Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Chuyện tình trên đảo Khỉ

Chuyện tình trên đảo Khỉ

1- Máy bay từ từ hạ cánh xuống đường băng sân bay Nha Trang. Giáo sư Vương Đại Tôn bước xuống cầu thang chói chang nắng. Xe taxi đưa ông ra khỏi cổng gặp đại lộ Trần Phú xanh rì bóng dừa, lồng lộng gió biển. Nha Trang của ông vẫn như xưa, ngập đầy nắng và nắng!... Nắng lung linh nhảy múa trên các vòm cây bên Hòn Chồng, Đồng Đế. Nắng dát vàng những con đường phố thân thương quanh khu chợ Đầm. Nắng lan toả mênh mang trên bãi cát, vịnh biển. Nắng quyện trong mùi cá, mắm làm đặc quánh không gian xóm chài đang neo đậu ở Cầu Đá. Nắng theo cánh gió bay lượn trên hồ cá Trí Nguyên, Hòn Rùa, Hòn Tre. Nắng ấp ủ, chờn vờn quanh tháp Chàm cổ kính. Nắng làm sáng thêm ánh mắt nụ cười những cô gái thành phố biển. Chao ôi!... Đã có một thời tuổi trẻ ông để lại nơi đây lỗi lầm và sự tệ bạc với một người con gái gốc quê Diên Khánh. Đường từ trung tâm thành phố về huyện Diên Khánh bây giờ là một đại lộ rộng dênh, có bồn hoa, thảm cỏ làm lộ giới cho hai luồng xe chạy hết tốc lực mà sao như có barie vô hình làm rào cản giữa lòng ông. Viện nghiên cứu trên đường Trần Phú vẫn một màu trắng loá trong nắng và gió biển, mà sao lúc taxi chạy qua chỉ làm ông nhói lên một nỗi buồn hiu hắt như có cơn mưa nào sậm sùi rơi vào cõi nhớ mênh mông, sâu thẳm. Ông nhắm mắt lại vì cảm thấy mỗi ô cửa trong viện nghiên cứu như con mắt đang trừng trừng nhìn ông trách móc, oán giận. Con người ta khi còn thênh thang trên bước đường thăng tiến, chẳng mấy ai ngoái đầu lại nhìn quá khứ lầm lỡ, đoái hoài đến người tình của một thời trai trẻ đã qua. Giờ mất chức Thứ trưởng, cầm tờ quyết định nghỉ hưu, trong giây phút trống chếnh, hụt hẫng giáo sư Vương Đại Tôn mới chợt nghĩ về Thân. Đêm về cô quạnh, ông bỗng hỏi mình sao lâu nay ta thờ ơ với số phận người cộng sự khoa học ấy và ông lại nhớ câu Thân nói năm nào: “Người ta tuổi Hợi tuổi Mùi – Sao em phải chịu ngậm ngùi tuổi Thân”. Không. Không phải tuổi Thân làm số kiếp em hẩm hiu, thiệt thòi, cô độc nuôi đứa con ngoài giá thú. Chính ta mới là thủ phạm gây ra tất cả. Ông nghĩ vậy và giọt lệ trào ra làm cay rát bờ mi. Ông ngồi chết lặng như cái xác ướp cho đến khi xe taxi đưa ông đến nhà khách của tỉnh, trên đường Phan Chu Trinh. Tới nơi, ông nhận phòng, lảo đảo bước lên phòng ở lầu hai, nằm vật xuống giường, muốn khóc mà không thành tiếng. Ông chua xót hồi tưởng ngày đầu gặp Thân và Phương Trang. 
2- Chiến tranh kết thúc, nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành của đối phương để lại cần được nhanh chóng tiếp quản. Đoàn cán bộ chưyên môn cao cấp do đích thân ngài Bộ trưởng dẫn đầu đã tiến hành khảo sát các viện và cơ sở nghiên cứu của ngành nằm rải rác từ thành phố Hồ Chí Minh ra cố đô Huế. Thời gian tham gia đoàn công tác, Phó tiến sỹ trẻ Vương Đại Tôn đã suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc lựa chọn cho mình một nơi thích hợp với đề tài nghiên cứu luận án tiến sỹ khoa học mà anh đang ấp ủ. Ở thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều “cây đa”, “cây đề” trong giới khoa học, thuộc cả hai chế độ cũ và mới. Ở đó anh sẽ phải cọ sát và dễ dàng bị lu mờ, lép vế. Hơn nữa, ở vào thời điểm đó nếu anh chọn viện nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh có thể còn bị dư luận đánh giá là “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”,chưa thể hiện tính “xung kích” của lớp cán bộ khoa học trẻ. Chọn viện nghiên cứu ở Nha Trang, Tôn vừa tránh được hai điều bất lợi kia, vừa nắm chắc cái ghế viện trưởng trong tay để làm bàn đạp thăng tiến sau này. Một lý do khiến Tôn chọn Nha Trang vì ở đó có đảo nuôi khỉ, rất thuận lợi cho ý đồ tìm hiểu đời sống tâm lý và tổ chức xã hội loài khỉ của anh. Điều cốt yếu là phải giấu kín ý đồ này, chọn một trí thức của chế độ cũ người địa phương làm vật thế mạng, nếu không khéo anh sẽ bị giam chân giữa nơi đảo vắng. Người ra đảo tiếp quản bầy khỉ phải có tài, say sưa với nghề và yêu quý động vật mới có thể giúp anh thu thập tài liệu thực tế, đóng góp vào công trình nghiên cứu. Ngay khi đoàn công tác đang ở Nha Trang, Tôn tranh thủ xem tài liệu lưu trữ, dò tìm ra địa chỉ hai nhân viên cũ của viện nghiên cứu, quê Diên Khánh, tốt nghiệp bác sỹ thú y ở Mỹ là Phương Trang và Thân. Anh báo cáo với Bộ trưởng cho mời họ đến Viện để mình gặp gỡ trao đổi. Cả hai đều giỏi chuyên môn, yêu nghề, tha thiết muốn được tiếp tục cống hiến cho khoa học. Thân bằng tuổi Tôn, sinh năm bốn tư, tốt nghiệp ở Mỹ về nước năm Mậu Thân sáu tám, có thâm niên công tác, nhưng sức khoẻ yếu. Nàng hơi gầy và xanh, nhưng đẹp thuỳ mị một cách quý phái. Sống mũi cao và thẳng. Cặp mắt to, đen láy, lúc nào cũng mọng nước như hai trái chôm chôm vừa bóc vỏ. Phương Trang trẻ hơn, sinh năm năm mươi, tuổi Dần học sau Thân bốn khoá. Nàng không đẹp nhưng có duyên, thông minh, lanh lẹ, hợp với công việc ngoài thực địa trên đảo Khỉ. Đáng lưu ý, Phương Trang có người bác ruột làm lớn ngoài Hà Nội. Hai nàng rất thân thiết với nhau như chị em, cùng là viên chức chế độ cũ, đang cần chiếc phao cứu tinh của đồng nghiệp từ miền Bắc vào nên đều quấn quýt lấy Tôn, xin được làm việc. Công việc chuyên môn đòi hỏi một nàng ở lại Viện, nàng kia ra đảo Khỉ. Anh tự cho mình cái quyền của người thuộc phe chiến thắng để cân nhắc, ban ơn cho người của phe chiến bại. Là chàng trai chưa vợ, anh cũng bồi hồi, xao xuyến trước hai mỹ nhân đang làm anh liên tưởng đến chị em Thúy Kiều để mà lựa chọn. Trong đầu chàng Phó tiến sỹ miền Bắc chợt lóe lên sự tính toán. Nếu ưu ái Phương Trang, anh sẽ có cơ hội tiếp cận ông bác và cái chức Viện trưởng có thêm một ô dù che đỡ sẽ mau thành hiện thực. Ông bác chắc sẽ càng nhiệt tình khi cháu mình làm thư ký khoa học cho anh và biết đâu…Sự lọc lõi chốn quan trường mách bảo anh phải biết chiều lòng bề trên, thuận tình kẻ dưới. Hơn nữa, anh rất cần người ra đảo hết lòng với đề tài làm luận văn tiến sỹ khoa học của mình. Trong thâm tâm dù đã chọn xong, anh vẫn nói lửng lơ trước mặt hai nàng:
- Phương Trang hợp với công việc ngoài đảo hơn, ngặt vì tuổi Dần xung khắc với loài khỉ theo luật “tứ xung tam hợp”, nhưng để Thân ra đảo tôi lại lo cho sức khỏe của em, lỡ có bề gì tôi sẽ ân hận.
Ngỡ rằng Thân sẽ thất vọng, anh không ngờ nàng nắm chặt tay anh xúc động nói:
- Cám ơn anh Tôn đã quan tâm! Từ lâu em rất muốn ra đảo, ngặt vì thời chiến, thân gái một mình ngoài đó nguy hiểm nên má em không chịu. Hòa bình rồi, không còn gì ngăn cản em đến với bầy khỉ. Anh là ân nhân của em. Em sẽ làm việc, gắn bó suốt đời với đảo để không phụ lòng tin của anh.
- Nhưng Thân không được khoẻ, liệu có vất vả quá không?
- Anh khỏi lo. Người kỹ thuật được làm việc mà mình yêu thích là nguồn thuốc bổ công hiệu nhất, anh ạ!
Tôn mừng thầm vì đã tìm được người thế mạng và chắc chắn sẽ giúp ích được nhiều cho đề tài nghiên cứu của mình. Anh cám ơn ông trời đã khéo sắp đặt, nhưng cố kiềm chế không để lộ niềm vui sướng trên nét mặt. Tôn  mỉm cười nhìn Thân, nói đãi bôi:
- Tôi vẫn chưa thật an tâm vì sức khỏe của Thân. Để Thân phải ra đảo làm việc vất vả thui thủi một mình, lương tâm tôi cứ thấy bứt dứt. Hay Thân để tôi báo cáo lãnh đạo bộ tìm người khác.
- Đừng. Em van anh, xin anh cứ cho em ra đảo.
- Nếu sau này thấy cần, Thân cứ đề đạt nguyện vọng. Tôi hứa, nếu vào đây phụ trách Viện sẽ giải quyết cho Thân về thành phố sau khi nhận được đơn đề nghị của em.
- Cám ơn anh! điều ấy chắc sẽ không xảy ra.
Ngay hôm sau Thân thu xếp hành lý ra đảo nhận bàn giao công việc, kiểm tra bầy khỉ, tổ chức lại nhân lực trên đảo, ai vào việc nấy. Nàng lao vào công việc với tất cả niềm đam mê khoa học và tình yêu với bầy khỉ. Tôn nán ở lại thành phố ít ngày, làm thân rất nhanh với Phương Trang. Trước hôm ra Huế để về Hà Nội, anh không quên gợi ý Phương Trang viết thư cho ông bác đáng kính. Mọi việc sảy ra sau đó không ngoài sự tính toán của anh. Chẳng bao lâu, Tôn sung sướng gọi điện báo tin cho Phương Trang, anh đã nhận quyết định bổ nhiệm viện trưởng viện nghiên cứu. Ngồi trên máy bay, anh thấy lòng lâng lâng, xốn xang bao dự định.
Phương Trang đón Tôn ở sân bay. Nàng đưa anh về nhà giới thiệu với ba má, anh là bạn cũng sẽ là thủ trưởng cấp trên trực tiếp của mình. Ba Phương Trang là kỹ sư điện tử danh tiếng, nhiều năm làm việc trong hãng điên tử Sony ở Nhật. Ông còn có vốn cổ đông ở Mỹ và Hàn Quốc. Ông được nhà nước trọng dụng phần vì tài năng khoa học, phần vì có anh ruột đi tập kết, làm lớn ở Hà Nội. Ngôi biệt thự của ông trên đường Tản Viên không lớn, có vẻ khiêm nhường, nhưng rất nhiều cây kiểng. Phòng làm việc của ông như một thư viện nhỏ. Sách bày kín ba mặt tường từ sàn lên tận đường chỉ sơn tường làm cổ trần của căn phòng thoáng đãng, thanh lịch. Ông tiếp Tôn vừa đủ lịch sự của người cha với bạn trai của con gái, không để ý đến chức Viện trưởng của anh theo lời giới thiệu. Với phong độ trí thức, từng trải việc đời, ông quan sát, dò hỏi đôi lời, chủ yếu là nghe đôi trẻ tâm sự về công việc của mình. Khi Tôn ra vườn ngắm cây kiểng, anh nghe loáng thoáng lời nhận xét của người cha, nói với con gái: “Ba thấy anh ta có vẻ kiệm lời, kín đáo. Đàn ông loại này có thể thành đạt trong sự nghiệp. Có điều đã là đàn ông, trong giao tiếp ban đầu phải thấy toát lên phong độ cách riêng, chinh phục hoặc thậm chí mếch lòng người đối thoại. Điều này ba chưa thấy. Ba chỉ băn khoăn về cái lý do anh ta không chọn con ra đảo khỉ vì con tuổi Dần, xung khắc với loài khỉ. Vậy sao anh ta tuổi Thân lại sớm quen thân, tâm tình cởi mở với con? Những điều ba nói chỉ là cảm giác ban đầu. Tình bạn, tình yêu vốn tự nó thiêng liêng và rất riêng tư, ba không giám can thiệp.” Tôn loáng thoáng nghe cha con họ tâm sự lòng chạnh buồn, pha chút tự ái. Anh chợt nghĩ về Thân ngoài đảo Khỉ. Giờ này Thân đang tiêm chủng cho mấy chú khỉ con, vui đùa với khỉ mẹ, hay đang đọc sách? Cặp mắt đen láy, hàng mi cong thoáng hiện lên trong giây lát. Nụ cười đôn hậu và cái bắt tay rụt rè lúc chia tay ngỡ như còn phảng phất dư vị ngọt ngào. Nhưng anh vội xua đi hình ảnh Thân, nhắm đích về phía Phương Trang như người thợ săn lành nghề. Tình yêu với người đàn ông đơn giản là chinh phục, anh nghĩ. Tôn có thế mạnh và sự kiên trì đảm bảo cho sự chinh phục ấy. Bước khởi đầu Trang như vậy vẫn chưa có gì đáng ngại. Thời gian, sự gần gũi và danh vị sẽ giúp anh khỏa lấp mọi băn khoăn trong lòng người đẹp, tìm hiểu mọi ý thích, sở nguyện của nàng. Với ba má nàng, anh sẽ giữ một khoảng cách vừa đủ để thông cảm và không cách bức hoặc suồng sã, nhưng cũng khôn ngoan ngầm hé lộ cái quyền uy của những người thuộc phe chiến thắng. Tôn đã tính toán chi li từng bước cho cuộc chinh phục người tình và Phương Trang  sớm ngã vào lòng anh, ngất ngây hạnh phúc…
3- Giáo sư Vương Đại Tôn cố dằn lòng quên đi những ám ảnh quá khứ. Ông vùng dậy mở tủ lạnh, lấy một lon bia uống liền một hơi như muốn mượn hơi men lấy thêm dũng khí nhìn vào thực tại. Ông với Phương Trang đã chung một tổ ấm suốt mấy chục năm, con cái đều đã phương trưởng. Ông là người chồng biết chiều chuộng vợ, hết lòng vì con cái. Sự vinh thăng của ông cũng đem lại tiền tài và niềm vinh dự cho bà, cho cả gia đình chứ đâu chỉ cho mình ông. Vậy mà lúc ông kiêu hãnh bước lên ngồi ghế Thứ trưởng lại là lúc ông cay đắng hiểu ra sự thật lâu nay quan hệ vợ chồng vẫn chỉ là “đồng sàng dị mộng”. Phương Trang thừa hưởng tính cách thâm trầm của người cha, suốt mấy chục năm giữ lòng kín bưng. Cái vỏ thuận hòa, êm ấm hạnh phúc gia đình bỗng nhiên bị rách toạc vào cái đêm ông nhậm chức. Hôm ấy, ông lên giường phởn phơ hút thuốc chờ vợ, còn bà ngồi ngay như tượng đá trên ghế, im lặng đến khó hiểu. Không thể chờ đợi được lâu ông lên tiếng:
- Mình hôm nay sao thế? Tôi vừa được đề bạt, lẽ ra đêm nay mình phải vui lên mà sao không khí nặng nề quá!
- Em muốn nói chuyện nghiêm chỉnh với anh.
- Chuyện gì?... Sao lại lúc này?...
- Lúc này là hợp lý nhất. Các con đã lớn cả rồi, đứa lớn đã ra trường nhận công tác, đứa út là gái có chồng. Chúng nó cần phải biết sự thật và em cũng cần tự giải thoát mình.
- Em nói gì, anh không hiểu?
- Anh không hiểu hay không muốn hiểu? - Nàng đay lại.
- Nhưng em muốn nói về chuyện gì?
- Em muốn nói rằng chúng mình cần phải chia tay.
- Chia tay?... Trời ơi, em điên rồi!
- Không em rất bình tĩnh và sáng suốt. Em suy nghĩ hai mươi năm để nói với anh hai chữ chia tay. Anh cũng nên dứt khoát với em để quay lại làm tròn trách nhiệm với mẹ con chị Thân. Chị ấy tốt quá! Chị ấy quên mình, vị tha quá! Còn anh...
- Lại một sự hiểu lầm tai hại. Chắc là có đứa muốn ngáng chân anh lên Thứ trưởng, bịa đặt câu chuyện hoang đường để hại anh.
- Trời ơi! Anh ích kỷ, tàn nhẫn, lạnh lùng đến thế kia ư? 
Phương Trang oà khóc, khiến ông thấy chột dạ, lạnh buốt sống lưng. Câu chuyện giữa ông và Thân ngỡ đã đào sâu chôn chặt nào ngờ bục vỡ ra lúc này. Chẳng lẽ Thân đã tiết lộ sự thật với Phương Trang. Không đời nào. Ngày ấy chuyện Thân chửa hoang trên đảo là việc động trời. Người ta hùa nhau tra khảo Thân ai là cha đứa bé, nhưng nàng một mực im lặng. Nhiều khi chỉ vì thoả mãn trí tò mò, con người ta thời ấy trở nên tàn nhẫn, không chịu buông tha nỗi đau khổ của người khác. Ông già chuyên đánh kẻng, chia thức ăn cho bầy khỉ trên đảo đã đứng ra nhận đứa bé là của mình. Cái số của Tôn luôn có quý nhân phù trợ. Mỗi lần gặp bước nguy nan hay tình huống khó xử, Tôn đều có người tình nguyện làm hình nhân thế mạng. Chẳng ai thiết bày đặt kỷ luật một công nhân hợp đồng, đang làm công việc thuộc loại mạt hạng nhất cơ quan. Sự việc nhanh chóng rơi vào im lặng. Sau đó, Tôn đi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học ở Nga. Về nước, ông nhận công tác ở Bộ, đưa Phương Trang và các con ra Hà Nội. Tôn không tin Phương Trang biết sự thật. Có lẽ bà chỉ đoán mò hoặc nghe tin tầm phơ từ một kẻ độc miệng...
- Chuyện vớ vẩn. Nếu không còn chuyện gì khác anh đi ngủ đây. Mình chỉ ghen tuông lấp bấp, sinh lẩm cẩm mất rồi – Tôn lấy lại bình tĩnh thản nhiên nói.
- Không - Điều em nói là sự thật. Anh thú nhận đi.
- Em định lải nhải cái chuyện hoang đường ấy đến bao giờ nữa? Anh hỏi mình: Nếu đứa bé kia là con anh, sao từ ngày về nước anh không một lần nhắc đến Thân, chưa một lần gặp mặt con?
- Chính điều ấy làm em ghê sợ con tim hóa đá của anh. Phụ nữ chúng em không ngờ nghệch như anh tưởng đâu. Đứa bé giống anh như tạc. Ngày sinh của nó tính ngược lại thời gian đủ chín tháng mười ngày, chỉ có anh trên đảo, còn ông già chia cơm cho khỉ về quê Khánh Vĩnh một tuần lo việc tang. Thời gian anh đi Nga, tuy ông lão thường xuyên chăm sóc đứa bé, nhưng giữa ông và Thân không hề có quan hệ tình cảm. Em biết và mọi người cũng thừa biết, nhưng chẳng ai muốn bới ra thêm nát chuyện.
- Tất cả mới chỉ là do mình suy đoán.
- Không phải là suy đoán mà em khẳng định. Em âm thầm nuốt hận, nén nhịn cho êm ấm cửa nhà vì lúc ấy các con mình quá nhỏ. Không có gì đau khổ hơn khi phải tự mình đóng kịch, giả dối với lòng mình hết một phần ba cuộc đời. Vì vậy em đã thầm nhủ, đợi ngày các con trưởng thành sẽ giải thoát cho anh quay lại với mẹ con chị Thân, để em được sống thật với mình. Mỗi ngày qua đi, nhìn vẻ mặt vô tư, bình thản của anh, em càng thấy ghê sợ. Em chiêm nghiệm lại lời nhận xét của ba em ngay từ buổi  đầu gặp anh sao mà sâu sắc. Đã không có tình với nhau, lâu nay chúng ta sống chỉ là “đồng sàng dị mộng”, em tự biến mình thành cái máy vô tri vô giác. Nhưng đến hôm nay nhìn thấy anh hớn hở nhậm chức, trong mắt anh khi về nhà không bợn chút suy tư về chị Thân, em không còn chịu đựng được nữa, càng thêm sợ anh. Nếu lâu nay anh giấu mẹ con em đi thăm chị ấy, chăm sóc đứa trẻ, có lẽ em chỉ tủi thân, thậm chí lồng lộn ghen tức, nhưng lại không ghê sợ con người của anh đến vậy. Người đời nhìn anh là ông chồng tốt, người cha mẫu mực, gia đình ta là tổ ấm ngọt ngào hạnh phúc. Vậy còn em và anh, ta nghĩ gì? Thật là kinh khủng! Em không thể giải thích nổi ngoài tình yêu con, trách nhiệm với gia đình, cái gì đã giúp em đủ nghị lực, kiên trì chung sống với anh ngần ấy năm. Anh không hề yêu em, yêu con, không hề yêu ai cả. Anh chỉ yêu mình anh. Sự giả trá đã ngấm vào máu, hằn sâu lên não tủy, biến anh thành kẻ lạnh lùng, tàn nhẫn...
Phương Trang nói liền một mạch không nghỉ. Bà nói toạc ra tất cả, gay gắt và dứt khoát. Tôn cay đắng ngồi nghe và hiểu rằng không còn gì để thanh minh cứu vãn. Thực ra Phương Trang đã nói quá lời, kết tội ông quá nặng nề, có phần oan uổng. Trước ngày đi Nga làm luận văn tốt nghiệp tiến sỹ ông đã gặp Thân. Nàng động viên ông an tâm lên đường, hứa sẽ phá bỏ cái thai chung của hai người. Ông đinh ninh Thân sẽ thực hiện lời hứa ấy nên đâu ngờ mình đang có một đứa con riêng. Ông chỉ ân hận giá ngày về nước đánh liều tìm cách gặp Thân một lần sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc này. Nhưng hồi đó ông đang là tiến sỹ khoa học đầu tiên của ngành, con đường tiến bộ thênh thênh rộng mở. Chuyện xảy ra với Thân, ông chỉ xem như lầm lỡ thoảng qua nên tốt nhất hãy tránh xa nhau. Việc gì đã qua thì cho nó qua luôn. Triết lý sống của ông là như vậy. Trở lại Nha Trang lần này, lòng ông xót xa, bồi hồi ôn lại những gì đã xảy ra trong một tuần trên đảo khỉ thời xa ấy... 
4- Bình minh trên đảo ngập đầy gió và hương cỏ mật. Gió miên man trên vành tai, mái tóc gây cảm giác khoan khoái như người vừa qua giờ vật lý trị liệu. Xa xa phía Hòn Tre mặt trời nhô lên khỏi mặt biển một nửa. Nửa kia còn ngậm trong sóng biển  mênh mang, lan toả những vạt sáng màu hồng trên mặt nước xanh biếc. Bầu trời xanh nhạt, loáng thoáng những giải lụa bằng mây mỏng tang, chờn vờn trong gió sớm. Những áng mây lúc nhập vào, lúc tách ra, màu sắc biến đổi kỳ ảo từ trắng nõn, sang hồng nhạt, lại vàng mơ lẫn pha sắc tím phớt nhẹ. Sóng biển dập dềnh xô từng lớp vào bờ cát dưới chân đảo, tung bọt trắng tan dần trong cát mịn.
Tôn đứng trên mô đất dưới tán dừa của đảo Khỉ say sưa ngắm cảnh bình minh.Ba năm làm Viện trưởng anh chỉ ra đảo có vài lần nhưng đều xấp ngửa vội vàng. Các số liệu về sự tăng trưởng của bày khỉ và những nhận xét về tâm sinh lý của chúng đã được Thân đều đặn viết báo cáo gửi về hàng tháng. Anh ra đảo khỉ chỉ để kiểm tra theo định kỳ, giải quyết một vài việc sự vụ linh tinh khác. Mỗi lần gặp Thân trao đổi  công việc chuyên môn, tuy vội vàng, nhưng Tôn rất khâm phục lòng yêu nghề, tác phong nghiên cứu tỉ mỉ và thận trọng của nàng. Anh không ngờ một cô gái mảnh mai , yếu đuối như Thân đã chỉ huy công nhân biến đảo Khỉ thành một rừng cây đầy hoa trái xum xuê. Theo Thân giải thích, việc trồng cây ăn trái chẳng những tạo nên cảnh quan môi trường hấp dẫn bầy khỉ mà còn tăng thêm khẩu phần ăn cho chúng. Nhận được quyết định đi nghiên cứu sinh làm luận án tiến sỹ ở Nga, Tôn đã nghiên cứu rất kỹ từng bản báo cáo định kỳ của Thân. Anh ngỡ ngàng trước những phát hiện độc đáo của nàng về giác quan thứ sáu của loài khỉ. Nhiều ví dụ minh họa, kèm theo lời nhận xét của Thân và những dự kiến nghiên cứu tiếp theo của nàng. Tôn rất khâm phục tuy còn đôi chút phân vân, nghi ngờ. Bản chất của khoa học là một vòng quay tuần hoàn: Giả thuyết, phán đoán rồi nghi ngờ, chứng minh, tiếp đó lại giả thuyết, phán đoán, nghi ngờ, chứng minh. Qúa trình ấy tuần hoàn lặp đi lặp lại và sau mỗi vòng tuần hoàn, tri thức khoa học của con người lại nâng lên một bậc. Tôn nghĩ vậy và bàn với Phương Trang để anh ra đảo khỉ cùng Thân nghiên cứu một tuần, giải toả những nghi ngờ, thắc mắc của anh về giác quan thứ sáu của loài khỉ. Phương Trang lúc đó vừa sinh đứa thứ hai, nàng sốt sắng động viên chồng ra đảo, mọi việc ở nhà đã có người giúp việc và bà ngoại lũ trẻ giúp đỡ. Thời hạn đi nghiên cứu sinh còn sáu tháng để Tôn chuẩn bị tài liệu và bàn giao công tác với Viện phó. Anh hăm hở ra đảo, mang theo nhiều quà của phụ nữ mà Phương Trang gói cẩn thận gửi cho Thân. Hai người tuy cách nhau sáu tuổi nhưng rất tâm đắc, hiểu từng sở thích rất nhỏ, rất phụ nữ của nhau. Ngày Tôn cưới Phương Trang, chính Thân làm phù dâu, giúp Phương Trang tô điểm cho gương mặt hơi thô bỗng trở nên khêu gợi, kiều diễm.
Tuần nghiên cứu trên đảo Khỉ mới bước sang ngày thứ ba, nhưng Thân đã đưa Tôn qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Xã hội loài khỉ có nhiều điều lý thú. Lâu nay Tôn chỉ mới hiểu biết làng màng qua sách tham khảo và báo cáo của các cơ sở nuôi khỉ. Đêm qua, lúc gần sáng Thân đến tìm Tôn. Mắt nàng mọng nước, giọng nàng run run xúc động:
- Anh Tôn! Anh có nghe thấy gì không?
- Mải xem tài liệu, anh ngủ thiếp đi không biết trời đất gì nữa. Có chuyện gì thế, hở Thân?
- Gia đình khỉ đực số 125H  có một con khỉ cái chết.
- Sao em biết?
- Chúng đang tụ tập than khóc thê thảm lắm, anh đi với em khắc biết.
Tôn cầm đèn pin, theo Thân bước ra ngoài sân. Trời tối đen như mực. Phía lưng chừng núi xuất hiện một đống lửa, từ đó vọng lại tiếng  khóc than, rên rỉ.
- Giống khỉ rất sợ lửa, làm sao chúng đốt được đống lửa to như vậy? Chúng lấy lửa ở đâu? - Tôn ngạc nhiên hỏi.
- Con khỉ đực số 125H rất táo bạo và yêu vợ. Hiện tượng khỉ đốt lửa chưa từng xảy ra từ ngày em ra đảo. Có lẽ nó lấy lửa trong nhà bếp vẫn thường ủ than cho ngày hôm sau. Tình yêu giúp khỉ đực 125H quên hết mọi sợ hãi, nguy hiểm.
- Thật kỳ kạ! Anh chưa từng nghe khỉ đốt lửa bao giờ.
- Con khỉ đực 125H rất khôn, y như người vậy
Khi Tôn bám theo Thân leo lên con đường dốc, tiến đến gần đống lửa, một cảnh đưa ma rất độc đáo của xã hôi loài khỉ diễn ra trước mắt làm anh bàng hoàng xúc động. Cách đống lửa chừng mười mét, cả gia đình nhà khỉ đực 125H ngồi vây quanh xác con khỉ cái  rên rỉ, khóc than nghe thống thiết, nghẹn ngào đầy vẻ tang tóc. Các gia đình khỉ khác ngồi thành vòng tròn cách xa gia đình khỉ đực 125H như tỏ ý chia buồn, im lặng đưa tiễn linh hồn khỉ về nơi cực lạc. Chúng ngồi như vậy khoảng một giờ, sau đó khỉ đực vác xác khỉ vợ lầm lũi đi về hang đá trên đỉnh núi. Từng tốp khỉ lặng lẽ đi sau như đám ma diễu hành trên sườn núi trong đêm vắng lạnh, giữa rừng cây xao xác lá khô bay. Đặt xác khỉ vợ vào hang đá trở về, đi được một quãng khỉ đực 125H còn quay lại gào lên những tiếng não nùng...
Thân nghe tiếng gào ấy xúc động, gục đầu vào vai Tôn thổn thức. Anh vuốt nhẹ lên mái tóc Thân an ủi:
- Thôi nào Thân. Em xúc động quá sẽ không có lợi cho sức khỏe. Ta về đi em.
- Thương chúng quá, anh Tôn ạ! Em ra đảo suốt ba năm, chứng kiến nhiều đám ma khỉ, nhưng chưa lần nào xúc động và kỳ lạ như lần này.
- Chúng vẫn thường làm như vậy khi có một con khỉ chết à?
- Vâng. Dù chết ban ngày chúng cũng đưa ma về ban đêm. Mọi đám khác không có đốt lửa vì khỉ rất sợ lửa. Duy có đám này khỉ đực 125H nghĩ ra trò đốt lửa, chứng tỏ nó rất yêu vợ, bất chấp mọi nguy hiểm.
- Em nói qua về gia đình khỉ đực 125H cho anh nghe nào. Có thể em sẽ vơi bớt cơn xúc động và anh sẽ có thêm ví dụ sinh động cho công trình nghiên cứu.
- Loài khỉ, con đực nào cũng có mươi mười lăm con cái làm vợ. Chúng tách thành một gia đình nhỏ trên đảo cùng ăn uống, sinh hoạt chung với nhau. Hễ có con khỉ đực nào đến lân la tán tỉnh đám khỉ vợ của mình là khỉ đực lồng lên giận dữ, đánh nhau kịch liệt, có khi đến chết. Con khỉ đực 125H có chín khỉ vợ, nhưng con khỉ cái hôm nay chết được nó yêu nhất, luôn luôn cặp kè bên nhau. Trên đảo có một con khỉ đực to lớn và hung dữ, dâm bạo. Nó tự cho mình là khỉ chúa trên đảo. Con khỉ này không kết bạn và lập gia đình riêng với bất kỳ khỉ cái nào. Hàng ngày, đến giờ ông già công nhân của đảo đánh kẻng chia cơm cho khỉ là lúc nó hú lên những tiếng man rợ. Từ trên đỉnh núi, nó rẽ cây chạy ào ào xuống như trận cuồng phong dữ dội. Tất cả các gia đình nhà khỉ đều lấm lét nhìn nó, lẩn tránh ắnh mắt dâm bạo, độc ác. Ăn uống no nê, con khỉ chúa chạy lồng quanh bãi tìm kiếm, gặp con khỉ cái nào ưng ý là nó chồm tới vồ bắt rồi vác lên vai chạy vào rừng. Các con khỉ đực đều sợ oai và sức mạnh của khỉ chúa, không dám chống cự. Duy có con khỉ đực 125H nhiều lần vì bảo vệ con khỉ vợ vừa chết hôm nay, đã xông vào đánh nhau kịch liệt, tận đến khi các công nhân trên đảo hò nhau đến bắn súng chỉ thiên, giải cứu nó.
- Sao em không tách con khỉ độc hung dữ kia khỏi đàn, nhốt nó vào cũi?
- Em đã thử rồi, nhưng không có kết quả?
- Lý do vì sao vậy?
- Xã hội loài khỉ cũng giống như xã hội loài người, luôn tồn tại thiện và ác, chúa tể và thần dân. Năm ngoái em đã bí mật tổ chức anh em công nhân bắt con khỉ chúa nhốt vào cũi, đem sang đảo khác nuôi. Sau một thời gian trên đảo lại xuất hiện khỉ chúa khác cũng tàn bạo và dâm loạn như con khỉ trước. Chính nó đã vật lộn với khỉ 125H và giằng co con khỉ cái làm cả hai vợ chồng bị thương nặng. Con khỉ vợ bị động thai, ốm lử khử hàng tháng. Em đã phải tốn rất nhiều công sức chữa trị, dưỡng thai cho nó nên mới qua khỏi. Tội nghiệp nó, vừa sinh khỉ con được ít ngày lại bị cảm, đột ngột chết hôm nay.
- Hơn hai ngày trên đảo, sống bên em anh học thêm được bao điều về đời sống loài khỉ và hiểu em thêm - Tôn bồi hồi nắm chặt tay Thân xúc động nói.
- Mai em còn phải vào rừng tìm đứa con của khỉ mẹ vừa chết đưa về “trại khỉ mồ côi”.
- Lại còn chuyện lạ ấy nữa hả Thân?
- Đúng vậy. Em đang nghiên cứu về vấn đề này, chưa kịp báo cáo với anh và lãnh đạo Viện. Suốt một thời gian dài, em thống kê số khỉ mẹ chết thấy rất trùng hợp với số khỉ con bị chết sau đó vài tuần lễ. Đi sâu tìm hiểu từng gia đình khỉ, em phát hiện ra một sự thật đau lòng về mối quan hệ “dì ghẻ con chồng”. Mỗi khỉ đực như em đã nói, có đến cả chục cô khỉ vợ. Chúng ngấm ngầm ghen tức lẫn nhau, nhưng đều sợ chồng không dám ra mặt đánh ghen. Một khi có khỉ cái chết, các con khỉ vợ khác trong đàn đều dồn nỗi ghen tức lên đầu khỉ con. Chúng hắt hủi, giành giật thức ăn của khỉ con để ăn hoặc cho con mình. Khỉ đực vốn ham chơi nên không  chú ý đến đứa con cô đơn, bất hạnh. Vì vậy khỉ con sau một thời gian sẽ chết đói, không ngoại trừ cả nỗi cô đơn, nhớ mẹ. Em đã lập một  khu chuồng chuyên nuôi khỉ mồ côi với chế độ chăm sóc đặc biệt. Đợi khi chúng thật sự trưởng thành mới thả ra sống tự do trên đảo...
16/8/2006
Vũ Ngọc Tiến
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...