Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Nhìn ánh sao khuya 1

Nhìn ánh sao khuya 1

 I. Con cu đất đậu chót vót trên ngọn sầu đông, gáy từng tiếng buồn tênh, rời rã.
Ngày cuối năm, trời trở lạnh... Cái rét miền Nam không nghiệt ngã, tái tê, khiến các cụ già phải trùm khăn xuýt xoa, mà chỉ hiu hiu vừa má em hồng.
Từng cơn gió vi vu chạy dài trên vòm cây. Rặng dầu cao bóng sân đình xao xác lá. Mặt đất rung rinh đóm nắng. Hàng tre lả ngọn, lá khô chập choạng chao mình. Nước ao bèo gợn sóng lăn tăn.
Gió chướng thổi hơi ẩm từ đất liền ra biển khiến mọi vật khô cằn. Nền trời không gợn làn mây. Con diều hâu ức trắng lông màu gạch đỏ, bay tít trên không đảo mắt tìm lũ gà con đang chiêm chiếp chui vào cánh mẹ, chốc chốc có tiếng kêu "nghé ngọ" buồn tênh như trâu nghé lạc bầy.
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mau mau tới tết dựng nêu ăn chè.
Tiếng con bé hàng xóm kẽo kẹt võng hát ru em khiến Trâm chợt bùi ngùi. Bất giác nàng chép miệng:
- Tết!
Ngày xưa, mỗi lần ngọn gió đầu đông từ phương Bắc mang về cái rét hiu hiu, đánh dấu thời điểm giao mùa, là lòng Trâm nao nao, mong chóng đến Tết để được nghỉ học về quê cùng chúng bạn vui đùa thoải mái, từ giã chuỗi ngày nội trú ép mình trong kỷ luật khắt khe của nhà trường. Nay, thì cũng Tết, nhưng tâm tư không còn cảm giác lâng lâng, ngây ngất như thủa trước mà miên man vời vợi ưu tư. Thời ngây thơ niên thiếu còn đâu, tuổi hoa niên giờ đã qua rồi.
Trước mắt nàng, đoạn đường trần dẫn đến tương lai còn biết bao là nhiêu khê thử thách.
Không bao lâu nữa, nàng sẽ phải trở lại Vĩnh Châu để vâng lệnh phụ thân thành hôn cùng người đàn ông xa lạ, xấp xỉ tuổi cha mình, thiếu tình yêu nhưng thừa tiền của. Cuộc hôn nhân gượng ép vô duyên này đã khiến nàng nghẹt thở.
Như con chim bị nhốt trong lồng muốn vỗ cánh tung bay trên bầu trời xanh thẳm, nhưng khó thoát khỏi những chấn song tuy mỹ miều nhưng vô cùng kiên cố, nên đành phải thu mình trong góc hẹp, mơ thèm vũ trụ bao la.
Ngồi tựa lưng vào gốc rơm dưới bóng mát cây điều đỏ sau vườn, Trâm mơ màng nhìn ra cánh đồng lúa vừa mới gặt, bao la tiếp giáp chân trời. Dăm cánh cò uể oải buông lơi, lờ lững nổi trôi, bồng bềnh, như tờ giấy trắng vừa bị ai xé vụn.
Trâm từ từ nhắm mắt, nuốt ưu tư vào tận đáy lòng.
Thoáng trong hơi gió, có tiếng cười nói vui nhộn của đám đông vẳng lên từ hướng chùa Miên. Nàng ngạc nhiên, lẩm bẩm:
- Có người đang họp bạn?
Tiếp theo là tiếng trẻ con đồng ca hòa cùng tiếng vỗ tay đánh nhịp:
Rồng rắn đi chơi
Vừa hát vừa cười
Đến thăm thầy thuốc
Đem chân mà bước
Thong thả mà đi
Tay chống chân quỳ
Hỏi cho thật lớn:
- Thầy thuốc có nhà không?
Thầy thuốc hỏi:
- Rồng rắn đi đâu?
Rồng rắn đáp:
- Rồng rắn đi lấy thuốc cho con
- Con lên mấy?
- Con lên một
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên hai
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên ba
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên bốn
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên năm
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên sáu
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên bảy
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên tám
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên chín
- Thuốc chẳng ngon
- Con lên mười
- Thuốc ngon vậy!
Thầy thuốc hỏi:
- Xin khúc đầu
Rồng rắn đáp:
- Những xương cùng xẩu
- Xin khúc giữa
- Những máu cùng me
- Xin khúc đuôi
- Tha hồ mà đuổi.
Thế là đám trẻ đuổi nhau reo hò rộn rã.
Trâm phì cười:
- Ông thầy thuốc rắc rối. Sao phải chờ đến lên mười? Đã vậy còn kỳ kèo cho được khúc giữa.
Tiếng nói cười mỗi lúc một nhộn hơn. Trâm hiếu kỳ muốn xem cho biết, bèn đứng lên lần ra cổng đi về hướng chùa Miên xuất xứ cuộc vui.
Càng đến gần, tiếng cười nói càng ồn ào, chừng như đủ cả nam nữ, người lớn trẻ con.
Một hàng dâu tươi rậm lá ngăn cách sân chùa và con đường mòn khúc khuỷu sau rặng tre gai, che kín mọi sinh hoạt bên kia. Trâm cố vạch lá nhìn sang nhưng chẳng thấy gì, chỉ nghe tiếng đồng ca và vỗ tay đánh nhịp:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè nói ngược
Ngựa chạy dưới nước
Tàu chạy trên bờ
Trên núi đặt lờ
Dưới sông làm củi
Gà cồ hay ủi
Heo nái hay bươi
Nước kém ba mươi
Mồng mười nước đẫy
Ghe nổi thì đẩy
Ghe cạn thì chèo
Mấy kẻ nhà nghèo
Cho vay bạc nợ
Mấy chú nhà giàu
Ăn trước thiếu sau
Đòn sóc bửa cau
Dao bầu gánh lúa
May quần bằng búa
Bửa củi bằng kim
Giã gạo bằng nồi
Nấu cơm bằng cối.
Nhìn quanh, thấy cây đa ở cuối sân chùa có một nhánh sà ngang, thấp và rậm lá, có thể làm chỗ núp quan sát mà không sợ ai bắt gặp, Trâm bèn nảy ý tinh nghịch muốn trèo lên xem thử. Từ bé nàng chưa hề biết leo cây nên vô cùng hồi hộp.
Lần đầu tiên có hơi vất vả, nhưng rồi cũng tới đích.
Ngồi thu mình trên lùm lá, Trâm chăm chú quan sát. Thì ra là một nhóm bạn trẻ, ba nam hai nữ và sáu em bé quê đầu để chỏm. Qua lối phục sức, nàng đoán chừng họ là học sinh tỉnh thành, về quê ăn Tết.
Một cô nhí nhảnh xinh xinh vừa vỗ tay vừa hát:
- Con chim chích chòe
Nó đậu cành chanh
Tôi ném hòn sành
Nó quay lông lốc
Tôi làm một chốc
Được ba mâm đầy
Ông thầy ăn một
Bà cốt ăn hai
Cái thủ cái tai
Tôi đem biếu chúa
Chúa hỏi chim gì?
- Con chim chích chòe.
Một chàng vỗ tay cười to:
- Vô lý, Không thể nào!
Cô gái tròn mắt:
- Tại sao vô lý? Phải giải thích cho xuôi, bằng không sẽ bị phạt
- Ô hay, tôi phạm tội gì mà bị phạt?
- Nói làm người ta cụt hứng hà!
Chàng thanh niên cười hì hì:
- Không phải à? Con chích chòe chỉ bé bằng cổ tay, xào cả lông chưa đầy một dĩa, thế mà nấu những ba mâm đầy? Đã vậy còn khoe "làm chốc đã xong" rồi mời cả ông thầy bà cốt đến... đớp! Cuội cũng chưa nói dối bằng.
- Đừng vội lên lớp. Đàn ông con trai làm gì biết được tài nghệ chế biến thức ăn của phụ nữ chúng em?
- Còn thêm điểm vô lý nữa là chim gì có tai có thủ mà dám bảo "cái thủ cái tai, đem về biếu chúa..." Họa chăng là "chim lợn"! Thiệt tình, con gái xạo hết chỗ chê.
Cô gái hứ nghe cái cốc và nguýt xéo:
- Lãng nhách hà. Chỉ nghe người ta hát rồi thuộc lòng lại chớ bộ em là tác giả sao mà bắt bẻ dữ dậy? Có giỏi thì đọc bài khác, nếu thắng được, chúng em sẽ chào thua.
- Đồng ý, tôi cũng có một bài tương tự, cũng thì chim, nhưng... không phải "chim lợn".
- Vậy thì đọc đi. Nếu thua chớ trách.
- Được rồi, lẳng lặng mà nghe.
Con chim manh manh
Nó đậu cây chanh
Bà vác miểng sành
Bà chọi chết dãy
Làm bảy mâm cơm
Đem lên dâng ông
Ông hỏi: Chim gì?
- Là chim manh manh.
Đám con gái gào lên:
- Không được, không được. Bài này còn tệ hơn nhiều.
- Yêu cầu giải thích lý do.
- Chim manh manh chỉ bằng con sẻ, đâu phải lớn như gà tây mà nấu những bảy mâm cơm? Vô lý! Phải phạt...
- Phạt?
- Đã hứa rồi mà, định lật lọng sao?
- Phạt gì nào?
- Đánh đòn.
- Đánh đòn?
- Dĩ nhiên!
Hai cô gái bẻ cành cây làm roi. Chàng thanh niên bỏ chạy. Cả bọn đuổi theo reo hò ầm ĩ:
- Bắt lại, bắt lại. Không được ăn gian...
Chàng thanh niên vừa chạy vòng sân vừa kêu lên:
- Lêu lêu mắc cở
Chạy lỡ giồng khoai
Kêu bớ thím hai
Cho vài cục mỡ
Ăn hết mắc cở.
Trâm cảm thấy vui lây, bật cười khúc khích.
Chợt chàng thanh niên dừng lại đưa hai tay lên trời:
- Xin có ý kiến.
Các cô gái nhao nhao:
- Sợ rồi sao?
- Coi chừng anh ấy dở trò.
Chàng thanh niên chống chế:
- Chẳng nhỏ mọn như vậy đâu. Chớ suy bụng ta ra bụng người. Bây giờ tôi có một đề nghị, mấy cô có chịu nghe không?
- Nói thử, Nếu xuôi tai thì sẽ được tha, bằng vô lý phải chịu đòn gia trọng.
- Trời đã trưa, mọi người chắc cũng đói bụng. Vậy tôi ra bốn thai đố, nếu ai đáp đúng sẽ được mời một chầu bánh tầm bì nước cốt dừa quán bà Ba Kỉnh. Chịu không?
- Chịu liền, chịu liền. Nhưng mấy em nhỏ cũng có phần nữa chớ?
- Dĩ nhiên rồi, chẳng lẽ "chị ăn chè để em liếm bát" ?
- Hơn tám mạng đó nghen. Đủ tiền không đó?
- Điều quan trọng là các cô có khả năng giải đáp không đã.
Đám con gái nhao nhao:
- Đừng có lên giọng khinh người. Hãy ra thai thật khó rồi sẽ biết ai tài giỏi.
- Nghe kỹ nghen. Câu đố thứ nhứt:" Năm thằng vác cây sào. Đuổi đàn trâu trắng chạy vào trong hang". Xuất nhân sự.
Một cô đáp nhanh:
- Dễ ợt! Là lấy đũa và cơm vô miệng.
- Đúng!
- Câu đố thứ hai: "Đầu xa con mắt hai gang. Lưng nàng đi trước, bụng nàng đi sau". Xuất thân người.
- Là cái ống chân. Mắt cá ở dưới đầu gối ở trên, cách nhau hai gang tay. Có đúng không?
- Đúng!
- Câu đố thứ ba: "Trên lông mà dưới cũng lông. Tối nằm chồng ráp đủ một đôi". Xuất thân người.
Hai cô gái thẹn đỏ mặt, rú lên:
- Quỉ anh nè... nói bậy quá hà.
Trâm cũng ngượng lây, lẩm bẩm một mình:
- Cái anh chàng này... thiệt là bậy.
Chàng thanh niên chống chế:
- Ơ hay, chỉ tại đầu óc các cô méo mó, tư tưởng lệch lạc nên nghĩ quấy chứ thật ra nghĩa rất thanh. Câu này diễn tả hai mí mắt tối ngủ khép lại nằm chồng lên nhau. Bậy bạ chỗ nào?
- Được cho anh thắng keo này. Còn câu chót, phải đứng đắn, cấm nói nhảm.
- Câu sau cùng rất quan trọng, phải nghe kỹ, đừng có trông gà hóa cuốc rồi đổ vạ người ta.
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
- Nào bắt đầu:
"Hai tay ôm lấy khư khư
"Bụng thì bảo dạ rằng ư đút vào
"Đút vào nó sướng làm sao
"Dập lên dập xuống nó trào nước ra
- Xuất nhân sự!
Hai cô gái đồng loạt rú lên và chạy đến đấm lên lưng thùm thụp:
- Quỉ yêu bắt anh. Bậy bạ quá hà. Hổng thèm chơi với anh nữa.
Trâm ngượng chín người, ngẫm nghĩ:
- Trời... Không ngờ anh chàng này ẩu ghê. Trước mặt con gái mà dám phát ngôn bừa bãi.
Chàng thanh niên vừa tránh đòn vừa chống chế:
- Đừng đánh nữa, hãy nghe tôi giải thích. Chỉ tại tư tưởng các cô lệch lạc nên cho là nhảm chứ thật ra thì nghĩa rất thanh.
- Như vậy còn bảo là thanh. Chờ đến cỡ nào mới gọi là tục hả công tử sàigòn?
- Này nhá: "Dập lên dập xuống nó trào nước ra" không phải là diễn tả động tác hai hàm răng đang cắn mía, nước mật trào tuôn là gì? Còn: "Đút vào nó sướng làm sao" thì đút mía ngọt vô miệng dĩ nhiên là sướng rồi, chẳng lẽ vừa ăn vừa khóc?
Nghe giải thích cù nhầy, Trâm không nhịn được bèn ôm ngực cười ngất, bất ngờ vuột tay rơi phịch xuống đất như trái mít rụng.
Nàng kinh hoảng rú lên:
- Ối! Chết tôi.
Nghe tiêng kêu, mọi người giật mình ngó lại, vô cùng ngạc nhiên thấy một cô gái đang nằm dưới đất. Chàng thanh niên vội vã chạy tới, luồn tay dưới lưng đỡ lên cho tựa vào ngực mình rồi lo lắng hỏi:
- Cô có sao không?
Trâm nhăn nhó đáp:
- Đau quá!
- Đau chỗ nào?
- Chân trái... Chắc bị gãy xương.
Rất tự nhiên, chàng thanh niên nắn dài theo ống chân Trâm và nói:
- Trúng chỗ đau, cô cho biết.
Trâm ngượng ngùng vì chẳng những lần đầu tiên va chạm với nam giới mà còn nằm trong lòng chàng trai xa lạ. Những cảm giác lâng lâng kỳ dịu đang nhẹ nhàng dâng tỏa khắp châu thân, ngấm vào từng tế bào trong cơ thể, khiến nàng choáng váng chẳng còn phân biệt mộng hay thực. Nàng mất hẳn khả năng phản ứng, nên ngoan ngoãn nằm im.
Chợt Trâm rướm người, kêu lên:
- Ối, đau em...
Chàng thanh niên đặt tay lên gối nàng và hỏi:
- Phải chỗ này không?
- Dạ... phải.
Chàng thanh niên định vén cao ống quần để quan sát vết thương thì Trâm hốt hoảng giữ lại.
- Ý... không được...
Giọng nói thành thật và tin tưởng, chàng thanh niên ôn tồn trấn an:
- Cô đừng sợ, tôi không có ý xấu. Cần phải khám nghiệm vết thương tôi mới có thể chữa trị. Dù không phải bác sĩ nhưng... tài ngoại chuẩn của tôi không tệ lắm đâu?
Chàng mỉm cười, nụ cười thật ấm cúng nồng nàn đã khiến Trâm hoàn toàn tin tưởng. Nàng chăm chú nhìn người thanh niên rồi khe khẽ gật đầu.
Ống quần sa tanh được vén cao, lồ lộ bắp chân tròn với làn da ngà ngọc. Bàn tay ấm áp nhiệt tình dịu dàng nắn bóp khớp xương. Trâm rùng mình, một cảm giác rờn rợn tuyệt vời len lén luồn theo từng thớ thịt. Nàng từ từ nhắm mắt...
Chàng thanh niên xuýt xoa:
- Xem này, đầu gối sưng đỏ, có thể cô đã bị sai khớp.
Trâm giật mình quay về thực tế, ngơ ngác hỏi:
- Sao rồi? Có trầm trọng lắm không anh?
Chàng thanh niên đỡ chân Trâm lên cao, co giuỗi vài lần rồi đáp:
- May là không gãy xương hay sái bánh chè. Chỉ bị bong gân nhẹ. Có thể bó thuốc nằm tỉnh dưỡng vài hôm sẽ khỏi. Giờ cô cảm thấy thế nào?
- Đau lắm, không cử động được.
- Bong gân dĩ nhiên là đau rồi. Nhà cô ở đâu?
Trâm trỏ tay về phía trước:
- Sau hàng dậu lớn bên bờ sông.
Đoạn chống tay cố gắng đứng lên:
- Xin phép, tôi phải về. Cám ơn anh đã giúp đỡ.
Chàng thanh niên lo ngại:
- Khớp xương đang sưng đỏ, cử động mạnh rất có hại. Cô không thể liều lĩnh đi một mình, hãy để tôi đưa về.
Tự ái và xấu hổ vì bị bắt quả tang rình nghe lén, nên Trâm thối thoát:
- Không dám phiền anh nhiều. Nhà cũng gần thôi, tôi có thể cố gắng được.
Vừa dợm bước tới, Trâm đã quỵ xuống ôm chân nhăn nhó. Chàng thanh niên vội vã đỡ lên:
- Thấy chưa, tôi đã cảnh cáo rồi mà.
Đoạn quay sang hai cô gái:
- Hai cô đưa các em ra quán bà Ba Kỉnh, ăn món gì cũng được, hôm nay tôi đãi.
Một cô nói mỉa:
- Lan ơi, hôm nay có gọi gan rồng anh ấy cũng vui vẻ móc hầu bao để trả! Mình đi thôi, người ta đuổi khéo đó!
Chàng thanh niên lừ mắt:
- Nói bậy!
Đoạn quay sang Trâm:
- Cô đừng để tâm. Hai cô em gái rất vui tánh và tự nhiên, họ chỉ vui miệng nói suông chứ không có ác ý khác.
Đoạn luồn tay qua lưng đỡ Trâm cho vững:
- Xin lỗi, đành phải dùng hạ sách này, chắc cô không trách? Hãy bám chặt vai tôi, nhấc từng bước, khi nào cảm thấy mệt hoặc đau không thể tiếp tục nữa thì cho biết để tôi dừng lại.
Hai người đi sát bên nhau, Trâm cảm được hơi thở nóng của chàng mơn man trên má.
Chàng thanh niên bắt đầu gợi chuyện:
- Nếu tôi không nhầm thì... cô chẳng phải người địa phương này?
Trâm tò mò hỏi lại:
- Điểm dị biệt nào đã khiến anh có nhận xét vậy?
- Cô hoàn toàn khác hẳn những cô gái ở đây?
Trâm nhoẻn cười:
- Thiệt sao? Xin cho một dẫn dụ.
- Sắc diện và ngôn từ!
- Quê mùa xấu xí lắm phải không anh?
- Trái lại. Vóc dáng kiêu sa, ngôn từ tao nhã, chắc chắn cô phải xuất thân từ một gia đình quí tộc và có trình độ học vấn cao.
- Anh quá khen rồi. Các cô gái Miên lai Bố Thảo, Tài Sum, nổi tiếng trắng và đẹp, coi chừng phê phán thiên vị sẽ làm mất lòng hai cô bạn đó. Còn anh... chắc cũng từ xa đến?
- Không thể nào thoát khỏi ánh mắt tinh tường của cô được.
Đoạn tự giới thiệu:
- Tôi là Long, ở sàigòn, hân hạnh được quen với...?
Trâm chìa tay bắt:
- Trâm.
Lối xã giao rất tây phương của Trâm khiến Long ngạc nhiên nhìn sững rồi thân mật hỏi:
- Trâm cũng từ Sàigòn về quê ăn tết?
- Không, tôi chỉ đến đây thăm bà dì vài hôm thôi. Còn anh?
- Tôi có anh bạn thân học cùng lớp, ở làng này, mời về quê chơi để biết tập tục của đồng bào ta ở nông thôn đồng thời tiếp xúc với người Việt gốc Miên, tìm hiểu tập quán và đời sống thần bí của họ để viết loạt bài về "Bùa Ngải Cao Miên".
Trâm trố mắt:
- Anh làm... Ký giả?
- Tôi chưa có khả năng ấy.
- Nếu lúc nãy tôi không nghe nhầm thì anh là sinh viên trường thuốc?
- Chỉ đùa với bạn cho vui chứ tôi chỉ vừa đậu bằng Thành Chung, cũng có ý ra Hà Nội học thuốc, nhưng nhà không đủ khả năng nên định chuyển sang nghề viết báo. Còn cô?
- Tôi quê Bạc Liêu nhưng từ bé đã vào Couvent nội trú, cuộc sống hầu như cách biệt với thế giới bên ngoài. Ngoài các bà sơ nghiêm khắc, tôi không còn một ai thân để tâm sự và chia sẻ nỗi buồn vui.
- Thật ra Couvent cũng có nhiều ưu điểm.
- Tôi không phủ nhận. Nhưng nếp sống nữ tu không phù hợp với tuổi trẻ, với những tâm hồn thích tự do bay nhảy, yêu bầu trời xanh, yêu vẻ đẹp thiên nhiên và nhất là lãnh vực tâm tư, tình cảm.
Long mỉm cười:
- Chẳng hạn như Trâm?
Trâm nhoẻn miệng rùng vai, không đáp.
Đến vườn cây trái sầm uất, có ngôi nhà gạch nền đúc đồ sộ khang trang khuất sau rặng xoài sai trái, Trâm dừng lại, ngập ngừng:
- Một lần nữa xin cảm ơn lòng tốt cuả anh.
Long thoáng ngạc nhiên:
- Đây là nhà Phủ Tấn?
- Dạ phải, dì ruột của em. Anh cũng quen?
- Tôi chưa được hân hạnh đó. Nhưng ông bà giàu nhứt vùng, ai cũng nghe tiếng.
Trâm hỏi lém:
- Tiếng lành hay dữ?
- Có cô cháu gái dễ thương, thông minh xinh đẹp như Trâm, chắc chắn người làm dì này không thể xấu.
Như vừa có làn gió mát thoảng qua tim, Trâm ngước nhìn Long với đôi mắt cảm tình hơn rồi thân mật đề nghị:
- Hay... nhân tiện mời anh vào chơi để em giới thiệu với bà dì?
- Xin hẹn Khi khác, hãy còn nhiều thì giờ. Chân Trâm đau, cần phải nghỉ ngơi.
Trâm chép miệng:
- Chỉ sợ... không còn dịp.
Long ngạc nhiên:
- Tại sao?
Trâm trỏ chiếc băng đá dưới bóng mát trong sân cạnh hòn non bộ bên hồ sen ngào ngạt hoa thơm:
- Đó là địa điểm lý tưởng để tịnh tâm. Mỗi khi có vấn đề chưa thông suốt, em thường đến đây ngồi suy nghĩ. Nếu muốn biết lý do, mời anh ghé lại, em sẽ giải thích.
Hai người ngồi cạnh nhau trên băng đá. Trâm bắt đầu tâm sự:
- Mới lên ba, em đã mồ côi mẹ. Là con độc nhứt trong gia đình nên rất được cha cưng chiều. Nhưng là đàn ông, lại thuộc thế hệ xưa, tình thương để trong lòng không hề bộc lộ, nên giữa cha con thiếu sự cảm thông và trìu mến. Năm em lên 12 thì ba gởi em vào Couvent nhờ các nỡ tu dạy dỗ, viện cớ gà trống không thể nuôi con nhưng lý do chánh là muốn rảnh tay. Mỗi năm em chỉ về thăm nhà hai lần vào dịp tết và hè, nên nhiều lúc em cảm thấy tuổi xuân đã bị hoang phí một cách oan uổng. Ba em một điền chủ lớn, ruộng vườn thẳng cánh cò bay nên chỉ biêt có tiền tài danh vọng, tình cảm riêng tư chỉ là xa xỉ phẩm.
Đỗ xong bằng Brevet, em có ý định xuất ngoại du học, nhưng ba đã gọi về gả chồng... bắt ưng một gã đàn ông lớn tuổi, góa vợ, nhưng thừa quyền thế. Em cực lực phản đối, nhưng ba cương quyết không nhượng bộ, vì ngoài tính độc đoán, ba đang cần một thế lực mạnh đỡ đầu tranh ghế Hội Đồng Quản Hạt. Ngoài ra, nghe đâu của hồi môn sẽ là mấy trăm mẫu ruộng muối ở Giá Rai. Với sản nghiệp này cộng thêm ruộng đất đang có, ba em sẽ là người giàu có lớn miền Tây, chỉ sau Hội đồng Trạch. Do đó, dù trời có sập xuống, ba em cũng phải thực thi kế hoạch. Lễ hỏi được ấn định vào rằm tháng giêng và đám cưới sẽ cử hành hai tháng sau.
Long tròn mắt:
- Vậy là ép hôn rồi?
- Còn phải hỏi!
- Vậy mà Trâm cũng vâng lời?
- Nếu em là đứa con ngoan dễ bảo thì giờ này đâu có ngồi đây tâm sự với anh.
- Trâm trốn nhà ra đi?
- Chưa hẳn. Cũng may là còn dì Nhung, em ruột của má, tức bà Phủ Tấn, rất thương yêu em và thông cảm hoàn cảnh nên cương quyết ủng hộ em chống lại sự độc đoán của ba. Em vờ chiều ý ba và nói dối mượn cớ xuống Sóc Trăng thăm dì Nhung trước khi lấy chồng, nhưng kỳ thật chủ tâm nhờ dì giúp ý kiến, nói cho cùng là đặt kế hoạch thoát ly.
- Trâm định đi đâu?
- Chưa biết.
Có tiếng chân người đi trên lối sỏi, cả hai cùng nhìn lại. Trâm nói khẽ:
- Dì Nhung của em đó.
Rồi reo lên:
- Hay quá, vừa nhắc thì dì đến. Nếu những điều cháu mơ ước trên đời đều được như vậy thì không còn gì để phiền não.
Người thiếu phụ có vóc dáng sang trọng và phúc hậu, ánh mắt vị tha nhưng nghiêm túc, tiềm ẩn quyền uy rất dễ dàng chinh phục người đối thoại, cười hiền từ:
- Chắc đang nói xấu dì phải không?
Đoạn nhìn Long, thoáng chút ngạc nhiên:
- Cậu đây là...? Dường tôi chưa gặp lần nào?
Trâm nhanh nhẩu giới thiệu:
- Thưa dì, anh Long từ Sàigòn về quê ăn tết... Bạn mới quen của cháu.
Long đứng lên chấp tay chào. Nhung niềm nở:
- Sao cháu không mời khách vô nhà mà lại tiếp ngoài sân?
- Thưa dì, anh ấy ngại...
- Ngại cái gì? Bạn của cháu tức là khách của gia đình, sao còn phân biệt? Thì ra làng mình cũng có con em đi học Sàigòn mà dì không biết, thiệt là tệ! Xin lỗi... vì ít có dịp tiếp xúc với giới trẻ nên tôi chẳng nhớ được cháu ở đâu, xóm trên hay xóm dưới?
- Thưa bà, cháu không phải người địa phương mà từ Sàigòn xuống chơi do lời mời của một anh bạn thân ở làng này.
- Là ai vậy?
- Thưa, anh Điền con ông Tổng Trạch.
Nhung hỏi thêm vài câu xã giao rồi ân cần dặn dò:
- Dì có việc phải qua nhà ông Hội đồng Chánh, hai cháu tự nhiên ngồi lại chuyện trò. Trái cây chín đầy vườn cứ hái xuống ăn với nhau. Cần gì thêm hãy sai bảo người làm, đừng khách sáo mất vui.
Nhung đi ra cổng, bước chân nhẹ nhàng như gió thoảng chiều thu. Long nhìn theo khẽ nói:
- Bà Phủ còn trẻ quá.
Trâm nhanh nhẩu:
- Xem vậy chớ đã 36, lấy chồng hơn 18 năm rồi đó. Trước đây dì là một tài nữ đồng thời cũng là hoa khôi ở Rạch Giá, Rất nhiều người biết tiếng. Biết bao công tử giàu đeo đuổi cũng không được.
Trâm chép miệng:
- Thế mà...
- Tướng người phúc hậu, giọng nói nghiêm trang, ánh mắt sáng rực nhìn thấu tim gan người đối diện. Có thể là một phụ nữ phi thường khiến ai nấy phải kính nể và tin tưởng. Ông Phủ quả thật có mắt tinh đời.
- Anh lầm rồi, chỉ nhờ mai mối thôi.
Long tròn mắt:
- Mai mối? Nghĩa là hai bên chưa hề quen biết trước?
- Phải, vừa xong Trung học thì ông bà ngoại bắt về gả ép cho ông dượng bây giờ. Mặc dù dì khóc lóc phản đối, xin hoãn lại để học thêm, nhưng áo mặc sao qua khỏi đầu, nên sau cùng đành phải chịu thua.
Long cười xòa:
- Chỉ một bước được lên chức bà Phủ, còn kêu ca nỗi gì?
Trâm bĩu môi xào một tiếng:
- Anh cũng mỉa mai? Ưng một lão già hơn mình hai con giáp, có làm hoàng hậu em cũng chẳng ham.
- Ông Phủ hơn dì Nhung 24 tuổi? Là người theo Tây học, sao dì có thể chấp nhận dễ dàng như vậy?
- Anh còn mơ ngủ? Mười tám năm trước con gái làm gì có được tự do luyến ái? Ngay đến bây giờ bản thân em cũng còn đang bị chiếc thòng lọng luân lý của ông Khổng Tử xiết cổ gần nghẹt thở, không thấy sao?
- Thế nên Trâm mới đến đây tìm sự che chở?
- Phải, chỉ có dì mới thông cảm được nỗi khổ của em.
- Đã có kế hoạch nào chưa?
- Dì bảo em đừng nôn nóng. Mọi chuyện để dì lo.
- Nhưng thời gian không đợi chờ!
- Em biết. Nhưng... dì nói vậy, em đành nghe vậy.
Long suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng:
- Tôi chỉ là học sinh trói gà không chặt, nhưng nếu Trâm cần đến tôi sẵn sàng tiếp tay trong khả năng của mình.
Trâm cảm động:
- Cảm ơn anh. Chắc chắn khi ấy em sẽ nhớ.
 II. Trưa đồng quê thật vắng vẻ êm đềm.
Cuối năm trời trở gió. Những cơn gió vi vu thổi hơi ẩm từ đất liên ra biển làm con người cảm thấy khô da. Gió lao xao vườn dừa xanh lá, thì thào cành trúc đong đưa, nhấp nhô mấy vạt lục bình, mặt nước cau mày bì bõm vỗ mạn thuyền câu trên bến vắng.
Vài tiếng gà eo óc gáy xa xa. Nhà ai quết bánh phồng, tiếng chày rớt nặng nề trên cối bột.
Nhung nằm trên võng lim dim mắt, thỉnh thoảng chòi chân đẩy nhẹ chiếc võng lắc lư. Nàng có thói quen thích nghe tiếng kẽo kẹt ở đầu kèo.
Tập truyện Phan Trần đọc dở dang bị rơi xuống đất tự bao giờ, gió vô tình thổi lật từng tranh một.
Con Bèo từ nhà dưới đi lên cầu thang, rón rén đến gần, ngập ngừng rồi khẽ gọi:
- Thưa bà...
Nhung giật mình mở mắt:
- Chuyện gì vậy?
- Thưa bà... có khách.
- Ai đó?
- Dạ... người lạ, con không biết.
- Đàn ông hay đàn bà?
- Dạ... đàn ông.
Cảm nghĩ đầu tiên là bạn của chồng, vì ông phủ rất nhiều khách lạ, bất ngờ chợt đến chợt đi. Nhung cau mày:
- Sao không mời ông mà kiếm tui?
- Thưa... ông đi vắng từ sáng sớm.
Nhung tặc lưỡi:
- Thiệt tình!... Thôi được, trở xuống rót trà mời khách, tui sẽ tới.
Nhung đứng lên chải lại mái tóc, vuốt sơ vạt áo lụa bà ba rồi miễn cưỡng xuống cầu thang. Vừa bước vào phòng khách nàng bỗng khựng lại nhìn sững. Trước mặt một người đàn ông đang đứng quay lưng ngó ra vườn.
Ngoài sân, nắng chợt hanh vàng. Ánh sáng chói chang như ngọn đèn phản chiếu làm nổi bật hình ảnh ông khách trước khung cửa sổ, đẹp như pho tượng đồng Hy lạp trong công viên. Nhung chưa đoán được là ai, thành phần nào, bao nhiêu tuổi, nhưng có thể khẳng định là người này có vóc dáng cao lớn, vạm vỡ, so với người Việt trung bình.
Con Bèo manh bình trà nóng đặt lên bàn. Nghe tiếng động, người khách lạ quay lại.
Nhung sững sờ suýt kêu thành tiếng. Nàng lẩm bẩm:
- Không thể nào... Không thể nào...
Chợt trông thấy Nhung ông khách thoáng chút ngạc nhiên, nhìn chăm chú rồi khẽ gật đầu:
- Chào bà!... Nếu tôi không lầm thì bà là... phu nhân của ông Phủ Tấn?
Chừng như bị thôi miên trước ánh mát sáng rực và giọng nói ấm áp đầy cương nghị của người đàn ông trung niên có dáng dấp kiêu hùng. Một chút gì xao xuyến trong tim. Nhung chớp mắt cố giữ bình tĩnh.
- Dạ phải! Tôi là bà Phủ Tấn. Chắc ông là bạn của nhà tôi? Vì ở xa ít có dịp tới lui nên tôi chưa được hân hạnh thù tiếp?
Ông khách điềm đạm đáp:
- Bà đoán đúng một phần. Tôi quả thật ở xa, lần đầu tiên đến đây, nhưng chưa hề quen biết ông nhà.
Đôi mày liễu khẽ cau lại:
- Chưa hề quen biết nhà tôi. Vậy ông là ai và đến đây với mục đích gì?
- Thưa bà, tôi là Trần Xuân Phong, bạn vong niên của ông Hội đồng Hồ văn Hoài.
Nhung choáng váng:
- Ông chính là Trần Xuân Phong?
- Thưa phải!
- Ông là bạn của Hội đồng Hoài?
- Ông ta là anh rể tôi.
- Tôi biết.
Nhung cố dằn cơn xúc động trong khi Phong tiếp tục nói bằng giọng trầm tĩnh nhẹ nhàng nhưng cương quyết:
- Thưa bà, hôm nay tôi đến để đón cháu Trâm về.
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Nhung há hốc:
- Ông... không phải nói đùa?
Nét mặt lạnh băng, Phong nhấn mạnh từng lời:
- Thưa bà, bình sanh tôi vốn không có khiếu hài hước nên ít khi dám đùa, nhứt là trước một thiếu phụ thông minh trẻ đẹp như bà.
Mười tám năm, từ ngày lên xe hoa về với ông Phủ, lần đầu tiên được nghe câu nói ca tụng, vừa lịch sự, vừa tao nhã thốt ra từ miệng người đàn ông lịch lãm hào hoa, Nhung cảm thấy mặt nóng bừng, nàng bối rối cúi đầu tránh tia mắt sáng như đèn điện đang xoáy thẳng vào tim.
Trong lúc còn đang chới với chưa biết phản ứng làm sao thì may thay ông Phủ Tấn về đến. Đã được người nhà thông báo trước nên ông không lấy làm ngạc nhiên về sự hiện diện của người khách lạ. Ông vui vẻ chìa tay bắt:
- Chào ông! Tôi là Đốc Phủ Tấn.
- Tôi là Trần xuân Phong, hân hạnh được gặp ông.
Hai người chăm chú nhìn nhau ngầm phân tách đối tượng. Trong mắt Phong, ông phủ Tấn chỉ là lão địa chủ thừa tiền của, có chức phận nhiều phương tiện nên phè phỡn tập tành học đòi phép lịch sự tây phương cho ra vẻ tân thời. Ông ta không hẳn dốt nát quê mùa như phần đông các trọc phú đương thời.
Phong liếc nhìn Nhung rồi nhìn lên trần nhà, cắn răng hít một hơi thật sâu cố nuốt lại lời nói chực thoát ra ngoài cửa miệng: "Đáng tiếc!".
Chừng như đoán được cảm nghĩ của Phong, nên mày liễu khẽ cau, đôi má xinh chợt ửng hồng như cánh sen ngày hạ chí.
Ông Phủ chăm chú nhìn Phong không rời ánh mắt. Chợt ông vỗ đùi đánh bốp rồi khoa tay làm một cử chỉ thật hài lòng:
- Đúng rồi... tôi nhớ rồi. Ông đây là Đại úy Bernard Trần xuân Phong, sĩ quan cơ ngũ Pháp đã lạp nhiều chiến công hiển hách trong trận đánh khét tiếng vùng Alsace năm 1917?
Phong thản nhiên đáp:
- Phải, chính tôi!
- Khi ấy báo chí có đăng hình ông thật to ở trang nhứt. Tôi rất ái mộ, nên dù đã mười năm mà vẫn còn nhớ rõ như vừa mới hôm qua.
Đôi mắt bồ câu chợt mở to, Nhung sững sờ vừa kinh ngạc vừa khâm phục.
Ông Phủ thích chí cười sung sướng quay sang vợ:
- Không ngờ hôm nay gia đình mình được vinh hạnh đón tiếp vị khách quí. Bà phải tổ chức bữa tiệc thật linh đình để khoản đãi và giới thiệu vị anh hùng với thân hào nhân sĩ Pháp Việt trong tỉnh.
Đoạn thân mật nắm tay Phong:
- Chắc ông không nỡ từ chối chớ?
Nhung nhìn Phong rồi khẽ nói:
- Phải hỏi xem ông ấy có rảnh rỗi không đã.
Ông Phủ sực nhớ, bèn cười xòa:
- Tôi thiệt vô tâm, tưởng ai cũng vô tích sự như mình.
Phong nói:
- Từ ngày xuất ngũ, tôi rất rảnh rỗi, chẳng còn bị kỷ luật hay giờ giấc trói buộc. Nhưng hôm nay ngoại lệ, không thể lưu lại lâu hơn vì còn phải hoàn tất trọng trách của ông bạn già giao phó.
- Là đón cháu Trâm về?
- Phải!
- Tưởng gì khó khăn chứ việc ấy quá dễ. Chỉ cần vợ chồng tôi dứt khoát một tiếng là cháu sẽ phải ngoan ngoãn theo ông.
Nhung trừng mắt nhìn chồng:
- Ông định làm gì?
- Nói thẳng với cháu Trâm là mình không thể a tòng giúp cháu làm chuyện đại nghịch bất hiếu chống lại lệnh cha.
- Chuyện như vậy mà ông cũng nói ra được? Ông không muốn giúp nó nhưng tôi muốn.
- Anh Hội đồng là cha ruột của cháu, mình không có tư cách can thiệp vào quyết định của anh ấy. Quốc có quốc pháp, gia có gia qui, mình là người ngoài, lấy danh nghĩa gì để nhảy chồm vào chuyện gia đình người khác?
- Tôi có! Thứ nhứt: Tôi không phải là người ngoài mà là dì ruột của nó. Thứ hai: Trước khi nhắm mắt, chị Hai đã trăn trối gởi gấm nó cho tôi. Trong nhiều năm qua, chẳng những tôi đã đóng vai chị vú mà còn là người mẹ. Tôi yêu thương nó như con đẻ, ngoài bổn phận chăm sóc còn phải quan tâm đến hạnh phúc tương lai của nó.
Ông Phủ tặc lưỡi:
- Bà lại lẩm cẩm rồi. Hãy thực tế một chút. Con gái lớn lấy chồng là thế thường tình, chẳng lẽ suốt đời quanh quẩn xó nhà ăn bám cha mẹ? Chú rể tương lai tuy lớn tuổi một chút, nhưng là phú hộ, ruộng muối thẳng cánh cò bay. Chỉ vài năm sau, sanh cho hắn một đứa con trai kháu khỉnh thì nằm không hưởng mấy đời chưa hết của đó bà.
Nhung nhìn chồng, mắt long lanh lửa hận:
- Ông lúc nào cũng chỉ biết có vật chất. Lấy một người chồng không ưng ý cho dù ngủ trên đống vàng cũng chẳng tìm ra hạnh phúc.
- Trường hợp vợ chồng mình thì sao? Trước kia bà đâu có chịu ưng tui, nhưng cưới nhau xong thì đâu vào đó, mười mấy năm có xảy chuyện gì đâu? Lắm lúc tôi có cảm tưởng là tình nghĩa bây giờ còn nồng nàn gấp mấy lần hơn trước.
Nhung quắc mắt:
- Đừng có nằm mơ!
Ông Phủ ngửa mặt cười ha hả:
- Nếu không sao bà lúc nào cũng canh chừng tôi quá cỡ vậy?...
Nhung quay mặt vào vách lau vội giọt nước mắt long lanh. Ông Phủ vẫn vô tâm không để ý tới phản ứng của vợ, nhưng Phong đã nhìn thấy rất rõ. Chàng khẽ cau mày, một chút bâng khuâng.
Phong lên tiếng gỡ rối:
- Thành thật cám ơn nhã ý của ông bà, nhưng chủ trương của tôi là chuyện của mình phải do mình giải quyết. Tôi sẽ thuyết phục cháu.
Nhung nhìn Phong như thách thức:
- Ông thật sự có khả năng ấy?
Phong đáp thản nhiên:
- Thưa bà, nói được thì làm được. Tôi không quen bỏ cuộc và cũng chưa từng chùn bước trước khó khăn.
- Kể cả khó khăn tình cảm?
Ánh mắt ngời sáng, Phong khẳng quyết:
- Không có ngoại lệ.
- Ông khá chủ quan đó!
- Thưa bà, binh pháp có câu: "Chủ quan khinh địch là điều tối kỵ của binh gia". Tôi đã từng cầm quân ra trận nên không dễ mắc phải lỗi lầm sơ đẳng ấy.
- Mặt trận tình cảm khác hơn chiến trường máu lửa, không có chiến tuyến và chủ lực chính chỉ có mỗi mình ông.
- Tôi biết, nên càng muốn trắc nghiệm khả năng.
Có tiếng nói cười nắc nẻ ngoài sân. Trâm chạy ập vào, thở hào hển, má ửng hồng, mồ hôi lấm tấm trên trán. Chợt thấy đông người, nàng giật mình khựng lại ngơ ngác rồi ấp úng:
- Xin lỗi... cháu không biết dì dượng đang tiếp khách.
Nhung cau mày:
- Cháu chạy đi đâu mà hối hả vậy?
Trâm cười lỏn lẻn:
- Dạ... anh Long... anh ấy...
Nhung ngắt lời:
- Con gái lớn phải giữ ý một chút. Có bạn đến chơi thì mời vào nhà nói chuyện, đùa giỡn ngoài vườn không sợ mang tiếng sao?
Trâm vừa định lui ra thì Nhung gọi giật lại:
- Khoan đã, cháu đến vừa đúng lúc, dì dượng đang có chuyện muốn bàn. Hãy chào chú Phong đi.
Đọan quay sang Phong:
- Nó là Trâm.
Trâm ngơ ngác nhìn Phong rồi ấp úng:
- Thưa chú...
Phong được ông Hôị đồng cho biết về Trâm đại khái như sau: "Con nhỏ rất giống mẹ, trắng trẻo dễ coi nhưng còn khờ lắm. Vì tôi quá cưng nên nó bướng bỉnh, cứng đầu. Chú phải cứng rắn một chút, bằng không sẽ hư việc".
Phong chăm chú quan sát cố phân tách và tìm hiểu "đối phương". Cảm nghĩ đầu tiên của chàng là Trâm giống Nhung như hai giọt nước, duyên dáng, thông minh và rất đẹp!
Thấy Phong im lặng, Nhung bèn lên tiếng:
- Trâm, đến đây, chú Phong có chuyện muốn nói với cháu.
Ông Phủ cười hãnh diện:
- Sao lại chú? Phải gọi là Đại úy Phong, người hùng của mặt trận Alsace mới đúng.
Trâm sửng sốt:
- Đại úy Bernard Trần xuân Phong?
Phong thoáng ngạc nhiên:
- Cô biết tôi...?
- Cháu chưa từng gặp chú, nhưng thường được nghe ba nhắc đến tên và chiến công của chú luôn nên cháu vô cùng ái mộ. Không ngờ hôm nay gặp ở đây, thật ngoài sức tưởng tượng.
Ánh mắt thoáng vui nhưng nét mặt không thay đổi:
- Cô càng không thể ngờ là mười tám năm trước tôi đã từng bồng ngửa cô trên tay.
Trâm hồng đôi má:
- Thì ra chú cũng là bạn thân của dì dượng cháu.
- Tôi chỉ mới được hân hạnh tiếp xúc với ông bà Phủ lần đầu, nên không nghĩ là có tên mình trong danh sách thân hữu.
- Vậy sự xuất hiện của chú hôm nay chắc chắn có chủ đích đặc biệt. Lúc nãy dì Nhung nói chú có ý gặp cháu, không lẽ chỉ muốn xem lại mặt con bé ngày xưa...?
Nhung vọt miệng:
- Phải, ông ấy đến hôm nay chỉ vì cháu!
Trâm tròn mắt:
- Vì cháu?
- Đúng vậy!
Trâm sửng sốt:
- Chỉ có mỗi lý do đó?
Phong gật đầu:
- Phải! Chỉ có một lý do là đón cô về.
Trâm há hốc nhìn Phong rồi nhìn Nhung:
- Dì Nhung... như vậy là sao? Chắc không phải sự thật? Chú Phong chỉ muốn đùa với cháu thôi phải không?
Nhung buồn hiu:
- Là sự thật!
Bằng giọng nói cương quyết và rõ ràng, Phong nhấn mạnh từng lời:
- Tôi thay mặt ba cô đến đón cô về.
Mắt long lanh lửa hận, Trâm cau mày sẳng giọng:
- Tôi không đi.
- Tôi sẽ có cách buộc cô đi.
- Đừng có nằm mơ!
- Tôi chưa hề lui bước trước thử thách.
- Ông lấy danh nghĩa gì để ép tôi? Không phải họ hàng thân quyến, cũng không phải người giám hộ, ông tuyệt đối không có tư cách đó.
- Tôi có.
Phong móc túi lấy hai phong thư, một trao cho Nhung:
- Thưa bà,đây là tờ ủy nhiệm, ông Tổng cho tôi toàn quyền giải quyết vấn đề.
Một trao cho Trâm:
- Còn bức này của ba cô gởi cho cô.
Trâm bóc vội ra xem rồi hầm hầm nói:
- Không ngờ một người tây học có khí phách như ông lại chịu lép vế để bị sai khiến a tòng làm chuyện trái đạo lý.
Nhung lừ mắt:
- Trâm, không được hỗn.
Nét mặt không thay đổi, Phong trầm tĩnh trả lời một cách rất tự tin và ngắn gọn:
- Tôi hoàn toàn tự nguyện.
Ngưng một phút, ánh mắt tự hào chiếu thẳng vào Trâm, Phong nói tiếp:
- Tôi vốn không dễ bị sai khiến hay mua chuộc, cho dù người ấy giàu sang hay quyền thế đến đâu.
Nhung trân trối nhìn Phong:
- Sao ông phải làm vậy?
- Tôi không thể cam lòng trước cụ già tóc bạc ngày ngày khắc khoải mong con và xấu hổ với làng nước bạn bè vì mang tiếng bội ước.
- Nhưng ông lại nhẫn tâm nhìn cô gái ngây thơ bị gả ép cho một người xấp xỉ tuổi bố nó? Ông đã bị bưng bít hay cố tình nhắm mắt làm ngơ trước ý đồ đen tối của anh rể tôi?
- Chẳng những tôi đã trông thấy mà còn biết rất rõ.
- Sao còn tự nguyện tiếp tay?
- Tôi muốn cháu trực diện vấn đề. Đằng nào cũng phải đến kết cuộc, sao không giải quyết một lần dứt khoát quang minh? Trốn tránh đâu phải là biện pháp khôn ngoan và hay nhứt?
- Vậy ông khuyên cháu phải làm gì?
- Ngoan ngoãn theo tôi về nhà!
Trâm bĩu môi:
- Tôi không phải trẻ con, đừng hòng dối gạt.
- Tại sao tôi phải dối gạt? Đối phó với một cô bé ngây thơ tập tễnh vào đời tôi đâu cần dùng hạ sách đó? Con chim non nằm trong tổ ấm nghĩ rằng chỉ một cái chớp cánh sẽ bay bổng tới trời xanh, nào hay vừa chập chững xập xòe đã nhào xuống đất, ấy là chưa kể gió mưa giông bão cùng là quạ diều đang rình rập chực chờ nuốt sống ăn tươi.
Bị chạm tự ái, Trâm tím mặt đổ lì:
- Tôi sẽ nằm vạ ra đây coi ông làm gì được.
- Thử xem! Tôi rất muốn chứng kiến.
Trâm bĩu môi:
- Chưa thấy ai lì hơn.
Nhung nhìn Phong khẽ lắc đầu:
- Ngoài chiến trường ông là danh tướng, nhưng trên mặt trận tình cảm ông giải quyết quá vụng về.
Lời chỉ trích tuy làm tổn thương tự ái, nhưng Phong vẫn bình tĩnh:
- Thưa bà, chiến cuộc đâu đã đến hồi kết thúc?
Nhung đăm chiêu suy nghĩ một lúc rồi bỗng đổi dịu dàng đổi giọng:
- Ông Phong... Qua lời lẽ cương quyết tôi biết chắc ông sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Đàng nào, cháu Trâm cũng phải theo ông về. Vậy ông định bao giờ lên đường?
- Chiếc ghe hầu và bốn bạn chèo đang chờ tôi dưới bến. Nếu khởi hành hôm nay thì quá tốt, vừa thuận gió vừa xuôi nước, giong buồm suốt đêm chiều mai sẽ tới Bạc Liêu.
Trâm dãy nảy:
- Tôi không đi, không đi, không đi...
Nhung mắng yêu:
- Kìa, lớn rồi phải nết na một chút, làm như con nít khó coi lắm.
Đoạn nhìn Phong ánh mắt van nài:
- Tôi có một thỉnh cầu, chỉ e rằng ông không chấp nhận.
Một niềm rung cảm hiu hiu như gió đầu thu thoáng nhẹ vào hồn, Phong chợt nghe lòng xao xuyến:
- Xin bà cho biết. Nếu không ngoài khả năng và vượt quá tầm tay, tôi sẽ không để bà thất vọng.
- Sự việc vừa rồi đã xảy ra quá đột ngột khiến cháu Trâm không kịp thích ứng. Có thể nào ông hoãn lại chuyến đi vài hôm chờ chúng tôi thuyết phục cháu đồng thời tổ chức tiệc liên hoan giới thiệu ông cùng thân hào nhân sĩ địa phương?
Ông Phủ hớn hở tán đồng:
- Nãy giờ mới nghe bà nói một câu chí lý. Ý kiến rất hay, giải pháp tốt đẹp đáp ứng toàn vẹn yêu sách đôi bên, chẳng lẽ ông từ chối?
- Ông bà đâu cần phải làm vậy. Tôi vốn không quen náo nhiệt lại kém xã giao, e sẽ khiến mọi người mất nhã hứng.
Ông Phủ cười hà hà:
- Thật khéo nói chơi quá. Sống bên Pháp, ăn phó mát, uống sâm banh, nói tiếng Tây, không chừng có vợ đầm rồi, mà dám nói kém xã giao, không quen náo nhiệt! Khiêm nhường đến thế là cùng.
Đôi mày liễu nhướng cao, Nhung chăm chú nhìn Phong và thầm hỏi:
- Chẳng lẽ một người phong nhã hào hoa như thế lại là kẻ cô đơn?
Trâm hồi hộp, tim đập mạnh, chỉ sợ Phong từ chối thì hỏng kế hoạch vừa manh nha trong trí. Nàng ngẫm nghĩ:
- Anh chàng này quá ngoan cố cố cứng đầu. Nếu mình chẳng xuống nước làm lành sẽ hư chuyện.
Trâm bèn vờ vui vẻ bước tới thân mật nắm tay Phong:
- Chú Phong, hãy chiều dì Nhung của cháu một lần nghen chú. Cháu hứa sẽ ngoan ngoãn vâng lời, không bướng bỉnh làm chú bực mình nữa.
Ông Phủ cũng vui vẻ cười to hổ trợ:
- Chí lý lắm. Ông an tâm, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ có biện pháp cứng rắn nếu cháu dám sai lời.
Nhung nhìn Phong ánh mắt xa xôi buồn vời vợi. Chợt nghe lòng se lại, Phong chép miệng:
- Tình thế này liệu tôi còn từ chối được sao?
Last edited by hanhf cur; 02-05-2006 at 06:38 PM..
Vú Sữa
Diamond Member
Join Date: Oct 2005
Số Điểm: 9518 Old 01-30-2006, 11:50 PM Vú Sữa est d'connect search Quote
hello người đẹp
năm mới đến Hanhf Cur và gđ chắc là đón xuân rất vui vẻ, ấm cúng hạnh phúc, an nhàn như ý cho nên mãi đến hôm nay vẫn chưa vào lại bếp hén. Vú em đang chờ người đẹp ăn tết đến hết tháng giêng rồi mới vào gỏ tiếp
Yen Phuong
Banned
Join Date: Jun 2005
Số Điểm: 3550 Old 01-31-2006, 02:46 AM Yen Phuong est d'connect search Quote
Quote:
Originally Posted by hanhf cur
Chợt trông thấy Nhung ông khách thoáng chút ngạc nhiên, nhìn chăm chú rồi khẽ gật đầu:
- Chào bà!... Nếu tôi không lầm thì bà là... phu nhân của ông Phủ Tấn?
Chừng như bị thôi miên trước ánh mát sáng rực và giọng nói ấm áp đầy cương nghị của người đàn ông trung niên có dáng dấp kiêu hùng. Một chút gì xao xuyến trong tim. Nhung chớp mắt cố giữ bình tĩnh.
- Dạ phải! Tôi là bà Phủ Tấn. Chắc ông là bạn của nhà tôỉ Vì ở xa ít có dịp tới lui nên tôi chưa được hân hạnh thù tiếp?
Bà Phủ Tấn nói chuyện cũng kỳ. Bà trả lời khách như ri:
- Dạ phải! Tôi là bà Phủ Tấn.
Hi hi hi...
Tác giả nên viết như thế này mới phải:
- Dạ, thưa ông. Anh Tấn là nhà tôi...
Là người quý phái, biết lễ nghĩa không ai lại tự xưng mình là "Bà Phủ" bao giờ.
 III. Trâm nằm úp mặt lên giường nệm khóc nức nở. Nàng vô cùng bối rối, không biết cách nào thoát khỏi màn lưới bủa vây ngày càng thu hẹp, xiết nàng gần nghẹt thở. Mặc dù Phong có hứa với dì Nhung là sẽ cố gắng giúp, nhưng làm sao tin được?
Nàng ngẫm nghĩ
- Nếu thật tình ông ta có thiện chí sao không thực hiện ngay mà phải chờ về nhà đối diện với mọi người rồi mới giải quyết theo tình thế? Biết đâu chỉ là kế hoãn binh cho mình đừng nổi loạn, để ông ta khỏi bận tâm? Tốt nhứt là tự cứu bản thân, không thể trông cậy vào con người có trái tim bằng sắt ấy.
Chiếc phao cuối cùng của Trâm trong lúc này là Long.
Nàng bật dậy vội vàng lấy giấy bút viết:
"Anh Long.
"Có chuyện gấp rất quan trọng liên quan đến chúng mình. Cần gặp anh đúng tám giờ tối nay tại địa điểm hẹn cũ cạnh nhà mát sau vườn. Không thể chậm trễ.
"Rất mong anh.
Trâm"
Nhìn quanh không thấy Phong và dì Nhung, Trâm vội vã chạy xuống bếp tìm Bảnh con gái chị Hai người làm, kém Trâm bốn tuổi, nhưng thông minh, nhanh nhẹn, nên Trâm rất mến và xem như bạn.
Gặp Bảnh đang cho gà ăn ngoài sân,Trâm mừng rỡ chạy đến kề tai nói nhỏ:
- Bảnh, đi theo tôi.
Bảnh ngạc nhiên hỏi lại:
- Có chuyện gì vậy cô Hai?
Trâm suỵt một tiếng và lấy mắt ra hiệu:
- Đừng hỏi lớn tiếng.
Tới chỗ vắng, Trâm giúi bức thư vào túi áo Bảnh rồi căn dặn:
- Em trao ngay bức thư này cho cậu Long. Chờ cậu ấy trả lời rồi trở về cho tôi biết. Chuyện rất quan trọng, phải hết sức bí mật. Cho dù ông bà Phủ hay chú Phong hỏi cũng không được tiết lộ, hiểu chưa?
Bảnh cười thật tươi:
- Cô Hai tin em đi, giết chết cũng không nói!
Bảnh vội vã chạy như bay. Trâm nhìn theo hồi hộp.
- Ván bài xả láng, một là ăn to hai thì cháy túi.
Rồi buồn hiu chép miệng:
-Nhưng... phần thua chắc chắn sẽ về mình!
Trâm đến điểm hẹn, trời tối như mực, đom đóm lập lòe, bốn bề vắng lặng, đứng một mình trong nhà mát, chợt nghe lòng trống trải mông mênh.
Đã quá giờ hẹn khá lâu mà Long vẫn chưa đến. Trâm sốt ruột lo âu không biết chuyện gì đã xảy ra. Nàng lẩm bẩm:
- Thường ngày Long rất đúng hẹn sao đêm nay lại bê bối thế này? Chẳng lẽ phút chót đổi ý không muốn dây dưa đến chuyện mình?
Một bóng đen từ sau góc dừa nhảy ra, nhanh như cát, bịt mắt Trâm và hỏi:
- Đố em biết ai?
Trâm giật mình suýt rú to, nhưng kịp nhận ra Long bèn giậm chân dẫy nẩy:
- Làm người ta hết hồn hà. Em yếu tim, anh đùa kiểu ấy sẽ có ngày mang họa lớn đó.
Long cười hì hì:
- Em mà yếu tim thì thế gian này chẳng còn ai mạnh.
- Sao anh tới trễ vậy?
- Sợ bạn bắt gặp, phải đi vòng đánh lạc hướng, nên mất nhiều thời gian.
- Là hai cô hôm trước, phải không?
- Phải, Lan và Đào em gái của bạn anh.
- Coi bộ thân mật quá ha!
- Tầm bậy, anh Điền nghe được kỳ lắm đó. Anh chỉ xem hai cô ấy như em, không hề có tình ý.
- Thôi bỏ đi, đừng lãng phí thời gian. Ngồi xuống đây, em có vấn đề bàn thảo.
- Chuyện quan trọng đến đâu mà bắt người ta phải trình diện ban đêm vậy?
- Lúc trước anh có hứa là khi nào em cần thì anh giúp phải không?
- Dĩ nhiên rồi. Quân tử nhứt ngôn mà.
- Vậy... hãy nghe cho rõ...
- Nói đi, úp úp mở mở làm người ta hồi hộp muốn chết hà?
- Ba em đã cho người bắt em về.
Long ngạc nhiên:
- Chi vậy?
- Để gả chồng.
Long tròn mắt:
- Thiệt sao?
- Em gạt anh làm gì?
- Là ai?
- Còn ai ngoài lão già chủ ruộng muối Giá Rai mà em đã kể cho anh nghe hôm trước. Có vậy cũng hỏi!
- Không phải hỏi "ông chồng quí" tương lai mà muốn biết người có nhiệm vụ "áp giải" em là ai?
- Chú Phong, tức người đàn ông trung niên trưa này anh tình cờ chạm mặt tại phòng khách đó.
- Thì ra ông ấy? Trông cũng phong độ ghê. Ông ta uy tín đến cỡ nào mà được ba em tin cẩn vậy?
- Cựu Đại úy quân đội Pháp Bernard Trần xuân Phong.
- Bernard Trần xuân Phong?
- Anh cũng nghe danh?
Long lẩm bẩm:
- Vậy là... mệt rồi.
Đoạn hỏi tiếp:
- Em định xử trí thế nào?
Trâm chép miệng:
- Đã hết cách phải cầu cứu anh.
- Hãy cho biết, anh có thể giúp được gì?
- Nhiệt tâm và thiện chí!
- Tưởng gì khó khăn hơn chứ hai thứ ấy thì anh thừa thãi.
Trâm nắm chặt tay Long, rồi với giọng bùi ngùi nàng tha thiết nói:
- Hãy đưa em đi trốn!
Long giật mình:
- Đưa em đi trốn?
- Phải.
- Chuyện này rất quan trọng chẳng những liên hệ đến tương lai vận mạng chúng mình mà còn dính líu đến danh dự gia đình. Không thể bốc đồng.
Trâm cương quyết:
- Không phải bốc đồng mà đã suy tính kỹ. Chẳng ai hiểu cha hơn con. Cho dù em có lật ngược trái đất, ba em cũng không nhượng bộ. Chi bằng chúng mình lén đưa nhau đi, khi ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm thì... đành phải chịu thôi.
Long tròn mắt kêu lên:
- Trời ơi... không ngờ em liều lĩnh đến như vậy. Em có biết hậu quả sẽ như thế nào không?
- Em biết! Ba sẽ dỡ tung nóc nhà, còn dì Nhung thì ngất xỉu và khóc hết nước mắt.
- Còn chú Phong?
- Ông ấy là người ngoại cuộc, không đáng kể.
- Em lầm rồi. Chú ấy mới là vấn đề lớn. Thử nghĩ, một người từng xông pha trận mạc, vào sanh ra tử, xem cái chết nhẹ tợ lông hồng, có dễ gì khoanh tay chịu thua hai đứa con nít như mình?
Trâm dỗi:
- Em đã hiểu, thì ra quanh đi quẩn lại anh cũng chỉ mượn cớ để thối thoát. Sao không nói thẳng cho em tính?
- Anh sẳn sàng giúp, không quản ngại, nhưng phải tìm một giải pháp ổn thỏa hầu em khỏi bị thiệt thòi.
- Anh có giải pháp nào tốt hơn không?
Long ngập ngừng:
- Bây giờ thì chưa, nhưng từ từ sẽ có.
- Thời gian không cho phép vì chỉ còn đúng ba hôm.
- Sao gấp vậy? Phải có thời giờ chuẩn bị chớ!
Trâm rít lên:
- Thiệt tức chết. Anh nằm mơ hay cố tình muốn chọc em tức em? Mình đang ở thế bị động, hết đường chọn lựa, biết chưa?
Đoạn sụt sùi:
- Giờ em đã thông suốt. Thắt gút thì phải tự mở, không thể trông vào người khác. Khi hữu sự mới rõ lòng nhau.
Trâm giận dỗi đứng lên, Long vội nắm tay giữ lại:
- Trâm, anh chưa nói hết...
Trâm gỡ tay ra:
- Bi kịch đã đến hồi kết thúc, cần gì phải miễn cưỡng? Em vừa nghĩ ra một giải pháp vẹn toàn.
- Hai ngày sau ra vàm sông lớn vớt xác em.
Long kinh hãi:
- Nói nhảm! Anh không cho phép em hành động điên rồ như vậy.
- Em đã quyết định, không ai có thể ngăn cản.
- Anh nhứt định ngăn cản.
- Anh không có khả năng và tư cách.
Long bất ngờ ôm chặt Trâm như sợ nàng vuột mất, giọng chàng hốt hoảng lo âu:
- Anh có... anh có... anh thật sự quan tâm đến em. Đừng hành động dại khờ, anh sẽ đưa em đi trốn.
Trâm gỡ tay:
- Anh không cần miễn cưỡng.
- Anh không miễn cưỡng, anh tự nguyện, anh sẽ đưa em đi dù phải vào rừng sâu núi thẳm hay góc biển chân trời. Vì em anh sẽ hy sinh tất cả... Anh không thể mất em.
Trâm cảm động:
- Anh dám vì em mà hy sinh, kể cả tương lai hạnh phúc đời mình?
- Phải nói là mất em thì mất tất cả mới đúng. Thôi, đừng vớ vẩn nữa, hãy nghe anh nói.
Trâm ngồi xuống bên cạnh, Long bóp nhẹ bàn tay thon ngón nhỏ và đặt kế hoạch:
- Anh sẽ đưa em lên Sàigòn...
Trâm mừng rỡ:
- Bộ... anh định dẫn em về nhà giới thiệu với ba má hả?
Long rùng mình:
- Anh chưa muốn trọc đầu. Đừng nói là thấy, chỉ mới nghe phong phanh cũng đủ bị ổng bả gọt sạch tóc rồi!
Trâm lo lắng:
- Sao còn dám đem về?
- Không phải về nhà anh mà nhà bà vú.
- Bả là ai? Có tin được không? Lỡ bà ấy báo với ba má anh thì họa lớn đó.
- Đừng lo, bà vú nuôi anh từ khi mới lọt lòng nên thương yêu và cưng chiều anh như con ruột. Hồi còn bé, nhiều lần anh ham chơi trốn học, nếu không nhờ bà vú bao che thì đã bị ông cụ đập nát xương rồi. Chẳng còn bà con thân thuộc, bà ta hiện sống một mình trong căn nhà nhỏ xóm Cây Quéo. Ba má anh coi bà như người trong gia đình nên hằng tháng đều có trợ cấp một số tiền đủ sống cho tới ngày nhắm mắt. Em yên tâm ở với bà vú một thời gian, đợi tình hình lắng dịu, anh sẽ tính tiếp.
Trâm băn khoăn:
- Liệu chừng bao lâu, anh?
- Không lâu lắm đâu. Dù gì anh cũng phải thu xếp gấp, đâu thể để em kéo dài cuộc sống bấp bênh như vậy.
- Anh định bao giờ tiến hành kế hoạch?
- Anh chưa thể quyết định vì còn phải tùy phương tiện và tình hình. Tuy nhiên đại cương thì chúng mình sẽ khởi hành trong đêm có dạ tiệc, vì khi ấy mọi người trong nhà bận rộn không ai để ý. Anh sẽ thuê ghe nhỏ dưới bến đưa mình ra Bãi Xàu rồi từ đây quá giang ghe chài lúa lên Chợ Lớn. Đi đường thủy tuy lâu vất vả một chút nhưng an toàn hơn đường bộ. Chỉ có cách này mới thoát được tai mắt ông bà Phủ thôi. Em nghĩ sao? Có dám liều không?
Trâm cương quyết:
- Đó là ước vọng của em mà. Cho dù có xảy chuyện gì cũng không hối tiếc.
- Vậy hãy trở vô nhà kiên nhẫn chờ. Tuyệt đối không được hành động sơ xuất khiến bị nghi ngờ mà hư việc. Anh sẽ thông báo ngày giờ và điểm hẹn khi thu xếp xong.
- Cố gắng nhen anh. Thời gian cấp bách, chỉ còn ba ngày thôi, em đặt hết hy vọng vào anh!
- Yên chí. Lời hứa như đinh đóng cột, anh sẽ không làm em thất vọng.
Trâm cảm động nắm tay Long.
- Cám ơn anh.
- Gặp chuyện bất bình ra tay tương trợ. Dù ai anh cũng giúp, nói chi là em.
- Anh là hy vọng cuối cùng, chiếc phao cứu mạng, không có anh thiệt tình chẳng biết làm sao.
Long pha trò:
- Coi chừng phao thủng, chẳng những không cứu được còn bị chết chùm.
Trâm cương quyết:
- Em không sợ.
Từ đêm ấy, Trâm hoàn toàn thay đổi.
Nàng an phận không còn phản đối chuyện hôn nhân do cha xếp đặt, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, ít khi ra vườn, luôn cười nói vui vẻ với mọi người, kể cả chú Phong, thanh thản hồn nhiên như chẳng có điều gì bực dọc.
Thái độ khác hẳn của nàng khiến Nhung phải ngạc nhiên, có lần nói với Phong:
- Dường như cháu Trâm đã chấp nhận sự an bài.
Phong cười nhẹ:
- Thật sao?
- Ông quả tình không nhận thấy nó thay đổi, chẳng những hết cau có mà còn thân thiện với ông hơn?
- Hy vọng là bà nghĩ đúng.
- Tuy không phải mẹ đẻ nhưng tôi nuôi nó từ bé nên chẳng ai hiểu rõ hơn tôi. Tánh nó hơi nóng nảy một chút, có đôi lúc bốc đồng, nhưng chẳng khác cơn lốc, chợt đến chợt đi, ào ào ạp tới rồi cũng dễ dàng tan biến.
- Tôi cũng mong là vậy.
Tiệc liên hoan được tổ chức vô cùng long trọng tại gia trang Phủ Tấn vào chiều 25 Tết. Quan khách đông đảo gồm đủ mặt thân hào nhân sĩ trong tỉnh, các người Pháp chủ đồn điền Cờ Đỏ, ông Kho (Cressier), La Bách (La Baste), Query, Duval... và cả ông chánh tham biện tỉnh Sóc Trăng.
Sau tiệc còn có dạ vũ do ban nhạc sống nổi tiếng từ Sàigòn xuống giúp vui, rất nhộn nhịp.
Đêm nay Nhung phục sức thật đơn giản, không lòe loẹt se sua, kiềng đeo nặng cổ, xuyến vàng đỏ tay như các bà phú hộ đương thời, càng làm nổi bật sự sang trọng và tăng nét kiều diễm kiêu sa, khiến ai nấy đều trầm trồ ca tụng. Bà nói tiếng Pháp lưu loát tiếp khách rất lịch sự và bặt thiệp, đúng cung cách một nữ chủ nhân giàu sang, học thức.
Quá ngán ngẩm vì phải luôn miệng trả lời những câu hỏi xã giao tâng bốc của bọn người xu nịnh, Phong tìm một nơi vắng vẻ trong góc tối, cầm ly rượu mạnh trên tay, trầm ngâm suy nghĩ. Nhìn ông Phủ, mặt đỏ gay, đang nói cười ba hoa tự đắc, bất giác chàng thở dài.
Bất ngờ quay lại bắt gặp Phong đang nhìn, Nhung bối rối, nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, bèn bước tới hỏi chuyện:
- Tiệc chưa tàn sao ông lánh vào đây? Có phải vì tôi chiêu đãi còn sơ xuất chăng?
- Thưa bà, tôi không quen náo nhiệt.
- Câu này chỉ dành cho những kẻ quê mùa dốt nát như chúng tôi chứ không thể thốt ra từ miệng một người từng trải đường đời, bôn ba hải ngoại được.
- Thưa bà, đâu phải là định luật?
- Nhưng là nếp sống, thói quen, và cung cách của giới thượng lưu trí thức.
- Xã hội Pháp tuy không rõ rệt phân biệt sang hèn trên dưới như ta, nhưng là con người, mấy ai tránh khỏi thường tình? Thưa bà, có người Pháp nào hiện diện đêm nay mà không nghĩ rằng bữa tiệc này chẳng sang trọng linh đình hơn nhiều buổi tiếp tân bên xứ họ? Dù ai khó tánh đến đâu cũng phải khâm phục tài quán xuyến và óc tổ chức của nữ chủ nhân này.
Nhung chợt hồng đôi má:
- Ông đã quá khen rồi.
- Rất tiếc, còn không có đủ ngôn từ để diễn tả hết cảm nghĩ chân thật và lòng ngưỡng mộ của tôi.
Ban nhạc trổi lên điệu luân vũ. Nhiều cặp nam nữ bắt đầu ra sàn nhảy. Một người Pháp giám đốc đồn điền bước đến lịch sự chìa tay:
- Hân hạnh mời bà.
Rồi quay sang Phong:
- Ông cho phép?
Phong mỉm cười:
- Rất tiếc... Nếu tôi có thẩm quyền thì ông khó mời được vị nữ hoàng này.
Nhung ngạc nhiên không ngờ con người bề ngoài trông nghiêm khắc khô khân lại có thể pha trò vô cùng tế nhị. Niềm hãnh diện sung sướng bùng lên rộn rã, nàng vơ vẩn suy tư.
Bước chân khiêu vũ tuyệt đẹp thoăn thoắt nhịp nhàng theo tiếng nhạc dặt dìu. Phong ngẩn ngơ... một chút gì vấn vương trong ánh mắt.
Ban nhạc chấm dứt, Nhung đi thẳng tới quầy rượu tự tay pha một ly Courvoisier mang đến cho Phong.
- Ông nếm xem rượu tôi pha có đúng hương vị không?
Phong đón nhận:
- Cám ơn bà.
Nhung nhấp thử ly rượu cũ của Phong còn dang dở rồi lắc đầu.
- Nước đá tan, rượu đã nhạt mùi, mà còn chưa thay ly mới? Bảo thủ đến thế là cùng!
Rồi mỉm cười:
- Hay sợ nhà tôi thiếu rượu?
- Thưa bà... tửu lượng tôi không mấy khá.
- Sĩ quan quân đội Pháp mà kêu yếu rượu chẳng khác nào người Nhựt Bổn nói không biết dùng trà.
Ánh mắt xa xôi nhìn về dĩ vãng, Nhung ngậm ngùi:
- Ông biết không, hai mươi năm trước tôi đã từng ngưỡng mộ ông.
Phong ngạc nhiên:
- Bà vừa nói gì?
Nhạc trổi điệu Slow, buồn và chậm. Nhung nhìn Phong ánh mắt mơ màng:
- Ông có thể mời tôi một bản?
Phong đặt ly rượu xuống bàn, choàng tay dìu người đẹp ra sân. Ngọn đèn cồn tỏa ánh sáng mơ hồ, gian phòng tiệc trở nên huyền ảo.
Vòng tay Phong cảm thấy chơi vơi ngây ngất, không phải vì men rượu cay nồng mà mùi hương ngọt ngào tiết ra từ mái tóc.
- Thưa bà...
-...
- Bà vừa nói... hai mươi năm trước bà đã...?
Nhung mơ hồ như sống lại thời vang bóng:
- Phải, hai mươi năm trước tôi đã từng ái mộ ông?
Phong cố tìm trong đôi mắt đẹp một hình ảnh thân thương thời xưa cũ, nhưng hoàn toàn không thấy. Nhung vẫn dịu dàng như rót mật vào tai:
- Ông không thể nào tìm thấy được, dù trong ký ức, vì ngày ấy cũng như bây giờ... tôi chỉ là một bóng mờ.
- Tôi thật sự không hiểu?
- Chắc ông còn nhớ, hai mươi năm trước, ngày ông sắp xuống tàu đi Pháp, nhà ông Hội đồng Hoài, tức anh rể tôi, có mở tiệc tiễn hành.
Phong gật đầu:
- Có tôi nhớ.
Ánh mắt xa xôi, giọng nói ngậm ngùi:
- Tôi đã trèo lên cây mận ngoài vườn cạnh cửa sổ phòng tiệc, nấp kín trên đó để nhìn ông, chiêm ngưỡng ông. Lúc ấy ông mặc chiếc áo thể thao trắng, quần tây dài màu cà phê sữa nhạt... ông nói chuyện rất có duyên và uống rượu tây hêt ly này đến ly khác.
Phong sững sờ:
- Sao bà phải làm vậy? Là em vợ bà có thể vào trong dự tiệc, bà có quyền đối diện với tôi mà?
- Dĩ nhiên là được. Tôi có đến giúp xếp thức ăn lên bàn tiệc, có dịp đứng cạnh ông, có được ông nhờ trao chiếc bật lửa mồi thuốc lá và được ông đền ơn cho một chiếc bánh tây... Nhưng dưới mát ông, lúc bấy giờ tôi chỉ là cô bé ngây thơ chưa tròn tuổi mộng. Trong lòng ông chỉ có hình bóng chị tôi. Vì thế tôi tủi thân và tìm một nơi kín đáo không ai nhìn thấy để âm thầm ray rứt một mình.
Phong cảm thấy lòng se lại:
- Thì ra... bà chính là cô gái có đôi mắt tuyệt vời, mái tóc dài xõa xuống bờ vai, tà áo thiên thanh đẹp tợ màu trời và nụ cười hồn nhiên với chiếc răng khểnh duyên đáo để.
Nhung lịm người:
- Thì ra... ông còn nhớ?
- Cháu Trâm hôm nay là hình ảnh của bà hai mươi năm trước. Nó giống bà như hai giọt nước!
Phong chợt ngó quanh rồi khẽ hỏi:
- Cháu Trâm đâu?
Nhung thản nhiên đáp:
- Lúc nãy nó than mệt, có lẽ đã vào phòng nghỉ sớm.
Phong kêu lên:
- Chết rồi!
Nhung ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy?
Phong hấp tấp rời sàn nhảy:
- Xin lỗi, tôi sẽ quay lại.
Vào phòng ngủ tìm chẳng thấy Trâm. Hỏi người nhà không ai biết. Phong tặc lưỡi:
- Mình đã trúng kế.
Chàng vội vã ra sân, ngó quanh rồi khẳng quyết:
- Bến đò.
Trời tối như mực, đêm bao la, Trâm dò dẫm từng bước lần ra điểm hẹn. Đến nơi đã thấy chiếc thuyền con neo dưới bến nhưng không có người. Nàng lo lắng nép trong bụi rậm khe khẽ gọi:
- Anh Long... anh Long...
Có tiếng đáp thật nhỏ:
- Anh đây nè.
Hai bóng đen từ trong lùm nhô ra, Long và chú Bảy chủ đò. Trâm mừng rỡ:
- Tưởng anh không đến.
- Đừng nói lớn tiếng... Mình xuống ghe trước, chú Bảy tháo đỏi xong là đi ngay.
Sợi dây đỏi còn thòng dưới nước, một đầu trên bờ chưa kịp rút lên thì chú bảy đã vội vã chống sào, chiếc ghe cà vom từ từ tách bến. Bỗng dưng dây đỏi bị căng cứng, ghe khựng lại, lắc lư rồi quay tròn. Một bóng người lực lưỡng phóng xuống bế xốc Trâm nhảy phóc lên bờ nhanh như con mãnh hổ.
Trâm hốt hoảng rú to:
- Ói, ối... cứu tôi, cứu tôi.
Diễn biến thật chớp nhoáng khiến chú Bảy và Long chết điếng không kịp phản ứng. Bóng đen ngoái lại cảnh cáo:
- Khôn hồn câm miệng lại quay về, bằng định dở trò thì đừng trách tôi độc ác.
Nhận ra tiếng Phong, Trâm rít lên:
- Buông tôi ra... thả tôi xuống... Định bắt cóc con gái hả? Tôi la lớn cho mọi người biết coi ông còn mặt mũi ngó ai không?
Mặc cho Trâm dãy dụa thét gào, Phong vẫn giữ chặt nàng trong tay, và thách thức:
- Kêu ai, hãy la cho thật to cho làng xóm nghe, chạy túa ra coi ai đẹp mặt.
Trâm liều mạng, cắn, ngắt, cấu, cào, thậm chí còn đấm lên ngực Phong thùm thụp, nhưng chàng không hề hấn, vững chắc như thành đồng. Càng vùng vẫy càng bị siết mạnh. Hai cánh tay lực lưỡng như hai con trăn rừng quấn chặt gần nghẹt thở. Sau cùng đuối sức, Trâm đành nhắm mắt xuôi tay ngoan ngoãn áp vào ngực Phong phó mặc cho số mệnh.
Trâm cảm thấy mỗi bước đi là bắp thịt toàn thân chàng chuyển động. Nhiệt năng từ cơ thể cường tráng đầy sinh lực hừng hực bốc ra. Một cảm giác ấm áp lâng lâng len lén vào hồn. Bất giác nàng rùng mình...
Vào đến cổng đã thấy Nhung đứng chờ. Nàng nhìn Phong, giọng hờn trách:
- Tại sao ông làm vậy?
Phong đặt Trâm xuống rồi lạnh lùng nói:
- Cô đã biết là phải làm gì, chắc không cần tôi phải nhắc?
Đoạn quay sang Nhung:
- Ngầm tiếp tay cho chúng nó như vậy là đúng sao?
- Chỉ thời gian sau... hai đứa dẫn nhau về thì mọi việc đã an bài.
- Hoang đường! Bà đã làm tôi quá thất vọng. Tương lai một đời con gái đem trao cho thằng con nít chưa ráo máu đầu còn dám bảo khôn ngoan lý trí? Tương lai đâu? Sự nghiệp đâu? Chỉ là hành động nông nổi điên rồ mù quáng. Mai kia ôm bầu về nhà, thử hỏi còn mặt mũi nào để nhìn thiên hạ?
Nhung chép miệng:
- Không ngờ con người Tây học như ông cũng câu nệ và cố chấp!
- Hãy thực tế một chút. Đây là thời đại nào? Xã hội nào? Có thể vài chục năm sau sẽ có người thông cảm và chấp nhận tư tưởng cấp tiến của bà. Bây giờ còn quá sớm.
Nhung thở dài:
- Cái đau đớn nhất của con gái là bị ép duyên. Hãy thông cảm và tội nghiệp cho chúng nó...
- Tôi đã hứa sẽ giúp, sao chẳng chịu tin lời?
- Chuyện tình yêu không giản dị đơn thuần, chỉ một lời hứa suông đủ giải quyết xong mọi việc. Đường đời từng trải, ông thừa biết tình dang dở đau khổ như thế nào, ngoại trừ ông cố tình nhắm mắt làm ngơ hoặc giả chưa từng yêu hay được người yêu lại.
- Phải, tôi chưa hề có diễm phúc ấy.
Nhung chớp mắt. Phong vẫn lạnh lùng:
- Tôi đã quyết định, ngày mai lên đường.
Nhung cương quyết:
- Tôi cũng đi... Tôi cũng có trách nhiệm... Tôi là dì của nó.
Lê Bảo Trân
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...