Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Về những cuốn tiểu thuyết "khó đọc"

 Về những cuốn tiểu thuyết "khó đọc"

Năm 2003,nhân cuốn Phía đông thiên đường của nhà văn Noben John Steinbeck (Mỹ) được tái bản ở Mỹ và trở thành một hiện tượng xuất bản, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đoc, một lần nữa nhà văn này lại được dư luận Mỹ đưa lên đánh giá. Những  ý kiến khen ,chê khác nhau như thường thấy. Trong ý kiến khen chê (được đưa lên mạng Internet), có một ý kiến  như sau: ”Cuốn Chùm nho nổi giận  của ông quá dễ hiểu“. Tôi nhớ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến có lần nói trên báo rằng, ở Mỹ người ta chỉ giảng dạy trong  trường Đại học những tác phẩm văn chương được coi là khó hiểu. (Dĩ nhiên phải là hay). 
Tại sao lại đặt ra vấn đề dễ hiểu và khó hiểu ở một cuốn tiểu thuyết?. Có lẽ vấn đề ở chỗ, cách thể hiện của nó thóat khỏi  khuôn  khổ nghệ thuật truyền thống. Dĩ nhiên cũng cần nói ngay rằng, sự khó hiểu chứ tuyệt nhiên không phải là không thể hiểu. 
Gần đây cuốn Linh Sơn của Cao Hành Kiện (nhà văn Nobel Trung Hoa) được hai nhà xuất bản trong nước dịch và xuất bản. Một biên tập viên của môt trong hai nhà xuất bản này nói với tôi, nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi rằng, cuốn tiếu thuyết này thuộc lọai khó đọc quá.
Tôi đã đọc cuốn sách này và nhận thấy, cách thể hiện của nó thoát khỏi cách thể hiện của các cuốn tiểu thuyết tôi đã từng đọc bao gồm sách của tác giả trong nước và sách dịch của nước ngoài. Tiếp cận nó theo cách đọc một cuốn tiểu thuyết không thường khác, đúng là khó đọc thật. Một số cuốn sách của nhà văn Nguyễn Khải tôi cũng phải đọc theo cách không thông thường như thế.
Xin trở lại vấn đề dễ hiểu, khó hiểu của một tác phẩm văn chương. Sự khó hiểu của văn chương thường được thể hiện ở ba khía cạnh sau. 
1- Tác phẩm đựợc viết theo một nghệ thuật mới lạ, gây khó khăn cho những bạn đọc quen tiếp cận với văn chương theo một nghệ thuật thể hiện quen thuộc. Nó buộc người đọc phải tìm cho riêng mình một “chìa khóa nghệ thuật” rất khác trước, và không có sẵn, để giải mã qua từng trang sách. Thật khó khăn, nhưng cũng thật thú vị. Tất nhiên như vậy nó sẽ không dành cho những ai đến với văn chương chỉ để tìm sự giải trí thông thường.
2- Sự khó hiểu thực ra là cố ý làm rối rắm những vấn đề đơn giản.
3- Sự khó hiểu đồng nhất với sự không thể hiểu.
Ở đây xin chỉ bàn đến khía cạnh thứ nhất. 
Xin nói thêm, tại sao cuốn Chùm nho nổi giận lại bị “chê” là quá dễ hiếu. Rõ ràng so với Của Chuột và người cũng của Steinbeck,cuốn Chùm nho nổi giận của ông được viết theo một phong cách khác. (Khi nói vậy là ta tin vào bản lãnh và tài năng của dịch giả). Chính có người trong giới viết lách khi đọc hai bản dịch của hai cuốn trên,cũng thú nhận rằng, họ thích cuốn Của chuột và người hơn, mặc dầu cuốn đọat giải thửơng Nobel là cuốn Chum nho nổi giận. Theo chủ quan của tôi, cuốn Chùm nho nổi giận, vào thời mới ra đời chắc cũng gây khó khăn cho không ít bạn đọc thông thường  khi tiếp cận với nó. Và cho tới bây giờ, sau nhiều năm được đọc đi đọc lại, chìa khóa nghệ thuật cơ bản đã được giải mã, nó đã quen thuộc và trở thành dễ hiểu. Chẳng có gì có thể khó hiểu mãi được nếu thực sự có những điều cần phải hiểu.
Một vấn đề được đặt ra, tính nội dung của hình thức tiểu thuyết. Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN là tốt nhất, nhưng không phải là duy nhất”. Các phương pháp sáng tác khác nhau đang được mở ra cho các nhà văn. Nhưng từ bấy tới nay,hình như chưa có những đột phá nào đang ghi nhận trong hình thức thể hiện tiểu thuyết của chúng ta.
Có một thời chúng ta thường quy kết cho các trường phái tiểu thuyết phương tây, như Tân tiểu thuyết, Dòng ý thức... vân vân... là phản ánh sự bế tắc của Chủ nghĩa Tư bản. Chúng ta chưa bàn sâu vào sự tìm tòi các hình thức tiểu thuyết như là một nhu cầu nội tại của văn chương. Ở nước ta hiện nay bàn tới các trường phái tiểu thuyết có sớm không? Nhà văn Lê Lựu đã có lần phát biểu trên báo (xin dẫn ý) tiểu thuyết Việt Nam vài năm trở lại đây, không đọc cuốn nào cũng không sợ lạc hậu với tình hình văn chương nước nhà.
Chúng ta xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đậm đà bản sắc dân tộc chúng ta nói khá tập trung và thuyết phục, còn tiên tiến, tôi nghĩ cần phải có những trao đổi bàn bạc nhiều  hơn nữa. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chúng ta, những cuộc hội thảo như thế càng cần thiết biết bao.
Chúng ta có nhiều bài phê bình lý lụận về nội dung đề tài trong các tác phẩm văn chương, các cuộc hội thảo để nhận diện nhân vật chủ đạo trong văn chương.
Chúng tôi mong có những cuộc hội thảo tương xứng như thế về đổi mới nghệ thuật thể hiện trong tiểu thuyết. Và dư luận cũng cần có những quan tâm khuyến khích những cuốn tiểu thuyết được coi là khó đọc. Có lẽ cần có những cuộc hội thảo, trao đổi trên báo chí về những cuốn sách có những tìm tòi hình thức thể hiện. Và bản thân các nhà xuất bản cũng cần mạnh dạn khuyến khích các nhà văn tìm tòi theo xu hướng này. Bởi vì những cuốn sách như thế, chắc chắn là khó bán. 
Về phía các nhà văn, nhất thiết ta không sợ mang tiếng là kiêu kỳ, cố ý rắc rối. Vấn đề là tự ta thấy cần thiết theo đòi hỏi của đời sống văn học,của bản thân tác phẩm. Tất nhiên con đường tìm tòi trong sáng tạo văn chương không dễ dàng, đơn giản, chứa đựng quá nhiều rủi ro thất bại, thậm chí là thất bại nặng nề. Nhưng chính đó cũng là yếu tố kích thích nhà văn sáng tạo.
17/3/2005
Hào Vũ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...