Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Nghệ thuật tượng trưng trong thơ Edgar Allan Poe

Nghệ thuật tượng trưng
trong thơ Edgar Allan Poe

Edgar Allan Poe (1809-1849) - “ông tổ” của truyện trinh thám, truyện kinh dị, truyện khoa học viễn tưởng Mỹ; nhà thơ được coi là người "mở đầu cho chủ nghĩa tượng trưng" (Symbolism) không chỉ ở văn đàn nước Mỹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến các nhà thơ lãng mạn Pháp như Charles Baudelaire, Mallarmé, Valéry... . Pautốpxki (Nga) còn cho rằng "thơ ca của ông đã trở thành báu vật không chỉ đối với thơ ca Mỹ mà còn của thơ ca toàn thế giới“ [8, 128]. Charles Baudelaire - người mở đầu cho thơ tượng trưng Pháp và thế giới, vẫn tự coi mình là môn đệ trung thành của Edgar Poe. Có thể nói, Poe là một trong những đại diện xuất sắc nhất của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Mỹ. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Edgar Poe (1809-2009), chính quyền bang Maryland quyết định tôn vinh năm 2009 là năm Edgar Poe. Nhiều hoạt động văn học nghệ thuật phong phú ở nhiều bang nước Mỹ cũng được dành tôn vinh cuộc đời và sáng tác Edgar Poe. 
Bài viết này xin giới thiệu một số nét độc đáo trong bút pháp tượng trưng của Edgar Poe qua các thủ pháp nghệ thuật được coi là mới mẻ so với thời đại của ông: nghệ thuật tượng trưng trong kết cấu, trong việc sử dụng điệp khúc và nghệ thuật tương phản, trong ngôn ngữ, âm thanh và nhạc điệu độc đáo của nó. 
1. Cách biểu hiện của thơ tượng trưng (Symbolism)
Năm 1886, danh từ Symbole (Tượng trưng) xuất hiện lần đầu trong cuốn Traité du verbe (Khái luận ngôn từ) của René Ghil với bài tựa của Mallarmé, trong đó thơ được xác định từ hai yếu tố chính: âm nhạc và gợi cảm. Tiếp theo, ngày 18-9-1886, bản tuyên ngôn văn chương “Un manifeste littéraire” của Jean Moréas đăng trên báo Le Figaro đã chính thức trở thành tuyên ngôn của Chủ nghĩa tượng trưng. Và từ đó, chủ nghĩa tượng trưng Pháp đã gõ cửa nền văn chương Châu Âu và mở đầu thơ ca hiện đại như một luồng gió mới mẻ đem đến cho cánh đồng văn chương thế giới những hương sắc lạ kỳ. 
Phương tiện chủ yếu của thơ ca là ngôn ngữ. Và qua sức tưởng tượng vô cùng của người nghệ sĩ, ngôn ngữ đã “đi tới nơi mà nó muốn, song nó cũng nhạy cảm với những gợi ý của văn học” [3,1]. Đặc điểm hình thức ngôn ngữ của thơ tượng trưng nói chung là không miêu tả, phản ảnh trực tiếp đối tượng hay cảm xúc mà “nói về một cái lớn hơn chính nó”. Barbara M. Perkins [5, 453] đã khái quát ba cách biểu hiện phổ biến của thơ tượng trưng: Một là mượn các dấu hiệu trong thiên nhiên (natural symbols) để biểu đạt nội dung, ví dụ như “ngôi sao” tượng trưng cho hy vọng, “đám mây đen” chỉ sự thất vọng, “đêm tối” ám chỉ cái chết, “mặt trời mọc” gợi lên một cái gì mới bắt đầu… Hai là dùng những biểu tượng theo quy ước (Conventional symbols) được chấp nhận trong một tập thể nào đó. Ví dụ như “lá cờ Tổ quốc” thường tượng trưng cho lòng yêu nước, “cây thập tự” chỉ sự hy sinh cao cả, tử vì đạo… Và biểu hiện thứ ba là lấy những biểu tượng trong văn chương (Literacy symbols) kết hợp bởi cả hai cách ở trên cộng thêm yếu tố tâm lý, quan niệm, thế giới quan của nhà văn. 
Nhiều nhà văn, nhà thơ Mỹ từ nửa đầu thế kỷ XIX cũng đã có ý thức trong cách sử dụng các biểu tượng nghệ thuật này như những cây bút lỗi lạc góp phần đặt nền móng cho nền văn học Mỹ: Emerson, Melville, Hawthorne, Thoreau…nhưng có lẽ Edgar Poe là người có những dấu hiệu sớm nhất và để lại ấn tượng độc đáo nhất. Trong hầu hết sáng tác thơ của Poe, những yếu tố tượng trưng trên dường như là thủ pháp nghệ thuật làm nên hồn thơ của ông. Trường ca The Raven (Con quạ) chính là bài thơ tiêu biểu nhất cho nghệ thuật tượng trưng độc đáo ấy.
2. Nghệ thuật tượng trưng trong thơ Edgar Allan Poe
2.1. Cách sử dụng hình ảnh - Bài thơ Con quạ (The Raven)
The Raven đã sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh tượng trưng khá đậm nét. Trước hết là ngay bản thân hình ảnh con quạ. Trong truyền thuyết dân gian mà nay dường như đã trở thành một tín ngưỡng huyền bí dù không biết dựa vào căn cứ nào: con quạ bị coi là con chim báo điềm gở. Tiếng kêu của nó sẽ mang đến tai hoạ cho những ai bất hạnh bị nó đến nhà. Con quạ cổ quái ấy lại xuất hiện trong một đêm đen mùa đông lạnh lẽo. Khoảnh khắc thời gian nửa đêm tự bản thân nó được coi là thời gian gợi lên sự tăm tối, sầu thảm, thê lương. Cái không gian đầy tâm trạng dồn nén vốn rất quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những áng thơ Đường từ thế kỉ thứ 7, 8 và đi suốt hành trình văn học trung đại Việt Nam. Hơn thế nữa, đó lại là giữa đêm tháng 12 - mùa đông âm u lạnh giá. Vì thế, hình tượng con quạ giữa đêm cuối năm vừa tượng trưng cho sự bí hiểm của đêm đen, vừa là một cái gì đó sắp kết thúc, và một năm mới - một sự thay đổi cũng sắp bắt đầu.
Hình ảnh tượng trưng tiếp theo trong bài thơ mà nhiều người quan tâm là bức tượng bán thân bằng thạch cao trắng toát của nữ thần Palas (a bust of Pallas). Sự tương phản đối lập giữa con quạ đen đúa xấu xí chỉ biết lặp đi lặp lại mỗi một từ “Nevermore” (không bao giờ nữa) và màu trắng thanh khiết của vị nữ thần khôn ngoan trong thần thoại Hy Lạp phải chăng để ta ngầm hiểu rằng những điều con quạ nói không hẳn là những điều ngu muội, điên rồ mà là một điềm báo trước, đầy thông thái, tinh khôn? Bài thơ đã gói trong nó tất cả những đặc trưng tiêu biểu nhất của ngòi bút tượng trưng Edgar Poe. 
Tác phẩm thơ của Poe còn chứa đựng nhiều hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng mà độc giả có thể dễ dàng liên tưởng ý nghĩa hàm chứa của nó, tiêu biểu như “biển” và “đại dương” thường gợi lên sự mênh mông huyền bí, bao la vô hạn. Trong văn học nghệ thuật, “hồ” cũng là một hình tượng thiên nhiên khá đặc biệt. Đó là “không gian mơ mộng, không gian nhớ nhung, thương tiếc, có tác dụng tĩnh tâm an ủi những tâm hồn bất an cho những ai đứng bên hồ” [13, 47]. Bài thơ “The Lake” (Hồ) của Poe cũng gợi cho người đọc những cảm nhận ấy. Nói về chim thì tả “Cánh chim đại bàng giang rộng giữa bầu trời” (A Campaign song) hay “Hải âu trên biển cả” cũng thường là hình ảnh ngụ ý chỉ người có tài năng, có ước mơ hoài bão cao cả, phi thường, có một tâm hồn vĩ đại. Hoặc chỉ nói đến “kền kền”, “quạ”, “vẹt”, những con chim xấu xí, hay báo hiệu sự tang tóc, tai hoạ. Và tất nhiên, đi cùng với chúng là không gian đầy "bóng tối" khủng khiếp, đe dọa. 
2.2. Cách xây dựng kết cấu: (Composition)
Kết cấu của bài thơ là một trong những yếu tố được Poe nêu lên đầu tiên khi nói về nguyên lý thơ ca.
Là một người rất chú ý về kỹ thuật xây dựng một bài thơ, không chỉ một mà trong nhiều thư từ của tác giả còn lưu lại, hay trong những bài tiểu luận phê bình đặc sắc trên báo chí và nhất là trong tiểu luận “Triết lý về soạn tác” (Philosophy of Composition), Edgar Poe đã đưa ra một nguyên tắc: “Độ dài của một bài thơ nên tính toán đủ để đọc một lần. Nếu sáng tác một bài thơ dài, cái toàn thể lập tức bị phá hủy, cảm xúc sẽ bị chi phối và sự thiếu nhất quán sẽ hiện diện trong tác phẩm” [9,1322]. Nguyên tắc này đã được ông vận dụng khá triệt để trong sáng tác của mình. Trong 82 bài thơ được coi là của Poe (trong tổng số 97 sáng tác thơ hiện nay đã công bố của Poe) mà chúng tôi sưu tập được, độ dài có nhiều mức độ khác nhau, có bài chia thành nhiều khổ, dài ngắn không đồng đều. Bài dài nhất đến 422 dòng (Al Aaraaf), bài ngắn nhất mà ngày nay còn lưu giữ được từ một mảnh chép tay chỉ có 2 dòng (Deep in the Earth). Chúng tôi tạm chia thành ba mốc sáng tác ở ba thập niên để tham khảo độ dài của những sáng tác của ông qua bảng thống kê sau: 

Số dòng

1827-1830

1831-1840

1841-1849

Tổng cộng

Dưới 10

4

2

7

13

10-20

9

10

13

32

21-30

8

3

3

14

31-40

3

1

2

6

41-50

1

2

2

5

51-60

0

2

1

3

61-70

0

2

1

3

71-80

0

0

0

0

81-90

0

0

0

0

91-100

1

0

0

1

100 -200

0

0

3

3

200…

1(243)

1 (422)

0

2

(Nguồn: Complete Stories and Poems of Edgar Allan Poe by E.A.Poe (Publisher: Doubleday; Book Club (BCE/BOMC) edition 1984)

Những con số trên cho thấy có 6/82 bài thuộc loại trường thiên: Tamerlane (243 dòng), Al Aaraaf (422 dòng), O! Tempora, O! Mores (92 dòng) là những bài thơ viết trong những năm nhà thơ trẻ mới bắt đầu đi vào con đường sáng tác. Phải chăng, lúc đó, nhu cầu bộc bạch, giãi bày đã khiến tác giả đi theo những cảm xúc nội tâm triền miên không dứt? Vì thế, những bài thơ dài của Poe mang dáng dấp như một câu chuyện ngụ ngôn về nghệ thuật, tình yêu, sự cô đơn và cái chết. Nhưng càng về sau, ngòi bút vững vàng hơn, từng trải hơn, có sự chiêm nghiệm sâu sắc hơn về hiệu quả mà cảm xúc đem lại cho người đọc, độ dài các bài thơ của ông ngắn dần lại với một độ vừa phải nhất định. Riêng ba bài The Raven (108 dòng), Ulalume (104 dòng) và For Annie (102 dòng) sáng tác ở giai đoạn cuối, những năm 40, lại là những bài thơ dài theo kiểu trường thiên, phải chăng do nỗi đau mất mát người yêu quá lớn, nỗi nhớ thương quá mãnh liệt, nhà thơ lại chìm trong cảm xúc về những hoài niệm và cho ra đời dòng tưởng nhớ triền miên ấy qua những bài trên 100 dòng thơ.
Còn lại, nhìn chung, chiếm số lượng nhiều nhất trong thơ Poe thường là những bài sonnet 14 hoặc 16 câu (32/82 bài). Năm 1848, trong “Nguyên lý thơ ca” (The Poetic Principle) ông cũng từng cho rằng “một số bài thơ Anh và Mỹ ngắn là thích hợp với quan điểm thẩm mỹ của tôi nhất”, còn “một bài thơ dài sẽ không tồn tại” [9, 1329]. Bởi vì “sau khi kéo dài một tiếng đồng hồ, tại thời điểm cao trào đó, bài thơ sẽ trở nên mờ nhạt dần và sau đó thực tế là nó không còn giữ được độ hay vốn có.” Thế nhưng, Poe cũng cho rằng độ dài của bài thơ không nên quá ngắn vì “một bài thơ cực ngắn có thể lúc này hay lúc khác sẽ gây được tiếng vang nhưng sẽ không bao giờ tạo ra được ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài” [1]. 
2.3. Nghệ thuật sử dụng “Điệp khúc”(Refrain):
Poe rất chú trọng đến việc chọn lựa một ấn tượng nghệ thuật hay ảnh hưởng để truyền đạt và cho rằng nguyên tắc chủ đạo trong việc xây dựng cấu trúc một bài thơ là phải xác định được điểm mấu chốt của nó. Sự phân chia các khổ thơ cũng có tác dụng tạo nên hiệu quả nghệ thuật song thường không đồng đều do phụ thuộc vào cảm xúc và nội dung của bài thơ.
Một trong những ấn tượng nghệ thuật mà Poe rất thích vận dụng hơn cả là phép điệp. Thủ pháp này gần như là thủ pháp nghệ thuật chính trong thơ ông. Điệp khúc ở cuối mỗi khổ thơ, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, điệp đầu câu, điệp vòng tròn… đều có mặt trong hầu hết các bài thơ của ông, đơn cử một vài thí dụ như:
·   Nothing more (6 lần), Nevermore (11 lần), my chamber door (7 lần ) his chamber door (2 lần) -  (Con quạ-The Raven)
·   Not all (6 lần) our power, our fame,
the magic, the wonder,
the mysteries, the memories  (The Coliseum)
·   Keeping time,  time, time (4 lần)  (Những tiếng chuông-The Bells)
·   From the  bells, bells, bells, bells,
Bells, bells, bells-
Of the bells, bells,bells, bells
Bells, bells, bells- (7  lần) – (The Bells)
·   In a kingdom by the sea (5 lần), my Annabel Lee (3 lần), the beautiful Annabel Lee (3) (Annabel Lee)
Chỉ riêng từ “bells” đã xuất hiện 61 lần trong 112 dòng thơ của bài “Những tiếng chuông”, bình quân cứ hai dòng thơ có một từ  “bells” xuất hiện. Không gian như tràn ngập âm thanh ngân rền của những tiếng chuông leng keng u sầu tang tóc, khuấy động cả tâm hồn ấy. Và tất nhiên chúng đã đem lại cho bài thơ nhiều hiệu quả nghệ thuật, tạo nên những cảm xúc khi triền miên, khi dồn dập, khi mơ màng… khiến cho thơ của Edgar Poe thực sự đi vào trái tim của người đọc bằng những ấn tượng khó phai mờ. Phần ngôn ngữ và nhạc điệu chúng tôi sẽ trở lại nói rõ hơn về điểm này.
Poe cũng nhấn mạnh rằng “Điệp khúc chỉ được đơn điệu về âm thanh chứ không được đơn điệu về ý tưởng, nghĩa là trong mỗi điệp khúc âm thanh không thay đổi mà ý tưởng phải thay đổi, có vậy mới gây được một cảm xúc mới.”[2] [7,15]. Và ông cho rằng “ hết thảy các âm trong tiếng Anh thì âm O hợp với âm R thì sẽ có đủ hai tính cách vừa vang vừa ngân…”. Bài thơ “The Raven” của ông kết thúc 18 khổ thơ bằng cái âm “Nevermore” cũng từ cách chọn lựa đó. Kỹ thuật ấy tuy vẫn còn ý kiến cho rằng thiếu tự nhiên nhưng quả đã góp phần làm cho kiệt tác của ông sống mãi trong lòng độc giả nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng ở quê hương của nó. 
2.4. Thủ pháp “Tương phản” (Contrast):
Tuy Poe không đưa ra trong tiểu luận nổi tiếng đã dẫn ở trên (The Philosophy of Composition) thủ pháp này nhưng khi tiếp cận thơ của ông, đặc điểm này đã lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đầy ấn tượng. Đó là kiểu kết cấu xây dựng trên cơ sở sự đối lập, tương phản đến gay gắt của các hình ảnh, sự việc. Sự tương phản này lặp đi lặp lại như một quy luật tạo thành những cặp hình ảnh tương phản như một motif trong nhiều bài thơ của Edgar Poe.
Poe hay dùng những cặp đối lập về thời gian: giữa trưa - nửa đêm (noon-midnight),  đêm-ngày (night-day); về không gian có: Thiên đường-Điạ ngục (Heaven-Hell), Trời-Đất (Heaven-Earth); về nhân vật, có Thiên thần (Angel) thì cũng có Hồn ma (Ghost), rồi Hiện hữu-Không hiện hữu (Presence-Absence) trong cái vô hạn và hữu hạn. Poe cũng hay dùng hình tượng đa nghĩa: Biển-Bờ (Sea-shore),… Những cặp hình ảnh tương phản này luôn đi cùng với nhau tạo thành một thế giới đầy đối cực, nhất quán từ quan niệm nghệ thuật về con người, thời gian, không gian đến cách biểu hiện trong thơ Poe.
Đây cũng là một thành công khá mới mẻ trong nghệ thuật thi ca Mỹ đầu thế kỷ XIX, góp phần khẳng định giá trị của nền thơ ca còn non trẻ ấy. Có lẽ cần có thời gian tìm hiểu sâu hơn nữa mới có thể thấy hết những cái đẹp hiện lên từ sự tương phản đầy nghệ thuật này. 
2.5. Ngôn ngữ (Language)
Đặc điểm nổi bật mà chúng ta có thể bắt gặp trong thơ Poe trước hết là hay dùng những lớp từ thi ca và những từ cổ như “Seraphim”, một trong sáu thiên thần có cánh tượng trưng cho sự hiện diện của Thượng Đế; “Nepenthe”có nghĩa là thuốc giải sầu, một từ cổ chỉ sự làm dịu đi nỗi đau khổ hoặc buồn rầu; ông dùng “Aidenn” chứ không dùng “Eden” hay “Paradise” để chỉ thiên đàng…
Poe cũng hay dùng nhiều điển tích, điển cố trong thần thoại Hy Lạp. Ông hay nhắc đến tên các vị thần bất tử trong thần thoại Hy Lạp như thần biển Proteus có thể thay đổi diện mạo bất kỳ lúc nào, Diêm vương Hadet cai quản dòng sông Quên lãng, hay Hamadryad (Mộc tinh), Naiad (Thủy thần) với những làn sóng dữ, thần Ai Tình với cây đàn Lyre đầy ma lực, và cả vẻ đẹp cổ điển của “người phụ nữ đẹp nhất Châu Á”: Helen - nguyên nhân cuộc chiến tranh thành Troie trong “Quả táo vàng” thần thoại.
Độc đáo nhất là những từ ghép xuất hiện rất nhiều trong thơ ông. Giáo sư danh dự Burton R. Pollin - người đã có 33 năm nghiên cứu về Poe (1965-1998) với 3 công trình hoàn chỉnh (trong đó có một tự điển) và 129 bài báo nghiên cứu về Edgar Poe - đã lập ba bản danh sách liệt kê những từ đơn, từ ghép và danh từ riêng do Poe sáng tạo hoặc sử dụng đầu tiên gồm 1143 từ mới xuất hiện trong văn học, nhiều hơn cả Melville (hơn 200 từ) [10, 5-6]. 
Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ những từ này, chúng ta sẽ nhận ra ông (Poe) đang cố gắng giảm bớt những lời khoa trương rỗng tuếch, và dường như muốn bằng một con đường ngắn nhất và nhanh nhất để tưởng tượng và nhận biết các khái niệm. Vì vậy, ông nén những cụm từ thành những từ được tạo thành bởi hai từ nối hoặc kết thành một thuật ngữ chung như: ”eagle- hope” (cánh đồng hy vọng), “far-fetchedness” (sự gượng gạo), “fountain-flood” (suối máu)…, hay “indignitymist” (tư cách trở nên hèn hạ), hoặc diễn đạt trong rất nhiều bài thơ những cụm từ như “storm-tormented ocean of his thoughts” (cơn bão giày vò của biển sâu tư tưởng), ”lip-begotten words” (những từ bị quên lãng trên môi)…  Ông không nói “traí tim”, “vầng trăng”, “nụ cười” mà hay nói “trái tim cô độc”, “trái tim thanh xuân”, “trái tim rực cháy”; “tâm hồn tìm kiếm”, “vầng trăng cô lẻ”, “nụ cười lạnh lẽo”…như những định ngữ trong lối nói trang trọng của sử thi Homère tạo nên một giọng điệu riêng có vẻ cầu kỳ so với các tác giả khác cùng thời.
Có lẽ như đã nói ở trên, ngôn ngữ thơ của ông thường tráng lệ pha lẫn khoa trương, tạo được ấn tượng mạnh về cảm xúc. Ngày nay, có người còn xem ông là một nhà tu từ học, phong cách học bởi sự tinh thông của ông về các phong cách đa dạng của ngôn ngữ văn chương và sự khéo léo, tài tình đầy sáng tạo của ông. Poe còn lao vào nhiều cuộc tranh luận để bảo vệ lý thuyết về cấu tạo từ và sự cần thiết mở rộng từ vựng theo những xu hướng mới vì ông cho rằng: “Con người ngày nay suy nghĩ nhanh hơn, với nhiều kỹ năng hơn, nhiều phương pháp hơn nhưng cũng ít có những điểm nổi bật về tư tưởng hơn” [10, 5]. 
Ngôn ngữ trong sáng tác của Poe - đặc biệt là thơ ca - vì thế mang tính cầu kỳ theo phong cách riêng của ông. Sự phân biệt rõ ràng này cho thấy sự tinh tế của ông trong ý thức sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ và các tiêu chuẩn của độc giả. Khả năng này của Edgar Poe quả là một vấn đề lý thú mà các nhà nghiên cứu về văn học Mỹ và Edgar Poe đang tiếp tục đi sâu tìm kiếm, đặc biệt là những ảnh hưởng của nó đối với văn học Mỹ thời đó cũng như văn học thế giới hiện nay. Hội Nghiên cứu Edgar Poe (Poe Studies Association - PSA) ở Mỹ, từ năm 1973 đến nay, hàng năm đều phối hợp với Hội ngôn ngữ hiện đại và Hội văn học Mỹ tổ chức hai cuộc hội thảo: về Văn học Mỹ vào tháng 5 và về Ngôn ngữ hiện đại vào tháng 12 với nhiều bài nghiên cứu phê bình của các học giả Mỹ và thế giới. Nội dung đi vào đặc trưng ngôn ngữ trong các tác phẩm của Poe; việc dịch thuật; và nét độc đáo trong hình ảnh, âm thanh, nhạc điệu những sáng tác của Poe. Tiếc rằng, theo quan sát của chúng tôi, cho đến nay, chưa có bài viết nào được dịch ở Việt Nam [3].
2.6. Âm thanh - nhạc điệu: (Rhythm)
Có nhà phê bình cho rằng “cái đẹp trong nhịp điệu và âm thanh của Poe thường chỉ có một nội dung trống rỗng” [3,69]. Cũng có người cho rằng do ý đồ kỹ thuật quá đậm nên thơ của ông thiếu sự hồn nhiên, thành thực. Đó cũng là một cách cảm nhận. Song những nhận định trên còn nặng tính cá nhân với nhà thơ từng bị nước Mỹ chối bỏ (giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX) vì ngòi bút phê phán độc địa, không khoan nhượng của ông với mọi cái lố bịch của hiện thực nước Mỹ. Thực ra, qua khối lượng sáng tác phong phú và đa dạng mà Edgar Poe để lại trong 40 năm ngắn ngủi của cuộc đời có thể thấy ông là một nhà thơ lao động nghiêm túc đến độ tỉ mỉ. Quan sát cách hiệp vần, ngắt nhịp trong thơ Poe, ta thấy ông rất quan tâm đến âm điệu của thơ, rất chú trọng đến năng lực âm vang của từ ngữ trong từng âm tiết. Trước hết là các từ tượng thanh, Đắc Sơn không phải không có lý khi mạnh dạn nói “Poe đã làm chuông rung được bằng từ ngữ”. Bài thơ The Bells cũng được nhà nghiên cứu, nhà sư phạm này đánh giá là đã được diễn đạt bằng “những âm thanh trong sáng nhất trong tiếng Anh” [11,168]. Quả thật, Poe đã biết làm âm thanh và ý nghĩa cộng hưởng lẫn nhau khi lặp đi lặp lại nhiều từ tượng thanh hai âm tiết, một âm mạnh và một âm yếu, gợi lên nhịp điệu bổng trầm, ví dụ  như  từ “tin-kle” khi viết câu thơ:
“How the tinkle, tinkle, tinkle;
In the icy air of night”
(Leng keng réo rắt dòn tai quá
Trong khoảng đêm đông ngập tiếng thơ)
(The Bells - Đắc Sơn dịch) 
Và tiếng chuông như được nhân cách hoá, rền rĩ khóc than cho nỗi niềm tuyệt vọng của chính bản thân mình:
Văng vẳng ngân nga tiếng chuông buồn
Như than như oán niềm vô vọng
Từng tiếng boong, boong nhỏ giọt buồn
Chao ơi ghê rợn lan tràn mãi
Thấu tận tâm can nỗi u hoài!
 Oh! the bells, the bells, the bells!
What a tale their terror tells of despair!
How they clang, and clash, and roar!
What a horror they outpour
On the bossom, of palpitating air!
(The Bells- Đắc Sơn dịch) 
Khác hẳn với tiếng chuông của Longfellow trong bài thơ “Chiều tháng hai” (Afternoon in February) khá nổi tiếng của ông: 
Xa xa tiếng chuông sầu
Những cảm giác đâu đâu
Tự lòng tôi xúc động
Đáp lại tiếng chuông sầu
(The bell is pealing
And every feeling,
Within me responds
To the dismal knell.)
(Hà Bỉnh Trung dịch) 
Cũng là tiếng chuông buồn nhưng cảm xúc gượng ép hơn, tiếng chuông vẫn cứ là một âm thanh xa xa gợi lên những cảm giác mơ hồ, được tả lại chứ không trực tiếp dội vào lòng người qua thanh âm “leng keng, leng keng” (tinkle, tinkle, tinkle) của chính nó như trong bài thơ của Poe. Người nghe vẫn cứ là một chủ thể đứng bên ngoài cảm xúc của tiếng chuông, có xúc động nhưng chỉ là cái tình cảm bên ngoài cảnh vật, không “thấu tận tâm can” như tiếng chuông mà chính bản thân nó cũng “ghê rợn lan tràn mãi” của Edgar Poe. 
Nhà thơ báo hiệu chủ nghĩa tượng trưng này rất coi trọng nhạc điệu trong thơ, trong một bài viết tựa đề là “Thư gửi B” (Letter to B), Poe đã bày tỏ ý kiến của mình: “Âm nhạc mà không có ý tưởng chỉ đơn thuần là âm nhạc, còn ý tưởng mà không có âm nhạc thì chỉ là văn xuôi”[4] [6,1311]. Điều này Edgar Poe đã vận dụng khá chặt chẽ trong sáng tác của mình. Vần và nhịp chính là hai yếu tố quan trọng tạo nên nhạc điệu cho bài thơ. Điều mà sau này, các nhà thơ tượng trưng Pháp đã khai thác triệt để và để lại những tiếng vọng sâu sắc trong sáng tác của nhiều nhà thơ Mới Việt Nam.
Trong bài tiểu luận “Nền tảng của thơ ca” (The Rationale of Verse), Poe đã lý giải nhiều yếu tố cơ bản của phép làm thơ để có một bài thơ hay. Ngoài sự hài hòa, ông còn đề cao tính chất du dương tạo nên bởi tiết tấu trong từng câu thơ. Theo ông, “nguyên tắc sơ đẳng của thơ có lẽ chỉ tìm được trong nhịp spondee.” [9,4] (một nhịp được dùng nhiều nhất trong thơ cổ, gồm hai âm tiết mạnh, có nhấn giọng - tạm hiểu là vần trắc như trong luật thơ tiếng Việt) - “âm tiết spondee là con đường đầu tiên dẫn đến thơ ca” [9, 4]. Lý do là mọi mầm mống của ý nghĩ đều có thể tìm được trong sự cân bằng của một nhịp có hai âm tiết. Nhiều bài thơ của ông đã chứng minh quan niệm này. Thử phân tích tiết tấu bốn câu thơ đầu bài “Annabel Lee” chúng ta sẽ thấy tính hợp lý của những điều Poe lý giải:
It was ma/  ny and ma/ ny year/ a-go (tetrameter)
_     _   /     _    _      /     _      /     _  / (Anaspestic+ Iambic)
In a  king/ dom by/ the sea (trimeter)
_   _    /       _    /      _      /    (Anapestic + Iambic)
That a mai/ den there lived/ whom you/ may know (tetrameter)
_     _  /        _      _    /            _      /         _     /
By the name/ of Anna/ bel Lee (trimeter)
_    _    /       _     _ /     _  / 
Khổ thơ được kết hợp giữa các câu thơ 4/3 chân (tetrameter/ trimeter) và nhịp anapestic (gồm 2 vần bằng, một vần trắc) xen lẫn nhịp Iambic (một bằng, một trắc) làm nhịp điệu biến đổi tránh được sự đơn điệu nhàm chán. Vần chân được hiệp theo mô hình a-b-a-b và vần lưng sea-lived góp phần vào sự cân đối nhịp nhàng cho câu thơ.
3. Thay lời kết
The Raven, Annabel Lee, The Bells… là những đỉnh cao nghệ thuật của thơ Poe qua hình tượng nghệ thuật tượng trưng độc đáo, âm điệu u hoài, nhất là sức rung động của từ ngữ, với những từ tượng thanh và phép điệp sử dụng một cách nhuần nhuyễn đến lạ kỳ. Nhạc điệu ngân nga của thơ Poe đã đi vào lòng người đọc từ những gì tinh tế nhất, chắt lọc nhất của nghệ thuật làm thơ mà Poe đã vận dụng một cách ý thức, tài tình, khéo léo ít ai bì kịp. 
Trong những năm đầu thế kỷ XIX, khi nền thơ ca Mỹ còn chập chững tìm hướng đi riêng, cùng với những nhà thơ hàng đầu Bryant, Emerson, Longfellow, Lowell…, Edgar Poe đã góp vào vườn thơ Mỹ những bông hoa hương sắc vừa xa lạ vừa độc đáo. Với nghệ thuật tượng trưng mang nhiều hình ảnh ẩn dụ nhiều tầng ý nghĩa, cách sử dụng âm thanh và hình ảnh bậc thầy, Poe đã đưa quan niệm thơ ca chỉ ca ngợi cái Đẹp trong sự bất thường và kỳ lạ của nó; cách nhìn con người và thế giới ngắn ngủi đầy bi quan, mâu thuẫn, không hoàn chỉnh, thậm chí có lúc kỳ quái, khó hiểu đến điên rồ, đối lập với thế giới chung quanh thành một nguyên lý sáng tác độc đáo.
Cái thế giới hỗn độn trong Poe, vừa tài năng vừa điên rồ, vừa tình cảm vừa lý trí, vừa tỉnh táo vừa đắm say mãnh liệt, vừa thần tiên vừa ma quái, vừa thực vừa mộng qua bút pháp tượng trưng độc đáo của bàn tay nghệ thuật bậc thầy trong quá trình lao động nghiêm túc đến tỉ mỉ, khắt khe quả là một bản hợp xướng độc đáo mà nhà thơ Baudelaire từng cho rằng chỉ một mình Poe đã có thể “đại diện cho cả một trào lưu lãng mạn bên kia đại dương” [2,40].
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Bradley, Sculley .1974. The American tradition in literature. NewYork: Grosset & Dunlap.
2. Lê Đình Cúc .2001. Văn học Mỹ - Mấy vấn đề & tác giả. HN: NXB. KHXH.
3. Nguyễn Đức Đàn .1996. Hành trình văn học Mỹ. HN: NXB. Văn học.
4. Eco, Umberto. 2003. Về một vài chức năng của văn học, Phùng Kiên dịch từ Magazine Littéraire số 11-2000.
5. Frye, Northrop- Sheridan Baker - George Perkins.1985. The Harper hanbook to literature, Harper & Row, Publishers, Inc.
6. Gottesman, Ronald; Francis Murphy; Laurence B. Holland and William H. Pritchard. 1979. The Norton anthology of American literature, Volume 1, NewYork; London: W.W. Norton & Company.
7. Nguyễn Hiến Lê .1956.  Luyện văn II. Sài Gòn: NXB. Nguyễn Hiến Lê.
8. Edgar Allan Poe. 1989. Truyện kinh dị (tập truyện ngắn), Hoàng Văn Quang dịch và giới thiệu. Quảng Nam - Đà Nẵng: NXB. Lao động.
9. Poe, Edgar Allan. 1843. The Rationale of Verse, Southern Literary Messenger, October 1848 ; http://www.eapoe.org/works/essays/ratlvrs1.htm
10. Pollin, Burton R. 1973, 1998. Poe, Creator of Words, The Edgar Allan Poe Society of Baltimore, http://www.eapoe.org/
11. Đắc Sơn. 1998. Đại cương văn học sử Hoa Kỳ - An introduction to American literature. Tp.HCM: NXB TP.HCM.
12. Trần Đình Sử 2001. Những thế giới nghệ thuật thơ. HN: NXB. ĐHQG.
13. Đỗ Lai Thúy. 2000. Mắt thơ. HN: NXB. Văn hóa thông tin.
Chú thích:
[1] “… some few of those minor English or american poems which best suit my own taste. (…) I hold that a long poem does not exist. (…). After the lapse of half an hour, at the very utmost, it flags-fails- a revulsion ensues- and then the poem is, in effect, and in fact, no longer such.” [The Poetic Principle, Norton, 1329], A very short poem, while now and then producing a brilliant or vivid, never produces a profound or enduring effect.” [The Poetic principle, Norton, 1331]
[2] Nguyễn Hiến Lê (1956), Luyện văn II, NXB Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn, trang 15
[3] Poe Studies Association: Edgar Allan Poe Review: http://www2.lv.psu.edu/
[4] “… Music without the idea is simply music; the idea without the music is prose…”(Letter to B).
24/5/2010
Hoàng Kim Oanh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...