Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Hoài Khanh, mây của trời rồi gió sẽ mang đi

Hoài Khanh, mây của trời
rồi gió sẽ mang đi…

Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(Hoài Khanh, Ngồi lại bên cầu, Thân phận, tr. 19)
1. Nếu lấy mốc ra đời tập thơ đầu tiên Dâng rừng năm 1957 thì cho đến nay, thi sĩ của dòng Cà Ty, Hoài Khanh, đã đi qua một hành trình hơn nửa thế kỷ với văn chương Việt, với văn học miền Nam. Hơn nửa thế kỷ ấy, không chỉ với tư cách là một nhà thơ nổi tiếng, Hoài Khanh còn là một dịch giả chuyên giới thiệu các tác phẩm triết học của các nhà văn lớn như Martin Heidegger, Hermann Hesse, hay tác phẩm của Henry Miller, Walter Kaufmann… Nhà thơ từng là “người coi sóc” tập san văn nghệ Giữ thơm quê mẹ do nhà Lá Bối xuất bản, quy tụ những tác giả lớn, gây được tiếng vang đáng kể, rất có ảnh hưởng trong văn giới trí thức. Đồng thời, Hoài Khanh cũng từng là người điều hành nhà xuất bản Ca Dao - một nhà xuất bản có uy tín ở miền Nam, đã in được nhiều tác phẩm có giá trị trước 1975.
Viết về một tác giả của văn học miền Nam trước đây thật sự là điều không dễ. Hầu như người viết hôm nay phải bắt đầu từ những con số không. Bởi tư liệu, sách vở về giai đoạn này thật sự hiếm hoi. Phần thất tán. Phần bị hạn chế. Phần thời gian hủy hoại… Một sự đứt mạch nửa chừng... Mà thời gian thì không chờ không đợi một ai, cứ thế, lạnh lùng, khắc khoải:
“Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian”
(Hoài Khanh, Dòng sông của tôi, Thân phận, tr. 26)
Trong tiểu luận Thi ca miền nam 54-75, nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh cho rằng “Kẻ hậu sinh sau này muốn tìm hiểu con người và cảnh tượng đời sống Việt thế hệ 1954-1975 không thể không mở tìm lại những trang thơ mang suy tư về cá nhân và tập thể của Mai Trung Tĩnh, Hoài Khanh, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, v.v...". Nhìn lại với độ lùi bốn mươi năm, càng lúc độc giả hôm nay càng thấy rõ một sự chênh vênh phi lý khi nhìn lại những khoảng trống hiện nay trong việc nghiên cứu văn học miền Nam. Rõ ràng bộ phận văn học ấy thực sự cần được nhìn lại ở nhiều góc độ khách quan, công bằng hơn. Vì vậy, việc tập san tư liệu-sáng tác văn học nghệ thuật Quán Văn, với tôn chỉ gìn giữ những giá trị văn chương đích thực, lần lượt chọn giới thiệu những cây bút tiêu biểu của một nền văn học quá khứ đến nay vẫn gắn bó máu thịt với đất nước và con người miền Nam..., từng là một dòng chảy độc đáo của văn học Việt Nam, thật sự là một việc làm có ý nghĩa. Tuy chỉ là một phần nhỏ nhoi của dòng chảy ấy, nhưng đáng quý biết bao cái tình văn chương. Nếu không có những giọt nước nhỏ nhoi này, mai đây, những bạn trẻ của chúng ta sẽ biết gì về một dòng văn học miền Nam mênh mang từng tưới tắm cho tâm hồn bao thế hệ…? Những phù sa mà bản thân tôi, nửa đời đi qua hai dòng chảy ngược xuôi, vẫn không nguôi khao khát tìm lại cội nguồn từng nuôi lớn khôn tôi… Trong tâm thức đó, Quán Văn đã lần lượt phát hành những tập san về các tác giả Nguyễn Mộng Giác, Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc, Đinh Cường, Kinh Dương Vương-Rừng-Dung Nham... Gần đây hơn, bước sang tuổi thứ 2, Quán Văn tiếp tục giới thiệu một loạt chân dung Trịnh Công Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Lữ Quỳnh... những cây bút tiêu biểu một thời của văn học miền Nam, đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả cả hai miền Nam Bắc. Những người đọc của hôm nay đường như cũng đang cần lấp đầy những khoảng cách không gian, thời gian mà điều kiện lịch sử của nước ta nhiều năm dài còn lúng túng.
Và lần này, chúng ta có tiếng thơ cô độc chứa chất cả nỗi sầu thế kỷ của thi sĩ Hoài Khanh...
2. Thử tiến hành một khảo sát sơ bộ trên công cụ tìm kiếm google, chúng ta có thể tìm thấy trên hai mươi bài tiểu luận phê bình, nhận định riêng, chung…, trong đó hơn 2/3 là của những nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu cùng thời với thi sĩ mà chỉ cái tên của các cây bút tài hoa lừng lẫy ấy thôi đã cuốn hút người đọc miệt mài đi theo từng dòng, từng chữ… Thú vị có. Băn khoăn có. Bởi những luận điểm có khi tương đồng, có khi khẳng định, có khi dè dặt, có khi vừa khẳng định vừa phủ định trong cùng một bài viết, hay những người viết cùng thời…như một cuộc đối thoại văn chương thú vị giữa những siêu-độc-giả: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Đặng Tiến, Tuệ Sỹ, Phong Nhã -Trần Phong Giao… ở những năm 60. Bẵng đi hơn 30 năm, qua nỗ lực của nhóm Thư Ấn Quán, bắt đầu từ bè bạn văn chương hải ngoại, nửa cuối những năm 2000, người đọc lại bắt gặp những nhận định chí tình chí lý của Võ Phiến, Nguyễn Vy Khanh, Trần Tuấn Kiệt… trong các công trình văn học sử về thi ca miền Nam; Những tiểu luận phê bình cảm nhận và phân tích sâu sắc từng mặt của Nguyễn Lệ Uyên (Gió Bấc Trẻ nhỏ Đóa hồng và Dế -khúc hát nao lòng), Phạm Ngọc Lư (Hoài Khanh và Thân phận) Lê Ngọc Trác (Hoài Khanh, từ lục bát nâu đến lục bát thiền), Thích Phước An (Người thi sĩ đi tìm lại nguồn cội của dòng sông), Hải Phương (Hoài Khanh, một đời nghe gió thổi hoài)…, “Phác họa Hoài Khanh” bằng thơ như nhà thơ Luân Hoán…Hay khảo sát và nhận định toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ, văn, dịch thuật, báo chí, xuất bản của Hoài Khanh như bài khảo luận của Nguyễn Mạnh Trinh (Hoài Khanh, từ Thân phận đến Lục bát). Nhìn chung, các tác giả đều khá gần nhau ở những nội dung chính trong thơ Hoài Khanh:
(1) Bối cảnh đất nước trong những năm tháng chiến tranh đã bôi đen tâm tư tuổi trẻ và những dồn nén trong nỗi buồn rầu bất lực.
(2) Những suy niệm đớn đau về thân phận con người - Con người cô đơn, bi quan không chút hy vọng ở tương lai.
(3) Ý thức siêu hình và thiền tính trong thơ Hoài Khanh.
(4) Khung trời thi ca mênh mang của 1 kiếp vô thường đã chịu thua mạng số.
Gần đây hơn là những hoài niệm của các cây bút bạn bè xưa khi hay tin nhà thơ đột quỵ như Viên Linh, Trần Hoài Thư, Đinh Cường, Tâm Nhiên, Đỗ Hồng Ngọc, Phạm Phù Sa, Đặng Châu Long… Chen lẫn trong những kỷ niệm riêng chung, các tác giả tiếp tục đọc lại thế hệ trước và tô đậm những đặc điểm đã nêu trong thơ Hoài Khanh, qua đó, tái khẳng định vị trí của Hoài Khanh trong dòng chảy của văn học miền Nam trước kia cũng như hiện nay và những âu lo tình bạn cảm động dành cho tác giả của Thân p­­­­­­hận.
Tôi cũng đặc biệt bất ngờ, ngạc nhiên, xúc động khi đọc lại bức thư sôi nổi và hết sức chân thành của một cậu “sinh viên 18 tuổi, Văn khoa, Huế, và một kẻ yêu thơ. Nó yêu thơ như yêu chính nó (ái “thi”như ái thân), như nó yêu cha mẹ nó, yêu trăng, yêu sông núi, quê hương đói nghèo quằn quại trong lửa, máu chinh chiến.” (Thư Cao Quảng Văn ngày 5.10.1965, trang 2) gửi thi sĩ Hoài Khanh với tất cả niềm ngưỡng mộ và hạnh phúc khi được đọc tập thơ Thân Phận của Hoài Khanh. “Một tập thơ mà nó đã đọc lên bằng tất cả linh hồn, với tất cả đam mê buồn bã, của một tình tự mang mang thiên cổ, của một thằng người mọc lên từ nỗi nhớ niềm thương…” (trang 1).
Chưa có điều kiện để tìm hiểu đầy đủ những tiếp nhận đồng cảm của các bạn rất trẻ trên các trang mạng sachxua.net, chutluulai…Chủ yếu là những cảm nhận ngắn khi đọc lại và trích dẫn một số bài phê bình, một số bài thơ tiêu biểu của Hoài Khanh. Song, thoảng qua, hầu như khoảng cách thẩm mỹ không cách biệt là bao so với người đọc những thế hệ trước. Hoài Khanh và thân phận với diễn ngôn chối bỏ hiện thực tan hoang bi đát vẫn mênh mang đâu đó như dòng sông Đồng Nai hiền hòa êm ả mà lồng lộng con nước bốn mùa. Nửa thế kỉ hơn, Hoài Khanh vẫn lặng lẽ trôi bên đời như thế…, không ồn ào, nếu không nói là ẩn dật, lánh xa chuyện vô thường… Nhưng bất kể không gian địa lý và thời gian… thơ ông vẫn được đón nhận với một sức sống bên trong của chính nó.
Với hành trang và tâm thế đó, bước đầu cùng tập thơ duy nhất tôi có trong tay, tôi đã chạm ngõ thế giới nghệ thuật u hoài hoang mang bất lực nỗi buồn thân phận của thi sĩ Hoài Khanh qua những người đọc nhiều thế hệ của ông. Có điều, thật tiếc là tôi lại có quá ít thông tin về con người nhà thơ. Hình như ông cũng cố tình như thế. Chỉ có thơ. Thơ Hoài Khanh tự nói về ông với cuộc đời này… Như Phạm Công Thiện từng nói trong bài mở đầu tập Thân phận của Hoài Khanh, qua thơ, đó là “một hình ảnh hãi hùng (…), là hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian. Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Ray rứt, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người.”… (Thân phận, tr.8). Nỗi cô đơn tột cùng mà chính tác giả cũng tự thú nhận:
Ta đối diện với một hồn đơn chiếc
Ta khóc cười với một bóng lưu linh.
(Buồn con chim lạ, Gió Bấc Trẻ nhỏ Đóa hồng và Dế, tr.54)
Rồi khẩn khoản kêu gọi tình thương:
Van người xin hãy thương nhau
Mai kia đất vẫn dâng mầu lưu ly
(Mầu lưu ly, Gió Bấc Trẻ nhỏ Đóa hồng và Dế, tr.7)
Không thể để lãng quên một ngòi bút tài hoa, ngày 19.9.2014 vừa rồi, chủ biên Nguyên Minh đã tổ chức chuyến viếng thăm thi sĩ Hoài Khanh tại tư gia của anh ở Biên Hòa. Nhờ vậy, chúng tôi không chỉ còn “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” như trước nay nữa. Nhiều chi tiết về tác phẩm, về bản thân nhà thơ… qua cuộc trò chuyện cũng có nhiều điểm sáng rõ hơn… Và, thật xúc động khi cầm trên tay những tập thơ giấy đã sờn rách, ngả vàng màu năm tháng: Thân phận (1972), Lục bát (1968), Gió Bấc Trẻ nhỏ Đóa hồng và Dế (1970), bên cạnh mùi giấy hãy còn thơm của tập Thân phận tái bản lần thứ 6, giấy phép xuất bản vẫn còn… chưa ráo mực (30.7.2014). Càng xúc động khi anh cố gắng nghiêng người trên giường bệnh để ký vào trang bìa chữ ký tặng đã có phần run rẩy cái tên Hoài Khanh đầy đủ, nằm gọn trên nét gạch dưới ngoéo lại cách điệu như dấu Anpha của chữ Latin… Mà… Anpha (tiếng Hy Lạp: Αλφα) cũng chính là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp. Trong hệ thống chữ số Hy Lạp, nó mang giá trị là 1. Nó bắt nguồn từ chữ cái Phê-ni-xi Aleph  (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Alpha).
Lan man một chút…, không biết chữ kí này nhà thơ dùng tự bao giờ nhưng…, biết đâu cũng là một gửi gắm của tác giả Thân phận… (?) 
3. Theo Nguyễn Mạnh Trinh, “Hoài Khanh là bút hiệu, tên thật của ông là Võ Văn Quế, sinh ngày 3 tháng 6 năm 1933 tại phường Ðức Nghĩa, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Học chưa hết chương trình tiểu học thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cùng một số bạn bè rời bỏ trường học vào chiến khu tham gia kháng chiến ở tuổi còn rất nhỏ. Sau năm 1954, ông trở về Sài Gòn và làm nhiều nghề để tự mưu sinh.” (Nguyễn Mạnh Trinh, Hoài Khanh, từ “Thân phận” đến “Lục bát”). Chi tiết “vào chiến khu tham gia kháng chiến…” không biết tác giả bài viết căn cứ vào tư liệu nào nhưng khi chúng tôi đọc lại cho thi sĩ nghe nhằm xác nhận các mốc thời gian, nhà thơ - tuy nằm trên giường bệnh - cũng bật cười xòa: “Hồi đó còn nhỏ, biết gì đâu… mà tham gia kháng chiến…chạy tản cư thì có!” Anh còn nhớ rõ lúc đó đã cùng Ngô Đình Cường (?) đi tản cư ở bưng Cò Ke, một vùng kháng chiến ở Hàm Thuận Nam, Phan Thiết, là vùng phần nhiều đất đỏ, nhiều cụm rừng cây có gai và dây bụi đan xen nhau, nhưng có nước ngọt… Chỉ ở bưng biền một thời gian ngắn, sau đó anh đã trở về quê nhà Phan Thiết sinh sống.
Điều đáng khâm phục là con đường lập thân của Hoài Khanh chủ yếu là “tự học, tự trau giồi sinh ngữ, hầu hết kiến thức đều do trường đời chứ không phải trường học.” Chi tiết này thì Nguyễn Mạnh Trinh hoàn toàn chính xác. Ở quê Phan Thiết được ít lâu, Hoài Khanh đã vào Sài Gòn, làm đủ nghề để tự mưu sinh. Trò chuyện với chúng tôi, 81 tuổi, anh vẫn còn nhớ rõ kí ức thơ ấu nhọc nhằn: “Thời mới vô Sài Gòn, long đong, không có chỗ ở, cực khổ nhất là thời gian tôi đi học đóng giầy, bị chủ chửi mắng nhục nhã mà vẫn phải cắn răng chịu đựng.” Vừa kiếm sống anh vừa tự học. Theo lời anh kể, cũng những năm tháng đó anh đã tìm học Anh văn căn bản với một vị linh mục được vài ba tháng, sau đó về mua sách, băng đĩa tự mày mò, kiên trì luyện tập. Như nhiều thanh niên thời ấy, để…trốn quân dịch, chàng trai Võ Văn Quế đã xin vào làm Thông tin ở Tòa Hành chánh tỉnh Biên Hòa. Đó cũng là thời điểm anh mê thơ quá, bán cả chiếc xe mobylette - tài sản có giá trị duy nhất lúc đó của mình để in tập thơ đầu tay Dâng rừng (1957). Năm sau, 1958, mối duyên với cô gái Biên Hòa - một nữ công chức cùng sở làm - đã gắn anh với mảnh đất hiền hòa này: chị Hoài Khanh bây giờ… Nhưng sau đó, do bất đồng ý kiến, cự cãi với Trưởng Ty, anh nghỉ việc, và có lẽ chính thức từ đó, dấn thân vào nghiệp văn chương…
Song, chưa bao lâu, ông đã sớm chán ngán cảnh “ngục tù áo cơm”:
“Đi trên thành phố phai nhầu
Bước chân xiêu vẹo nghe sầu vọng âm”
(Đổi thay, tr.88)
Từ trước 1975, nhà thơ đã về mở một trại chăn nuôi ở Biên Hòa, ven bờ sông Ðồng Nai, sống điền viên nơi vườn bưởi quê vợ cho đến nay. Tưởng tuổi tác và bệnh tật đã làm anh gục ngã, nhưng hôm nay, tận mắt nhìn anh nằm trên giường, hai chi dưới đã không còn tuân theo ý muốn, vẫn tươi tỉnh, hào hứng trò chuyện, rồi bảo cậu con trai là Bình Thuận tìm trên thư phòng các tác phẩm dịch thuật và tập truyện ngắn duy nhất Trí nhớ Hoang Vu và Khói để Quán văn làm tư liệu…, tôi lại thấy một điều rất rõ: ở thi sĩ Hoài Khanh, niềm đam mê văn chương chưa dứt, dường như cái nợ bút nghiên vẫn còn nguyên như thưở Dâng Rừng… 
4. Trở lại những thế hệ người đọc thơ Hoài Khanh mà căn cứ vào thời điểm xuất hiện chúng tôi tạm đi theo ba mốc tiếp nhận chính: những năm 1960, những năm 2000 và hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi quan tâm đến những khoảng cách thẩm mỹ khá rõ nét trong quá trình tiếp nhận thơ của cây bút này giây phút tác phẩm ấy ra đời. Khai sinh một tác phẩm văn học, chắc chắn nhà văn nhà thơ nào cũng hướng về người đọc - người thưởng thức sản phẩm văn chương của mình. “Trong cái tam giác tác giả-tác phẩm-và người thưởng thức, thì người thưởng thức không phải là phần sáng tạo thụ động hay chỉ là mắc xích đơn giản của hoạt động tiếp nhận, mà chính là năng lượng tạo thành lịch sử” (Trương Đăng Dung, Tác phẩm văn học như là quá trình, tr. 396). Trường hợp Hoài Khanh cũng vậy. Những độc giả đương thời của ông thập niên 60 được kể ở phần 2 của bài viết này thực sự là những người đọc lý tưởng, đã tạo thành lịch sử tiếp nhận thơ Hoài Khanh một cách độc đáo. Có thể thấy 20 bài tiểu luận phê bình, nhận định về thơ Hoài Khanh, cả lục bát lẫn các thể loại thất ngôn, tự do đều có một xu hướng chung là đề cao và khẳng định tài năng thi ca của Hoài Khanh. Trường hợp tiếp nhận thơ Hoài Khanh, tình thế tiếp nhận là điều đáng chú ý. Những người đọc đầu tiên của nhà thơ vốn là những người bạn thân thiết hoặc đồng trang lứa. Đó là những trí thức rất trẻ - có người còn trên ghế giảng đường - đầy lý tưởng, yêu quê hương, giàu nhiệt huyết, và sẵn sàng dấn thân. Hoàn cảnh chiến tranh đe dọa hãi hùng kéo dài trên đất nước như một hiện thực nghiệt ngã chống lại họ, tạo ra một tâm thế bi quan, chán nản, bất lực bao trùm thân phận, lỡ làng cả sự nghiệp, tương lai... Bao nhiêu mộng ước đổ vỡ. Bao nhiêu cuộc đời trai trẻ bỗng chốc bị đọa đày, hủy hoại đớn đau…trong khi bản thân những người trẻ tuổi ấy luôn ý thức và đặt nặng trách nhiệm với tổ quốc, với đồng bào. Bi kịch của sự - bất - lực - được - ý - thức luôn dày vò họ, giam cầm họ trong nỗi buồn hào phóng triền miên không lối thoát. Và thơ ca, như một sự cứu rỗi kịp thời, một sự giải thoát đúng lúc…
Ngay trong bài mở đầu tập thơ “Thân Phận”, tác giả Ngày sinh của Rắn - Phạm Công Thiện đã mở ra trước mắt chúng ta một khuôn mặt thi sĩ cô đơn, tràn đầy suy tư về thân phận con người: “Nghe sự im lặng của Khanh tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma. Tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong lòng nhân thế.” (Thân phận, IX, 1962)
Bùi Giáng trong Đi vào cõi thơ Hoài Khanh với cái nhìn tri âm khẳng định hồn thơ lục bát của Hoài Khanh: “Từ Dâng Rừng tới Thân Phận, Hoài Khanh đi một bước riêng biệt choáng váng trong dòng lục bát của ông. Ông không bị một ảnh hưởng nào gò bó. Ông chỉ chịu ảnh hưởng của trời, của sương, của giòng sông, bến quạnh quê hương.” Cách cảm nhận độc đáo của thi sĩ họ Bùi, cộng với tài phù thủy ngôn ngữ của ông đã đẩy thơ Hoài Khanh như một dòng sông đi, như một triều sóng động. Hãy nghe nhà thơ cảm nhận: “Người ta đi vào bài thơ như đi vào cõi như lai tịch mịch ngậm ngùi. Như đi vào một cung đàn diễm ảo nhớ nhung khép mở, gây một trận tịch hạp chon von, cho nảy ra một niềm đốn ngộ. Người ta không biết đâu bờ bến để phân tích. Không còn chủ nghĩa. Không còn lập trường. Chỉ còn một niềm phiêu dật hồn nhiên tự phóng nhiệm hòa vào cây cỏ, nước mây, là môi trường riêng tây của thi sĩ…” Thậm chí, Bùi Giáng còn không ngần ngại sánh người bạn thơ của mình “thuở ấy còn nhỏ tuổi, giọng thuần phác như nhiên, đùng một cái, đứng song song lên ngang những thi bá đời Đường, mà uyển chuyển như câu hát Kinh Thi, lại pha màu cay đắng của thời đại lao lung nhược tiểu”…
Ngàn sâu lắng xuống mịt mùng
Lãng du đêm quạnh lại chùng bước chân
(Dâng rừng, Thân phận, tr.123)
Say sưa với “cõi như lai tịch mịch ngậm ngùi” của cõi thơ Hoài Khanh…, song Bùi thi sĩ cũng tỉnh táo mà nhận ra nỗi lận đận điêu linh của “con tàu nhược tiểu” mà Hoài Khanh đau đáu:
Khách qua tàu đã xa rồi
Là thôi còn một góc trời chênh vênh
(Tâm sự một nhà ga, Thân phận, tr. 117)
“Trung niên thi sĩ” cũng không quên nhắc đến nỗi ngậm ngùi có những chiều Xa quê nghe gió Nồm khiến người đọc hôm nay, không khỏi nhớ đến hình ảnh cố quận của Hoài Khanh: “quê hương Phan Thiết của anh, với sông, núi, đèo, truông hiu quạnh (…) phảng phất những oan nghiệt biển dâu, thôi thúc con người đi suốt xứ tìm trong viễn vọng chiêm bao những ân tình chung thủy” lãng đãng trên “Ngàn năm một bến Cà Ty”, mịt mờ trong “Sương trên Tà Cú nguồn đưa gió về” (Xa quê nghe gió Nồm, Thân phận, tr.42.). Và không khỏi ngậm ngùi:
Ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
Cõi kia cũng quạnh quẽ mầu lưu linh.
(Mầu lưu linh. Lục bát, tr.49)
Có thể nói, “hồn thơ thuần nhiên điền đã” này đã hoàn toàn chinh phục thi sĩ họ Bùi.
Tác giả Nguyễn Mạnh Trinh sau này đã nhìn thấy sự đối lập trong cách đọc của Bùi Giáng và Đặng Tiến: một bên “viết trong kinh ngạc: sánh tài thơ Hoài Khanh “Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh còn phải lạnh mình trước cái vĩ đại hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu” (NMTrinh, bài đã dẫn); một bên thì viết trong sự tỉnh táo khách quan, dè dặt đánh giá tập Thân phận “sẽ ghi dấu thời kì tàn tạ của lối thơ cổ điển chăng?” và nêu lên sự dễ dãi, non nớt, khuôn sáo trong Dâng Rừng, tập thơ đầu tay của Hoài Khanh.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận bài phê bình “Đọc Thân phận của Hoài Khanh” đã được nhà phê bình Đặng Tiến viết một cách công phu dựa vào kiến thức, kinh nghiệm đọc so sánh đối chiếu và cảm thụ thi ca nhạy bén của mình với tất cả lòng đồng cảm “Nếu thượng Đế hữu hình người sẽ khóc một câu thơ của Hoài Khanh nghe dường như muốn ràn rụa nước mắt…”. Điều này, nhà thơ Luân Hoán đã tinh ý khi chọn dùng mở đầu bài thơ viết về Hoài Khanh của mình bằng mối đồng cảm Đặng Tiến- Hoài Khanh ấy như thông điệp đến với người đọc về tâm thế tri âm của mình đối với nhà thơ ông chưa từng quen “nhưng biết ông hơi nhiều” qua những người đọc trước:
Đặng Tiến chợt muốn khóc
Gặp “nỗi buồn chính mình”
Ngay sau khi được đọc
Dòng trầm tư Hoài Khanh
(Luân Hoán, Phác họa Hoài Khanh, 24.4.2012)
Đặng Tiến đã phát hiện thơ Hoài Khanh “luôn luôn có cái ám ảnh thời gian” và hình ảnh đặc trưng thường xuyên xuất hiện trong thơ Hoài Khanh là sự luân chuyển không ngừng của “những dòng sông luân lưu”, những “áng mây bay đi không bao giờ trở lại” chất chứa nỗi buồn thản nhiên chua xót của các thi hào Pháp Apollinaire, Verlaine…hay cả cái du du thiên địa “Tiền bất kiến cổ nhân/Hậu bất tri lai giả”… trong thơ Trần Tử Ngang (TQ). Tác giả bài viết còn lý giải: “Mỗi con người đều bị thời gian cuốn đi. Sở dĩ Hoài Khanh thường nói đến thời gian, vì chàng có một ý thức lưu đày trong thời gian: mỗi ngày mỗi tháng trôi qua, mòn mỏi một ít cô đơn, mà Hoài Khanh thì vẫn còn trơ vơ với số phận.”  Hơn thế nữa, nhà thơ còn “tự biết mình đã luân hồi lộn kiếp”…
Ta sẽ chết và rồi em cũng sẽ
Đành bỏ đi những luyến nhớ một thời
Những buồn giận cùng tấm lòng ước vọng
Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi?
(Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi? Thân phận, tr.37)
“Tâm tình của Hoài Khanh còn bi thiết gấp mấy lần của Lưu Thần Nguyễn Triệu lúc đòi trở lại trần gian” Và mối sầu của Hoài Khanh “mãnh liệt xô bồ như một tảng núi u sầu vĩ đại cuốn theo dòng thời gian âm thầm thác lũ”, mối sầu ấy còn là “mối sầu muôn thế kỉ chồng chất vào một giấc mơ muôn đời tuyệt vọng:
Vai mình mang một quê hương
Còn mang nặng cả nỗi buồn tử sinh
(Đổi thay, Thân phận, tr.88)
Không phải chỉ một lần Hoài Khanh nhắc đến hình ảnh “vai mang nặng” này. Ngoài gánh nặng quê hương và chuyện tử sinh của kiếp vô thường, nhà thơ còn thấy những mất mát:
Đi trên vai nặng bóng chiều
Đành nghe mất mát ít nhiều riêng tư
(Thầm lặng,Thân phận, tr.86)
Hay có lúc, như Trần Phong Giao cho là ‘dấu vết đầu tiên của triết thuyết Hiện Sinh” khi Hoài Khanh cũng tự “chìa vai ra vác những thế kỉ nặng nề hợp thành lịch sử” (J’ai pris les siècles sur mes épaules et j’en répondrai) như nhân vật Frantz von Gerlach trong kịch bản Les Séquestrés của Jean Paul Sartre:
Vai mang thế kỉ buồn đau
Ngàn xưa đã mất nghìn sau có còn.
(Nửa đêm thức giấc, Thân phận, tr.51)
Đáng trân trọng là trong dòng sầu miên man của hồn thơ Hoài Khanh, Đặng Tiến còn tìm ra những tia nắng ấm mà sau này, Bùi Giáng trong“Đi vào cõi thơ Hoài Khanh” 1969, có nhắc đến: “Hoài Khanh dễ yêu ở mối tình quê hương và nhân loại bàng bạc trong ý thơ. Tâm hồn chàng có lóe lên một tia nắng ấm, tia nắng ấy chàng sẽ trao về cho đồng loại. Tôi nhớ đến thuyết Le pessimisme actif của Camus, tôi nhớ đến những thanh niên đi tìm lãng quên trong hạnh phúc của đồng loại.”
Bao giờ đem nắng mười phương lại
Rộn rã nhân gian những tiếng cười
(Trở gối, Thân phận, tr.49)
Có thể còn có những điểm trong bài phê bình của Đặng Tiến mà nhà thơ Hoài Khanh chưa đồng ý, ví dụ như chi tiết “Trường hợp Thân Phận được nhiều người nhắc nhở đến, điều đó tỏ ra anh được lòng độc giả trung bình chứ không chứng tỏ Thân Phận là một tuyệt tác, hoặc ngược lại là một tác phẩm bình dân hạ cấp”. Dè dặt mà nói, điểm qua 20 đọc giả tiêu biểu của thơ Hoài Khanh nửa thế kỉ qua, người viết lại thấy hầu hết là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là các giáo sư đại học khá nổi tiếng, vốn thuộc tầng lớp trí thức có trình độ cao nếu không nói là những khuôn mặt lỗi lạc của nền văn học nước nhà thời bấy giờ…
5. Một trường hợp khác cần trao đổi ở đây là những ý kiến được cho là nặng nề của tác giả Phong Nhã - Trần Phong Giao. Thân phận-thi phẩm của Hoài Khanh được “người gác cổng”, Thư kí tòa soạn của của tạp chí Tin Sách (sau này, 1.1964 phụ trách tòa soạn Tạp chí Văn - một tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất miền Nam thời bấy giờ) - viết với bút danh Phong Nhã, đăng trên Nhật báo Tự Do, số 1579 ra ngày Chủ nhật 24-6-1962. Đây là trường hợp tiếp nhận thơ Hoài Khanh khá đặc biệt. Trong bài viết này, Trần Phong Giao đọc với con mắt của một thư kí tòa soạn nghiêm khắc, mỗi ngày phải đọc và trả lời hàng trăm thư độc giả, rồi bao nhiêu là những sáng tác, biên khảo, dịch thuật các nơi gửi về để chọn bài đăng cho mỗi số Văn. Vì thế, ông thẳng thắn nói ngay thi phẩm thứ hai này của Hoài Khanh không có gì mới mẻ: “Trong thơ của những người  trẻ tuổi hôm nay, có nhiều hình ảnh đã trở thành khuôn sáo. Điển hình nhất là cái không khí ngột ngạt, của đô thành với những ghế đá công viên, cột đèn đại lộ, những vòng khói thuốc, những ly cà phê đen, những cung thanh êm ái của điệu kèn trompette…những hình ảnh ấy phản ảnh một cách sâu đậm cái tâm trạng rã rời của những anh hùng thấm mệt” nên “Sau những khóc than, những nôn mửa, và ngay cả “những lần toan hủy hoại” không thành, Hoài Khanh đành an phận tự lưu đày (se séquestrer) trong một dưỡng trí viện dành cho những“Thiên tài cất kỹ để dành mai sau”.  (An ủi, trang 100).
Và sau đó, Trần Phong Giao - con người có bề ngoài lạnh lùng, thường gây bất mãn cho những người tìm kiếm mình tại tòa soạn do cương vị và áp lực công việc của ông (dù thực tế là một người rất có lòng với các cây bút trẻ)- đã không ngần ngại đưa ra những nhận xét mà nhiều người cho là quá nặng nề: “Chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết thuyết Hiện Sinh, Hoài Khanh đã nhìn đời một cách vô cùng lệch lạc. Một sa mạc mênh mông, một tinh cầu giá lạnh, một giòng sông bơ vơ, một nghĩa trang sầu thảm”…
Ông còn tỏ thái độ ngao ngán: “Tiếng nói của anh đượm nhiều vẻ chân thành và cũng dễ nghe. Điều đáng tiếc là anh đã lảm nhảm quá nhiều về một điều dễ làm cho người nghe bắt ngán: sự suy tư về thân phận làm người.”
Điểm mà Trần Phong Giao đánh giá cao tác phẩm của Hoài Khanh chính là những bài thơ lục bát và thất ngôn. “Nếu như anh có được một sự nghiệp thi ca, và nếu ta có thể ví sự nghiệp đó với một giòng sông, thì chắc chắn là trước khi đổ về biển cả, giòng sông đó sẽ cuốn theo một giòng nước trong lành thơm ngọt. Dáng trong vị ngọt đó, trong thơ Hoài Khanh, đã, sẽ và chỉ là những vần lục bát hiền lành, những điệu thất ngôn đôn hậu.” Chính sắc thái riêng trong trẻo ấy đã làm nên chỗ đứng không thể nào chìm lẫn trong đám đông các thi tập đang ồn ào xuất hiện lúc bấy giờ.
Thế nhưng, sau này, đọc lại Hoài Khanh, cũng chính Trần Phong Giao đã lấy tên một bài thơ hay mà nhiều người vẫn thuộc của Hoài Khanh làm nhan đề cho tập truyện ngắn của mình: Ngồi lại bên cầu. Nguyễn Mạnh Trinh cho rằng hình như Trần Phong Giao có biệt nhãn nào đó với Hoài Khanh và đặc biệt lắm mới có sự thay đổi khác hẳn với những đánh giá nặng nề trên. Nguyễn Mạnh Trinh cũng đưa ra những phản biện với tác giả Phong Nhã về những điểm ông ta cho là “Hoài Khanh chịu ảnh hưởng của Sartre rất nhiều. Phải chăng anh chính là một nhà thơ vô thần?” Đồng thời, cho biết cũng chính nhà văn họ Trần sau này đã xác nhận chỉ là những ngộ nhận đã qua.
6. Điểm qua vài nét về những cách đọc khác nhau cuả những người cùng thời với thi sĩ Hoài Khanh những năm 60, có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi của Hoài Khanh được nhắc nhở, ghi nhận nhiều trong những công trình nghiên cứu phê bình tiểu luận của các cây bút lừng danh trên văn đàn cùng thời và văn học sử của hai mươi năm văn học miền Nam. Hoàn cảnh đất nước với bao dâu bể từng thời đã là tiền đề, là mảnh đất nuôi dưỡng tiếng thơ cô đơn bất lực mang trọn nỗi sầu thế kỉ của Hoài Khanh. Và những thay đổi đổ vỡ chia cắt của thời hậu hiện đại đầy rẫy bất an hôm nay khiến chất thiền trong thơ Hoài Khanh lại bừng lên, vỗ về an ủi những tâm hồn đau khổ lạc loài cần tìm chốn tâm linh nương tựa giải thoát…
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung
(Tự tình, Dâng rừng, tr.108)
Thơ Hoài Khanh nhẹ nhàng thôi mà còn cho ta hiểu thấu lẽ vô thường của kiếp người bé nhỏ, mong manh. “Đấy thôi, tàn cuộc nhân sinh. Một trời sương bảng lảng. Một vì sao cô độc, lấp lánh, và long lanh như khóe mắt vương nỗi sầu thiên cổ, nỗi sầu trường mộng nhân sinh” (Tuệ Sỹ, Lục bát Hoài Khanh, tr.8)
Và tôi hột cát sa mờ
Một đêm nào bỗng tình cờ sương tan.
(Trong giọt sương tan, Lục bát, tr.21)
Nhà thơ Tuệ Sỹ còn phát hiện ở thơ Hoài Khanh vẻ đẹp chất chứa vang vọng bi kịch của lịch sử: “Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng, hay bên lề cuộc lữ tồn sinh. Ấy là âm vang đồng vọng trên những bước chân:
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
(Nhớ Nguyễn Du, Lục Bát, tr.7)
Do tâm thế, hoàn cảnh tiếp nhận cụ thể của từng đối tượng đọc, thơ Hoài Khanh được tiếp nhận với những khoảng cách thẩm mỹ khác nhau. Mỗi người đọc cụ thể có một cách giải mã tác phẩm của riêng mình. Có trường hợp ngưỡng mộ sùng bái như trong bức thư của cậu sinh viên 18 tuổi Cao Quảng Văn. Có người đọc tri âm theo cách đồng nhất hóa cảm thông lẫn đồng nhất hóa kết hợp như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện hay Nguyễn Lệ Uyên, Tâm Nhiên, Hải Phương, Lê Ngọc Trác, Đặng Châu Long, Luân Hoán, Đinh Cường… sau này. Trước những bất an, bi kịch, chịu đựng của nhân vật trữ tình trong thơ Hoài Khanh có sự đồng nhất hóa thanh lọc như cách đọc của Đặng Tiến, Nguyễn Mạnh Trinh và một phần trong bài của Phong Nhã, Phạm Ngọc Lư. Cá biệt cũng có những ngộ nhận nhất thời dẫn đến sự phủ định tác phẩm như cách đọc của Phong Nhã những năm 1962…Nhưng rồi sự thay đổi cách nhìn nhận của Trần Phong Giao sau này đã cho thấy có sự đọc lại liên tục những tác phẩm của Hoài Khanh và có sự thay đổi khoảng cách thẩm mỹ trong cách nhìn nhận giá trị tác phẩm so với chính cùng trong một người đọc trước đó. Sự phong phú, đa dạng trong nhiều cách đọc thơ Hoài Khanh cho thấy tác phẩm của Hoài Khanh thực sự mang những giá trị độc đáo. Tôi muốn trích ở đây ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Trinh về kinh nghiệm đọc lại Hoài Khanh của ông để thấy giá trị đích thực của thơ ca là chỗ đứng của nó trong lòng người đọc:
Về sau này, thời gian gần đây, tôi đọc lại Hoài Khanh với suy nghĩ khác. Cái cảm giác náo nức thời tuổi trẻ đã không còn khi đọc. Thay vào đó, là những cảm giác của người đã trải qua nhiều ngõ quanh trong cuộc đời và thấy ẩn tàng đâu đó trong ngôn ngữ trong hình tượng thi ảnh có một thế giới khác, lãng đãng, mù không. Thơ gợi lại suy tư. Thơ bỗng nhiên có khi là hình bóng gần cận khuôn dáng của mình. Những bài lục bát làm tôi nhớ lại một thời yêu thi ca và đọc thơ như là một cách để trường hành theo đoạn đường dài muôn dặm từ Nguyễn Du cho đến bây giờ. Ðọc lại những bài như “Ngồi Lại Bên Cầu” hay “Nhớ Nguyễn Du”, từ những vần lục bát đến thơ tám chữ, tôi lại bùi ngùi và hồi nhớ lại một thời thanh xuân của mình. Bây giờ, đã qua tuổi sáu mươi, sao lòng mình vẫn còn rung động…
(Nguyễn Mạnh Trinh, Hoài Khanh-từ Thân phận đến Lục bát, 2012)
Đánh giá sự đóng góp của Hoài Khanh cho nền văn học Việt Nam, nhà thơ Viên Linh trong bài viết đăng ngày 19.2.2013, cho rằng “con người thơ của Cà Ty, Phan Thiết đã không được đón nhận đúng mức”. Còn nhà văn Trần Hoài Thư thì đánh giá rất cao những đóng góp nhiều mặt của thi sĩ Hoài Khanh về văn học, văn hóa vào dòng văn học miền Nam “từ thi ca đến dịch thuật, đến nhà xuất bản Ca Dao do ông chủ trương với những tác phẩm dịch rất giá trị từng được coi là gối đầu giường của giới trẻ thời bấy giờ của Hermann Hesse hay Krisnamurti v.v…”. Tác giả còn cảm thấy ngạc nhiên, không hiểu vì sao: “Một người đã cống hiến trọn đời mình trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa như thế, nhưng lại không được một tạp chí văn học thời bấy giờ trân trọng dành cho một vòng hoa, hay chế độ bấy giờ cũng chẳng dành cho ông ít ra một giải thưởng văn học” (Trần Hoài Thư, Viết lúc 4AM: Vũ Hữu Định, Hoài Khanh và văn chương thời chiến, 2012)  
Đúng thật. Những đóng góp to lớn ấy quá xứng đáng để được tôn vinh. Nhưng với Hoài Khanh hình như anh chẳng quan tâm. Mọi cái với anh chỉ là phù phiếm. Nada y Nada. Chỉ là Hư vô thôi. Câu trả lời có lẽ chính Hoài Khanh đã nói từ cách đây nửa thế kỷ trước. Có là gì… Có là gì đâu… Một dòng sông không ngừng trôi… Một áng mây mải miết bên trời… 
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi…
(Ngồi lại bên cầu, Thân phận, tr.18)
Chú thích: 
Các câu thơ trích dẫn trong bài được rút từ:
1. Hoài Khanh, Thân phận, S. Nxb Ca dao, 1972.
2. Hoài Khanh, Lục bát, S. Nxb.Phương Đông, 2009.
3. Hoài Khanh, Gió Bấc Trẻ nhỏ Đóa hồng và Dế, S. Nxb Ca dao, 1970.
Sài Gòn, cuối thu, 6.10.2014 
Hoàng Kim Oanh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...