Thừa tự 1
Phần thứ nhất
I.
- Tài xế! Tài xế đâu?
Theo liền tiếng ông huyện Bỉnh gọi, tiếng “dạ” ran từ công đường
vào tới nhà trong. Rồi một anh lính lệ thét lớn nhắc lại lời quan:
- Bác tài! Bác tài đâu lên quan truyền!
Một người từ vòm trại cơ đâm bổ ra, mắt như còn ngái ngủ, vừa
chạy vừa cài vội khuy chiếc áo lương mới. Bỉnh đã đứng chờ ở bậc gạch xuống
sân:
- Tài xế! Đánh xe ra ga Hà Nội đón ông Hai, ông Ba.
- Dạ.
- Hai ông ở Nam lên chuyến hai giờ. Phải đi ngay mới kịp. Bây
giơ mấy giờ rồi?
Bỉnh móc túi lấy đồng hồ ra xem:
- Năm giờ kém hai mươi. Từ đây ra Hà Nội chỉ độ nửa giờ là
cùng. Còn kịp đấy.
- Dạ.
- Lúc về nhớ rẽ qua phố Hàng Buồm mua vài cân lẽ, vài cân cam
với lại vài cân táo.
- Dạ.
- Bây, cầm lấy năm đồng.
Bỉnh mở ví đưa cho người tài xế cái giấy bạc:
- Mà đi ngay mới kịp.
Trâm đứng đón ở Kiên nhà trong, thấy chồng vào liền hỏi:
- Cái gì thế cậu?
Bỉnh vui mừng giơ ra tờ điện tín màu xanh:
- Chú Hai, chú Ba lên chơi, mợ ạ. Tôi vừa nhận được dây thép.
Vợ lạnh lùng:
- Thế à? Bao giờ lên?
- Năm giờ hơn xe hỏa tới Hà Nội. Tôi đã bảo nó đánh xe đi
đón.
- Thế à?
- Mợ bảo nó làm cơm nhé... A, nhà còn sâm banh không nhỉ?
- Còn. Nhưng uống gì đến sâm banh!... Ăn cơm ta thì uống sâm
banh làm gì?
- Hừ! Ăn cơm ta, bây giờ người ta uống sâm banh là thường. Được
mợ cứ lấy ra hai chai nhỏ đằng ngon đấy, đằng giấy xanh ấy.
-Người đàn bà quay ngoắt đi lầm bầm nói một mỉnh: “Lại hai
ông tướng ấy đến chơi, khổ quá!”
Tuy thế, nàng vẫn xuống bếp sửa soạn các thức ăn. Bổn phận
người nội trợ đã thắng lòng tức tối của nàng.
Xưa nay nàng vẫn thù ghét hai người em chồng Trình và Khoa.
Nàng thù ghét, không phải vì họ không tốt hay vì họ kém lễ phép đối với nàng.
Trái lại, họ ăn ở hết sức khéo léo và phải đạo để lấy lòng nàng, một người chị
dâu mà họ thi nhau ca tụng là hiền. Nàng thù ghét họ, - thù ghét ngấm ngầm thôi
- chỉ vì thấy chồng yêu mến họ, say mê họ hầu như say mê tình nhân. Nhiều lần
nàng đã mỉa mai bảo chồng: “Nếu cậu nghĩ đến tôi được chu đáo như cậu nghĩ đến
hai chú thì tôi đã chẳng khổ”. Bỉnh nghe vợ nói chỉ cười, nếu không mắng át: “Ô
chào! Mợ lôi thôi lắm!” Bao giờ đến câu gắt ấy người vợ cũng im ngay, vì sự thực,
không những nàng kính nể, nàng còn sợ hãi chồng nữa, coi chồng như một vị bất
khả xâm phạm.
Nàng là con nhà nho, theo khuôn phép lễ giáo ngay từ thủa nhỏ,
năm mười bảy lấy chồng con một nhà quan mấy đời xuất thân khoa bảng. Vì thế,
khi ở nhà, nàng chỉ biết giữ đạo hiếu, khi về nhà chồng nàng chỉ nghĩ đến phụng
dưỡng cha chồng và phục tòng vâng lệnh chồng, để được tiếng là người dâu hiền,
người vợ thảo.
Cha chồng nàng, ông án Thân, rất nghiêm khắc: Các con, thời
còn nhỏ, không mấy khi giáp mặt ông mà không run sợ. Người vợ cả của ông mất sớm,
sinh được một trai một gái: Bỉnh và Thu. Khi ấy Bỉnh và Thu cùng ở với dì ghẻ
và hai em trai khác mẹ, Trình và Khoa, trong một nếp tư thất năm gian tại một
huyện lỵ miền trung du. Chúng sớm hiểu đời, và, vì hoàn cảnh, sớm biết đem trí
non nớt ra xét đoán nhân tâm: Sống bên cạnh một người cha lãnh đạm, trầm mặc,
không để ý tới gia đình, chúng chỉ trực tiếp với sự bất công của dì ghẻ và lòng
ghen ghét, ích kỵ của hai đứa em suýt soát tuổi mình.
Nhưng vào khoảng mười năm sau, cảnh gia đình ông Thân đổi
khác hẳn. Người vợ hai chết. Chiếm chỗ người, ấy là một thiếu nữ xinh đẹp và rất
ngỗ ngược, ngỗ ngược đến nỗi đàn áp cả người chồng trước kia vẫn có tính độc
đoán. Dần dần vì si tình, ông lão trở nên nhu mì, rụt rè, nhút nhát.
Để đối phó lại người dì ghẻ đáng ghê sợ ấy, tự nhiên bọn anh
em khác mẹ nhận thấy cần phải hòa thuận với nhau, cần phải chống đỡ bênh vực lẫn
nhau. Lòng ghen ghét, hiềm khích nay nhường cho cho lòng thương yêu thành thực,
mật thiết. Biết bao đêm khuya ba anh em ngồi khóc vì việc gia đình hay cùng
nhau bàn bạc tìm mưu lập kế, để ra khỏi một trường hợp khó khăn, để tránh thoát
một cái cạm bẫy chặt chẽ của người đàn bà tàn ác.
Hơn mười năm sau, lại một lần biến đổi: Ông án Thân chết.
Lúc bấy giờ Bỉnh đã tốt nghiệp trường Đại học và đã được bổ
tri huyện. Còn Trình và Khoa thì về quê làm ruộng, cùng nhau ở chung một nhà, -
cái dinh cơ rộng rãi của cha mà Bỉnh, người anh cả, nhường hẳn cho, kèm với một
phần số ruộng của chàng. Nhờ đó, Trình và Khoa sống rất an nhàn, sung túc và mọi
người có tới hơn ba chục mẫu vừa vườn vừa ruộng toàn hạng phì nhiêu.
Còn bà Ba mà bọn tôi tớ, bọn môn hạ đi lại vay mượn tôn gọi
là cụ lớn, thì sống biệt hẳn một giang sơn với một người con gái nhỏ.
Bà ta giàu lắm. Cũng không ai biết bà ta giàu tới bực nào.
Người này đồn bà ta có tới chục vạn... Người kia quả quyết một con số to gấp
năm thế. Họ bảo: “Trong mười mấy năm bà ta theo ông án ở chỗ làm quan, quyền
bính, tiền nong ở cả trong tay, thì làm gì mà không có tới năm chục vạn”. Một
người khác thêm: “Phải, vì khi bà ta lấy ông án, cái vốn riêng của bà ta đã tới
gần chục vạn rồi kia mà!”
Sự thực, bà ta có bốn năm tòa nhà cho thuê ở Hải Phòng, ở Hà
Nội và hơn trăm mau ruộng ở quê chồng. Cái tài sản ấy anh em Bỉnh không hề thèm
muốn, ước ao - ấy là nói về bề ngoài. Trái lại, nó luôn luôn là đầu đề cho những
câu chuyện chế riễu, mỉa mai. Gặp nhau đông đủ, trong bữa tiệc vui, không mấy
khi họ quên nói đến cái “giàu khốn nạn” của “cô Ba”, quên thuật những “hành vi
đê hèn” của “Troisième”. Họ trở nên những nhà triết học với những tư tưởng
khuôn sáo về luân lý, về tâm lý, về nghĩa sống của đời người. Họ thêm thắt, bịa
đạt, tưởng tượng đủ điều, cốt có cớ để nhắc đến người đàn bà kia mà họ không
cùng nhau thù nữa, chỉ cùng nhau ghét và khinh thôi.
Tóm lại, ngày nay cũng như ngày xưa, người ấy vẫn là cái dây
thiêng liêng ràng buộc tình, thân ái trong mấy anh em.
II
Đương ngồi nói chuyện với vợ ở tư thất, Bỉnh hấp tấp đứng dậy
khi nghe thấy hai tiếng trống báo:
- Các chú đã đến!
Trâm giọng đĩnh đạc:
- Làm gì mà cậu phải cuống lên thế?
Không để ý đến câu mỉa mai của vợ, Bỉnh bảo đứa con gái nhỏ
mà chàng rất yêu quý:
- Hồng! Mau ra đón chú Hai, chú Ba.
Hồng vỗ tay reo:
- A a! Các chú đã lên!
Hai anh nó, Hải và Văn, đương đùa nghịch ở hiên sau cùng chạy
theo ra, kêu:
- Chú! Chú!
Tiếng rít hãm ô-tô trước công đường. Bỉnh đã tới bên xe,
nhanh nhảu chào trước:
- Hai chú!
Trình và Khoa mỗi người nhảy xuống một bên cửa ô-tô chắp tay
hất lên ngực:
- Lạy anh ạ!
Hải, Văn và Hồng nhao nhao:
- Lạy chú! Lạy chú!
Khoa cúi xuống bế Hồng lên hôn:
- Cháu! Cháu tôi ngoan quá!
Rồi chàng vuốt má Hải và Văn hỏi:
- Mợ đâu, cháu?
Trình tiếp luôn:
- Ừ các cháu đưa hai chú vào chào mợ nhé.
Bỉnh gạt:
- -Thôi được. Mời hai chú vào phòng khách nghỉ mát. Nhà tôi sắp
ra.
Tuy nói thế mà chàng vẫn theo hai em tiến vào nhà trong, vì
chàng biết rằng muốn cơm nước thết đãi được chu đáo, cần nhất phải lấy lòng người
nội trợ.
- Lạy chị ạ!
- Lạy chị ạ!
Người chị dâu đứng lên, niềm nở:
- Không dám, lạy hai chú.
Khoa giọng thành thực:
- Thưa chị, em trông chị hai gầy, da dẻ không được hồng hào
như chuyến trước.
Bỉnh đỡ lời:
- Ấy, tháng trước nhà tôi ốm... Đi lỵ.
Trình vội vã, ân cần:
- Thế à! Vậy nay chị khỏi hẳn rồi chứ?
- Vâng, tôi khỏi hẳn rồi. Mời hai chú lên xa-lông ngồi chơi
xơi nước.
Khoa vui vẻ, thân mật.
- Xin vâng. Và xin chị cho chúng em ăn ngay. Em đã thấy kiến
bò bụng lắm lắm rồi đấy.
Chàng quay lại hỏi Văn:
- Có phải không cháu... Ồ! Mà suýt nữa chú quên quà của các
cháu. Cháu Hải bảo đem va-li vào đây cho chú, mau.
Ba đứa trẻ sung sướng tranh nhau chạy và gào:
- Lanh ơi, vác va-li của chú vào!
Vợ chồng Bỉnh đưa mắt như thầm bảo nhau:
-“Các chú vui tính quá!”
Ba đứa con đã theo người xách va-li đi vào. Khoa mở lấy ra một
gói kẹo tây, giơ lên trước mặt các cháu.
Trình bảo em:
- Khoa chia cho đều nhé!
Khoa cười:
- Phải tùy theo tuổi, chứ đều sao được.
Rồi chàng hỏi Hải:
- Cháu lên mấy?
- Thưa chú, cháu lên tám ạ.
- Được rồi! Lên tám thì tám cái.
Vừa nói chàng vừa nghiêng gói kẹo đổ ra hai bàn tay tí hon của
Hải.
- Một, hai... bốn... sáu, tám. Đủ rồi. Bây giờ đến lượt Văn.
Mấy tuối?
Văn ngập ngừng:
- Thưa chú, cháu cũng lên tám.
Trình cười:
- Ha ha! Ăn gian rồi. Em lại bằng tuổi anh bao giờ!
Nhưng Khoa nghiễm nhiên lấy kẹo đếm lên bàn tay Văn:
- Được rồi, lên tám thì cũng chỉ tám cái. Còn em Hồng?
Hồng đứng im, nước mắt chạy quanh, vì nó biết nó mới năm tuổi
thì sẽ chỉ được chia phần có năm cái kẹo.
Người mẹ trông thấy thế, liền mắng:
- Hồng láo lắm nhé!
Khoa vội bênh cháu:
- Không, chị cứ nói thế, chứ Hồng ngoan nhất nhà. Năm nay Hồng
lên năm, phải không? Lên năm thì được mười cái. Hai lần năm là mười, mà lại.
Hồng tươi ngay nét mặt lại và vội chìa tay ra đón lấy kẹo,
khiến ai nấy phải bật cười.
Trâm, giọng cảm động:
- Các cháu nói đến hai chú luôn. Chắc hai chú cũng đến sốt ruột
vì chúng nó.
Khoa cười vui vẻ:
- Nếu thế thì anh chị và các cháu sốt ruột vì chúng em cũng
chẳng kém.
- Nhưng mời hai chú ra xa-lông xơi nước.
Rồi nàng gọi:
- Nhài, lấy chè mạn sen cho nó pha nước nhé!
Khoa hý hửng như trẻ con, reo mừng:
- Ồ! Chè mạn sen thì ngon lắm nhỉ! Chị cũng biết tính hai em
thích chè mạn sen.
Để cắt ngắn câu chuyện, Trâm bảo chồng:
- Cậu mời hai chú ra xa-lông xơi nước. Tôi xin xuống bếp giục
nó làm mau cơm.
Khoa lại cười:
- Nếu thế thì chúng em xin vâng ngay.
Ba người đàn ông cùng nhau ra phòng khách. Mới tới cửa phòng,
Trình đã thì thầm bảo Bỉnh:
- Về rồi đấy!
Bỉnh lơ đãng hỏi lại:
- Chú bảo ai?
- Troisième ấy mà!
- Thế à?
Anh em vui sướng thuật lại cho nhau nghe những việc nhỏ nhen
xảy ra trong đời người đàn bà, vào khoảng mười năm gần đây. Họ lắng tai chú ý,
không ngắt lời nhau, tuy chẳng ai không thuộc lòng những câu chuyện ấy. Cốc rượu
khai vị thứ hai càng làm tăng phần trào phúng và hài hước.
- Hai anh còn nhớ cái ngày cô ta giận thầy bênh anh huyện, cô
ta bỏ cô ta đi, rồi thầy bắt đánh ô-tô thân hành đón cô ta về không?
Trình cúi gò xuống cười nức nở. Bỉnh chỉ khẽ nhách mép và buồn
rầu nói:
- Thương hại ông cụ, con mụ nó tác ác thế nào cũng phải chịu.
- Chả chịu, nó làm ầm cửa ầm nhà lên thì cũng khổ với nó.
- Sao không cứ để nó đi đâu mặc kệ nó, lại còn đuổi theo đón
nó về?
- Nhưng nó đẹp!
Ba người cùng vỗ tay cười reo:
- Đả đảo sắc đẹp!
- Đả đảo vợ lẽ!
Trâm lên, đứng sững ở cửa phòng, hỏi:
- Đả đảo gì thế?
Trình đáp:
- Thưa chị, đả đảo sắc đẹp và vợ lẽ.
Trâm cười:
- Nếu thế thì tôi xin ký cả hai tay.
Rồi nàng bảo chồng:
- Đấy, cậu còn muốn lấy vợ lẽ nữa thôi?
- Vợ lẽ cũng năm, bảy đường vợ lẽ chứ! Vơ đũa cả nắm thế nào
được
Bỉnh đáp lại vợ thế, chừng để hai em đỡ ngượng, vì chàng vừa
chợt nhớ ra điều mà ít khi chàng nghĩ đến: Trình và Khoa là con bà Hai. Nhưng
người vợ không hiểu nhã ý của chàng, lại bảo hai em chồng:
- Đấy, nhờ hai chú khuyên anh hộ tôi. Anh chỉ nằng nạc đòi lấy
vợ lẽ.
Trình, giọng thành thực, bảo Bỉnh:
- Tình cảnh vợ lẽ nhà ta, anh không thấy cái gương tầy liếp đấy
hay sao mà còn chực đa mang vào.
Thì ra Trình và Khoa cũng không còn nhớ rằng mình với Bỉnh là
anh em khác mẹ. Trong mấy chục năm, họ thân mật yêu nhau nên đã như ngầm đồng
tình phá hủy cái giới hạn thiên nhiên của cốt nhục, khí huyết.
Khoa buồn rầu nói tiếp:
- Thiết tưởng dù mê gái tới bực nào, lúc chợt nghĩ đến “cô ả”
anh em chúng ta cũng phải rời bỏ để tránh cho gia đình chúng ta sau này cái nạn
tan tác.
Trâm cười sung sướng, bảo chồng:
- Cậu đã nghe rõ chưa?
Khoa yên lặng rót đầy bốn cốc Gap-Corse, rồi chắp tay lên ngực
trịnh trọng nói với Trình và vợ chồng Bỉnh:
- Xin uống máu ăn thề.
Trâm cười:
- Thề gì thế?
- Thề không lấy vợ lẽ.
Bỉnh cũng cười theo:
- Làm gì mà như truyện Đông Chu Liệt Quốc thế?
Nhưng Trâm nghiêm trang nâng cốc rượu:
- Vâng, xin thề.
Trình bảo nàng:
- Chị thề trước đi.
- Tôi xin thề không lấy vợ lẽ cho chồng tôi.
Khoa uống hết cốc rượu, tiếp luôn:
- Nếu em lấy vợ lẽ thì đời em sẽ cạn như cốc rượu này.
Bỉnh khôi hài:
- Chú chẳng thề thì thím ấy cũng chẳng để chú lấy vợ lẽ.
Trình cười sặc, phì cả rượu ra áo. Giữa lúc ấy người nhà mời
sang phòng bên ăn cơm.
Câu chuyện gia đình lại kế tiếp trên bàn ăn, trong tiếng reo
vui của cây đèn măng-sông lớn.
III
Trình, Khoa và Trâm đã ra ngồi uống cà-phê ở ngoài hiên. Trâm
trỏ vào buồng giấy gọi chồng:
- Mời cậu ra xơi, chẳng nguội mất cả rồi.
Tiếng Bỉnh đáp lại:
- Mợ mời hai chú xơi trước đi. Tôi còn bận xem nốt tập công
văn cho xong đã.
- Vậy chốc cậu ra pha “tách” khác, nhé? Hay đem vào trong ấy
cho cậu uống?
- Được, chốc pha chén khác.
Trâm mỉm cười bảo hai em chồng:
- Càng hay! Chúng mình càng được uống nhiều.
Vừa nói nàng vừa bỏ cái lọc xuống khay để chiết thêm cà-phê
sang cốc của Trình và Khoa.
Tiếng Bỉnh Hỏi:
- Mợ! Đã lấy xì-gà rồi đấy chứ?
Trình vội đáp:
- Thưa anh, đã có rồi, chúng em đương hút. Ngon lắm?
Trâm giữ kẽ không hỏi chuyận “cô Ba” nữa. Nàng vẫn thường
khoe khoang rằng mình ít lời, không hay lôi thôi với người này người nọ. Vì thế,
nàng đã xoay sang câu chuyện làm ăn, hỏi thăm về mùa màng, về khí hậu ở nhà
quê, về sức khỏe từng người, từ hai “thím” đến cháu Bạc, cháu Nam, cháu Phiên,
cháu Liên. Đạc là con trai của Khoa. Còn Nam, Phiên và Liên là con Trình, hai
trai, một gái.
- Thưa chị, cháu Nam đỗ sơ học yếu lược rồi đấy ạ.
- Tôi đã biết... Anh có nói chuyện.
- Vâng, ngày cháu thi đỗ, em có đánh dây thép cho anh.
- Nhà tôi bảo muốn để cháu lên Hà Nội học với cháu San.
- Thưa chị, năm nay cháu San chưa thi bằng tốt nghiệp?
- Sang năm cháu mới thi chứ...Nhưng các chú đi đường xa thế
chắc mệt lắm. Xin mời hai chú đi nghỉ thôi.
- Được, chị cứ mặc chúng em... Còn sớm.
Trâm toan đứng dậy vào nhà trong, thì Bỉnh đã bước ra hiên,
tay cầm tờ giấy gấp tư, cười cười nói nói:
- Hà hà! Lạ quá, hai chú ạ. Vừa nhắc đến cô ta thì có tin của
cô ta tới nơi.
Bỉnh đưa thư cho Trình nói tiếp:
- Tôi thấy lẫn trong tập công văn cái thư này nhận được không
biết từ bao giờ.
Trâm ngơ ngác hỏi chồng:
- Thư nào thế? Thư của ai thế?
- Của troisième ấy mà.
Bốn người vội vàng theo nhau vào phòng. Rồi Khoa giựt lấy bức
thư ở trong tay Trình, cầm đọc:
Anh Huyện,
Tôi có mấy lời lên hỏi thăm anh chị và các cháu mạnh khỏe thì
tôi mừng lắm. Ở nhà, tôi và em Cúc, nhờ giời vẫn được như thường. Anh Trình, chị
Trình, anh Khoa, chị Khoa và các cháu bên ấy nhờ ơn Phật tổ phù hộ cũng đều được
bình an cả...
Khoa ngừng đọc, bảo Bỉnh:
- Vì hôm cô ta viết thư này, chúng em còn ở nhà.
Trình nói:
- Bây giờ cô ta mộ đạo lắm. Động một tí là giở Phật tổ ra.
Trâm chêm một câu bình phẩm chua chát:
- Hạng người ấy, còn giời phật nào chứng cho! Cứ ở ác rồi
cúng lễ, cầu khấn, nay chùa này, mai chùa kia thì khi xuống âm phủ bọn họ dễ chả
ai phải vào địa ngục, mà địa ngục chỉ riêng dành cho bọn nghèo đói không có tiền
sắm lễ.
Khoa cười:
- Chuyện! Phú quý mới sinh lễ nghĩa được chứ!
Bỉnh cũng cười:
- Nhưng làm quái gì có địa ngục ở âm phủ!
Khoa đọc tiếp:
Anh chị ạ, từ ngày thầy qua đời, cảnh gia đình nhà ta buồn tẻ
quá, lắm lúc tôi chỉ muốn khóc. Tôi nghĩ bao nhiêu, tôi lại thương thầy bấy
nhiêu. Phải không anh chị, thầy hiền lành, nhân đức như ông bụt, chả làm hại ai
bao giờ, sao nay linh hồn thầy lại không được vui vẻ mà nhìn cảnh gia đình xum
họp, mà được thấy các anh các chị với tôi với em Cúc hòa thuận, yêu mến nhau.
Thầy thiêng lắm đấy anh ạ. Thầy thường hiện lên luôn. Trong giấc chiêm bao tôi
thấy thầy buồn lắm...
Khoa lại ngừng đọc, hỏi Bỉnh:
- Anh có chiêm bao gặp thầy bao giờ không?
Bỉnh ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:
- Không.
- Em cũng vậy.
Trâm thì thầm:
- Tôi thì tôi gặp thầy luôn. Trông thầy y như lúc còn sống.
Trình mỉm cười:
- Em không gặp luôn, nhưng có hai lần em chiêm bao thấy thầy
về. Thầy không nói gì hết, thầy chỉ yên lặng đứng nhìn thôi.
Khoa thở dài:
- Chóng nhỉ! Thế mà thầy mất đã được hơn bốn năm rồi đấy.
Chàng lại đọc:
Tôi đến chơi nhà bà tuần Bùi mà tôi thèm cái cảnh hòa hợp của
người ta. Cụ tuần mất đi, các bà ở chung một nhà vui vẻ quá. Chắc anh chị cũng
quen cụ tuần Bùi đấy, cậu Tư có nói chuyện đến anh và gửi lời hỏi thăm anh...
Trình ngắt lời em:
- Ô chào: thư từ lôi thôi quá. Vậy cô ta muốn cái gì? Muốn giở
trò gì ra nữa? Hay là muốn bẫy anh em mình đây?
Trong khi ấy, Khoa vẫn đọc nhẩm. Chàng bỗng bật cười nói:
- Đây rồi, đến đoạn cốt tử rồi:
Tôi muốn lên chơi huyện để nói với anh chị hết cả những ngành
ngọn, hết cả mọi điều và cảnh gia đình nhà ta, nhưng độ rầy tôi yếu lắm, mệt
luôn đấy anh ạ, em Cúc cũng chả được khỏe. Vậy nếu anh bớt bận mà về chơi nhà
quê được, hiện giờ tôi còn ở nhà quê ít lâu, để tôi nói câu chuyện, thì mới nói
được rõ ràng, chứ không tiện viết trong thư.
Chuyện quan hệ lắm, anh ạ, anh cố bớt thì giờ mà về. Hay rằm
tháng Bảy này nhân tiện tôi lập đàn cúng cho thầy ở chùa, và nếu anh bằng lòng
thì tôi đốt mã nữa, anh cố mà về lấy hai hôm cho tôi được nói chuyện, nhiều
chuyện lắm, anh ạ, mà tôi cần phải nói với anh. Thầy mất đi, anh là trưởng,
trong nhà việc gì cũng phải hỏi anh, cũng phải bàn với anh, anh có ưng thì mới
được...
Bỉnh phá lên cười:
- Mãi giờ cô ta mới nhận thấy điều ấy.
Khoa chêm:
- Cô ta lấy lòng anh đấy. Chắc sắp xảy ra chuyện chẳng lành
đây.
Trâm vẻ mặt trầm trọng:
- Cậu phải cẩn thận, khéo không lại vào tròng thôi. Cậu nhẹ dạ,
dễ tin lắm cơ.
Trình hỏi Khoa:
- Hết rồi?
Còn một câu nữa:
Thế nào anh cũng cố mà về nhé. Tôi xin đền anh tiền ét-xăng.
Anh chả thiếu gì, nhưng tôi làm thế cho công bằng. Vả lại, tôi làm đại lý
ét-xăng thì cũng chả thiệt gì. Vậy anh về nhé. Cả chị nữa, càng hay...
Khoa ngả đầu, nói:
- Hết ạ.
Trâm mặt hầm hầm:
- Cám ơn câu vuốt đuôi.
Bỉnh khôi hài để Khoa khỏi hiểu lầm:
- Mợ làm như mợ nói với chú Ba không bằng!
- Không, tôi nói câu vuốt đuôi của cô Ba viết trong thư đấy
chứ? - Úi chào! “Cả chị nữa!”... Còn anh thì anh vâng lời cô chứ?
- Đã hẳn.
Không khí trong phòng trở nến lạnh lẽo. Tiếng vo vo của cây
đèn măng-sông càng làm tăng yên lặng nặng nề. Ai nấy ngây ngất như nhịn thở để
suy nghĩ. Bỗng Trình bàn:
- Hay ba anh em ta cùng về?
Khoa khen:
- Phải đấy!
Bỉnh cười:
- Mà về ngay để tránh cái đàn chay của cô ta.
Trâm vơ vẩn hỏi:
- Về à?... Nên bàn cho kỹ đã.
- Được rồi, mai bàn. Bây giờ thì hãy để hai chú đi nghỉ.
- Vâng, mời hai chú đi nghỉ. Màn đã buông rồi đấy ạ. Hai chú
nằm nghỉ ở sập gụ cho mát, cũng được.
Khoa lơ đãng:
- Được ạ. Xin mời anh chị đi nghỉ! Cư để mặc chúng em.
Sau khi vợ chồng Bỉnh vào tự thất, Trình và Khoa đứng nhìn
nhau hồi lâu, vẻ mặt bần thần. Trình bảo em:
- Thôi, đi ngủ.
Hai người thong thả thay quần áo.
Rồi Trình vặn tắt đèn măng-sông, bước lên giường nằm. Khoa uể
oải hỏi:
- Anh không nằm sập?
- Được, chú nằm sập, tôi nằm giường cho dễ ngủ. Chẳng nằm bên
nhau hay nói chuyện lắm.
Một giờ sau. Bỗng Trình cất tiếng hỏi:
- Khoa ngủ rồi?
- Chưa anh ạ... Lạ giường khó ngủ quá.
Sự thực, cũng như anh, Khoa đương băn khoăn, loay hoay nghĩ
ngợi về bức thư của người đàn bà mà đã hơn hai năm nay chàng không gặp mặt, tuy
thỉnh thoảng người ấy cũng có về làng để thu thóc thuế và đòi các công nợ.
- Anh có đoán về việc gì mà cô ta lại viết thư lên mời anh
huyện không?
- Chừng cô ta nịnh anh huyện, muốn lấy lòng anh chứ gì.
Nửa giờ qua, Khoa lại hỏi:
- Anh ngủ rồi?
- Chưa, Khoa ạ.
- Hay cô ta lập mưu ly gián anh em ta đấy?
Trình cười:
- Ồ! Ly gián thế nào được! Anh em chúng mình thì Tư Đồ tái thế
cũng không chia rẽ nổi. Nhưng ta ngủ thôi. Cấm không ai được nói nữa đấy nhé.
Quả từ đấy không ai nói nữa. Nhưng cũng không ai ngủ được.
IV
Hôm sau là Chủ nhật. Trình và Khoa cùng dậy rất sớm. Dậy sớm
là một thói quen ở nhà quê, dù đêm trước người ta chỉ chợp mắt trong khoảng một,
hai giờ đồng hồ.
Trình ngồi ngả lưng trến ghế bành, hai chân duỗi thẳng, ngáp
luôn ba cái. Khoa tựa cửa sổ yên lặng nhìn ra cái vườn con ở đầu trái, mắt lơ
đãng theo đôi bướm lam đuổi nhau bay chập chờn trên những khóm bồ tát hoa đỏ
còn lấp lánh giọt sương mai, trên những bông cúc vạn thọ vàng, trồng trong miếng
đất hình bầu dục vây cỏ và tóc tiên.
Trình lắng tai nghe tiếng hót của con chích chòe, và bảo em:
- Ở đây yên tĩnh như ở nhà quê, Khoa nhỉ?
Khoa quay lại cười, đáp:
- Thì đây khỏi là nhà quê!
Trình vừa nhớ lại cái huyện nhỏ mà ở đấy chàng đã sống gần bốn
năm thơ ấu với Bỉnh và Khoa, với một người mẹ quá nuông chiều con. Chàng vụt có
một ý nghĩ buồn rầu: “Không biết anh huyện có để bụng những sự ăn ở bất công của
mẹ ta đối với anh ngày trước không?”
Chàng thấy hiện ra trong ký ức hình ảnh người đàn bà ốm yếu với
cái giọng nói the thé, với hai hàm răng rít lại mỗi khi nhiếc mắng đầy tớ.
Chàng rùng mình một cái và cất tiếng nói để xóa vội quãng thời xưa đương trở lại:
- Mấy giờ rồi, Khoa?
Khoa rút đồng hồ xem:
- Năm giờ băm nhăm.
- Mới thế thôi?
- Về mùa hè ngày dài, nên anh tưởng muộn rồi.
Trình đứng dậy dang hai cánh tay ra uốn mình vươn vai, rồi tò
mò cúi soi vào nước mưa trong, đựng đầy cái chậu sứ men trắng, lòng vẽ cành hồng
màu đỏ đặt trên chiếc giá gỗ ở một góc phòng.
- Rửa mặt rồi ra phố chơi đi.
- Vâng, phải đấy.
- Hôm nay Chủ nhật, chắc anh huyện ngủ trưa.
Như để đáp lại Trình, tiếng giầy kinh lệt sệt từ tư thất đi
lên. Và Bỉnh vào phòng cười cười nói nói:
- Tôi nghĩ ra rồi, hai chú ạ. Cô ta muốn bàn việc gả chồng
cho Cúc. Đích thế, hai chú ạ.
Khoa nghĩ thầm: “Thì ra đêm hôm qua anh huyện cũng loay hoay
về bức thư”.
Trình hỏi:
- Anh có biết gả cho ai không?
- Nghe đâu một sinh viên cao đẳng, trường Thuốc hay trường Luật
gì đấy...
Khoa tiếp, giọng qua quyết:
- Trường Luật.
- Chú biết à?
- Không, em đoán thế, đoán chắc thế, vì cô ta sính quan lắm,
khi nào lại chịu kén rể đốc-tờ.
Cả ba người cùng cười. Bỉnh khen:
- Tâm lý lắm!
Khoa thêm:
- Cô ta chẳng sính quan mà mới ngoài hai mươi lại chịu đi lấy
một ông lão gần sáu mươi.
Trình cười, đọc luôn câu ca dao:
- Giời mưa nước chảy qua sân,
Em lấy ông lão qua lần thì thôi.
Bao giờ ông lão chầu giời
Thì em lại lấy một người trai tơ.
- Bậy! Chú chỉ bậy!... Thôi, hai chú rửa mặt rồi ta ra tỉnh
chơi.
- Ta không về à?
- Ừ nhỉ. Tôi quên bẵng đi đấy... Nhưng có nên về ngay không?
Nhà tôi bảo hãy thong thả, vậy hai chú nghĩ sao?
- Cái đó tùy anh, tùy anh chị. Cô ta chỉ mời có anh chị.
Bỉnh ngẫm nghĩ, cho là Khoa nói kháy, nói mỉa rằng người dì
ghẻ muốn ăn cánh riêng với mình. Sự thực, câu nói của Khoa rất tự nhiên và thẳng
thắn, không có ý tứ gì xa xôi.
- Được rồi. Về! Ăn cháo xong rồi về.... Xem chuyện gì mà quan
hệ đến thế.
Bỉnh cưài ha hả, như thích chí lắm. Trình nói:
- Phải đấy anh ạ. Về ngay xem cô ta muốn giở trò trống gì.
- Nhưng ăn cháo đã!
Bỉnh xuống nhà. Trình và Khoa cùng rửa mặt. Bỗng Trình như
nói một mình:
- Ừ, có lẽ thế đấy.
- Anh bảo gì?
- Có lẽ cô ta sắp sửa gả chồng cho con.
- Gả chồng cho con thì việc gì phải mời anh huyện về?
Trình vừa xát xà-phòng lên mặt vừa đáp:
- Thì cũng làm ra thế. Chả nhẽ gả bán một mình, anh em họ
hàng chẳng có ai nhìn nhận đến!
Khoa bật cười:
- Ấy là còn đoán thế. Đã biết đâu rằng người ta gả chồng cho
con!
Sau một lát im lăng, Khoa lại cười!
- Thì cứ mặc kệ có hơn không. Chúng mình làm như sợ hãi một
tin quan trọng về cô ta.
Nhận thấy câu nói của mình hơi hỗn xược, Khoa chữa liền:
- Phải không, anh nhỉ, chúng mình sợ cóc gì cô ta!
Trình vắt khăn mặt lên thành dá.
- Cô ta sợ chúng mình thì có.
Để tỏ sự lo sợ của người đàn bà, chàng kể không biết lần thứ
mấy những câu chuyện mà chàng coi như em chưa được nghe, những chuyện do thám
trong nhà, những lời thuật lại của bọn “lắm mồm lắm miệng”, cả những câu khấn
khứa của người đàn bà ở trước bàn thờ cha nữa. Chàng nói:
- Chú có nhớ câu cô ta khấn thầy ngày giỗ năm ia không?
- Có. Cô ta khấn: Lạy quan lớn...
Khoa phì cười tiếp:
- Quan lớn! Anh có biết tại sao cô ta cứ khấn thầy là quan lớn
không?
- Thì cô ta quen mồm đi rồi chứ sao. Ngày sinh thời thầy, cô
ta vẫn gọi thầy là quan lớn.
- Nhưng tại sao ngày sinh thời thầy, cô ta lại gọi thầy là
quan lớn?
- Để tỏ rằng mình là bà lớn chứ gì!
- Vâng, chính thế... Ngày giỗ ấy, cô ta khấn: “Lạy quan lớn,
quan lớn phù hộ cho nhà được vui vẻ, hòa thuận”.
- Cũng như lời trong bức thư gửi cho anh huyện.
- Vâng chính thế. Cô ta chỉ sợ chúng mình lôi thôi. Có biết
đâu chúng mình khinh không thèm chấp, không thèm nghĩ tới.
Hai người vừa nói chuyện vừa mặc quần áo. Trình mặc ta, nên
chỉ việc đóng cái áo trắng dài vào và chụp cái khăn lên đầu là xong. Còn Khoa,
thay mặc tây nên đã vào phía sau màn. Chàng như nói một mình:
- Vẫn cái lối lấy lòng bằng tiền. “Tôi chịu tiền dầu xăng cho
anh”!
Trình cười:
- Khoa làm như trước kia cô ta vẫn lấy lòng chúng mình bằng
tiền!
- Em nói đối với người khác cơ chứ! Đấy anh coi, ở làng ta
bây giờ, họ đi lại nịnh hót cô ta, một điều cụ lớn, hai điều cụ lớn. Mà cô ta
có mất gì đâu! Chẳng qua cho vay thì bắt viết ruộng! Lãi thì nặng chẳng kém chỗ
khác.
- Hơn cũng có ấy chứ lị!
Trình giọng khinh bỉ:
- Hừ! Tiền! Cô ta tưởng cứ giàu thì sung sướng được.
- Vâng, giàu thì sung sướng quái gì! Con đầy tớ của cô ta nó
thường sang kháo chuyện với nhà em rằng đêm hôm động có tiếng kêu là cô ta run
cầm cập, nói không ra hơi nữa. Mà hôm nào cũng cứ chập tối đã thét người nhà
đóng khóa các cửa.
Cả hai cùng thích chí cười ha hả. Nhưng cả hai cùng không khỏi
nghĩ đến cái đời vật chất sung sướng và đầy đủ. Đừng nói những ai giàu có hàng
chục vạn vội, cứ nhìn ngay Bỉnh cũng nhận thấy rằng tiền của làm người ta dễ chịu,
vui vẻ, bình tĩnh, mạnh khỏe nữa.
Nhất đối với Khoa, đã được ăn ở hai năm trong trường trung học
Albert Sarraut, thì sống đầy đủ lại càng là một ước vọng, hầu như một điều cần
thiết cho con người, nếu muốn sung sướng.
Chàng nhớ tới những tháng túng tiền tiêu vì chưa đòi được công
nợ hay vì thóc ế và hạ không bán được, vợ chồng phải ép lòng cần kiệm: Gạo dùng
ngày ba bữa tuy không hẩm nhưng cũ và hôi, còn thức ăn thì thường trên cái mâm
đồng đánh sáng nhoáng chỉ lỏng chỏng một đĩa dưa một dĩa cà, một đĩa rau muống
luộc và hai bát canh rau đay nấu cua đồng.
Ấy là nhà chàng còn khá đấy, chứ bên nhà Trình - hai anh em
tuy ở chung, nhưng vẫn ăn riêng - thì những ngày túng thiếu người vợ lại hà tiện
quá quắt, bữa nào cũng chỉ dọn một dĩa rau muống và một bát nước rau luộc, nổi
lềnh bềnh mấy quả cà chua.
So sánh mâm cơm quê mùa với bàn tiệc chiều hôm trước? Ôi mỉa
mai!
Giữa lúc ấy, người nhà lên mời sang phòng bên ăn sáng. Trình
hỏi:
- Quan đã lên chưa?
- Bẩm đã.
- Vậy sang thôi Khoa. Còn về kia mà!
Khoa, giọng cố làm ra thản nhiên:
- Vừa lên đã lại về ngay!
- Rồi tiện ô-tô lại lên nữa cũng được, chứ sao!
- Thế sao tiện!
Bỉnh bước vào phòng, nói:
- Tiện lắm chứ: Các chú rõ khéo kiểu cách. Trong anh em ruột
thịt mà cũng giữ gìn.
Khoa hơi ngượng, yên lặng mỉm cười.
- Mời hai chú xơi sáng rồi về cho sớm.
Ba người sang phòng ăn. Cái mặt bàn vuông giải khăn trắng
xanh, gần kín những liễn cháo bốc khói nóng thơm, những đĩa thịt gà luộc, những
đĩa chim rán vàng và các hộp cá, hộp gan đã mở nắp.
Trình cười bảo Trâm đương đứng bày thìa và đũa:
- Chị cho ăn thế này rồi về nhà mỗi khi ngồi vào mâm cơm rau
lại phải nhớ đến những bữa tiệc của chị.
Chàng thốt ra câu ấy cốt để lấy lòng người chị dâu. Nhưng
Khoa nhận thấy hết cả sự thực, sự thực chua sót, đau đớn. Bữa ăn sáng của nhà
Trình và nhà chàng ư? Một nồi cháo hoa, ai ăn thì tự múc ra bát mà ăn, nhạt thì
đã có muối, hay cà. Chàng vẫn tự an ủi rằng bữa sáng chỉ nên ăn một bát cháo
cho được nhẹ bụng, và chàng viện cả lời dạy của bác sĩ Pauchet: “Sáng dậy không
nên ăn gì, chỉ nên uống một cốc cà-phê loãng”. Nhưng nay ngắm bàn ăn của Bỉnh,
chàng nghĩ thầm: “Cà-phê! Làm quái gì có cà-phê mà uống!”
- Kìa mời chú Ba. Chú chỉ ngồi ngắm thức ăn.
- Xin chị để mặc em. Em không biết làm khách đâu.
- Vậy mời hai chú xơi.
Vừa nói, nàng vừa gắp bỏ vào mỗi đĩa của hai em chồng một cái
tỏi gà luộc. Trình hỏi cho có chuyện:
- Sao chị mua được bánh tây?
- A, tôi lấy sổ ở Hà Nội, hôm nào người ta cũng gửi xe hàng
đem vào, cả thịt bò cũng vậy.
Khoa liếc nhìn anh chị, sự thèm muốn, sự ghen tị nữa thoáng
hiện ra trong hai con mắt chớp mau. “Sung sướng thực! Sẵn tiền thì muốn có thức
gì là có thức ấy liền. Ngày ngày, mua bánh tây ở tận Hà Nội... Xa gần ba chục
cây số!” Câu bình phẩm của Trâm như tưới thêm dầu vào đống lửa ước vọng:
- Bánh tây thì các chú không mua được, chứ gà vịt chắc các
chú chả thiếu. Ở nhà quê hẳn gà vịt sẵn, trứng sẵn...
Bỉnh lại tiếp luôn:
- Và khi nào cao hứng, muốn quay một con lợn sữa chén với rượu
ngang thì cũng có ngay. Thần tiên lắm chứ!
Trình thực thà:
- Chúng em quen ăn rau mãi, dễ có ngày thành tiên thực đấy.
Nhưng Khoa im lặng ngồi ăn. Chàng vẫn có tính che đậy, và thường
nói úp mở để Bỉnh và Trâm tưởng mình sống đầy đủ quanh năm.
Chẳng thế mà những lần anh chị về chơi, vào lúc nhà không sẵn
tiền chàng lại bắt vợ phải ngầm đi gọi hàng sáo đến bán rẻ vài chục phương thóc
để có thể thết anh chị được những bữa tiệc tuy chẳng long trọng bằng bữa tiệc
hôm qua, nhưng cũng tươm tất, dễ trông.
Bỉnh vừa nhắc tới con lợn sữa cũng vì trong những bữa cơm ở
nhà quê, chàng đã có lần được ăn món ấy.
Bữa điểm tâm kéo dài hơn nửa giờ. Ai nấy ăn no như ăn một bữa
thường. Rồi trước chén trà mạn sen, câu chuyện gia đình bỏ dở chiều hôm trước lại
nối. Trâm bắt đầu gợi ra, bảo chồng:
- Tôi thiết tưởng hơn hết là cậu nói thẳng vào mặt cô ta rằng
cô ta giàu thì mặc kệ cô ta, cô ta đi đâu mà hống hách thì đi, không được về
làng mà hống hách xằng.
Khoa hùn thêm vào:
- Chị thế mà bướng hơn anh!
Được thế, Trâm hăng hái nói tiếp:
- Phải không, hai chú? Cụ lớn, cụ bé gì cô ta. Ngày thầy lấy
cô ta có cheo cưới gì đâu. Chẳng qua là nàng hầu gái theo.
Bỉnh mỉm cười:
- Thôi, tôi xin mợ! Bới đống phân ra làm gì cho thối hoăng
lên. Cứ để vậy, đừng chọc vào là hơn.
Trâm đưa mắt nhìn Trình và Khoa:
- Đấy, hai chú coi, anh nhút nhát như thế đấy.
Một tia ngờ vừa lọt vào ý nghĩ Khoa. Chàng cho rằng anh nay
làm quan sung sướng, sống biệt hẳn một nơi, rồi khi già về hưu tận nhà ở Hà Nội,
như thế còn dính dáng gì đến ai mà cần. Còn Trình và chàng thì khác hẳn, luôn
luôn bị một bọn dân làng xu phụ người đàn bà kia coi thường và có khi rói hỗn nữa
để nịnh hót kẻ mà họ hòng nhờ vả.
Cảm thấy yên lặng đã kéo dài và khó chịu, Bỉnh đứng lên nói:
- Chúng ta sắp sửa về thôi.
V
Ô-tô ông huyện! Ô-tô ông huyện chưa về đến nhà, cả làng Giáp
đã biết. Cái tin ấy đã theo tiếng còi điện mà lan rộng mãi ra, mà bay vào các
xóm, các ngõ một cách rất mau chóng.
“A ha! Ô-tô ông huyện!”
Người ta nói ông huyện để khỏi lẫn với quan huyện cai trị mà
người ta sợ hãi. Cũng có người phân biệt bằng cách xưng hô sang trọng hơn:
“quan huyện nhà” hay thân mật hơn: “ông huyện Bỉnh”. Những người ấy phần nhiều
đều là chú, bác, cô, cậu, thím dì, trong họ nội, họ ngoại xa gần của Bỉnh.
- Bà Hai, bà Ba ơi! Các ông ấy đã về đấy, các ông cùng về
ô-tô với ông huyện.
Nghe tiếng réo ở cổng, vợ Trình ngơ ngác bảo vợ Khoa:
- Bậy! Mới đi hôm qua đã về sao được!
Vợ Khoa cười, đáp:
- Vâng, sớm lắm thì cũng một tuần lễ.
Rồi nàng quay bảo người ngồi cánh trên:
- Có ăn không thì bốc?
Vì lúc bấy giờ hai chị em dâu đương đánh chắn với ba người
láng giềng: bác lý Nghiên, bác phó Tới và chị xa Phiệt. Ruộng phần nhiều cho cấy
rễ, nên hai người đàn bà rất nhàn thường họp bàn chắn, tam cúc hay tổ tôm còm
cho đỡ buồn, nhất những khi hai người đàn ông vắng nhà.
Cũng như chồng họ, hai người đàn bà luôn luôn vui vẻ hòa thuận
với nhau. Trong họ ngoài làng người ta đều khen:
“Hai bà ấy coi nhau y như chị em ruột vậy!”
Song, trái với tình yêu mến thành thực, kín đáo và tự nhiên của
Trình và Khoa, sự thân thiết của hai người đàn bà thường ngượng ngập, ầm ỹ và
kiểu cách. Hình như họ phải cố gắng mới tỏ được với nhau những tính tình tốt đẹp.
Sự thực, trong thâm tâm họ vẫn ngấm ngầm âm ỉ sự tức tối và sự
khinh nhờn, sinh ra bởi giai cấp khác nhau: hai tính tình ấy không bùng lên,
không lộ ra cho mọi người trông thấy được là vì bị một tính tình khác mãnh liệt
hơn lấn áp: sự thù ghét bà Ba. Hai người chồng đối với bà Ba chỉ lãnh đạm, - có
lẽ phải cố làm ra thế để người làng khỏi chê rằng mình nhỏ nhen, tẹp nhẹp như
đàn bà. Nhưng Tính và Chuyên, hai người vợ, thì thù ghét ra mặt, thù ghét bằng
cách xử trí có khi tàn nhẫn, bằng lời nói có khi lỗ mãng trong những câu chuyện
bắn tin.
Họ không thù ghét sao được! Tính trong sáu năm và Chuyên
trong ba năm làm dâu, thời ông án còn tại chức, đã bị người đàn bà ấy dựa thế
cha chồng hạch sách, hành hạ đủ điều. Ngày nay nghĩ đến hai tiếng “mẹ kế” mà
người ấy thường nêu ra trong câu chuyện với bà con, hai chị em vẫn còn muốn lộn
tiết văng tục ra. “Đấy bà coi, đối với tôi là mẹ kế chồng các mợ ấy, các mợ ấy
còn xử thế đấy” “Thực tôi chỉ là mẹ kế các cậu ấy mà tôi ăn ở chẳng khác gì một
người mẹ đẻ”. Đáp lại nhưng câu nói đổng, bao giờ, ở trong phòng bên, Tính cũng
khúc khích cười bảo Chuyên: “Mẹ ranh!” Còn Chuyên thì tức uất, nghẹn ngào như sắp
tắt thở.
Nàng chịu làm sao nổi cái cảnh làm dâu “quái gở” ấy! Thà rằng
là mẹ chồng nàng cho cam! Chứ cái con người chưa tới bốn chục tuổi kia mà cũng
đòi làm mẹ nàng ư! Mà cũng chảnh lỏn, cũng tai ngược, hách dịch với nàng sao!
Nàng là con quan, con một quan phủ, con gái yêu một bậc mệnh phụ, chẳng lẽ lại
cúi mình đi hầu hạ một người đàn bà ít tuổi và không rõ “sản xuất” ở nơi tối
tăm hèn hạ nào!
Luôn luôn nàng bực tức nghĩ thế. Nhưng nếu đương vui vẻ trò
chuyện ở trong buồng mà nghe tiếng dép lẹp kẹp của người đàn bà bước vào thì
cũng như Tính, nàng thin thít im ngay, cái im lặng rụt rè và sợ hãi. Hơn thế, nếu
người kia có thớ lợ bảo: “‘mợ Ba’ hay ‘chị Ba’ làm ơn têm cho me mấy miếng giầu”
thì chẳng lần nào nàng dám lườm nguýt hoặc: nói lại một câu bóng gió mỉa mai. Họa
chăng lúc người vợ lẽ ra nhà ngoài ngồi vắt vẻo trên sập đối diện với cha chồng,
nàng mới dám bĩu dài môi dưới ra mà thì thầm: “Me gì, me tây ấy à?” Tính nghe
thấy nhét khăn vào miệng, cười chảy nước mắt.
Tính dễ dãi hơn, và trước khi Chuyên về làm dâu, nàng không
nhận thấy rõ rệt cái cảnh éo le đau đớn của mình. Chẳng qua có Chuyên xui xiểm,
và vạch ra cho nàng, nàng mới biết đường mà kình địch lại người vợ lẽ, một lối
kình địch nhút nhát trong xó tối.
Là vì nàng không sinh trưởng ở nơi quyền quý như Chuyên. Gia
đình nàng chỉ là một gia đình cự phú xứ quê, đã mấy đời quen tòng phục các
quan. Mỗi lần ông hàn sinh ra nàng đến chơi thăm bên thông gia là một lần ông
ta làm cho Chuyên bực bội: Ông ta khúm núm trước mặt ông án và người đàn bà, một
điều bẩm hai cụ lớn, hai điều bẩm hai cụ lớn, rồi xưng con xưng cái một cách rất
tự nhiên, không chút ngượng ngùng. Chuyên cho đó là một sự nhục nhã, nhục nhã
không những riêng đối với một mình Tính mà đối với chung tất cả mấy chị em dâu.
Chuyên cự Tính chẳng thiếu lời, nhưng Tính chỉ thở dài đáp lại: “Thím bảo tôi
biết làm thế nào? Ông cụ nhà tôi hiền lành quá, kia!” Chuyên cáu kỉnh gắt: “Chị
coi cụ cử sinh ra chị Bỉnh, cụ hách biết bao! Chững chạc biết bao!”
Tuy nàng tức thì nàng nói thế để bỉ ông hàn mà thôi, chứ
trong thâm tâm, nàng vẫn hiểu rõ rằng cụ cử Lương cũng như con gái cụ, ở vào một
trường hợp khác hẳn. Đối với Trâm, vợ Bỉnh, không bao giờ người vợ lẽ dám xưng
“me” và dám cư xử ra một bậc kế mẫu. Nàng cho rằng - và nàng chẳng hề giấu diếm
ai điều ấy - Bỉnh là con bà cả thì địa vị của Bỉnh cũng như địa vị của mẹ Bỉnh
đã rõ rệt lắm rồi. Còn như bà Hai mất đi đối với nàng cũng là vợ thứ, hơn kém
gì nhau! Chẳng qua lấy trước là bà Hai, mà nàng lấy sau là bà Ba. Vậy con bà
Hai tức cũng là con nàng và cái địa vị kế mẫu của nàng là riêng đối với bọn họ.
Bà Ba lý luận như thế cho suôi câu chuyện gia đình hơi rắc rối.
Kỳ thực, sự đối đãi phân biệt của nàng chỉ rõ rệt từ khi nàng thấy Bỉnh thi đậu
vào trường Đại học giữa lúc Trình và Khoa, vì lười biếng, chơi bời, bỏ học về ở
nhà. Một đằng có thể xuất chính nay mai và sống riêng một đời tự lập cao sang.
Một đằng ở nhà ăn bám cha và đương hy vọng được cha cấp vốn ra kinh doanh công
kia việc nọ. Cái mầm khinh, trọng khác nhau mộc rễ mỗi ngày một sâu trong óc
người đàn bà thông minh và khéo biết xoay liệu thời cơ.
Nhưng không phải vì thế mà bà Ba mất hẳn sức đàn áp đối với vợ
chồng Bỉnh. Một lần vì một câu chuyện lôi thôi trong gia đình, Bỉnh viết thư về
cho nàng, khuyên nàng nên “vừa vừa chứ”. Tức thì mấy hôm sau Bỉnh nhận được thư
trả lời của cha, trong đó cha nhắn tin cho “tên Bỉnh” biết rằng “tên ấy” là một
thằng khốn nạn. Lúc bấy giờ Bỉnh đang làm tham tá ở Ninh Bình. Chàng xin phép
nghỉ hai ngày về thăm nhà. Trình và Khoa khóc mếu thuật lại cho chàng nghe mọi
điều ức hiếp và lăng loàn của người dì ghẻ. Chàng đi thẳng xuống tư thất trỏ
vào mặt người đàn bà mà mắng nhiếc. Hai bên đôi co nhau làm cho ông án đương ngủ
trưa chợt thức giấc giữa những tiếng kêu trời của vợ lẽ.
Bị cha chửi, Bỉnh bỏ đi Ninh Bình. Và ngay hôm sau chàng nhận
được mấy hàng vắn tắt sau này của cha: “Mày dám đánh vợ tao, vậy từ nay tao cấm
cửa, không cho mày lai vãng tới nhà tao. Tao từ mày, không cha con gì nữa”.
Nhưng chỉ hai tuần sau Bỉnh đã được cha tha lỗi, gọi về chơi.
Đó là công trình của người vợ lẽ. Bà Ba biết rằng gây thù, gây oán với “anh
tham” không có lợi gì cho mình. Và từ đó nàng cũng đỡ ức chế vợ chồng Trình và
vợ chồng Khoa...
Thế rồi trong cái gia đình buồn tẻ, hai lần có sự biến đổi:
ông án về hưu trí và bảy năm sau ông qua đời. Trong bảy năm ở nhà quê, Trình và
Khoa sống bình tĩnh và tự do hơn; vì ông án đã chia ruộng, chia của cho hai người,
để ở riêng với vợ lẽ trong một dinh cơ khác xóm với chỗ ở của hai con.
Cái chết của ông án là một dịp thứ nhất để đôi bên trả thù
nhau. Chuyên khóc: “Hờ cha ơi, cha đi đâu cha bỏ các con. Bao nhiêu đứa nấp dưới
bóng cha mà được người ta kính trọng vì nể, nay cha trăm tuổi rồi thì bọn họ thực
là khổ sở, khốn nạn”.
Người vợ lẽ mỉm cười khinh bỉ trong cái mấn sô, rồi khóc đáp
lại liền: “Quan lớn ơi, quan lớn đi đâu quan lớn bỏ đàn con dại cho tôi. Quan lớn
ơi quan lớn đi thì sướng lấy một mình, nhưng lũ con quan lớn bồ côi, nheo nhóc,
quan lớn để lại cho tôi nuôi tôi dạy một mình, cực nhục lắm quan lớn ơi!”
Bỉnh thẳng thắn đến ghé tai dì ghẻ bảo nhỏ: “Cô khóc thế
không được!” Người đàn bà lại nức nở:
- Hờ quan lớn ơi, cực nhục cho tôi chưa, quan lớn nằm xuống
tôi đau đớn tôi khóc thì con quan lớn cấm tôi, không cho tôi khóc, hờ quan lớn
ơi!
Thế là cuộc chiến tranh bắt đầu.
Và gay go tới tận ngày nay.
Nhưng ngày nay sao lại có bức thơ của người đàn bà gửi lên
huyện cho Bỉnh, một bức thư lời lẽ rất ôn tồn êm thắm. Một bức thư hàng hay một
bức thư khiêu chiến?
Trình và Khoa không khỏi băn khoăn về điều đó. Tuy không ai
thú nhận với ai, cả hai cùng không dám bạo dạn nói thẳng ý nghĩ của mình với Bỉnh.
Ô-tô qua cổng vào sân. Tính và Chuyên xóa bàn chắn chạy ra
chào và hoảng hốt hỏi chồng xem có việc gì cần mà về vội thế, nhất lại cùng về
với anh huyện. Mãi lúc ấy Khoa mới buột miệng thổ lộ tâm sự của mình ra:
- Về để đối phó với “troisième”.
Và chàng giựt mình nghĩ thầm:
- Vậy ra khai chiến?
Tính sợ hãi:
- Đối phó việc gì thế?
Bỉnh mỉm cười:
- Đối phó một việc rất quan trọng: cô ta mời ba anh em sang dự
tiệc.
Chuyên vội kêu:
- Ấy chết! Đừng nhận nhời!
Bỉnh vẫn mỉm cười.
- Chừng thím sợ cô ta đánh thuốc độc giết chết cả ba anh em?
Chuyên hơi ngượng, đáp:
- Đánh thuốc độc thì chả dám đâu. Nhưng sang ăn cơm nhà cô ta
thì không tiện một tí nào.
Trình cười:
- Sao không tiện? Rồi các bà lại làm một bữa tiệc sang, sang
hơn mời lại chứ sao!
Khoa nghĩ ngay tới thực hiện:
- Tiệc tùng gì chả biết, mợ hãy làm ngay một mâm cơm, chẳng
đói lắm rồi. Dễ hơn mười một giờ rồi đấy.
- Ồ nhỉ!
Thế là hai người đàn bà mỗi người chạy đi một ngả, Chuyên ra
chợ mua thức ăn, Tính xuống bếp giục đun nước làm gà, và vo gạo thổi cơm.
VI
Bên nhà bà Ba cũng huyên náo, nhộn nhịp vì cái tin Bỉnh về
làng. Người đầu tiên trông thấy ô-tô của Bỉnh là Cúc.
Đứng cửa sổ trên gác nhìn ra chợ, Cúc thoáng nghe thấy tiếng
còi điện. Một cái ô-tô về làng bao giờ cũng là một sự khác thường và gợi tính
tò mò của mọi người. Cúc bảo mẹ:
- Mẹ ạ, có ô-tô về.
Bà Ba đương ngồi nói chuyện với sư cụ chùa làng, quay lại gắt:
- Cô lạ ô-tô lắm hay sao mà rối lên thế?
Nhà sư gặp được dịp tốt để nịnh một câu, cười nói:
- Bẩm cụ lớn với cô thì còn thiếu gì ô-tô!
Cúc đăm đăm nhìn rồi bỗng reo:
- Ô-tô anh huyện, me ạ.
Bà Ba đứng dậy xỏ chân vào dép đi ra cửa sổ:
- Xe anh huyện à?
Quả thực, ô-tô của Bỉnh lúc đó đương rẽ vào con đường chợ. Bà
Ba hãnh diện bảo sư cụ:
- Bạch cụ, tôi viết giấy bảo anh ấy về đấy mà.
- Bẩm cụ lớn viết thư truyền quan huyện về chơi?
- Bạch cụ vâng, tôi viết thư hôm kia.
- Ô thế thì mau quá nhỉ! Bẩm cụ lớn thời buổi bây giờ việc gì
cũng mau chóng... Bẩm cụ lớn thế bà lớn huyện có về không ạ?
- Chắc có. Nhưng một mình anh ấy về cũng đủ.
- Dạ. Chừng cụ lớn truyền quan lớn huyện về việc làm đàn hầu
cụ lớn ông?
- Bạch cụ vâng. Với lại còn một việc nữa. Cái việc tôi đã nói
vói cụ ấy mà.
- Dạ!
- Rồi cụ khuyên anh huyện nói hộ tôi một câu nhé?
- Dạ, xin vâng... Còn việc lập đàn, cụ lớn đã cho đặt mã rồi?
Cúc đứng cửa sổ kêu:
- Me ơi, xe anh huyện sắp qua nhà ta đấy, me ạ.
Bà Ba ra bao lơn cúi xuống đường gọi:
- Anh huyện!
Nhưng chiếc ô-tô êm lặng lướt qua, đi về phía nhà Trình và
Khoa.
Bà Ba như nói một mình:
- Thế thì thôi! Chừng còn cho đánh ô-tô vào sân. Cẩn thận
quá!
Sư cụ không bỏ một dịp nào có thể nịnh được: Cụ đương mong
ngóng cái đàn chay của bà Ba vì ít ra cụ cũng kiếm được... cho chùa một món lời
ngoài trăm bạc:
- Bẩm cụ lớn, chắc quan lớn huyện còn sắp quà các rồi cho người
nhà bưng sang biếu cụ lớn.
Bà Ba giọng thân mật và để nói tuế tóa:
- Ồ giời! Sư cụ còn lạ gì tính các anh ấy nữa, có cho các anh
ấy cái gì thì cho, chứ đừng hòng các anh ấy biếu chác!
Sư cụ lặng thinh, lúng túng, chưa biết nói sao để được lòng
bà Ba thì bà ta đã xoay ngay câu chuyện về ngả khác:
- Bạch cụ, cụ cho sửa soạn để đón cụ hội trưởng chưa?
Nhà sư thừa hiểu là cụ hội trưởng hội Phật giáo, nhưng cũng hỏi
lại cho được trọng thể:
- Bẩm cụ lớn, việc đón cụ lớn hội trưởng hội Phật giáo về diễn
thuyết ở chùa ta?
- Vâng.
- Bẩm cụ lớn, đã sắp sẵn xong đâu đấy cả rồi. Bẩm, giá cụ lớn
hội trưởng chịu đi võng trần từ chỗ đường cái rẽ vào làng thì đẹp quá! Nhưng cụ
lớn hội trưởng lại muốn đi xe tô-vin thẳng vào tận cổng chùa.
- Tôi đã bảo chánh hội và lý trưởng sửa chữa con đường đất rồi.
Sư cụ cũng biết rằng ông huyện đã thừa lệnh tỉnh, sức cho lý
trưởng phải bắt tuần tráng đắp rộng thêm con đường vào chùa để đón quan khách về
dự lễ khánh thành chi hội Phật giáo làng Giáp. Nhưng cụ vờ mở to cặp mắt để tỏ
sự kinh ngạc kính cẩn và nói:
- Dạ, thế thì phúc đức quá! Công đức cụ lớn thực cũng to bằng
công đức tô tượng đúc chuông. Sửa đường rộng rãi, quang đãng thì thiện nam tín
nữ các nơi mới kéo nhau đến nghe thuyết pháp đông được, rồi vì thế mà rạng rũa
con người, mà cải tà quy chính. Phúc đức quá!
Bà Ba mỉm cười:
- Bạch cụ, tôi lại nghĩ ra một mưu này để kiếm thêm hội viên
cho chi hội ta. Điều ấy tôi đã bàn với cụ Thiện và cụ Trường. Là chỉ cho những
người có chân hội vào nghe giảng thuyết thôi. Còn ghế ngồi thì dành riêng cho từ
chủ trì hội viên trở lên.
Nhà sư cười nịnh:
- Dạ, cụ lớn xếp đặt thực chu đáo quá!
- Cụ tính, đã mất công từ xa đến, ai không bỏ ra ba hào vào
thường hội viên để được nghe giảng kinh. Còn ai chứ con mẹ hàn Liêu thì sống chết
nó cũng cúng năm chục bạc để được một chân tán trợ hội viên mà lên ngồi chễm chện
hàng ghế đầu.
Sư cụ vẫn cười:
- Dạ, có thế!
- Phải không cụ, tội gì lại không làm tiền cho hội?
- Dạ.
- Mình có làm tiền cho mình đâu!
- Dạ.
- Mình còn có thể quyên tiền nữa. Chà! Làng ta chán người
giàu ra đấy.
- Dạ, giàu của lại giàu cả lòng từ thiện. Bẩm thực quý hóa
quá!
- Cụ tính làm việc từ thiện như thế để được phúc cho mình,
cho con cái mình, thì ai chả muốn.
- A di đà Phật! Phúc đức quá! Vậy nhất định mồng bốn này cụ lớn
hội trưởng về?
- Bạch cụ, vâng.
- Bẩm cụ lớn hội trưởng nhất định đi xe tô-vin vào tận cổng
chùa?
- Vâng.
- Giá cụ lớn hội trưởng dùng võng trần thì vẫn có thể thống
hơn. Đi võng trần che bốn lọng trông đẹp biết bao!
Bà Ba ngẫm nghĩ rồi nói:
- Được, để tôi bàn với cụ Trường. Có thế nào sẽ viết thư
trình lại cụ hội trưởng cũng kịp. Còn thứ tự lúc rước về chùa thì tôi định thế
này: cụ hội trưởng đi đầu rồi đến cụ Trường, cụ, cụ Thiện, mỗi cụ một lọng,
riêng một xe cao su.
- Bẩm cụ lớn thế thì long trọng lắm.
- À, bạch cụ, cụ hay cụ Trường thuyết pháp?
- Bẩm, để cụ Trường vì cụ tốt giọng.
- Tôi đã đổi hai chục bạc trinh. Tôi định hễ thuyết pháp xong
là tôi phát chẩn.
- A di đà Phật! Phúc đức quá! Cụ lớn bố thí cho kẻ khó?
- Vâng.
- Bẩm cụ lớn chăm làm việc thiện lắm. Trong báo Đuốc Tuệ kỳ
này thấy có đăng cụ lớn cúng vào hội trung ương năm mươi nhăm đồng.
- Thế à? Thế mà tôi không biết đấy.
Kỳ thực, bà Ba đã nhận được số báo Đuốc Tuệ ngoài bìa có đánh
dấu và ghi bằng nét chì xanh số trang đăng giòng tên bà với số tiền cúng năm
mươi nhăm đồng cũng gạch chì xanh. Bà chưa kịp đem báo khoe với cụ Giáp, cụ Trường,
cụ Thiện thì nay chính cụ Giáp lại nhắc đến, khiến bà sung sướng và cảm động.
- Bẩm cụ lớn, chúng tôi thấy cụ Trường nói chuyện, cụ Trường
đọc quốc ngữ thông lắm rồi ạ. Cụ học thế cũng phải. Chẳng nhẽ cụ hội trưởng một
chi hội Phật giáo mà lại không đọc nổi sách quốc ngữ.
Nhà sư cười có vẻ hóm hỉnh, hỏi lại:
- Bẩm cụ lớn nghĩ có phải không ạ?
- Vâng, với lại quốc ngữ học cũng dễ. Bạch cụ tôi cúng năm
mươi nhăm đồng là vì... tại sao lại cứ phải cúng đúng năm mươi đồng như mọi người
khác?
- Dạ.
Giữa lúc ấy Cúc ở ngoài bao lơn đi vào, nói:
- Me ạ, chị phó Tạc chị ấy đến đây.
- Đâu?
- Bẩm, con thấy chị ấy đội một mâm nhãn. Bà Ba như quên có
nhà sư ngồi bên, cất tiếng quát lớn, chừng để ra oai:
- Con phó Tạc đấy phải không? Bà truyền đời cho mày biết,
chuyến này mà không trả nợ bà thì bà cắm nhà, thì bà cắm ruộng.
Một người đàn bà sống, áo, khăn cùng một màu nâu bẩn bạc thếch
mà người ta không đoán được rằng đã đeo vào cái thân thể gầy gò già cỗi từ bao
giờ. Cái dúm giẻ ấy cúi đặt mâm nhãn xuống sàn gác rồi ngồi phệt theo xuống mà
vừa lạy vừa nói:
- Con cắn rơm cắn rác con xin cụ lớn, cụ lớn sinh phúc cho
con, quả thực tình cảnh vợ chồng con chưa sao lo kịp...
Bà Ba thét:
- Chị séo ngay, tôi không sinh phúc sinh đức gì cả. Tôi
thương chị nhiều lắm rồi. Chị xem có bao giờ tôi cho vay chục bốn, chục năm như
thế đâu! Ít nhất là chục sáu. Tôi thấy vợ chồng chị đông con cái, tôi thương.
Chị phó soắn ngay lấy câu ấy:
- Vâng, bẩm cụ lớn, cụ lớn thương chúng con lắm, thương chúng
cón nhiều lắm. Nhưng lần này cụ lớn đã thương thì cụ lớn thương cho trót. Chúng
con mới bỏ mất đứa cháu, tốn bao nhiêu tiền thuốc tiền thang mà nó chết vẫn
hoàn chết.
- Ối chào! Chị kể lể lôi thôi lắm.
- Lạy cụ lớn, cụ lớn thương chúng con một chuyến nữa, một
chuyến này nữa thôi.
Bà Ba cười:
- Tôi thương chị để tôi chết đói nhé! Tôi chết đói thì có ai
thương tôi không? Thôi đi! Đi ngay!
Chị phó Tạc vẫn cố kêu van:
- Lạy cụ lớn...
Nhưng bà Ba quả quyết không cho nói:
- Tôi không nghe nữa mà. Đi đi!
Rồi gọi:
- San, Tửu! Lôi chị ấy ra, giả nhãn chị ấy! Tao đương bận
đây.
Tức thì người đàn bà bị đứa đày tớ gái lực lưỡng ẩy xuống
thang gác. Tiếng quả nhãn rụng rơi lác đác và lăn long lóc từng bực. Bà Ba vẫn
chưa hết tức, còn quát theo:
- Quân láo à! Khất lần mãi à? Được! Rồi bà cho mày biết tay.
Bà mỉm cười im lặng nghĩ thầm: “Thế nào mai nó chả đến xin viết
gộp vốn lãi. Được rồi! Bằng già mẫu ruộng đấy. Chứ ngữ ấy cũng khó lòng mà giả
được! Ở nhà quê không khôn khéo, không chặt chẽ thì không xong với những quân
khốn nạn!”
Bà quay lại và như vừa chợt trông thấy cụ Giáp ngồi trong ghế
bành, vẻ mặt trầm ngâm suy nghĩ, mắt lơ đãng nhìn qua cửa sổ xuống cái ao bèo
hình chữ nhật. Bà ngập ngừng bảo nhà sư:
- Bạch cụ, họ tệ lắm cơ ạ. Họ chỉ òn thế thôi chứ vụ chiêm
năm nay được mùa, họ đã đến nỗi gì.
- Dạ, quả có thế ạ.
- Bạch cụ, gặt được thóc nó để nó bán, chứ nó không chịu trả
nợ. Nếu không có năm chục thùng thóc của tôi cho vay thì vợ chồng con cái nhà
nó đã chết nhăn răng ra rồi còn đâu đến ngày nay.
- A di đà Phật! Cụ lớn phúc đức lắm, cụ lớn đã cứu sống bao
nhiêu người. Nhưng việc gì cũng phải có giới hạn chứ!
Đó chỉ là một câu nịnh hót không ngụ một ý nghĩa mỉa mai,
nhưng bà Ba tự nhiên thấy ngượng, cất tiếng gọi để đánh trống lảng:
- Cô Cúc ơi!
Cúc chạy vào, tay cầm chiếc nhẫn vàng chạm.
- Sao nước lâu thế, con?
Nhà sư đứng dậy, kính cẩn nói:
- Bẩm cụ lớn xá cho.
- Ấy, mời cụ ngồi chơi uống chén chè mạn sen đã.
Cụ Giáp lại hắng dặng ngồi xuồng. Cúc, giọng nũng nịu, nói với
mẹ:
- Cái nhẫn này cổ lắm mà thô lắm me ạ, me đánh lại cho con.
Bà Ba đăm đăm nhìn con, ngẫm nghĩ. Rồi như chợt nhớ ra, bà bảo
nhà sư:
- Hôm đúc tượng đức thánh Mẫu cụ nhắc tôi để tôi cúng chiếc
nhẫn này vào lò đồng.
Cúc vội kêu:
- Con chịu thôi!
Bà Ba gắt:
- Con bé mới dại chứ! Chả phúc nào bằng đâu, con ạ, Con cứ
cúng vào rồi me đánh cho con chiếc khác.
Sư cụ xuýt xoa khen:
- Dạ phúc đức quá!
- A, cụ định hôm nào khánh thành đền Mẫu!
- Bẩm cụ lớn tôi muốn để đến tháng Tám mát giời. Nhưng cũng
còn tùy cụ lớn.
- Cụ để đến tháng Tám cũng phải.
Cái đền Mẫu ấy cụ Giáp dựng lên bằng những món tiền quyên của
thiện nam tín nữ, trong số đó có hai trăm bạc của bà Ba. Năm trước cụ vừa ngỏ ý
lập đền, các bà “từ thiện” quen thuộc đã tranh nhau cúng tiền, cúng gỗ, cúng gạch.
Ở trong làng và khắp mấy tổng lân cận, ai ai cũng mến phục cụ Giáp. Họ mến phục
cụ không phải vì cụ thông thạo kinh kệ, biết rộng về đạo Phật - xuất thân đi ở
chăn trâu cho nhà chùa, cụ còn biết rộng sao được! - nhưng vì cụ cao tay và giỏi
các phép ngoại. Những bùa của cụ đã nổi tiếng khắp vùng là linh thiêng. Ai có
người nhà bất hạnh chết vào giờ trùng, ngày trùng, chỉ việc đến xin cụ một đạo
bùa về yểm là gia đình sẽ chắc chắn được yên lành. Ai có cái mụn nhọt, cái ổ gà
đau đớn ở nách, cái đinh râu nguy hiểm ở cằm, ở mọi đến nhờ cụ khoán cho sẽ khỏi
tức khắc. Rồi nhiều ít, muốn cúng bao nhiêu tùy tâm, cụ không nài. Nhưng thường
thường người ta cúng rất hậu, để trả ơn cụ một cách xứng đáng cũng có, nhưng nhất
là để tránh sự báo thù ghê gớm của cụ.
Thực ra, sư cụ chưa “phản” ai bao giờ, nhưng người ta vẫn sợ
bóng sợ vía cụ và huyên truyền những bí thuật của cụ, khiến người nghe phải
rùng rợn, dựng ngược tóc gáy. Còn điều gì người ta dám ngờ khi người ta đã khiếp
sợ! Bởi vậy, cụ vừa kể những điều mà đức thánh Mẫu về báo cho cụ biết trong giấc
mộng, mọi người xuýt xoa tin ngay. Và bởi vậy, ngôi đền Mẫu sặc sỡ đủ các màu,
lấp lánh những mảnh sứ, chói lọi những cột son, những cửa võng vàng, chỉ trong
vòng có gần một năm đã hoàn thành.
- Bẩm cụ lớn hôm khánh thành chúng tôi định mở cờ người cho
vui.
- Tùy cụ. Rước cụ xơi nước.
- Không dám, xin rước cụ lớn.
Uống cạn chén chè mạn, nhà sư đứng dậy cáo từ. Bà Ba tiễn ra
tận cổng.
Lúc trở vào, nghe có tiếng chó kêu trong bếp, bà vội đi xuống
và thấy thằng San đương cầm một cành tre tươi nhỏ vụt túi bụi vào mình con Cún
buộc ở cột. Con chó co thẳng xích để cố tránh những roi đòn, và ăng ẳng kêu om
lên như để van lơn hay cầu cứu. Bà Ba thét mắng:
- Sao mày đánh nó thằng kia?
San bỏ con vật quay lại:
- Bẩm hỗn lắm, con ngồi chặt thịt gà, nó cướp ngay mất một miếng.
- Thế thì đã sao! Mày ác lắm, tàn nhẫn lắm. Mày phải biết nó
cũng biết đau như mày, cũng có linh hồn như mày, kiếp trước nó cũng làm người
như mày. Mày xử với nó như thế à? Mày hành hạ nó thế à? Chẳng sợ xuống âm phủ,
bị cưa đầu, cắt lưỡi, bị vứt vào vạc dầu, rồi kiếp sau lên làm chó thay nó! Người
ta phải có lòng nhân từ, mày hiểu chưa, nhân từ đối với người, đối với súc vật,
đối với cả cỏ cây, vì cỏ cây cũng có linh hồn, kinh Phật dạy thế.
Bà Ba đến tháo xích cho con vật, rồi vuốt ve nó, nói nựng:
- Thôi con, con đừng chấp nó. Nó ngu lắm, nó không hiểu nghĩa
lý gì hết. Con cứ chịu nhẫn nhục rồi kiếp sau con sẽ lên làm người, con ạ.
Làm xong một việc từ thiện đối với con vật khốn nạn, bà Ba
thong thả, buồn rầu lên gác, lòng rạo rực nỗi đau thương.
VII
Ở nhà người dì ghẻ ra, Bỉnh lững thững bước một trên con đường
làng lát gạch. Chàng không muốn về vội. Vì chàng biết rằng vợ chồng Trình và vợ
chồng Khoa đương chờ tin tức cuộc hội kiến của chàng với bà Bà. Mà chàng chưa
quả quyết nên trả lời họ ra sao. Nói ngay tất cả sự thực hay đợi thong thả để họ
tự hiểu tình thế đã. Chàng nghĩ thầm: “Nói đột ngột thì chắc thế nào hai người
cũng từ chối thì cũng hơi vô lý”.
Bỉnh cười lẩm bẩm: “Vô lý! Vô lý quá! Cô ta đâm ra tử tế
chăng?”
Chàng nhớ lại diện mạo người đàn bà mà chàng thấy hiền lành
hơn trước nhiều, có vẻ phúc hậu nữa: “Hay vì cô ta mộ đạo Phật, vì đức Như Lai
đã mở mắt, khoan tai cho cô ta!” Lần thứ hai chàng cười lên tiếng: chàng không
thể tin rằng người đàn bà ấy lại mộ đạo đến nỗi cải ác vi thiện được!
Chàng trang nghiêm nghĩ tiếp: “Nhưng có gì là vi thiện đâu?
Mình cứ đứng về phương diện tiền là nghĩa lý quái gì! Biết đâu cô ta không vì sợ
hãi... Phải, sống cái đời sống trơ trọi chưa đáng ghê sự, chưa đáng rùng rợn,
nhưng trơ trọi sau khi chết, chẳng ai cúng giỗ... Đích rồi đích thế rồi, chứ có
gì là cải ác, có gì là vi thiện? Chẳng qua chỉ là ích kỷ. Lúc sống vơ vét để
làm giàu, rồi khi trở về già sửa soạn cho cái chết được long trọng, cho linh hồn
sau này sẽ được có người cúng lễ. Sống ích kỷ, chết ích kỷ! Cái linh hồn ích kỷ
ấy còn siêu thăng tịnh độ sao được mà tu với hú!...”
- Thưa anh đi đâu đấy ạ?
Bỉnh quay nhìn: chàng đã đi qua con đường hẻm rẽ về nhà. Đứng
dưới cái vòm cổng, lố nhố bốn, năm người đàn bà, trong số đó có Tính và Chuyên.
Nhận ra được hai em dâu, Bỉnh mỉm cười đáp:
- Không, tôi về nhà đây thôi.
Chuyên cười:
- Sao anh lại định đi thẳng?
Tính nói tiếp:
- Ý chừng bác huyện lâu nay không về, quên mất cả đường rồi.
Người đàn bà đứng bên, mà Bỉnh chưa nhận ra ai, cười khanh
khách nói đùa:
- Chà! Ngài đương quên, ngài định mò ra xóm Đông đấy thôi.
Bỉnh đã rẽ vào tới cổng.
- À, bác phó, bác bảo tôi mò ra xóm Bông làm gì?
- Làm gì thì quan lớn biết chứ, cần gì phải hỏi tôi?
Cả bọn cùng cười. Bỉnh ngơ ngác:
- Nhưng tôi không hiểu.
Tính nói:
- Bác phó nói ý bác ra xóm Đông xem mặt vợ lẽ, xem mặt cái...
à à... chị Suốt ấy mà.
- Bác chỉ nói bậy! Tôi đã thề không lấy vợ lẽ.
- Ô chào! Quan lớn thề cây khoai giữa đồng!
- Thực mà! Tôi thề với hai chú cháu, cả hai chú cháu cũng thề.
Không tin rồi bác hỏi hai chú cháu mà xem.
Bà phó Quang mặt tâng hẩng, trơ trẽn.
Suốt là cháu bà, bà vẫn ước ao được vào “hầu hạ quan huyện”,
nên nghe người ta huyên truyền cái tin Bỉnh muốn lấy vợ lẽ người làng, bà như mở
cờ trong bụng. Suốt là người có nhan sắc lại vừa đến tuổi cập kê, ở trong làng
còn ai không biết. Cả ông huyện Bỉnh cũng không lạ. Vì một lần bà có nghe chồng
bà nói với bà rằng “quan huyện” khen mãi con bé đẹp quá. Vì thế, nay bà mới gợi
chuyện để dò ý tứ Bỉnh.
Chuyên mỉm cười:
- Các ông thề độc thế?
Bỉnh, giọng bí mật!
- Để báo thù Troisième.
Ai nấy ngơ ngác không hiểu. Nhưng tiếng “troisième” nhắc
Chuyên nhớ tới cuộc hội kiến của anh chồng. Nàng rủ Tính ra cổng chờ Bỉnh về để
hỏi thăm tin tức, rồi liên miên chuyện nọ chuyện kia nàng đã quên bẵng đi.
- Thế nào, anh?
- Còn thế nào nữa. Cám ơn bác phó có lòng tốt, nhưng quả
không sao được.
- Không, em hỏi anh về việc anh sang bên ấy kia chứ.
- À!... Để tí nữa về nhà nói chuyện.
Bà phó Quang và hai người đàn bà lạ biết anh em Bỉnh có việc
kín không muốn để lộ cho ai hay, liền chắp tay chào từ biệt.
Bỉnh và hai em dâu yên lặng vào trong nhà. Trình và Khoa đứng
ở sân chừng cũng đương mong ngóng anh về. Thấy mặt Bỉnh có vẻ nghiêm trang,
Khoa lo lắng đưa mắt nhìn Trình, rồi quay ra hỏi:
- Việc gì đấy anh?
Bỉnh chậm rãi đáp:
- Viêc... hơi quan... hệ.
Thấy Trình đổi sắc mặt và nhận rõ cái giọng quá trịnh trọng của
mình, Bỉnh phá lên cười nói chữa:
- Nghĩa là chẳng quan hệ gì cả.
Khoa hỏi, hơi có giọng gắt:
- Nhưng là việc gì kia chứ?
Trình tiếp luôn:
- Việc nhân duyên của Cúc, phải không anh?
Bỉnh vẫn im lặng, mỉm cười suy nghĩ: chàng chưa biết nên bắt
đầu câu chuyện ra sao. Tính băn khoăn nhìn chàng rồi đáp câu hỏi của chồng:
- Nhân duyên nhân quả gì! Mới mấy tuổi ranh!
Chuyên bĩu môi:
- Mấy tuổi ranh! Mười sáu tuổi, còn gì! Hai cái vú thây lẩy
ra!
Khoa nóng ruột hỏi dồn:
- Vậy có phải việc gả chồng cho Cúc không? Hay việc làm chay
cho thầy?
Bỉnh nhìn một vòng quanh bốn người, rồi đáp:
- Việc thừa tự.
- Thừa tự?
- Thừa tự?
Hai tiếng thừa tự từ miệng nọ truyền sang miệng kia bằng một
giọng bí mật, khiếp sợ.
- Thừa tự gì thế anh?
Bỉnh đi vào trong nhà, ngồi xuống chiếc ghế bành bằng cói. Bốn
người đứng quây quần chung quanh để chờ câu giải nghĩa.
- Kiện thừa tự hay sao, anh?
Bỉnh cười:
- Không, kiện cáo gì đâu! Cô ta muốn tìm người thừa tự.
Yên lặng vụt trở nên nặng nề, lạnh lẽo. Ai nấy như chợt lưu ý
tới cái gia tài kếch sù của người đàn bà. Khoa lấy thuốc lá đánh diêm hút cố
làm ra vẻ lãnh đạm. Trình thật thà và thẳng thắn hơn, ngồi ngây người suy nghĩ.
Còn Chuyên và Tính thì đăm đăm nhìn nhau, miệng hơi hé, mắt kinh ngạc mở rộng.
Khoa hắng dặng đưa gói thuốc mời Bỉnh:
- Anh xơi thuốc.
Rồi chàng cười nói tiếp:
- Ở nhà quê chỉ có toàn một hạng thuốc lá sáu xu. Anh xơi tạm.
- Tôi có thuốc lá Ăng-lê đây.
Bỉnh móc túi lấy ra gói Camel:
- Hai chú xơi. Tôi thì tôi thích hút thuốc lào hơn.
Khoa đỡ gói thuốc rút một điếu, rồi tiếp lửa ở điếu thuốc dở
sang mà hút. Đoạn, chàng ném mạnh ra sân điếu thuốc lá rẻ tiền và cười nói:
- Có mới nới cũ!
Cũng như Trình và Chuyên, Tính vẫn lặng lẽ theo đuổi ý nghĩ của
mình. Nàng than thở hỏi:
- Thế cô ta đã chọn ai chưa?
Chuyên bĩu môi:
- Còn ai nữa? Lại họ hàng nhà cô ta chứ ai vào đấy!
Trình bàn góp:
- Con lão cả Lai chẳng hạn.
Tính làm ra mặt thạo:
- Không, cô ta có ưa gì thằng cha ấy đâu. Có lẽ lại con chị
cô ta, con lão phán Tị.
Chuyện cười sung sướng:
- Bố con thằng cha ấy mà phá thì phải biết! Cái gia tài của
cô ta khéo lắm được dăm năm.
Bỉnh giọng thản nhiên:
- Các chú, các thím đoán sai hết. Đố biết cô ta định chọn ai?
Ai nấy lại âm thầm suy nghĩ để cố tìm một người xứng đáng. Bỗng
Khoa múa tay reo:
- Ha ha! Tôi tìm ra rồi.
- Ai? Ai? Ai?
Mọi người nhao nhao hỏi.
- Tôi.
Trình và hai người đàn bà cùng thét lên cười.
- Gần đúng!
Câu tuyên bố của Bỉnh làm cho ồn ào im bặt:
- Gần đúng?
- Sao lại gần đúng?
Đi trước câu trả lời của Bỉnh, Khoa đáp:
- Chọn dễ nhỉ! Đã biết đâu tôi bằng lòng lòng mà chọn?
Tính cười, gật gù nói:
- Phải, chẳng nhẽ băm nhăm tuổi đầu rồi còn đi làm con làm
cái người ta!
Chuyên lườm nguýt chị dâu:
- Chị ăn nói hay nhỉ!... Đùa cũng phải tùy từng câu chứ!
Bỉnh vội can:
- Thôi, tôi xin Hai thím. Ta nén bình tĩnh mà bàn việc này.
Cô ta viết thư mời tôi về cốt để hỏi ý kiến tôi về việc này. Cô ta định chọn
trong hai chú để... để...
Khoa cười nói tiếp:
- Thì cứ nói thẳng: để ăn thừa tự cô ta, để sau này cúng giỗ
thờ phụng cô ta.
Chuyên được dịp trả thù chị dâu, liền hỏi Trình:
- Thế nào, anh bằng lòng làm con cái cô ta chứ? Băm bảy làm
con một người bốn nhăm, bốn sáu cũng chẳng quá đáng.
Bỉnh cười:
- Thôi, tôi xin hai thím!
Chàng ngẫm nghĩ một lát, rồi nói tiếp:
- Thiết tưởng cái gia tài hàng vạn của cô ta chẳng qua cũng
là tiền cô ta xoáy của thầy. Vậy thì dẫu các chú có hưởng cũng chẳng ai dám dị
nghị, cũng chẳng thẹn gì với lương tâm... Chẳng... qua... Chẳng qua của thiên lại
trả địa.
Bỉnh cất tiếng cười vui vẻ, vì vừa tìm được một câu tục ngữ
có ý nhị và dùng đúng chỗ.
- Cô ta đã nhất định chọn một chú trong hai chú rồi. Cô ta chỉ
hỏi ý kiến tôi xem nên chọn chú nào mà thôi. Vậy hai chú nghĩ sao?
Không thấy hai em trả lời, Bỉnh lại nói:
- Hình như cô ta khá hơn trước nhiều. Có lẽ đạo Phật sẽ hoán
cải được cô ta chăng? Cô ta bảo tôi: “Lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng.
Tôi chẳng bù chì cho các anh ấy thì còn bù chì cho ai? Lọt sàng xuống nia, phải
không anh?...”
Khoa giọng chua chát:
- Nhưng cái sàng ấy lỗ nhỏ quả khó lòng mà lọt được xuống nia
được. Vả câu ấy dùng vào trường hợp này chẳng có nghĩa lý gì hết.
Chuyên cau mày bảo chồng:
- Thì mình hãy để cho anh nói hết đã nào.
- Câu chuyện chỉ có thế. Cô ta muốn... xin một người trong
hai chú để... ăn thừa tự cô ta... Cô ta hỏi ý kiến tôi, nhưng tôi nói để hỏi
hai chú hộ. Hình như cô ta cũng sợ hai chú từ chối nên dặn tôi hãy dò la ý tứ
hai chú đã... Tôi xem ra cô ta thành thực lắm. Có lúc cô ta cảm động quá, vừa
nói vừa rơm rớm nước mắt...
Khoa cười gằn, ngắt lời:
- Chà! Nước mắt cá sấu.
Chuyên cự chồng:
- Cậu lạ quá! Không để anh nói, cứ đâm ba chẻ củ. Cậu coi anh
Hai, anh có nói gì đâu?
Khoa mỉa mai:
- Dễ mợ bằng lòng rồi đấy chắc?
- Ô hay! Cậu ăn nói hay nhỉ! Cậu bảo bằng lòng cái gì mới được
chứ. Chẳng qua việc là việc anh em nhà cậu, nào có can dự gì đến tôi mà bảo tôi
bằng lòng với không bằng lòng!
Lần đầu Trình bàn chen vào, hình như chàng đã suy xét, cân nhắc
kỹ càng những lẽ phải trái, hơn thiệt rồi mới nói:
- Chúng ta không nên cãi lý nhau, vô ích. Phải bình tĩnh mà
tìm trông rõ sự thực. Sự thực thì hiện giờ ra sao? Đó, câu hỏi chính. Hiện giờ
thì cô ta có một người con gái. Yêu ai cũng chẳng bằng yêu con. Vậy của cải,
tài sản của cô ta, tất nhiên người con gái ấy đáng được hưởng nhất, và sẽ được
hưởng hết. Cái lý phải như thế. Nhưng sao cô ta lại muốn có một người thừa tự?
Đây có hai lý do.
Bỉnh phì cười:
- Chú Hai lý luận như một ông giáo già.
Chuyên cũng cười theo:
- Nhưng anh Hai lý luận đúng phép lắm. Vậy hai lý do ấy là những
lý do gì, thưa anh?
- Có hai lý do: một là cô ta muốn có một người cúng giỗ cô ta
sau này. Muốn được thế, phỏng có khó khăn gì. Chỉ việc tách ra một số ruộng nhiều
lắm là ba chục mẫu để dùng vào việc hương hỏa cho cô ta, nghĩa là độ vào một phần
mười cái tài sản mà cô ta sẽ cho con rể và con gái.
Chuyên vẫn cười:
- Còn cái lý do thứ hai?
- Cái lý do thứ hai là cô ta muốn che mắt thiên hạ, muốn lấy
tiếng với họ với làng... rằng mình tốt như thế đó. Vả cô ta lại muốn lấy lòng
anh em mình nữa.
Một dịp vỗ tay của mọi người xen vào trong, tiếng cười reo ầm
ỹ. Lũ trẻ, con Trình và Khoa đương chơi ở bên láng giềng tưởng có chuyện gì
hay, chạy ùa cả về đến đứng trố mắt nhìn.
Chuyên quát:
- Đạc! Nam, Phiên đi chai! Đi chơi, cả Liên nữa.
Tính nhăn nhó bảo mấy đứa:
- Đi chơi đi! Người lớn nói chuyện, trẻ con không được đứng
nghe như thế!
Bốn đứa trẻ lại cùng nhau chạy ra cổng.
Một phút im lặng khó chịu.
Tính hỏi cho có chuyện:
- Bao giờ bác đi?.
- Lát nữa, thím ạ. Đi đêm càng mát. Vậy tôi cứ trả lời cô ta
rằng... hai chú không nhận...
Tính vội đáp:
- Chà! Tội gì bác phải trả nhời! Cứ để mặc kệ.
Chuyên biểu đồng tình:
- Phải đấy, cứ để mặc kệ cho cô ta hy vọng.
Im lặng mỗi lúc một thêm nặng nề. Cái sân gạch đã rợp hẳn.
Ánh nắng còn phảng phất trên ngọn cây trúc đào, lấp lánh trong mấy buồng cau
vàng mới nở. Khoa đăm đăm nhìn đám mây đen viền vàng từ từ đùn lên sau nóc nhà
tranh hàng xóm, và lẩm bẩm như nói một mình:
- Không khéo có cơn giông.
VIII
Một buổi sáng oi nồng. Không một làn gió thoảng. Sau giải tường
hoa ngăn khoảng vườn với cái sân gạch rộng, hàng ngọn cau đứng im tăm tắp; những
tàu lá héo khô gãy đảo ngược xuống và những bẹ mo cháy xạm còn dính vào thân
cây như âm thầm chứa ở trong hết cả cái nóng của chuỗi ngày hè. Một chút cảm
giác mát phảng phất trong bóng xanh giàn thiên lý, trong hương thơm hoa thiên
lý và trong tiếng hót của con chim chích chòe luôn luôn bay chuyền quanh mấy
nóc nhà ngói.
Ngoài sân, trên chiếc chõng tre, Trình vừa thức giấc: Những
đêm nồng nực chàng thường nằm ngủ giữa trời như thế. Chàng vươn vai và ngáp liền
hai cái, rồi ngồi thẫn thờ suy nghĩ.
Hôm qua, sau khi tiễn Bỉnh ra tận đường cái, Khoa và chàng
lúc trở về đều cố tránh, không đả động tới câu chuyện thừa tự. Nhưng chàng đoán
tâm trí Khoa cũng băn khoăn, bối rối như tâm trí chàng. Không phải vì chàng có
hám cái tài sản phi nghĩa kia. Mà Khoa, tuy vẫn tỏ ý ước ao, khao khát một đời
đầy đủ, phong lưu hơn cái đời hiện tại, Trình cho vị tất đã dám có can đảm nhận
lời làm kẻ ăn thừa tự người đàn bà đáng ghét ấy.
Nhưng băn khoăn, bối rối thì hai người vẫn băn khoăn bối rối.
Chỉ nhìn mặt Khoa, và tự vấn tâm mình, chàng cũng nhận thấy rõ rệt.
Là vì xưa nay, trong mấy anh em không hề ai từng nghĩ đến việc
thừa tự ấy, không ai tưởng rằng lại có thể xảy ra một sự lạ lùng như thế. Tiếp
được thư của người dì ghẻ, họ bàn đủ mọi lẽ, họ đoán đủ mọi điều, nhưng cái ý
tưởng “thừa tự” không một phút nào lọt vào trí não họ.
Trình đứng dậy, cười mũi, lẩm bẩm nói:
“Hừ! Thừa tự! Vô lý đến thế là cùng!” Nhìn vào hiên, chàng thấy
vợ, tóc bỏ xoa, ngồi trên ghế ngựa bên giàn thiên lý, vẻ mặt mơ màng và lãnh đạm.
Chàng hỏi vớ vẩn.
- Mợ đã dậy?
Tính cũng vớ vẩn hỏi lại:
- Cậu ngủ cả đêm ở ngoài sân?
Trình ngước nhìn lên cửa sổ nhà gác, bảo vợ:
- Hôm nay Khoa dậy trưa nhỉ?
- Trưa gì mà trưa! Dễ chưa đến sáu giờ.
Tính thở dài nói tiếp:
- Có cái đồng hồ lại chết. Ở nhà quê mà đồng hồ chết thì mù tịt
chẳng biết giờ nào vào giờ nào nữa.
Trình mỉm cười:
- Ở tỉnh mà đồng hồ chết cũng vậy, chứ khác gì ở nhà quê?
- Ở tỉnh còn có thể nghe đồng hồ nhà thờ, hay sang hiệu khách
bên cạnh xem giờ.
- Thì ở nhà quê chờ tí nữa chú Khoa dậy mình hỏi giờ mà lấy lại
đồng hồ cũng được chứ sao.
Trình đến ngồi bên vợ. Hai người cùng im lặng nhìn ra sân,
như cùng có một câu chuyện, muốn nói nhưng còn do dự, rụt rè. Trình nhăn mặt
phàn nàn:
- Hôm nay chắc nóng lam. Mới sáng dậy mà đã oi quá! Giá ông ấy
mưa xuống cho một trận thì khác.
Tính bĩu môi:
- Các ông chỉ biết nghĩ đến cái sướng thân của các ông! Mưa,
mưa mãi cho mà chết ấy à. Mấy mẫu ruộng ở đằng ngoài lại sắp sửa úng thủy rồi đấy.
Cứ mong mưa già vào!
- Úng nước thì rồi tháo đi! Hãy mưa mát đã!
Chàng đọc luôn câu tục ngữ chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện:
“Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”.
Tính cười:
- Các ông còn biết cái gì! Úng thủy suốt cả cánh đồng thì còn
tháo vào đâu?
Nhớ tới công việc đồng áng, nàng liền đứng dậy gọi người nhà:
- Trạch!
Vú già đương cúi lom khom cầm chổi lúa quét sân đứng dậy đáp:
- Thưa mợ, chú Trạch chú ấy đi bỏ bèo hoa dâu ở thửa ruộng đồng
ngoài rồi ạ.
- Thế à? Ừ, nó cũng nhớ công nhớ việc đấy!
Trình bàn phiếm một câu:
- Mấy mẫu ruộng ấy bị úng thủy luôn, giá bán quách đi mà tậu ở
chỗ khác.
Tính cười:
- Cậu tưởng bán với tậu dễ dàng như thế đấy. Với lại có muốn
bán cũng chả được, vì ruộng nào của mình!
Trình ngạc nhiên!
- Không phải ruộng của mình?
- Thửa ruộng ấy đứng tên anh huyện.
- Ừ nhỉ! Phải, phải!
Trình cảm động, nghĩ tới lòng tốt của Bỉnh đối với mình và
Khoa. Và bất giác chàng lại ngước mắt nhìn lên hàng cửa chớp tầng gác, đã vàng
hoe ánh mặt trời mới mọc.
- Không biết sao hôm nay nó dậy muộn thế?
Rồi chàng ra sân, gọi:
- Khoa! Khoa ơi!
Tính kỳ kèo chồng:
- Cậu cứ gọi tên chú ấy ra thế, thím ấy không bằng lòng đâu.
Trình quay lại càu nhàu:
- Mợ biết đâu rằng thím ấy không bằng lòng?
- Trông mặt thím ấy thì biết chứ. Mỗi lần cậu gọi tên tục chú
ấy ra, tôi vẫn thấy thím ấy sa sầm mặt xuống.
- Nhưng tôi quen miệng mất rồi.
Chừng để trêu tức vợ, Trình gọi to hơn!
- Khoa ơi, Khoa! Dậy thôi!
Một cánh cửa sổ mở. Khoa thò nửa mình ra ngoài, mắt hấp háy
nhìn xuống!
- Arh đấy à? Anh dậy sớm nhỉ!
Trình cười:
- Còn sớm gì nữa! A, chú xem hộ mấy giờ, đồng hồ bên tôi chết
tối hôm qua.
Khoa vào trong nhà. Một lát sau chàng xuống sân, tay vặn lên
giây cái đồng hồ quả quít vừa to, vừa dầy:
- Thế mà gần sáu rưỡi rồi, anh ạ.
- Đấy, tôi đã bảo, muộn rồi mà!
- Hôm qua tôi thức khuya quá, loay hoay mãi gần sáng mới chợp
mắt.
Trình nghĩ ngay đến việc thừa tự. Chàng cho em băn khoăn về
chuyện ấy nên không ngủ được. Vì chính chàng, đêm hôm trước cũng loanh quanh
mãi ở ngoài sân để tìm hiểu cái hành vi cái ý định của người dì ghẻ. Chàng mỉm
cười bảo em:
- Khoa quả quyết rồi đấy chứ?
- Anh bảo quả quyết cái gì?
Trình định đùa em và có ý muốn nói: “Đã quả quyết từ chối việc
ăn thừa tự”. Nhưng thấy em đăm đăm suy nghĩ rồi hỏi lại, chàng sinh ngượng, nói
lảng liền:
- Quả quyết không lên chơi huyện.
- Vừa lên về, anh bảo lại còn lên nữa hay sao? Nếu có đi thì
đi ngay hôm qua với anh huyện chứ!
- Chú sang chơi tôi uống chè Tàu đi!
- Vâng.
Sang chơi, nghĩa là đi qua sân, để vào trong nhà ngang. Hai
anh em chia nhau bốn nếp nhà, làm theo kiểu chữ môr. Hai nếp nhà thờ giáp nhau,
năm gian hay chái, nhìn hướng nam và cái nhà ngang bảy gian có trần về phần
Trình, còn cái nhà gác mặt quay hướng đông, Trình nhường cho Khoa. Trước kia
Tính thường tức tối bì tị về sự hơn kém, nhưng lâu dần nàng cũng theo gương chồng
mà ở ra bề chị có đại lượng với em, không đả động đến sự so sánh nhỏ nhen nữa.
- Mợ bảo nó đun nước nhé.
- Bảo ai nữa! Tôi đun chứ còn bảo ai? Thằng Trạch đi bỏ bèo,
vú già thì quét sân xong còn cho lợn ăn.
Trình cười xòa:
- Vâng, mợ giúp cho một tay!
Khoa đỡ lời:
- Anh để em đun.
Tính, giọng thân mật:
- Vâng, thế càng hay. Đây bếp dầu hỏa đây. Để tôi đi lấy nước.
Khoa cười:
- Tưởng gì! Đun bếp dầu hỏa thì ai đun chẳng được! Khó nhọc
gì!
Một lát sau, ba người cùng im lặng nhìn ngọn lửa xanh bốc
lên, tỏa ra trong tiếng reo đều đều. Khoa có vẻ suy nghĩ sâu xa. Bỗng chàng như
nói một mình:
- Ở đời chả cần phải giàu mới sung sướng.
Trình đáp, giọng thành thực:
- Bây giờ Khoa mới nhận thấy điều ấy. Thì mọi khi tôi vẫn bảo
thế, mà Khoa không tin.
- Nhưng thiếu thốn thì cũng khó chịu.
Vợ chồng Trình cũng cười. Tính nói đùa:
- Nghĩa là giàu vẫn sung sướng.
- Nhưng troisième thì sung sướng quái gì!
Người đàn bà mà ai nấy do dự ngần ngại chưa muốn nói tới -
người nọ chờ cho người kia gợi chuyện ra trước - thì Khoa đã quả quyết bắt đầu
đọc tên. Tính tiếp luôn:
- Phải, sung sướng quái gì!
Trình mỉm cười:
- Biết đâu người ta không sung sướng?
- Thì cũng bàn thế!
Khoa về cánh với chị dâu:
- Biết hẳn chứ!
Trình cười gượng gạo, nhạt nhẽo:
- Tôi nghĩ đến việc thừa tự của cô ta mà tôi buồn.
Giữa lúc ấy mấy con chó chạy ra cổng sủa ầm ỹ. Ai nấy nhìn
theo. Có tiếng:“A di đà Phật!” Cụ Giáp đã vào tới sân, tay cầm quạt che cái đầu
chít khăn vuông nâu.
Tính đứng dậy, đon đả chạy ra chào:
- A di đà Phật! Bạch cụ, cụ quá bộ sang chơi?
Trình và Khoa yên lặng nhìn nhau. Xưa nay hai chàng vẫn không
ưa nhà sư, người tin cẩn của bà Ba. Nhưng hai chàng cũng lễ phép chào:
- A di đà Phật! Xin rước cụ vào chơi.
Nhà sư không đợi ai mời, ngồi ngay xuống ghế ngựa, rồi cười
nói:
- A di đà Phật! Phật độ, bần tăng đến chơi chư ông, lại được
uống nước chè Tàu. Đến nơi thì nước vừa sôi.
Tính đứng sửa soạn khay chén pha nước. Trái ngược với hai người
đàn ông, Chuyên và nàng rất kính trọng sư cụ. Vả không lần nào nghe chồng họ
nói xấu bất cứ kẻ tu hành nào mà họ không cự ngay. Vì thế ít lâu nay chỉ những
lúc vắng mặt hai người đàn bà, Trình và Khoa mới đem nhà sư ra phê bình và nhạo
báng, làm câu chuyận vui đùa có hứng thú.
- Thưa hai ông, quan huyện nhà đi chơi đâu sớm thế ạ?
Sự thực, sư cụ cũng thừa biết “quan huyện nhà” đã đi từ chiều
hôm qua.
- Thưa cụ...
Tính vội vàng đỡ lời chồng:
- Bạch cụ, anh huyện chúng tôi lên huyện rồi.
Nhà sư khéo vờ kinh ngạc:
- Thế ư? Mãi sáng nay tôi mới được tin quan huyện nhà về
chơi. Tôi lại chào quan lớn thì quan lớn lại đã “trẩy” rồi.
- Bạch cụ, xin đa tạ cụ. Xin rước cụ xơi nước ạ.
- Tôi không dám, xin rước ông bà, xin rước ông.
Uống cạn chén nước, nhà sư hỏi Tính:
- Thưa bà, bà Ba đi vắng?
Tính tưởng hỏi người dì ghẻ, liền đáp:
- Dễ không, bà Ba cháu vẫn ở bên nhà.
Nhà sư mỉm cười:
- Không tôi hỏi bà Ba chứ cụ lớn thì tôi vừa sang hầu trưa
hôm qua.
Khoa cau có đáp:
- Nhà tôi khó ở. Nhưng cũng sắp xuống bây giờ.
Sư cụ trầm ngâm ngồi giã trầu trong cái cối đồng to, - tuy mới
gãy một cái răng cửa, nhà sư cũng dùng cối, có lẽ để làm tôn vẻ trang nghiêm và
đạo mạo. Bỗng cụ ngửng lên cười rất hời hợt:
- A! Tôi quên mừng ông Ba...
Khoa nói chặn ngay:
- Tôi có tin mừng gì đâu mà cụ mừng?
Nhà sư chòng chọc nhìn Khoa như tìm hiểu, rồi lại cười:.
- Nghe đồn... cụ bà... nghe đồn việc thừa tự, cụ bà....
Khoa ngắt lời:
- Không, họ đồn bậy thế đấy.
Tính sợ mất lòng sư cụ, nói chữa:
- Bạch cụ, người ta đồn đấy thôi ạ..
Nhà sư lại cúi xuống vừa giã trầu vừa hỏi:
- Hay tôi nghe nhầm? Ông Hai chứ không phải ông Ba?
Trình cười:
- Cũng không phải tôi ạ.
Tính tiếp:
- Bạch cụ, việc ấy chúng tôi không biết gì hết ạ.
- Thế thì, có nhẽ có thực đấy!
Nhà sư đứng dậy. Tính vội mời:
- Bạch cụ, xin rước cụ hãy thong thả xơi chén nước nữa đã.
- Tôi vô phép. A di đà Phật, xin chào ông bà, xin chào ông.
- A di đà Phật!
Nhà sư đi khỏi, ba người không ai dám nhìn ai. Cả ba đều khó
chịu, ngượng ngập về câu chuyện thừa tự.
Sau mấy phút im lặng, Tính hỏi trống không:
- Quái! Sao sư cụ cũng biết có việc thừa tự?
Nhưng không ai trả lời.
IX
- Ô chào! Mợ lôi thôi lắm!
Để vợ nói, nói mãi, Khoa vẫn lặng thinh, không ngắt lời, thản
nhiên như không lưu ý tới, rồi sau cùng, khi vợ ngừng hẳn, chàng mới hơi chau
mày đáp một câu vắn tắt. Thấy vợ im, chàng được thể thở dài tiếp luôn:
- Đàn bà!
- Cậu bảo đàn bà làm sao?
Chuyên lại tức tối, kể lể tình cảnh khổ sở của mình từ ngày
bước chân về nhà chồng. Nào cảnh làm dâu dưới quyền áp chế của ông bố chồng
nghiêm khắc, dưới sự hành hạ của người dì ghẻ nham hiểm, tai ngược, nào cảnh đời
sống buồn tẻ ở xó nhà quê mà nàng suy bì với đời tưng bừng của những người bạn
ngày nay đương làm tham tá, bác sĩ, tri huyện, tri phủ. Những điều ấy, nàng
không quên nhắc tới mỗi khi nàng có chuyện bất bình với chồng. Khoa cười gằn:
- Mợ không nói thì dễ thường tôi không biết! Nhưng nói để làm
gì mới được chứ?
Và Khoa đắc chí cười hà hà.
- Phải, tôi hỏi mợ, để làm gì thế?
Câu trả lời hiện ngay ra trong đầu Chuyên, nhưng không thể thốt
ra được: “Nói để cho hả”.
Vì sự thực, một câu chuyện lúc ban chiều đã làm nàng rất bực
mình. Nàng cố nén lòng chờ đến bây giờ, đêm khuya vắng vẻ, mới trút được hết nỗi
bực mình ấy ra những lời oán trách cay chua.
Chiều nay, bỗng dưng bà Ba vả Cúc sang chơi. Đôi bên, dì ghẻ
và bọn con chồng đã thôi hẳn không đi lại thăm viếng nhau ngay từ hôm xong công
việc tang ma ông án. Bởi vậy, nhác thấy bóng mẹ con bà Ba, vợ chồng Trình chồng
Khoa cùng kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau và cùng như thầm hỏi nhau tìm cách đối
phó.
Người đầu tiên đứng dậy chạy ra đon đả chào mời là Tính.
Không phải nàng muốn lấy lòng người dì ghẻ mà có lẽ nàng khinh và ghét hơn hết
mọi ai. Nhưng cái di tích sợ hãi, kính nể ngày trước đối với người đàn bà ấy vẫn
còn hằn nét trong lòng người nàng dâu nhu nhược, nhút nhát, khiến nay bất thần
người dì ghẻ vụt hiện ra đã làm thức dậy những tính tình xưa. Vẫn biết nàng chợt
nghĩ lại ngay và vội sửa vẻ mặt cho được lạnh lùng, dửng dưng, nhưng cái phút
khó khăn đã qua rồi: Không để ý đến, Tính đã làm lành một cách rất tự nhiên.
Bắt đầu từ đó, câu chuyện nở như gạo rang. Người dì ghẻ khéo
tìm những câu hỏi mà không ai không thể không trả lời được. Vả về sau thấy bà
Ba vồn vã, ân cần, thân mật, bốn người kia dần dần theo nhau đổi thái độ: cứng
cỏi họ trở nên ôn tồn: lãnh đạm họ trở nên vui vẻ, thẳng thắn.
Lại thêm Cúc, chừng có lời dặn trước của mẹ, khéo tỏ ra một
cô em gái dịu dàng, ngoan ngoãn, kính cẩn nữa, một điều thưa anh, hai điều thưa
chị, và xưng em xưng Cúc luôn miệng. Một lần, nghe bà Ba nói tính nết mình giống
hệt tính nết anh Khoa, cũng thẳng băng như ruột ngựa, Cúc cười rất có duyên đáp
lại:
- Chuyện! Anh em lại chả giống tính nhau!
Sau hơn hai giờ trò chuyện, tình thế đôi bên đã có chiều bớt
găng. Và nhiều lúc, Chuyên, người sáng suốt nhất trong bọn phản đối bà Ba, đã
có lại cái ý nghĩ ngày xưa: “Đáng ghê lắm! Nó muốn đưa mình đến đâu cũng được!”
Nàng rùng mình, sợ hãi vẩn vơ. Song những lời thớ lợ của người kia làm cho nàng
bình tĩnh ngay. Và nàng mỉm cười thầm, tự hỏi: “Đưa mình đến đâu?” Vì suốt hai
giờ, trong câu chuyện thù tiếp tịnh không có một việc gì quan trọng. Cả việc thừa
tự mà ai nấy chờ nghe bà Ba gợi ra, bà ta cũng không lần đả động tới.
Duy có lúc sắp về, bà ta kéo Tính ra một góc hiên thì thầm
nói riêng mấy câu.
Chính vì mấy câu nói riêng ấy mà Chuyên ngờ vực chị dâu, và
cau có tức tối từ chiều đến giờ. Nàng muốn bảo thẳng cho chồng biết những điều
nói riêng ấy là những điều gì, nhưng nàng vẫn trù trừ không dám, vì dẫu sao, đó
cũng vẫn chỉ là những lời phỏng đoán. Bằng cớ vào đâu mà buộc tội? Và nàng sung
sướng nghĩ thầm: “Được! Thế nào rồi mình chả biết! Dễ thường giấu mãi nổi
chăng? Chỉ sợ giấu đầu rồi cũng có ngày hở đuôi thôi!”
Sự thực thì bà Ba chẳng nói riêng một việc kín gì với Tính hết.
Vả khi bà ta về rồi, Chuyên hỏi, Tính đã thuật cả lại với nàng, không giấu diếm
chút đỉnh: Bà ta chỉ khuyên Tính không nên cho bác phó Tín và chị xã Vọng vay
tiền, vay thóc, vì hai người ấy chây nợ lắm. Rồi bà ta dặn Tính nếu có đong đậu
nành làm tương thì đong giúp bà ta dăm đấu. Có thế thôi. Nhưng người dì ghẻ nói
nhỏ bên tai Tính ra chiều vừa thân thiết, vừa bí mật.
Bây giờ Chuyên như còn trông thấy hai người đàn bà đứng sát
nhau, như còn được ngắm cái nét mặt chăm chú của chị dâu và cái dáng điệu giấu
diếm của dì ghẻ. Nàng thở dài một hơi cả bằng mũi lẫn miệng rồi thốt ra một câu
nhiếc: chồng:
- Cậu thì còn biết cái gì!
Khoa cãi lại:
- Tôi không biết cái gì, mặc tôi. Nhưng tôi hỏi mợ một lần nữa:
mợ kể lể lôi thôi mãi từ nãy đến giờ để làm gì thế? Có phải mợ chỉ cốt trêu tức
tôi, chỉ cốt làm tôi khổ sở thì mợ bảo!
Chuyên phì cười khinh bỉ:
- Thì tôi bảo!... Thì tôi bảo đấy!
Chẳng biết trả lời lại vợ ra sao. Khoa lẩm bẩm như nói một
mình:
- Sao không ngắm chị Hai mà bắt chước. Chị ấy dễ dàng biết
bao, vui vẻ biết bao! Mợ có thấy chị ấy phàn nàn điều nọ điều kia bao giờ
không?
Chuyên càng cáu tiết:
- Chị Hai! Đội mai chị ấy lên! Chị Hai của cậu thì ra cái gì!
Khoa không tự trấn tĩnh nổi, và, quên bẵng rằng cả nhà đang
ngủ yên, chàng thét lớn:
- Im ngày! Tôi cấm mợ không được nói hỗn như thế!
Chuyên cũng chẳng vừa, thét lại:
- Cậu bênh à? Có phải cậu bênh chị ấy không?
Rồi hạ giọng nàng nói tiếp:
- Này tôi bảo, cậu đừng tưởng nhầm rằng chị Hai tốt với chúng
mình! Chị ấy chẳng thật thà như cậu với tôi đâu. Đáo để lắm kia đấy!
Khoa cười mát:
- Ai mà mợ không cho là đáo để! Tôi thì tôi chả thấy chị Hai
đáo để ở chỗ nào hết.
Chuyên nghiến răng rít lên:
- Ở chỗ nào! Cậu có muốn biết ở chỗ nào không!
Khoa đã trở lại bình tĩnh:
- Tôi muốn biết lắm.
- Vậy tôi hỏi cậu: lúc cô Ba cô ấy sang, chị Hai chào mời vồ
vập để làm gì thế?
Khoa thản nhiên đáp:
- Mình là chủ, người ta là khách thì cũng phải chào mời người
ta chứ. Theo phép lịch sự xã giao thì dẫu kẻ thù đến nhà mình, mình cũng phải
giữ đúng lễ chủ nhà. Lúc khác giết nhau hãy hay.
Chuyên cười:
- Thế thì thầm câu chuyên bí mật dễ cũng là theo xã giao đấy
hẳn?
Rồi, không chờ câu trả lời của chồng, Chuyên hỏi luôn:
- Cậu có biết họ thì thầm với nhau những gì không?
Khoa hơi chau mày:
- Thì mợ đã hỏi chị Hai, và chị Hai đã kể lại cho mọi người
nghe...
Chuyên cướp lời:
- Kể lại! Ai cấm chị ấy kể bịa? Tôi thì tôi biết đích chuyện
gì rồi.
Khoa sửng sốt hỏi:
- Chuyện gì?
Chuyên, giọng khinh bỉ:
- Chuyện thừa tự chứ còn chuyện gì vào đấy nữa!
Phút im lặng. Khoa nghĩ ngợi, suy xét. Sự đau đớn thoáng hiện
ra trên mặt chàng. Ánh sáng lờ mờ chiếc đèn hoa kỳ chiếu vào ba nét nhăn ở giữa
đôi lông mày hơi sếch lên. Chuyên thấy chàng có vẻ vừa dữ tợn, vừa khổ sở. Liền
vờ kêu nực, lảng ra hiên gác, mở cửa sổ nhìn trời.
Trăng hạ tuần rung động trong ngọn tre thưa lá. Tiếng dế như
vừa bắt đầu ran lên càng làm tăng lặng lẽ của ban đêm. Miệng Chuyên muốn thốt một
tiếng: “Buồn!”
Khoa theo ra hiên, đứng tựa cửa sổ sát bên cạnh vợ. Một luồng
gió mát vuốt ve tóc chàng và làm cho chàng bớt nóng bức. Chàng hỏi rất khẽ như
sợ có người nấp đâu đó nghe trộm:
- Sao mình biết là chuyện thừa tự?
Chuyên cũng khẽ đáp lại:
- Rõ rệt thế, ai không biết!
- Nghĩa là mợ đoán.
- Nhưng đoán đúng, đoán rất đúng.
Khoa thở dài:
- Chả nên thế, mợ ạ.. Chả nên ngờ oan chị Hai như thế.
Nghe giọng nói như có đượm nước mắt, Chuyên hối hận đứng im.
Và nàng âm thầm nhớ lại cái thời kỳ làm dâu của mấy chị em.
Nàng tưởng thấy dần dần rõ ra và dí sát vào mặt nàng, cái mặt
lạnh lùng, với đôi mắt lạnh lùng của ông án.
Nàng nhìn lên trăng để tránh cải hình ảnh quá khứ. Giữa kẽ
hai cành tre, trăng vắt vẻo như cái mũ nồi bằng vàng mắc vào đó. Ý so sánh ngộ
nghĩnh ấy, một lần ở dinh ông án, nàng nghe Bỉnh nói với Trình và Khoa, lúc ba
anh em chồng và Trâm, Tính với nàng dạo chơi mát dưới bóng lá một cây bàng cỗi
trước công đường. Vụt trở lại trong ký ức nàng tất cả những đêm mấy anh em chị
em, nhất là Tính và nàng, ngồi bàn bạc để tìm chống lại người dì ghẻ. Bao giờ
nàng cũng nhiều mưu trí hơn Tính, và nàng lại bướng bĩnh hơn nữa. Nhưng Tính
giàu lòng hy sinh hơn nàng biết bao! Bị cha chồng mắng oan vì nàng, Tính chỉ
yên lặng hay sụt sùi khóc, chứ tịnh không thốt ra nửa lời để đổ lỗi cho nàng,
hoặc để khiến cha chồng ngờ vực em dâu. Một người như thế nay có thể về cánh với
người dì ghẻ được không? Nay có thể vì cái tài sản của người dì ghẻ mà coi nàng
vào hạng kẻ thù được không?
Chuyên cảm động tự hỏi trong thâm tâm. Và trong thâm tâm,
nàng thấy nàng nhỏ nhen quá. Nàng muốn xuống sân, sang đánh thức Tính dậy để
nói chuyện, để xin lỗi, để kể lể, thú thực với Tính hết những điều ngờ vực đã
làm nao núng lòng nàng.
Tiếng Khoa, nàng nghe như trong giấc mộng thời quá khứ:
- Với lại nếu quả thực cô ta muốn... muốn để anh chị ăn thừa
tự cô ta và nếu quả thực anh chị bằng lòng nhận, thì mình cũng nên để mặc anh
chị. Mợ nghĩ mà xem...
Chuyên bừng thức giấc mộng. Sự thực của hiện tại, sự thực gay
go, kịch liệt lại hiện ra nguyên hình. Và nàng quên hết những cảm giác dịu
dàng, những tính tình thân mật ngày xưa để nhớ mỗi một cái cử chỉ “khả ố” của
Tính lúc ban chiều, cái cử chỉ của “quân nịnh hót, luồn cúi... khốn nạn”.
Nước mắt nàng ứa ra. Bây giờ thì không phải là nước mắt cảm động
nữa, và nàng cáu kỉnh ngắt lời Khoa:
- Nghĩ gì! Còn nghĩ gì nữa. Tôi nghĩ đã kỹ rồi.
- Mạ nghĩ thế nào?
- Tôi nghĩ thế nào thì mặc mẹ tôi.
- Ô hay! Mợ ăn nói lạ lùng quá!
Chuyên quay ngoắt vào trong nhà:
- Phải, tôi ăn nói cục cằn, thô tục! Chỉ có con Tính thì mới
dịu dàng, thớ lợ. Chả thế mà... lại được lòng...
Nàng định nói được lòng bà Ba, nhưng nàng ngượng, vội ngừng lại,
sợ Khoa cho là mình ghen tị với vợ chồng Trình. Nhưng cũng đủ cho Khoa hiểu rồi.
Chàng theo vợ vào trong nhà, và cười chua chát nói:
- Người ngoài mà người ta nghe thấy câu ấy của mợ thì khỏi
sao người ta không ngờ rằng nhà ta, rằng anh em nhà ta đương sắp lục đục tranh
giành nhau... một cái gia tài... nào đó.
Chuyên lại thét:
- Cái gia tài nào? Cậu hãy nói cho tôi biết, cái gia tài nào?
Khoa đấu dịu:
- Nếu không phải cái gia tài nào cả thì càng hay chứ sao!
Nhưng Chuyên vẫn lồng lên:
- Không, tôi hỏi cậu, cậu định ám chỉ tôi tranh giành cái gia
tài nào, và tranh giành với đứa nào?
- Khẽ mồm chứ mợ. Để cho hàng xóm láng giềng người ta ngủ chứ!
Mợ phải biết rằng nếu anh Hai chị Hai mà còn thức thì chắc nghe rõ tiếng mợ mồn
một.
Chuyên như con ngựa bất kham mà người cưỡi không có cách nào
kìm lại được:
- Nghe thấy thì nghe thấy, tôi không cần, tôi không sợ ai hết.
Tôi không quen cái thói thì thầm, lụi xụi như người ta.
Biết rằng mình càng cự, vợ càng làm già, Khoa lên giường nằm
im. Thì quả thực, Chuyên cũng không thét nữa. Rồi một lát sau, nàng đến ngồi
bên chồng, ôn tồn nói:
- Cậu tưởng tôi ghen ghét, ganh tị với vợ chồng chị Hai thì cậu
nhầm, thì cậu tệ quá. Tôi chỉ ghét cái tính không thành thực của chị ấy, ngoài
mặt khác mà trong bụng khác, thế thôi. Cậu có nhớ không. Hôm nọ được tin anh
huyện cho biết rằng cô ta muốn để cậu hay anh Hai ăn thừa tự cô ta thì cả hai
người cùng chối đây đẩy. Mà chối là phải, mặt mũi nào còn đi ăn thừa tự cái con
mụ đàn bà khốn nạn ấy. Thế mà nay chị ấy...
Khoa ngắt lời:
- Nay chị ấy sao?
- Thì chị ấy sao, cậu lại không trông thấy ư?... Đấy, rồi cậu
sẽ thấy... Nếu tôi đoán không đúng thì cậu cứ chặt ngay đầu tôi đi.
Khoa cười nói tuế tóa:
- Ấy chết, ai lại dại thế! Nhưng mợ cứ nghe tôi mợ ngủ đi,
sáng mai thức giấc mợ sẽ bình tĩnh mà suy xét lại, và mợ sẽ thấy rằng mợ nhầm...
Vậy mợ nghe tôi, mợ ngủ ngay đi, tôi xin mợ, mợ nghe theo tôi.
Chuyên đứng dậy lạnh lùng đáp:
- Cậu cứ ngủ trước đi. Tôi chưa buồn ngủ.
Rồi nàng ra hiên đứng tì cửa sổ nhìn xuống sân, mơ màng ngắm
nghía mấy nóc nhà ngói đen phơi phới ánh trăng nhạt.
X
Sáng hôm sau Khoa và Chuyên dậy muộn. Mở mắt ra trông thấy chồng,
Chuyên bẽn lẽn xoay mặt vào phía trong, ngủ lại. Thấy vậy, Khoa mỉm cười xuống
phòng khách, biết thế nào rồi vợ cũng theo xuống.
Quả thực, chỉ năm phút sau, trong lúc Khoa đương xem một bức thư,
Chuyên rón rén bước lại gần, hỏi:
- Thư ai thế cậu?
Khoa đưa mảnh giấy cho vợ và đáp:
- Anh Hai mời chúng mình sang ăn gỏi, sáng hôm nay.
Chuyên bĩu môi:
- Đây với đấy mấy bước mà phải viết thư!...
Bỗng nàng ngửng lên đăm đăm nhìn chồng thì thầm nói tiếp:
- Hay là... hay là anh chị ấy biết...
Khoa vờ không hiểu:
- Biết cái gì?
Không thấy vợ trả lời, chàng hỏi dồn:
- Biết cái gì? Mợ bảo biết cái gì?
Chuyên đáp khẽ:
- Không.
Rồi lẩm nhẩm dọc:
“Tôi sang chơi, chú thím còn ngủ. Nhân mua được con chép tươi
lắm, mời chú thím cùng chúng tôi ăn bữa gỏi. Tôi chạy ra xóm ngoài một lát, sẽ
về ngay và sẽ kéo khóa Liêm đến đánh chén ngâm thơ vịnh ngày thu mới bắt đầu”.
Chuyên mũm mĩm cười:
- Dễ thường anh Hai trở nên thi sĩ chắc. Vịnh thu vịnh thiếc
cẩn thận!
Qua cửa sổ mở Khoa nhìn ra cái sân nắng rát, nói:
- Mùa thu mà nóng như nung như đốt!
- Nóng thế, còn uống rượu vào làm gì! Chúng mình từ chối
quách.
Khoa lắc đầu:
- Không tiện, từ chối không tiện.
Chuyên giọng cau có:
- Việc gì mà không tiện. Bảo đau bụng không ăn được gỏi thì
đã làm sao?
Khoa chau mày tỏ vẻ khó chịu:
- Nhưng mình lại không đau bụng.
- Tùy đấy, cậu muốn ăn cứ sang mà ăn. Tôi, thì thế nào tôi
cũng xin kiếu.
Tuy vậy, một giờ sau khi thằng Nam lại mời, Khoa và Chuyên đều
vui vẻ nhận lời rồi sang ngay.
Vì có khóa Liêm là khách nên đàn ông đàn bà ăn riêng. Liêm,
Trình, Khoa ngồi bàn. Và trên chiếc ghế ngựa đối diện, Chuyên, Tính cùng bốn đứa
con quây quần lấy cái mâm đồng có chân mà hai cái bánh đa lớn che gần kín khắp
các đĩa.
Anh em ăn cơm nhà nhau như thế là sự thường. Mà khóa Liêm,
người vui tính và sính làm thơ, nhất lại là bạn cờ của Trình, lần này không phải
lần đầu được Trình mời đến uống rượu. Nhưng vì có câu chuyện vừa xảy ra hôm trước,
Chuyên hơi chột dạ. Nàng nghĩ thầm: “Sao bỗng dưng lại mời vợ chồng mình ăn
cơm, và uống rượu nữa. Thôi chắc anh ấy muốn mượn chén để... khích bác gì
đây... Ừ, nếu không thì mời khóa Liêm đến làm gì?”
Khóa Liêm, cả làng Giáp đều ghê sợ cái tài trào phúng của
chàng. Hôm trước xảy ra một việc gì, tức thì hôm sau ở khắp các ngã ba, ngã tư
người ta thấy có dán những bài ca, bài vè mà người ta biết chắc là của khóa
Liêm. Và người ta trầm trồ khen ngợi, tuy lời ca chỉ trơn tru dễ đọc, dễ hát chứ
chẳng có ý tứ gì sâu xa, đặc sắc.
Thoạt tiên ai nấy vui vẻ nói chuyện. Cả mấy đứa con thỉnh thoảng
cũng bàn góp một câu mà không bị mắng. Nhưng lúc lũ trẻ ăn xong đứng dậy chạy
đi chơi, và hai người đàn bà, ngồi xỉa răng uống nước ăn trầu, thì ba người đàn
ông đã chuếch choáng hơi men. Đầu khóa Liêm lắc lư lảo đảo như đồng mới nhập, mắt
Khoa đỏ ngầu như mắt cá rói và tay Trình vỗ đùi đen đét mỗi khi đắc chí về một
câu giai thoại hay một bài thơ của Liêm mà cho là hay tuyệt.
Vì Liêm đã bắt đầu đọc thơ của mình, những bài thơ cũ mà
chàng làm vào những dịp kia, dịp khác, nào để đùa ông tú Tỵ với sòng bạc của
ông, nào để chửi cô ả Tạ chửa hoang, lại có bài làm ra để chế riễu vợ chồng nhà
họ đêm khuya cãi nhau đánh nhau om xòm.
Tới đây, Chuyên hơi cạnh lòng, bĩu môi nói nhiếc:
- Tưởng các ông dùng văn chương thi phú để ngâm hoa vịnh nguyệt,
chứ nếu chỉ để tả những chuyện kín trong phòng ngủ vợ chồng người ta thì thật uổng
cái tài.
Khoa liếc mắt nhìn vợ như có ý trách thầm.
Nhưng Trình cười rất thẳng thắn, đáp lại:
- Thím cứ nói thế, chứ đã gọi là thơ thì vịnh cái gì cũng phải
hay. Vịnh con kiến cũng như vịnh con voi, vịnh ông vua cũng như vịnh thằng nhỏ,
vịnh cái móng tay cũng như vịnh bộ râu bạc, nhà thơ đều phải thận trọng.
Thấy Trình đi hơi xa khiến chẳng ai hiểu chàng muốn nói gì,
Liêm liền đỡ lời:
- Thưa bà, ông Hai nói rất đúng. Như cổ nhân làm chơi bài hịch
chọi gà, thế mà sau hơn nghìn năm nay bài hịch ấy vẫn còn lưu truyền, thì đủ biết
đầu đề không cứ gì khinh trọng. Thi sĩ thường mượn một ý, một chuyện nhỏ để tả
cái chí lớn của mình trong thiên hạ. Như trong bài thơ vợ chồng nhà kia cãi
nhau, đánh nhau, tôi chỉ cốt than phiền cho cái luân lý Á Đông đã đến buổi điêu
tàn...
Văn minh Đông Á giời thu sạch,
Này lúc luân thường đảo ngược ru!
Trình kéo dài giọng khàn khàn ngâm nga, rồi hỏi Liêm:
- Không biết hai câu thơ ấy của ai nhỉ?
- Tôi cũng không rõ. Nhưng giọng thơ ấy chắc lại giọng thơ Tú
Xương chứ còn ai vào đấy?
Chuyên căm tức ngồi im. Tính khẽ bảo nàng:
- Để tôi ra cất chai rượu đi. Chứ nhà tôi hay nát rượu lắm
kia đấy.
Chuyên cười nhạt:
- Chào! Muốn nát thì nát đấy thôi. Nát chết người!
Không hiểu định ý của Chuyên, Tính cười lấy lòng. Rồi nàng ra
bàn ăn ghé tai chồng thì thầm:
- Uống vừa vừa chứ! Đưa cho tôi chai rượu nào!
Trình cười vang lên, đáp:
- Ồ! Đã thấm vào đâu! Ông Lý Bạch đời Đường uống hàng chục
chai kia chứ!
Liêm chữa:
- Lý Bạch uống rượu hũ, rượu vò, rượu chóe, vì thời ấy chưa
có chai.
Khoa mỉm cười nhìn Liêm, nói:
- Chịu cái khoa trào phúng của thi sĩ.
Nhưng Trình lắc đầu, bĩu môi:
- Ồ! Chai với vò, với hũ thì khác nhau cái quái gì! Quý hồ đựng
được rượu.
Liêm cãi:
- Khác nhau lắm chứ! Rượu đựng hũ, đựng vò ngon và thơm. Rượu
ngày nay người ta đựng chai uống nồng mà gắt.
Tính cười bảo Chuyên:
- Nồng với gắt là tại rượu chứ tại gì chai, có phải không
thím nhỉ?
Nhưng Khoa chữa thẹn cho ông khóa:
- Không, có thể lắm. Ánh sáng mặt giời chiếu qua thủy tinh có
thể làm cho rượu nồng và gắt được lắm.
Mọi người quên hẳn những bài thơ châm biếm để bàn huyên thiên
về đức tính của rượu, so sánh rượu tàu, rượu tây với rượu ta. Rồi từ rượu họ
nói tới những chuyện nấu rượu, bắt bớ, thù hằn, đi báo đoan, hay bỏ bã rượu vào
nhà, vào ruộng nhau. Những chuyện ấy họ kể như chuyện cổ tích, trong đó có cả
thần, thánh và ma. Hai người đàn bà tò mò lắng tai chú ý ngồi nghe.
Nếu không một sự gì xảy ra thì bữa rượu có lẽ cũng như mọi lần
sẽ tàn trong yên lặng gay gắt của buổi trưa nồng nực: Trình và Khoa sẽ đi ngủ một
giấc dài cho đến tối mới sẽ dậy ăn cơm chiều.
Nhưng một sự xảy ra đã làm hoạt động, huyên náo bàn tiệc. Tựa
hồ đống củi đã hầu tắt, một gáo dầu rưới vào làm cho lửa lại ngùn ngụt bốn lên.
Ai nấy đương chăm chú nghe câu chuyện hoang đường của khóa
Liêm về cái tục chỉ cúng tế bằng rượu ngang ở một làng kia, thì từ cổng đi vào
bà lý Thuận, một người chị họ của Trình và Khoa. Bà ta cười the thé và nói liền,
liền như nước chảy:
- Chào các ông, chào hai bà ạ. Cụ đi Hà Nội rồi, cụ gửi lời
chào ông Hai, bà Hai, ông Ba, bà Ba. Mãi tháng sau cụ mới lại về.
Ai cũng thừa biết rằng bà lý nói đến bà Ba. Cả ông khóa Liêm
cũng hiểu thế. Nhưng Chuyên chau mày hỏi:
- Cụ nào thế, chị lý?
- Cụ ấy mà, cụ nhà ấy mà!
- Làm gì có cụ nhà!... A bà Ba phải không?
Bà lý không đáp lại câu hỏi, mở vỉ lấy ở thúng ra ba bó nhãn
đặt lên cạnh bàn:
- Đây là nhãn người làng bên người ta biếu cụ, cụ bảo đem
sang các chú các thím xơi nước.
Chuyên mỉm cười, mỉa mai:
- Chừng nhãn khất nợ, chứ gì?
Và bà lý thật thà đáp:
- Vâng, chính thế. Họ đến khất nợ. Cụ cho khất, nhưng bắt viết
văn tự lại.
Tính cười ranh mãnh nhìn Chuyên:
- Nghĩa là bắt viết gộp vốn lãi.
- Vâng, chính thế. Có tôi nói mãi cho mới được đấy.
Chuyên đưa mắt liếc Tính:
- Phải, chị đã nói cho thì hẳn phải được.
Bà lý gọi cái Tẹo, con hầu của Chuyên, để bảo nhận lấy một
trăm nhãn.
- Cụ biếu (bà lý mỉm cười) cụ dặn nói biếu chứ đừng nói cho,
sợ các thím giận.
Chuyên và Tính nhìn nhau.
- Cụ biếu ông Hai bà Hai hai trăm, và ông Ba bà Ba một trăm,
vì bên bà Hai đông các cháu.
Bà tý cắp thúng đứng dậy chào rồi đi ra cổng, Chuyên gọi theo:
- Chị lý, tôi không lấy nhãn đâu. Giả đấy.
Nhưng bà lý vẫn lui lủi đi thẳng, không quay lại.
Một lát yên lặng. Khoa khó chịu, nâng chén uống cạn rượu.
- Thế nào, ông? Tại sao lại chỉ có thể cúng rượu ngang được
thôi?
- Vì nếu cúng rượu ty thì thế nào làng cũng động, phi có bệnh
dịch tả thì có bệnh...
Ông khóa quay ra phía hai người đàn bà:
- Xin lỗi hai bà... bệnh... bệnh hoảng chưa.
Trình và Khoa cũng phá lên cười. Nhưng Tính và Chuyên vẫn lặng
thinh ngồi nhìn ba bó nhãn. Chuyên thì thầm bảo Tính:
- Nhãn cô ta cho, chị lấy cả. Tôi thì tôi không thèm ăn nhãn
khất nợ của cô ta.
Tính cũng thì thầm đáp lại:
- Ăn thì mọi người cùng ăn, mà không, thì thôi...
Trình cười ha hả nói:
- Ông thần hoàng làng ấy thế thì thiêng thật!
Khoa gật gù tiếp:
- Cúng rượu ty thì ông thần làm cho đàn bà con gái làng ấy chửa
hoang. Nhưng chửa hoang với ai, mới được chứ, cái đó chắc không phải... ở ông
thần.
Tiếng cười thét càng to. Tính như nói một mình:
- Hỏng! Họ say quá lắm!
Chuyên vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình, nên không nghe thấy gì
nữa:
- Nếu không nhận thì phải gửi giả cô ta chứ!
- Gửi theo lên Hà Nội?
- Cứ gửi giả chị lý Thuận, rồi chị ấy bắn tin cho cô ta biết
cũng được.
Tính trù trừ, trù trừ vì nhút nhát:
- Làm thế có tiện không? Cô ta tử tế với mình...
Chuyên bĩu môi khinh bỉ:
- Tử tế!... Thảo nào!...
Xưa kia còn sinh thời ông án, bà Ba vẫn trọng đãi Chuyên hơn
Tính, hơn cả Trâm nữa, vì biết Chuyên là con quan, tính nết hách dịch. Có thức
gì ngon hay quý cũng chia cho Chuyên trước và phần Chuyên bao giờ cũng hơn phần
hai người kia. Chuyên đã quen với sự phân biệt ấy rồi. Nay thấy bà Ba đặt Tính
“ở trên” mình thì nàng khỏi sao không uất ức. Không phải nàng có thèm khát gì
vài trăm nhãn, nhưng cái cử chỉ kia tỏ rõ sự khinh rẻ đối với nàng, và lòng
thiên vị đối với Tính.
Thấy Trình ngắt một quả nhãn,Tính vội kêu:
- Đừng ăn, để giả lại đấy.
Trình trợn mắt:
- Giả lại! Giả lại ai?
Rồi thản nhiên chàng mời khóa Liêm và Khoa:
- Hết gỏi, ta nhắm với cái này cũng tốt lắm..
Chuyên ra bàn nhắc một bó nhãn, nói:
- Đấy, hai trăm cô ta biếu anh chị thì anh chị cứ dùng. Chỗ
này cô ta biếu tôi, để tôi giả lại..
Trình, giọng lè nhè, đùa bỡn đáp:
- Cũng được! Tùy thím. Chứ tôi, thì tôi phải nhắm rượu với
nhãn của dì Ba thân yêu của tôi.
Chuyên cười khinh bỉ:
- Chừng mới thân độ hơn tháng nay, từ ngày...
Nàng tưởng chẳng cần nói dứt câu, nghĩa cũng đã rõ rệt lắm. Rồi
nàng quay ra bảo Liêm: Ông khóa vịnh thơ nữa đi, cho vui.
Khóa Liêm gật gù:
- Xin vâng... Vậy xin bà ra đề.
Chuyên vờ nhìn quanh để tìm đầu đề, rồi trỏ lồng chim khướu
nói:
- Thơ vịnh con khướu.
Liêm nghĩ không đầy một phút, đọc liền:
Thân khướu như mi thật sướng đời,
Lầu son gác tia chốn mi ngơi
Nước trong gạo trắng bao giờ hết?
Chỉ việc xơi rồi lại hót thôi.
Trình và Khoa thẳng thắn vỗ tay cười reo:
- Hay, hay tuyệt! Thực là thơ thần.
Liêm giọng tự đắc:
- Rượu thánh thì phải có thơ thần chứ!
Nhưng Tính biết là Chuyên có ý ngờ vực. Và nêu ra cái đầu đề
“Vịnh khướu”, Chuyên chỉ định ngầm mỉa mai vợ chồng mình. Nàng liền bảo Liêm:
- Nhưng con khướu của tôi nó có nhà lầu, nhà gác đâu mà ông
khóa hạ lầu son, gác tía. Oan cho nó quá!
- Thưa bà, lầu son gác tía là cái lồng cao sơn son.
Trình vẫn cười và không lưu ý đến cái liếc nhăn nhó của vợ,
trong khi Chuyên lẳng lặng bỏ về nhà.
XI
Trong khắp làng Giáp, đi đâu cũng nghe thấy người ta nói đến
chuyện bất bình, khích bác, kình địch, ganh ghét, thù hằn của hai gia đình anh
em Trình và Khoa.
Những người không biết rõ chuyện đều lấy làm lạ rằng hai anh
em yêu mến nhau như Trình với Khoa mà có thể thù ghét nhau được. Rồi họ bàn tán
thế này, thế khác. Người thì bảo chỉ tại Chuyên cậy mình là con quan, khinh miệt
Tính là con nhà trọc phú. Người thì bảo trái lại, khởi đầu chính ở vợ Trình!
Nàng cổ quá, luôn luôn lên mặt chị dâu với vợ Khoa, Chuyên không chịu nổi nên phải
chống cự. Lại có người bình phẩm một câu mỉa mai:
- Chung quy chỉ tại đàn bà ráo! Chứ đàn ông ở với nhau có bao
giờ lôi thôi điều nọ tiếng kia đâu?
Rồi, người ấy kể luôn một chuyện, hầu như chuyện cổ tích, để
chứng thực cho những tư tưởng triết lý và tâm lý của mình:
“Hai anh em một nhà kia, một nhà quan tại Hà Nội, ở chung với
nhau trong hai mươi năm không xảy ra một điều gì xích mích. Họ kính yêu nhau
như nhân vật trong tiểu thuyết Tàu. Mà sở dĩ được như thế là nhờ về một sự ngẫu
nhiên: Người em ở góa.
Nhưng bỗng người em tục huyền... Năm hôm sau, bắt đầu có sư
ngờ vực. Rồi hai gia đình khích bác nhau, kình địch nhau, ganh ghét nhau, thù hằn
nhau, và nếu người em không dọn nhà đi ở nơi khác thì có lẽ đã xảy ra những sự
ghê gớm hơn nữa...”
Những người mang máng biết chuyện thì chia ra hai phe. Phe bà
Ba và phe con chồng. Thuyết của phe trên đại khái như thế này; Bà Ba không có
con trai muốn nuôi một người trong hai anh em Trình và Khoa làm con, để sau này
nhường hết tài sản cho. Vì thế nên hai anh em tranh giành nhau làm con bà ta, đến
nỗi sinh ra thù oán nhau.
Bọn này khinh bỉ Trình và Khoa ra mặt. Có lẽ một phần vì lòng
ghen tức, thấy một trong hai anh em nhà ấy sắp sửa bỗng dưng trở nên giàu sụ,
nhưng nhất họ toàn là những người có vay nợ bà Ba: Họ thường đi lại, hầu hạ, nịnh
hót bà ta, và cố gắng được lòng bà ta, họ chẳng bỏ qua một dịp tốt, họ chẳng bỏ
sót một tiếng tệ bại để nói xấu Trình và Khoa mà họ ghét một cách đường hoàng
và hằn học. Nay nếu một trong hai người ấy được bà Ba giao hết quyền bính cho,
thì sau đây hẳn là họ mất cho nương nhờ, vay mượn, những khi túng thiếu.
Người đứng đầu phe này là bà lý Thuận, người mà Khoa gọi bằng
con “nặc nô”, vì thường thấy bà ta đi đòi nợ cho bà Ba. Ở những nơi quen thuộc,
bà ta vẫn trầm trồ ca tụng bà Ba về cái cử chỉ quân tử của người dì ghẻ đối với
con chồng: “Rõ phúc đức quá, chả tìm đâu ra một người dì ghẻ nữa như thế!” Rồi
bà ta tiếp luôn: “Thực hồng phúc nhà cụ án còn to lắm”. Ai có hỏi bà ta tin tức
về việc thừa tự thì bà ta chỉ cười, và nói một câu bí mật: “Cụ tôi bảo kể thì
ông Khoa ngoan ngoãn hơn, nhưng ông Trình lại đứng đắn hơn”. Nghĩa là cũng chưa
ai biết rõ bà Ba định “chấm” người nào trong hai con chồng.
Bề ngoài thì bà lý Thuận thớ lợ như thế, nhưng sự thực, bà ta
chẳng mong ai được ăn thừa tự hết. Vì vậy, bà Ba động hỏi ý kiến bà ta về “việc
nhà”, là bà ta giở hết những lời khôn khéo ra để xui xiểm ngấm ngầm. Bà ta thuật
lại, bịa đặt những câu nói hỗn xược hay khí khái của Trình và Khoa, rồi kết
thúc:
- Bấy, cụ lớn xem, cụ lớn tử tế với các ông ấy như thế, mà
các ông ấy nỡ xử tệ.
Bà Ba thừa hiểu thâm ý của bà Lý, nhưng cũng cố buồn rầu đáp
lại:
- Thôi chị ạ, tôi chỉ ở với giời! Giời biết bụng cho tôi, chị
ạ. Thế là đủ rồi.
Nhưng bà lý vẫn chưa biết bụng bà Ba, vẫn không rõ bà ta đã
quả quyết về việc thừa tự chưa, và trong hai người con chồng, bà ta định chọn
ai.
Còn những người về phe Trình, Khoa thì họ không nhìn nhận đến
sự xích mích, chia rẽ giữa hai anh em mà họ coi như không có. Họ cho rằng Trình
và Khoa nhất định từ chối không thèm nhận ăn thừa tự “cô Ba” là rất phải. Họ đạo
mạo thuyết lý: “Người ta có sung sướng vì tiền tài bao giờ đâu? Trái lại, tiền
tài là cái nguồn khổ sở, mất bình tĩnh, mất yên vui. Đấy, cứ coi những chuyện
lôi thôi xảy ra trong hai gia đình Khoa và Trình thì đủ rõ. Chỉ vì đã từ chối
việc ăn thừa tự, mà hai ông chồng bị hai bà rợ rầy rà làm cho mất ăn mất ngủ.
Đàn bà họ dễ hoa mắt, rối lòng về tiền lắm. Nhưng chắc thế nào rồi bọn đàn ông
cũng thắng”.
Ấy là những lời bình phẩm của bọn học giả, bọn cụ cử Tỵ, cụ
tú Phấn, ông khóa Liêm. Chính ông này đã làm một bài thơ Đường luật, bát cú để
khen ngợi và khuyến khích anh em Trình nên vững tâm, đừng để tiền và đàn bà cám
dỗ nổi. Ông ta lại soạn một bài văn tế nửa chữ nửa nôm để tống tiễn “Thần Tiền”
mà đi đến đâu ông ta cũng đọc bô bô cho mọi người nghe, trước mặt cả đàn bà con
gái.
Một phe thứ ba mới nảy ra, phe trung lập... Phe này phần nhiều
là phụ nữ hoặc những chỗ quen biết của Trình và Khoa. Họ thiết thực và bao giờ
cũng rất có lý. Họ bảo nhau: “Rõ các bà ấy mới lẩn thẩn mà các ông ấy cũng dở
hơi nốt! Việc gì lại từ chối? Việc gì mà ngờ vực nhau, tranh giành nhau? Thì cứ
một người nhận phăng làm con bà ta rồi khi được hưởng gia tài đem chia cho người
kia. Thế thì có phải ổn thỏa không? Chả phải tôi, tôi thì tôi cứ chiều chuộng lấy
lòng bà ta... Chiều người lấy của, đã chết đấy mà sợ!” Một người biết rõ lòng
thù ghét của bọn con chồng đối với bà Ba bàn một câu quyết liệt: “Các ông ấy thực
vụng tính! Cứ vờ bằng lòng đi, rồi một năm, hai năm sau, khi đã được lòng tin cẩn
của bà ta, sẽ sửa cho bà ta một chuyến, xem có lệch nghiệp không nào”.
Có người nghe chuyện vặn lại:
- Sửa! Dễ sửa nhỉ? Người ta cũng khôn chán ra đấy. Chả khôn
mà bòn được của chìm của nổi của cụ án... Ừ, mà sửa bằng cách gì, nào?
- Chả thiếu gì cách. Cùng lắm thì dắt cướp vào nhà mà thịt.
Như thế có phải nhất cử lưỡng tiện không? Vừa lấy được của, vừa giả được thù.
Lời công kích nhao nhao lên:
- Câm ngay đi!... Vạ mồm vạ miệng mà chả chết! Bà ấy vẫn mời
ông huyện bà huyện, cả cụ thượng, cụ bố nữa về ăn tiệc đấy. Khéo mà lại ngồi tù
mọt xương!
Những lời bàn tán của người làng Giáp quanh việc nhà Trình và
Khoa đều có một hai phần đúng sự thực.
Một điều mà ai ai cũng nhận rõ là cảnh bất hòa trong hai chị
em dâu. Vì những người đến chơi với vợ chồng Trình hay vợ chồng Khoa đều trông
thấy ngay những sự thay đổi trong cái dinh cơ cụ án Nguyễn.
Cái giàn thiên lý trước nhà ngang của Trình nay như mọc tốt
hơn, dầy hơn, kín hơn. Kỳ thực, Tính đã hạ thấp cái phên phía trước xuống và
ken lẫn vào trong lá thiên lý những dây thài lài mà nàng trông ở các chân cột
bương cho leo lên giàn: nàng không muốn để vợ chồng Khoa trông thông thống sang
cho ngồi chơi của nhà nàng.
Chuyên đáp lại liền. Nàng cho mua nứa và tre về đan kíp mấy
cái giại dựng thẳng một hàng dưới mái kẽm che hiên. Nhưng vẫn còn phải chung bếp,
đó là một điều khó chịu, bực tức cho nàng. Một ngày hai buổi phải qua sân nhà
thờ đi xuống bếp làm thức ăn, tuy nàng không phiền nhiễu ai, vì bếp là bếp của
cả hai bên chứ chẳng của riêng một mình nhà nào, nhưng nàng lấy làm chướng mắt
khi gặp mặt “những kẻ” mà nàng không ưa. Vì thế một hôm nàng đã cất tạm hai
gian tre lợp rạ ở ngay đầu hồi nhà gác để thổi nấu. Và nàng sung sướng nghĩ thầm,
rồi lớn tiếng rêu rao:
- Thôi, từ nay khuất mắt!
Câu ấy đến tai Tính, Tính cười rất to, đoạn, quát mắng đầy tớ:
- Xiêm! Mày tưởng mặt mày đẹp lắm đấy mà người ta khao khát
muốn gặp. Rõ đồ mặt dầy!
Những câu qua lại, đối chọi nhau chan chát như thế của hai
người đàn bà, người làng Giáp đều biết hết. Một bọn đã hầu như tổ chức một sở
liêm phóng để ghi chép những sự xảy ra trong hai nhà, rồi đem đi phao khắp mọi
nơi. Nhiều khi họ còn thêm thắt, bịa đặt ra những điều không có nữa. Như ngày
hai nhà còn chung bếp, họ kể lắm câu chuyên khôi hài đến hay. Chẳng hạn họ bảo
một hôm thằng Phiên đái vào nồi canh của Chuyên để báo thù lại nắm muối mà hôm
trước cái Tẹo, đầy tớ Chuyên, đã bỏ vào niêu cá nấu của Tính. Họ lại kháo một
điều rất vô lý: là Chuyên đòi chồng rào ngăn đôi sân nhà thờ, để được biệt chiếm
một giang sơn, không dính dấp gì với bên nhà vợ chồng Trình nữa.
Những lời thì thào ở ngoài, Tính và Chuyên đều biết hay đoán
biết. Nhưng không vì thế mà họ chịu nhụt bớt. Trái lại, mỗi ngày họ một thêm
quá quắt.
Đứng trước cái thái độ ngang ngạnh, lăng loàn của vợ, hai người
đàn ông trước còn họp sức để chống cự lại.
Một hôm Khoa đã hét lớn cốt để anh và chị dâu nghe tiếng:
- Vậy mợ muốn gì? Mợ muốn tôi ăn thừa tự cô ta, phải không? Nếu
thế cũng không khó gì kia mà. Nhưng mợ hãy để cho tôi được yên thân đã!
Chuyên chẳng vừa, cũng thét lại:
- Thế thì cậu hiểu nhầm tôi quá, tôi không phải hạng vục đầu
vai xướng như người ta đâu mà cậu nói thế.
- Vậy mợ muốn gì?
- Tôi muốn cậu mở to mắt ra mà nhìn.
Khoa gào gần như khóc òa lên:
- Nhưng mắt tôi vẫn mở to mà tôi không nhìn thấy gì hết.
Chuyên cười mát:
- Vậy cậu thong manh mất rồi!
Một lát sau tấn kịch diễn tiếp liền ở bên nhà Trình. Tính lớn
tiếng bảo chồng:
- Cậu đã nghe rõ chưa?
Trình gắt:
- Tôi chẳng nghe thấy gì hết.
- Thế thì cậu điếc đặc rồi!
- Vâng tôi điếc, nhưng mợ không điếc thì mợ nghe thấy gì?
Tính cười khinh bỉ:
- Tôi nghe thấy em cậu nói bằng lòng ăn thừa tự người ta.
Trình cũng cười, mỉa mai:
- Vậy mợ muốn tôi tranh nhau với chú Ba, phải không? Được rồi,
nếu mợ muốn tôi nịnh hót để chiếm lấy cái tài sản phi nghĩa của cô ta thì thế
nào rồi tôi cũng chiếm nổi.
Kết cục, hai người đàn bà mỗi người vào một xó buồng ngồi ôm
mặt nức nở khóc hàng giờ.
Thấy giảng giải, thuyết lý, gắt gỏng, nói nặng đều không có một
chút công hiệu gì, hai người đàn ông theo nhau đem sự yên lặng ra đối phó,
không phải sự yên lặng lạnh lùng, khinh bỉ, những sự yên lặng thản nhiên của kẻ
biết mình yếu thế, yếu sức không chống nổi lại địch thủ.
Khí giới thứ hai ấy cũng vô công hiệu nốt. Đàn bà họ rất ghét
những người đứng trung lập. Về hùa cùng họ hay chống cự lại họ, phải dứt khoát
chọn lấy một đường, nếu không, sẽ không yên được với họ. Đương đêm họ đánh thức
dậy để bàn chuyện nhà, để nói xấu kẻ thù, nếu mình ậm ự trả lời cho xong việc,
họ sẽ làm ầm cửa ầm nhà lên ngay.
Trình và Khoa đều đã qua cái cầu ấy.
Bất đắc dĩ Khoa phải giả tảng biểu đồng tình cùng vợ và cố nặn
ra vẻ mặt giận dữ, căm tức. Có khi nhận thấy mình như trở nên có tính cách đàn
bà, chàng đã phải bật cười lên tiếng.
Trình là người thẳng thắn và thực thà, không hay suy xét sâu
xa: Chàng tưởng em nghe vợ và ngờ vực mình. Trước chẳng còn buồn phiền. Về sau,
chàng thấy vợ có lý và khôn ngoan, sáng suốt hơn mình. Đã có lần chàng nghĩ thầm:
“Tình huynh đệ làm mình mờ mắt, loạn trí. Nhưng Tính nói rất phải, ở đời chỉ vợ
chồng là hiểu nhau, là thực bụng thương yêu nhau!” Câu “vợ chồng đầu gối tay ấp”
của nàng, Trình cảm thấy có một nghĩa hầu như thiêng liêng.
Dần dần chàng tin theo vợ đến nỗi tìm hết cách tránh mặt Khoa
mà chàng vẫn cho là một người ranh mãnh, một người đáo để. Hồi chàng yêu em thì
cái tính ranh mãnh của em, chàng cũng yêu. Nhưng nay chàng thấy cái tính ấy rất
nguy hiểm, rất xấu xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét