Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Hương xưa

Hương xưa

Tôi lại trở về đây. Tóc vẫn bay dài trong gió, tà áo vướng vít ôm tròn mỗi bước chân đi và lòng rưng rưng biết bao hoài niệm.

Tôi cúi đầu thật thấp nhìn mũi giày, chợt nhớ lại ngày xưa…
Con bé rụt rè đứng nép ngoài cửa văn phòng. Tiếng bố nói chuyện bên trong với bà Hiệu trưởng:
- Vâng thưa bà, chúng tôi là quân nhân nay đây mai đó, thành thử việc học hành của con em có khi cũng gặp nhiều trở ngại…
Có tiếng trả lời, giọng Huế nghiêm nghị mà vẫn ngọt ngào. Con bé lơ đãng nghe tiếng được tiếng mất, đôi mắt buồn rầu vẫn bám lấy màn mưa - Mưa chi mà kỳ cục, mà dai dẳng kéo dài từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối… Mưa ào ào, mưa nghiêng ngả. Nhớ sao là nhớ những cơn mưa Nha Trang vội vã thoáng đến rồi đi như đứa nhỏ khóc vòi, được mẹ bồng là đã nhoẻn miệng cười lý lắc. Nhớ sao là nhớ bãi biển cát nóng lún từng bước chân đi, làn nước xanh mặn chát trôi nổi từng đám rong vật vờ. Nhớ sao là nhớ ngôi trường im ả còn in đậm màu phượng đỏ báo hiệu mùa hè.
Vậy là xa rồi sao? Xa cô Đài với nụ cười âu yếm? Xa thầy Ngưng, thầy Tánh. Thầy Tánh nghiêm nghị học trò đứa nào cũng sợ, nhưng phê trong học bạ những tiếng nghe ngọt lịm cả người: “Học và hạnh đều đáng khen”. Ôi là thầy Tánh. Biết vậy mình đã thương thầy nhiều hơn. Còn thầy Ngưng dạy Sử Địa thì tụi nó gọi là “Lão Địa xì tốp”. Xì tốp là ngừng mà lại! Thầy gọi “Các cô các cậu” cái giọng êm như ru, không có đứa nào ghét thầy cho nổi. Còn thầy Vỹ, thầy Vỹ dạy vẽ. Một hôm thầy khoa tay trên bảng họa cành tre đẹp khủng khiếp. Có đứa dại dột xuýt xoa: “Đẹp quá!” Bất ngờ thầy quay lại nghiêm giọng hỏi: “Người nào vừa nói?” Nhỏ Thủy đứng dậy cười cười: “Thưa thầy con!” - “Học trò bình phẩm giáo sư là vô lễ. Chị ngồi xuống, zéro!” Cha mẹ ôi! Ngờ đâu thầy ác liệt đến thế. Từ đó nhỏ Thủy tặng thầy biệt danh là “Lão Đuôi”. Vỹ là cái đuôi, như “nhất thủ nhì vỹ” ấy mà.
Bỗng từ văn phòng bố bước ra. Thấy liền đứa con gái nhỏ đứng co ro bên cánh cửa, tà áo dài trắng ngả màu vàng. Con bé nom thật quê kệch mà thật lạ lùng. Khoé miệng như đang mỉm nụ cười bâng khuâng, đôi mắt ướt mờ nhìn sững màn mưa. Bố hắng giọng, con nhỏ giật nảy mình theo bố bước ra xe Jeep.
Thế là con bé chính thức nhập tịch dân Bùi Thị Xuân. Bùi Thị Xuân tục gọi Bùi thị Xuẩn hay Bùi Thị Trợ 1. hay Bùi Thị Hiếu 2. - gớm cái trường sao mà lắm biệt danh đến thế. Ngày đầu tiên từ xe GMC chở học sinh bước xuống, con bé đã thấy là trường đẹp, những tà áo trắng lung linh nổi rõ trên nền đỏ sậm của đất màu và của tường vôi. Những chiếc áo len đen ôm kín thân hình mập mạp, những gò má đỏ hồng. Trường đẹp và người cũng đẹp. Nhưng trường lạnh và người cũng lạnh.
Vào lớp, đón mừng con bé chỉ là những cặp mắt xa lạ dửng dưng, không những thế còn có những cái cau mày ác ý. Cô điểm danh:
- Lê Thị Thái Bình.
- Dạ có!
“À!”. Nghe có tiếng à nho nhỏ thoát ra. “Con nhỏ đen thùi, coi cái bản mặt thấy ghét”. Thái Bình mở to đôi mắt nhưng cố thu nhỏ thân mình. Cố không nghe, không thấy và không biết chi cả.
Bây giờ cô bầu trưởng lớp. Lớp có hai chị lớn coi gồ ghề hơn cả, một chị tên Bình một chị tên Phương cả hai đều họ Nguyễn. Chị Bình coi sắc sảo, ăn nói đanh thép khôn ngoan vậy mà tụi nó lại bầu chị Phương. Chị Phương coi cái tướng hiền như cục đất. Chị nhìn cả lớp cười mỉm; nhỏ Thái Bình cũng quay lại cười ké với chị một cái. Thấy chị là đã thương liền, nhưng cũng phải mấy hôm sau mới mon men làm quen được với chị. Rồi dần dà, nhiều đứa cũng “mở rộng cửa lòng” đón tiếp nhỏ Thái Bình. Nói thế có nghĩa là tụi nó đã bằng lòng cho con nhỏ chơi chung những trò u mọi, ô ăn quan, đá năm hòn v.v… Đã thấy con nhỏ cất tiếng cười ròn rã trong những buổi ra chơi.
Một hôm nhỏ Bích hà rủ rê:
- Ê, Bình nè, ngày mai học hai buổi mày xin phép ở lại đi nghe. Tụi tao dẫn mày đi hái hoa súng vui chết luôn.
- Ờ, rồi. Mai mày cũng ở lại nghe?
- Không phải mình tao. Những bốn đứa cơ!
Bữa sau nhỏ Bình đi học cặp kè theo khúc bánh mì bự. Chỉ mong cho buổi học mau hết. Thùng, thùng, trống đánh nghe sao vui tai quá. Quay lại sau nhỏ Bích hà đang nháy nhó cặp mắt ra hiệu.
Năm đứa phóng ra sau đồi. Nhỏ Lý sải hai tay chạy ào xuống miệng la rú như mọi da đỏ. Tới ngang “cây thông học trò” cả bọn dừng lại. Cây thông này có một đặc điểm là những vị sinh viên Đại học trưa trưa đi về ngang đó, thế nào cũng thấy lủng lẳng những tà áo dài màu trắng đu đưa. Có đứa còn núp sau đám lá thông thò khuôn mặt ra le lưỡi giả làm ma. Ma thì chẳng giống, chỉ giống câu ca dao:
Trông xa em như hoa thiên lý
Trông gần em như… khỉ leo cây.
Dĩ nhiên nhỏ Bình cũng leo vắt vẻo ngồi trên một chạc ba. Miệng nhai bánh mì nhồm nhoàm nghe nhỏ Thanh đề nghị:
- Chừng ăn xong tụi mình nghỉ chút, rồi qua thung lũng hái hoa súng nghe tụi bay.
- Hoa súng là hoa gì mày?
- Là hoa đụng vào nó nổ cái đùng.
Nhỏ Kim Diệp tỉnh bơ trả lời. Ai chẳng biết là nó nói láo, vậy mà Thái Bình cũng ngẩn ngơ ngẫm nghĩ. Ờ, biết thừa rằng nó không nổ rồi đấy, mà sao gọi là súng kia chứ? Súng không nổ thì là súng gì?
Năm ổ bánh mì hết veo, miệng đứa nào cũng còn nhóp nhép thèm thuồng. Người nào nói cái gì mà “Nữ thực như miêu” thì quả là nói xạo -- những câu chuyện như pháo ran đã tắc tị từ lâu, đứa nào đứa nấy bắt đầu lim dim thiu thỉu. Gió mát, lá thông rì rào, rì rào…
“Đụi! Ối cha ôi…“ Cả bọn giật nảy mình dòm dáo dác. Thôi rồi. Nhỏ Bích Hà đang ngồi dưới đất nhăn nhó. “Ui cha đau quá tụi bay ơi!”
- Trời đất! Bà còm bị té. Mày coi lại xem có cái xương nào nó văng ra đâu hông.
- Nghỉ mày ra. Người ta đau bắt chết còn dỡn hả?
- Thôi, không sao thì đứng dậy, tụi tao đi hái hoa nè.
- Đau bắt chết mà còn không sao hả?
Vừa đi theo lũ bạn, Bích Hà vừa nhăn nhó càu nhàu. Thái Bình cười thầm trong bụng. Nhỏ Hà một cây cau có, vậy chứ cũng tốt bụng và nghịch ra gì.
Qua con đường là sang đồi bên kia. Dưới chân đồi có vũng lầy kéo dài vòng vèo xa tít, sậy mọc cao lúp xúp. Có chỗ thưa sậy, loáng thoáng nước trong veo. Trên mặt nước rải rác vài bông hoa nhỏ trắng ngần.
Hoa xinh chi lạ. Những cánh thuôn thuôn nhọn trắng trong ôm ấp lấy đám nhụy vàng tua tủa… Nó cứ lửng la lửng lơ giữa hồ như thách thức lũ học trò đang có ý định “hái hoa”.
- Làm sao hái được bây giờ?
Chưa gì nhỏ Bình đã thối chí. Kim Diệp vội vàng an ủi:
- Tụi tao vẫn hái mà mày. Mày đứng đó coi tụi tao nè.
Nó xắn quần lên quá đầu gối, buộc hai tà áo qua một bên rồi rón rén nhón từng bước chân. Đất mềm lún xuống… lún xuống… coi nghẹt thở như phim xi nê có anh chàng cao bồi bị lọt xuống bãi sa lầy. Một tay vịn vào bờ cỏ, tay kia nó cố với… cố với… Rồi! Hơi thở nhẹ phào ra khỏi lồng ngực nhỏ Bình khi thấy bàn tay Diệp nắm trọn bông hoa có cọng dài láng mướt.
- Cho tao nghe mày?
- Dỡn hoài! Đứa nào thích thì phải hái lấy chứ bộ.
Nhỏ Bình nhìn mặt hồn ngao ngán. Có mấy bông gần nhất thì lũ bạn quý tranh nhau “vớt” hết rồi. Còn có hai ba cái xa quá là xa. Bích Hà hối thúc:
- Lẹ mày, coi chừng trễ giờ.
“Đi không chẳng lẽ lại về không?” Nhỏ Bình cũng gắng gượng bắt chước bạn vén quần cột áo. Rồi, một tay nắm bàn tay Hà, một tay túm lấy đám sậy, nhỏ dò dẫm từng bước. Chưa được, còn xa. Gắng thêm tí nữa. Còn tí nữa thôi. Nước không là nước, làm sao bây giờ ha? Mà coi kìa sao có đám đất nâu nâu tròn tròn nổi lên chính giữa vậy kìa, ngon quá ta. Thế là nhỏ Bình hăng hái đặt trọn bàn chân. Ùm! Nhỏ nhào luôn về phía trước, nhỏ Hà mất thăng bằng buông vội tay bạn.
Thế là xong! Thế là toi đời chiếc áo dài trắng. Chả hoa thì đừng hoa chứ! Thái Bình lóp ngóp trèo lên, giận dỗi. Chao ôi là cái thứ nước phèn quái ác, cứ tưởng đất ai ngờ là cặn nâu lắng xuống đáy hồ. Bây giờ chất rỉ sét bám đầy áo đầy quần. Làm sao đây? Làm sao đây tụi bay?
Nhỏ mếu máo. Lũ bạn cuống quýt vây quanh. Mày rán xuống gột áo quần đi chứ biết sao giờ. Lại một phen hạ thủy. Vò muốn rách áo mà vết nâu đỏ vẫn trơ trơ. Sao giờ?
Xa xa vang lại tiếng trống “thùng, thùng…“ giục giã.
- Chết cha mày ơi, còn có 15 phút hà.
- Thôi mặc kệ tao, tụi mày đi đi, tao không có vào lớp đâu.
- Đâu được mày. Rồi bà Tổng biết mày trốn học, bà hỏi tới là chết cha cả bọn còn gì?
Nhỏ Lý, nhỏ Thanh, nhỏ Diệp, nhỏ Hà dậm chân than thở.
- Bữa nay xui quá. Con Hà té kế rồi con Bình bị ma gia kéo cẳng…
- Thôi mày, nói gì nghe ớn quá à.
Quanh quẩn một hồi, túng thế cả bọn kéo nhau đi. Tới trường nhìn quanh vắng ngắt. Thôi xong, chúng nó đã vào học cả rồi. Nhỏ Bích Hà lại một phen tính kế:
- Giờ mình vào cổng chính không được à, thế nào tụi trực cũng đóng cửa rồi. Mình chui rào đại đi.
- Ờ, phải đó.
Năm đứa lúi húi vạch rào chui qua. Đứa cuối cùng vừa an toàn thẳng lưng đứng dậy thì đã nghe nhỏ Diệp rên rỉ:
- Chết rồi tụi bay ơi!
Nó sững sờ nhìn về phía cửa văn phòng. Ở đó, bà Tổng Giám thị đang oai nghiêm chỉ tay về phía lũ tội nhân nói gì với bác cai trường. Bác cai lững thững xách xâu chìa khóa đi tới.
- Bác Khôi đến rồi kìa, có chạy đàng trời.
Dĩ nhiên. Bà Tổng đã thấy thì có mà chạy đằng trời. Trong văn phòng, cả bọn đứng ép sát vào nhau, run như cầy sấy. Bà Tổng dõng dạc lên tiếng:
- Mấy cái cô này, cô Đào Kim Diệp, cô Lê thị Thái Bình, cô Nguyễn thị Bích Hà, cô…
Bà chỉ tay về từng đứa kể tên vanh vách. Từng tội nhân chợt lạnh cả lòng như nghe tuyên bản án tử hình:
- Con gái con đứa gì mà quá quắt. Đi học muộn, lại còn chui rào. Các cô tính làm cái trò trống gì đây? Ủa, Thái Bình, ra đây xem nào!
Con nhỏ tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, rụt rè bước tới một bước.
- Làm gì mà ướt như chuột lột thế này? (mèo đã hoá ra chuột!)
- Thưa cô, em… em bị té xuống hồ nước!
- Làm gì mà té?
- Dạ…
- Đi hái hoa phải không?
- Dạ!
- Ngã xuống đó nếu không có ai cứu thì sao?
- Dạ… dạ thưa cô… em xin chừa…
Một giọt nước mắt trong veo rớt xuống. Rồi nghe có tiếng sụt sịt… sụt sịt… cả lũ đều nước mắt ngắn nước mắt dài.
- Còn khóc nữa hả? Oan ức chuyện gì mà khóc?
Ức! Ức! Hự! Những tiếng khóc cố nén lại vang lên nghe kỳ cục.
- Thôi, đi về lớp. Bữa sau là tôi cho cấm túc nghe chưa?
- Dạ.
Tiếng “Dạ” nghe ngoan hơn bao giờ cả. Năm đứa cúi chào bà Tổng rồi kéo nhau rút lui có trật tự. Vô tình (mà cố ý) nhỏ Thái Bình ngước nhìn bà Tổng, thấy khuôn mặt bà vẫn nghiêm nhưng đuôi mắt dài ra, nheo lại như giấu một nụ cười…
Bây giờ cũng lại ngôi trường cũ, mái ngói nâu và vách tường vôi đỏ. Văn phòng đã được xây lại đẹp hơn. Bà Tổng vẫn còn đó, vẫn nghiêm trang đĩnh đạc và vẫn thuộc tên từng đứa học trò. Vẫn những tà áo trắng quấn quýt tung bay trong mỗi bước chân reo vui nhảy nhót. Tôi lại trở về đây, nhưng không còn ngồi ở dẫy ghế học trò.
Tôi bước chân vào lớp học. Kỷ niệm như còn làm mờ mắt, rưng rưng. Nghiêm nhìn các em nhỏ đứng im chào đón, mắt mở to bỡ ngỡ hiếu kỳ… tôi nhẹ nhàng cất tiếng:
- Các em ngồi xuống. Hôm nay, chúng ta bắt đầu một niên học…
Chú thích:

1.

Bùi Thị Trợ: tiệm bán gạo và tạp hóa.

2.

Bùi Thị Hiếu: tiệm cầm đồ bình dân ở thành phố Đà Lạt.


1/11/1974
Lê Thị Thái Bình
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...