Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Nguyễn Thị Hoàng "Đâu biết đời kia vẫn đợi chờ"

Nguyễn Thị Hoàng "Đâu biết
đời kia vẫn đợi chờ"…

"Chợt thấy nhà ai cây trổ hoa
Ơ hay xuân tới tự bao giờ
Lòng ta tàn lạnh như mùa tận
Đâu biết đời kia vẫn đợi chờ"

(Nguyễn Thị Hoàng, Mây bay qua trời xưa, tr.232)
Như một gọi mời bất chợt, cái tên Nguyễn Thị Hoàng bật lên trong tôi cả một miền ký ức tưởng đã lãng quên gần nửa thế kỷ trước. Uyên Thao khi “Lược ghi về văn nghệ nữ giới Việt Nam” trong công trình Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (Nxb Nhân Chủ, 1973) cho rằng văn chương nữ giới Việt Nam có hai mốc phát triển quan trọng. Đó là năm 1928 khi nữ sĩ Tương Phố xuất hiện với Giọt lệ thu lần đầu xuất hiện trên tạp chí Nam Phong như một ghi nhận tài năng nữ giới trong văn chương, mở ra nhiều khuôn mặt nữ giới trên thi văn đàn. Và năm 1966, chính là năm khẳng định sự có mặt của văn chương nữ giới với Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng và Mèo đêm của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Với hai tác phẩm sau này “người ta không còn thấy dáng dấp e dè của nguời nữ trong sinh hoạt văn nghệ nữa, cái dáng dấp thường tạo một thành kiến là nữ giới không thể chiếm một chỗ ngồi chính thức trong văn nghệ” (sđd, tr.27-8). Có thể nói, nếu ở mốc thứ nhất chỉ là sự ghi nhận của một tác giả thì sang mốc thứ hai này, văn nghệ nữ giới được biết đến “qua nhiều tác giả, đồng thời những tác phẩm thành công” và Uyên Thao cho rằng “nữ giới đã tạo được một thế đứng hết sức quan trọng.” (sđd,tr.29).
Cũng thành thật, những ngày ấy, do tuổi tác non dại còn trên ghế học trò, do nhiều áp lực gia đình và xã hội bản thân chúng tôi chưa được tiếp cận đầy đủ với các tác phẩm trên. Song những truyện đọc rải rác đâu đó, những dư luận đây kia... đã ghi lại một ấn tượng không phai trong hành trang đọc-viết của thế hệ chúng tôi. Tôi đã tìm đọc lại tác phẩm của các chị ở một tâm thế mới, cũng không kém phần háo hức nhưng cũng nhiều chiêm nghiệm hơn khi đã đi qua thời thanh xuân...
Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11.12.1939 tại Huế, được xem là một trong những nhà văn nữ tài năng thật sự và tên tuổi đã được khẳng định ở miền Nam trước 1975. Nhiều trang mạng chỉ ghi quê quán là Huế, song thực thì đó là nơi sinh, nguyên quán ở thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tổng hợp tiểu sử tác giả tự thuật trong Những truyện ngắn hay nhất trên quê hương chúng ta, Nguyễn Đình Tuyến (1973) và một số tài liệu khác, cũng như bài phỏng vấn của Mai Ninh (2003) xin ghi lại vài  nét chính: Hồi nhỏ học Đồng Khánh, Huế. Năm 1957, chuyển vào sinh sống ở Nha Trang. Khởi viết bằng thơ, đăng bài đầu từ những năm 1960 ở Bách Khoa, Văn. Từ 1960 vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật. Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu, lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú), tìm việc khác 1961. Đi làm, đi dạy Việt Văn và Anh văn ở Sài Gòn, rồi giáo sư Việt văn ở Đà Lạt. Nguyễn Thị Hoàng kể: “Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà Lạt. Mùa hè 1964, một xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, Vòng tay học trò. Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao” (Trả lời phỏng vấn của Mai Ninh). Đây cũng là tác phẩm đầu tay của nhà văn in dưới bút danh Hoàng Đông Phương xuất bản năm 1966, đã đưa tên tuổi Nguyễn Thị Hoàng nổi tiếng là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất ở Sài Gòn trong những năm 1960. Tác phẩm được tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng, nhưng sóng gió cũng bắt đầu từ đó. Từ 1966, bà bỏ làm việc, bỏ dạy học, chỉ chuyên tâm viết tiểu thuyết cho đến 1975. Từ 1966 đến 1974 hơn 30 tác phẩm truyện dài và truyện ngắn liên tiếp được xuất bản. Sau này, chính nhà văn cho rằng đây là giai đoạn tồi tệ nhất của mình, do bức bách cuộc sống, phải viết để sống, không phải sống để viết. Chỉ để sống. Làm sao để có thể sống. Và vì bầy con gái của mình trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc bất an, chồng bà liên tục phải trốn lính, bị bắt lính rồi đào ngũ và tiếp tục trốn... Gánh nặng mưu sinh như dồn cả đôi vai gầy guộc của người phụ nữ đa đoan đầy cá tính, đầy đam mê văn chương, khát khao được sống như chính mình, là mình, nhưng cũng đầy bổn phận và trách nhiệm với gia đình ấy.
Như vậy, truyện ngắn và tiểu thuyết không phải là hai thể loại mở đầu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Hoàng mà chính là thơ. Năm 1960 với tập Sầu riêng, năm 1961 tập thơ thứ hai Kiếp đam mê. Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ và thân hữu của tôi, khi nhắc đến Nguyễn Thị Hoàng vẫn đọc ngay bài Chi lạ rứa mà nửa thế kỷ trước các anh chị từng yêu mến:
Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.
Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn! (...)
Còn tôi, lãng đãng buồn xót xa những câu thơ tuyệt vọng vô định não nề kiếp người của Nguyễn Thị Hoàng từ những ngày rất trẻ:
Vang vang tiếng hát giã từ
Thiên đường địa ngục tôi giờ đi đâu?
(Sau phút đam mê, 1963)
Sau 1975, Nguyễn Thị Hoàng dường như biến mất khỏi giới nghệ thuật và sống một cuộc sống im lặng đến tận 1990, khi cho ra đời Nhật ký của im lặng. Đến đầu năm 2007, cái tên Nguyễn Thị Hoàng lại xuất hiện qua một tuỳ bút nhan đề "Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan" được đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo. Rồi thi thoảng, chúng tôi nhặt được một bài viết, một dòng tin đâu đó cái tên Nguyễn Thị Hoàng trên các trang web. Biết vậy, hay vậy, chỉ để xúc động biết một trong những tác giả nổi tiếng của văn học miền Nam, vẫn ở Sài Gòn, vẫn viết và để ngậm ngùi ngày tháng quá phôi phai với một tên tuổi mà lẽ ra, 1975, sự nghiệp đang ở độ lẫy lừng...
Năm 2020, thật bất ngờ chúng tôi đọc thấy thông báo xuất bản hai tập thơ và truyện của Nguyễn Thị Hoàng: Mây bay qua trời xưa (thơ) và Trên thiên đường ký ức (văn) do công ty văn hóa New Viets phát hành. Một sự trở lại đầy ấn tượng cũng xôn xao không ít trong giới văn chương Sài Gòn. Tôi đăng ký và sở hữu bản chị ký tặng số 91 trong 300 bản đẹp đặc biệt nhưng vẫn chưa có dịp được gặp cây bút nữ độc đáo của văn chương miền Nam này. Nhà xuất bản nói, nhà văn không muốn tiếp xúc với ai, không nhận lời gặp gỡ ai...
Sự trở lại ngạc nhiên tiếp nữa là buổi trò chuyện về “Phụ nữ và văn chương” do Viện Văn hóa Pháp tổ chức trực tuyến. Tôi đã lắng nghe chị từ xa. Lần đầu tiên, bao nhiêu giãi bày thực sự làm tôi xúc động. Người phụ nữ ấy phải chịu đựng và kiên cường cỡ nào để hôm nay có thể trở lại cùng văn chương. Xót xa nghe Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ: “Tôi mang ơn những khổ nạn trên đời này đã cho tôi một chuyển hóa từ cái này qua cái khác, từ đáy vực sâu vượt lên khỏi những tầm thường eo hẹp của cuộc đời để nhập vào dòng không khí ở trên cao.” Đó là hành trình từ thấp lên cao, từ tiểu thuyết, thực tại chuyển sang tâm linh, một hành trình chuyển đoạn quan trọng mà NTH cho là mối nối quan trọng của cuộc đời. “Khi viết được những tiếng nói bên trong với mọi người, với mọi vấn đề, lúc đó, tôi mới thấy mình thực sự là một nhà văn, bởi đã thấu hiểu và tương thông với mọi thứ trên đời.”
2. Bất ngờ tiếp theo là lần xuất hiện thứ hai của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng ở Cafe Thứ Bảy do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trương. Không gian buổi trò chuyện không rộng lắm nhưng trang trọng và khá ấm cúng. Cử tọa không đông lắm song đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, vùng miền. Có vị cũng đồng trang lứa với diễn giả, có người kém nhà văn 5, 7 tuổi. Cũng có nhiều bạn trẻ, rất trẻ. "Con xin gọi là cô, dù tuổi cô bằng tuổi... bà nội con". (Tôi xin gọi là chị, dù nhà văn chỉ kém má tôi 2 tuổi, như nhà nghiên cứu Khổng Đức từng bắt bẻ: ‘Trong văn chương không có chú bác gì hết, chỉ có anh/chị /em thôi”). Có bác đọc NTH năm mươi năm trước và mang theo câu hỏi thời trai trẻ của mình đến nhờ nhà văn trả lời: “Ngoại tình trong tư tưởng thì có tội không?” Có vị từ Phan Thiết vào, vốn cũng là giáo sư trước 75, cũng từng được học trò yêu và yêu học trò. Ông từng đọc VTHT, tuy là nam giới nhưng cũng không thể bước qua định kiến xã hội, đành chia tay kỷ niệm một thời, đã đến gặp và chia sẻ những cảm nghĩ về Vòng tay học trò mà ông từng một thời say mê ngưỡng mộ. Bởi điều tác phẩm đặt ra quá thật, quá đời. Có giảng viên Đại học băn khoăn về cách thể hiện giới trong tác phẩm của một nhà văn nữ... Có ý kiến hỏi thêm về hoàn cảnh sáng tác Về trong sương mù. Có bạn lại quan tâm chuyện sao không đưa Vòng tay học trò lên phim, v.v... và v.v... Hơn hai tiếng liên tục, diễn giả 82 tuổi vẫn trình bày rành rẽ từng vấn đề, có lập luận riêng, và trả lời bằng tất cả niềm say mê, những sẻ chia khi bức xúc, khi chân thành hoàn toàn cuốn hút...
Tôi đã lần đầu được ngồi thật gần, ngắm nhìn Nguyễn Thị Hoàng ở nhiều góc độ và lắng nghe chị nói về những trang viết cũ mới. Về những đoạn đường văn chương ngọt đắng, điên cuồng, tỉnh say...
Ôi ngậm ngùi sao, sau mấy mươi năm câm nín, mấy mươi năm hoàn toàn cô độc, không biết nói với ai, ngoài chính mình, và... những "bóng ma" trong tác phẩm của mình, chị chia sẻ thật chân thành: Tôi đã sống trong im lặng, trong tâm lý trơ trọi, cô quạnh như trên một cánh đồng hoang, không có người đọc, không có bạn bè, không có nhà xuất bản, cũng không có một nhà phê bình nào hết, rất bơ vơ... Tôi đã đợi mấy mươi năm để được nói, được nghe hay bị nói bị nghe... nhưng tôi đến đây là qua một xúc động chân thành...
Người nghe cũng thật xúc động trước những tâm tình chị dành cho những người đọc, những người đã đến đây để gặp, để nghe Nguyễn Thị Hoàng nói. Có lẽ ít có lời chia sẻ nào trìu mến hơn "Không cần phải gần gũi nhau, mà có khi cách xa nhau ngàn vạn dặm về không gian, thời gian nhưng vẫn có nhau do mình soi thấy bóng mình trong nhau". Tôi thật sự đồng cảm biết bao quan điểm của chị về người đọc và thật đáng suy ngẫm về những nhận định rất riêng, rất sắc sảo, lắng đọng là những chiêm nghiệm bản thân qua quãng đường văn chương từng nếm trải về nhận định, phê bình văn học xưa, nay.
Nói về tác phẩm, trả lời nhiều câu hỏi của độc giả chị khẳng định: "Tôi không viết cho tôi. Tôi không viết vì tôi. Mà tôi viết vì một cái gì đó như một thôi thúc từ bên trong tỏa ra, từ những gì bên ngoài mà tôi cảm nhận được, không khoanh vùng một thể loại nào, tiểu thuyết hay truyện ngắn, một đối tượng nào, đàn ông hay đàn bà,cao hay thấp..."
Nói về phê bình, với chị, người có thể định giá chính xác tác phẩm của chị chính là người đọc chứ không phải là những nhà phê bình. Tác phẩm được đánh giá như thế nào đó là qua lăng kính của người đọc. Chị còn nhấn mạnh “Có lẽ nó thắm thiết, nồng nàn, và chuẩn xác hơn là qua những bài phê bình, hay sự nhìn ngắm của báo chí, của dư luận.” Bởi các vị được gọi là những nhà phê bình (không nhiều lắm) có nhiều trường hợp không đọc hết, thậm chí không hề đọc qua tác phẩm, không soi rọi, thẩm thấu được những điều nhà văn cưu mang, trăn trở, gửi gấm qua trang viết, song họ (nhà phê bình) vẫn viết tràn lan theo định kiến cá nhân thậm chí còn những áp đặt, võ đoán đầy ác ý... Sau này, cũng có người đọc khác, những người phê bình chân chính ví dụ như học giả Nguyễn Hiến Lê - chỉ biết ông qua hoạt động Tạp chí Bách Khoa thì “phang” hay “phán”: "Nguyễn Thị Hoàng là một tiểu thuyết gia có tư tưởng. Có lẽ Ông cũng nhận ra điều gì đó, một tia sáng le lói nào đó trong tác phẩm của tôi, nhưng chỉ thế thôi, rồi tắt ngấm". 
Nhà văn còn nhớ lại trước 75, có những thể loại phê bình viết ra in báo, in sách từ những phe nhóm, những trường phái, những định kiến riêng về một tác giả hay một thể loại tác phẩm mà không nghiên cứu, không tìm hiểu, không tiếp xúc, không có gì là vô tư hay khách quan, phần nhiều là định kiến chủ quan, áp đặt. May ra, có vài ba ý kiến gọi là khen nhưng "lại trượt ra ngoài tác phẩm của tôi, tôi không cảm nhận được gì, và tác phẩm của tôi chẳng liên can gì đến những lời khen chê mà trượt ra bên ngoài tác phẩm ấy".
Quan niệm về phê bình với chị thật đẹp. Phê bình là hiểu được, là tương thông được với nhau. Phải hiểu. Không cần lý thuyết này, triết lý nọ... Phê bình là "cảm nhận được một chút gì đó, do tiếp xúc, do gần gũi, do nhìn ngắm được nhau" giữa bao nhiêu ràng buộc đan xen trong cuộc sống phong phú, giàu có đủ mọi phương tiện hôm nay... Gọi là quan niệm về phê bình hay cũng là mơ ước, mong muốn những đồng cảm khách quan khi nhìn nhận đánh giá bất kỳ tác giả, tác phẩm nào, thân hay sơ. Không phải tiếng nói một chiều mà đa chiều kích. Và người viết phải vượt ra ngoài những định kiến khen chê có thể có. Không chờ đợi cũng không hy vọng thất vọng. Viết như mình cảm nhận và mong muốn nhắn gửi với cuộc đời... Chạnh nghĩ những ngày tháng ấy, một NTH đã phải đứng trên dư luận, cứng cỏi và bản lĩnh vượt thoát những bủa vây giáo điều Khổng Mạnh để bứt phá một lối đi chưa có dấu chân ai...
Tôi đã ngồi lắng nghe chị và tưởng tượng cả những năm tháng nặng nề u ám nhất trong chuỗi dài cuộc đời chị từ 1974 đến khoảng 1990, khi mà chị kể lúc ấy muốn viết cũng không làm sao viết được, cũng không có bút để viết, không có chỗ đặt xuống để viết mà do phải sống trong rừng trong rẫy... Chỉ còn cách là viết trong đầu. Và chị đã không ngừng "viết" ở cái "tầng trên" ấy, cho dù đó là những ngày nghiệt ngã nhất, cheo leo nhất...
"Vai quá mỏi vì gánh đời quá nặng
Những ngàn năm qua mỗi chiếc cầu treo
Dưới hố thẳm trên trời cao sáng láng
Phương hướng nào cho những bước cheo leo".
(Gánh, tr.171)
Tôi thật mừng vui vì chị đã trở lại. Không phải bằng hư danh hình thức. Không phải một "Nguyễn Thị Hoàng đã chết sau VTHT" như có cây bút phê bình nào đó độc miệng lên án. Cô gái Huế hơn 60 năm trước bước vào văn đàn như thế nào thì hôm nay vẫn đài các, kiêu sa, ngang ngạnh như thế. Một chút “phấn son” lãng đãng cho cuộc đời quá trần trụi tẻ nhạt xô bồ nhơ nhớp cũng hay chứ? Nguyễn Thị Hoàng vẫn là Nguyễn Thị Hoàng. Dù trong Mây bay qua trời xưa tập thơ mới nhất với 137 bài thơ ngắn dài viết từ 1960 đến 2018 đã không ít câu thấp thoáng bóng hình hai chữ hư vô...
"Này tôi còn lại gì không
xót xa cát bụi tần ngần ước mơ"
(Còn lại, tr.133)
"Cuối chiều mây đã vắng
trên đầu tóc đã thay
trong ly men đã đắng
bên người hương đã phai"
(Hoang vu, tr.168)
"Ai đi qua xa vắng
Bỏ chiều run một mình
Giọt cà phê máu mặn
Nỗi nhớ này quyên sinh"...
Ngày mai ta bỏ đi
Trần gian xin trả lại
Đá tảng nào vô tri
Chết một đời rêu ai”
(Lời rêu, 107-9)
Chị ơi, trong cuộc đời con người chỉ có một lần chết, nhưng tác phẩm thì không biết bao nhiêu lần bị chết. Chỉ là rồi nó sẽ hồi sinh. Đúng vậy chị à, mỗi người có một hành trình tuyệt vời của mình trên cõi đời này. Thêm xúc động lần nữa khi nghe chị nói: Trước kia, "tôi viết như là tiền kiếp vay trả nợ nần. Sau hơn 40 năm im lặng, đơn độc với chính mình, bây giờ, từ 1990, "tôi mới thấy mình bắt đầu sống thực. Tâm thức của tôi chuyển đi từ những va chạm thực tế đời thường đến những điều thoát hơn, cao hơn... là gì thì không biết nhưng cho tới hôm nay, tôi mong cầu là có khởi đầu mới..."
Vâng. Một khởi đầu mới cho văn chương.
Đời vẫn đang đợi đang chờ...
Mùa Xuân đang vượt qua đông tuyết giá băng lạnh lẽo để trở về...
Mùa tận. Mùa tái sinh.
Tôi đã đến không phải vì hiếu kỳ hay để đặt câu hỏi về những trang viết một thời đã qua của một cây bút nữ độc đáo từng làm dậy sóng văn chương miền Nam. Không để làm gì cả ngoài mục đích sự có mặt của tôi và các khán giả đây, những bông hồng tím rất Huế của tôi mang đến hôm nay tặng chị đây được nói với chị rằng, chúng tôi yêu chị, trân trọng những tác phẩm máu thịt một phần của văn chương miền Nam của chị và đời vẫn thiết tha, vẫn đang đợi đang chờ chị qua những sự trở lại như hôm nay.
Nắng Sài Gòn những ngày cuối năm trong gió giao mùa xuyến xao đẹp lạ. Lần đầu, tôi thấy chị khẽ nhoẻn cười.
Thị Nghè, 16.1.2021
Hoàng Kim Oanh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...