con gái con rể bà
không giống như nồi cơm Thạch Sanh. Tiền càng chậm gửi thì độ sâu sắc trong thư
của bà càng tăng lên, không còn là thể văn kể chuyện thông thường mà đã nâng
lên đến tầm triết lý với những lời cảnh báo về cái tòa án lương tâm khủng khiếp
sẽ chờ đợi những kẻ bất hiếu, nhẫn tâm bỏ rơi bố mẹ khốn khổ ở trong nước để hưởng
giàu sang phú quý một mình ở nước ngoài.
Thế nhưng, trái với dự kiến của mẹ Thu Uyên, tra tấn lương
tâm hóa ra chẳng phải là một biện pháp kinh tế tốt để làm nảy ra tiền. Dù có sợ
vạc dầu sôi sùng sục nơi địa ngục đến mấy thì vợ chồng Duy cũng chịu chết,
không biết làm sao kiếm ra đủ tiền để đáp ứng nổi nhu cầu của gia đình Thu Uyên
ở Hà Nội. Vợ Duy không chỉ khóc mỗi lần nhận được thư nhà nữa, cô bắt đầu rơi
vào trạng thái thẫn thờ thường xuyên. Khổ sở vì cảnh nhà, đau đớn vì những lời
mắng mỏ của mẹ, mặc cảm vì để chồng phải bao bố mẹ mình quá nhiều, chán chường
vì cuộc sống của mình với chồng con ở Đức tự nhiên trở thành chật vật..., Thu
Uyên suy sụp thần kinh hoàn toàn. Duy cố gắng động viên an ủi vợ, nhưng chính bản
thân anh nhiều lúc cũng bực bội chán nản, chẳng đủ sức làm chỗ dựa tinh thần
cho Thu Uyên. Vậy là từ hai tháng nay, Thu Uyên bắt đầu lập bàn thờ ở nhà và
chăm chỉ đi lễ. Thấy vợ ăn chay, tụng niệm, thoạt đầu Duy cứ tưởng Thu Uyên quy
đạo Phật, sau mới rõ là cô theo một thứ đạo đa thần, cúng vái từ Giời Phật đến
thần linh ma quỷ, đối với vị nào cũng thành tâm như nhau. Kinh kệ chả thuộc
câu nào, cũng chẳng biết chính xác đối tượng thờ cúng của mình là ai nữa, Thu
Uyên chỉ nghĩ ra được độc có mỗi một kiểu khấn duy nhất là "xin các vị
linh thiêng phù trợ, giải hạn cho gia đình con". Nghe bảo ăn chay giúp cho
thể xác phàm tục trở nên thanh thoát, mà càng thanh thoát thì càng dễ làm động
lòng các "các vị" hơn, vậy là Thu Uyên cũng ăn chay. Nhưng cô không
câu nệ ngày rằm hay mùng một gì cả, mà cứ vài hôm lại ăn chay một lần, tùy theo
tâm trạng, với chủ thuyết rằng càng ăn chay nhiều càng tốt. Người truyền cho Thu
Uyên chủ thuyết này là chị Ngoan, một chị hàng xóm cùng phố, chị này ăn chay
theo lịch ba trăm sáu mươi nhăm ngày một năm.
Ẳnh hưởng của chị Ngoan đối với Thu Uyên trong thời gian gần
đây làm cho Duy vừa ngạc nhiên, vừa lo sợ. Chị này vốn thuộc diện "xuất khẩu
lao động", tốt bụng nhưng đơn giản, lại hơi quê mùa, cho nên trước đây vợ
Duy chỉ có quan hệ xã giao với chị như với một người đồng hương cùng phố, chứ
chưa bao giờ thân thiết. Thế rồi cách đây quãng hai năm, một lần gặp chị Ngoan
ngoài phố trong tình trạng đột nhiên không còn sợi tóc nào trên đầu, Thu Uyên sửng
sốt dừng lại hỏi thăm. Tỉ tê trò chuyện một lúc, cô bàng hoàng được biết rằng
chị mới cạo đầu sau khi nhận được tin thằng con trai duy nhất của mình gửi ông
bà ngoại ở quê nuôi vừa bị chết đuối. Đi "xuất khẩu" ở Đức bị chồng ở
nhà bỏ, mấy năm nay chị Ngoan vừa ky cóp tiền để gửi về nuôi con và nuôi bố mẹ ở
trong nước, vừa tìm cách đón con sang. Nhờ người dắt mối, chị đã tìm được một
ông tây đồng ý làm đám cưới giả với chị, giá cả phải chăng. Tiền đã trao, đến
lúc sắp sửa tiến hành làm thủ tục giấy tờ thì đột nhiên ông tây lại ngãng ra,
trả lại tiền, không chịu làm chồng hờ nữa. Hỏi đi hỏi lại mãi, tốn bao nhiêu thời
gian, ông tây mới tiết lộ ra rằng tại chị vừa già vừa xấu, cho nên ông thấy khoản
tiền ấy chẳng bõ công ông phải xấu hổ vác mặt đi làm các thủ tục kia ("Mà
lão còn già và xấu gấp mấy mình ấy chứ", chị Ngoan căm giận kể lại như vậy,
không biết trong nhận xét này có bao nhiêu phần chủ quan.) Chẳng còn cách nào
khác, chị Ngoan lại phải mặc cả trả thêm tiền, rồi cuối cùng cũng nhận được cái
giấy xác nhận là vợ (hờ) của ông tây. Đang mừng rỡ chuyển sang giai đoạn làm giấy
tờ để đón con trai sang Đức thì nhận được tin thằng bé chết đuối. Quá đau đớn,
chị cạo trọc đầu, ăn chay, và ngoài giờ làm việc ra thì dồn toàn bộ tâm huyết
vào việc lễ bái.
Câu chuyện thương tâm của chị Ngoan làm Thu Uyên xúc động đến
nỗi từ đó thỉnh thoảng cô lại chủ động ghé vào thăm chị, hỏi xem chị có cần
giúp đỡ gì không. Chị Ngoan bắt đầu "truyền đạo" cho Thu Uyên. Mới đầu,
vợ Duy chỉ nghe chị Ngoan vì lịch sự, nhưng rồi gần đây, sau những biến cố xảy
ra với gia đình mình, cô bèn theo chị đi lễ. Nếu không vì Duy vừa dỗ dành, vừa
dọa dẫm thì Thu Uyên còn định noi gương chị Ngoan mà cự tuyệt thịt cá hoàn
toàn. Bây giờ, một trong những nỗi ám ảnh lớn của Duy là một hôm nào đó đi làm
về nhà sẽ thấy vợ đón mình với cái đầu trọc lốc.
"Chị nói chuyện với Uyên hộ em đi, - Duy năn nỉ Lan Chi.
- Em thì chịu rồi, chẳng biết nói làm sao cho Uyên tỉnh lại. Chị khách quan
hơn, lại học ngành tâm lý, nhiều kinh nghiệm, có khi Uyên nghe chị đấy."
"Ừ, chị sẽ cố thử xem sao, - Lan Chi hứa. - Nhưng chị nghĩ, nếu lễ bái một
chút mà làm cho Uyên nó thanh thản hơn thì có lẽ cũng chẳng hại gì. Cái chính
là đừng có quá đà, đừng có trở thành mê muội thôi. Chứ ai mà chẳng cần một chỗ
dựa tinh thần hả Duy. Em biết không, cái hồi bố mới mất nhiều lúc chị tưởng như
không chịu nổi, giá có một cái gì để bấu víu vào thì có khi cũng đỡ khổ
hơn."
Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, Lan
Chi được giao nhiệm vụ áp dụng kiến thức chuyên môn tâm lý học của mình vào một
đối tượng cụ thể "có vấn đề". Mục đích đặt ra là phải làm giảm bớt ảnh
hưởng của chị hàng xóm trong địa hạt tư tưởng của cô em dâu. Chuẩn bị tinh thần
hết sức kỹ càng, nhưng cuối cùng hóa ra gợi chuyện vợ Duy hoàn toàn không phải
khó. Lan Chi chỉ vừa mới thử lựa lời hỏi han vài câu mà mắt cô em dâu đã lập tức
rưng rưng: "Em biết anh Duy không thích em như thế này đâu, nhưng nhiều
lúc em không có cách nào chịu nổi..." Thế rồi, chị chồng em dâu ngồi trò
chuyện hết cả một buổi chiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ đến "đời là bể khổ"thôi
chứ chả có chân lý gì mới mẻ. Vậy mà Thu Uyên hình như cũng nhẹ nhõm hẳn đi khi
trút ra được những nỗi niềm bao lâu dồn nén trong lòng: cảm giác bất lực trước
nỗi khổ của người thân, mặc cảm do hàng trăm ngàn cây số cách xa mà mình đã biến
thành kẻ ngoài cuộc, nỗi đau đớn khi ngay cả những người ruột thịt nhất cũng
không hiểu và oán giận mình, tâm trạng thắc thỏm lo âu khi lâu không nhận được
thư nhà, nhưng đến khi cầm lá thư trên tay thì lại không đủ cam đảm để bóc ra đọc...
"Rồi còn bao nhiêu nỗi lo sợ vơ vẩn nữa, chị biết không, mỗi khi nghe
chuông điện thoại vào một giờ bất thường là em lại sợ đến thắt cả tim, không muốn
nhấc máy lên, chỉ lo phải nghe tin xấu..." "Chị hiểu chứ, chị đã trải
qua nỗi sợ ấy rồi, chị đã từng nhận một hồi chuông điện thoại réo lên vào lúc nửa
đêm, và sau đó không bao giờ còn tìm lại được sự bình yên như trước nữa...
Nhưng tất cả những điều mà em vừa nói đó: cái cảm giác bất lực ấy, cái mặc cảm
ngoài cuộc ấy, cái nỗi đau không được hiểu ấy... hình như chẳng phải của riêng
ai nữa đâu, nó đã là một phần của cuộc sống tha hương rồi, Uyên ạ."
Ngoảnh đi ngoảnh lại, một tuần lễ ở Berlin trôi vèo qua lúc
nào không biết. Trung đã ba lần gọi điện thoại đến nhà Duy, hai lần đầu chỉ để
biết tình hình vợ con, nhưng đến lần thứ ba thì anh hỏi: "Mấy mẹ con có định
về sớm hơn không, hay vẫn ở lại hết cả hai tuần?" "Em cũng chưa quyết
định, - Lan Chi do dự nói. - Mấy đứa trẻ chơi với nhau vẫn vui lắm, chưa muốn về
đâu. Thôi, để em xem thế nào rồi vài hôm nữa em gọi lại cho anh nhé."
Hết một tuần rồi mà vẫn chẳng có tin tức gì của Kiên, Lan Chi
bắt đầu phân vân, cô phỏng đoán: "Hay là vì hiện nay Sơn không có mặt ở
Berlin, cho nên chẳng có ai báo cho Kiên biết chuyện mình đến thăm Duy cả?" Để kiểm tra lại điều này, trong bữa ăn tối, Lan Chi làm ra vẻ tình cờ hỏi
Duy:
- À, anh Sơn có làm việc ở chỗ em nữa không hả Duy? Nếu gặp
thì bảo là chị gửi lời thăm anh ấy nhé.
- Anh ấy vẫn làm cùng chỗ với em. Hôm nọ, em có kể chuyện chị
với lũ nhóc đến đây chơi, anh ấy cũng hỏi thăm chị mà em quên không nói lại, -
Duy đáp.
"Vậy chắc là Kiên không đến Berlin rồi. Nếu không, ít nhất
Sơn cũng phải báo cho Duy tin đó", Lan Chi nghĩ. Tự nhiên, cô thấy bực bội
với chính mình. "Sao mình lại dễ tin đến thế nhỉ, nghe lão Tài "ủng"
nói vu vơ một câu như vậy mà cũng tin ngay được."
Còn sáu ngày nữa là hết tháng bảy. Tuy lũ trẻ con vẫn quấn
quýt nhau nô đùa cả ngày không biết chán (kể cũng lạ: ngôn ngữ giao tiếp của
chúng là một sự pha trộn hết sức liều mạng ba thứ tiếng Việt-Pháp-Đức, vậy mà
chúng hiểu và thân nhau rất nhanh), nhưng Lan Chi đã nghĩ đến chuyện về sớm vài
hôm để làm vui lòng chồng. "Ngày mai, mình sẽ ra ga xem mua vé tàu thế
nào, rồi sau đó sẽ gọi điện báo ngay cho anh ấy", cô dự tính.
Nhưng Lan Chi chưa kịp gọi điện nói chuyện với chồng thì
chuông điện thoại đã gióng giả vang lên trong bữa ăn tối hôm đó ở nhà Duy. Duy
đi sang phòng bên cạnh nhấc máy nghe rồi gọi vọng ra:
- Chị Chi ơi! Có điện thoại cho chị đấy!
- Anh Trung lại gọi phải không? Chắc anh ấy sốt ruột rồi.
Thôi có khi ngày mai chị đi mua vé tàu về, Duy ạ, - Lan Chi vừa bước về phía em
trai vừa nói.
- Không, không phải anh Trung đâu, - Duy đáp. - Anh Kiên muốn
nói chuyện với chị, anh ấy đang ở nhà anh Sơn.
Mười mấy năm trời ngăn cách hiện tại với quá khứ dường như vụt
biến đi khi Lan Chi bước đến bên máy điện thoại. Cô hít một hơi dài để tự trấn
tĩnh rồi nhận ống nghe từ tay Duy.
- Alô... - cô nói bằng một giọng ngập ngừng và hơi yếu ớt.
- Lan Chi phải không?
Giọng nói vang lên ở đầu dây bên kia thân thuộc đến nỗi tự
dưng Lan Chi có cảm giác như nghẹt thở. Trong khoảnh khắc, cô thấy mình như đột
ngột rơi vào một khoảng trống bồng bềnh: không còn thời gian, không còn không
gian, chỉ còn cô và anh giữa những kỷ niệm quay cuồng.
8. Không có thời gian, không có không gian, chỉ có tôi, anh và kỷ
niệm.
Đã bao nhiêu năm tôi nghĩ về cuộc hội ngộ này, và lần nào nó
cũng hiện ra như vậy trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi không hình dung ra được
mình sẽ gặp lại anh ở đâu, vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào, nhưng tôi gần như
tin chắc rằng sớm hay muộn thì chuyện này cũng sẽ xảy ra. Tôi và anh còn có quá
nhiều điều để nói với nhau, dù cuộc đời hai đứa đã từ lâu rẽ thành hai ngả.
K. không khác mấy so với thời ở Matxcơva. Trên gương mặt anh
hẳn là đã có thêm những nếp nhăn mờ của thời gian, nhưng nụ cười và cái nhìn vẫn
nguyên xi như vậy. Anh bước vội gần như chạy về phía tôi, gió thổi tung lòa xòa
mái tóc bờm xờm "nghệ sĩ".
Tôi hy vọng mình không thay đổi nhiều dưới con mắt của anh.
Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn nhất quyết để đúng một kiểu tóc dài ngang vai như vậy,
kiểu tóc mà anh thích (và chồng tôi cũng thích). Những sợi tóc dài bay rối lên
trong gió khi tôi bước lại gần anh. K. đưa tay vuốt lại tóc cho tôi, và đột
nhiên tôi có cảm giác như anh muốn ôm ghì lấy tôi nhưng kìm lại được.
- Em đã biết trước rằng thế nào chúng mình cũng gặp lại nhau,
- tôi nói.
- Anh cũng tin như vậy, nhưng anh không ngờ là phải đợi lâu đến
thế này, - K. đáp.
Thời gian đột ngột ập về sau câu nói đó của K. Bao nhiêu lời
định nói bỗng nhiên trở thành lạc lõng và vô nghĩa trước sự hiện diện lặng lẽ
nhưng nặng nề của nó. Qua màn sương mờ ảo của thời gian, tôi nhìn thấy hai bóng
hình xa lắc xa lơ - tôi và anh trên sân bay Seremetievo ngày ấy.
- Khi chúng mình chia tay nhau ở sân bay Seremetievo, em cứ
hy vọng là chỉ ít ngày sau anh cũng sẽ về Hà Nội, - tôi nói.
- Anh rất muốn về, anh đã cố hết sức, nhưng anh không thể về
được. Hoàn cảnh lúc đó như vậy, chắc là em cũng hiểu, phải không?
- Có những điều em không bao giờ hiểu nổi. Tại sao khi chúng
mình ở Matxcơva, anh cứ khăng khăng không chịu giải thích cho em tình hình làm
ăn của anh lúc đó?
- Nhưng giải thích cho em những chuyện ấy thì có ích gì đâu,
L.C.? Em cũng sẽ không thể giải quyết được gì, mà chỉ khổ thêm thôi.
- Nếu em biết rõ tình hình, ít nhất, em cũng có thể ở lại
Matxcơva để đợi anh, em sẽ không đời nào bỏ về Hà Nội trước một mình khi biết rằng
anh đang ở trong tình trạng khốn khổ như vậy.
- Lúc đó, chính em cũng đã khổ lắm rồi. Em nói rằng "em
không chịu đựng nổi cuộc sống như thế này nữa". Anh không có quyền yêu cầu
em tiếp tục cuộc sống như vậy nữa.
- Khi ấy, em nói thế vì em không hiểu gì hết cả ! Em chỉ nhìn
thấy nỗi khổ của em thôi. Nếu em biết rõ...
- Nếu em biết rõ, có thể em sẽ ở lại đợi anh thêm một thời
gian nữa, nhưng cuối cùng chắc em cũng sẽ không chịu đựng nổi và bỏ đi thôi.
Anh đã nghĩ mãi rồi. Hồi ấy, anh rơi vào một tình trạng bế tắc, một vũng lầy như
em đã nói, em có nhớ không? Em bảo rằng em muốn kéo anh ra khỏi vũng lầy này.
Nhưng em không hiểu rằng điều đó là quá sức em. Còn anh, việc duy nhất mà anh
có thể làm lúc ấy là không kéo em rơi vào vũng lầy cùng với anh.
- Nhiều lúc, em cứ nghĩ lẽ ra em phải ngăn cản anh ngay từ đầu.
Lẽ ra, anh không bao giờ nên dấn thân vào con đường ấy. Lẽ ra chúng mình phải về
nước cưới luôn ngay sau khi anh bảo vệ xong...
- Nhưng làm sao mà biết trước được sự đời hả L.C.? Làm sao
anh biết trước được mọi sự sẽ đến nông nỗi này? Lúc ấy, anh chỉ hình dung rất
rõ cuộc sống của chúng mình sẽ vất vả ra sao nếu về nước trắng tay. Anh đã muốn
tránh cho chúng mình cuộc sống đó. Anh hy vọng...
- Anh đã mất hy vọng từ khi nào ? Có phải từ khi tiễn em ở
sân bay Seremetievo không? Lúc ấy, anh bảo: "Anh không muốn mất
em". Em không hiểu ngay tại sao anh nói thế. Nhưng về sau, em nghĩ rằng chắc
là ngay từ lúc đó, anh đã biết là chúng mình sẽ mất nhau rồi.
- Không hẳn thế đâu. Lúc đó, anh đã linh cảm thấy điều này,
nhưng anh vẫn còn hy vọng. Anh chỉ thực sự mất hy vọng khi ngừng viết thư cho
em.
- Nhưng tại sao anh không viết thư cho em? Dù thế nào đi nữa
thì em cũng có quyền được biết rõ sự thực. Dù anh thấy chúng mình không còn hy
vọng thì anh cũng phải nói với em một lời từ biệt cuối cùng. Anh chưa bao giờ
nói với em lời từ biệt ấy cả. Bao nhiêu năm rồi em vẫn day dứt không yên vì
chuyện đó.
- Tha lỗi cho anh, L.C., anh biết, lẽ ra anh phải viết hết sự
thực cho em. Nhưng anh quá khổ sở và không đủ can đảm để viết một lá thư đoạn
tuyệt. Vả lại, nếu anh viết cho em rằng anh không thể trở về với em được vì đã
hết sạch tiền, vì anh đã nợ ngập cổ, thì liệu em có vì những lý do ấy mà bỏ anh
được không? Anh nghĩ là không. Anh sợ chỉ làm tăng thêm nỗi đau khổ của em và
kéo dài sự chờ đợi vô vọng của em thôi.
- Đối với em lúc đó, chờ đợi vô vọng còn đỡ đau khổ hơn là
không có gì để chờ đợi cả. Em có thể đợi anh bao lâu cũng được, chỉ cần biết là
anh vẫn yêu em. Em chỉ bỏ đi khi không còn hy vọng gì thôi.
- Khi ở Matxcơva, em nói với anh: "Đừng bắt em phải đợi
cả đời". Anh đã suy nghĩ nhiều về câu nói đó. Anh hiểu là em nói đúng. Anh
không có quyền bắt em chờ đợi cả đời. Anh không có quyền để cho em chờ đợi khi
chính anh không còn hy vọng gì nữa.
- Sau này, em đã đau khổ mãi vì câu nói đó, anh biết không?
Em cứ tự dằn vạt mình mãi vì đã nói một câu ngu ngốc và ích kỷ như vậy. Lúc ấy,
em không hiểu rằng sự chờ đợi là điều duy nhất mà em có thể làm được cho anh
trong hoàn cảnh này. Nếu anh biết rằng em sẵn sàng chờ đợi anh đến cùng, có lẽ
anh sẽ có thêm sức lực để thoát ra khỏi vũng lầy ấy, phải không? Có lẽ, anh sẽ
không dập tắt mọi hy vọng của anh và của em. Có lẽ, em sẽ đợi được cho đến lúc
anh về. Vì cuối cùng thì anh cũng đã trở về cơ mà!
- Đừng tự dằn vặt mình như thế, L.C.! Hoàn cảnh lúc đó phức
tạp hơn em tưởng. Có nhiều chuyện xảy ra sau đó khiến anh nghĩ rằng mình không
còn xứng đáng với sự chờ đợi của em.
- Anh muốn nói đến chuyện anh đã gặp và yêu một người khác phải
không? Tại sao anh không viết thư nói thẳng với em về việc đó? Anh không nghĩ
rằng ít nhất là trong chuyện đó anh cũng cần phải trung thực với em à?
- Nhưng đó có phải là tình yêu đâu, L.C.! Anh không phủ nhận
rằng anh có nhiều tình cảm đối với người ấy, nhưng yêu thì anh chỉ yêu có một
mình em. Anh không biết phải viết cho em thế nào cả. Anh có cảm giác như mình
thoát khỏi vũng lầy này rồi lại sa vào một vũng lầy khác. Mọi việc trong đầu
anh lúc đó hết sức mù mờ. Điều duy nhất mà anh hiểu rõ là em sẽ không thể nào
tha thứ cho anh được.
- Anh vẫn nghĩ như thế ngay cả sau khi đã nhận được bức điện
của em?
- Bức điện nào nhỉ ?
- Bức điện em gửi sang Ba Lan để chúc mừng sinh nhật anh,
ngày anh tròn hai mươi chín tuổi.
- Anh không nhận được bức điện đó. Em có chắc là em viết đúng
địa chỉ không? Mà làm sao em lại có địa chỉ của anh ở Ba Lan? Anh có dám viết
thư cho em từ Ba Lan bao giờ đâu?
- Mẹ anh đưa cho em địa chỉ đó, có lẽ không sai đâu. Lúc ấy,
không có hồi âm của anh, em tin chắc rằng anh đã kiên quyết gạt em ra khỏi đời
anh rồi. Nhưng về sau, khi biết tin anh từ Ba Lan về nước một mình, em cứ nghĩ
đi nghĩ lại mãi. Em đâm ra ngờ rằng có thể anh không nhận được bức điện đó của
em.
- Anh không nhận được thật, L.C. ạ. Em viết gì trong bức điện
ấy?
- Không có gì thật đặc biệt cả. Em chỉ chúc mừng sinh nhật
anh thôi. Lúc ấy, em muốn anh biết rằng em không thể quên anh, em hiểu hoàn cảnh
của anh và không oán giận anh. Nếu anh nhận được bức điện đó, có thể anh đã trở
về với em rồi, phải không?
- Thực ra, em biết đấy, cuối cùng thì anh cũng đã trở về, dù
không nhận được bức điện ấy. Ở Ba Lan, anh sống với người khác mà vẫn chỉ nghĩ
đến em. Một cuộc sống như vậy không thể đem lại hạnh phúc cho ai cả. Anh thấy
không thể tiếp tục mãi như vậy được nên quyết định trở về Hà Nội. Có điều, khi
anh về đến nơi thì em đã bỏ đi rồi.
- Anh bất ngờ lắm về chuyện em bỏ đi, phải không?
- Anh không bất ngờ về việc em bỏ anh, anh đã bắt mình phải
quen với ý nghĩ đó từ lâu rồi. Nhưng anh bất ngờ về việc em bỏ Hà Nội. Anh cứ
nghĩ em yêu Hà Nội lắm. Khi ở Matxcơva, em cứ mong chóng đến lúc trở về Hà Nội
sống. Em cứ giục giã anh suốt về chuyện đó.
- Em không bao giờ muốn bỏ anh hay bỏ Hà Nội cả. Em bỏ đi chỉ
vì quá tuyệt vọng mà thôi. Lúc ấy, em cũng không định đi mãi mãi. Cuộc đời đã
xô đẩy em đến chỗ này, rồi em quen dần, rồi em chấp nhận, vậy thôi.
- Anh cũng thế, anh quen dần, rồi anh chấp nhận, vậy thôi, -
K. nói khẽ, sau một khoảng im lặng rất dài, rất nặng nề giữa hai chúng tôi.
- Anh có hạnh phúc không? - tôi ngập ngừng hỏi.
- Anh không thể quên em được, - K. không trả lời thẳng vào
câu hỏi của tôi. - Thỉnh thoảng, anh vẫn nằm mơ thấy em. Anh thấy chúng mình ở
Matxcơva. Anh thấy em trong vòng tay anh. Anh cảm thấy rất rõ nụ hôn của em.
Anh không còn muốn tỉnh dậy nữa vì sợ em biến mất. Em có bao giờ gặp những giấc
mơ như vậy không?
"Em đang mơ một giấc mơ như vậy", tôi đáp.
Nhưng K. không còn nghe tôi nói nữa. Anh đã từ từ biến mất khỏi
giấc mơ của tôi.
9. Giấc mơ ấy của Lan Chi đột nhiên hiện về ám ảnh trong đầu cô
suốt dọc đường cô đi đến chỗ hẹn gặp Kiên.
Khi gọi điện thoại đến nhà Duy, Kiên bảo rằng anh vừa mới từ
Leipzig đến Berlin được vài tiếng đồng hồ và sáng ngày kia đã phải bay về Hà Nội.
Anh nói rất muốn được gặp Lan Chi trước khi về nước. Trao đổi một hồi, họ thỏa
thuận hôm sau sẽ đi ăn tối cùng nhau, tại một tiệm ăn không xa nhà Duy mà Sơn
đã giới thiệu cho Kiên.
Thoạt đầu, Kiên muốn ghé qua nhà Duy để đón Lan Chi, nhưng cô
không hào hứng lắm với đề nghị đó. Cô cảm thấy không thoải mái khi nghĩ rằng
phút đầu tiên gặp lại của họ sẽ diễn ra trước sự chứng kiến của vợ chồng Duy và
lũ trẻ con. Bất chợt, một ý nghĩ vụt đến trong đầu, cô bèn hẹn gặp anh trước cửa
ga tàu điện ngầm gần nhà Duy rồi hai người sẽ cùng đi tàu đến tiệm ăn (cách đó
ba bến). Ý kiến này của cô lập tức được Kiên hưởng ứng một cách vui mừng đến nỗi
cô gần như tin chắc rằng anh cũng đã liên tưởng đến cái kỷ niệm mà cô vừa chợt
nhớ ra.
Vậy là gần bảy giờ tối, sau khi đã gửi gắm ba đứa con cho vợ
chồng Duy với một lô lời dặn dò, rồi lại bắt cả ba đứa trẻ phải hứa là sẽ ăn
ngoan và không quấy cô Uyên cậu Duy, Lan Chi nhìn lại mình trong gương lần cuối
rồi đi ra cửa. Đến ngưỡng cửa, tự nhiên thấy nao nao trong lòng, cô quay lại
thơm lần lượt cả ba đứa con và hứa: "Mẹ sẽ cố gắng về sớm!" Ba anh
em cu Nam còn đang có nhiều trò vui với hai đứa em họ nên không bận tâm lắm đến
sự vắng mặt của mẹ chúng trong bữa ăn tối, cũng chẳng hề tỏ ra mừng rỡ đặc biệt
gì trước lời hứa "về sớm" của mẹ.
Bảy giờ tối, nắng chiều chưa tắt hết mà đã có một mảnh trăng
non nhợt nhạt đính chơ vơ, lạc lõng ở một góc trời. Không khí ngưng đọng, ngột
ngạt, oi ả, chẳng có lấy một gợn gió thoảng qua. Đi đến gần lối vào ga tàu điện
ngầm, Lan Chi bước chậm lại, đưa mắt nhìn những dòng người ngược xuôi hối hả. Cảm
thấy mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán, cô dừng lại, rút một chiếc mùi soa giấy
trong túi ra lau, và đúng lúc ấy, cô nhìn thấy Kiên tách khỏi dòng người, thong
thả bước lại gần cô.
Kiên đến trước giờ hẹn quãng hơn mười phút. Anh đi sớm vì
không muốn để lộ thái độ bồn chồn của mình trước mặt vợ chồng Sơn, cũng để khỏi
phải nghe những lời khuyên bảo và châm chọc của ông bạn.
Ngay từ hôm qua, khi Kiên vừa mới đặt chân đến Berlin, anh đã
lập tức bị Sơn biến thành đối tượng để trêu ghẹo. Ra đón Kiên ở ga, sau vài câu
thăm hỏi thông thường, Sơn vỗ vai bạn nói với vẻ đầy bí ẩn:
- Này, tao có một tin quan trọng cho mày đấy, nhưng chẳng biết
tim mày có đủ khỏe để nghe không?
- Tin gì mà kinh dị thế? - Kiên cười hỏi.
- Nàng đang ở đây, - Sơn hạ giọng nói, vẻ mặt hết sức quan trọng.
- Nàng nào? - Kiên không hiểu.
- Đoán thử xem, - Sơn cười tinh nghịch.
- Chịu, - Kiên thờ ơ đáp.
- Chán mày thật, - Sơn lắc đầu vẻ chê trách. - Tình yêu
thiêng liêng của đời mày đấy, biết chưa? Nàng mới từ Pháp đến Berlin thăm thằng
em quãng một tuần nay.
- Lan Chi đang ở Berlin à? - Kiên sững sờ hỏi.
- Ừ. Thôi, đi đi, đừng đứng nghệt ra thế nữa. Nghĩ cho kỹ
xem, nếu không sợ bu nó ở nhà, muốn liều mạng gặp nàng thì để tao bố trí cho, -
Sơn cười hì hì nói.
Dọc đường từ ga về nhà, Sơn bảo: "Tao có số điện thoại
của thằng Duy đấy. Cứ để thong thả, ăn tối xong rồi nếu mày muốn thì gọi điện đến
đó mà hỏi thăm tình hình." Thấy Kiên ậm ừ, Sơn hỏi lại: "Sao? Nóng
ruột quá, muốn gọi điện cho nàng ngay à?" "Có gì vội đâu, - Kiên chối.
- Cứ từ từ, ăn tối xong rồi tao sẽ tính sau."
Bữa tối ở nhà Sơn, Kiên ngồi ăn như một cái máy, miệng nhai
trệu trạo mà chẳng để ý mình đang ăn món gì. Vẻ mặt anh bần thần đến nỗi vợ Sơn
phải ái ngại hỏi: "Anh Kiên hình như đi đường bị mệt? Anh có cần thuốc cảm
cúm gì không thì để em lấy cho?" "Không, có mệt gì đâu", Kiên bừng
tỉnh. Sơn tủm tỉm cười bảo vợ: "Không có thuốc nào chữa cho anh ấy được
đâu em ạ. Chỉ còn cách để anh ấy đi gọi điện thoại một chầu, may ra thì đỡ."
Mấy tiếng đồng hồ trước giờ hẹn của Kiên với Lan Chi, bắt gặp
Kiên chốc chốc lại nhìn đồng hồ, Sơn bảo:
- Còn lâu mới đến giờ, đừng có cuống thế. Theo tao, mày nên đến
muộn chừng năm mười phút cho cao giá.
- Cao giá hay thấp giá cái gì, - Kiên phì cười. - Tình xưa
nghĩa cũ, đến thăm nhau thôi chứ có phải đi tán tỉnh gì đâu. Người ta có chồng
có con rồi...
- Ba con, - Sơn thản nhiên nói.
- Ba con thật à? - Kiên hỏi.
- Thì thấy thằng Duy nó bảo thế. Ít nhất là ba con ở thời điểm
này. Tương lai có nhiều hơn không thì tao chưa nắm được thông tin.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngẩn của Kiên, Sơn bồi thêm :
- Tao thành thật khuyên mày nên lấy cặp kính cận của tao đeo
vào để đi gặp cố nhân cho thi vị. Phải nhìn mờ mờ ảo ảo thì mới tưởng nhớ được
quá khứ, chứ nhìn rõ sự thật e rằng sẽ thất vọng đấy. Mày cứ thử tính mà xem:
đàn bà đẻ con xong nói chung ai cũng tăng sơ sơ dăm bảy cân, nàng có ba đứa, vậy
chắc tấm thân thon thả bây giờ không dưới sáu chục ký đâu.
Kiên mỉm cười nhớ lại những lời nói của Sơn khi anh nhìn thấy
Lan Chi hiện ra từ một góc phố. Vẫn cái vóc dáng mảnh mai ấy, vẫn mái tóc buông
xõa ngang vai ấy..., anh nhận ra cô ngay lập tức và cảm thấy trào lên trong
lòng một nỗi xúc động pha lẫn nhẹ nhõm. Anh định chạy ra đón Lan Chi nhưng bỗng
nhiên đổi ý và lùi vào một góc khuất để kín đáo quan sát cô. Lan Chi tiến lại gần,
cô không nhìn thấy anh. Khi cô đứng lại, đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm, Kiên cảm
giác như có một luồng điện chạy giần giật khắp người mình: cặp mắt của cô vẫn
hơi ngơ ngác và mơ mộng không khác gì ngày xưa, làn môi của cô vẫn có một
thoáng cong nũng nịu giống hệt thuở nào... Một nỗi buồn da diết tràn ngập lòng
Kiên khi anh nghĩ rằng tất cả những đường nét thân thương này bây giờ đã thuộc
về một người đàn ông khác. Anh cố giữ dáng điệu thật bình thản và bước lại gần
Lan Chi.
- Trời nóng quá, Lan Chi nhỉ, - Kiên nói với một nụ cười thay
câu chào.
- Vâng, nóng thật đấy, - Lan Chi mỉm cười đáp lại. - Hình như
hôm nay lên đến ba mươi hai độ.
Sau đoạn bình luận thời tiết là một khoảng im lặng bối rối, rồi
Kiên là người lên tiếng đầu tiên:
- Anh không ngờ lại được gặp em ở Berlin.
- Ngày mai anh đã bay về Hà Nội rồi phải không? Sao anh đi
công tác gấp thế? - Lan Chi hỏi.
- Anh sang Đức làm việc hai tuần, nhưng là ở Leipzig chứ
không phải ở Berlin. Xong việc ở Leipzig rồi anh mới đến đây thăm Sơn. Nếu biết
trước là em đang ở Berlin thì anh đã thu xếp lên đây sớm hơn.
Họ cùng đi vào ga. Lan Chi hỏi thăm về chuyến công tác của
Kiên ở Leipzig. Anh trả lời một cách hết sức sôi nổi, cô lắng nghe với vẻ hết sức
chăm chú, dù trong thâm tâm cả hai người đều hiểu rằng chuyện này chẳng có gì
là quan trọng đối với họ.
Tàu đến, Kiên ngừng ngay câu chuyện giữa chừng để cùng Lan
Chi lên tàu. Trong toa đã đầy ắp người, không còn chỗ nào để ngồi, họ phải đứng
sát vào nhau. Anh xúc động đến nghẹt thở khi cảm nhận sát người mình thân hình
nhỏ nhắn của cô, thân thiết và gần gũi hệt như trong những giấc mơ vẫn thường
trở đi trở lại ám ảnh anh suốt bao năm ròng. Tàu lắc mạnh và Kiên như tỉnh mộng: anh nhận thấy Lan Chi cố bám chắc vào tay vịn để khỏi ngã vào người anh. Chưa
bao giờ anh hình dung rõ rệt và thấm thía đến vậy về cái vực sâu hun hút mà cuộc
đời dùng để ngăn cách họ như lúc này đây, khi cô đứng ngay bên anh, gần như lọt
thỏm trong vòng tay anh.
Nơi họ đến ăn tối là một tiệm ăn Italia. Theo lời giới thiệu
của Sơn, ngoài cái tiện là không xa nhà Duy, tiệm ăn này còn có ưu điểm là bài
trí trang nhã, lịch sự, phục vụ tận tình, đồ ăn không phải là xuất sắc lắm
nhưng cũng khá, khung cảnh tương đối yên tĩnh, nói tóm lại là một nơi rất hợp để
diễn ra những màn tình cảm.
Kiên hơi lúng túng trước quyển thực đơn với những món ăn ghi
bằng tiếng Đức và tiếng Italia.
- Anh chẳng có khái niệm gì mấy về món ăn Ý ngoài pizza và
spaghetti, - anh thú nhận. - Em có kinh nghiệm gì không?
- Kinh nghiệm của em thì cũng nghèo nàn thôi, nhưng nếu anh
tín nhiệm em thì để em chọn cho anh nhé, - Lan Chi cười đáp. - Đừng ăn pizza,
khô lắm, trời nóng thế này nuốt không nổi đâu.
Sau một hồi nghiên cứu thực đơn, Lan Chi gợi ý Kiên lấy
món Insalata di Mare làm khai vị và Scaloppina alla
Milanese làm món chính.
- Món khai vị này là một thứ salat có trộn tôm, sò huyết, nếu
anh vẫn thích ăn đồ hải sản như xưa thì ăn cái này hợp đấy. Còn món chính là một
loại thịt bê, làm theo kiểu Milano, theo em thì cũng được, - cô nói.
- Em sống ở Pháp mà sao cũng thạo món ăn Ý thế? - Kiên hỏi,
vẻ hơi ngạc nhiên.
- Thạo gì đâu. Chẳng qua là vì em đã có dịp sang Ý chơi một
tuần. Một tuần toàn đi ăn hiệu, toàn ăn đồ Ý, nên cuối cùng cũng phải nhớ lõm
bõm được vài thứ chứ.
- Em đã đi Ý rồi à? Nước Ý đẹp lắm phải không?
- Vâng... - giọng Lan Chi đột nhiên trở nên gượng gạo. Kỷ niệm
về chuyến du lịch tuần trăng mật bỗng hiện ra rõ mồn một trong đầu cô. Bất chợt,
cô nghĩ đến chồng và bồn chồn tự hỏi chẳng hiểu tối nay anh có gọi điện thoại đến
nhà Duy không. Để gạt khỏi đầu ý nghĩ đó, cô bèn đột ngột đổi đề tài.
- Lâu nay anh có gặp Quân không? - cô hỏi.
- À, Quân hả? Có đấy, anh mới gặp nó hồi Tết vừa rồi xong, -
Kiên cười, mắt chợt lấp lánh những tia tinh nghịch. - Cậu ta bây giờ đạo mạo lắm,
không còn tồ như hồi trước nữa đâu. Giáo sư đại học ở Mỹ, vợ khôn con đẹp, nói
chung là yên ấm mọi bề...
Việc Quân kiếm được "vợ khôn", theo Kiên, hoàn toàn
chẳng phải do anh chàng đã tiến bộ hơn trước, ứng dụng được nhuần nhuyễn lý
thuyết "tán gái" vào thực hành, mà chỉ nhờ một phương pháp hết sức cổ
điển là phương pháp mối lái. Chuyện này thoạt nghe có vẻ hơi lạ, vì Quân thời
trai trẻ vốn là người có tâm hồn lãng mạn, luôn luôn theo chủ trương "tình
yêu là sự gặp gỡ tình cờ của hai trái tim có chung nhịp đập". Thế nhưng,
sau khi nhận bằng tiến sĩ rồi lại chu du châu Âu mất một vòng ba nước và bốn
năm (hai năm post- doc ở Đức ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến
sĩ, một năm visiting tại một viện khoa học ở Italia, một năm
"giáo sư mời" tại một trường đại học của Bỉ), con tim cô đơn của Quân
mãi chẳng tình cờ gặp được con tim đồng điệu nào thì anh bắt đầu hơi nao núng.
Bố mẹ của Quân còn nao núng hơn khi thấy cậu con trai đã đến tuổi
"băm" rồi mà mãi vẫn cứ lông bông, cho nên bèn để ý tìm sẵn cho anh
vài đám ở Hà Nội. Hết thời hạn làm việc ở Bỉ, Quân có ngay một suất sang làm việc
ở Mỹ. Anh về Hà Nội nghỉ trong thời kỳ chuyển giai đoạn này thì được bố mẹ thông
báo rằng việc tìm kiếm của các cụ đã đạt kết quả hết sức mỹ mãn, hiện đã có một
danh sách vài đám để Quân lựa chọn. Quân chỉ có việc khảo sát đại thể "sơ
yếu lý lịch" của các ứng cử viên (ngành nghề, tuổi tác, cân nặng, chiều
cao...) rồi thấy đám nào phù hợp thì gia đình sẽ xúc tiến tổ chức ngay một cuộc
gặp gỡ "tình cờ" để hai trẻ làm quen với nhau. Mới nghe nói vậy, tất
nhiên phản ứng đầu tiên của Quân là giãy nảy lên như đỉa phải vôi. Anh hùng hồn
giải thích cho hai bậc thân sinh rằng ở cái thời đại Internet này mà lại còn
tính chuyện hôn nhân bằng cách mối lái thì thật là hết sức sai, hết sức đáng cười.
Nhưng sau khi mẹ anh thẽ thọt phân tích một hồi, chỉ ra cái lợi của việc được bố
mẹ chọn sẵn đối tượng cho, ca tụng ưu điểm của các ứng cử viên đã lọt vào trong
danh sách tuyển lựa, rồi lại nói nửa dỗi nửa thách đố kiểu "có giỏi thì tự
tìm lấy xem, có tìm được không?", cuối cùng Quân đành lầu bầu một cách
đáng yêu rằng "thôi thì bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy vậy, nhưng nhớ đặt con
vào chỗ nào xinh xinh, hiền hiền một tí".
Cứ như lời Quân tâm sự với Kiên thì lúc đầu anh gật bừa như
thế chỉ cốt để yên thân, khỏi nghe mẹ nói ra nói vào thôi, chứ cũng chẳng hy vọng
gì cả. Ai ngờ đến khi gặp đối tượng thì thấy hóa ra cũng được quá. Lễ cưới được
tổ chức ngay tắp lự (sau buổi gặp gỡ đầu tiên ngót nghét có một tháng), để kịp
cho cô dâu còn theo chú rể đi Mỹ. Giữa mùa hè, trời nóng như đổ lửa, dân Hà Nội
chẳng có ai dại gì mà cưới, cho nên đám cưới của Quân cũng được coi là một hiện
tượng đáng nhớ trong năm của thủ đô lúc bấy giờ. Nhiều kẻ đa nghi không rõ chuyện
cứ đặt nghi vấn "có việc gì mà phải cưới chạy?", nhưng nhìn cô dâu
chú rể mặt mũi tươi hơn hớn cả hai, dù mồ hôi chảy tong tong làm phấn son trên
mặt cô dâu có phần nhòe nhoẹt, thì mọi người đều phải thừa nhận rằng đây là một
cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Sau lễ cưới mười ngày thì xảy ra một sự cố mà lúc kể lại cho
Kiên nghe Quân vẫn còn kinh hoàng, cứ xuýt xoa mãi rằng may mà vợ mình độ lượng
chứ nếu không chắc đã nhà tan cửa nát. Ấy là việc có kẻ rỗi hơi xấu miệng nào
không biết tự nhiên lại đưa đến tai vợ Quân câu chuyện về mối tình si ngày xưa
của anh ở Matxcơva. Vợ Quân lập tức về nhà nghiêm khắc lôi chồng ra tra khảo.
Quân sợ quá, thề sống thề chết rằng "trái tim anh chỉ đập rộn ràng từ khi
gặp em, còn cái cô kia thì... (nói đến đây anh bèn cười khẩy một cái), nói thật
với em, quan hệ của anh với cô ta hoàn toàn chỉ dựa trên cơ sở tình bạn, lịch sự
với nhau mà thôi. Phải, chính là vì lịch sự mà anh rủ cô ta đi xem phim, cũng
là vì lịch sự mà đôi khi anh đi chơi với cô ta trong những lúc rảnh rỗi. Những
kẻ phao tin lăng nhăng là chỉ nhìn hiện tượng bề mặt mà không có hiểu biết thực
chất gì hết cả..."
Lý lẽ của Quân kể ra cũng không có sức thuyết phục cho lắm,
nhưng được cái là thái độ của anh lại hết sức thành khẩn, chẳng những anh đã
năm lần bảy lượt đập đầu tuyên thệ nói đúng sự thật, mà còn có một lần (trong
lúc tuyệt vọng) anh đi đến chỗ toan đem nước mắt ra để chứng tỏ với vợ tấm lòng
thành của mình. Vì vậy cuối cùng vợ độ lượng của Quân cũng thương tình mà thể tất
tha cho, không chì chiết thêm nhiều nữa. Chỉ có sau này, mỗi lần anh chàng sơ ý
nói hay làm điều gì không hợp ý vợ thì cô mới tức giận lôi chuyện tình xưa
nghĩa cũ của anh ra đay nghiến.
Theo Kiên, vợ Quân tuy về mặt nhan sắc thì không được bằng
Thanh Hoa, nhưng lại có ưu điểm lớn là rất khéo dạy chồng. Thành thử, ngoài
chuyện làm toán là cô nàng không biết gì nên không tham gia ý kiến thôi, chứ
còn trong mọi lĩnh vực khác thì anh chàng nhất cử nhất động đều tự nguyện thỉnh
ý vợ. Đặc biệt là sau khi cậu quý tử giống bố như đúc ra đời thì Quân lại càng
"nhất vợ nhì trời", anh phấn khởi gửi ngay e-mail báo tin mừng đến bạn
bè khắp nơi, ghi rõ rằng ngày này tháng nọ giờ ấy vợ hiền của tôi đã sinh hạ một
bé trai chiều dài... cân nặng... (việc Quân sử dụng một cách có chủ ý tính từ
"hiền" kèm theo danh từ "vợ" đã khiến cho bạn bè xì xào rằng
đây là một nỗ lực của anh nhằm đập tan cái tin đồn vô căn cứ là Quân sợ vợ).
Thiên hạ nói gì mặc họ, không ai có thể phủ nhận được một thực tế rành rành là
Quân rất thỏa mãn về chuyện vợ con của mình. Bằng chứng là anh đã trở nên tự
tin đến mức nói năng cứ như là chuyên gia trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình,
đi rao rảng kinh nghiệm kiếm vợ cho khá nhiều đồng đội hãy còn phòng không nhà
trống. Kinh nghiệm của Quân chỉ thu gọn trong một câu giản dị là "chớ nên
coi thường sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh", nhưng vì nó đi kèm một thí dụ
minh họa sinh động là tấm gương gia đình hạnh phúc của Quân, thành ra ai cũng
phải công nhận là có sức thuyết phục lớn.
Lan Chi cười chảy cả nước mắt khi nghe Kiên kể chuyện về
Quân. Câu chuyện về người bạn chung tự nhiên làm cho họ xích gần hẳn lại với
quá khứ. Sự xa cách, gượng gạo ban đầu trong chốc lát dường như vụt biến đi,
Kiên nhìn Lan Chi và buột miệng nói lên cái ý nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu anh từ
nãy:
- Em hầu như không thay đổi. Không thể hình dung được rằng đã
hơn mười năm rồi, và em thì đã có ba con... Em có ba con rồi, phải không ?
- Vâng. Hai cậu con trai nghịch như quỷ sứ và một bé gái đáo
để hơn mẹ nhiều, - Lan Chi mỉm cười đáp.
- Anh vẫn biết em yêu trẻ con lắm, nhưng ba con thì cũng dũng
cảm đấy nhỉ, - Kiên nói với một nụ cười quen thuộc đến nỗi đột nhiên Lan Chi cảm
thấy nhói trong tim.
- Tại vì lần thứ hai em sinh được hai bé sinh đôi. Trời cho
thì được vậy thôi chứ có dũng cảm gì đâu, - cô đáp.
- Chồng em làm ngành gì vậy? - Kiên lại hỏi.
- Anh ấy là bác sĩ.
- Còn em? Em có làm ngành tâm lý nữa không?
- Em bỏ ngành rồi. Em không thể kiếm được việc làm đúng ngành
này ở cùng thành phố với ông xã em. Em lại có ba đứa con, sức thì yếu, không thể
sống theo kiểu chồng một nơi, vợ một nơi được. Đành phải chọn giữa công việc và
gia đình thôi. Đàn bà, có mấy ai dám coi gia đình nhẹ hơn sự nghiệp đâu.
- Kể cũng tiếc nhỉ... - Kiên tư lự nói.
Một nét buồn bỗng hiện lên làm gương mặt Kiên tối lại. Mắt
anh thoáng vẻ thẫn thờ xa xôi đến nỗi Lan Chi tự hỏi không hiểu anh chỉ nói tiếc
việc cô bỏ ngành hay còn ám chỉ đến một chuyện gì khác nữa?
- Còn anh thì sao? Nghe nói công việc của anh ở Hà Nội thuận
lợi lắm phải không? - Lan Chi hỏi.
- Ừ, cũng tạm được. Nói chung bây giờ ở nhà làm ăn dễ hơn trước
nhiều Lan Chi ạ, - Kiên nói.
- Em nghe nói công ty của anh làm ăn phát đạt, cuộc sống gia
đình anh dễ chịu lắm, phải không? Em thực sự mừng cho anh.
- Chúng mình có lẽ sinh nhầm thời, Lan Chi ạ, - Kiên nói, mắt
vẫn nhìn xa xôi. - Nếu như hơn chục năm trước mà tình hình ở trong nước đã được
như bây giờ thì chắc anh chẳng phải đi Ba Lan đánh quả làm gì. Cả em nữa, có
khi em cũng chẳng sang Pháp, đúng không? Cuộc đời chúng mình lẽ ra đã có thể
khác hẳn rồi.
- Anh biết tin em sang Pháp từ lúc nào? Khi ở Ba Lan hay mãi
đến lúc về Hà Nội? - do dự một lát, cô khẽ hỏi.
- Đến lúc về Hà Nội anh mới biết. Khi ngồi trên máy bay từ Ba
Lan về nước, anh cứ sợ thắt cả tim, chỉ lo về đến nhà thì em sẽ không thèm nhìn
mặt anh nữa, rồi lo không biết em sẽ nói gì. Lúc ấy, anh không thể ngờ rằng mười
năm sau anh mới được gặp lại em, mà lại là gặp ở nước Đức này.
- Trước khi đi Pháp, em có đến chào bố mẹ anh. Em cứ nghĩ là
các cụ sẽ báo cho anh biết chuyện ấy.
- Hồi ấy, thỉnh thoảng mẹ anh vẫn viết thư sang Ba Lan cho
anh, nhưng cụ giấu biệt chuyện này đi. Chắc cụ sợ anh biết thì sẽ không chịu về
nước nữa. Mãi tận khi anh đã ở Hà Nội rồi, đang chuẩn bị đến nhà em thì mẹ anh
mới nói. Mẹ anh bảo khi em đến chào bố mẹ anh, em khóc.
- Tính em thì bao giờ chẳng vậy, anh còn lạ gì, - Lan Chi mỉm
cười, cúi xuống để giấu giọt nước mắt đang trào ra. - Đến bây giờ, già rồi mà
em vẫn chẳng sửa được cái tật mau nước mắt ấy.
Cả hai ngồi lặng đi một lúc. Bao nhiêu câu hỏi dội lên dồn dập
trong đầu Lan Chi: "Tại sao hồi ấy anh không viết thư cho em? Tại sao
anh không trả lời những lá thư cuối cùng mà em gửi sang Matxcơva? Anh có nhận
được những lá thư ấy không? Anh có nhận được bức điện em gửi sang Ba Lan không?..." Cô muốn cất tiếng hỏi, nhưng cảm thấy không sao thốt nổi nên lời.
Vài phút yên lặng trôi qua, rồi Lan Chi chợt hiểu rằng những câu hỏi vẫn day dứt
lòng mình trong bao nhiêu năm ấy giờ đây đã trở thành lạc lõng, nó đã bị lỡ mất
hơn chục năm rồi. Biết câu trả lời bây giờ thì cũng còn có ích gì nữa đâu? Có
thay đổi được gì đâu?
- Anh có một con trai rồi phải không? - cô hỏi.
- Ừ, thằng nhóc năm nay bốn tuổi rồi, - Kiên đáp, một nụ cười
thoáng qua trên gương mặt.
- Vợ anh có cùng ngành kiến trúc với anh không?
- Không. Cô ấy học tiếng Anh, làm cho một công ty xuất nhập
khẩu.
Lan Chi chăm chú quan sát Kiên khi anh nói về vợ, nhưng cô
không thể đoán ra được điều gì qua vẻ mặt và giọng nói bình thản của anh. Cô rất
muốn hỏi: "Anh có hạnh phúc không?", nhưng sau một lúc ngần ngại,
không hiểu sao cô lại bật ra một câu hỏi khác :
- Nhà anh có còn ở chỗ cũ không?
- Bố mẹ anh thì vẫn ở đấy, nhưng anh thì mua đất xây nhà ở chỗ
khác rồi.
- Nghe nói anh có cái nhà vĩ đại lắm thì phải? - Lan Chi cười
hỏi.
- Vĩ đại là so với mơ ước của mình ngày xưa thôi, chứ so với
thiên hạ bây giờ thì ăn thua gì, - Kiên cũng cười theo. - Hà Nội bây giờ xây dựng
khiếp lắm. Sao em không về Hà Nội chơi đi ? Bao nhiêu năm rồi, sao em chẳng về
Hà Nội?
- Bố em mất rồi, anh cũng biết đấy.
- Ừ, dạo đó anh đang công tác ở Sài Gòn, lúc ra anh có đến
nhà em nhưng em trở lại Pháp mất rồi.
- Duy có nói lại cho em như vậy.
- Nhưng ở Hà Nội em vẫn còn bà cô ruột, đúng không? Rồi còn
bao nhiêu bạn bè nữa, mọi người vẫn nhớ đến em. Thỉnh thoảng bạn cũ gặp nhau vẫn
hỏi sao lâu lắm không thấy Lan Chi về Hà Nội.
- Sau khi bố em mất, em buồn quá, mãi không có lòng dạ nào
nghĩ đến chuyện trở về. Rồi em lại sinh thêm hai bé sinh đôi, ba đứa con cũng
vướng bận lắm, thành ra cứ trì hoãn mãi chuyện về thăm quê, cứ bảo đợi một thời
gian nữa để lũ trẻ lớn thêm thì đi lại đỡ vất vả hơn. Tết năm ngoái em đã có ý
định về, nhưng bà cô của em dịp đó lại vào Vũng Tàu nuôi con gái đẻ, nấn ná
trong đó đến hơn nửa năm, thành ra em cũng chẳng về nữa. Có lẽ Tết năm nay hay
năm sau cũng phải nghĩ đến chuyện về thăm Hà Nội thật, cô em đã già yếu rồi, em
cũng sốt ruột lắm.
- Về ngay Tết năm nay đi Lan Chi, - giọng Kiên bỗng sôi nổi hẳn
lên. - Anh vẫn nợ em một thứ ở Hà Nội đấy. Em có nhớ dạo ở Matxcơva, đôi khi em
cứ kêu thèm ăn bánh tôm Hồ Tây quá, và anh đã hứa với em là lúc nào chúng mình
về Hà Nội, anh sẽ đưa em lên Hồ Tây, khao một chầu bánh tôm cho em ăn phát chán
thì thôi. Bao nhiêu năm nay, mỗi lần đi qua Hồ Tây là anh lại nhớ đến lời hứa
đó.
- Anh lại làm em phát thèm lên rồi, - Lan Chi cười. - Thế này
thì Tết năm nay phải cố về Hà Nội thật. Ít nhất là để được ăn bánh tôm Hồ Tây
không mất tiền.
- Khi nào chuẩn bị về thì gọi điện báo cho anh nhé, - Kiên vừa
hăng hái nói vừa lấy tay sục sạo hết túi áo này đến túi quần nọ tìm kiếm một hồi,
cuối cùng anh lôi ra được một tấm danh thiếp đã hơi bị quăn mép, đưa cho Lan
Chi và nói một cách hớn hở: - May quá, hóa ra vẫn có một cái các đây.
Địa chỉ và số điện thoại của anh có đầy đủ trong này. Có gì cứ gọi điện báo cho
anh biết. Anh sẽ ra sân bay đón em... à , tức là đón gia đình em. Chắc ông xã
với lũ nhóc cũng sẽ về cùng em chứ?
- Bọn trẻ con nhà em thì em đi đâu cũng phải vác chúng nó đi
theo, còn chồng em thì chưa biết thế nào. Hy vọng là anh ấy thu xếp về cùng em
được. - Lan Chi chợt cười tủm tỉm. - Nhưng gọi điện bắt anh đi đón thế có phiền
gì không? Bà xã anh có "độ lượng" như vợ Quân không?
- Sao em lại nói đến chuyện "phiền" ở đây được nhỉ? Còn bà xã thì có liên quan gì đến việc này mà phải can thiệp, - Kiên cũng cười.
- Nói thật đi, anh đã bao giờ phải đập đầu thề thốt
"tình bạn, lịch sự" như Quân chưa nào? - Lan Chi vẫn chưa chịu tha.
- Quân khác, anh khác, em cứ nhìn Quân để suy ra anh thì
không đúng đâu, - Kiên mỉm cười, đáp. Rồi, có vẻ như muốn lẩn tránh vấn đề tế
nhị ấy, anh bèn trở lại với đề tài tha thiết của mình : - Nhất định Tết này em
sẽ về Hà Nội nhé. Anh sẽ đợi em. Anh coi như là em đã hứa với anh rồi đấy.
10. Tôi đã hứa với K. Tết này sẽ về thăm Hà Nội.
Đó là điều duy nhất mà anh yêu cầu tôi trong cuộc gặp gỡ của
chúng tôi ở Berlin, một cuộc gặp lại sau mười hai năm đường chia đôi ngả kể từ
buổi giã từ trên sân bay Seremetievo. Cuộc đời sao thật trớ trêu : hơn chục năm
trước đây, tôi không còn mong muốn gì hơn là được đón K. về Hà Nội. Giờ đây, đến
lượt anh nói sẽ đợi tôi về. Nhưng là chỉ về thăm ít ngày để rồi lại ra đi.
Đó là điều duy nhất mà tôi có thể hứa được với anh trong cuộc
gặp gỡ này. Tất cả những nỗi day dứt, ân hận trĩu nặng lòng tôi suốt mười hai
năm trời, tôi muốn nói ra với anh cho nhẹ lòng nhưng không hiểu sao chẳng thể
nào nói nổi. Bao nhiêu câu hỏi ám ảnh vậy là sẽ mãi mãi ám ảnh trong đầu tôi. Tất
cả những điều phỏng đoán sẽ mãi mãi chỉ là phỏng đoán. Cuộc hội ngộ của chúng
tôi trên thực tế đã không diễn ra như tôi vẫn hình dung.
Tôi không dám hỏi K. xem anh có hạnh phúc không, anh rất ít lời
khi nói về cuộc sống hiện tại của mình, nhưng giọng nói và ánh mắt của anh đôi
khi gieo vào lòng tôi một cảm giác mơ hồ rằng hình như anh không hạnh phúc như
trước đây tôi vẫn tưởng. Nỗi ngờ vực này đã trở thành một niềm day dứt mới của
tôi, nó làm tăng thêm mặc cảm có lỗi trong tôi sau khi nghe anh nói rằng mười
năm trước đây, lúc từ Ba Lan trở về Hà Nội, anh không ngờ rằng tôi đã bỏ đi.
Anh về với hy vọng tìm lại tôi, nhưng hóa ra đã trở về quá muộn.
Cuộc trở về của tôi lần này cũng là quá muộn. Chín năm, thành
phố của tôi chắc chắn đã thay đổi nhiều kể từ ngày tôi về Hà Nội chịu tang bố rồi
mang tâm trạng hờn giận ra đi. Năm tháng trôi qua, nỗi giận hờn tan lẫn vào thời
gian như một tiếng thở dài không lưu dấu vết. Còn đọng lại là nỗi nhớ, lúc thoảng
qua, lúc da diết, lúc hiển hiện rõ nét, lúc mơ hồ chập chờn.
Nỗi nhớ là một hạnh phúc và một cực hình không sao dứt bỏ được
của cuộc sống tha hương. Thời gian là một đồng minh và một kẻ thù luôn luôn cặp
kè bám theo nỗi nhớ. Với thời gian, nỗi nhớ trở thành thấm thía hơn trong máu
thịt và mờ nhạt hơn trong hình ảnh. Đôi lúc, nó là một cảm giác nhức nhối không
tên gọi, không đường nét. Cũng có khi, trái lại, nó hiện ra có tên có hình cụ
thể nhưng kèm theo một dư vị bẽ bàng : tôi thấy mình nhớ hương hoa sữa đường
Nguyễn Du, Tháp Rùa in bóng nước, dáng cong của cầu Thê Húc, liễu rủ chiều Hồ
Tây... và bàng hoàng chợt hiểu rằng nỗi nhớ của tôi đã nhạt nhòa đến mức phải
chui vào một cái vỏ vay mượn để tồn tại, nó đã mong manh đến độ phải hóa thân
vào những công thức khuôn mẫu trong sách vở, nó không còn là nỗi nhớ của riêng
tôi.
Vậy là không tránh khỏi một cuộc phiêu lưu nhọc nhằn, lo âu,
đôi lúc hoang mang và thậm chí gần như tuyệt vọng, nhưng bao giờ cũng tràn đầy
thôi thúc : một cuộc lục tìm trong nỗi nhớ.
Chỗ bắt đầu hẳn là phải ở đây: một ngõ cụt trong một khu phố
vắng, mặt đường giống như mảnh áo vá với những mụn vải đậm nhạt khác nhau : dấu
tích của nhiều lần đào lên lấp lại mà mục tiêu nhằm tới lần nào cũng chỉ là cái
đường ống dẫn nước - hạnh phúc và nỗi khổ của người Hà Nội lúc hè về. Cái ngõ
nhỏ này là thế giới riêng biệt của tuổi thơ tôi, những kỳ nghỉ hè của tôi, bãi
biển và đỉnh núi của tôi, nơi tụ tập của lũ trẻ lau nhau vừa mới thoát khỏi bom
đạn chiến tranh, chẳng có gì chơi nên lại hồn nhiên say sưa chơi trò "chiến
tranh bùng nổ". Đầu ngõ có một cây bàng mà ấn tượng còn lại trong nỗi nhớ
của tôi không phải là "mùa đông lá đỏ, mùa hạ lá xanh", mà là những
con sâu róm thường xuyên từ các tán lá rơi xuống đất: nỗi sợ của lũ con gái và
vũ khí của bọn con trai (lơ mơ là các cậu lại túm một con dứ vào người để dọa
thì đành chịu thua, hết cả đành hanh, đanh đá). Cuối ngõ có hai cây phượng vĩ
mà những cánh hoa đỏ thắm của nó hè nào cũng được nhặt lên kết lại thành vòng để
trang điểm cho tất cả các cô bé trong ngõ, lúc giả làm công chúa, lúc trong vai
cô dâu. Một cây phượng sẽ bị chặt đi để lấy chỗ xây nhà năm tôi học cuối cấp
hai, cây còn lại cùng chung số phận sau vài năm nữa. Ngày tôi rời Hà Nội đi Nga
học, hình ảnh mang theo là hai gốc cây còn trơ lại trên mặt đất. Khi tôi từ Nga
trở về, hai gốc cây cũng không còn. Chỉ còn lại sắc lá xanh, màu hoa đỏ và tiếng
ve ngân trong nỗi nhớ của tôi.
Chỗ nhiều kỷ niệm nhất hẳn phải là phố Lý Thường Kiệt, đoạn
đường đã chứng kiến tôi từ một cô bé vô tư áo còn vấy mực lớn bồng lên thành một
thiếu nữ điệu đàng, buổi tan trường bao giờ cũng có một hai ánh mắt vụng trộm
bám theo. Sáu năm đi học, hai ngôi trường - trường cấp hai ở đoạn dưới, trường
cấp ba ở đoạn trên, vậy mà nỗi nhớ của tôi ở đây không sao có nổi một khuôn
hình rõ nét. Chỉ thấy vang vọng mơ hồ tiếng tầu điện leng keng chỗ cắt ngang phố
Hàng Bài, nhập nhòa những mảng tường khắc khổ của ngôi trường mang dáng hình tu
viện góc phố giáp Quang Trung, thấp thoáng một gánh táo rong phía gần đường Bà
Triệu... Những điểm tựa quá mông lung cho một nỗi nhớ quá nặng nề.
Chỗ kết thúc là một khoảng mập mờ, phân vân, không cố định.
Có thể đó là con đường dẫn ra sân bay, những phố ngoại ô chen chúc và nhem nhuốc.
Có thể đó là Hồ Tây, một buổi ngồi trong "Quán Gió" cùng K., một ước
mơ không bao giờ được hóa thành kỷ niệm, một vết đau luôn luôn hiện diện mỗi
khi nỗi nhớ ập về.
Dù biết là đã quá muộn để thực hiện ước mơ xưa, tôi vẫn hứa với
anh, tôi vẫn hứa với mình, Tết này tôi sẽ về thăm Hà Nội.
11. Dự định về Hà Nội chơi vào dịp Tết của Lan Chi hóa ra không
thể thực hiện được. Tết âm lịch năm nay không trùng vào kỳ nghỉ nào ở Pháp, đã
thế Julie lại còn đang rập rình chuẩn bị nghỉ đẻ. Chủ cửa hàng lo kiếm người
bán hàng thay Julie đã khó nên không muốn cho Lan Chi nghỉ phép mấy tuần liền
vào dịp đó.
Sau khi Lan Chi bàn đi tính lại với Trung, cuối cùng hai vợ
chồng bèn quyết định sẽ tận dụng kỳ nghỉ Noel để về nước. Lan Chi hơi thất vọng: đã mười một năm rồi cô không được ăn Tết ở Việt Nam. Từ mấy tháng nay, cô đã
khấp khởi mừng thầm khi nghĩ đến chuyện sẽ được "hắt hủi" bánh chưng
bọc giấy nylon một năm để về đắm mình trong không khí Tết rất đặc biệt, rất
thân thương của Hà Nội. Lập tức nghĩ ngay đến những món ngon sẽ được ăn vào dịp
Tết và thấy thèm thuồng luôn cả những "miếng ngon Hà Nội" khác, những
"miếng ngon" quanh năm chứ không phải chỉ vào dịp Tết mà thôi. Lan
Chi phải tự thừa nhận rằng nỗi nhớ quê hương của mình có tính ẩm thực hơi cao :
bao giờ cũng vậy, cứ nghĩ đến chuyện về thăm quê là trong đầu cô lại hiện lên
ngay một danh sách dài những món nhất thiết phải ăn cho bõ. Các loại phở, các loại
bún, các loại xôi, rồi miến lươn, chả cá, bánh cuốn, ốc luộc, rồi cá rô phi nấu
canh rau cải, cà pháo, cải cúc, rau ngót, rau cần..., món ngoài hàng, món gia
đình, món ngồi trong tiệm, món lê la với chiếc ghế đẩu trên hè phố, tất cả,
không phân biệt đẳng cấp, chen nhau đổ xô vào những dự tính của Lan Chi một
cách lộn xộn và đầy háo hức. Thực ra, gần như hầu hết các món ăn này Lan Chi đều
có thể ăn hoặc mua trong các nhà hàng và các khu chợ châu Á ở Pháp, nhưng với
món nào cũng vậy, sau khi thử một vài lần, bao giờ cô cũng có cảm giác như bị
đánh lừa, luôn luôn thấy một cái gì đó thiếu thiếu, một cái gì đó không giống,
và đành tự nhủ: "Thôi, đợi đến khi nào về Hà Nội..."
"Đợi đến khi nào về Hà Nội..." đã trở thành điệp
khúc láy đi láy lại trong đầu Lan Chi đến gần một chục năm nay. Đã phải trì
hoãn một lần vào dịp Tết năm trước do bà cô vào Vũng Tàu chăm con gái đẻ, và nhất
là giờ đây lại có lời hẹn hò với Kiên (mà cô thấy là hoàn toàn không cần thiết
phải tiết lộ với chồng), Lan Chi dứt khoát không muốn đẩy lùi chuyến về thăm
quê thêm một thời gian nữa. Đối với Trung, sau nhiều năm liên tục trực bệnh viện
vào kỳ nghỉ Noel, xin nghỉ phép vào dịp này năm nay là một vấn đề không có gì
trắc trở. Thôi thì cả nhà kéo nhau đi trốn gà tây rôti một năm, cũng hay!
Vấn đề "về Hà Nội trước hay về Sài Gòn trước" thoạt
đầu có gây ra một bất đồng nho nhỏ, nhưng rồi cũng được giải quyết ổn thỏa một
cách khá nhanh chóng nhờ tinh thần "kính vợ sống lâu" của Trung. Trước
hay sau thì cũng chỉ ít ngày, đã chờ được hàng chục năm rồi thì đợi thêm vài
ngày nữa cũng có sao, tội gì tổn hại thần kinh để tranh hơn với vợ. Gì chứ kinh
nghiệm về "gái Hà Nội" thì Trung có thừa: từ lâu anh đã rút ra được
bài học quý báu rằng khôn ngoan nhất là đầu hàng ngay ở giai đoạn "dịu
dàng quá dịu dàng không chịu nổi", chứ lại cứ tưởng mình có lý mà dám cầm
cự lâu hơn thì sẽ được biết thế nào là "nhức đầu quá, nhức đầu không chịu
thấu".
Vậy là kế hoạch đã được nhất trí thông qua: đầu tiên cả nhà
sẽ đi máy bay từ Paris về Hà Nội, ở lại chơi quãng mười ngày tại đó rồi sẽ vào
Sài Gòn. Lan Chi chợt bắt gặp mình có một thoáng lo âu khi nghĩ đến cuộc hội ngộ
(chắc là không tránh khỏi) của Trung với người yêu cũ. Nhưng cô kiên quyết gạt
phắt cái "tư tưởng lệch lạc" đó ra khỏi đầu bằng cách hướng những suy
tư của mình vào niềm vui được trở về quê hương, được gặp lại những người thân
thiết. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, một ý nghĩ khác cũng không được lành mạnh cho lắm
bèn lập tức nảy sinh: Lan Chi cảm thấy hơi bị hẫng khi hình dung cuộc gặp gỡ sắp
tới với Kiên ở Hà Nội sẽ không chỉ là "mặt đối mặt" như hồi ở Berlin,
mà sẽ diễn ra trong niềm vui gượng gạo và hẳn là có nhiều phần khách khí, với vợ
Kiên bên cạnh anh, và Trung bên cạnh cô. "Thế là phải rồi. Mình còn đợi chờ
gì nữa?", cô tự nhủ, thấy khó chịu với chính mình.
Tháng mười một trôi qua trong nhịp điệu dồn dập của những cú
điện thoại gọi đi khắp nơi để hỏi kinh nghiệm mua quà về nước. Càng lắm ý kiến
cố vấn thì lại càng hoang mang. Quân sư này vừa khuyên mua một mặt hàng thì
quân sư khác lại gạt phắt đi: "Mua làm gì thứ ấy, trong nước nhiều ê hề,
bán đầy đường đầy chợ mà lại rẻ". Ngay xưa đi tây mang về thứ gì cũng quý,
bây giờ lại chỉ sợ mua nhầm phải loại quà quá tầm thường thì thành ra vô duyên.
Lâu lắm rồi không về nước, Lan Chi không ngờ hóa ra cái sự chọn mua quà lại đau
đầu nát óc đến thế này.
Đầu tháng mười hai, Lan Chi bắt đầu vác vali ra để thử xếp
vào một lô hàng tạp hóa: đồ mỹ phẩm cho bạn gái, rượu cho giới đàn ông, quần
áo đồ chơi cho trẻ con, sôcôla cho các đối tượng không phân biệt tuổi tác và giới
tính..., lèn hết sức khéo thì cũng đã gần đầy một vali. Ngắm nghía kho hàng của
mình, cô mỉm cười vì bất giác nhớ lại cái vali của ngày lên đường đi học ở Nga.
Đang hài lòng vì việc chuẩn bị quà cáp như vậy là đã tạm ổn thì đột nhiên Hạnh
gọi điện từ Paris xuống hốt hoảng báo tin vừa phải đưa mẹ vào bệnh viện cấp cứu.
Trung hớt hải đi máy bay ngay lên Paris. Vài ngày sau, anh trở về, rầu rĩ bảo vợ
rằng có lẽ dịp Noel này anh không thể đi đâu chơi xa được, chuyến về nước chắc
đành phải hoãn lại thôi. Mẹ Trung bị chảy máu dạ dày, cơn nguy kịch qua rồi
nhưng tuổi đã cao, sức vốn yếu, lại mất máu nhiều nên cụ hãy còn mệt lắm, chắc
sẽ phải nằm viện lâu để theo dõi biến chứng. Tình hình như vậy thì làm sao
Trung dám rời khỏi Pháp lúc này, để một mình Hạnh với mẹ được. Nhìn vẻ mặt tràn
trề thất vọng của Lan Chi, Trung vội bảo ngay rằng anh thấy cô không cần thiết
phải hủy chuyến đi này: một mình anh ở lại đây là đã đủ, vé máy bay đã đặt,
quà cáp đã mua, lại có bà cô già yếu đang chờ đợi ở nhà, Lan Chi cứ mang lũ trẻ
về Hà Nội chơi ít ngày, còn anh thì đành lui lại đến một dịp khác vậy.
Không có chồng đi cùng, niềm vui về thăm quê của Lan Chi giảm
đi đến một nửa. Từ trước đến nay, khi nghĩ về chuyến đi này, bao giờ cô cũng
hình dung có Trung bên cạnh. Ước muốn giới thiệu Trung với họ hàng bạn bè và
khoe Hà Nội của mình với chồng vậy là tan thành mây khói. Tuy vậy, Lan Chi hiểu
rằng cô không thể trì hoãn chuyến đi này được nữa. Bà cô ruột của Lan Chi năm
nay đột nhiên yếu đi nhiều, tuổi già mong manh, nếu cô cứ lần chần mãi không về
thăm thì có khi sẽ không còn kịp gặp. Và lại còn lời hứa với Kiên...
Máy bay về đến Nội Bài vào quãng tám giờ sáng. Lấy đồ đạc
xong, Lan Chi hì hụi đi ra cửa với chiếc xe đẩy ì ạch, đã nặng vì hai cái vali
to đùng lại còn có thêm Việt Anh và Lan Anh - mặt mũi bơ phờ sau chuyến bay dài
- ngồi chễm trệ phía trên. Cu Nam lẽo đẽo đi bên cạnh mẹ, hỏi một cách sốt ruột
: "Đây là Hà Nội hả mẹ?" "Đây là sân bay Nội Bài. Chúng mình
còn phải đi ôtô thêm một đoạn nữa thì mới về đến Hà Nội", Lan Chi đáp.
Ra khỏi cửa kiểm tra của hải quan, Lan Chi nghe thấy có tiếng
gọi tên mình. Ngơ ngác một lúc cô mới nhìn ra Vũ, cậu em họ con bà cô, đang vẫy
tay rối rít phía sau hàng rào sắt. "Trông chị chả khác tí nào, em nhận ra
ngay lập tức", Vũ vừa đỡ vali cho Lan Chi vừa nói.
Hà Nội thì khác đi nhiều. Ngồi trên taxi dọc đường từ sân bay
về nhà bà cô, Lan Chi ngỡ ngàng nhìn khung cảnh hai bên đường nửa quen nửa lạ.
Nhà mới xây mọc khắp nơi, nhất là ở những chỗ ngày xưa là đồng không mông quạnh,
rất nhiều kiểu lạ mắt, nhưng Lan Chi không ngạc nhiên lắm vì đã được nghe nói từ
trước khá nhiều rồi. Đôi khi, gặp một kiểu nhà kỳ quái, cô mỉm cười tự hỏi
không biết đây có phải là sản phẩm của trí tưởng tượng "siêu thực" của
Kiên không, rồi lại tự gạt phắt đi ngay: "Kiên "siêu thực" thì
có, nhưng không đời nào lại kệch cỡm thế này."
Cảm giác lạ lẫm nhất không phải là nhà mà là người. Chẳng hiểu
người ở đâu đổ ra mà đông như kiến thế không biết? Ở Pháp, rất ít khi Lan Chi
nhìn thấy người đi ngoài đường đông nghìn nghịt đến mức độ này. Cô có cảm tưởng
như cả Hà Nội ồ ạt kéo nhau xuống đường biểu diễn xe máy. Ngày cô ra đi, hình
như thành phố chưa chen chúc toàn người là người như vậy. Ít nhất, khung cảnh rất
ấn tượng này đã không hề được lưu giữ trong ký ức của cô. "Đông người quá!", Lan Chi buột miệng thốt lên. "Nhiều xe máy quá!", cu Nam hớn
hở nói. Mắt thằng bé sáng rực lên đầy vẻ tò mò trước những quang cảnh lạ. Ngắm
xe máy chán, nó bèn quay ra say sưa đọc bất cứ hàng chữ tiếng Việt nào lọt vào
mắt, từ tên phố, tên cửa hàng đến nội dung của các tấm biển quảng cáo. Cu cậu
được mẹ dạy đọc tiếng Việt ở nhà từ bé, nhưng đây là lần đầu tiên được ứng dụng
vào cuộc sống nên có vẻ rất thích thú. "Sans souci !", cu Nam chợt
reo lên khi nhìn thấy hàng chữ in trên một chiếc xích lô lướt qua trước mặt. Rồi
nó quay sang hỏi mẹ : "Tiếng Việt cũng có sans souci như tiếng
Pháp hả mẹ?" "Không, đó là tiếng Pháp hoàn toàn đấy chứ", Lan
Chi mỉm cười, đáp. "Hà Nội cũng nói tiếng Pháp", thằng bé nhận xét với
vẻ hơi ngạc nhiên.
Bà cô đón cháu bằng món bún chả yêu thích của Lan Chi.
"Buổi trưa ăn tạm thế này cho gọn nhẹ, đến tối cô sẽ làm bữa cơm đàng
hoàng", bà nói. "Ô, bún chả thì cháu ăn mấy bữa liền cũng chẳng chán,
việc gì phải làm cơm nữa hả cô", Lan Chi vừa đáp vừa hân hoan hít mùi chả
nướng quyến rũ rất quen thuộc.
Bốn mẹ con xà vào ăn ngay với một vẻ ngon miệng không khách
khí. Đây là lần đầu tiên lũ trẻ được thưởng thức loại bún tươi mà mẹ chúng luôn
luôn quảng cáo kèm theo câu "bao giờ về Hà Nội...", mỗi lần làm bún
khô cho cả nhà ăn. "Thịt nướng này ngon hơn thịt 1. mẹ nhỉ", cu Nam nhận xét. "Tất
nhiên rồi", Lan Chi trả lời với một vẻ tự hào. Tuy vậy, cô cảm thấy trong
lòng hơi phân vân: món bún chả này công nhận ngon thật là ngon, nhưng hình như
có cái gì đó chưa thật giống hoàn toàn loại bún chả ngày xưa cô thường ăn.
Không giống cái gì thì cô chịu không phân tích nổi. Nhưng có lẽ đây không hẳn
là món bún chả vẫn hiện về trong nỗi nhớ của cô. "Nếu có thời gian thì lúc
nào mình phải dẫn bọn trẻ con ra ăn bún chả hàng bà Thịnh mới được", Lan
Chi thầm nghĩ với hy vọng tìm lại được hương vị cũ trong hàng bún yêu thích
ngày xưa của mình.
Ngày thứ hai ở Hà Nội, Lan Chi bắt đầu lên kế hoạch đi thăm họ
hàng, bạn bè. Tất nhiên, tên Kiên hiện lên đầu tiên trong danh sách của cô. Khi
chuẩn bị về nước, cô đã không gọi điện thoại cho Kiên đi đón như anh yêu cầu.
Lý do rất đơn giản: cô cảm thấy khó coi đối với cả bà cô của mình lẫn gia đình
Kiên, nếu cô về thăm nước sau gần chục năm trời lại chọn đúng Kiên để nhờ ra
đón. Thêm nữa, cô cũng muốn dành cho anh một sự bất ngờ vì đã về sớm hơn lời hẹn.
Với tâm trạng có phần hồi hộp, Lan Chi lấy từ trong ví ra tấm các mà
Kiên đưa cho hồi ở Berlin và bấm máy gọi điện thoại cho anh. Cô gọi theo số máy
cơ quan anh, vì bây giờ đang là giờ làm việc. Vả lại, chưa biết vợ Kiên "độ
lượng" thế nào, cứ gọi đến cơ quan là chắc nhất.
Chuông điện thoại reo mãi mà không có ai nhấc máy. "Chắc
Kiên chạy đi đâu đó", Lan Chi nghĩ và quay sang gọi điện thoại cho mấy người
bạn khác. Sau khi đã hẹn hò đến chơi được với mấy cô bạn cũ rồi, cô bèn gọi điện
thoại lại cho Kiên. Vẫn không có ai trả lời. Gọi thêm vài lần buổi sáng, rồi
vài lần buổi chiều nữa vẫn không được, Lan Chi bắt đầu lo. "Nhỡ Kiên lại
đi công tác xa đúng vào dịp này thì phiền quá. Mình ẩu thật đấy, đáng lẽ phải gọi
điện hẹn trước với anh ấy từ khi ở Pháp", cô tự trách mình.
Không còn cách nào khác, sau giờ làm việc buổi chiều, Lan Chi
đành gọi điện thoại đến nhà Kiên. Đúng như cô lo ngại, người nhấc máy trả lời
là phụ nữ. Một giọng nữ trong trẻo và khá trẻ trung.
- Chào chị, đây có phải là nhà anh Kiên không ạ? - Lan Chi rụt
rè hỏi.
- Vâng, tôi là vợ anh Kiên đây. Chị cần hỏi gì ạ? - vợ Kiên
đáp lại khá nhã nhặn.
- Anh Kiên có nhà không hả chị? Tôi có thể nói chuyện với
anh ấy được không?
- Chị là ai nhỉ mà tôi không nhận ra? - giọng nói của vợ
Kiên đã bớt nhã nhặn đi một chút.
- Tôi tên là Chi, - Lan Chi trả lời một cách có tính toán, tự
xưng tên mình ngắn gọn chứ không xưng "Lan Chi" đầy đủ như cách Kiên
vẫn quen gọi, cách mà bạn bè ở Nga vẫn thường gọi để phân biệt cô với cô bạn
Kim Chi cùng trường.
- Chị gọi cho anh Kiên về chuyện công việc phải không? - cuộc
thẩm vấn vẫn tiếp tục.
- Không, tôi là bạn cũ, gọi điện hỏi thăm chút thôi, - Lan
Chi không muốn nói dối, tuy biết rằng danh xưng "bạn cũ" khó mà gây nổi
thiện cảm ở vợ Kiên.
- Bạn cũ à? Thế chị ở đâu vậy?
- Tôi đang ở Hà Nội, - Lan Chi đáp một cách lấp lửng. Cô đã bắt
đầu mệt mỏi và hơi khó chịu vì cuộc thẩm vấn này thì nghe có tiếng đàn ông nói
loáng thoáng xa xăm gì đó, rồi vợ Kiên nói vào điện thoại:
- Đây, anh Kiên ra rồi đây. Chị nói chuyện với anh ấy nhé.
- Alô, ai đấy? - giọng Kiên vang lên trong máy điện thoại.
- Lan Chi đây, anh Kiên. Em vừa mới về Hà Nội, - Lan Chi nhẹ
nhàng nói, cảm thấy thần kinh như dịu hẳn đi.
- Em về Hà Nội từ lúc nào? Sao không gọi điện cho anh ra đón? Em đang ở đâu đấy? - Kiên hỏi dồn dập bằng một giọng mừng rỡ không che đậy.
- Em vừa về hôm qua thôi, hiện em đang ở nhà bà cô của em. Em
muốn đến thăm vợ chồng anh và thằng cu, tiện thể chiêm ngưỡng cái nhà vĩ đại của
anh một tí, mà không biết đến lúc nào thì tiện nhỉ?
- Em đến chơi ngay tối nay có được không? Đối với anh thì
lúc nào cũng tiện cả.
- Tối nay em đã hẹn đến nhà bà bác rồi. Thôi để ngày mai vậy
nhé. Mai em đến quãng sáu giờ chiều có được không? Trước đó, em lại có hẹn với
mấy đứa bạn cũ.
- Hay là mai anh mời vợ chồng em đi ăn tối luôn thể? Anh sẽ
chọn một nhà hàng nào ăn được...- Kiên đề nghị.
- Thôi, chuyện ăn uống để sau. Mai em đến nhà anh rồi có gì sẽ
bàn thêm, - Lan Chi gạt đi. Chẳng hiểu sao, cô chưa muốn nói lộ ra ngay là
Trung không về nước cùng cô lần này.
Hôm sau là một ngày vô cùng bận rộn của bốn mẹ con Lan Chi.
Buổi sáng, cả mẹ lẫn con đều chưa quen được giờ giấc nên ngủ quên trong giường
đến gần mười giờ sáng mới bừng tỉnh dậy. Bà cô đã mua sẵn xôi xéo ngoài hàng về
theo đúng "đơn đặt hàng" của Lan Chi từ tối hôm trước. Lâu lắm rồi mới
được ăn món ăn bình dân mà cô rất thích này để tạm quên đi bánh mỳ-bơ-xúc
xích-cà phê đơn điệu lặp đi lặp lại sáng sáng, đã thế lại được bà cô xăng xái
phục vụ cả mấy mẹ con đến tận miệng rồi âu yếm đứng loanh quanh nói chuyện rất
rôm rả, Lan Chi chỉ muốn kéo thật dài bữa ăn sáng ra để tận hưởng cái cảm giác
hạnh phúc như được trở về quá khứ ấy. Nhưng nhìn đồng hồ thấy đã gần mười rưỡi,
cô không dám ngồi lâu thêm nữa mà vội giục giã mấy đứa con chuẩn bị nhanh nhẹn
lên để còn đi chơi. Cô đã hẹn mang con đến chơi nhà ông chú em ruột bố sáng nay
và ở lại ăn trưa tại đó.
Nhà ông chú thì xa, bầu đoàn của Lan Chi thì một đám lít
nhít, chẳng có cách di chuyển nào tiện hơn là gọi taxi. Sau chừng nửa tiếng luồn
lách qua những đường phố nườm nượp xe máy mà có nhiều chỗ Lan Chi không thể nhớ
ra được là phố gì, cuối cùng taxi dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng có mái
cong cong na ná giống như một ngôi chùa Thái Lan. Nếu không nhìn thấy ông chú đứng
đợi sẵn với nụ cười rất tươi trước cổng "chùa" thì Lan Chi không dám
tin ngay là đã đến đúng nhà. Nhà này, nghe nói ông chú mới mua được cách đây
vài năm. Trước đây, hồi Lan Chi còn ở Hà Nội, gia đình ông sống trong một căn hộ
tập thể hai phòng.
Sau bữa trưa, nấn ná ngồi lại chơi đến quãng gần ba giờ chiều
thì Lan Chi xin phép ông chú đưa lũ con ra về để đến thăm một cô bạn như hẹn
trước. Nhà cô bạn ở tít đầu kia của thành phố nên Lan Chi lại gọi taxi. Hơn nửa
tiếng lòng vòng, rồi xe lại dừng trước một biệt thự mới tinh. Lần này không phải
chùa, cũng không khiêm tốn hai tầng như nhà ông chú, mà là hẳn một "lâu đài"
ba tầng khá to, kiến trúc củ hành. "Chắc là để tưởng nhớ đến nước
Nga", Lan Chi thầm nghĩ khi ngắm nghía ngôi nhà của bạn (cả hai vợ chồng
cô bạn của Lan Chi đều học ở Nga về).
Tuyết, bạn của Lan Chi, ra mở cổng trong bộ quần áo mặc nhà
nhưng diêm dúa như chuẩn bị đi dạ hội. Tay bắt mặt mừng xong, cả hai rối rít
khen lẫn nhau "trẻ" và "xinh ra", rồi câu chuyện tiếp tục
phát triển theo hướng tất yếu là ôn lại quá khứ và nhắc đến đám bạn cũ. Điểm
qua được một vài người bạn xong thì Tuyết bèn hỏi Lan Chi đã đến thăm Kiên chưa?
- Chưa, nhưng tao đã hẹn tí nữa sẽ đến, - Lan Chi bình thản
trả lời.
- Chuyện của Kiên kể ra cũng buồn nhỉ, - Tuyết nói với vẻ đầy
thông cảm và bí ẩn.
- Chuyện gì mà buồn? - Lan Chi sửng sốt hỏi.
- Ơ, thế mày chưa biết à? - Tuyết ngạc nhiên hỏi lại.
- Tao chẳng biết gì hết cả, - Lan Chi lo ngại đáp.
- Tao cứ tưởng mày biết rồi, vì bạn bè Kiên ở Hà Nội ai cũng
biết. Công ty của Kiên đang phải đóng cửa ngừng hoạt động để thanh tra. Nghe
nói có chuyện làm ăn phi pháp gì đó, - Tuyết nói.
- Kiên... làm ăn phi pháp à? - Lan Chi ngơ ngẩn hỏi.
- Hình như làm trực tiếp vụ này thì không phải là Kiên, mà là
thằng phó giám đốc. Thấy bảo tay này nhân lúc Kiên đi Đức có làm một phi vụ gì
đó với danh nghĩa công ty sau lưng Kiên, bây giờ mới bị khui ra, người ta bèn
thanh tra lại toàn bộ hoạt động của công ty. Kiên là giám đốc tất nhiên cũng phải
chịu trách nhiệm. Nói chung làm ăn ở nhà mình thời buổi này chóng mặt lắm Lan
Chi ạ, phát tài cũng dễ mà đổ bể cũng nhanh, chẳng biết thế nào mà lường trước
được.
"Ra thế... Công ty đóng cửa ngừng hoạt động, thảo nào mà
mình gọi điện thoại đến đó không có ai trả lời", Lan Chi thầm nghĩ. Lòng
cô bỗng trào lên một nỗi xót xa cho Kiên. Sao số anh vất vả thế không biết. Cứ
tưởng đã đến lúc sung sướng rồi thì lại gặp chuyện.
Câu chuyện tự nhiên trở nên rời rạc hẳn vì Lan Chi không còn
đầu óc đâu để tán chuyện. Cô muốn đứng dậy ra về ngay nhưng cố nán ngồi lại vì
nể bạn, lại vì anh em cu Nam vẫn còn thích ở lại chơi với con của Tuyết (chạy
lên chạy xuống thám hiểm khắp ba tầng gác của "lâu đài" đối với bọn
trẻ cũng là một thú vui). Đến quãng bốn giờ rưỡi thì Việt Anh và Lan Anh đã thấm
mệt, Lan Chi thấy có cớ để ra về một cách vui vẻ. Cô liền nhờ Tuyết gọi điện
thoại cho taxi đến đón mấy mẹ con. Chui vào taxi lần thứ ba trong ngày, cu Nam
bèn đưa ra một nhận định rất chắc chắn: "Hà Nội toàn đi taxi".
Năm giờ chiều, về đến nhà bà cô, Việt Anh và Lan Anh lăn ra
ngủ ngay lập tức. Nghỉ ngơi được một lúc, Lan Chi nhìn đồng hồ, thấy là đã đến
giờ đi đến nhà Kiên. Cô quyết định để hai bé sinh đôi ở lại nhà gửi bà cô
trông, vì biết nhất định là chúng còn ngủ lâu: chúng chưa quen giờ giấc, ngủ
nghê hết sức linh tinh, lại đi chơi cả ngày mệt lử thế này thì súng nổ bên tai
chắc cũng không buồn dậy. Thấy cu Nam vẫn còn hoạt bát, Lan Chi bèn rủ:
"Đi chơi với mẹ không con?" "Đi đâu hả mẹ?", thằng bé hỏi
lại. "Đi đến nhà một bác bạn mẹ", Lan Chi trả lời. "Lại đi taxi,
con chán rồi", cu Nam nói với vẻ rất thiếu nhiệt tình. "Không đi taxi
đâu, nhà bác này gần, mẹ đèo con đi xe đạp", Lan Chi cố nài. Nghĩ đến cuộc
thẩm vấn hôm qua của vợ Kiên, rồi lại liên tưởng đến câu chuyện về "vợ độ
lượng" của Quân, cô thấy đi một mình đến nhà Kiên có lẽ là hơi nguy hiểm.
Tốt nhất là mang cu Nam đi làm bình phong "chắn đạn" cho mẹ. Nghe nói
được đi xe đạp, Nam bèn đồng ý đi theo.
Rất may, nhà Kiên không xa nhà bà cô của Lan Chi thật. Lan
Chi bèn mượn bà cô cái xe đạp và đèo con trai đi. Mất khoảng hai mươi phút đi
đường, rồi tìm nhà loanh quanh chừng năm phút nữa thì hai mẹ con đến được địa
chỉ cần tìm. Một ngôi nhà ba tầng, to hơn nhà ông chú của Lan Chi nhưng nhỏ hơn
nhà của Tuyết. Không mái cong, không củ hành. Kiểu nhà khá giản dị, không hề kệch
cỡm nhưng cũng không có gì chứng tỏ đó là nhà của một kiến trúc sư có tính nghệ
sĩ như Kiên.
Kiên ra mở cửa ngay khi Lan Chi vừa ấn nút chuông, cứ như là
anh đã đứng chờ sẵn đó.
- Con trai đây phải không? Lớn quá nhỉ. Mà bố nó và hai đứa
nữa đâu mà chỉ có hai mẹ con thế này? - Kiên cười rất tươi, nhìn cu Nam rồi
quay sang Lan Chi, hỏi.
- Mẹ chồng em ốm nên chồng em không về lần này được. Hai đứa
bé thì đi chơi cả ngày mệt rồi, em để cho chúng nó ngủ ở nhà bà cô em, - Lan
Chi vừa trả lời xong thì nhìn thấy vợ Kiên bước ra.
Đó là một cô gái khá xinh, trông không quá ba mươi tuổi, mặc
diện một cách rất có "gu", duyên dáng dễ thương hơn nhiều so với cái
hình ảnh mà Lan Chi hình dung khi nói chuyện qua điện thoại.
- Chào chị, - vợ Kiên nói với nụ cười vồn vã, trái hẳn với sự
lo ngại trước đó của Lan Chi.
Lan Chi mỉm cười chào lại.
Kiên giới thiệu hai người với nhau:
- Đây là Thi, còn đây là Lan Chi, mới từ Pháp về chơi, - anh
nói ngắn gọn, không giải thích quan hệ của mình với hai người, dường như cho rằng
cả hai đều đã tự hiểu.
- Chị là chị Lan Chi à? - vợ Kiên reo lên vui vẻ. - Chị là bạn
của anh Kiên từ hồi ở Nga phải không? Em đã nghe anh Kiên nhắc đến chị và một
vài người nữa. Nghe tên chị là em nhớ ra ngay. Tại vì anh Kiên hay kể cho em
nghe chuyện các anh chị hồi ở Nga lắm, nhiều chuyện rất là vui, - Thi nói và bật
cười một cách hồn nhiên.
"Không biết Kiên kể cho vợ nghe những chuyện gì mà vui
thế nhỉ?", Lan Chi băn khoăn nghĩ. Thái độ thân thiện vui vẻ của vợ Kiên
làm cô hơi bối rối. Cô đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với một sự đón tiếp lạnh
nhạt và xét nét, cho nên hoàn toàn bất ngờ trước tiếng cười thoải mái như vậy.
Thi quay sang cu Nam, nắc nỏm khen thằng bé xinh quá, trông cứ
như con tây. Lan Chi bèn hỏi thăm thằng con trai của Thi. "Nó đang ngồi
chơi với thằng anh họ con bà chị em ở trên gác, để em lên đem nó xuống chào
bác", Thi nói và đi lên cầu thang.
Ngồi lại với Kiên và cu Nam trong phòng khách sang trọng, rộng
rãi của nhà Kiên, Lan Chi tự nhiên có cảm giác gượng gạo và xa lạ. Với dáng điệu
có vẻ hơi ngượng ngập, khác hẳn hồi ở Berlin, Kiên định pha nước mời Lan Chi.
"Thôi, em không khát đâu, anh khỏi phải pha nước", Lan Chi nói bằng một
giọng khá là khách khí.
Kiên bảo anh cứ tưởng Lan Chi đến Tết ta mới về Hà Nội chơi,
không ngờ cô lại về sớm thế này. Lan Chi giải thích một cách ngắn gọn lý do khiến
cô không thể về Tết được. Kiên lại hỏi cô về chơi bao lâu. "Nửa tháng
thôi", Lan Chi đáp. "Sao em về ít thế?", Kiên khẽ kêu lên.
"Đợt này em không xin nghỉ nhiều hơn được. Với lại, bọn trẻ con cũng phải
về đi học nữa", Lan Chi nói.
Cả hai người đang lúng túng chưa biết nói gì thêm thì vợ Kiên
dắt con trai từ trên gác xuống. Lan Chi vội lấy quà đưa cho thằng bé và đưa
luôn quà cho vợ chồng Kiên, rồi cô khen lấy khen để "con trai xinh
quá" với một vẻ nhiệt tình ngang với vợ Kiên lúc trước. "Chị thấy nó
có giống anh Kiên không?", Thi hỏi. "Có lẽ giống cả bố lẫn mẹ",
Lan Chi vừa do dự trả lời vừa nhận xét thầm trong đầu rằng thằng bé quả thật là
rất xinh, nhưng không có được cặp mắt và nụ cười của bố nó. "Nó giống mẹ
là chính", cô nghĩ. Dường như đọc được ý nghĩ của Lan Chi, Thi bảo:
"Nó có cái trán giống hệt anh Kiên, chị thấy không? Cả ngón tay nó cũng
là của anh ấy, ngón dài thế này thì cho đi học đàn piano được đấy chị Lan Chi
nhỉ", cô nói và kéo bàn tay của con trai ra trước mặt Lan Chi để mời xem.
"Ừ, ngón tay dài đẹp thật", Lan Chi công nhận rồi mỉm cười nhìn Kiên.
Anh cũng mỉm cười, không nói gì.
- Chết thật, anh ơi, sao anh không đem gì ra mời chị và cháu
thế này? Khách ở nước ngoài về mà anh lại tiếp thế này thì chán quá anh ạ - vợ
Kiên chợt kêu lên.
Mặc cho Lan Chi từ chối với lý do "chỉ ngồi một tí rồi
phải về ngay", Thi nhất quyết đi pha nước và bê ra một lô bánh kẹo, hoa quả,
ép mẹ con Lan Chi ăn bằng được.
Tranh thủ lúc nhấm nháp một miếng bánh, Lan Chi bèn kín đáo
quan sát vợ Kiên. Phải công nhận rằng Thi có một vẻ đẹp rất hiện đại, trước hết
là ở thân hình cao ráo, đầy đặn khỏe mạnh nhưng chưa đến mức béo, càng không
"còi cọc" như thế hệ sinh ra trong chiến tranh của Lan Chi. Cô lăng
xăng đi lại trong nhà, cười nói với dáng điệu rất nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin,
cặp mắt đen sắc sảo có vẻ như không để lọt cái gì ra khỏi tầm nhìn, tóm lại,
thoạt trông đã có thể thấy ngay rằng đây là loại người cực kỳ tháo vát trong cuộc
sống. "Gu của Kiên đã thay đổi", Lan Chi nghĩ. Cô buồn bã nhớ lại rằng
ngày xưa Kiên mê nhất là đôi mắt mơ mộng của cô, anh thú nhận rằng ngay từ lần
gặp đầu tiên anh đã bị đôi mắt ấy hút hồn. Vẻ yếu ớt và hơi ngơ ngác trẻ thơ của
cô làm cho anh mềm lòng, anh sung sướng tự hào được giữ vai trò che chở cho cô
trước cuộc đời đầy sóng gió, anh gồng lên để thực hiện vai trò đó đến quá sức
mình, để rồi cuối cùng chính anh là người gặp nạn... "Kiên chọn vợ như vậy
là phải quá rồi. Một cô vợ tháo vát thế này mới có thể làm chỗ dựa cho anh ấy
được, nhất là khi công việc làm ăn gặp khó khăn như hiện nay, chứ cứ như mình
thì...", Lan Chi nghĩ với đôi chút chạnh lòng. Cô rất muốn hỏi thăm Kiên về
những chuyện không may của công ty anh, nhưng lại ngần ngại khi nhớ rằng hồi
xưa anh luôn luôn tránh nói chuyện làm ăn với cô. "Với Thi thì chắc anh ấy
nói hết được, có khi còn phải hỏi ý kiến ấy chứ", Lan Chi chua chát nghĩ.
Kiên có vẻ hơi mệt mỏi và già đi so với hồi gặp Lan Chi ở
Berlin. Cô nhận thấy những nếp nhăn hằn rõ ở khóe mắt anh mà lần gặp trước hình
như không có.
- Anh có khỏe không? - Lan Chi khẽ hỏi khi vợ Kiên đi ra khỏi
phòng khách để lấy khăn lau mũi cho thằng con.
- Anh bình thường thôi, - tự nhiên, Kiên cũng hạ giọng trả lời.
Rồi, vẫn nói nhỏ như vậy, anh chuyển sang đề tài khác: - À, hôm nào phải lên Hồ
Tây ăn bánh tôm chứ Lan Chi nhỉ.
Lan Chi chưa kịp trả lời thì Thi đã đột ngột bước từ phòng
bên cạnh ra, nói một cách vui vẻ quá mức:
- Anh ơi, chị Lan Chi ở Pháp về mà anh lại định mời đi ăn
bánh tôm thì chị ấy cười cho đấy. Hồ Tây thì thiếu gì nhà hàng đặc sản mà anh lại
mời chị ấy đi ăn cái thứ rẻ tiền như thế. Hay là để hôm nào vợ chồng mình mời
chị Lan Chi đi ăn nhà hàng anh nhỉ? Cái chỗ mà bọn mình thỉnh thoảng vẫn đến
ăn ấy, em thấy được đấy anh ạ, - Thi vừa nói vừa ngồi xuống sát cạnh Kiên.
Một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu Lan Chi: "Bánh tôm Hồ
Tây thế là toi rồi!" Cô đang cười cười vì chưa biết nói gì thì Kiên chợt
bảo :
- À, quên chưa kể với Lan Chi. Quân đang ở Hà Nội đấy, em biết
chưa? Có gì bọn mình rủ Quân, hôm nào cả hội chọn chỗ nào đi ăn cùng luôn thể
cho vui.
- Quân đang ở Hà Nội à? - Lan Chi mừng rỡ hỏi. - Quân về từ
lúc nào đấy? Về có lâu không, có mang theo vợ con không?
- Quân mới về quãng hơn một tuần nay. Về công tác vài tuần
thôi. Đi một mình, - Kiên đáp.
- Chị Huyền với thằng cu con vừa về hồi đầu năm rồi còn gì. Với
lại, nghe nói chị ấy lại đang có bầu đứa thứ hai đấy anh ạ, - Thi nói xen vào
và chẳng hiểu sao lại nhìn Kiên mỉm cười âu yếm một cách đầy ẩn ý.
- Huyền là vợ Quân, - Kiên giải thích cho Lan Chi.
Lan Chi hỏi Kiên số điện thoại và địa chỉ của Quân để đến
chơi. "Nhà Quân hơi khó tìm đấy. Hay để anh đưa em đi cho tiện?",
Kiên đề nghị. Lan Chi từ chối, viện cớ chưa sắp xếp được thời gian, rảnh lúc
nào thì đi lúc ấy thôi. Kiên bèn dặn Lan Chi nhớ hẹn Quân chọn ngày đi ăn cùng
rồi báo lại cho anh biết. "Anh ơi, để em gọi điện cho anh Quân hẹn ngay
bây giờ có hơn không, khỏi phiền chị Lan Chi gọi điện nhiều lần, anh nhé?", Thi khẽ đặt tay lên đùi chồng, sốt sắng nói. "Thôi, cứ để Lan Chi
bàn với Quân", Kiên gạt đi.
Ngồi một lúc, Lan Chi bắt đầu thấy chóng mặt vì nhịp điệu dồn
dập của những "anh ạ, anh nhé, anh ơi, anh nhỉ" ngọt ngào và rộn rã.
Tự nhiên, cô thấy mình lạc lõng vô duyên trong khung cảnh gia đình đầm ấm này,
và càng tiếc là không có Trung cùng về Hà Nội. "Thôi, em phải về đây. Mình
về Thi nhé", cô đột ngột đứng dậy nói nhân lúc câu chuyện vừa lắng xuống.
"Hãy còn sớm. Em vừa mới đến có mấy phút", Kiên vụt nói như bị hẫng.
"Chị và cháu ở lại ăn cơm với nhà em đi. Bạn cũ lâu ngày gặp nhau, chắc
anh Kiên còn muốn nói chuyện nhiều", Thi mời. "Cám ơn Thi, nhưng mình
còn hai đứa bé ở nhà nên phải về cho chúng nó ăn tối", Lan Chi vừa nói vừa
đi ra cửa. Kiên lẳng lặng đi theo tiễn, chẳng nói thêm câu nào. Khi mở cửa cho
Lan Chi bước ra, anh bỗng nói như vừa sực nhớ: "Cho anh địa chỉ và số điện
thoại nhà bà cô của em đi". "Em chẳng mang theo giấy bút gì cả",
Lan Chi trả lời. Trong lúc đứng đợi Kiên chạy đi lấy giấy bút, Lan Chi chợt cảm
thấy cái nhìn của vợ Kiên hướng vào mình không còn được thân thiện như trước nữa.
Ghi xong những thứ mà Kiên yêu cầu, cô bèn vội vã kéo con trai ra về ngay.
Buồn, buồn rười rượi là cảm giác tràn ngập lòng Lan Chi dọc
đường đạp xe về. Từ lâu, trong thâm tâm cô vẫn luôn luôn mong Kiên hạnh phúc,
nhưng hóa ra chứng kiến tận mắt hạnh phúc của anh lại là một điều hoàn toàn
không phải dễ. Giọng nói, tiếng cười vui vẻ của vợ Kiên cứ vang lên lảnh lói
bên tai Lan Chi mãi không thôi. Vậy là Kiên có một cuộc sống gia đình hạnh phúc
thực sự chứ không có gì đáng buồn như cô tưởng nhầm hồi gặp anh ở Berlin. Anh
có một người vợ trẻ hơn cô, xinh ít nhất không kém cô, nhanh nhẹn tháo vát chắc
chắn hơn cô nhiều. Anh có một ngôi nhà to đẹp gấp nhiều lần ngôi nhà ngày xưa
anh từng mơ ước cho cô và anh. Anh có tất cả để hạnh phúc, những chuyện không
may trong công việc chắc chắn rồi sẽ qua đi. Với anh, Lan Chi bây giờ chỉ là một
kỷ niệm đẹp không hơn không kém. Nếu trong mắt anh đôi lúc có những thoáng buồn
thì cũng chỉ là một chút nhớ thương dành cho tuổi trẻ đã mất mà thôi. Cô không
hề có chỗ trong cuộc sống của anh, không có từ mười hai năm nay rồi và sẽ không
bao giờ có cả. Cô tự bắt mình phải mừng cho Kiên, tự mắng mình là ích kỷ, tự nhủ
rằng nếu anh bất hạnh thì mình sẽ còn đau khổ hơn nhiều. Nhưng mặc cho lý trí
tha hồ lên tiếng, nỗi buồn vẫn cứ khăng khăng bám riết trái tim.
Sáng hôm sau, Lan Chi gọi điện thoại đến nhà Quân. Chỉ gặp mẹ
Quân, cô bèn xưng là bạn cũ, mới ở xa về. Mẹ Quân nói là anh đang về quê với bố,
đến sáng ngày kia mới quay lại Hà Nội. "Vậy quãng chiều ngày kia cháu đến
thăm Quân có tiện không hả bác?", Lan Chi hỏi. "Vâng, ngày kia, hai
mươi sáu tháng mười hai, chị cứ lại, buổi chiều thì chắc chắn em nó có ở nhà rồi",
mẹ Quân nói rõ thêm.
"Ừ nhỉ, hôm nay đã là hai mươi tư tháng mười hai, Noel rồi
đấy!", Lan Chi sực nhớ. Cô tự hỏi không biết Trung đang ở đâu? Ở bệnh viện,
ở nhà hay lên Paris ăn Noel với gia đình Hạnh? Cô bỗng thấy nao nao thương chồng.
Đây là lễ Noel xa vợ con đầu tiên của Trung, nhìn cảnh thiên hạ tụ họp gia
đình, chắc là anh sẽ thấy cô đơn lắm. Nhìn đồng hồ, Lan Chi nhẩm tính bây giờ
đang là đêm ở Pháp. Cô dự định đợi thêm vài tiếng nữa rồi gọi điện thoại cho chồng: sáng sớm, may ra thì anh có ở nhà.
Nhưng Trung không ở nhà, cũng không ở bệnh viện khi Lan Chi gọi
điện thoại đến. Cô đoán anh đi Paris, đang phân vân chưa biết nên gọi điện đến
nhà Hạnh lúc nào thì Trung đã gọi về nhà bà cô của Lan Chi. "Anh ở đâu đấy? Em đang định gọi điện cho anh", Lan Chi mừng cuống quýt. Trung bảo anh vừa
mới đến Paris, đang ở nhà Hạnh và chuẩn bị vào bệnh viện thăm má, thấy Hạnh nói
má đã đỡ mệt nhiều. Tối nay, anh sẽ ăn Noel cùng với gia đình Hạnh, sáng mai lại
về nhà. Trung kêu vợ con mới đi có vài ngày mà sao anh đã thấy như lâu quá, anh
đã mua quà Noel cho cả bốn mẹ con, để ở nhà đợi mọi người về đó. "Noel ở
Paris có vui không anh?", Lan Chi hỏi. "Không có gì đặc biệt. Món gà
tây thì chắc không ngon bằng em làm được đâu", Trung hạ giọng thấp hẳn đi
khi nói câu cuối, có lẽ để mọi người xung quanh khỏi nghe thấy. Lan Chi hình
dung anh đang khẽ mỉm cười. Tự dưng, cô thấy nhớ quá chừng không khí gia đình ấm
cúng quanh bàn tiệc Noel, mùi gà tây rôti thơm nức mũi, ánh đèn màu nhấp nháy
trên cây thông đặt ở góc phòng, những gói quà bọc giấy màu bóng bẩy và thắt nơ
diêm dúa, tất cả những thứ mà bao nhiêu năm nay cô vẫn hờ hững nhìn như là các
nghi thức không tránh được mà thôi...
Quân mừng ra mặt khi nhìn thấy Lan Chi: "Nghe mẹ mình bảo
có chị Chi nào đó hẹn đến chơi, đoán già đoán non mãi không ra, không ngờ lại
là Lan Chi".
Hai bên nhanh chóng xúc tiến trao đổi thông tin hai chiều. Về
mặt con cái, Quân chỉ bằng nửa Lan Chi: cô có ba con, còn anh hiện mới có
"một rưỡi". "Đang hy vọng sẽ được một cô con gái cho có nếp có tẻ
đây", Quân nói một cách hớn hở. Về đường công danh, Quân đang bước vào
giai đoạn đỉnh cao của "sự nghiệp lớn": ngoài công việc cố định với
tư cách giáo sư ở một trường đại học Mỹ, anh còn thường xuyên tung hoành năm
châu bốn biển với danh nghĩa "giáo sư mời" thực chất hẳn hoi (chứ
không phải chỉ là cái vỏ như một vài vị "giáo sư xin" vẫn được nêu
gương trên báo chí). Quân bảo năm nào anh cũng về nước ít nhất một lần trong
chương trình hợp tác khoa học với Việt Nam, để giảng bài, hướng dẫn nghiên cứu
sinh hoặc tham dự các hội nghị khoa học. "Giới báo chí có đến phỏng vấn
không?", Lan Chi cười hỏi. "Không thấy ai đến cả. Mình lỗi thời rồi,
không còn gì hấp dẫn nữa", Quân cũng cười đáp.
Ngồi nói chuyện một lát, Lan Chi bèn hỏi Quân về chuyện công
ty Kiên bị đóng cửa - điều mà cô vẫn canh cánh trong lòng từ khi nghe Tuyết kể,
nhưng không dám hỏi Kiên. Quân bảo rằng anh có biết chuyện này: đó là một vụ
trốn thuế quy mô nhỏ thôi, Kiên không phải chịu trách nhiệm trực tiếp, công ty
của Kiên chắc sẽ lao đao một dạo nhưng rồi cũng qua khỏi chứ không phải đóng cửa
hẳn đâu. Cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi, Lan Chi liền quay sang chuyện khác :
- Tuần này Quân có rảnh không? Vợ chồng Kiên đang muốn rủ bọn
mình hôm nào cùng đi ăn nhà hàng cho vui đấy.
- Vợ Kiên về rồi à? - Quân ngạc nhiên hỏi.
- Hôm nọ mình có gặp Thi khi đến chơi nhà Kiên. Thế ra Thi mới
đi công tác xa về à? - Lan Chi hỏi lại.
- Công tác gì đâu, - Quân cười một cách bí ẩn. - Đi "tị
nạn" ở nhà bố mẹ đẻ thì có. Chả lẽ Lan Chi không biết chuyện này hay sao?
Không, Lan Chi không hề biết, đây là lần đầu tiên cô được
nghe nói đến chuyện này. Thế thì lạc hậu thật, Quân bảo. Hóa ra, việc vợ Kiên
đi "tị nạn" vẫn xảy ra liên tục như cơm bữa, đến bây giờ chẳng còn là
bí mật đối với ai, cũng không còn làm ai ngạc nhiên được. Nhưng lần đầu tiên
thì kể cũng khá kinh hoàng: chưa đầy một tháng sau ngày cưới, không hiểu vợ chồng
cãi nhau thế nào mà tự dưng thấy Thi đùng đùng vác quần áo về nhà bố mẹ đẻ ở.
Hai gia đình xúm lại hỏi lý do nhưng cả anh lẫn ả đều nhất quyết không chịu
nói. Nếu không có mẹ Kiên đem đến cả nước mắt ra làm vũ khí thì chưa chắc Kiên
đã vội đến nhà bố mẹ vợ để làm lành và đón vợ về. Sau đó, tưởng đã yên được một
dạo khi vợ chồng Kiên bận rộn lo việc làm nhà, rồi Thi có bầu và sinh con.
Nhưng thằng bé chưa đầy một tuổi thì lại có chuyến "tị nạn" thứ hai,
lần này bố mẹ vợ Kiên phải đón luôn hai nhân khẩu. Rồi từ đó thì cứ là những cuộc
thay đổi chỗ ở thường xuyên giữa hai nhà của vợ con Kiên. Mẹ Kiên đã phát ngán
lên, không còn nhỏ ra được giọt nước mắt nào, cũng chẳng thèm can thiệp nữa.
Chuyến "tị nạn" kéo dài nhất của Thi chính là lần này: nó bắt đầu
cách đây năm tháng, sau khi Kiên đi công tác ở Đức về, và mười ngày trước đây,
lúc Quân mới về nước, đến chơi với Kiên thì được biết là Thi vẫn còn bám trụ ở
nhà bố mẹ đẻ. Kiên không hề có ý định làm lành, thậm chí còn nói đến chuyện ly
dị khi Quân hỏi thăm. Cứ tưởng phen này hỏng thật rồi, không ngờ vợ Kiên lại
quay về đột ngột như vậy.
- Sao lại khổ thế hả Quân? - Lan Chi choáng váng hỏi. - Mình
thấy vợ Kiên được lắm cơ mà: xinh đẹp, trẻ trung, lại có vẻ nhanh nhẹn, thông
minh và rất khéo cư xử...
- Thì đúng vậy. Cô Thi này hồi chưa chồng là có nhiều anh
theo lắm đấy. Còn Kiên lúc ấy nói thành thực ra cũng đã "cà cuống" rồi,
sắp ế đến nơi, không lấy vợ nhanh thì thành hâm ấy chứ. Cứ tưởng cậu ta lấy được
Thi là mèo mù vớ được cá rán, vậy mà sống với nhau ẩm ương chả ra sao cả. Cái
chính có lẽ do không hợp tính tình. Thi thực dụng quá, trong khi Kiên từng ấy
tuổi rồi mà vẫn cứ tâm hồn nghệ sĩ phiêu diêu. Thấy Kiên bảo là chả biết nói
chuyện gì với vợ cả. Lúc làm nhà thì còn có chuyện cái nhà mà nói. Nhà xong rồi
thì cả tháng không kiếm ra được chuyện để nói với nhau, mà cũng chẳng thấy có
nhu cầu. May mà còn có được một đề tài chung là thằng cu con, chứ không chắc đã
bỏ nhau lâu rồi. Sau vụ này, mình đã thề là từ nay không có mối lái cho ai nữa.
Đúng là làm phúc phải tội.
- Quân nói vậy là thế nào? - Lan Chi ngạc nhiên. - Có phải
Quân làm mối cho Kiên và Thi không?
- Chính thế, - Quân tự hào xác nhận.
Sự kiện lạ đời này diễn ra sau đám cưới "đổ mồ hôi"
của Quân khoảng một năm. Dạo đó, Quân cùng vợ từ Mỹ về nước chơi. Đến thăm
Kiên, thấy ông bạn cố tri mãi vẫn còn bơ vơ, Quân ái ngại bèn giúp cho mấy lời
khuyên thiết thực. Đầu tiên, anh vạch ra cho Kiên thấy rằng đến tuổi này mà cứ
còn hy vọng vào những cuộc gặp gỡ tình cờ thì thật là hết sức hão huyền. Rồi
anh lại hùng hồn chứng minh tiếp rằng việc mai mối không hề ngăn cản người ta
có được một tình yêu chân chính. Không những thế, anh nhấn mạnh thêm là phương
pháp này lại có một cái lợi hiển nhiên: cả hai bên đều đã rõ ý đồ của nhau, khỏi
phải vòng vo mất thời gian. Kiên tự nhiên bị thay bậc đổi ngôi, biến thành học
trò, trong bụng hẳn là rất hận nhưng rõ ràng lép vế nên đành nhẫn nhục ngồi
nghe Quân dạy. Được một lúc thì Kiên sốt ruột bảo: "Nói lý thuyết nhiều
nghe chán lắm, có đám nào thì giới thiệu đi, thực hành cái thử xem." Quân
ngắc ngứ, đã định tìm cách đánh bài chuồn, nhưng vợ anh lại nghĩ ngay đến một
cô bạn hàng xóm xinh đẹp chưa chồng. Thi hồi đó rất cao giá, có khối kẻ mê, vậy
mà chẳng hiểu tại sao lại chết anh Kiên ngay lập tức. Được người đẹp như thế mê
mình, ai mà chẳng thích, nói gì đến một anh chàng đang cần lấy vợ như Kiên.
Quen nhau chỉ hai tháng là họ làm đám cưới, Quân đã quay lại Mỹ nên không được
dự. Năm sau trở về thì đã nghe chuyện vợ chồng Kiên lục đục rồi.
Sau buổi gặp Quân vài ngày, Lan Chi gọi điện đến nhà Kiên để
báo rằng cô và Quân không thu xếp thời gian đi ăn nhà hàng cùng vợ chồng Kiên
được: Quân phải vào dự hội nghị khoa học ở Sài Gòn cho đến sát ngày Lan Chi
quay lại Pháp mới trở ra Hà Nội, về phần Lan Chi thì về nước có ít ngày nên
cũng rất nhiều việc bận, thôi đành khất hẹn đến một dịp sau.
Kiên không có ở nhà, người nghe điện thoại là vợ anh. Giọng
Thi khá lạnh lùng, khô khan, không hề có chút âm sắc vui vẻ, niềm nở của ngày
hôm trước. Hai người trao đổi với nhau vài câu ngắn gọn rồi dập máy. Lan Chi thở
phào: dù thái độ của Thi làm cho cô không thoải mái, cô vẫn cảm thấy nhẹ nhõm
vì không phải trực tiếp nói chuyện với Kiên. Cô sợ phải nghe giọng nói thất vọng
của anh.
Kiên gọi điện lại cho Lan Chi ngay ngày hôm sau. "Anh
không thể mời em đi ăn thiếu Quân được à?", anh giận dỗi hỏi. Lan Chi ấp
úng. Cô không dám nói rằng cô đã biết hết cả rồi, cô không thể nhận lời mời của
anh vì không lòng dạ nào mà bắt cả mình lẫn vợ chồng anh phải chịu đựng cái màn
bi hài kịch "gia đình hạnh phúc" ấy thêm lần nữa, và nhất là cô lại
càng không muốn làm tổn hại đến hạnh phúc vốn đã rất mong manh của gia đình
anh.
- Lần này em về nước ít ngày quá nên bận thật đấy, - Lan Chi
nói sau vài giây do dự. - Họ hàng, bạn bè kéo đi khắp nơi, mà cũng chẳng dám đi
nhiều vì sợ bọn trẻ con nó mệt. Thôi, anh cho em khất đến lần sau nhé.
- Nhưng còn bánh tôm Hồ Tây thì sao hả Lan Chi? Anh đã hứa với
em, em cũng đã hẹn với anh...- Kiên nói với vẻ tuyệt vọng như thể toàn bộ vận mệnh
anh đều phụ thuộc vào việc có rủ được Lan Chi đi ăn bánh tôm hay không.
- Để lần sau vậy, - không biết nói gì hơn, Lan Chi lặp lại. Cảm
thấy sống mũi đã cay cay, cô vội vã cắt ngang cuộc nói chuyện: - Thôi nhé, bây
giờ em có việc phải đi, có gì em sẽ gọi điện lại cho anh.
Nhưng Lan Chi không gọi điện thoại lại cho Kiên: cô đã quyết
định sẽ tránh mặt anh cho đến trước khi trở về Pháp mới chào tạm biệt.
Những ngày còn lại ở Hà Nội của Lan Chi trở nên u ám hẳn sau
khi cô được biết về nỗi bất hạnh của gia đình Kiên. Cô đau đớn nghĩ rằng mình
không có khả năng làm gì được cho anh ngoài việc cầu mong cho anh và Thi hàn gắn
lại. Thi yêu anh, Thi có thể đem lại cho anh hạnh phúc. Còn cô, điều duy nhất
mà cô nên làm bây giờ là biến hẳn khỏi đời anh để tránh cho tình hình phức tạp
thêm. Ý nghĩ rằng trong lúc cô hạnh phúc với Trung thì Kiên có thể ly dị vợ và
sống cô độc một mình làm Lan Chi khổ tâm không chịu nổi. Mặc cảm có lỗi với
Kiên lại trở về đè nặng trong lòng cô, day dứt hơn bao giờ hết.
Kiên còn gọi điện thoại đến nhà bà cô của Lan Chi thêm hai lần
nữa để hỏi xem cô có rảnh không thì anh đến chơi. Cả hai lần, Lan Chi đều thoái
thác là "có hẹn" và "rất bận".
Mà đúng là Lan Chi bận thật. Sau bao nhiêu năm cô mới trở về
Hà Nội, lại về đúng vào tháng mười hai, tháng có ngày giỗ mẹ cô. Mộ bố mẹ Lan
Chi hiện giờ nằm cạnh nhau ở quê nội của cô, một làng ngoại thành Hà Nội. Lan
Chi mua hương hoa và đưa ba đứa con về quê thăm mộ ông bà ngoại chúng. Ở lại
nhà ông bác trong quê một ngày, hôm sau cô trở lại nhà bà cô ở Hà Nội, buồn rũ
rượi mất mấy hôm chẳng thiết đi đâu. Nhưng rồi cũng phải đi vì lũ trẻ cuồng cẳng
không ngồi nhà lâu được. Lại có thêm một lô bạn bè cũ liên tục đến rủ đi chơi:
bạn cấp hai, bạn cấp ba, bạn thời đại học ở Nga..., đủ cả. Nhiệm vụ trọng tâm của
những chuyến đi chơi cùng bạn bè này là nếm lại bằng hết tất cả những món ăn
thuộc cái danh sách "thèm" mà Lan Chi đã lập ra với bao nhiêu nhớ tiếc
trong những năm dài của cuộc sống tha hương. Quán ăn được bọn bạn cô chọn lựa rất
kỹ lưỡng, vậy mà không hiểu sao khi ăn Lan Chi luôn luôn gặp phải cái cảm giác
kỳ lạ "rất ngon nhưng không giống hẳn" như hôm đầu ăn bún chả ở nhà
bà cô. Sau khi nghe bạn bè cô khẳng định rằng những hàng này bao nhiêu năm vẫn
làm đúng một kiểu như vậy, không hề thay đổi, Lan Chi buồn rầu nghĩ rằng có lẽ
sự thay đổi chính là ở phía cô.
Cái ngõ nhỏ của Lan Chi cũng không còn giống như cô vẫn hình
dung trong nỗi nhớ. Hôm chiêu đãi ba đứa con một chầu đi chơi phố bằng xích
lô sans souci (một trong những kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của ba anh
em cu Nam trong chuyến đi này), Lan Chi đã chỉ đường cho xích lô rẽ qua nhà cũ
của mình. Xích lô dừng lại vài phút, Lan Chi lạ lẫm nhìn khung cảnh xưa: cây
bàng "sâu róm" đầu ngõ không còn, mặt đường phẳng phiu chứ không gồ
ghề đậm nhạt nhiều mảnh vá, nhà cũ phá bỏ nhà mới xây lên khắp nơi... Và điều bất
ngờ nhất là cái "thế giới tuổi thơ" của cô bây giờ sao trông như nhỏ
hẹp lại đi đến chỉ còn một nửa! Tại vì những ngôi nhà mới nhiều tầng đã choán
mất một phần không gian trong ngõ, hay vì suốt bao nhiêu năm qua mắt cô chỉ
quen nhìn những đường phố lớn mà thôi? Ngồi trên xích lô đi tiếp loanh quanh
vài vòng cho lũ trẻ được dạo chơi, Lan Chi vừa ngượng ngùng vừa buồn bực vì phải
hỏi và nghe ông xích lô giải thích cặn kẽ cho cô như cho một khách du lịch nước
ngoài về những đường phố mà cô không thể nhận ra, về những công trình mới xây
sau khi cô đã rời Hà Nội. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều trong hơn chục năm qua,
cuộc đời cô đã tách rời khỏi số phận của quê hương, cô đã phần nào trở thành
người lạ.
Hai ngày trước khi Lan Chi trở lại Pháp, Kiên đến tìm cô bất
ngờ vào quãng hơn chín giờ tối, lúc cả ba đứa con cô đều đã lên giường đi ngủ.
"Anh phải đến vào giờ này mới chắc gặp được em. Ban ngày, sợ em đi
chơi", anh nói.
Kiên đưa cho Lan Chi một đống quà cho ba đứa trẻ con và một bức
tranh được gói ghém cẩn thận.
- Anh đem đến cho em cái này, không hiểu em còn thích không,
- anh nói một cách hơi lúng túng. - Để làm kỷ niệm thôi chứ chẳng có giá trị gì
đâu. Đây là cái tranh anh vẽ ngày xưa. Cái mà em thích nhất.
- "Mắt thô lố" à? - Lan Chi cười hỏi.
- "Mắt mênh mông", - Kiên trả lời, vẻ lúng túng bị
xóa đi ngay bằng một nụ cười rất thân thương đối với Lan Chi.
- Bao nhiêu năm rồi mà sao anh vẫn còn giữ được? - Lan Chi
ngạc nhiên.
- Anh chỉ còn giữ một vài bức thôi. Trước khi sang Ba Lan,
anh có đem mấy bức được nhất đến gửi nhà một thằng bạn ở Matxcơva, đến khi nó về
nước thì nó lại quẳng vào thùng hàng biển, mang về Hà Nội hộ anh.
- Dạo này chắc anh vẫn còn vẽ chứ?
- Không đâu, anh bỏ lâu rồi. Chẳng có thời gian. Cũng chẳng
còn cảm hứng.
- Tiếc nhỉ... Hồi trước, em chẳng thể hình dung anh thiếu cái
giá vẽ được.
- Có bao nhiêu điều mà hồi trước mình có hình dung được đâu.
Vài phút im lặng trôi qua. "Em pha nước anh uống
nhé", Lan Chi nói và định đi lấy ấm chén để pha trà. Kiên vội xua tay:
"Thôi, muộn rồi, anh về ngay đây. Anh chỉ định đến hỏi xem ngày kia mẹ con
em đi lúc mấy giờ." Lan Chi nói giờ của chuyến bay. Kiên hỏi anh có thể đi
tiễn mấy mẹ con được không? "Đã có Vũ, em họ của em đi tiễn rồi. Như vậy
tiện hơn anh ạ", Lan Chi trả lời. "Thế thì anh sẽ ra thẳng sân
bay", Kiên nói bằng một giọng cương quyết khiến Lan Chi không thể có thêm
ý kiến gì được nữa.
Lan Chi đi tiễn Kiên ra đến tận cổng của khu nhà. Lúc đi đến
chỗ để xe máy của anh, đột nhiên Kiên quay lại hỏi Lan Chi:
- Tại sao mấy ngày qua em cứ tìm cách tránh mặt anh?
- Em... em có tránh mặt anh đâu, - Lan Chi luống cuống nói.
- Quân nói cho em biết hết rồi phải không? - Kiên lại hỏi,
giọng bỗng trở nên hơi gay gắt.
- Vâng, em biết hết cả rồi. - Lan Chi thú nhận. Rồi cô nói liền
một mạch, rất nhanh: - Vợ chồng anh đang có chuyện không vui, em không muốn đổ
thêm dầu vào lửa. Em không muốn làm cho Thi khó chịu. Em không muốn gây thêm bất
hòa giữa anh và Thi.
- Em có gây bất hòa bao giờ đâu, - giọng Kiên dịu hẳn đi. -
Anh và Thi đã lục đục từ lâu rồi. Em về nước mà tránh anh thì chỉ làm cho anh
buồn thôi chứ cũng chẳng cứu vãn gia đình anh được.
- Sao lại không cứu vãn được? Nếu anh cố lên một tí thì nhất
định sẽ đâu vào đấy thôi. Em thấy Thi rất dễ thương. Cô ấy xinh hơn em nhiều, -
Lan Chi nói bằng một giọng như dỗ dành, năn nỉ.
- Anh có nói Thi xấu bao giờ đâu, - Kiên bật cười. - Hồi mới
quen, anh cũng thấy cô ấy khá xinh. Nhưng xinh hơn em thì... mắt anh không bao
giờ thấy thế. Trong mắt anh, không ai có thể đẹp bằng em được.
- Thi hơn em nhiều thứ lắm, - Lan Chi nói với vẻ gần như tuyệt
vọng. - Thi nhanh nhẹn, tháo vát chứ không lớ ngớ như em...
- Thi không có những cái mà anh yêu nhất ở em, - Kiên ngắt lời
Lan Chi. - Cô ấy không nhẹ nhàng, tinh tế như em. Cô ấy không dịu dàng, đằm thắm
như em. Hồi đầu, anh cứ tưởng Thi có thể giúp anh quên em được. Nhưng càng sống
lâu với Thi thì anh lại càng nhớ em hơn.
- Nhưng anh cần phải quên em! - nước mắt Lan Chi đã bắt đầu
chảy ra, cô nghẹn ngào nói.
- Anh không thể quên em. Anh không muốn quên em! - Kiên đáp
một cách bướng bỉnh.
- Thi mới là người có thể cho anh hạnh phúc. Còn em, em chẳng
có gì để cho anh nữa cả. Muộn quá rồi! - Lan Chi vừa nói vừa cố cầm nước mắt.
- Nhưng anh có yêu cầu gì em đâu. Được đứng bên em, được nhìn
thấy em, được nghe em nói thế này đối với anh đã là hạnh phúc.
- Đến cả cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy em cũng chẳng thể cho anh
lâu được. Mấy ngày nữa là em lại đi rồi. Anh phải quên em đi. Em không thể chịu
đựng được nếu anh cô độc và bất hạnh. Em không thể chịu đựng được... - Lan Chi
thổn thức.
Anh bước sát lại gần và vuốt nhẹ tóc cô : "Đừng khóc nữa
Lan Chi. Anh cũng không chịu đựng được khi nhìn em khóc." Không kìm nổi,
cô gục đầu vào vai anh và khóc nức lên. Kiên đứng lặng, sững sờ. Anh có cảm
giác như đang trở về quá khứ khi nhìn mái đầu của Lan Chi run rẩy trên vai
mình, như ngày xưa... như ngày xưa.
Khi cô ngẩng đầu lên, Kiên cúi xuống và phác một cử chỉ như
muốn hôn lên môi cô. Lan Chi lắc đầu và lùi lại. Kiên như bừng tỉnh, anh vội
nói: "Thôi, anh về đây. Ngày kia, anh sẽ ra sân bay."
Đường ra sân bay có vẻ thoáng đãng hơn, không chen chúc toàn
người là người như hôm Lan Chi trở về Hà Nội. "Có thể là vì mình đã bắt đầu
quen nhìn cảnh này rồi", Lan Chi nghĩ. Cô mơ màng nhìn khung cảnh lướt qua
cửa xe, tự hỏi không biết đã bao nhiêu lần mình đi trên con đường này nhỉ? Đã
bao nhiêu lần cô rời Hà Nội ra đi?
- Chúng mình đi về nhà với ba hả mẹ? - ngồi bên cạnh Lan
Chi, bé Lan Anh chợt hỏi.
- Ừ, chúng mình về nhà. Con nhớ ba lắm rồi phải không? - Lan
Chi âu yếm hỏi lại.
Con bé gật đầu rồi nói, nửa như hỏi, nửa như khẳng định:
- Mẹ cũng nhớ.
- Ừ, mẹ cũng nhớ, - Lan Chi mỉm cười xác nhận.
Cô ngả người vào lưng ghế, nhắm mắt lại. Bỗng thấy thèm giọng
nói ấm áp của chồng, sự gần gũi dịu dàng và âu yếm của anh. Bỗng thấy cần sự
yên ổn ở ngôi nhà nhỏ thân thương, ở nhịp điệu đều đặn của cuộc sống hàng ngày
quen thuộc. Bỗng thấy nhớ bờ sông Garonne những chiều thư thả, ngồi tựa đầu vào
vai chồng, nhìn lũ con đùa nghịch trên thảm cỏ xanh... Rồi bỗng thấy chạnh lòng
tủi thân khi chợt bắt gặp mình đang ghen tị với dòng người hối hả ngược xuôi
trên đường phố. Ghen với sự thanh thản của một tình yêu trọn vẹn không bị giằng
xé làm đôi. Ghen với cái hạnh phúc bình yên khi nhà và quê hương là một.
Taxi dừng lại ở sân bay. Vũ vừa chạy đi tìm xe đẩy để chở các
vali của Lan Chi thì Kiên xuất hiện. Bó hồng nhung đỏ thắm trong tay anh làm
chiếc áo khoác màu be sáng mà anh mặc trên người cũng hồng rực lên.
- Đây là hoa hồng Đà Lạt. Không đẹp bằng hoa hồng Matxcơva,
nhưng anh đã tìm khắp nơi rồi, chỉ có thế này là được nhất thôi, - Kiên nói như
xin lỗi.
- Hoa đẹp lắm đấy chứ, - Lan Chi đỡ bó hoa từ tay Kiên và bỗng
mỉm cười. - Anh biết không, hồi em mới ở Matxcơva về Hà Nội, em cũng đi bán hoa
Đà Lạt để kiếm thêm tiền đấy.
- Thật à? - Kiên hỏi với vẻ hết sức ngạc nhiên. - Thế mà hồi
xưa anh lại cứ tưởng tính em mơ mộng, không làm những chuyện dính dáng đến buôn
bán tiền nong được.
Một ý nghĩ vụt qua trong đầu Lan Chi: "Vậy là Kiên
không nhận được thư mình kể chuyện đi bán hoa. Hay là anh ấy quên?"
- Thì đúng là hồi xưa em mơ mộng thật, cho nên đi bán hoa đã
đánh mất tiền đấy, - cô cười đáp. - Nhưng bây giờ thì em "tỉnh" ra
nhiều rồi. Bao nhiêu năm nay em bán sách có xảy ra chuyện gì đâu.
- Hoa hồng Matxcơva đúng là đẹp hơn hẳn thật. Mọi khi anh
không chú ý đến điều này, hôm nay đi chọn hoa mới nhận ra, - Kiên lại nói. Rồi
mắt anh chợt sáng lên. - À, nếu mọi chuyện ở công ty anh yên ổn thì có thể nửa
năm nữa anh sẽ có việc phải đi Matxcơva đấy. Nếu lúc đó mà gặp được ai sang
Pháp thì anh sẽ gửi hoa hồng cho em nhé.
- Thôi, việc gì phải rắc rối thế hả anh. Mà Matxcơva chắc bây
giờ cũng đã thay đổi nhiều rồi.
Kiên có vẻ muốn đáp lại điều gì thì bất chợt bé Lan Anh đang
ngồi trên chiếc vali cạnh đó đứng dậy giật áo mẹ: "Mẹ ơi, chú Vũ lấy được
xe đẩy rồi kìa. Chúng mình xếp vali lên nhé." Kiên hơi giật mình. Từ nãy,
mải nói chuyện, anh không để ý đến mấy đứa con của Lan Chi.
- Hai đứa sinh đôi của em đây phải không? - anh nhìn Lan Anh
và Việt Anh rồi hỏi. - Sao giống mẹ quá thế này!
- Vâng, ai cũng bảo là hai đứa này giống mẹ. Thằng cu đầu thì
lại giống ba nó...- Lan Chi kể.
Nhưng Kiên hình như không còn chú ý nghe cô nói nữa. Mắt anh
hướng vào bé Lan Anh của cô. "Con gái em xinh quá!", anh nói. Con bé
thấy được người lạ khen thì thẹn thò mỉm cười với Kiên rồi hạ hàng mi rợp hướng
cái nhìn xuống đất. Lan Chi thấy mắt Kiên như mờ đi, xa xăm. Ngày xưa, anh mơ một
bé gái đầu lòng có nước da trắng mịn, đôi mắt to dưới hàng mi rợp, mênh mông,
mênh mông...
Vũ mang xe đẩy lại gần. Kiên nhanh nhẹn xách luôn cả hai chiếc
vali của Lan Chi đặt lên xe. Phân vân một lát, Lan Chi quay lại bảo Vũ:
- Thôi, em còn nhiều việc phải làm, cứ về luôn bây giờ cũng
được. Có anh Kiên tiễn chị đây rồi.
- Ừ, phải đấy, - Kiên mừng rỡ nói theo. - Vũ có việc bận thì
cứ về đi. Mình rộng rãi thời gian, có thể ở lại đây đợi đến lúc Lan Chi vào được
bên trong.
Vũ chào hai người rồi đi về. Kiên đẩy chiếc xe chở vali đi cạnh
Lan Chi và lũ trẻ. Họ tiến đến gần cửa kiểm tra của hải quan. Còn mười phút nữa
mới đến giờ làm thủ tục cho chuyến bay của Lan Chi. "Mình đứng lại đợi ở
đây thôi", Lan Chi nói rồi nhờ Kiên hạ một chiếc vali to đặt nằm xuống đất
để lũ trẻ ngồi lên đỡ mỏi.
- Em có định bao giờ lại về nước nữa không? - Kiên hỏi.
- Em chưa định chính xác được, nhưng chắc chắn thế nào cũng
phải về thôi. Lần sau nhất định sẽ về lâu hơn, rồi còn phải cho bọn trẻ con vào
Sài Gòn thăm quê ba chúng nó nữa chứ. Có lẽ từ nay em sẽ cố về thật thường
xuyên. Lần vừa rồi chần chừ mãi mới về, thấy mọi thứ thay đổi nhiều quá, cảm
giác mình cứ như là người lạ, buồn ghê cơ, - Lan Chi nói và thở dài.
- Vợ chồng em có lúc nào nghĩ đến chuyện về nước hẳn không?
Bây giờ tình hình trong nước thoáng hơn nhiều rồi, anh thấy có những người đã về
hẳn đấy.
- Nếu em chỉ có một mình thì em sẽ về ngay. Nhưng bây giờ nặng
gánh quá rồi. Đến tuổi này, lại có ba đứa con, không phải ai cũng dám làm lại từ
đầu, - Lan Chi trả lời. Rồi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của Kiên, cô mỉm cười nói
nửa đùa nửa thật: - Thôi, đợi khi nào mấy đứa con của em lớn lên, tự lập được,
em không phải lo cho chúng nó nữa thì sẽ rủ ông xã về ở hẳn Hà Nội, tham gia
câu lạc bộ hưu trí với vợ chồng anh cho vui. Rồi sáng sáng chúng mình sẽ cùng
nhau ra Hồ Gươm múa võ.
- Em vẫn hệt như xưa, lúc nào cũng đùa được, - Kiên phì cười.
Đã đến giờ làm thủ tục hải quan. Nhìn dòng người đang rậm rịch
chuyển động về phía cửa, Lan Chi bảo: "Có lẽ đến lúc em phải vào rồi".
Cô định nhờ Kiên nhấc chiếc vali đặt lại lên xe đẩy thì thấy anh ngập ngừng như
muốn nói điều gì.
- Có chuyện gì vậy anh? - Lan Chi hỏi.
- Anh có thể hôn em để từ biệt được không? - Kiên rụt rè
nói. Nhận thấy vẻ mặt lúng túng của Lan Chi, anh nói thêm: - Một cái thôi, một
cái hôn từ biệt.
Lan Chi bối rối nhìn xung quanh. Sau lưng cô, anh em cu Nam
đang ngồi trên chiếc vali, chụm đầu vào nhau say sưa đọc quyển truyện tranh tiếng
Việt mà mẹ chúng vừa mua cho. Cô quay lại nhìn Kiên, thở nhẹ, và một tia tinh
nghịch chợt lóe lên trong mắt cô.
- Hôn lên trán thôi nhé, - cô nói.
Một nụ cười làm gương mặt Kiên sáng bừng lên.
- Hôn trán thì chán chết, - anh đáp và cúi xuống đặt một nụ
hôn nhẹ nhàng lên môi cô. Một nụ hôn thật dịu dàng nhưng ngắn ngủi. Rồi anh lùi
lại, thở dài.
Lan Chi ngước mắt nhìn Kiên. Cô nhận thấy cặp mắt anh ngấn nước.
- Thôi, em đi nhé, - cô nói sau vài giây im lặng, đưa bàn tay
gạt ngang hàng mi đẫm lệ và cố mỉm cười.
- Ừ, em đi...
Máy bay cất cánh được khoảng mười lăm phút là Việt Anh và Lan
Anh đã cùng nhau lăn ra ngủ. Cu Nam thì không buồn ngủ, nó lấy cái tai nghe mà
cô tiếp viên vừa phát cho, đeo vào đầu và nghe nhạc với vẻ mặt rất say sưa.
Lan Chi xếp lại chỗ ngồi để hai bé sinh đôi có thể nằm cho
thoải mái. Cô cẩn thận đặt bó hoa hồng vào một góc xa để hai đứa khỏi vô ý đạp
vào. "Không biết khi về đến nhà thì hoa có còn tươi không nhỉ? Hoa hồng
Matxcơva thì tươi lâu lắm", cô nghĩ. Rồi cô mỉm cười nhớ đến Kiên, nhớ đến
lời anh hứa gửi hoa hồng Matxcơva sang Pháp cho cô. Tính Kiên vẫn thế, khi nào
bốc lên là sẵn sàng hứa đủ mọi điều, hứa đến cả những chuyện hái trăng sao trên
trời đem xuống. Anh tưởng có thể tìm được ở Matxcơva cho cô những bông hồng đẹp
như hình ảnh mà anh lưu giữ trong ký ức. Nhưng làm sao mà tìm được hả Kiên? Những
bông hồng đẹp như ngày xưa ấy, mình chỉ có thể tìm trong nỗi nhớ thôi anh.
Chú thích:
Thịt nướng kiểu châu Âu. |
2/5/2003
Lê Ngọc Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét