Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Hàn Mặc Tử và Edgar Allan Poe - Sự gặp gỡ và thăng hoa

Hàn Mặc Tử và Edgar Allan Poe
Sự gặp gỡ và thăng hoa

Kỷ niệm 161 năm ngày mất Edgar Allan Poe (7-10-1849) 
và 70 năm Hàn Mặc Tử rời xa chúng ta.(11-11-1940) 
   

Hàn Mặc Tử là hiện tượng độc đáo có một không hai trong thi ca Việt Nam. Thơ của ông kế thừa sâu sắc nền Hán học truyền thống, nhưng cũng đầy những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, tiếp nhận và tiếp biến từ phương Tây. Thông qua các nhà thơ tượng trưng Pháp như Charles Baudelaire, Stéphane Mallarmé, Paul Valery v.v…, những người đã chịu ảnh hưởng và tự coi là đồ đệ của Edgar Poe, Hàn Mặc Tử đã có sự gặp gỡ đồng điệu với thiên tài kỳ lạ này về hình ảnh, nhịp điệu, đề tài cái chết và những giấc mơ. Đặc biệt là trong quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” mà Edgar Allan Poe được coi là người khai sinh. Sự gặp gỡ với cây bút đa tài độc đáo này đã góp phần làm thăng hoa nghệ thuật siêu thi của Hàn Mặc Tử, mở ra một biên giới “rộng rinh vô bờ bến” cho thơ ca Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. 

1. Đặt vấn đề:
Hàn Mặc Tử (1912-1940), tác giả của Gái quê, Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên, được coi là “một con sông dài xuyên qua thế kỷ” (Trần Tái Phùng), một “tiếng kêu thất thanh” độc đáo, hiếm hoi trong “kho tàng tiếng khóc của thế giới” (Chế Lan Viên, 2001,17), cho đến nay vẫn cứ là một thế giới thơ kỳ lạ chưa từng có ai bước qua. Đã có biết bao giấy mực nói về đời và thơ Hàn Mặc Tử và chắc vẫn chưa hết những tranh luận về Hàn. Hành trình thơ của ông đã đi “từ cổ điển, lãng mạn, tiến nhanh sang tượng trưng, siêu thực góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam” [Phan Cự Đệ, 1993, 22].
Chắc chắn, trên hành trình đó, Hàn Mặc Tử đã tiếp nhận nhiều nguồn thơ, nhiều tác giả yêu thích như Chataubriand, Lamartine, Verlaine, Rimbaud, Péguy và Claudel... Nhưng các nhà nghiên cứu phê bình đều cùng nhìn thấy Hàn Mặc Tử  “chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe” [Hoài Thanh, 1997, 31], đặc biệt là “những quan niệm thẩm mỹ của Etga Pô (Edgar Poe) [Phan Cự Đệ, 1982, 62].

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đi vào phân tích toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Edgar Poe hay Hàn Mặc Tử mà chủ yếu qua một số sáng tác của hai “tâm hồn đau khổ” và thế giới lạ lùng kỳ dị của họ, tìm xem đâu là sự đồng điệu và mức độ ảnh hưởng mà nhà thơ Mỹ Edgar Allan Poe đã in dấu trong sáng tác Hàn Mặc Tử. 
2. Sự gặp gỡ trong hình ảnh, đề tài, và ngôn ngữ thơ  
2.1. Về văn nghiệp, cả Poe và Tử đều là nhà báo, nhà thơ, nhà phê bình văn học, và đều có ý thức viết nên những tuyên ngôn nghệ thuật về thơ, văn. Về cuộc đời, họ đều chịu những bi thương đau đớn cùng cực nhất. Nghiệt ngã hơn, với Hàn, bệnh nan y còn làm biến dạng hình hài, nghèo khổ đến không có cả tiền thuốc thang, rồi khổ đau vì bị phụ tình, phải trốn tránh cõi đời, lánh xa những tình thân, ghê tởm chính hình hài của mình và không phải một lần mà mấy năm ròng, bất lực nhìn chính thân xác mình từng ngày mục ruỗng hư hao, tan biến…là một định mệnh tàn nhẫn. Poe đau đớn tinh thần nhiều hơn còn Hàn thì quằn quại cả tinh thần lẫn thể xác. Sự tiếp nhận Baudelaire và Edgar Poe ở Hàn có lẽ ít nhiều có sự đồng điệu từ cuộc đời riêng. Đọc thơ của Hàn Mặc Tử và Edgar Poe, chúng ta có thể bắt gặp nhiều hình ảnh, ngôn ngữ, đề tài chủ đề tương tự. 
2.2. Về những giấc mơ, có thể nói thế giới của Poe và Tử là thế giới của những giấc mơ. Hình như cuộc đời thực quá bi đát khiến Poe cũng như Tử muốn tìm một lối thoát bằng cách tìm đến một thế giới khác cái thực tế tàn nhẫn đang hiện hữu ấy. Giấc mơ trở thành hình ảnh thường trực xuất hiện với một mật độ đậm đặc trong thơ Poe lẫn Hàn và ở họ, có những nét gần gũi lạ kì, Poe nói: 
“Ngày của tôi là hôn mê vô thức
Đêm của tôi là mộng mị triền miên”
(Gửi một người ở thiên đàng)[i] 
Tử cũng nói:
“Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
 Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu.”
(Chơi trên trăng)
Có lúc Tử còn cùng trăng sao đi tìm mộng:
“Hẹn tôi tảng sáng đi tìm mộng
Mộng còn lưởng vưởng bến xa mơ”
(Một miệng trăng)
Di sản thi ca của Poe có hẳn một loạt bài về đề tài những giấc mộng A Dream (Một giấc mơ), Dreams (Những giấc mơ), A Dream within A Dream (Một giấc mơ trong một giấc mơ), Dreamland (Xứ mộng) để nói lên thi học của mình về ám ảnh của những giấc mơ. Thơ Tử cũng là những giấc mộng triền miên không khác gì Poe. Tử còn viện dẫn Valéry: “Le songe est savoir” (mơ mộng là nhận thức). Cả cho đến khi dọn mình vào cõi chết, trong cảnh bi đát cùng cực nhất, Tử cũng cho là mình đang vào cõi mộng:
“Dưới túp lều tranh, trên chõng tre
Tứ bề cửa khép với phên che
Kéo mền ủ kín toàn thân lại
Để thả hồn bay, gởi mộng về.”  
(Hãy đón hồn anh)
Tử còn viết tiểu luận “Chiêm bao và sự thực” để nhìn nhận và giải thích về vai trò của cõi Mộng - cõi Ảo - cõi Chiêm bao huyền hoặc trong sự sáng tạo thi ca của mình. Tử lập luận rằng “Xác tôi đây là một lý luận cứng cát về sự thực, và hồn tôi thuộc về giới vô vi”. Và vì thế, với Tử: “Tôi đương sống ngày hôm nay. Mà ngày hôm qua là một giấc chiêm bao. Có ai bảo giấc chiêm bao ấy là vu vơ; có ai bảo tôi có xác mà không hồn.” [Phan Cự Đệ, 1993, 167]
2.3. Về đề tài cái chết, Poe cho rằng “Cái chết của người con gái đẹp là đề tài nên thơ nhất”[ii], thì không khó khăn gì khi tìm trong thơ Tử những hình ảnh về cái chết của những “cô nường gái đẹp”, “cô láng giềng bên”, ‘cô gái đồng trinh”...
“Hôm nay trăng sáng là trăng sáng
 Không biết thiêng liêng ở cõi nào
Cô nường gái đẹp đương nằm chết
Trên cánh tay mình, hãi biết bao”
(Người ngọc) 
Hay cái chết băng trinh của cô láng giềng xinh đẹp, chưa từng biết một lời âu yếm trao tình. Cái chết thánh thiện của cô đẹp như “cả một mùa xuân”:
“Đêm qua trăng vướng trong cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở đầu môi
Xác cô thơm quá, thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình”
(Cô gái đồng trinh) 
Có cái chết, có xác chết nhưng không phải những cái chết ghê rợn, khủng khiếp làm người ta kinh hãi như nhiều truyện kinh dị của Poe trong “Cuộc mai táng vội vã”, “Ligeia”, “Berenice”, “Bức chân dung hình ô-van”, “Sự sụp đổ của ngôi nhà Usher”, “Mặt nạ tử thần đỏ”… miêu tả những cái chết lần mòn và sự trở về từ cái chết. Tử cũng nói về cảm giác cái chết rờ rẫm thân xác mình khi hồn lìa thể xác đi vào cõi hư vô đầy ma lực của bến bờ huyền diệu, tưởng tượng cảnh “trút linh hồn” và cả quá trình chết đi sống lại của chính mình trong một giấc chiêm bao kỳ lạ như nhiều truyện nói về cảm giác của người bị chôn sống dưới mồ hay do hiệu ứng thôi miên của Poe. 
Hiện tượng phân thân giữa “hồn” và “xác” trong thơ Hàn cũng rất gần với truyện “William Wilson” của Poe. Tử còn khạc ra trăng, khạc ra gái hồng nhan, khạc ra hồn… Thậm chí, hồn còn rời khỏi xác như một khách thể, nhiều lần Tử “Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay”, rồi đi lang thang cùng cái tôi thứ hai ấy, như đôi tình nhân từ muôn kiếp: 
“Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức,
Rồi bay lên cho tới một hành tinh” 
Nhưng cũng thật bất ngờ, có khi trong cơn cuồng loạn, đớn đau cực độ, “tôi” đã giết chết “hồn”:
“Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực”
(Hồn là ai) 
Giống nhân vật William Wilson và cuộc chiến đấu dai dẳng với cái bản ngã song trùng của mình trong tác phẩm cùng tên của Poe, cuối cùng đã đâm chết cái bóng lương tâm đeo đẳng của chính mình. Mà “bóng” chết, cũng có nghĩa là “hình” Wilson sẽ không còn tồn tại. Mô típ những cái bóng - hồn - xác này trong văn chương Việt Nam không phải là mới, nhưng hiện tượng phân thân lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ của Hàn như một ám ảnh không khỏi khiến ta liên tưởng đến E.A.Poe và những nhân vật vừa gắn bó vừa đối lập trong nhiều câu chuyện đầy hoang tưởng của ông.
Poe rơi vào trạng thái: “Out of Time, Out of Place” (Dreamland),  vượt ra bên ngoài vũ trụ, không còn xác định Thời Gian, Không gian, để đi mãi, đi mãi tìm một cõi Mộng xa xôi huyền bí, thì trong ‘Đôi ta’, Tử cũng nghe đất trời: 
“Cứ sảng sốt, tê  mê và rũ liệt
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
vỡ toang ra từng mảnh cả không gian
cả thời gian từ tạo thiên lập địa…”
Tử cũng hay bị ám ảnh bởi  hình ảnh nụ cười, hàm răng: “Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng…” (Muôn năm sầu thảm), “Cho tôi mua trọn hàm răng, Hàm răng ngà ngọc, hàm răng đa tình” (Lang thang), làm người đọc không khỏi nhớ đến ba mươi hai chiếc răng nhỏ xinh, trắng ngà của người yêu đã chết bị đào lên trong truyện kinh dị “Nàng Berenice” của Poe. Trong tiểu luận “Chiêm bao với sự thật” Tử cũng ám ảnh: “Người thấy gì trong ánh sáng? Một chất cao quý thanh khiết trắng hơn hàm răng của người gái đẹp? ” [Phan Cự Đệ, 1993, 164]. Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, hình ảnh “Hàm răng” vốn là biểu tượng của niềm vui, sự trẻ trung, sự khao khát mãnh liệt của những ước muốn vật chất mà hồn yêu ấp ủ. 
2.4. Ngôn từ của thơ Hàn Mặc Tử đầy nhạc điệu, có nhiều nét tương đồng kiểu dùng từ ghép, định ngữ trong thơ Poe nhưng không phải sự sao chép máy móc mà là một sự cách tân nghệ thuật độc đáo. Cũng một hình tượng thiên nhiên trăng, sao nhưng không biết có bao nhiêu là dáng vẻ. Trăng, sao đó là trăng sao của riêng Hàn. Sao thường là “sao băng”, “sao rơi”, chỉ duy nhất có một lần “sao mọc”, rồi cả “sao áy náy”,  “mây lặng lờ”, “nước ngất ngây”…. Còn trăng thì vô cùng đa dạng. Lúc kết hợp với động từ là “trăng quỳ”, “trăng choáng váng”, ”trăng ngã ngữa”, “trăng lạc’; khi đi cùng những tính từ trạng thái lại hết sức đa tình: “lả lơi’, “bẻn lẽn”, “sóng soãi”, “trần truồng”… Trăng trong thơ Poe chỉ nhợt nhạt, xa xôi, lạnh lẽo như tận cuối địa cầu chứ không ma quái, kì ảo, luôn biến hình đổi dạng hay mang những yếu tố nhục cảm, khát khao khơi gợi thèm muốn như trăng của Hàn. Mượn cách giải thích của G. Bachelard, có thể thấy “trí tưởng tượng đã giúp Hàn thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được về trăng, để đi đến những hình ảnh khác, vắng mặt, đến một chuỗi hình ảnh đang lang thang đâu đó trong tâm trí của Hàn” [Thuỵ Khuê, 2009], nên trăng của Hàn không còn là “một tinh cầu giá lạnh” vô tri, bất động, mà luôn thay đổi hình hài dáng vẻ, sống động, rạo rực, ám ảnh lạ kỳ. Có thể thấy điều đó trong việc so sánh đối chiếu các yếu tố hình ảnh thường xuất hiện trong thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử trong bảng thống kê dưới đây:   
Bảng  2.1. Thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử 
Tử quả không hoàn toàn giống Poe hay Baudelaire. Thế giới thơ kỳ lạ của Tử vẫn là một cõi riêng của Tử. Những hình ảnh thường xuất hiện nhiều nhất trong thơ Tử là Trăng, Nước, Máu lệ, và một cõi Hư Ảo thiêng liêng đã trở thành nỗi ám ảnh không dứt trong dòng tâm tư bất định của một hồn thơ đau thương và mãnh liệt bậc nhất thi ca Việt Nam. Khác với thế giới nước tĩnh lặng của Poe, thế giới nước trong thơ Hàn Mặc Tử vốn là ám ảnh tuổi thơ, đồng thời cũng là nỗi sợ hãi, ám ảnh về cái chết sau một lần chết đuối hụt. (theo Nguyễn Bá Tín kể lại). Những biến chuyển của bệnh tật ngày một tàn phá cơ thể Hàn, khiến hình hài biến dạng, đau đớn giày vò mỗi giờ, mỗi ngày; và cái chết luôn hiện hữu trước mắt khiến nước cũng không còn là chính nó mà cũng không ngừng chuyển biến, khi biến thành lệ, rồi lệ cũng không còn là lệ mà đã biến thành “máu”, thành những “vũng máu”, “gánh máu”... hòa trong Đau thương, với Mật đắng, với Máu cuồng và Hồn điên tuôn trào trong hồn thơ của Tử. Ám ảnh đó khiến thế giới nước của Tử luôn biến đổi từ trong sang đục, từ lỏng sang đặc, rồi biến thành lệ, thành máu, khô đặc như dấu hiệu của cái chết “Máu đã khô rồi, thơ cũng khô” (Trút linh hồn). Có lúc lại chuyển hoá thành trăng trong cơn say ngợp: 
“Nước hóa thành trăng, trăng ra nước
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”
(Say trăng).
G. Bachelard trong công trình nghiên cứu phân tâm học nổi tiếng “Nước và những giấc mơ” (Water and Dreams) đã tìm hiểu và nhận xét về Poe: ‘Tài năng của Edgar Poe gắn liền với nước lặng, những dòng nước đọng, với cao sâu ở đó có hình ảnh phản chiếu của Ngôi nhà Usher.” Hay “hồ nước như chìm đắm trong một giấc ngủ có ý thức (Người đàn bà ngủ -The Sleeper), với những đầm lầy, vũng nước, ao hồ thê thảm “ở đó trú ngụ những con ma cà rồng- trong mỗi góc vắng buồn thảm nhất- mà ông tìm lại được những hồi ức gấp nếp của quá khứ (Mảnh đất của giấc mơ - Dreamland)” (Đỗ Lai Thúy, 2000, 231). Nước mang tính chất nữ, nước dịu dàng mềm mại, nước gợi lên sự sinh sôi nảy nở, nước như một sự vỗ về âu yếm... Tâm thức của nhà thơ đi theo hình ảnh “nôi” quyến rũ của nước để lấp đầy khoảng trống cô đơn mất mát. Hẳn chúng ta chưa quên cuộc đời bất hạnh của Edgar Poe: người thực sự không có tổ ấm, đứa con của những kịch sĩ lưu động, mới hơn hai tuổi đầu đã phải chứng kiến cái chết của người mẹ trẻ xinh đẹp của mình mà suốt đời thành nỗi ám ảnh đau buồn bất tận. Nỗi sợ hãi và nhớ thương đã đi vào sáng tác của Poe. “Chỉ riêng làn nước đã tạo ra cho ông đường chân trời, cái vô tận, chiều sâu thẳm không dò tới được của nỗi phiền muộn của ông.” (Đỗ Lai Thúy, 2000, 232). Thế giới nước của Poe gần với những hồ nước lặng của Thế Lữ hơn - người cũng từng có tuổi thơ giống Poe, lúc nào cũng sống trong nỗi sợ hãi và thương nhớ như Poe vì mất mát tình yêu thương của mẹ từ những ngày còn thơ bé và trở thành nỗi ám ảnh vô thức đeo đẳng suốt cuộc đời.
3- Sự gặp gỡ trong quan niệm về cái Đẹp và triết l‎ý sáng tác
Có một lĩnh vực mà các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của Edgar Poe trước đây chỉ mới đề cập lướt qua và đôi chỗ còn ngộ nhận: quan điểm nghệ thuật của Hàn Mặc Tử và Edgar Poe. Giống như Poe, Hàn Mặc Tử rất ý thức về việc đề ra một quan niệm sáng tác. Và điểm khác Poe nhất cũng ở quan niệm nghệ thuật này. Thực tế, ở nước ta, “các nhà thơ lãng mạn, tượng trưng không lập thành trường phái và cũng ít khi chính thức ra tuyên ngôn” [Phan Cự Đệ, 1993,12]. Nhưng Hàn Mặc Tử là nhà Thơ Mới có hẳn một loạt bài phê bình tiểu luận về quan điểm nghệ thuật tạo thành “một hệ thống lập luận trong quan điểm thẩm mỹ của mình” (16 bài). Trong tiểu luận “Nghệ thuật là gì?” (1935) và các bài tựa “Đau thương” (1938), “Xuân như ý” hay các bài giới thiệu Chế Lan Viên, Bích Khê (1939), quan niệm Nghệ thuật vị nghệ thuật của Hàn Mặc Tử rất gần Poe ở ba điểm: (1) Nghệ thuật là “sự lạ”, là “cái lạ lùng”, “cái kì dị”, “cái đẹp”; (2) Nhà thơ “bị xô đẩy đến những bờ bến xa lạ của cảm giác” không bờ bến, “ưng tìm sự phi thường”, “bồn chồn, quyết đi tìm sự lạ”, khát khao hoài vọng cái mới, cái đẹp, tận tuy và đam mê, hy sinh tất cả cho nghệ thuật; nhà thơ là thi sĩ thần linh, là loài khác thường, là yêu tinh ma quỷ... (3) Tinh thần của sự vật biểu hiện qua âm điệu. Âm điệu là “ánh sáng lạ xôn xao”, là tiếng nói, là sợi dây rung động, êm đềm mà thiêng liêng. Song, Hàn Mặc Tử không hề phủ nhận quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” (l’ art pour la vie), nếu như tác giả vì điều kiện kinh tế, “vì con đường sống chung của dân một nước thì chỗ để cái muốn của người đời trên nghệ thuật là một lẽ nên ca tụng” [Phan Cự Đệ, 1993, 87]. Tử còn viết về “Văn chương Nam kì” lý giải sự giản dị, tự nhiên của bộ phận văn chương này là bởi phản chiếu chính cuộc sống, thời đại trên mảnh đất mới khai phá ấy. Đó là cái khác biệt của Tử với Baudelaire và Poe. 
Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh cho là Hàn Mặc Tử chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe” [Hoài Thanh, 1997, 31]. Nhận định này xác đáng ở vế sau, song vế đầu thiết nghĩ cần tham khảo thêm chính ý kiến Hàn Mặc Tử nói về ảnh hưởng này. Trong tiểu luận “Quan niệm thơ” gửi Hoàng Trọng Miên năm 1939, Hàn Mặc Tử chỉ công nhận những điểm “hơi đồng” với Baudelaire. Một là “khi làm thơ Trí đã tận hưởng phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội vạ” [Phan Cự Đệ, 1993, 160]. Hai là “thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thuỷ vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt”. Và ba là “Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, ngỡ ngàng và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình”, lúc nào cũng “khát khao thèm thuồng những vật lạ muôn đời”, thơ văn của họ “làm bằng châu lệ” [Phan Cự Đệ, 1993, 161]. Tử còn nhấn mạnh: “Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý” (Dấu tích). Những ý trên Tử đã dẫn từ tác phẩm “Genèse d’un poème” (Sự hình thành một bài thơ) của Baudelaire. Và như chúng ta đã biết, Baudelaire, nhà tượng trưng hàng đầu của thi ca Pháp thế kỷ XIX, người từng dành hết phần còn lại của cuộc đời mình để dịch tác phẩm của Poe với sự ngưỡng mộ một tâm hồn đồng điệu, đã dịch tác phẩm trên từ tiểu luận “The Philosophy of Composition” (Triết lý về sáng tác) của E.A. Poe. Như vậy, có thể khẳng định Tử đã tiếp nhận ảnh hưởng Poe khá sâu đậm qua các bản dịch tiếng Pháp của Baudelaire. Cần lưu ý là Hàn Mặc Tử rất ý thức trong sự tiếp nhận này. Nguyễn Hồng Dũng cho rằng “Hàn Mặc Tử đã nghiên cứu rất kỹ về Baudelaire và tìm thấy ở đó một kiểu mẫu cho mình”. Đào Bạch Tuyết thì chứng minh “cái tôi Hàn Mặc Tử chính là một mặt khác của cái tôi E. Poe” [Tuyết, 2005, 85]. Nhưng, Baudelaire - Edgar Poe không hẳn là kiểu mẫu hoàn toàn cho thơ Tử, Tử cũng không phải bản sao của Edgar Poe. Chính Tử khẳng định dứt khoát: “Trí khác hẳn Baudelaire” [Phan Cự Đệ, 1993, 163], (cũng có nghĩa là khác hẳn Edgar Poe - HKO). Baudelaire cho rằng “Thơ văn không thể dung hòa với khoa học và lý luận (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ” [iii] (Quan niệm thơ). Theo Hàn Mặc Tử, điều Baudelaire-Edgar Poe nói “trái nghịch với lẽ tự nhiên”, vì:    
Sở dĩ thơ văn được phong phú, dồi dào, phát triển hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ, mới lạ, cũng nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng còn ra cái mùi mẫn gì nữa. (…) Baudelaire thuộc về phái vô thần nên không tin có Chân lý, không nhận Chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.”
[Phan Cự Đệ, 1993, 163]
Tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ Baudelaire và Edgar Poe, nhưng chủ thể tiếp nhận độc đáo Hàn Mặc Tử đã tạo ra những giá trị mới. Tử là nhà thơ Công giáo đầu tiên với mỹ học siêu thoát trong “khoái lạc của hồn đau”, tạo nên mối tương đồng giữa thơ và kinh cầu nguyện. “Sinh động bởi tình yêu Thiên Chúa” nên thi học siêu thoát của Hàn Mặc Tử có chiều hướng huyền bí học. Khá nhiều bút mực đã viết về đức tin Thiên Chúa và sự mặc khải trong thơ Tử. Những cách tân lạ lùng trong hình ảnh, ngôn ngữ nhạc điệu và nhất là cảm hứng từ Thánh kinh đã khiến Hàn trở thành giọng thơ hoàn toàn khác lạ trong Phong trào Thơ mới. Chu Văn Sơn gọi “Thơ Điên” của Hàn Mặc Tử là “Thi học của cái Tột Cùng”. [Phan Cự Đệ - Nguyễn Toàn Thắng, 2007, 617] 
4- Mở ra một biên giới thơ “rộng rinh không bờ bến”… 
Với vốn thơ Đường và mỹ học phương Đông sâu sắc, Tử đã quyện hồn thơ của mình với cảm xúc lãng mạn, hình ảnh, âm thanh giàu sắc thái tượng trưng vừa đẩy thế giới Mộng ảo của riêng mình đến bến bờ siêu thực mênh mông chưa từng ai bước đến. Thụy Khuê cho rằng “Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiên phong đã đổi mới tư tưởng, đặt nền móng tưởng tượng trong thơ Việt Nam, với một quan niệm rõ ràng về thi ca, ngay từ thập niên ba mươi của thế kỷ trước.” [Thuỵ Khuê, 2009]. Có một số điểm trong quan niệm nghệ thuật, hình ảnh cái chết của người phụ nữ đẹp hay “sự tan loãng” trong thơ Hàn Mặc Tử (từ của Phan Đán Bình) với nhiều yếu tố huyền ảo, kỳ dị gần gũi với Edgar Poe và còn đi xa hơn Poe nhờ đức tin Thiên Chúa. Những hồn ma bóng quỷ, và bóng tối, ảo ảnh rùng rợn có vẻ giống Poe nhưng có lẽ cội nguồn sâu xa là bởi cuộc đời Tử luôn đối mặt với cái chết, luôn sống trong nỗi tuyệt vọng của ý thức mình đang chết từng ngày, từng giờ tạo thành một sự đồng cảm thiêng liêng. Không có sự bắt chước tài tình nào hơn những quằn quại của chính thể xác và linh hồn của bản thân nhà thơ. Những yếu tố nhục thể (không nhiều lắm) trong thơ Tử chỉ là những dồn nén của một hồn trai trẻ khát khao cuộc sống hơn là sự suy đồi, về hình thức, có vẻ gần với Baudelaire, nhưng nội dung lại rất “thơm tho, trong sạch” như thứ tình yêu Platonic của Poe.
Dù ảnh hưởng ai, như một quy luật, Baudelaire và Edgar Poe của nước Pháp, nước Mỹ xa xôi, nhờ những tố chất riêng của chính Hàn Mặc Tử mà thăng hoa thành những hình ảnh kì dị độc đáo chỉ có trong thơ Tử, một Baudelaire, một Edgar Poe của Việt Nam. Nguyễn Đăng Điệp lý giải: “Sự bi thảm chạm gặp ý thức nổi loạn = ngôi sao chổi lạ kì” [Nguyễn Đăng Điệp, 2002, 292]. Cái “ngôi sao chổi lạ kỳ” chỉ xuất hiện một lần duy nhất ấy, trong hai mươi tám năm ngắn ngủi của đời mình đã kịp phá bỏ những thành trì kiên cố cũ, làm cho biên giới thơ Việt Nam mở ra đến mức “rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh” [Phan Cự Đệ, 1993, 137]. Cái biên giới thơ Tử mở ra từ những năm ba mươi của thế kỉ trước mà thế kỉ này, vẫn cứ làm người đọc ngẩn ngơ, xót xa, kinh ngạc và rúng động lạ thường mỗi khi đặt chân vào.                                                                                                         
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baym, Nina. 1989. The Norton anthology of American literature, NewYork-Lond: W.W.Norton.
2. Poe, Edgar Allan. 1938. (tái bản 1984). The Complete tales and poems of Edgar Allan Poe, with introduction by Hervey Allen, NewYork.
3. Đào Thị Bạch Tuyết. 2005. Dấu ấn Edgar Allan Poe trong thơ Hàn Mạc Tử. Tạp chí KHXH số 4-2005, tr 82-87
4. Đỗ Lai Thúy .2000. Mắt thơ. H: Nxb.Văn hóa thông tin.
5.  Hoài Thanh - Hoài Chân. 1997. Thi nhân Việt Nam, Nxb.Văn học.
6. Nguyễn Bá Tín. 1991. Hàn Mặc Tử, anh tôi. Tp.HCM: Nxb Văn nghệ.
7. Nguyễn Hồng Dũng .2005. Edgar Poe với Hàn Mặc Tử, Tạp chí Sông Hương số 194-tháng 4-2005.
8. Nguyễn Đăng Điệp. 2002. Giọng điệu trong thơ trữ tình. H: Nxb Văn học.
9. Phan Cự Đệ. 1982. Phong trào Thơ Mới 1932-1945.H: Nxb. KHXH.
10. Phan Cự Đệ. 1993. Thơ văn Hàn Mặc Tử (Phê bình và tưởng niệm). H: Nxb. Giáo dục.
11. Phan Cự Đệ, Nguyễn Toàn Thắng (tuyển chọn và giới thiệu). 2007. Hàn Mặc Tử - về tác gia và tác phẩm. H: Nxb Giáo dục.
12. Thuỵ Khuê. 2009. Tưởng tượng, hư ảo, vũ trụ luận mới trong thơ Hàn Mặc Tử. Nguồn: http://thuykhue.free.fr/
13. Trần Thanh Mại. 1941. Hàn Mạc Tử (1912-1940). H: Nxb Tân Việt.
14. Trần Đình Sử .2001. Những thế giới nghệ thuật thơ.H: Nxb ĐHQG.
CHÚ THÍCH
[i] And all my day are trances. And all my nightly dreams. (To One in Paradise, The Complete Stories and Poems of Edgar Allan Poe, 1984, 812]
[ii]... The Death, then, of a beautiful woman is, unquestionally, the most poetical topic in the world. [Trích từ tiểu luận “Philosophy of Composition”, Norton, 1324]
[iii] La poésie ne peut pas sous peine de mort ou de déchéance, s’assimiler à la science ou à la morale. Elle n’a pas le verité pour object, elle n’a qu’elle même) [Hàn Mặc Tử, Quan niệm thơ, Phan Cự Đệ, 1993, 163].

7/10/2010
Hoàng Kim Oanh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...