Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Cơn mưa muộn màng

Cơn mưa muộn màng

Ông đến với bà lúc mười giờ sáng. Tắt máy chui ra khỏi xe, gió bốn bề ào tới dàn chào, mạnh tới nỗi ông lao đao suýt ngã phải vội vã trụ người lại kéo cổ áo lên. Nhìn quanh, không có ai ông vẫn cảm thấy ngượng. Đến thăm bà, lần nào ông cũng thấy lọng ngọng, không hiểu tại sao.
Mưa suốt đêm qua, lê thê dài tới tận hôm nay. Tưởng như chỉ có khu vườn của bà là hơi tạnh, dòng nắng mỏng như tơ lấp loáng trên những ngọn cây, chưa đủ để khô vườn. Bốn bề toàn người da trắng khoảng vườn của bà vẫn phảng phất mùi hương khác hẳn vườn lớn vườn nhỏ xanh um trong vùng. Cỏ cây cùng bụi bông giấy phủ kín cội cây làm tím ngắt một góc vườn dường như vẫn chắt chiu chút hương dư của Sài gòn. Mùi chanh, mùi sả, mùi ngò? Hay chính mùi da thịt chan hòa từ bao năm trước còn luấn quấn suốt đời trong tiềm thức của ông?
Bà mở cửa cho ông, nhìn lướt qua gương mặt trầm uất của ông, bà lùi lại né đường cho ông bước vào. Ông đi theo hành lang treo chùm đèn pha lê hắt những tia sáng mỏng như lân tinh trên bức tranh thuỷ mặc. Phòng khách mở rộng ra vườn sau, đổ xuống một triền đồi xanh ngắt. Mưa và sương và nắng đang dành nhau sắc hình lóng lánh. Bà cũng vậy, nhan sắc, thời gian, danh tiếng thăng trầm đang giành giật nhau cật lực trên gương mặt của bà. Người ta có một thời để yêu, một thời để chết, trên gương mặt bà, một thời bão nổi, một thời giằng co và một thời đầu hàng. May quá, sắc đẹp của bà vẫn là kẻ thắng trận. Da cổ da mặt không phản bội son phấn, môi vẫn ngọt như mật hoa, cánh tay để trần, thịt da chưa rung rinh nhão nhề chảy xuống.
Bà đem tới cho ông tách trà nóng, đĩa bánh ngọt rồi lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế khác, cách xa ông khoảng hai mét thảm màu đất, đôi mắt bà nhìn xuyên vào ông thăm thẳm. Ông thực sự bối rối:
"Sao cô không đến nghe anh nói chuyện?"
"Em chưa đủ già để bám vào trò chơi rắc rối sự đời đó."
"Cô ghê gớm nhỉ. Dám nói với anh như vậy há? Cô có biết anh của cô là ai không?"
"Anh nhiều chức tước quá trời, làm sao biết nổi."
Nhắm nói không lại bà, ông đành hỏi lảng sang chuyện khác:
"Hôm nay cô không đi làm à?"
Bà lắc đầu, cười. Thấy ông có vẻ ngượng sau câu hỏi, bà lại tỉnh bơ cười kiểu khác, trong một chớp mắt đôi môi quyến rũ của bà đổi qua đổi lại ba dạng cười. Bà quá quắt hay tại ông nghĩ bà quá quắt.
"Thứ Hai em cho nhân viên nghỉ. Cũng sắp Tết rồi. "
"Tết này cô có định đi đâu không?"
"Ớn quá rồi, người ta holiday mình cũng cũng phải holiday không thì sợ quê một cục. Kỳ này em tính đóng cửa nghỉ holiday... trong nhà."
"Chắc anh cũng vậy thôi. Mỗi lần tết đến anh thấy hoảng hốt. Càng ngày anh càng bị đẩy xa bầy con của anh. Biết làm gì bây giờ, anh phải bám vào bất cứ cái gì khác có thể bám được thôi."
Bà cười tủm tỉm:
"Coi bộ cũng quyết liệt lắm phải không? Đọc báo thấy ba bốn chính phủ lưu vong... hết hậu cộng sản, cương lĩnh cứu nguy tổ quốc đến xách động biểu tình... chỗ nào cũng có anh. Ai nặng nợ làm vợ anh coi bộ cũng chua chát lắm."
Ông hạ giọng:
"Đừng châm chọc anh. Không có ba mớ lẩm cẩm đó anh sống bằng cái gì bây giờ. Nghĩ lại hồi đó, anh ngu quá, yêu em đứt ruột đứt gan anh vẫn chọn vợ chọn con. Nghĩ lại, cả đời chẳng được sống cho mình, toàn sống cho kẻ khác, thương mẹ, anh cũng chỉ làm bà rầu lòng, thương vợ thương con vẫn bị vợ con oán trách từ đầu tới cuối, nghĩ ngao ngán quá."
"Em lu bu chẳng có thì giờ nghĩ ngợi lăng quăng như vậy đâu. "
"Đừng nói như vậy. Không phải cô đã cay đắng với tôi cả đời đó sao?"
"Cay đắng hay không là quyền của em, anh hy sinh tình yêu của em cho vợ cho con, hợp đạo đức quá trời còn ăn năn gì nữa. Vợ anh vừa đẹp vừa có bằng cấp, vẫn lặng thinh cho anh quậy từ Sàigòn quậy sang đây còn đòi gì nữa. Cũng lạ, đàn ông càng lớn tuổi càng rên rỉ tợn. Thế là bọn đàn bà tụi em thảm thiết theo, mở miệng cằn nhằn toàn nghe những chuyện mồ mả trối trăn đáp lại. Khiếp quá."
Ông kêu lên:
"Trời đất cô học ở đâu vậy? Hồi xưa cô ngọt như mía lùi."
Bà cười khúc khích:
"Không đúng sao? Từ lúc biết tô son đánh phấn, có thấy các anh lành mạnh bao giờ đâu. Dính vào ông nào bọn em cũng tàn đời như nhau... Hú hồn hú vía hồi đó em không lấy anh... sống với em chưa chừng anh còn vùng vằng khủng khiếp hơn vợ con anh nữa kìa. Bà xã anh là dưa em là dừa, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh dừa gặp dưa... Anh không bao giờ được sống như anh muốn đâu. Anh là người... "
Bà nhoẻn cười cúp ngang câu nói sửa lưng của bà. Ông xốn xang ngồi không yên bụng. Bà đứng lên, kéo rộng thêm màn cửa bên phải. Ông cũng đứng lên, ông muốn gần bà thêm một chút. Ông muốn ôm lấy vai bà, hai tay ông lóng cóng vuốt dọc tấm màn cửa dệt những đường hoa văn rất lạ mắt.
"Cô chọn màn cửa ở đâu đẹp quá... anh ngu thật, nếu như hồi đó anh bỏ hết sống với em, chắc đời anh không tệ hại như bây giờ. Anh ân hận lắm em biết không? "
Giọng ông nói khao khao, từng lời tưởng như chẳng dính dấp gì nhau, đang sờ màn cửa ông bày đặt ân hận. Ông sờ màn cửa hay sờ da sờ thịt? Giọng ông ngậm ngùi vậy mà bà có vẻ chới với, bà giả ngộ dang xa, nhìn ông chăm chú hơn, giơ hai tay lên đầu:
"Ba đầu sáu tay vừa vừa cho em nhờ với. Đóng kịch thương hại nước non, yêu vợ yêu con đã đời, giờ mò tới đây cho em vào xiếc nữa. Chờ tới lúc anh ân hận, mồ mả nhà em xanh cỏ rồi."
"Năm hết Tết tới cô đừng nói nhảm, hồi tết 75 cũng tại cô nói nhảm, mình mất nhau..."
Bà buông người xuống ghế, cười ngất:
"Ngon chưa. Vác vợ con dông một lèo giờ lại đổ hô cho người ta, không biết xấu hổ!"
Câu nói tưng tửng của bà không hàm ý trách móc vậy mà ông rúng động hết cả người. Ông cầm tách trà lên, bỏ tách trà xuống... Người đàn bà này... ông muốn làu nhàu một câu cho đỡ tức. Thay vào đó ông lẩm bẩm chủ ý cho bà nghe thấy.
"Đúng rồi! Mấy chục năm, ờ há hai muơi năm ngoài không nghe ai nhắc tới chữ xấu hổ này bao giờ."
"Thì qua tới đây, người mình đâu có biết xấu hổ là gì nữa. Xấu hổ làm sao sống nổi."
"Mỗi lần bứt rứt chịu không nổi lò dò tới thăm cô, anh vẫn cảm thấy bồn chồn rất khó tả. Té ra anh xấu hổ, cô coi ngần này tuổi, sắp sửa già lọm khọm, bỗng dưng anh tìm được cảm giác thẹn thùng đã mất từ mấy chục năm trước. Cũng may nhờ cô anh không già nữa. Người già đâu có biết xấu hổ nó méo tròn ra làm sao. "
"Anh thiệt tức cười, đã xấu hổ còn méo với tròn trong đó nữa. "
Đứng xớ rớ coi cũng kỳ, ông lại ngồi xuống ghế:
"Có thể anh quên, cô nhớ giỏi hơn anh, cô thấy sách truyện, tiểu thuyết tả con gái mắc cở, con trai đỏ mặt. Có tả ông già bà lão đỏ mặt tía tai bao giờ đâu. "
"Thôi đi ông, người già ai dám chạm nọc họ, lỡ họ lăn đùng ra đó, mặt mày tím lịm, có mà mang họa..."
"Cô ăn nói cũng bạt mạng quá nhỉ."
Bà ngửa cổ lên, vuốt tóc cười. Ông nhìn bà say đắm, thấy bà lạnh tanh, điện pin, điện bình, điện cao thế đều bơ đi không giật, ngượng quá ông nhìn quanh, bàn ghế loại chiến đấu, màn cửa bằng gấm. Khác với ông ba chân bốn cẳng chạy trước 30 tháng Tư. Hơn hai mươi năm nhìn lui nhìn tới công danh tiền của vợ con nhì nhằng. Bà chậm chân bỏ nước trễ hơn ông nhiều. Vậy mà, quay đi quay lại bà làm chủ chợ, chủ shop mua phòng mạch mở thẩm mỹ viện. Hồi bà mới sang ông lén vợ tới thăm, âm mưu gỡ gạc chút ái tình thiu thừa ngày cũ... Loay hoay mãi ân thừa nghĩa vụn mọc gai trong cột sống, lúng túng không xoay xở nổi vài ghim giúp bà làm vốn. Môi miệng xuông tình, môi miệng cứng đờ ra.
Lằng nhằng mấy năm, phòng khách nhà giàu rộng mênh mông. Nhìn quanh chẳng thấy ghế nào cận kề nhau. Không đến thăm bà, ông xốn xang mất ngủ, cảm giác bần thần giống như người bị mất trộm. Ngôi nhà của bà bực bội cách gì đi nữa vẫn có hơi hướm của Sài gòn. Chưa Tết bà đã chưng cây mai, mai kiếm ở đâu ra ông không tiện hỏi. Tới thăm bà ông ngượng, tay vụng chân thừa. Lần nào ra về cũng thở ra.
Bây giờ ông không thở ra nữa, ông thở dồn lên cổ, ruột đau dần như đứt từng khúc nhỏ. Lôi thôi gì đây nữa? Nước non trong bụng, máu thịt trong da. Ông ngồi im tay chân tê nặng, lắng nghe cơ thể mình rục rịch những âm thanh đầy ám muội.
Như chiếc xe già tuổi, xác phàm của ông dạo này bắt đầu giở quẻ, hết phổi đến gan, chữa xong bệnh gan mò ra sạn thận. Ông gồng cứng bụng lên chịu trận. Bối rối quá, ông ngồi im phăng phắc. Bà lại tuởng ông ngây ngất vì mình... ít ra bà cũng phải trả một chút hận lòng... leo lét cũ. Ngày xưa ông nổi tiếng Don Juan, trêu cợt không biết bao nhiêu mảnh tình. Ông đẹp trai, chủ hãng thầu sở Mỹ. Đêm Sài gòn xập xình, ông cũng xập xình lên xe xuống đường rước tình nhăng nhện vào chiếc Mustang bóng lộn của ông. Bà lúc đó vừa mới lớn, choáng váng vì vẻ khinh mạn sành đời của ông, thêm giọng nói trầm mềm âu yếm nữa. Hình như cô nào cũng được nghe giọng nói chứa chan này, nhưng lúc đó còn trẻ dại bà cứ nhắm mắt tin bừa ông chỉ âu yếm một mình bà thôi... Sa ơi! Cát Vàng yêu quí của anh ơi. Bà tên Hoàng Kim Sa... ông kêu như vậy tim gan nào chịu nổi. Có vợ con đàng hoàng, ông cứ tỉnh bơ thả dê đầy đường, cô nhỏ ngu khờ lao vào mê trận của ông... Sài gòn có những trận mưa trộm, mới đó nóng như đổ lửa, đường phố đen nghẹt người, chiều vừa chập choạng mưa thình lình ập xuống, ào ào như trút nước. Kim Sa ngày đó ôm quần áo trốn sang nhà cô bạn đầu ngõ, thay áo đẹp lẻn ra đường lớn nép sát bờ tường của khu phố lầu chờ ông trờ xe tới hớt lên.
Đếm không biết bao nhiêu trận mưa. Hột cát vàng ngơ ngẩn nhìn bong bóng dồn nhau chảy vào cống lớn. Có cuộc tình nào của Sài gòn không phập phồng như mưa bong bóng? Chưa đủ hai mùa mưa... Sài gòn ì ùng... xe nhà binh, áo trận đầy đường. Sài gòn tiệc tùng để hấp hối, Sài gòn nhảy nhót để quằn quại. Chết chóc bom đạn chạy quanh ngoài ven rừng. Bà nhớ ông chặt lòng chắc dạ, dù oán hận bời bời, ông cũng là người tình đầu đời. Bà biết chắc ông chưa chui vào lính một ngày nào, ai ngờ nổi ông lại là người yêu nước thương dân cuồng nộ như bây giờ. Lúc mới qua, bà cũng háo hức đi nghe ông nói chuyện, nghe ông lập thuyết này thuyết nọ. Nghe ông diễn thuyết tình tự nước non bà muốn chổng chân lên trời đi bằng đầu. Thật ra phải nói ông đang trồng chuối đi hia bảy dặm bằng chính cái đầu già câng câng của ông mới đúng. Ông là tay nhà thầu hạng gộc. Ông chơi quần vợt ở Cercle, ông ăn cơm Tàu ở Bát Đạt, ông thầu câu lạc bộ Mỹ, thầu giặt quần áo Mỹ thầu luôn súng đạn phế thải và rác Mỹ... Vậy mà, bẵng đi một thời, bà chậm chân kẹt lại, gặp lại ông ở xứ người, bà tưởng mình nhìn lầm người khác. Ông biến thành một đại gia cực kỳ yêu nước.
Giờ ông ngồi đó, mắt như lạc thần... chẳng lẽ ba chục mạng đàn bà, những tình thừa tình thẹo tình giả tình thật đang quần nhau trong trái tim ứ máu huê tình làm mặt ông xám ngoét đi như vậy? Lỡ ông yêu mình chân thật thì sao? Không phải suốt đời mình quay quắt đi tìm một chút tình sâu nặng đó sao? Dù sao ông cũng là một phần đời của mình. Nói mỉa nói mai, lời qua lời tiếng lại đay nghiến gì đi nữa, nửa lời nửa tiếng cũng hiểu nhau hơn những người khác.
Chịu không nổi, ông bám thành ghế đứng lên, miệng nói lúm búm:
"Toilet...xin lỗi... anh phải vào toilet..."
Không đợi bà trả lời ông đi thẳng một mạch. Ác đức thì thôi, nhà sang như thế này, toilet làm xa lắc xa lơ tận góc cùng bên phải. Bà ái ngại nhìn theo ông, chắc ông bị lạnh bụng rồi, bà đi vào quầy rượu, tìm chiếc ly bầu rót cho ông một ly cognac.
Chuông cửa ngân lên một điệu nhạc. Vô tình cầm luôn ly rượu trên tay bà đi vội ra cửa. Nhìn soi vào chấm gương giữa cửa, gương mặt Dân bị ống kính khúc xạ hai mắt tròn quay đầy chấm hỏi. Bà đành mở cửa, không thể để anh đứng mãi ngoài hiên nhà. Động đất hay dịch bệnh? Điềm xấu hay điềm lành? Hai kẻ thề không đội trời chung lù lù dẫn xác đến nội trong một giờ. Dĩa nhạc cổ điển xoay vòng rơi đúng vào cơn lốc, violon rít lên, kèn đồng nghe như gió thổi vào loa thành hình trôn ốc.
Anh nhìn như găm kim vào người bà. Anh không dám hỏi, chiếc xe màu mắm ruốc của ông nằm lù lù giữa driveway. Anh chờ bà lên tiếng, nhưng bà chỉ nhìn phớt qua mặt anh đủ để cho anh thấy bà không muốn anh hỏi tới nữa. Nửa lời phân trần cũng không luôn. Đúng ra, bà không muốn gì nữa hết. Lựng khựng ngay giữa lối vào bà rủa thầm... cả hai người.
Nắng lên dọi vào khoảng hành lang rộng, mặt hai người vẫn tối xầm như đêm ba mươi, những câu hỏi bốc khói không bốc lời ngời ngời phóng ra những điện cực chạy rần rần trong người bà.
" Ông ta mò đến đây làm gì? "
"Còn anh, giờ đi làm ai khiến anh dẫn xác tới đây rình mò tôi?" "Bộ ông ta ở đây cả đêm qua?"
"Đêm hay ngày cũng vậy thôi, anh cướp nghề công an khu vực hồi nào nhanh vậy? "
Cả hai giương mắt hỏi qua đáp lại bằng loại nhạc không lời. Nhạc cổ điển đang hắt ra từ một góc nhà. Anh chúa ghét nhạc cổ điển, không hiểu mô tê gì cũng bày đặt hít hà khen ngợi. Ông cũng đi ra từ một góc nhà luôn.
Anh nổi cộc, không thèm lịch sự nữa, lần này anh gằn giọng hỏi bà:
"Ông ta bầy trò gì ở đây vậy?"
Bà sững sờ hết nhìn tình cũ lại quay sang tình mới. Tiến thối đều lưỡng nan. Không hiểu ông áp dụng chiến thuật gì lại sầm sầm đi ra, bụng quấn chiếc khăn tắm trắng phau của bà nữa chứ? Oan gia thiệt. Bà giơ ly rượu lên muốn xáng vào mặt ông cho bõ ghét. Mửng trây trúa này của ông bà rành quá mạng rồi. Mới sáng bảnh mắt, ông dẫn xác tới tắm táp trong nhà bà như thế này làm sao Dân chịu nổi.
Bà nhìn ông, muốn rách cả mắt, ly rượu màu hổ phách sóng sánh trên tay. Cả ba người tình cờ đứng hàng dọc trong khoảng hall. Màn cửa gió bay... bà thấy tay chân mình như co rút lại, táo ông táo bà, biến thành ba tên học trò đứng dưới cột cờ buổi sáng... này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi. Bà mong mình có thể hát lên bài ca xương máu đó. Dân là vừng hồng chói chang nhức mắt nhưng đầy ắp hy vọng, ông là dĩ vãng mù mịt nhưng thân cận như thịt với da... Bà cứ thế đứng ngây người ra. Bà chờ Dân bỏ đi. Chắc chắn Dân sẽ bỏ đi. Dân sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ông lão lớ quớ kia rồi sẽ thắng trọn cuộc cờ này. Dân đi thẳng ra cửa thật. Ông vẫn đứng như trời trồng, khăn tắm quấn chặt ngang bụng.
Dân lách người đi qua như không muốn chạm vào người bà. Choang... ly rượu bể tan trên nền nhà lót marble. Bà ngửng mặt lên nhìn ông, không muốn nhìn giòng rượu màu hổ phách chảy loang trên mặt đá hồng. Rượu bầm chóng mặt nhìn như máu.
Hai tuần nằm bệnh viện, vợ con vào thăm ông cứ ngóng hột cát vàng lóng lánh. Tin vui nho nhỏ lúc nằm bệnh viện vợ con mang vào làm ông bình phục nhanh hơn những lần nhập viện trước... Cabramatta sẽ được phép họp chợ ì xèo mua bán suốt đêm như Chợ Lớn của Việt Nam ngày nào... Quán cóc, xe đẩy, hàng rong, xôi mặn, xúc xích, vịt lộn, thịt nướng, cháo lòng, cháo cá, bánh khọt, giò chá quẩy, nghêu luộc, sò nướng, ốc xào dừa... Thấy vợ hào hứng kể, ruột gan ông cứ cồn lên vì ân hận. Ăn ở với vợ gần bốn chục năm, bao giờ ông cũng chân trong chân ngoài. Quen cẳng quen đùi nhau, ra vô cả đời, đụng da đụng thịt ê càng như đụng bàn đụng ghế. Mấy chục năm diễn mãi một vai tuồng, làm sao hào hứng nổi. Tội nghiệp mặt hoa da phấn của vợ nhìn mãi lổn nhổn như da gà turkey... vợ trét phấn chê dầy như vôi tường, vợ để mặt trần chê mặt mày tái mét. Nói cho cùng, vợ ông có bao giờ xát muối đâm kim tua tủa vào gan ruột của ông như Kim Sa đâu.
Rời bệnh viện về nhà. Nằm mãi tay chân nặng như bị cùm, ông chỗi dậy lết xuống nhà bếp tự pha cà phê uống cho tỉnh người. Tết qua từ lúc nào không ai nhớ. Từng năm từng tháng cứ lừ đừ qua đi như bóng đè. Ông không biết phải đi đâu nhưng theo quán tính vẫn lái xe ra đường. Gần đến nhà bà, ngang qua công viên, cỏ và cây cùng xanh ngắt, ông tắp xe vào sát lề nhìn sửng vài cô gái mặc áo chẽn chạy bộ dọc theo công viên băng về phía đồng cỏ của sân gôn. Lâu rồi ông không dám đến thăm bà nữa. Tia nhìn lạnh tanh của bà khiến ông nản lòng hơn bất cứ lời xua đuổi nào.
Mùa nào của người kệ thây thiên hạ, sau Tết người mình cứ gọi là xuân thì năm mới. Xuân thì của ông bây giờ coi như tiêu diêu miền tiên cảnh. Ông còn nhúc nhích thế này là may mắn lắm rồi, vợ ông hôm chạy dốc vào bệnh viện, thấy chồng còn sống đã vừa cười vừa khóc... trời ngó lại cho ông sống thêm ngày nào mẹ con tôi ơn trời ngày đó. Ông ôm đồm quá, lúc nào cũng sống gấp bốn lần thiên hạ người ta một vợ năm con đủ sụm bánh chè, ông sáu bảy nhân tình, chưa kể đầu đường xó chợ đếm không nổi. Chưa gãy cột sống là may lắm rồi...
Đang miên man ông giật mình nhảy nhổm người trên ghế.. Kim Sa và Dân đang chạy bộ băng ngang công viên. Giờ này muôn nghìn ngọn đèn giăng chi chít trên hai hàng cây chưa được thắp sáng, vậy mà hai kẻ chạy bộ cứ chấp chới như muôn triệu bóng đèn, vàng chói trong mắt ông. Dân mặc quần sọc, áo thun xanh đậmbó chặt vồng ngực u nần cuồn cuộn. Hột cát sông Hằng của ông lộng lẫy hơn bụi hướng dương vàng hực bên kia bồn cỏ. Bà mặc T shirt vàng, lao người chạy ù tới qua mặt Dân rồi đứng lại múa hai tay lên trời cười như nắc nẻ. Ông muốn bóp còi xe phá đám, tiếng cười của bà chắc ông nghe bằng âm hưởng!? Còi xe Sydney hay còi xe Sài gòn? Cầu trời khấn phật họ đừng trông thấy ông. Ông nghẹt thở quá, không phải cái nghẹt thở bình thường của kẻ bị phụ tình. Trái tim ông rền lên những âm động nguy kịch hơn nhiều. Ông muốn mở máy xe vọt đi cho khuất mắt. Nhưng tay ông run bần bật, đút mãi chìa khóa không chịu khớp vào khe máy. Ông giơ chùm chìa khóa lên nhìn, khóa xe, khoá cửa, khoá gara... Khóa cái gì nữa bây giờ? Hồi đó, thấy quân đội bỏ dân chạy tán loạn... mất Ban mê Thuột, Pleiku, Kontum, bỏ rơi Huế, bỏ luôn Đà Nẵng... Lúc hốt hoảng bỏ nhà ra đi, ông cũng tự tay khoá chặt cửa trước cửa sau của ngôi nhà đồ sộ đường Công Lý. Sài gòn có bao nhiêu ngôi nhà khoá chặt cửa, mất vẫn hoàn mất. Ông để lại bao nhiêu mối tình. Không khóa nổi tình yêu đừng già đừng trẻ. Tình yêu! Từ nay đừng nhắc tới danh từ ôn dịch này nữa. Ông nhìn xuống cánh tay nhão nhừ của ông đặt trên bánh lái, rồi vội vàng nhắm mắt lại. Già rồi, già thật mất rồi. Mãi đến hôm nay ông mới chịu nhìn xuống thịt xương của mình.
Thời gian như nén chặt trong sâu thẳm bùi ngùi. Lúc ông ngửng lên, xanh trời xanh đất đều biến mất. Mây giông từ biển ùa vào. Gió ào lên, hột cát vàng lóng lánh của ông chạy vun vút, biến khỏi tầm nhìn. Ông thót người nhớ những cơn mưa thịnh nộ của Sài gòn. Té tát ra với ai ông cũng là người tệ bạc hết. Kim Sa mười chín tuổi, áo mưa chùm đầu chạy lúp súp ra xe... ông ngồi yên vị trong xe, giầy không chịu ướt chỉ với tay mở sẵn cửa, hột cát vàng ướt át nép sát vào ông cho đỡ lạnh. Bao nhiêu năm trời ông không bao giờ tự hỏi... vừa mới lớn lên yêu nhằm người có vợ như ông, Cát Vàng khóc bao nhiêu hồ nước mắt?
Ông kẹt dưới mưa, trận mưa cuồng nộ của Sài gòn năm 75 bò sang tận đây để hỏi tội. Mặt không ướt, chỉ có kính xe dòng dòng đổ nước, ông vẫn quơ tay lên chùi mắt. Cơn mưa thịnh nộ càng lúc càng hung dữ.
Lệ Hằng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...