Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Trò chuyện với thiên thần: Sự mới lạ của một cây bút quen

Trò chuyện với thiên thần: 
Sự mới lạ của một cây bút quen

Tiểu thuyết - Tác giả Trương Văn Dân
    Nhà Xuât Bản Tổng Hợp - tp HCM. 6-2020

Chẳng hiểu sao trong số bạn bè quen biết ở SG khoảng 10 năm lại đây, mình cứ hy vọng cặp vợ chồng Elena - Trương Văn Dân sẽ sớm hình thành một khuynh hướng hay trường phái tiểu thuyết mới ở khu vực phía Nam, mang tính đột phá trong trào lưu cách tân tiểu thuyết hiện nay. Có lẽ vì Elena hiểu sâu văn hóa Ý và Pháp, giàu lý luận về các trào lưu tiểu thuyết phương Tây; còn TVD là cây bút sáng tác có nội lực và bản sắc riêng chăng? Vẫn biết sáng tạo văn chương là sự cô độc của mỗi cá thể, nhưng sự kết hợp hỗ trợ nhau trong đời sống thường nhật của hai cây bút này sẽ tạo ra cái mới mà vẫn thuần Việt chăng? Lại nhớ có lần Blaga Dimitrova, nhà thơ lớn Bungaria đã từng nói với Nguyễn Tuân: "Văn chương ở Việt Nam không có trường phái mà thiếu nó làm sao phát triển?"...
Tiện đây mính post một bài viết ngắn về một tác phẩm sắp xuất bản của nhà văn TVD vừa là động viên bạn mình tiếp tục hoàn thiện bản thảo, vừa đánh động cho bạn đọc cả nước chờ đón một tác phẩm mới và lạ, rất lạ... 
Người viết ai cũng muốn tự làm mới mình, nhưng sự thay đổi gần như lột xác về văn phong bút pháp của Trương Văn Dân trong cuốn “Trò chuyện với thiên thần” so với “Bàn tay nhỏ dưới mưa” hay các truyện ngắn của ông trước đây quả thực ít gặp. Trong chuyến du khảo miền Tây mùa nước nổi tháng 10/2018 cùng các văn hữu do tập san Quán Văn tổ chức, tôi có vinh hạnh được tác giả cho đọc bản thảo cuốn “Trò chuyện với thiên thần”. Thú thực, đọc lướt xong lần đầu tôi hơi “sốc” vì sự mới và lạ nhưng khá hấp dẫn, buộc tôi phải nhẩn nha đọc kỹ từng chương để chân nhận ra giá trị của sự mới và lạ ấy.
Biết gọi tên sách thế nào cho đúng? Gọi là tiểu thuyết, hẳn nhiên rồi vì nó có cốt truyện hoàn chỉnh để tóm tắt: Vì một nguyên cớ thuần túy gia đình, cặp vợ chồng người Việt phải sang Nhật tìm gặp đứa cháu con người em gái trái tính của mình. Ở đó anh ta chứng kiến nhịp sống mưu sinh quay cuồng của đứa cháu trong xã hội kỹ trị đầy rẫy sự bon chen, cạnh tranh khốc liệt giữa các phận người nhỏ nhoi, bấp bênh. Anh ta quyết định làm cuộc du khảo quanh xứ sở Phù Tang, nhưng phải dừng lại giữa chừng vì thảm họa sóng thần. Trở về nước, người cha hiếm muộn chợt bàng hoàng sung sướng xen lẫn âu lo khi biết vợ mình có thai. Anh ta đắm chìm triền miên trong ảo giác được “Trò chuyên với thiên thần” là cái mầm sống đang hình thành trong bụng vợ, hết chuyện này đến chuyện khác, lộn xộn không đầu chẳng cuối. Cốt truyện kết thúc bằng bi kịch khủng khiếp với cái chết của thiên thần chưa kịp thành người vì mẹ nó bị nhiễm chất độc phóng xạ.
Thế nhưng nếu gọi đây là một giáo trình tổng hợp về nhân loại học như một “Bách khoa thư” về cuộc sống cũng không sai bởi mỗi lần trò chuyện của người cha với thiên thần nhỏ bé là một bài giảng bao chứa các vấn đề triết học, tôn giáo, đạo đức học, xã hội học; thậm chí cả những vấn đề về chính trị học, kinh tế học của thế kỷ 20 vắt qua hai thập niên đầu thế kỷ 21 như chiến tranh, toàn cầu hóa kinh tế, cách mạng tin học… 
Về mặt cấu trúc, ở “Trò chuyện với thiên thần” tác giả sử dụng cấu trúc truyện lồng trong truyện. Thật ra kiểu cấu trúc này đã từng thấy ở những tác phẩm của các tiểu thuyết gia phương Tây trong trào lưu tiểu thuyết mới khoảng nửa cuối thế kỷ 20. Trương Văn Dân từng sống 42 năm ở Ý và vợ ông, Elena Pucillo là Tiến sĩ Văn chương chuyên về văn hóa Pháp nên ông chắc cũng không lạ gì những tác giả và tác phẩm nổi tiếng đọc từ nguyên bản tiếng Pháp: Claude Simon với ‘Kẻ gian lận” (1946), ‘Gió” (1957), ‘Cỏ” (1958), đặc biệt là “Trận Pharsale” (1969); Marguerite Duras với “Những chú ngựa non của Tarquinia” (1953) và “Viên phó lãnh sự” (1966); Claude Mauriac với “Mọi phụ nữ đều hút hồn” (1957) và “Hầu tước phu nhân ra đi lúc 5 giờ” (1961)… Tuy nhiên, kiểu cấu trúc truyện lồng trong tác phẩm của họ được triển khai theo cách tự sự đơn tuyến bị phá vỡ, hàng lọat ngoại đề ngẫu nhiên của ký ức hay hoang tưởng, sự đan xen giao cắt các mạch tự sự chồng mờ hoặc cắt đứt rất đột ngột để cùng gợi lại hình tượng… làm ta liên tưởng người viết có cái gì giống như đang sử dụng các công đoạn làm phim vậy. Với Trương Văn Dân thì khác, tác giả chỉ sử dụng thuần túy một cách tự sự đơn tuyến, còn cấu trúc truyện lồng trong truyện của ông cứ làm tôi liên tưởng đến con búp bê dân gian truyền thống “Matrioshka” của người Nga, từ một búp bê mẹ đẻ ra hàng chuỗi búp bê con. Ở đây “Trò chuyện với thiên thần” là búp bê mẹ. Nó đẻ ra nhiều búp bê con là những câu chuyện kể của người cha hơn 80 lần trò chuyện và rồi mỗi lần trò chuyện ấy lại thành một  “Matrioshka” mới tiếp tục đẻ ra những mẩu chuyện minh họa cho lời của người cha hoặc mẹ về một vấn đề nào đó. 
Có lẽ ấn tượng sâu đạm nhất khi tôi đọc “Trò chuyện với thiên thần” với tư cách một độc giả chính là lối viết độc thoại nội tâm và tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh toát lên trong toàn bộ tác phẩm. Ở phương Tây có những bậc thầy về cách viết độc thoại nội tâm mà tôi thích như Joyce, Kafka, Faulkner, Beckett… Trong cuốn “Từ điển lịch sử văn hóa thế kỷ XX” (La culture du XX siecle “Dictionnaire d’histoire culturele” - Paris Bordas, 1995) của Michel Fragonard, dày hơn 1000 trang, với 169 mục từ thì ở mục từ hiện sinh (Existentialisme) tác giả có một nhận xét lý thú rằng hầu như các triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh đều là những nhà văn lớn. Theo tôi biết, nhà triết học Đức F.Nietzsche (1844- 1900) ngoài những tác phẩm triết học nổi tiếng “Bên kia cái thiện- cái ác”, “Hoàng hôn của những thần tượng”, “Này là người”… ông còn viết rất nhiều áng văn tự thuật về tâm hồn ông với cách viết độc thoại nội tâm độc đáo, gây chấn động dữ dội trong lòng người đọc. Tôi không rõ Trương Văn Dân có đọc và chịu ảnh hưởng từ F.Nietzsche, nhưng cách viết độc thoại nội tâm của ông trong “Trò chuyện với thiên thần” đã tạo nên hiệu ứng khiến người đọc luôn bị ám ảnh về nỗi lo hiện sinh của những phận người vô cùng nhỏ bé giữa một thế giới bất an bởi chiến tranh, sự bon chen, giả trá, lừa mị và lòng ích kỷ cùng những ham muốn vô lượng của con người trong xã hội kỹ trị đã vô tình tạo nên thảm họa khủng khiếp về môi trường…
Vốn sống gián tiếp (sách vở) và trực tiếp (trải nghiệm) của Trương Văn Dân trong “Trò chuyện với thiên thần” thật đồ sộ. Song cái ưu điểm ấy có lúc lại thành nhược điểm khi ở vài chương đoạn ông quá tham tình tiết, sự kiện, số liệu làm rậm rạp, khô loãng trang văn. Tôi tin sau khi tác giả hoàn thiện bản thảo và được xuất bản, tác phẩm sẽ có chỗ đứng lâu bền, sang trọng trên kệ sách của mỗi gia đình như một “Bách khoa thư” về cuộc sống dành cho con cháu sau này. 
SG đêm 4/11/2018
 Ngọc Tiến
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...