Đêm dài một đời 2
Chương ba
Ba tháng hè tôi không phải ăn bám chú thím. Chú kiếm cho tôi
một việc làm. Ở cách nhà chú năm căn có ông Hai bán củi gỗ và vật liệu xây cất.
Hằng ngày tôi sang ngồi trong vườn nhà ông chẻ củi thuê. Công việc này có hai
người sáng cùng làm. Khi có ai mua củi họ đạp xe ba bánh chở đến tận nhà. Tới
nơi họ mới chẻ củi nhỏ ra cho khách. Tôi không làm thế được. Ngồi một chỗ, bên
đống củi nhiều như vô tận, tôi làm việc buổi sáng, buổi chiều. Công việc chỉ cực
nhọc lúc đầu. Làm được ba hôm tôi tưởng phải bỏ vĩ cánh tay đau nhức, nhấc cái
rìu lên thấy khó khăn, nặng nề. Thỉnh thoảng ông Hai nhắc tôi: "Cẩn thận kẻo
chặt vào tay đó". Số tiền kiếm được quá nhỏ. Tôi đưa hết cả cho thím.
Khánh đã lớn. Nó tỏ ra quý mến tôi hơn. Những lần bị dằm củi
đâm vào tay tôi thường nhờ nó nhổ ra giúp. Thỉnh thoảng nó chịu khó đưa tôi đi
chơi quanh tỉnh. Nó còn giới thiệu vài người bạn cho tôi. Họ hỏi về Sài Gòn.
Tôi không biết gì nhiều để kể. Tuy vậy, câu chuyện cũng vui vẻ, đậm đà. Một lần,
trong lúc đi với nhau, Khánh bảo tôi :
- Căn nhà anh ở với hai bác trước kia kìa. Bây giờ chủ mới sửa
lại làm cửa tiệm buôn gạo. Họ xây thêm một tầng lầu nữa.
Tôi đứng ngẩn ngơ, xao xuyến, cảm động. Nhưng phút giây đó
qua rất nhanh. Không trông thấy cảnh cũ cũng là một điều hay.
Chiều tối, tôi ngồi bế đứa em nhỏ và hát nghêu ngao cho nó
nghe tất cả những bài tôi thuộc. Không khí gia đình bớt ngột ngạt, căn gác bớt
nóng nảy, tù túng.
Một buổi sáng, tôi nhận được thư của Hoan. Thư viết trên loại
giấy xé trong cuốn "Thế Giới Tự Do":
"Biên Hòa ngày...
Thương thân mến,
Mình đã tìm được chỗ ăn ở rồi Thương ạ. Hôm ở trường ra không
biết làm gì để sống, lo quá. Mình không về quê. Đường đi bị nghẽn nhiều chỗ. Vả
lại, về quê càng khó sống. Mình xách va-li đến ở nhờ nhà một người anh họ, định
xin vào làm bàn chải ở Hội Bạn Người Mù để kiếm hai bữa qua ngày. Tình cờ mình
gặp anh Phi. Anh mách là có ông chủ trại cưa đang muốn nuôi một người mù làm
con nuôi. Dịp may hiếm có, mình nhờ anh Phi đưa đến ra mắt ông. Cả hai ông bà đều
vui vẻ nhận mình làm con liền. Có một điều khiến lúc đó mình ngạc nhiên, hơi thắc
mắc là cha mẹ nuôi mình đã có năm con: ba trai, hai gái. Bây giờ thì mình đã hiểu
lý do ông bà muốn nuôi thêm mình.
Cha nuôi mình có một trại cưa ở Biên Hòa. Nhà mình ở ngay
trong trại. Hai ông bà thường về Sài Gòn luôn. Nhà rộng, mát. Bà bếp giữ nhiệm
vụ làm cơm, đi chợ, đưa mấy đứa em mình đi học, giặt giũ v.v... Còn mình được
giao nhiệm vụ người anh cả. Anh cả phải bồng bế, săn sóc em út. Anh cả mỗi ngày
phải nhớ lau nhà cho sạch sẽ. Khi xe cha mẹ về tới cổng bấm còi thì anh cả phải
tỏ ra có hiếu bằng cách ra mở cửa đón.
Theo lời bà bếp thì trước đây cha mẹ nuôi của mình đã mượn
hai người làm. Nhưng họ không trung thành. Một người trước khi ra đi còn cạy tủ
kiếm một mớ bạc. Cha mẹ mình bây giờ chỉ còn tin ở con nuôi thôi.
Cuộc sống vật chất của mình tạm đầy đủ. Thỉnh thoảng cha nuôi
cho mình tiền tiêu vặt và mua cà rem, bong bóng cho em nhỏ. Không có gì đáng buồn.
Trong sự khôn ngoan của ông bà hình như có lẫn lộn cả lòng tốt. Chỉ phiền là nếu
cứ rủa xe, lau nhà, bế em, mở cổng mãi thì trí óc mình sẽ đứng ì ra, không chịu
tiến bộ.
Tiền dành dụm được mình nhờ bà bếp mua nhạc. Bà ấy già rồi lại
không biết đọc nên mua lầm luôn. Thằng bé lớn nhất trong bọn em mình có học nhạc.
Thỉnh thoảng cao hứng nó lại đọc cho mình chép ra chữ nổi. Cái hứng của nó nhiều
khi có thể gợi được bằng tiền thuê. Nhờ vậy, ngày nào mình cũng tập đàn.
Còn Thương thế nào? Mùa hè này sống với gia đình có dễ chịu
hơn năm ngoái không? Nếu rảnh, viết thư cho mình. Nhớ nhà trường, nhớ các bạn
quá Thương ạ..."
Cuối thư có ghi địa chỉ một xưởng cưa ở Biên Hòa. "Dù
sao Hoan cũng không bơ vơ". Ý nghĩ đó giúp tôi yêu đời hơn.
° ° °
Hết hè, tôi trở lại trường trước ngày nhập học hai hôm. Thịnh-hoàng-tử
dọn đồ đạc đến ở giường của Hoan. Hắn khoe với tôi một nhạc khí mới: chiếc kèn
clarinette. Thịnh nói :
- Thứ này thổi lên nghe buồn kinh khủng.
- Thổi nghe chơi.
- Tôi mới học sơ sơ, thổi lên làm điếc tai thiên hạ. Để tập kỹ
lại đã.
Thứ bảy, chủ nhật nào Thịnh cũng ra ngoài về nhà tập kèn. Hắn
ít nói hơn, có vẻ xao xuyến vì nhạc. Mỗi lần chiếc máy thu thanh ở nhà chơi
vang lên những âm thanh giống tiếng kèn là Thịnh lần mò lại gần nghe. Thịnh cho
tôi biết hắn quyết học thổi clarinette cho bằng được. Hắn nói :
- Khi cầm cái kèn trong tay mình cảm thấy tự tin. Đôi lúc âm thanh
làm mình quên ánh sáng.
Hình như Thịnh không còn sợ hãi tương lai nữa. Hắn mong đợi
những ngày sắp tới vì trong những ngày đó tiếng kèn của hắn dễ nghe hơn. Khi cảm
thấy mình có ích, chúng tôi dễ trở nên yêu đời.
Trong nỗi khổ, người ta không than thở, cô gắng chịu đựng một
cách can đảm vẫn chưa đủ. Tôi bắt đầu muốn tìm cho mình một thứ gì giống cái
kèn của Thịnh.
Anh San vẫn ở cạnh giường tôi. Một buổi chiều thứ bảy anh gặp
chuyện không may. Cũng vào dịp này, tôi hiểu rõ anh hơn.
Anh có một người bạn gái. Thứ bảy nào nàng cũng vào trường
mù. Nàng giúp anh đọc thư, viết thư. Nàng kể chuyện, đọc sách cho anh nghe. Anh
cho chúng tôi biết cô gái tên là Quỳnh, một nữ sinh trường cồng, còn nhỏ tuổi,
thích làm công tác xã hội. Quỳnh giúp anh San rất nhiều việc. Giọng nói của Quỳnh
hơi giống giọng nói của chị Kim. Nhưng Quỳnh thích kể chuyện vui và hay cười
hơn. Những lần ở lại trường lâu, Quỳnh tập họp lũ nhỏ và dạy chúng hát. Vì thế,
lũ nhỏ cũng coi nàng là bạn. Bé Hùng tỏ ra quyến luyến Quỳnh nhất. Mỗi lần nàng
đến và chỉ nói chuyện với anh San, không hỏi nó, nó buồn suốt buổi và oán hận cả
hai người. Một buổi chiều, khi Quỳnh ra về Hùng bỗng đứng khóc sụt sùi như đứa
em nhỏ phải xa bàn tay săn sóc của người chị. Hùng cũng là đứa trẻ ở viện mồ
côi từ lúc chưa biết gì nên chỉ tìm tình thương nơi những người bạn.
Từ ngày tựu trường năm nay, không hiểu vì lý do gì, Quỳnh ít
vào thăm trường. Mỗi lần, nàng chỉ ở lại chừng nửa giờ là nhiều. Bé Hùng không
được săn sóc như trước. Nó buồn rồi giận. Có lần trong lúc anh San và Quỳnh nói
chuyện, nó cầm một cái lon sữa bò đập ầm ầm lên nền xi-măng. Mọi người hét lên
nó mới thôi. Biết bé Hùng giận, Quỳnh đến với nó. Nhưng nó không chịu nói gì.
Thằng bé tưởng rằng càng giận dỗi thì càng được chiều chuộng nhiều hơn. Khi biết
mình lầm chắc Hùng đau khổ lắm.
Giường Hùng ở đầu khu "nước lụt" không xa giường
tôi. Thỉnh thoảng, khi anh Phong cho kẹo, tôi chia cho nó. Tôi thích nó vì nó
là đứa bé khôn ngoan, sạch sẽ nhất ở đây. Nó còn khéo léo và nhanh nhẹn. Đã có
lần bé Hùng bàn với tôi là: hai đứa nên trốn khỏi trường dắt nhau đi bán xổ số.
Tôi nói :
- Mày với tao ra khỏi trường, đi bậy, bị xe cán dẹp đầu liền.
- Mình nhờ mấy chị bên lưu xá chỉ đường cho.
Từ ngày đập lon sữa bò để phản đối Quỳnh, bé Hùng trở nên ít
cười đùa. Một buổi tối tôi đem kẹo sang giường cho nó đúng lúc nó đang khóc. Nó
xòe bàn tay ra cho tôi sờ rồi hỏi :
- Móng tay em dài chưa?
- Dài lắm rồi. Thằng này ở dơ quá.
- Em định nhờ chị Quỳnh cắt dùm, mà giờ chị ấy nghỉ em ra rồi.
Em để móng dài rồi cấu tay chị ấy trả thù.
Nhưng bé Hùng không "trả thù" bằng cách cấu tay.
Tôi không hiểu một đứa bé như nó, khi oán giận, thì nghiền ngẫm những ý nghĩ gì
trong đầu. Có lẽ mọi người quanh Hùng cũng không đoán được. Khi Hùng thực hiện
dự định của nó, mọi người mới bàng hoàng, sửng sốt.
Chiều thứ bảy ấy, Quỳnh vào thăm trường hơi muộn. Anh Phong
và những người khác đã ra về. Tôi ngồi nán lại ở phòng khách để tập bài hát anh
Phong vừa dạy. Chuông báo giờ cơm reo vang. Có tiếng guốc của Quỳnh lạo xạo
trên sân cỏ. Tiếng Quỳnh :
- Anh San đâu bé Hùng?
Tiếng bé Hùng vùng vằng, giận dỗi :
- Em không biết, chắc anh ấy đi ăn cơm rồi.
Quỳnh chưa kịp nói gì, bỗng Hùng nói to :
- Bộ chị là vợ anh ấy hay sao mà vừa tới trường chị hỏi anh ấy
liền...
- Hùng!
Tiếng hét kinh ngạc của Quỳnh khá lớn. Nhưng Hùng gào to hơn,
giọng nói lạc hẳn đi :
- Anh San ơi! Có vợ anh tới đó.
- Hùng! Sao em ăn nói thế?!
- Chị buông tôi ra... buông tôi ra. Tôi không là em ai hết.
Hành động bất ngờ của Hùng làm tôi choáng váng. Tôi rời phòng
khách, tiến về phía nó và nắm được tay nó ngay.
- Trời ơi sao mày ăn nói bậy bạ vậy Hùng?
Hùng thích cùi chỏ vào bụng tôi :
- Anh đừng có xía vô.
Tôi có cảm tưởng Hùng lớn hơn ngày thường rất nhiều. Giọng Quỳnh
đã dịu dàng, bình tĩnh lại :
- Hôm nay bé Hùng hư quá!
Hùng lại chồm lên, gào :
- Anh San ơi! Có vợ anh tới!...
Nó định can tay tôi. Tôi phải bồng hẳn nó lên đem về phía văn
phòng. Tới nơi, tôi đặt nó xuống trước cửa. Bé Hùng có vẻ sợ, im tiếng. Một thầy
giám thị hỏi vọng ra :
- Chi đó?
Tôi đẩy Hùng vào, kể lại hành động và lời nói của nó. Khi tôi
quay ra Quỳnh cũng vừa tới. Nàng nói :
- Đừng để nó bị phạt. Tội nghiệp.
Tôi cương quyết :
- Cần phải cho nó biết nó làm thế là bậy. Nếu không nó sẽ hư.
Bây giờ cô Quỳnh chờ tôi đi gọi anh San.
Tôi chưa nói hết câu, bỗng từ văn phòng vọng ra hai tiếng cười.
Và một câu nói bật lên giữa tiếng cười ấy. Giọng nói nửa chế giễu, nửa nghiêm
khắc :
- Nó nói vậy đã chắc gì sai. Không có lửa sao có khói.
Một lần nữa tôi điếng người. Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ
quên được cảm giác vừa khổ sở vừa tức giận lúc đó. Trường có vài nhân viên
không ưa những người khách đến thăm viếng. Khi có dịp, các vị này thích làm cho
khách nổi giận.
Quỳnh và tôi đứng im lặng khá lâu. Giọng ông giám thị già,
nghiêm khắc nhất trường, vang lên ở cửa văn phòng :
- Thưa cô, giờ này các em học sinh phải đi ăn cơm...
- Tôi có chuyện cần.
- Bất cứ tâm sự gì cũng phải để đến tuần sau. Bây giờ tôi phải
đóng cửa trường.
Quỳnh lại im lặng. Tôi đoán là sự tức giận đã làm cho nàng
không lên tiếng được. Quả nhiên, khi nàng nói, giọng nghẹn lại như sắp khóc :
- Thương nói giùm với anh San là vì danh dự từ giờ tôi không
vào trường này nữa. Công việc anh ấy nhờ tôi chưa làm xong...
Tôi cố vớt vát :
- Cô Quỳnh giận thế anh San sẽ buồn lắm.
Giọng Quỳnh bình tĩnh, dõng dạc hơn :
- Tôi rất tiếc không đủ can đảm để chịu đựng những câu châm
biếm vồ ý thức. Thương hiểu chứ. Nhớ đừng để cho anh San lầm tưởng là lỗi ở bé
Hùng.
Tiếng guốc của Quỳnh xa dần một cách vội vã. Khi tôi đi tìm
anh San, tôi có cảm tưởng sắp giơ tay xô anh xuống vực thẳm. Tôi biết rằng
trong cách cư xử, nét mặt có thể thay thế cho lời nói. Bóng tối đã che mất nhiều
chi tiết của chuyện vừa xảy ra. Tôi căn cứ vào giọng nói lạnh lùng của ông giám
thị già để suy đoán nỗi uất ức của Quỳnh.
Buổi tối, câu chuyện đó trở thành đề tài chính của cuộc
"họp báo" giữa các học sinh lớn.
Thường thường, tối thứ bảy chúng tôi không đi ngủ đúng giờ.
Có quá nhiều chuyện để bàn luận. Người nhận xét về các bạn sáng, kẻ nói về giấc
mộng tương lai. Những anh lớn ít nói nhất cũng thức khuya, ngồi trong màn viết
thư. Vân và Sinh còn bày trò đánh cờ bằng bàn toán. Những chuyện vui, buồn xảy
ra hồi chiều đều được thuật lại kỹ lưỡng. Nhà trường có cử hai học sinh lớn giữ
trật tự. Nhưng họ không khó tính lắm.
Anh San đi đi lại lại quanh quẩn, không ngồi yên được một chỗ.
Thỉnh thoảng, anh hỏi tôi :
- Cậu không biết ai nói câu "không có lửa sao có
khói" thiệt hả?
- Nếu tôi biết, tôi giấu làm gì.
- Quỳnh giận lắm phải khồng?
- Cô ấy không thèm vào đây nữa đâu.
- Sao Quỳnh không tìm mình để nói cho rõ chuyện?
- Đã bảo cô ấy bị ông giám thị già mời ra mà.
- Cậu kể từ đầu cho mình nghe lại đi.
Tôi phải thuật lại nhiều lần. Anh San chăm chú nghe như gắng
tìm một vài chi tiết chứng tỏ là tình thế còn cứu vãn được. Thịnh nói :
- Phải cho thằng Hùng mấy cái tát.
Anh San đáp :
- Cái đó thế nào cũng phải có rồi. Nhưng còn Quỳnh. Có thể cô
ấy sẽ không bao giờ vào đây nữa. Mình biết tính Quỳnh lắm.
Anh Bằng góp ý :
- Anh San bi quan quá. Tôi cho ràng cô ấy sẽ hết giận. Nhất
là trong vụ này anh không có lỗi gì.
- Các cô ấy tự ái. Chiều nay Quỳnh đã cảm thấy bị hạ nhục. Muốn
trở lại trường cô ấy cũng ngại.
Anh San hỏi to :
- Vinh ơi! Thằng Hùng về giường nó chưa?
Giọng Vinh có vẻ sợ hãi :
- Nó chưa về.
- Quơ dưới gầm giường coi.
- Không có.
- Mày mà nói dối tao đập bỏ mạng.
- Anh lại kiếm coi. Mà nếu lát nữa anh đánh nó, tôi la.
- Tao không thèm đánh nó. Tao sẽ bóp cổ nó chết. Cho chúng
mày tha hồ la.
Vinh là bạn thân của Hùng. Nhưng có lẽ chính nó cũng không biết
lúc này Hùng ở đâu. Thằng bé trốn biệt; bỏ cả bữa cơm chiều. Tôi và San đã đi
khắp trường tìm nó. Tôi phải kèm sát San để đề phòng trường hợp anh ta giận dữ
đánh thằng Hùng quá tay. Mới đầu, San lồng lộn như điên cuồng. Tôi có cảm tưởng
là nếu Hùng lọt vào tay anh ta lúc đó thì nó đến phải đi nằm nhà thương. Sau,
cơn giận của San dịu xuống. Anh ta chỉ muốn gặp bé Hùng để bắt nó kể lại câu
chuyện. Chúng tôi lục soát cả nhà bếp, buồng tắm, cầu tiêu vẫn không tìm ra nó.
Câu chuyện đã lan khắp trường. Nó phải trốn ở một chỗ kín đáo lắm mới không bị
ai bắt gặp. Sinh nghĩ là nó nấp ở phòng nhạc. Nhưng phòng này khóa cửa.
Anh San rảo bước đến khu "nước lụt", có lẽ anh ta
muốn kiểm soát từng giường. Khi trở lại, San nằm vật ra, hậm hực :
- Sao ông giám thị già lại cư xử với Quỳnh như thế nhỉ?
Thịnh nói :
- Ông ấy đâu có ưa những người bạn sáng của tụi mình. Đâu phải
chỉ có cô Quỳnh mới bị mời ra. Ai ở lại trường quá giờ cũng không được. Kỷ luật
sắt mà.
- Ông ấy không thương tụi mình sao?
- Thương gì. Ở với tụi mình lâu ông ấy coi mình như những người
sáng. Đáng lẽ dùng đôi mắt để nhìn giùm chúng mình thì ông ấy lại chỉ thấy lỗi
của chúng mình rõ hơn.
- Nhưng những người tới thăm trường có làm ông ấy phật ý gì
đâu.
- Có lẽ ông ấy muốn nơi đây biến thành một thế giới riêng.
Câu chuyện càng lúc càng khơi thêm phẫn nộ, uất ức. Giọng nói
của Thịnh bắt đầu gay gắt. Anh Bằng vội xen vào :
- Mình không nên nói xấu các ông ấy. Dù sao mình cũng vẫn phải
sống nhờ vào nhà trường.
Anh San đập tay lên giường :
- Bằng muốn đứng về phe độc tài hả? Tôi nói thiệt, chuyện này
không bao giờ tôi quên đâu. Nếu chúng mình được người ta săn sóc thực tình, tôi
oán hận làm gì?
Giữa lúc đó chúng tôi nghe tiếng chân ông giám thị Toán. Tất
cả im lặng. Ông đến ngay chỗ chúng tôi đang tụ họp, nói nhanh và nhỏ :
- Bằng và Thương lên phòng trực, tôi nhờ chút việc.
Ông nắm tay tôi dắt đi. Bằng hỏi :
- Có việc chi đó thầy?
Ông Toán không trả lời. Ông cố gắng kéo chúng tôi đi cho
nhanh. Khi đến đầu cầu thang, chỗ cửa phòng trực, chúng tôi dừng lại. Giọng ông
Toán hổn hển như người đang mệt, cần thở mạnh :
- Có phải Hùng nó sợ bị đánh nên đi trốn không?
Tôi đáp khẽ :
- Vâng, chiều nay...
Ông ngắt lời tôi :
- Trong hai em, em nào thân nhất với Hùng? Nghĩa là em nào
nói mà trò Hùng chịu nghe?
Tôi và anh Bằng cùng ngẩn ngơ, lưỡng lự, chưa biết trả lời
sao. Ông Toán càng tỏ ra cuống quýt, hốt hoảng. Ông giải thích nhanh :
- Bé Hùng trèo ra ngoài cửa sổ không biết từ hồi nào. Bên
ngoài cửa sổ lầu có một đoạn mái ngói rộng chưa đầy nửa thước. Mái dốc, ngói
cũ. Hùng ngồi nép ở đoạn tường dưới chân cửa sổ. Nó không thấy đường nên trốn ở
chỗ vô cùng nguy hiểm đó. Nếu nó cử động mạnh là có thể trượt chân, ngói tụt,
té từ trên lầu xuống lập tức.
Tôi sợ lạnh người. Ý nghĩ "bé Hùng đang đứng chênh vênh
bên cái chết" làm tay chân tôi tê liệt. Anh Bằng hỏi :
- Thầy không kéo nó vào được sao?
- Tôi đã thử. Nhưng tai nó thính lắm. Khi nghe có tiếng động ở
cửa sổ nó nép người xuống và cử động như có ý muốn đổi chỗ. Điều cốt yếu là đừng
làm nó sợ. Chỉ một cử động mạnh đủ khiến nó té rồi. Rất có thể khi biết sắp bị
bắt, nó vùng chạy bừa.
- Làm sao bây giờ thầy?
- Tôi đã nhờ mấy người khỏe mạnh ở nhà bếp căng một cái chăn
ngay dưới chỗ trò Hùng nấp. Nếu chẳng may... Bây giờ, làm sao gọi cho nó đứng dậy,
bám vào thành cửa sổ. Hai em, em nào thân với nó?
Anh Bằng nói :
- Em gọi nó chắc không được rồi. Nó sợ em như sợ San.
Tôi cũng phân vân :
- Chả hiểu nó còn nghe em không. Hồi chiều, chính em bắt nó
vào văn phòng. Hay là... nhờ thằng Vinh.
- Cũng được. Nhớ đừng làm ồn ào quá.
Tôi lặng lẽ kiếm Vinh đưa lên phòng trực. Phải mất một lúc
lâu nó mới hiểu nhiệm vụ của mình. Phòng trực hình như đã đầy nhân viên nhà trường.
Những tiếng bàn tán xì xào khiến tôi hiểu rằng tình thế rất đáng ngại.
Chúng tôi trở vào phòng ngủ. Tiếng thầy Toán nói với Vinh :
- Cửa sổ ở ngay trước mặt em. Đi lại đó một cách chậm chạp, đừng
sợ.
Phòng ngủ im phăng phắc. Nhiều học sinh chưa hiểu chuyện gì
nhưng chắc đều cảm thấy có việc quan trọng đang diễn ra gần mình.
Tôi nắm chặt tay anh Bằng, tưởng như nghe rõ cả những tiếng động
ngói rất nhẹ bên ngoài cửa sổ. Vinh bắt đầu vừa tiến đến cửa sổ vừa hát. Đó là
cách báo cho bé Hùng biết ai sắp đến gần nó. Vinh quá xúc động... Nó hát sai
lung tung. Bài ca lại ngộ nghĩnh: "Đêm trời mưa vợ chồng ếch cãi
nhau... Cứ chuộc ư ừ! Chẳng chuộc ư ừ!..." nó bắt chước tiếng ếch!
Vinh vừa hát vừa thở hổn hển. Nó hát lớn dần, không tự nhiên chút nào. Nhưng nhờ
vậy, tiếng chân của thầy Toán bị che lấp.
Tôi tưởng như nghe rõ cả tiếng những ngón tay của Vinh chạm
nhẹ lên thành cửa sổ. Tiếng hát Vinh nhỏ dần, bình tĩnh hơn. Có lẽ nó đã mở rộng
cửa. Một luồng gió lạnh lùa vào cùng tiếng cánh cửa gỗ chạm tường. Anh Bằng kéo
tôi đến gần cửa sổ một cách thận trọng.
Chúng tôi chờ đợi. Vinh đã đổi bài ca khác, nó đập tay nhè nhẹ
lên thành cửa sổ làm nhịp. Với chiều cao của nó, nó phải đứng lên một đầu giường
nào đó mới có thể tì ngực lên khung cửa.
Tiếng nói mà chúng tôi chờ đợi nổi lên như tiếng thì thầm từ
bên ngoài vọng vào. Phải lắng tai chú ý hết sức mới nghe được :
- Vinh ơi. Anh San ngủ chưa?
Vinh chưa hết lúng túng, hoảng hốt. Nó yên lặng một lúc mới
nói vội vã :
- Ngủ rồi. Anh ấy ngủ rồi.
- Thật không?
- Thật mà. Mày vô đi. Đừng trốn ngoài đó nữa.
Có tiếng chân đạp róc rách trên ngói. Giọng bé Hùng vẫn như
thì thầm :
- Tao đang đói bụng. Mày kéo giùm một tay cho tao vô được
không?
Ngói róc rách mạnh hơn. Bé Hùng chợt hét lên một tiếng cùng với
tiếng vài người reo :
- Được rồi!
Thầy Toán la :
- Muốn chết hay sao mà trèo ra ngoài đó.
Tiếng bé Hùng cuống quýt bên trong cửa sổ :
- Anh San muốn đánh con.
Từ dưới sân vọng lên tiếng thầy giám thị già :
- Thôi, anh em cuốn chăn lại được rồi.
Phòng ngủ ồn lên tiếng hỏi han, bàn luận. Thầy Toán nói :
- Khuya rồi. Về giường ngủ hết.
Thầy đưa bé Hùng về tận chỗ nằm của nó.
Khi đã hiểu chuyện, anh San không nói gì. Mãi đến lúc tôi nằm
xuống giường sắp ngủ, anh mới gọi :
- Thương ơi! Sang đây ngồi nói chuyện một lát.
Tôi chiều ý anh. Được kể nỗi bực dọc của mình cũng là một
cách giảm bớt cơn sầu muộn. Anh San nói :
- Cậu nghĩ kỹ coi. Quỳnh có trở lại đây không?
- Có thể vài tuần nữa cô ấy sẽ trở lại.
- Tôi thì tôi sợ Quỳnh bỏ đi luôn.
Và, không cần đợi tôi hỏi, anh San chậm rãi kể lại một mạch :
- Quỳnh là tất cả nguồn hy vọng của mình trong bấy lâu nay.
Những dự định của mình đáng lẽ mình không nói lại cho các cậu nghe. Nhưng giờ,
chuyện đã xảy ra thế, giấu cũng vô ích, mình nói lại với cậu cho hả. Đã từ lâu
mình mơ đến một trang trại dành riêng cho người mù. Trại giống như một ngôi
làng nhỏ. Học hết năm năm ở trường chúng mình sẽ không còn bơ vơ. Sau này,
chúng mình sẽ quy tụ cả ở đấy. Ai biết nghề gì làm nghề đó. Chỉ cần ba bốn người
sáng giúp đỡ mình trong công việc giao dịch, buôn bán những sản phẩm tiểu công
nghệ.
Tôi hỏi :
- Hình như Hội Bạn Người Mù cũng làm việc ấy?
- Cậu đã đến thăm trụ sở của hội này chưa?
- Chưa.
- Thế thì biết gì mà nói. Hội này chỉ thu nhận được một số
người mù quá ít. Tôi đã đến đó vài lần. Học viên cũng chỉ được học vài nghề
quanh quẩn như mình. Có một nghề mới là nghề sửa đàn dương cầm. Người dạy nghề
này là một giáo sư già tận tâm, rất có tài. Nhưng muốn theo nghề đó mình phải
có chút vốn kiến thức về nhạc. Vả lại, khi thành nghề rồi mình đã chắc gì được
no đủ. Cả đô thành Sài Gòn này có bao nhiêu cái đàn dương cầm? Chờ bao nhiêu
năm mới có một cái hỏng cho mình chữa? Nghề thêu đan coi mòi làm ăn khá thì lại
chỉ có đàn bà làm được. Đời sống các chị mù chuyên đan, dệt cũng không tốt đẹp
gì. Ngày ngày các chị phải đi từ nhà đến Hội làm việc. Nhiều chị ở tận bên Thị
Nghè, đi bộ vài cây số mới tới bến xe buýt. Rồi chờ, đợi lần mò lên xuống sao
cho khỏi vấp ngã. Cậu đi xe buýt chưa?
- Rồi.
- Đó. Nhiều khi mình rờ mãi mới kiếm ra cái cửa xe. Đi lại lận
đận lao đao như vậy cũng chỉ kiếm đủ ăn. Nhiều học viên phải đi bán xổ số kiếm
thêm tiền, sung sướng gì. Tôi ước ao người mù có một chỗ ở nhất định, hợp thành
thế giới nhỏ, giúp đỡ khuyến khích nhau. Được làm việc ngay tại nơi mình ở là tốt
nhất.
- Lỡ có người không muốn ở chung như thế, thì sao?
- Người nào có tài kiếm được nhà ở riêng thì cứ việc tách ra.
Nhưng cậu nghĩ coi, trường này có mấy người có tương lai tốt đẹp? Chỉ mấy anh
có biệt tài về âm nhạc là hy vọng tìm được việc làm nhiều tiền. Còn lũ chúng
mình! Như tôi với cậu chẳng hạn. Bị thẩy ra đường, mình chỉ có cách sống bám
vào gia đình hoặc đi ăn xin!
Tôi suy nghĩ mãi về những điều đó. Cậu tưởng xin được vào trường
là đủ yên bụng rồi sao. Tôi không hiểu các cậu nghĩ thế nào. Riêng tôi, tôi cho
rằng: sự thiếu may mắn của chúng mình chỉ là khí giới kêu gọi tình thương của mọi
người chứ không phải là sức mạnh. Bây giờ chúng ta đang sống bấp bênh trên sự
giúp đỡ của tình thương. Phải lợi dụng thời gian này để tạo sức mạnh, chiếm lấy
một chỗ đứng đàng hoàng trong đời. Có nơi cư ngụ, có việc làm rồi, mình tha hồ
chứng tỏ mình có khả năng, mình là những con người hữu ích. Mình sẽ không phải
đứng bên lề xã hội để xin xỏ tình thương.
Tôi đã nói ước vọng ấy cho Quỳnh nghe. Quỳnh hết sức sốt sắng
muốn giúp mình thực hiện một phần nào. Cô ấy có nhiều bạn. Họ họp nhau nhiều lần
bàn luận, tìm những người hảo tâm có thể giúp người mù một mảnh đất rộng, ở
vùng ngoại ô cũng được. Hình như Quỳnh đã kiếm được một nhà sư bằng lòng cho
chúng mình mảnh đất ở sau chùa. Mảnh đất đó hơi hẹp. Quỳnh muốn mua thêm ít đất
ruộng nữa. Người chủ ruộng tỏ ra không khó tính lắm. Quỳnh đang bắt liên lạc với
vài cơ quan từ thiện để xoay tiền mua ruộng. Đến đây, việc giấy tờ hơi trục trặc.
Quỳnh không thể nhân danh một đoàn thể nào để làm việc đó. Tôi tin rằng Quỳnh
đã mệt mỏi và chán nản lắm rồi. Cô ấy bỏ bao nhiêu thì giờ để giúp mình. Bây giờ,
lại gặp chuyện bực bội thế này, chắc sẽ bỏ rơi tất cả cho khỏe.
Sự buồn rầu làm cho giọng anh San càng lúc càng trầm xuống, uể
oải tuyệt vọng. Tôi không biết an ủi anh bằng cách nào. Tôi cảm thấy anh ta già
dặn hơn với những ý nghĩ hoàn toàn lạ lùng đối với tôi. Trong lúc nghe anh, tôi
quên hẳn câu chuyện hồi chiều. Trở lại giường nằm, tôi thao thức mãi. Thỉnh thoảng
anh San cũng cựa mình thở dài.
Tôi nghĩ đến Thịnh-hoàng-tử và cái kèn, tôi nghĩ đến anh Bằng,
anh Thảo chăm chỉ đi học nhạc. Vân hiền lành ôm mộng đi bói. Mọi người quanh
tôi đang vùng vẫy, cố gắng để vượt lên. Anh San từ bao ngày nay đã âm thầm sửa
soạn để có thể bước những bước vững chắc vào tương lai.
Chính sự không may của anh San lại đem đến cho tôi những ý
nghĩ mới, đầy nhiệt thành, hăng hái. Than thở hình như là cách tự vuốt ve nỗi
khổ. Đêm ngủ gặp ác mộng mình có thể thoát ra bằng cách tỉnh dậy. Nhưng nếu thực
tại chính là ác mộng mình không thể trốn nó bằng cách ngủ. Vậy mà có lẽ tôi đã
ngủ nhiều năm, ngủ mê mệt trong lời ru của một bài ca tuyệt vọng. Tôi thiết tha
muốn tạo cho mình cái sức mạnh mà anh San đã nói. Một người không thể tìm nơi
trú ngụ vĩnh viễn ở tình thương của đồng loại. Đứng trong lòng vực sâu tăm tối,
tôi hiểu rằng trên kia còn nhiều chỗ đứng sáng sủa chờ tôi leo lên.
Tôi cảm thấy cái thú của khoảnh khắc có những ý nghĩ lạc
quan. Tôi nhớ đến một câu nói của anh Phong: "Ngay trong giây phút hấp hối,
nhiều người vẫn còn đủ sức gửi lại cho đồng loại một ý tưởng quý giá". Niềm
hy vọng xôn xao đi trong huyết quản. Niềm hy vọng lan tỏa thật xa như tấm chăn
dịu dàng, mát mẻ của đêm khuya đã trùm lên tôi. Tôi tưởng đang nghe rõ ràng từng
tiếng thở của anh em, bạn bè. Một tiếng nói mơ ú ớ vô nghĩa nổi lên ở đâu đó, với
tôi lại dễ thương như hơi thở nóng của một người bạn thân. Tôi muốn được nắm
tay tất cả mọi người trên địa cầu.
Nữ ca sĩ Hồng Châu đem lại cho chúng tôi một buổi chiều vui.
Chúng tôi đã nghe cô hát nhiều lần ở chiếc máy thâu thanh đặt ở nhà chơi. Máy
cũ âm thanh khàn khàn. Thường thường ca sĩ nào hát vào đó thì cũng thành ra dở
hết. Nhưng Hồng Châu có một giọng ca đặc biệt. Chữ đầu của câu hát bao giờ cũng
mạnh mẽ, tha thiết, rồi lời ca nhẹ dần, xa dần. Chúng tôi hay buồn nên rất yêu
giọng ca đó.
Anh Phong cho tôi biết là anh quen Hồng Châu, có thể mời cô đến
trường. Thế rồi, bất ngờ, anh Phong đưa cô ấy đến, không báo trước. Gặp chiều
thứ bảy, khách đông, chúng tôi mời tất cả xuống phòng nhạc. Cuộc vui được tổ chức
hơi vội vàng, luộm thuộm, nhưng mọi người đều hân hoan.
Ông giám thị Toán và anh Phong giúp chúng tôi kê mấy hàng ghế
dài gần sân khấu. Sân khấu là một cái bục gỗ cao rộng, không có màn che. Đối với
chúng tôi một sân khấu thô sơ như thế là đủ. Loại màn ngăn giữa khán giả và sân
khấu chỉ cần thiết vào những dịp khán giả sáng mắt quá đông đảo.
Tôi ngồi ở hàng ghê đầu, hai bàn tay đặt lên mép sân khấu. Thịnh
ngồi tì khuỷu tay lên vai tôi. Lúc này, hình như mọi người không còn vây quanh
ca sĩ Hồng Châu để hỏi han. Tôi nghe rõ tiếng chân cô đi lại chầm chậm trên sân
khấu. Tiếng giày của anh Phong đôi lúc cũng khua lên một cách vội vàng trên mặt
gỗ. Chắc anh đang giúp anh Bằng và ban nhạc đem đàn, trống từ tủ ra. Cô Hồng
Châu nói :
- Nhạc khí ở đây cũng nhiều đấy chứ.
Anh Phong :
- Ở đây có cả một ban nhạc mà.
Anh Bằng vừa nói vừa cười :
- Càng nhiều nhạc khí càng lộn xộn, khó hòa hợp nhau. Chúng
em toàn là những nhạc công tài tử.
Cô Hồng Châu cười :
- Các bạn khiêm nhường quá.
- Thật mà. Lát nữa nếu lời ca, tiếng đàn bỏ rơi nhau, cái đi
trước, cái đi sau thì chị đừng buồn nghe.
Tiếng dương cầm bên cửa sổ vang lên vài âm thanh thánh thót.
Chúng tôi lắng tai nghe, chờ đợi. Ban nhạc ngồi quanh sân khấu cũng đang thử
dây đàn. Hình như phòng nhạc đang rộng dần ra để đón cơn mưa âm thanh.
Thịnh ghé tai tôi nói nhỏ :
- Trời ơi! Giá mình được sáng mắt một lúc để coi mặt cô Hồng
Châu và coi mọi cảnh trong phòng thì sướng quá.
- Thế thì thích chết được.
- Chỉ cần sáng mắt một phút thôi.
- Ờ một phút thôi. Mình nhìn thật lẹ.
- Sau đó, mình có mù lại, mình vẫn nhớ hoài hoài nhỉ.
Ban nhạc hòa tấu một đoạn nhạc ngắn như để làm quen với nhịp
điệu. Thỉnh thoảng một tiếng trống quá lớn bật lên làm tôi giật mình. Anh Bằng
hét :
- Quỳnh nhỏ! Đập nhẹ tay thôi chứ.
Anh Phong vui vẻ :
- Thưa quý vị, màn đã mở, cuộc vui giản dị của chúng ta bắt đầu.
Cô Hồng Châu :
- Anh Phong này, em nên hát bài gì bây giờ?
- Hát bài nào Châu thích nhất.
- "Về đâu mái tóc người thương" nhé?
Câu nói hơi lớn như dành cho cả chúng tôi. Lập tức chúng tôi
cùng vỗ tay. Như được lệnh, ban nhạc dạo khúc mở đầu.
Và tiếng hát của người ca sĩ lừng danh vang lên trong căn
phòng nghèo nàn. Lời hát, giọng ca buồn diễn tả một mối tình tuyệt vọng với nỗi
thương tiếc khôn nguôi. Máy vi âm tốt, tiếng ca như dòng suối mát chảy qua tâm
hồn. Tôi vừa cảm động vừa kiêu hãnh. Những đoạn cô Hồng Châu ngân quá dài, Thịnh
tỏ lộ sự cảm phục của nó bằng cách đập cùi chỏ lên vai tôi.
Khi bài ca đầu tiên chấm dứt, chúng tôi nhao nhao yêu cầu những
bài chúng tôi thích. Cô Hồng Châu hát liên tiếp sáu bài liền. Anh Phong phải
kêu lên :
- Thôi, nghỉ đi một chút đã. Ghế đây.
Tiếng cô Hồng Châu rời xa máy vi âm, nhỏ đi :
- Em muốn hát mãi. Chưa bao giờ em được đứng hát trước những
thính giả đặc biệt, hiền hậu và dễ thương như ở đây.
Sinh lên tiếng :
- Chị Hồng Châu nghỉ mệt. Anh Phong ngâm thơ đi.
Anh Phong cười :
- Sao lại có đề nghị dại dột thế. Vừa uống nước đường xong ai
lại ăn chanh.
Anh chưa nói hết câu, chúng tôi đã vỗ tay và gào: "Anh
Phong ngâm thơ! Anh Phong ngâm thơ!" Không phải là lời yêu cầu mà chính sự
hân hoan của chúng tôi đã khiến anh Phong không thể từ chối. Đến trước máy vi
âm, bằng một giọng ngượng nghịu, anh ngâm một bài thơ ngắn. Ngâm xong, anh kết
luận: "Bây giờ quý vị đã biết là mình dại rồi chứ!"
Giữa lúc đó một bàn tay đặt nhẹ nhàng lên vai tôi :
- Chiều nay vui quá, Thương nhỉ?
Giọng nói của chị Kim. Tôi vội vã quay lại và có ý muốn đứng
lên :
- A, chị Kim. Chị đến hồi nào vậy?
- Lâu rồi.
- Chị được nghe từ đầu chứ?
- Chị đến khi cô Hồng Châu vừa hát xong bản "Về đâu
mái tóc người thương".
- Cô ấy hát hay quá chị nhỉ? Cô ấy có đẹp không chị?
- Đẹp lắm.
- Chị tả hình dáng của cô ấy cho em nghe đi.
- Cô Hồng Châu cao, hơi gầy, tóc để dài, không trang điểm quá
nhiều như các ca sĩ khác...
Chị Kim ngừng lại suy nghĩ, chắc để tìm những lời tôi có thể
hiểu. Nhưng tôi chỉ cần biết thế. Tôi hỏi :
- Anh Phong biết chị đến chưa?
- Chưa.
- Ủa, vậy ở đây đông lắm sao?
- Không đông lắm. Nhưng có lẽ đối với anh Phong một mình cô Hồng
Châu đủ làm đầy phòng nhạc rồi.
Tôi có cảm tưởng chị Kim vừa nói vừa mỉm cười.
Cô Hồng Châu đã trở lại máy vi âm :
- Tôi muốn được ở đây thật lâu. Nhưng tiếc quá, tôi phải trở
về đài phát thanh bây giờ. Trước khi từ biệt, tôi xin hát tặng các bạn một bản
nữa.
Bàn tay chị Kim rời khỏi vai tôi. Nhạc và lời ca lại làm chủ
căn phòng.
Khi cô Hồng Châu ra về, chúng tôi cùng đứng dậy đưa tiễn ra tận
cổng. Mỗi đứa đều muốn hỏi một câu. Để trả lời, nhiều khi cô chỉ cười.
Cô nói với anh Bằng :
- Ban nhạc của nhà trường hay lắm. Anh đàn dương cầm tên gì
nhỉ?
- Hắn tên là Thảo.
- Anh và anh Thảo có chơi ở một ban nhạc nào không?
- Dạ, không.
- Uổng quá. Nếu hai anh bằng lòng tôi có thể giới thiệu hai
anh với một ông trưởng ban ở đài, ông ta đang cần tuyển thêm nhạc công.
Chắc nghe câu đề nghị này anh Bằng vui lắm.
Tôi cũng hân hoan nhớ lại.ước vọng của mình. Lát nữa tôi sẽ hỏi
ý kiến anh Phong. Đến cổng, Sinh nói to :
- Chị Hồng Châu tới thăm chúng em luôn nhé.
- Vâng. Và lần sau các bạn phải hát cho tôi nghe với đấy.
Chúng tôi dừng lại. Anh Phong bước thêm mấy bước ra khỏi cổng,
theo chị Hồng Châu. Câu chuyện bắt đầu có tính cách riêng tư giữa hai người.
- Anh cảm ơn Châu nhiều lắm.
- Em cũng muốn tới đây hát cho các bạn mù nghe mà.
Hai người đi xa dần. Anh Phong cất tiếng gọi xe. Cuộc vui kéo
dài qua cả giờ cơm. Chắc lúc này các bạn tôi mới tụ tập ở phòng ăn. Tôi đứng tựa
vào cánh cửa gỗ. Thỉnh thoảng vài chị bên lưu xá đi qua khung cửa nhỏ về trường.
Câu chuyện của họ vẫn xoay quanh giọng ca và sắc đẹp của cô Hồng Châu.
Anh Phong trở lại trường nắm tay tôi :
- Hài lòng chưa cậu?
- Vui quá anh.
- Giờ thì đi ăn cơm chứ. Tôi cũng phải đi một lát.
- Anh trở lại ngay nhé. Em có nhiều chuyện muốn nói với anh.
- Hôm nay tôi sẽ ở lại với cậu thật khuya. Ông giám thị trẻ
trực mà.
Chọt nhớ đến chị Kim, tôi hỏi :
- Anh gặp chị Kim chưa?
- Kim cũng đến sao?
- Chị ấy đến từ hồi chiều.
Anh Phong yên lặng một lúc, rồi nói :
- Thôi, cậu đi ăn cơm cho kịp.
Tôi quay vào phòng ăn. Bữa cơm đã đến giai đoạn cuối. Hôm nay
đặc biệt có món trái cây tráng miệng. Đó là quà ông hiệu trưởng mua về cho
chúng tôi. Mỗi lần có dịp đi xa ông lại nhớ đến chúng tôi bằng cách ấy. Tôi ăn
rất nhanh rồi lên phòng khách ngồi. Một lát sau anh San và bé Hùng đến ngồi cạnh
tôi. Hai người đang tranh luận về một vấn đề gì đó. Anh San nói :
- Mày thua rồi.
Bé Hùng cãi :
- Chờ lát nữa coi. Biết đâu.
- Thôi đừng cãi bướng, chịu thua đi.
- Còn sớm mà.
- Bây giờ mà còn sớm gì? Đưa tai đây tao búng cho rồi.
Bé Hùng kêu ré lên, cái ghế dài chúng tôi ngồi lung lay vì nó
giẫy quá mạnh :
- Anh búng nhẹ thôi nghe.
- Được rồi. Một này...
- Ui da!
- Hai này.
- Ui da!
- Thôi, cho mày chịu tám cái. Lâu lâu buồn tay tao sẽ búng dần.
- Anh này ác. Búng muốn rớt tai luôn...
Bé Hùng không nói hết câu. Một tiếng guốc đạp lạo xạo nhè nhẹ
ở phía cổng trường. Tiếng guốc khoan thai. Mỗi bước chân tạo trên sỏi một âm
thanh kéo hơi dài. Tôi nghĩ đó là bước đi của một người đang rón rén tiến tới,
hoặc quá mập mạp. Anh San thở dài :
- Không phải mà.
Bé Hùng vẫn yên lặng. Tiếng chân bước lên hành lang, xa dần.
Bé Hùng nói :
- Trời! Tưởng chị ấy vô thiệt! Em sẽ búng lại anh mười cái,
à, mười hai cái chứ.
- Tuần sau liệu Quỳnh có đến không nhỉ?
- Chắc mà.
- Chắc gì?
- Tuần sau nhất định chị Quỳnh phải đến.
- Dám cá nữa không?
- Cá liền.
- Mấy búng tai?
- Mười.
- Mười ít quá. Hai chục.
- Rồi. Hai chục.
- Mẹ kiếp! Thằng này hăng quá xá.
- Em đã nhờ chị Hoài bên lưu xá kiếm chị ấy xin lỗi giùm. Thế
nào chị ấy cũng hết giận mà.
Cả hai yên lặng. Tôi muốn lên tiếng lại thôi. Chợt anh San,
trong lúc đứng dậy đã chạm tay vào vai tôi.
- Thương hả?
- Vâng.
- Hồi chiều cô Hồng Châu đến ca hát vui lắm phải không?
- Ủa, anh không nghe sao?
- Đâu có nghe gì. Thằng quỷ này nhất định cá là hôm nay Quỳnh
đến trường. Hai đứa ngồi đây chờ đã đời. uổng quá.
Anh San nói với bé Hùng :
- Thôi. Tụi mình đi dạo một vòng.
Giọng nói của anh San trầm tĩnh, có lúc như hơi mệt mỏi. Hình
như anh vẫn còn nuôi một chút hy vọng và mệt mỏi vì chút hy vọng đó. Sau vụ lộn
xộn không hiểu sao anh San và bé Hùng lại luôn luôn đi với nhau. Hay đó là cách
duy nhất giúp anh được nghe nói nhiều về Quỳnh? Cả hai đã ngồi suốt buổi chiều ở
phòng khách để đợi, không tham dự cuộc vui.
Anh Phong trở lại trường với một gói khô mực nướng. Hôm nay
ông giám thị trông coi là người dễ tính. Bạn bè chúng tôi có thể ở lại trường
thật khuya. Sân sau trường hồi này cỏ mọc cao. Chúng tôi trải giấy báo ngồi
thành từng nhóm bốn, năm người.
Anh Phong, anh Bằng và tôi chiếm một chỗ cỏ mọc dầy gần cửa
phòng nhạc. Đêm mát, cỏ thơm. Mùi mực nướng còn thơm hơn. Gió thổi đều như
không bao giờ dứt. Nhờ gió tôi cảm thấy bãi cỏ rộng mênh mông. Bóng tối bớt nặng
nề.
Sự vui mừng cùng nỗi buồn đã hòa hợp gây nên một cảm giác
lâng lâng dễ chịu. Thỉnh thoảng, một con vật nhỏ bé từ lá cỏ bò lên chân tôi.
Tôi gạt nó đi rất chậm để khỏi làm nó phật lòng. Trong đêm mát, bóng tối mà tôi
thù ghét trong bao nhiêu năm không còn vẻ bí mật, đe dọa. Có lúc tôi hân hoan tỉnh
táo như bóng tối đã rút lui ra khỏi khoảng sân cỏ. Tôi cảm thấy được cả những cử
động của anh Phong. Tôi rất gần gũi mọi người. Bốn giác quan còn lại của tôi
tinh tế hơn? Hay những cái tôi đang cảm thấy, biết chắc, chỉ là một sản phẩm của
đêm khuya, gió mát và nguồn hy vọng đang lớn dần?
Tuy vậy, khi nói về ước vọng của mình cho anh Phong nghe, tôi
hơi ấp úng :
- Em muốn học đàn hoặc hát. Mở đầu việc học chắc sẽ khó khăn
lắm, nhưng em nhất định cố gắng. Anh giúp em được không?
Anh Phong đặt một tay lên vai tôi :
- Hoan nghênh! Bắt đầu tính chuyện làm ăn rồi đấy hả?
- Em... em chỉ muốn có một nghề. Những nghề nhà trường dạy
không hứa hẹn gì. Khi ra khỏi trường em chưa biết sống bằng cách nào.
Bàn tay anh Phong bóp mạnh vai tôi :
- Nhiều lần anh muốn bảo Thương điều đó. Nhưng Thương hay tỏ
ra buồn rầu, thất vọng. Anh sợ, ở tình trạng thiếu hăng hái, Thương không thích
nghe chuyện làm ăn...
Anh Phong nhắc lại cho tôi nhớ những thành tích mà người mù
đã đạt được. Anh cố gắng giảng cho tôi hiểu là với bốn giác quan, nếu chịu phấn
đấu, tôi vẫn có thể tìm được một chỗ đứng tốt đẹp trong xã hội. Có nhiều người
bình thường đã để cho cả năm giác quan hoạt động một cách lười biếng và ít khi
thưởng thức nổi hạnh phúc của chính mình.
Anh Phong nói rất nhiều. Anh còn chỉ trích cả cái tính ưa sầu
não của tôi. Những lời khuyến khích hay trách móc đều đem lại cho tôi sự tin tưởng,
niềm hân hoan. Tôi chẳng biết có đi tới đích không, nhưng điều quan trọng là phải
vượt khỏi vị trí hiện tại của mình. Tôi hỏi :
- Em nên học đàn hay học hát?
- Cả hai cũng được. Khi biết chắc mình thích và có năng khiếu
về nghề nào, Thương sẽ chuyên về môn đó.
Anh Phong nói với anh Bằng :
- Khi rảnh Bằng nên tập hát cho các bạn.
Anh Bằng cười to :
- Thường thường tụi nó lười lắm anh. Mấy cậu còn nhỏ thì chỉ
lo nghịch ngợm.
Tôi cãi :
- Em khác. Em sẽ học tập thật chăm.
Anh Bằng bắt đầu ôm đàn gẩy liên tiếp mấy bài. Trong tiếng
đàn cũng có những âm thanh mạnh mẽ, đột ngột, hào hứng. Tôi và anh Phong tiếp tục
nhai khô mực. Bỗng anh Phong nói nhỏ :
- Kim!
- Chị Kim trở lại sao anh?
Tôi lắng tai nghe. Anh Bằng ngừng đàn. Những tiếng hát, tiếng
cười của các nhóm khác vẫn vang lên trên sân cỏ, che lấp tiếng chân đi. Một lát
sau tôi mới nghe cỏ động và chị Kim lên tiếng :
- Cho tôi chung vui với nhé.
Tôi và anh Bằng cùng reo lên để chào. Anh Phong nói :
- Điều kiện tiên quyết để nhập bọn là phải có một hàm răng tốt.
Nhai thử đi.
- Khô mực hả anh?
- Ngồi xuống đây đã.
Anh Phong trải một tờ giấy xuống cỏ, tôi hỏi;
- Hồi nãy chị Kim ở đâu?
- Tôi về nhà ăn cơm.
- Chị hát cho chúng em nghe đi.
- Thôi mà. Vừa nghe cô Hồng Châu hát rồi còn gì. Bây giờ bắt
anh Phong kể chuyện đi.
Anh Phong :
- Chuyện gì bây giờ?
- Chuyện tình cảm. Thí dụ anh cho chúng em biết anh quen cô Hồng
Châu trong trường hợp nào?
Tôi lại có cảm tưởng chị Kim vừa nói vừa mỉm cười. Câu nói hồi
phục cả cuộc vui buổi chiều.
Anh Bằng nói :
- Phải đó. Anh Phong nói chuyện tình cảm đi. Nghe chuyện thực
của đời sống thích hơn.
Anh Phong có ý muốn từ chối :
- Chuyện tình cảm thường chỉ hay với người trong cuộc.
- Em thích nghe chuyện tình cảm như thích học hỏi. Anh cũng
biết là ở tuổi em, nếu bình thường, người ta đã có một số vốn kinh nghiệm về
tình yêu rồi. Đối với em, thế giới đầy tăm tối. Chuyện tình yêu càng chìm trong
bóng tối nhiều hơn.
Giọng anh Bằng nghiêm trang, hơi buồn. Tự nhiên tôi cũng mong
anh Phong nói chuyện tình cảm. Tôi vừa tò mò vừa bực bội vì những điều mình biết
quá ít. Chắc cảm giác đó còn hành hạ anh Bằng nhiều hơn. Anh đã lớn, thế giới
hiểu biết của anh cần được mở rộng mãi. Anh Phong vẫn tìm cách từ chối :
- Nhưng cậu Thương thì bé quá, làm sao nghe được.
Chị Kim đáp giùm tôi :
- Những điều anh kể ba bốn năm nữa Thương cũng sẽ muốn biết.
Vậy Thương nghe sớm một chút cũng không sao. Vả lại, chuyện tình cảm giữa anh
và cô Hồng Châu chắc cũng chả có gì quan trọng cần giấu diếm.
- Điều đáng giấu diếm nhất chỉ là những điều phải nói về cái
tôi. Tại sao Kim lại thích nghe loại chuyện lẩm cẩm đó?
Chị Kim yên lặng một lúc lâu. Sự yên tĩnh quá đột ngột làm
cho những câu nói vui vẻ, chen chúc nhau ở xa cũng bỗng mang vẻ ngỡ ngàng. Rồi
giọng chị Kim trở nên xúc động lạ lùng. Cả câu nói như lẫn trong một hơi thở
dài :
- Em quý mến cô Hồng Châu nên muốn được biết thêm về cô ấy. Đối
với em, những người yêu cô ấy đều dễ thương và người được cô ấy yêu là người
phi thường.
- Anh không phải là người phi thường.
- Anh tỏ tình với cô ấy chưa?
Giọng chị Kim đã trở lại bình tĩnh, hơi giễu cợt. Anh Phong
đáp gọn :
- Rồi.
- Anh kể chuyện đó đi.
- Anh quỳ xuống chân nàng và nói: "Hỡi cô nương! Hỡi lý
do vui sống của đời tôi! Tôi xin cúi đầu dâng lên cô nương một tình yêu chân
thành". Nàng phán: "Ta là nữ thần của ca nhạc. Muốn phục vụ ta nhà
ngươi phải trở về học đàn, học nhạc cho thật giỏi". Anh vội vã ra về tìm thầy
học nhạc. Khi anh đọc thông được từ nốt "đô" cho đến nốt
"si" thì nàng đã yêu một người khác. Từ ngày đó anh thâm thù ca nhạc,
thề rằng mỗi khi gẩy đàn sẽ gẩy sai để giết chết các âm thanh.
- Anh lại đùa rồi.
- Kim muốn anh kể thế nào?
Chị Kim yên lặng. Cây đàn của anh Bằng chợt bật lên vài tiếng
vu vơ. Âm thanh hỗn độn như có một bàn tay vô tình vừa chạm lướt trên sáu sợi
dây căng.
Đối với tôi nhiều lúc câu nói của hai người thật khó hiểu.
Nhưng giọng nói dịu dàng của họ gây cho tôi một cảm giác bâng khuâng, dễ chịu.
Tôi tưởng như đang sống gần gũi mọi người trong một giấc mơ êm đềm. Tôi quý mến
anh Phong, chị Kim. Mỗi lần có dịp biết thêm về hai người là tôi sung sướng.
Hình như sân cỏ lúc này đã vắng. Tôi không còn nghe tiếng cười
nói. Tiếng máy chạy, tiếng xe cộ vẳng lại lẫn trong tiếng lá cây reo ở khu vườn
phía nhà ông hiệu trưởng. Tiếng đàn của anh Bằng lại vang lên. Chị Kim nói :
- Khuya rồi.
Đúng lúc đó tiếng chuông giục học sinh đi ngủ vang lên. Chúng
tôi đứng dậy. Trước khi tạm biệt, anh Phong bảo tôi :
- Nhớ kỹ quyết định hôm nay đấy nhé.
Tôi và anh Bằng tiễn hai người ra tới cửa. Khi trở vào, anh Bằng
nắm tay tôi như có ý muốn dắt đi. Chúng tôi bước chầm chậm lên cầu thang. Buổi
chiều đầy ắp những kỷ niệm vui. Tôi nhớ lại tiếng ca của cô Hồng Châu, những
câu nói giữa anh Phong và chị Kim. Tôi nhớ lại giây phút ngồi quây quần với ba
người trên sân cỏ. Có lẽ tôi sẽ thức khuya. Quá khứ sẽ xô về làm xao động cả một
đêm yên tĩnh. Vả lại, tôi còn phải suy nghĩ và xây nhiều giấc mộng cho tương
lai.
° ° °
Tôi bước vào phòng khách. Người đến thăm tôi một cách bất ngờ
là Lĩnh. Chúng tôi nắm cổ tay, vỗ vai nhau. Lĩnh vẫn gầy nhưng cao hơn trước
nhiều. Giọng nói của hắn thì không thay đổi. Cái áo hắn mặc được là cứng, thẳng
nếp. Lĩnh nói ngay :
- Trường này bày đặt kỷ luật lôi thôi quá. Tao đến thăm mày một
lần rồi mà người ta không cho tao vào. Hôm đó là thứ ba. Một ông nào đó bảo
tao: "Cấm thăm học sinh vào ngày thường".
- Kỷ luật sắt mà.
- Hồi này mày mập ra nhiều đấy.
- Mày thì cao hơn.
- Dòng họ nhà tao có giống phát triển theo chiều dọc. Cha tao
bảo tao còn phải cao năm phân nữa rồi mới bắt đầu mập. Mày sống ở đây có dễ chịu
không?
- Ăn, học, ngủ đều đều, dễ chịu và hơi buồn.
- Học được nghề gì rồi?
- Làm bàn chải.
- Mẹ kiếp! Tao thấy ông mù nào cũng khoe học được nghề làm
bàn chải. Bộ chỉ có nghề đó nuôi sống nổi mình thôi sao?
- Thiếu gì người học được nghề khác. Nhưng họ không học ở
đây. Thế mày học được nghề gì rồi?
- Tao học tiếng Anh. Gia đình tao sẽ cho tao đi ngoại quốc,
tiếp tục học ở những trường lớn dành cho người mù. Ít lâu nữa tao sẽ nói tiếng
Anh như gió.
- Mày thật may mắn vì được sinh ra trong một gia đình giầu
có.
- Tao cũng có nhiều nỗi khổ lắm. Nhưng tao không thích buồn...
- Mày trở lại thăm trường nữ chưa?
- Có vài lần. Nghe các sơ kể lại thành tích của mình mà mắc cỡ
quá. Các sơ cũng có nhắc tới mày và thằng Vân... à, chừng nào Vân mới về trường?
- Nó đi bán xổ số, chắc tối mới về.
- Tiếc quá, thế thì tao không gặp được nó. Các sơ bên trường
nữ khen mày và thằng Vân ngoan. Hồi ấy tao nghịch thật, cái gì cũng muốn tháo
ra rờ mó các bộ phận bên trong.
- Đáng lẽ mày nên học về máy móc.
- Tao có thử nghề đó rồi. Nguy hiểm lắm. Tụi mình không theo
nổi đâu. Ở Hội Bạn Người Mù có một cái máy in chữ nổi, tao tập điều khiển mãi
chưa xong.
- Chán quá. Không hiểu khi hết thời hạn ở trường này tao sẽ sống
bằng cách nào?
- Hình như có mấy vị linh mục đã định lập một trường Trung Học
cho người mù. Mày có hy vọng học cao hơn.
- Sao mày biết?
- Ít khi tao bỏ sót những tin tức liên quan đến giới mình. Một
lần tao được nghe một vị linh mục nói đại ý là để tâm lo lắng cho đời sống của
người mù. Ông bảo hiện giờ các tổ chức đều chưa được hoàn hảo. Các hội thiện chỉ
được lập ra để cho lương tâm mọi người đỡ bị cắn rứt. Vả lại, nước mình cũng bê
bối quá đi. Nơi nào cũng có nỗi khổ hết.
- Như thế mình phải chờ cho đến lúc thanh bình mới được săn
sóc hay sao?
- Lúc nào mình cũng có quyền tranh đấu cho quyền lợi của mình
hết. Nhiều khi xã hội chưa quên nhưng lại có những người muốn cho xã hội không
nhớ đến chúng ta. Theo chỗ tao biết, có một số người đã nhân danh hội thiện
này, hội thiện khác để nhận những món quà của ngoại quốc đem về xài riêng. Tệ
nhất là những người, trong khi săn sóc người mù, được xã hội cho hưởng một số
quyền lợi. Nhưng chính vì cố bám vào quyền lợi đó, họ lại lợi dụng, làm khổ người
mù. Có một hồi tao nhờ một phóng viên điều tra về nếp sống của giới mình. Ông
ta bỏ rất nhiều thời giờ đi thu thập tài liệu, định nói lên tất cả nỗi khổ và
nguyện vọng của tụi mình. Thế là ông ta bị rất nhiều người phá. Bọn này khôn
ngoan lắm. Họ không ra mặt. Họ tuyên truyền với người mù rằng: "Ông nhà
báo đó nói xấu người mù. Ông ấy viết người mù nghèo, thiếu tình thương, khổ sở
là cố ý làm cho giới mù bị khinh", thế mà nhiều người mù tin mới chết chứ.
Có bốn người đã tới tận tòa soạn tìm ông phóng viên. Họ huênh hoang bảo: muốn
viết về người mù, người ta chỉ nên nói người mù hát hay, đàn giỏi, sung sướng,
tự mãn, chẳng cần tình thương của ai hết. Và tốt hơn, đừng nên viết gì về họ cả.
Thế là ông phóng viên bực mình, ông ấy bảo: "Nếu các cậu tin rằng thế giới
của mình sáng sủa, đẹp đẽ thì tốt lắm rồi. Yên trí, về đi, tôi không viết gì nữa
đâu. Cố gắng giữ sự tin tưởng lạc quan đó nghe".
- Trời! Thế ông ấy không viết nữa sao?
- Không.
- Thế giới người mù đâu phải chỉ gồm có bốn người.
- Ông ấy biết vậy. Ông ấy lại biết rằng bọn người phá hoại hiểu
rõ tâm lý người mù, dễ khích động họ. Nhưng xã hội này còn thiếu gì chuyện để
nói. Ông ấy bực mình nên gác vụ người mù lại cho đến khi rảnh. Tao nói thế để
mày hiểu rằng mình không thể ỷ vào sự tật nguyền của mình để buông xuôi, mặc
cho người khác hướng dẫn.
- Mày khôn ngoan hơn tao nhiều, nói năng suy nghĩ như người lớn.
- Khôn ngoan thì chưa chắc đâu, nhưng suy nghĩ như một người
lớn thì đúng. Bóng tối và sự đau khổ rọi sáng cho trí tuệ mình. Phải luôn luôn
sống như một người già hơn mình năm mười tuổi. Có thế mới giữ được thăng bằng
và bớt thiệt thòi. Mày sống giữa những người đồng cảnh. Tao sống giữa gia đình,
giữa những người sáng. Nhiều lúc người ta đối với tao như đã quên hẳn rằng tao
mù. Nghĩa là họ có thể giẫm lên người mình để đi nếu mình không biết né tránh.
Tao kiêu hãnh vì được đối xử như thế. Hoặc mình trở thành người chua chát, cáu
kỉnh, hoặc mình khéo léo, bình tĩnh hơn. Có một hồi tao thèm tự tử quá.
- Mày mà cũng có lúc bi quan đến thế sao? Bây giờ thì yêu đời
rồi chứ?
- Không hẳn là yêu đời. Có điều khác hồi trước: bây giờ tao
có thể tự tử một cách dửng dưng không hồi hộp. Nói vậy thôi, chắc chẳng có nỗi
khổ nào đủ khiến mình tự giết mình. Nỗi khổ đã đến với chúng mình chầm chậm,
dai dẳng. Chúng mình quen nó quá rồi, phải không?
Càng nghe Lĩnh nói, tôi càng cảm thấy hắn khác hẳn cậu bé nghịch
ngợm trước kia. Chúng tôi mới xa nhau có mấy năm. Cổ tay hắn vẫn gầy trơ cái mấu
xương ra. Nhưng hắn đã học được biết bao nhiêu điều lạ. Câu chuyện trở lại vấn
đề du học của Lĩnh. Hắn cho biết dù là ở đâu hắn cũng vẫn nhớ đến những người bạn
mù. Nếu học hành khá, hắn sẽ trở về nước cố gắng làm một vài điều lợi ích cho
chúng tôi. Lĩnh đã viết thư làm quen được một vài người bạn ở ngoại quốc. Những
người này cũng mù, trả lời thư hắn bằng chữ nổi. Có chung một quê hương là bóng
tối, hai bên dễ dàng thông cảm và thương yêu nhau.
Trước khi ra về, Lĩnh nói :
- Từ giờ đến cuối năm, được phép xuất ngoại lúc nào là tao đi
lúc ấy. Chắc tao sẽ không kịp đến từ giã chúng mày. Tao tặng mày cái kính và gửi
tặng thằng Vân cái mũ.
Mũ bằng nỉ mềm, nhẹ. Cái kính có gọng nhỏ, tôi đeo rất vừa.
Chắc cả hai thứ đều thuộc loại tốt.
Buổi tối, Vân và Thiệp nhỏ đi bán xổ số về, hai đứa mượn cớ
sang Hội Bạn Người Mù học nghề để có thì giờ kiếm thêm tiền. Ba ngày học, ba
ngày đem xổ số đi bán. Thiệp nhỏ khoe ầm ĩ từ lúc mới bước vào đầu phòng :
- Bữa nay, tụi này gặp anh Tần. Ông ấy sang dữ, có tiền tiêu
rủng rẻng.
Anh Bằng hỏi :
- Bây giờ Tần ở đâu?
- Ở bến Hàm Tử. Ngày nào anh ấy cũng lên Sài Gòn, kiếm tiền ở
ba nơi: bến xe đò, bến xe buýt và mấy tiệm ăn ở quanh bến xe buýt. Tụi này đi
ngang qua một tiệm kem thì nghe tiếng ông ấy đàn hát. Mình nhận ra giọng anh Tần
liền. Mới đầu thằng Vân không chịu tin.
- Tao đâu có ngờ ông ấy còn ở Sài Gòn.
Anh San nói đùa :
- Ờ, đáng lẽ Tần phải ở Âm phủ chứ. Chúng mình đã đưa ma hắn
rồi mà.
Thiệp nhỏ kể tiếp :
- Gặp bọn này anh ấy mừng quýnh. Anh ấy cho cả hai đứa đi nhậu
một bữa phở no nê. Anh ấy bảo là bây giờ được một cô bao. Thế mới hách chứ. Đàn
hát chỉ là một nghề phụ, kiếm tiền hút thuốc lá, uống cà phê. Anh Tần còn mua mấy
cái xổ số của tụi này và bảo nếu trúng sẽ chia: trường mù một nửa, anh ấy một nửa.
Vân nói :
- Hôm nay ăn muốn bể bụng. Anh Tần cho ăn phở. Mẹ nuôi thằng
Thiệp lại cho ăn bún.
Thiệp nhỏ nói, giọng sung sướng, kiêu hãnh :
- Bồ Vân gặp mẹ tôi là muốn xin làm con nuôi liền. Bả tốt quá
mà. Này, nếu bồ Vân muốn kêu bả là mẹ thì phải kêu tôi là anh. Tôi xí phần trước
mà.
Từ ngày có mẹ nuôi, Thiệp nhỏ vui vẻ, yêu đời, học hành giỏi
dang hơn. Sau mấy kỳ bán xổ số hắn bỗng khoe với chúng tôi là kiếm được mẹ rồi.
Bà làm nghề bán thuốc lá ở cửa một rạp hát cải lương. Nó quả quyết nói với
chúng tôi rằng bà có giọng nói giống hệt giọng của mẹ nó. Có thể bà chính là mẹ
thật của nó. Bà thương nó như con. Khi nào Thiệp hết thời hạn ăn cơm chính phủ
bà ấy sẽ đem nó về nuôi. Mỗi lần đi bán xổ số, Thiệp nhỏ lại đến thăm mẹ. Được
mẹ nuôi vuốt tóc, hỏi han, cho ăn uống như thế nào nó đều kể hết.
Mấy đứa nhỏ khác thấy nó có mẹ thì thèm quá. Những đứa mồ côi
đều ôm mộng được đi bán xổ số để kiếm một bà mẹ.
Một lần bà ta đến tận trường kiếm Thiệp nhỏ. Nghe tin mẹ đến,
nó reo hò ầm ĩ, muốn gọi tất cả học sinh trong trường ra đón tiếp bà. Bà ta chỉ
nói chuyện chừng mấy phút rồi vội vã bỏ đi. Nhưng Thiệp nhỏ sung sướng, hát
luôn mồm suốt mấy ngày. Nó tuyên bố :
- Thế là từ nay vĩnh biệt viện mồ côi. Hè, Tết tôi về nhà mẹ
tôi.
Tôi sang giường Vân, trao lại món quà của Lĩnh. Chúng tôi
cùng vui vẻ nhắc đến người bạn cũ.
Bỗng tiếng Thịnh nổi lên ở giường tôi :
- Thương đâu rồi?
- Gì đó?
- Tập kèn.
- Còn sớm mà.
- Tập sớm rồi ngủ sớm.
Thịnh-hoàng-tử đến nắm cánh tay tôi kéo đi. Chúng tôi rón rén
đi qua phòng trực, xuống thang. Hết hành lang sau nhà chơi, tôi dừng lại. Thịnh
đi thẳng vào phòng tắm, đóng kín cửa, bắt đầu tập thổi kèn. Hôm nay ông giám thị
già trông coi trật tự. Nếu ông khám phá ra ràng chúng tôi bỏ phòng ngủ xuống
đây, chắc chắn ông sẽ nổi giận. Chúng tôi có thể bị phạt rất nặng. Bởi thế,
ngoài việc tập hát tôi còn có nhiệm vụ canh gác cho Thịnh thổi kèn.
Tôi cố tập cho thanh quản của mình quen với những nốt thật
cao. Khi ngân dài một nốt nhạc ở cao độ, giọng tôi còn bị ngắt quãng, có lúc
nghẹn lại thình lình, cổ họng, theo thói quen, thường thu lại quá nhỏ. Nhiều
khi giọng hát vụt tăng lên một bát độ, kỳ cục và thiếu tự nhiên. Nghe tôi tập
xướng thanh các nốt cao anh Bằng phê bình: "Giống tiếng chó tru!"
Nghe kèn của Thịnh, anh Thảo bảo: "Tệ hơn kèn đám ma! Đám táng anh Tần mà
có tiếng kèn này thì thê thảm biết mấy. Anh Tần có thể sợ quá mà chết thật!"
Phòng ngủ không bao giờ chịu chứa chấp tiếng kèn đám ma và tiếng chó tru. Chúng
tôi đành nhốt hai thứ tiếng đó vào phòng tắm.
Ở đây, Thịnh tha hồ thổi kèn, nhờ sự yên tĩnh, hắn lại có thể
kiểm soát được tiếng kèn của mình. Tôi thì tha hồ tru lên cho đến lúc khản cổ.
Chúng tôi thường tập cho đến thật khuya mới lần mò đi ngủ. Thịnh càng tập càng
say mê. Nhiều lần, về giường rồi, Thịnh còn bịt vải ở loa kèn để thổi nữa. Dĩ
nhiên, âm thanh không phát ra được. Mọi người xung quanh Thịnh chỉ nghe những
tiếng xì xì nho nhỏ.
Phòng tắm kín. Tiếng kèn của Thịnh như vọng lại từ một nơi
xa, nhiều lúc nghe thật buồn. Hắn thổi đi thổi lại những đoạn nhạc khó. Hắn nghỉ
rất ít. Hình như khi đã tự giam mình vào phòng tắm rồi, hắn chỉ biết có âm
thanh.
Hôm nay, tôi không tập hát vì cảm thấy hơi khát nước, khô cổ.
Tôi ngồi xuống gạch, lắng nghe những tiếng động xung quanh. Bên lưu xá thỉnh
thoảng còn vang lên một tiếng cười trong trẻo. Ở một góc tường nào đó gần tôi
có con dế gáy đều đều. Tôi quờ tay quanh mình, tìm một viên gạch nhỏ, ném bâng
quơ về phía trước.
Một buổi sáng, tôi nhận được thêm một bức thư của Hoan:
Long Khánh ngày...
Thương thân mến,
Thế là cuộc đời làm con nuôi của mình đã chấm dứt rồi. Nhà
cha mẹ nuôi mình bị mất trộm đúng hôm cả hai người đi vắng. Tụi trộm bẻ khóa
vào nhà khuân đồng hồ, ra dô, quần áo... nhiều thứ tắm. Khi chúng cạy tủ tiền
thì bà bếp tỉnh dậy. Bà ấy ngủ một mình ở dãy nhà bếp. Bà ta kêu lên, mấy anh
thợ ở xưởng cưa nhào ra, lũ trộm đã chuồn mất.
Cha mẹ mình về và đưa ngay mình ra bót cảnh sát. Cả hai ông
bà đều tin chắc rằng mình đã thông đồng với kẻ trộm, đưa chúng vào nhà. Tình
nghĩa đến đây là hết. Mình đã không làm tròn bổn phận của một người con chuyên
giữ nhà thì đành chịu vậy. Mình có thề rất độc nhưng ông bà không tin.
Mình bị ngủ ở bót hai đêm, muỗi cắn quá xá. Người ta hạch hỏi
mình mãi, rồi có lẽ thấy mình vô tội, đành thả ra.
Mình trở về. Cha nuôi đi vắng, chỉ có mẹ nuôi ở nhà. Bà tỏ ra
lạnh lùng và khinh bỉ. Tình mẹ con chắc đã tiêu tan hết rồi. Mình nói :
- Thưa mẹ, con trở lại đây để xin mẹ cây đàn.
Bà đáp :
- Đàn của anh, anh cứ việc lấy, cần gì phải hỏi ai.
Chỉ có một điều khổ tâm là thằng em út thấy mình về lại sung
sướng nhào ra ôm chặt lấy cổ mình. Phải bế ẵm nó nhiều mình cũng đâm ra thương
nó. Bây giờ mình vẫn còn nhớ đôi má bầu bĩnh và tiếng cười của nó. Thú thực với
Thương, lúc ôm cây đàn, rời khỏi căn nhà quen thuộc, mình đã khóc. Cũng như đêm
nằm trong bót mình khóc vì ức.
Bà bếp chạy theo cho mình ít tiền và giới thiệu mình với một
ban nhạc chuyên việc hòa tấu ở những đám cưới hoặc đám ma. Công việc này khó sống.
Các nhạc sĩ trong ban phần nhiều sinh nhai bằng những nghề không liên quan gi đến
ca nhạc. Khi có đám nào gọi, ban nhạc mới tập hợp lại. Trong tỉnh, các đám cưới
hiếm hoi, đám tang cũng không nhiều. Nhiều tang gia lại không thích cho người
chết thưởng thức nhạc.
Ông trưởng ban thấy mình đờn khá liền giới thiệu cho ông bầu
một gánh hát lưu động nhỏ. Bây giờ, mỗi tối mình đều có việc làm, lại được đi từ
tỉnh này sang tỉnh khác. Gánh hát nghèo. Nhiều khi các tài tử phụ và ban nhạc
phải nhai bánh mì trừ cơm. Hôm nay, đoàn về Long Khánh, ông bầu đang nhăn nhó
lo không có khán giả. Nếu gần tối trời lại đổ mưa nữa thì chắc ngày mai các tài
tử chính cũng được nhai bánh mì.
Đừng viết thư cho mình nữa nghe. Bây giờ mình không có địa chỉ
nhất định. Mình sẽ viết thư kể thuyên đoàn hát cho cậu biết sau.
Chúc Thương luôn khỏe mạnh và học giỏi. Cho mình gửi lời hỏi
thăm các bạn trong trường.
"Hoan"
° ° °
Cái chăn mỏng rơi xuống đất từ lúc nào không biết. Đêm ở chùa
khá lạnh vì gió sông thổi lên. Tôi nằm thật sát anh Bằng để tìm hơi ấm. Nhưng
lúc gần sáng vẫn thao thức không ngủ được. Mặt phản gỗ lạnh và cứng. Một vài hạt
lạc rang còn thừa trong túi anh Bằng rơi rải rác trên đó. Thỉnh thoảng cựa mình
tôi lại đè phải một hạt. Giấc ngủ bị ngắt quãng, chập chờn.
Đôi lúc gió thổi ùa đến như muốn cuốn cả cái mùng đi khiến
tôi có cảm tưởng rờn rợn là ngôi chùa đã biến thành gió, tôi và anh Bằng đang nằm
trơ vơ trên một cánh đồng rộng, giữa tiếng côn trùng. Tôi muốn được nghe một tiếng
ngáy, một tiếng cựa mình để cảm thấy yên tâm hơn.
Sự cô đơn làm hồi sinh những ý nghĩ buồn rầu. Đôi lúc tôi sợ
tất cả những cố gắng của mình không đưa đến một kết quả nào. Cơn bải hoải rã rời
làm mỏi mệt chân tay, thấm luôn vào trí óc. Chuyện xảy ra chiều hôm trước trên
xe buýt lại hiện về ám ảnh.
Chuyến xe khá rộng. Tôi và anh Bằng đều có chỗ ngồi. Xe chạy
gần tới vùng Tân Định thì có một người hành khất bước lên. Có lẽ ông ta đã già,
giọng nói yếu ớt và khản đặc. Người hành khất lên tiếng xin tiền. Tôi không nhớ
hết ông ta đã nói những gì để gợi lòng thương của người khác. Nhưng ông luôn
luôn nhấn mạnh ở tật mù lòa của mình. Sự không may của một người mù bị ông ta
nhắc đi nhắc lại mãi. Giọng nói lên bổng xuống trầm, cố vẽ ra những chuyện thê
thảm. Tôi ngồi lặng người, tâm trí bối rối, ngượng nghịu như phải nghe những lời
kể tội chính mình. Mỗi lần xe đậu, tiếng ông ta lại vang lên to hơn.
Rồi người hành khất lần đến gần chỗ tôi và anh Bằng. Có lẽ cảm
thấy ông ta đang hướng về phía mình để xin, anh Bằng nói nhỏ :
- Tôi không có gì đâu ông.
Người hành khất vẫn lải nhải nói thêm mấy câu. Người soát vé
lên tiếng với vẻ cáu kỉnh :
- Người ta cũng mù như ông đó, xin gì!... Thôi, con nhỏ, mày dắt
ông già xuống giùm tao.
Lúc đó tôi mới biết người hành khất được một đứa nhỏ dẫn đi.
Đứa bé ngờ nghệch không biết rằng, sau đôi kính đen, mắt tôi và anh Bằng cũng
hoàn toàn vô dụng. Câu nói của người soát vé giống như lời tố cáo tàn nhẫn một
cách vô tình. Tôi có cảm tưởng tất cả hành khách trên xe đang chú ý đến hai
chúng tôi. Người hành khất và đứa nhỏ đã đi về phía sau xe và tôi không còn
nghe tiếng ông ta kêu xin nữa. Nhưng những ý nghĩ chua chát, đắng cay ông gieo
vào lòng thì còn lại mãi. Thực tế quá gần gũi, giấc mộng thì xa vời. Tôi lại
khiếp sợ, hoảng hốt. Những ý nghĩ tuyệt vọng tích lũy từ bao năm trời, thường đợi
những dịp như thế để sống dậy.
Bây giờ, trong cái lạnh lẽo đột ngột của đêm đang tàn, bên
dòng sông nhiều gió, tôi thao thức với những ý nghĩ bi quan, thất vọng và ước
ao được trôi bồng bềnh vào bóng tối rồi tan đi trong hư vô.
Mấy tháng nay, tôi đã tập hát một cách say mê, hăng hái. Thứ
bảy chủ nhật nào cũng vào chùa. Tôi tập đến khản cổ. Tôi đã điều khiển được giọng
ngân, tránh cái tật thở vào máy vi âm. Tôi tập hát đúng nhịp và tập xướng
thanh. Tôi hát thầm trong giờ học và hát cả trong giấc mơ. Anh Phong tìm kiếm
cho tôi những bài ca thật hay. Hoan cũng viết thư khuyến khích. Nhưng lúc nào
cũng cảm thấy mình kém cỏi, tiến bộ quá chậm.
Anh Giản, một huynh trưởng trong gia đình Phật tử, có căn gác
nhỏ ở ngay cổng chùa. Nhà gỗ, mái tôn, tôi lên căn gác đó tập đàn hát. Gác hẹp,
nóng. Nhưng chúng tôi được phép tự do làm ồn hơn ở trong chùa. Tôi quen thuộc với
căn gác đến nỗi có thể biết rõ vị trí từng đồ vật nhỏ trong đó. Cầu thang quá dốc.
Nếu phải ôm đàn tôi thường leo lên một cách khó khăn.
Những ngày không ở nhà, anh Giản giao chìa khóa cho chúng
tôi. Tập mệt rồi, chúng tôi có thể lăn ra sàn gác ngủ. Anh Giản ít nói, rất quý
mến anh Phong. Đối với việc làm của chúng tôi, anh không khuyến khích bằng lời.
Nhưng, nhờ cái gì anh cũng giúp đỡ tận tình.
Anh Phong thường ở trên gác đó với chúng tôi suốt ngày chủ nhật.
Nhiều lần tôi cố gắng tập chính vì sự hăng hái của anh. Chỉ khi nào quá mệt chúng
tôi mới ngủ trưa. Trời nóng bắt chúng tôi cởi áo và khổ sở vì mồ hôi, nhưng
chúng tôi vẫn đàn, hát được. Buổi tối, về trường mới cảm thấy mỏi lưng, khan cổ.
Anh Phong có ba cái khăn mặt. Những lúc quá nóng anh xuống
nhà dưới, nhúng ướt khăn, rồi phát cho chúng tôi. Đắp khăn lên mặt, lên cổ,
chúng tôi cảm thấy dễ chịu được một lúc. Anh Phong thường nói đùa :
- Thương hát lớn bài "Đêm đông" lên cho trời bớt
nóng.
Thỉnh thoảng, chị Kim đến thăm căn gác của chúng tôi. Chị tặng
chúng tôi vài trái cây hoặc một gói kẹo. Món quà nhỏ, giọng nói vui vẻ của chị
khiến chúng tôi quên mệt nhọc.
Cuộc hành trình bớt gian khổ, nhưng biết bao giờ tôi mới tới
đích?
Gần sáng trời vẫn lạnh. Ở chính điện vang lên tiếng kinh, tiếng
mõ. Một mùi hương dìu dịu bay lan trong không gian. Tôi ngồi dậy, lay vai anh Bằng.
Anh càu nhàu :
- Còn sớm mà.
- Mình tập sớm cho mát. Anh Phong bảo sẽ đem máy ghi âm đến
vào khoảng tám giờ.
Anh Bằng im lặng, có ý tiếp tục ngủ. Tôi lần ra chỗ chum nước
đặt bên gốc dừa rửa mặt. Hoa trong chùa mùi thơm hắc và ấm. Tiếng chó sủa nổi
lên rất xa, chắc vọng lại từ bên kia sông. Ngày đang thức dậy một cách chậm chạp.
Khoảng bảy giờ, tôi và anh Bằng ôm đàn sang nhà anh Giản. Để
lên gác chúng tôi phải theo một con đường hẹp cạnh nhà. Đường chỉ vừa một người
đi và dẫn thẳng xuống bếp, nơi có đặt cầu thang. Người đàn bà thuê căn nhà dưới
của anh Giản nói :
- Các cậu chờ tôi một chút. Tôi sẽ mở cửa gác cho. Cậu Giản
đi từ tối hôm qua.
Bà giúp chúng tôi mở các cửa sổ, quét sàn gác. Anh Bằng nói :
- Bà dẹp giùm quần áo của anh Giản lại cho cháu.
Quần áo của anh treo bừa bãi làm căn gác như nhỏ
hẳn lại. Tôi ngồi trên ghế vải, tựa đầu vào vách, nhẩm lại mấy
bài hát mà lát nữa tôi phải hát vào máy ghi âm. Anh Bằng lên dây đàn. Cái ngộ hẻm
trước nhà bắt đầu ồn lên tiếng xe, tiếng thùng nước va chạm, tiếng máy thu
thanh. Ngày chủ nhật chắc mọi người đều hân hoan. Được nghỉ ngơi, đi lại đây
đó, nhìn ngắm thả cửa là nguồn hạnh phúc mà tôi chỉ có thể tưởng tượng ra.
Phong cảnh duy nhất của tôi là bóng tối. Trí nhớ mòn dần. Tôi không còn hình
dung được đầy đủ những cái ở bên ngoài cửa sổ căn phòng. Nếu cứ nghĩ mãi về sự
sống đang nhộn nhịp quanh mình, chắc không chịu nổi. Tôi để hết tâm trí vào bài
hát.
Anh Phong đến, lên hết cầu thang tôi mới biết. Tôi vội hỏi :
- Anh có mượn được máy ghi âm không?
- Được chứ.
- Hay quá.
Tôi và anh Bằng cùng reo lên. Anh Phong vừa kéo ghế để đặt
máy vừa nói :
- Thuộc mấy bài ruột rồi chứ?
- Dạ, thuộc rồi.
- Thâu thử. Nếu có giọng tốt là thành công.
Tự nhiên, tim tôi đập mạnh. Cuộc thử thách chưa có gì đáng kể
là quan trọng. Nhưng tôi vẫn không giữ nổi bình tĩnh. Anh Phong chạy ra đầu cầu
thang nói vọng xuống :
- Bà có nước lọc không ạ?
Người đàn bà ở căn nhà dưới đáp :
- Thiếu gì, cậu.
- Xin bà một chai. Hôm nay chắc chúng tôi sẽ uống dữ lắm.
Anh Phong trở vào, xếp chỗ cho tôi và anh Bằng :
- Thương ngồi đây... Bằng chỗ này. Thế... thế tiếng đàn tiếng
hát mới không lấn át nhau. Xong rồi đây, Thương bắt đầu cất giọng được rồi.
Tôi nghe tiếng bấm nút lách cách. Giọng tôi tự nhiên trầm xuống
như một người hát không ra hơi. Anh Phong phì cười :
- Làm gì mà run thế? Phải bình tĩnh chứ.
- Em hát dở anh phải xóa ngay đi nhé.
- Dĩ nhiên rồi. Tôi giữ giọng cậu để triển lãm hay sao.
Phải đến lần thứ năm, thứ sáu, tiếng hát của tôi mới bớt khó
nghe. Nhiều lúc âm thanh phát ra có lẫn tiếng thở, thô kệch, vụng về, giọng
ngân thì run rẩy. Tôi ngượng nghịu, toát mồ hôi vì quá khổ sở. Nhưng anh Phong
lại bảo :
- Khá lắm! Khá lắm rồi.
Anh Bằng cũng khen tôi. Dù chắc chỉ có mục đích giúp tôi khỏi
nản lòng, những câu nói của hai người đã giúp tôi bình tĩnh dần. Anh Phong đặt
ly nước lọc vào tay tôi :
- Uống đi, nghỉ một chút rồi ta bắt đầu lại.
Dần dần tôi quen với máy. Tôi hát một cách tự nhiên hơn. Tôi
không còn lúng túng, bắt đầu chú ý diễn tả tình cảm trong mỗi câu ca. Tôi tìm
được sự rung động, xúc cảm trong khi hát. Tôi phải nói về một thế giới nào đó,
một thế giới mềm nhỏ kết bằng những nỗi buồn man mác, đôi khi chan chứa tình
thương yêu. Tôi muốn hát thế nào để mọi người cùng hiểu về thế giới đó. Mọi người
phải cùng sống, cùng bàng hoàng vì bài hát như tôi. Bằng trí tưởng tượng và những
rung động nhẹ nhàng, tôi dựng lên một thế giới riêng cho mỗi bài hát. Công
trình xây dựng có thể thiếu sót, sai lầm, nhưng tôi tha thiết hướng về thế giới
đó như hướng về một niềm hoan lạc. Tôi hát và tưởng như đang kể lại những xao
xuyến của chính tâm hồn mình. Tôi đã lôi cuốn, hướng dẫn mọi người bằng những
tiếng gọi dịu dàng. Âm thanh bao vây, nâng đỡ, khuyến khích tôi. Có những câu
ca thường không được tôi chú ý lắm, bỗng, trong giây phút đó, cũng khơi động một
nỗi buồn thấm thía. Có lúc tôi đem cả nỗi khổ của đời mình vào nỗi khổ diễn tả
trong câu ca. Tôi hát liền năm bài mà không cảm thấy mệt.
Khi tôi ngừng lại, nhiều tiếng vỗ tay chợt nổi lên trong căn
gác.
- Hay tuyệt!
Giọng nói của chị Kim, tiếng cười của Hương. Tôi kinh ngạc :
- Ủa, chị Kim với chị Hương đến từ hồi nào vậy?
Chị Kim :
- Chúng tôi đến lâu rồi.
- Trời! Sao anh Phong không nói.
Anh Phong đáp :
- Các cô ấy ra hiệu bắt tôi im lặng để cho ca sĩ tiếp tục
hát. Ca sĩ thành công rồi đó.
Chị Kim nói :
- Bây giờ thì mời nhạc sĩ, ca sĩ nghỉ ngơi dùng điểm tâm đã.
Chắc từ sáng đến giờ anh Bằng và Thương chưa ăn gì phải không?
Hương nói :
- Chị Kim bắt em dậy thật sớm để đi mua bánh mì và kẹo cho
các anh đấy.
Chiếc máy ghi âm đã bắt đầu phát thanh lại giọng ca của tôi.
Giọng thực trầm ấm hơn tôi tưởng. Chị Kim đặt vào tay tôi một ổ bánh mì. Sự xuất
hiện của chị, một lần nữa lại làm cho căn gác vui tươi hơn. Tiếng nhai bánh mì
cũng là một thứ âm thanh dễ chịu. Anh Phong lắng nghe, thỉnh thoảng chỉ cho tôi
một vài chỗ còn sơ sót. Anh có vẻ hài lòng thực sự. Anh nói :
- Thương hát vào máy ghi âm nghe hay hơn nhiều.
Tôi cười hân hoan. Tôi muốn lên tiếng cám ơn tất cả mọi người.
Những ý nghĩ buồn rầu, tuyệt vọng buổi sáng tan biến hết. Hương hỏi :
- À, anh Phong đã liên lạc được với cô Quỳnh chưa?
- Chưa.
- Tội nghiệp anh San, bé Hùng. Thứ bảy nào em vào trường mù
cũng thấy hai người ngồi chờ. Họ ngồi ở chỗ ghế đá ngoài cửa phòng khách đó
anh. Người nào cũng buồn thiu.
Chị Kim hỏi :
- Anh Phong cũng quen cô Quỳnh sao?
- Không. Nhưng anh có biết vài cô học cùng trường với cô ấy.
- Anh nhiều bạn gái quá nhỉ. Cứ cái đà này thì rồi có khi
trong một ngày anh phải tỏ tình với hai cô.
- Còn em ít bạn trai sao? Anh tưởng tượng ra một lần nào đó,
Kim sẽ đứng trước đám bạn trai của Kim và nói: "Tôi cần có một người chồng,
ai xung phong?" Thế là các cậu sẽ nện nhau cẩn thận để tranh làm kẻ tình
nguyện.
Chúng tôi cùng cười. Hương thu nhặt những mẩu giấy gói bánh
mì, quét lại sàn gác. Anh Bằng độc tấu một bản nhạc ngoại quốc vui để ghi âm.
Khi chị Kim và Hương ra về, căn gác đã bắt đầu nóng hầm hập
vì nắng trưa. Ngõ bớt ồn ào. Bầu không khí thơm nức mùi xào nấu. Nhờ mấy khúc
bánh mì, tôi và anh Bằng không phải trở vào chùa ăn cơm chay. Nằm trên ghế vải
nóng chịu không nổi, chúng tôi cởi trần lăn ra sàn gác. Tôi nằm giữa anh Bằng
và anh Phong. Tôi định ngủ thì anh Bằng chợt nói :
- Anh có yêu chị Kim không?
Anh Phong cười :
- Lại muốn nói chuyện tình cảm hả?
Anh Bằng nghiêm trang :
- Em hỏi thật đó. Em thấy chị Kim cũng có nhiều cảm tình với
anh.
Anh Phong yên lặng, tôi xen vào :
- Anh quen chị Kim từ hồi nào? Anh kể đi. Em quý mến anh, chị
Kim và Hương nên em muốn biết rõ thêm về các anh, các chị.
- Không ngủ trưa sao?
- Thôi, ngủ ở đây lúc dậy mệt muốn chết.
Anh Phong lưỡng lự một chút rồi chiều ý chúng tôi, bắt đầu kể
:
- Câu chuyện của tôi giản dị lắm. Tôi quen với gia đình Kim từ
lúc cô ấy mới có hơn mười tuổi. Thứ bảy tôi thường đến nói chuyện với người anh
trai của Kim. Hai chúng tôi ngồi giữa phòng học, ba hoa bàn luận về mọi vấn đề.
Kim ngồi học ở một cái bàn bên cửa sổ. Dù muốn, dù không, thỉnh thoảng Kim cũng
phải nghe chuyện của chúng tôi. Quả thực, lúc đó tôi chỉ coi Kim như một cô bé
con. Kim nghiêm trang, chăm chỉ, thường ngồi như bất động bên bàn học. Ngay cả
những lần tôi và Long - anh trai Kim - gân cổ, to tiếng tranh luận, cô cũng
không quay lại.
Một lần, trong lúc chờ Long về, tôi đến đứng cạnh bàn học của
Kim, nhìn qua cửa sổ. Cửa sổ trông sang một căn nhà rộng, vườn cây cỏ mọc cao
như bỏ hoang. Căn nhà có kiến trúc thật lạ: tường gỗ, mái ngói, góc mái cong
lên. Xung quanh nhà có hành lang gỗ. Muốn vào nhà người ta phải bước lên mấy
cái bậc xếp bằng đá trắng. Một bức mành tre mắc từ mái phủ xuống tới mặt sàn gỗ.
Sát chân tường rào, một thân cây khô mục nằm bên một đống tro than. Không một dấu
hiệu nào chứng tỏ là nhà có người ở. Tôi ngạc nhiên và tò mò quay lại hỏi Kim về
người chủ của căn nhà ấy. Rồi từ chuyện căn nhà, chúng tôi chuyển sang các vấn
đề khác. Câu chuyện thật vui. Và lúc đó, tôi khám phá ra một điều rất thú vị:
Kim có nhiều ý tưởng rất giống tôi. Có lúc, tôi nghĩ là cô vừa nhắc lại một câu
nói tôi đã "phát ngôn" trước đây. Tôi tìm vẻ chế giễu trên mặt Kim,
nhưng không thấy. Có thể nói: chúng tôi dùng một thứ "ngôn ngữ" giống
hệt nhau. Từ cách diễn tả ý nghĩ, cách sử dụng những danh từ thời đại, lối nói
đùa cho vui, Kim gần gũi tôi hơn cả Long. Tôi thấy Kim lớn hơn tôi nghĩ một
chút nhưng lúc đó tôi vẫn coi Kim là một cô bé.
Sự giống nhau đó chắc không phải tình cờ. Trong nhiều năm, mỗi
tuần đều phải nghe chuyện tôi và Long, hẳn Kim bị ảnh hưởng. Cô gái kín đáo, hiền
lành ấy vô tình nhìn đời theo lối nhìn của tôi. Như cô em gái quanh quẩn xó nhà
học hỏi thế giới bên ngoài qua kiến thức của ông anh trai giang hồ, lang bạt.
Anh Bằng hỏi :
- Hồi ấy, anh đã yêu chị Kim chưa?
- Chưa. Thỉnh thoảng nghĩ đến Kim tôi có hơi cảm động. Tôi tưởng
như một phần ý nghĩ, quan niệm của tôi đã dừng lại nơi người con gái ngồi chăm
chỉ học bài, làm bài bên cửa sổ. Có lần, tôi hỏi Kim "Không hiểu hồi trước
anh đã nghĩ thế nào về những người tự tử" và được Kim nhắc lại khá đầy đủ
những điều tôi đã quên. Tôi sung sướng và hơi kiêu hãnh. Đó là sự hài lòng của
một kẻ tha hồ vứt bừa bãi ý tưởng lại sau lưng và được một cô gái chịu khó nhặt
nhạnh giữ gìn cho. Có lần Kim nhắc lại những câu mà thực tình tôi không nhớ đã
nói ở đâu và trong trường hợp nào. Kim còn báo động ngay khi tôi có một ý tưởng
mâu thuẫn với chính mình. Nói chuyện với Kim, tôi có cảm tưởng đối diện cùng
lúc với hiện tại và quá khứ.
Khi Long nhập ngũ, tôi bắt đầu ít đến nhà Kim. Bẵng đi một
năm trời tôi không gặp cô ta. Lần gặp lại mới đây, tôi bỗng thấy Kim lớn, đẹp
và thay đổi hẳn. Kim tinh quái, nghịch ngợm, láu lỉnh hơn. Như một cô em gái cần
bàn luận với ông anh, Kim kể cho tôi nghe về một mối tình có kết luận bi đát:
chàng nàng xa nhau. Kim thú thực là đã đau khổ và kiêu hãnh vì được đau khổ. Với
tư cách một người anh lớn, tôi bảo :
- Em lao vào tình yêu quá sớm thế là dại dột.
Kim cãi :
- Em mười tám tuổi. Chính anh vẫn nói với anh Long là khi lên
sáu tuổi người ta phải đi học, mười bảy, mười tám phải yêu, trong khoảng hai
mươi đến ba mươi phải lập gia đình. Đó là chuyện bình thường. Đi học lúc sáu tuổi
hay yêu lúc mười tám chả có chuyện nào đáng khen hay đáng chê hơn chuyện nào. Nếu
không chịu ở trong khuôn khổ bình thường, muốn vượt ra, thì cũng nên sống hơn mọi
người, đừng chịu thiệt.
Tôi bảo Kim :
- Em hiểu lầm ý anh rồi. Ở xã hội ta, những mối tình trong
quá khứ là thành tích của người đàn ông nhưng lại là những lầm lỡ của người đàn
bà.
Tôi nói như thế để thắng cuộc tranh luận hơn là để dạy khôn
cho Kim. Không ngờ Kim lại mang mặc cảm phạm tội và khổ sở vì quá khứ của mình.
Anh Bằng nói :
- Em nghĩ là hai người yêu nhau rồi.
Anh Phong yên lặng một lát mới kể tiếp :
- Đến đây, có một điều rắc rối không liên can gì đến những việc
tôi đã kể. Sự chênh lệch giữa hai gia đình là bức tường ngăn cách mà người con
trai, vì tự ái, thường không muốn vượt qua. Tôi cũng có mặc cảm. Sống giữa xã hội
này, những người nghèo thường bị thiệt thòi như những người khiếm thị. Nếu
không cẩn thận, một ngày nào đó họ có thể giật mình khám phá ra kẻ đang dẫn dắt
mình là tiền bạc, là sự ham muốn thấp hèn. Sự thừa thãi hay thiếu thốn vật chất
đều có thể đưa con người đến chỗ bần tiện, đáng ghét. Phải can đảm lắm người ta
mới thực sự không sợ những biến chứng kỳ quặc, nguy hiểm của bệnh nghèo. Tôi
không muốn Kim biết và hiểu rõ điều đó.
Giọng anh Phong nhỏ đi như những lời thầm thì. Buổi trưa bắt
đầu yên tĩnh. Ngõ hẻm cũng hoạt động yếu ớt như một người chập chờn nửa thức, nửa
ngủ. Mấy chiếc máy thu thanh đã im tiếng. Anh Phong đứng dậy đóng cửa sổ để
ngăn gió phả hơi nóng hầm hập từ mái tôn nhà bên cạnh. Những tiếng động gần xa
không rõ rệt pha trộn thành một âm thanh uể oải, tạo sự bứt rứt, khó chịu quanh
mình. Chắc anh Phong đang buồn. Câu chuyện đã khơi lại một niềm tiếc thương.
Chúng tôi im lặng một lúc lâu. Buổi trưa cứ tiếp tục ôm chặt
chúng tôi bằng vòng tay nóng hôi hổi. Tôi muốn cựa quậy mà chân tay rã rời. Anh
Bằng nói :
- Anh Phong cho em góp ý, bàn luận về trường hợp của anh nhé.
- Bằng cứ nói đi.
Anh Bằng chậm rãi :
- Em không được sống và hiểu biết nhiều như anh. Bóng tối lại
bắt em thường chỉ được suy nghĩ trong một phạm vi hẹp hòi. Em có ít kinh nghiệm
về đời sống xã hội. Lập trường của em rất dễ sai lầm. Nhưng những ý nghĩ này em
đã tìm ra sau bao tháng năm nghiền ngẫm về đời sống cực khổ của mình.
Em tin rằng dẹp bỏ hết mặc cảm, tạo sự tự tin cũng là một
cách để đến gần hạnh phúc. Trước đây, những mặc cảm chồng chất làm em khổ sở vô
cùng. Hẳn anh cũng hiểu trường hợp của em. Con người được sinh ra đời như những
giọt mưa rơi trên địa cầu không có bề mặt phẳng, giọt rơi trên đỉnh núi, giọt nằm
dưới đáy vực. Vị trí đời em cũng chỉ là một vực sâu thăm thẳm. Nhưng em tin là
nếu mình hết sức cố gắng, trời vẫn cho mình đủ thời gian để leo từ vực thẳm lên
đỉnh núi. Vì nỗi khổ hiện tại mà từ chối sự sung sướng trong tương lai là một
điều dại dột. Nếu có một người con gái yêu em, em sẽ nhất định xin cưới cô ấy
làm vợ, không có mặc cảm, lo lắng hay sợ hãi gì hết. Có thể nỗi khổ sẽ đến ngay
sau hạnh phúc. Nhưng em sẽ tiếp đón cả hai như một người chủ tiếp đón những ông
khách vừa xấu, vừa tốt. Em muốn được sống, thiết tha sống. Em thích một căn
phòng ồn ào hơn là căn phòng trống rỗng. Khi đóng cửa căn phòng em muốn được nhớ
lại một chuyện gì. Chắc sự cô đơn, ít bè bạn trong nhiều năm đã tạo cho em những
ý nghĩ ấy.
Theo ý em, anh đã yêu thì cứ tiếp tục và tính chuyện xây dựng
với chị Kim. Một cuộc đời đủ dài để anh làm giàu, tạo sự nghiệp, lại rất có thể
quá ngắn khiến anh không kịp tìm ra một người yêu thương mình thực tình.
Anh Bằng ngừng lại, yên lặng như chờ đợi anh Phong lên tiếng.
Nhưng anh Phong cũng yên lặng.
- Em nghĩ sai hả anh Phong?
- Không. Những ý nghĩ của Bằng là ý nghĩ của một người yêu đời
và can đảm nữa. Cảm ơn Bằng rất nhiều. Dĩ nhiên là tôi không thể thay đổi lập
trường ngay sau khi nghe một lời khuyên. Nhưng chắc trong hồ sơ của đời tôi sẽ
có niềm ao ước được cưới Kim và tôi sẽ cố gắng thực hiện.
Nhiều đoạn trong câu chuyện giữa hai anh hơi khó hiểu đối với
tôi. Nhưng tôi có cảm tưởng đã được sống thêm nhiều ngày, với nhiều người. Tôi
thưởng thức được nỗi đau khổ, niềm hàn hoan của một thế giới hoàn toàn xa lạ.
Bỗng anh Phong cất tiếng huýt sáo. Đây là một bản nhạc lạ?
Hay anh Phong đang huýt sáo theo cảm hứng của mình? Âm thanh dần dần cao vút có
lúc chen lấn, xô đẩy nhau như xốn xang, bối rối.
- Bản nhạc gì đó anh?
- Tôi không nhớ tên. Đây là bài ca Kim thích nhất.
Đoạn sau của bài hát êm đềm, bình thản. Âm thanh dịu dàng vây
phủ căn phòng và buổi trưa uể oải chầm chậm tan đi. Anh Phong đang vui và hy vọng.
Tôi và anh Bằng cũng thế.
Tôi hát nho nhỏ. Mai đây tôi sẽ nhớ đến căn gác này mỗi lần
lên tiếng hát. Ở đây, tôi đẳ sống cùng với nỗi buồn, niềm vui của những người bạn
thân. Tôi đã cố gắng. Tôi sẽ dựa vào những khổ sở, những ao ước, hy vọng của
anh Phong, anh Bằng để diễn tả tình cảm những bài ca. Thật sung sướng khi cảm
thấy mình có ích.
Tôi sẽ thành công hay thất bạỉ? Chưa thể biết được. Nhưng tôi
tin chắc sẽ vượt lên cao hơn vị trí hiện tại của mình. Tôi sẽ sống nhờ sự làm
việc. Đời tôi sẽ không còn là một tiếng than dài trong bóng tối.
Tiếng huýt sáo của anh Phong lớn hơn như muốn chen lấn, ganh
đua với tiếng hát của tôi. Cái nóng đã dịu. Trời về chiều. Anh Phong mở cửa sổ.
Gió lùa vào căn gác, lướt qua chúng tôi, mát mẻ, dịu dàng như bàn tay săn sóc của
một người thân.
Chương cuối
Nhà ông trưởng ban nhạc "Thông Reo" ở cuối một ngõ
hẻm. Chúng tôi loay hoay hỏi thăm chừng nửa giờ mới đến đúng địa chỉ. Chắc ông
ta mở lớp dạy nhạc. Phòng khách vang lên tiếng hát của khá nhiều người. Khi ngừng
hát, họ cười đùa. Nghe giọng nói, tôi đoán họ cũng còn trẻ như chúng tôi.
Anh Bằng, anh Thảo, Thịnh-hoàng-tử và tôi ngồi sát nhau trên
một chiếc ghế dài, chờ đợi.
Khi ông trưởng ban bước đến gần chúng tôi, tiếng đàn, tiếng
hát, tiếng trống trong phòng bỗng im bặt. Ông hỏi ngay :
- Mấy cậu ở trường nam sinh mù phải không? Tôi có nghe cô Hồng
Châu nói về các cậu, khen các cậu đàn hay. Nếu các cậu có thể giúp cho ban nhạc
của tôi được thì tốt lắm. Nhưng... tôi thấy cô ấy chỉ giới thiệu hai cậu thôi
mà. Một cậu dương cầm, một cậu tây ban cầm?
Giọng ông sang sảng, tiếng nói hơi lớn của một người quen chỉ
huy. Nhưng tôi đoán ông là người vui tính, dễ dãi. Anh Bằng đáp thay cả bọn :
- Thưa ông vâng. Tôi và anh Thảo có thể sử dụng hai thứ nhạc
khí đó. Còn em Thịnh thì thổi clarinette và em Thương đây muốn xin ông cho ca
trong ban.
- Vậy hả? Được rồi. Bây giờ chúng ta cũng phải xét qua tài
năng của nhau một chút cho dễ bề thông cảm nhé. Ở đây không có đàn dương cầm. Vậy
cậu Thảo phải chờ hôm nào cùng với tôi đến đài phát thanh biểu diễn. Cậu sắp tốt
nghiệp ở trường Quốc Gia Âm Nhạc phải không?... Ờ, thế thì tài nghệ đáng tin cậy
rồi. À, để tôi lấy nước cho các cậu uống đã nhé.
- Dạ thôi, xin cám ơn ông.
- Thôi sao được. Cậu nhỏ kia phải uống nước cho mát cổ mới
hát hay chứ.
Ông đi vào nhà trong. Chúng tôi cùng cảm thấy yên ổn, dễ chịu
vì được săn sóc một cách thân mật.
Khi ông mang nước trở lại, anh Bằng đã kiểm soát xong dây
đàn. Không đợi ông yêu cầu, anh bắt đầu gẩy một bản anh thích nhất. Nghe hết
bài, ông nói :
- Tốt. Bây giờ cậu này cho tôi nghe kèn.
Khác hẳn với thái độ bình tĩnh, tự tin của anh Bằng, Thịnh tỏ
ra hồi hộp, luống cuống. Tôi nắm vai hắn, bóp nhẹ một cái để khuyến khích. Áo
Thịnh ướt mồ hôi.
Tiếng kèn mới đầu nhỏ bé, rụt rè, rồi bỗng vụt lớn lên thình
lình. Trong tiếng kèn tưởng như có lẫn hơi thở của Thịnh, nghe thật chướng tai.
Có lẽ cũng tự nhận được khuyết điểm, Thịnh lại vội hạ tiếng kèn xuống. Lầm lỗi
này kéo theo lầm lỗi khác. Tiếng kèn bắt đầu loạc choạc, sai lạc. Những đoạn Thịnh
cố tình kéo dài thì lại uể oải, vô duyên. Tôi muốn bảo Thịnh ngừng hẳn để lấy lại
bình tĩnh, nhưng không dám. Cuối cùng hắn thổi sai cả nhịp.
Ông trưởng ban cười :
- Tài nghệ cậu này còn hơi yếu đấy nhé. Phải tập lại ít lâu mới
được.
Tôi bào chữa cho Thịnh :
- Thưa ông, ở trường Thịnh thổi hay hơn nhiều. Chắc ở đây Thịnh
hồi hộp quá.
Như không chú ý đến lời tôi, ông trưởng ban nói với Thịnh :
- Cậu phải tập điều khiển hơi thở nhiều hơn nữa. Làm sao cho
các âm thanh phát ra vừa đúng cao độ.
Thịnh đáp nhỏ :
- Dạ.
Sự thất bại của Thịnh khiến tim tôi đập mạnh. Có lúc tôi tưởng
không còn đủ khả năng há miệng nói một câu cho xuôi. Ông trưởng ban nhạc giục
tôi hát. Giọng ông còn vui vẻ nhưng hình như đã thiếu một phần tin tưởng. Ông đặt
ly nước vào tay tôi. Tôi uống cạn.
Tiếng đàn anh Bằng dạo khúc mở đầu bài "Giấc mơ sầu"
đã nổi lên. Tôi cầm ly nước trong hai tay, thu người nhỏ lại, tựa vào Thịnh, bắt
đầu cất tiếng. Âm thanh đầu tiên phát ra thô, vội vã như chỉ cốt đuổi cho kịp
tiếng đàn. Thêm nữa, ngụm nước vừa uống còn gây một cảm giác vướng víu trong miệng.
Tôi muốn nuốt nước bọt, nhưng chậm rồi. Mải lo lắng về những sơ sót đó, tôi hát
câu đầu, câu thứ hai một cách máy móc. Tôi hát như chỉ cốt xướng lên những âm
thanh không có ý nghĩa.
Đến câu thứ ba, tôi bình tĩnh lại. Lời ca đột nhiên đem đến sự
rung động cho người hát. Tôi chìm dần trong tiếng hát. Tôi tìm lại được cả những
nỗi buồn, niềm vui. Tôi cố gắng dùng tất cả sự khổ cực mà tôi đã gặp để tạo nên
thế giới của một giấc mơ sầu. "Ôi! Niềm vui biến thành làn mây nhẹ...
tan dần đi tan dần đi nơi cuối chân trời!" Tôi tưởng như chính mình
là kẻ đang mất niềm vui, đứng cô đơn giữa bóng tối mênh mông, không biết phải
tiến về hướng nào. Tôi đặt trong tiếng ca những xao xuyến, những đau đớn, rã rời
của một người bắt đầu tuyệt vọng.
Khi tôi ngừng hát, tiếng vỗ tay chợt nổi lên mạnh mẽ, đông đảo
hơn tiếng vỗ tay dành cho tôi trong căn gác của anh Giản, ông trưởng ban nói :
- Học trò tôi đang hoan nghênh cậu đó.
Ông vui vẻ bắt tôi hát hai bài nữa do ông chọn.
Sau cùng, ông nói: .
- Thế là xong. Sáng thứ hai tới, ba cậu đến đây. Tôi có xe,
tôi sẽ đưa các cậu đến Đài Phát Thanh, chúng ta cùng làm việc. Các cậu có mặt ở
đây lúc tám giờ nhé. Hôm đó các cậu sẽ gặp tất cả các anh chị em trong ban
Thông Reo.
Anh Thảo đáp một cách hân hoan :
- Thưa ông, chúng tôi sẽ đến thật sớm.
- Bây giờ, các cậu đem tập nhạc này về tập dượt trước đi.
À... mà làm sao các cậu đọc được?
- Chúng tôi sẽ nhờ người đọc giùm, chép ra chữ nổi. Vả lại, một
số lớn nhạc phẩm chúng tôi đều có tập đàn, hát rồi.
Anh Bằng nói :
- Chỉ có một điều hơi phiền, xin ông thông cảm. Chúng tôi
không nhìn thấy được nhịp tay của ông, mong ông cho nhịp bằng tiếng động.
- Chuyện đó dễ mà. Các cậu cứ việc dựa theo nhịp trống.
Ông trưởng ban tiễn chúng tôi ra tận cổng và nói mấy câu khuyến
khích Thịnh.
Sự thất bại của Thịnh khiến cả bốn người cùng im lặng. Mặc dầu
có lẽ anh Bằng, anh Thảo cũng như tôi đều muốn cười vui để mừng sự thành công.
Thế là chúng tôi đã kiếm được việc làm!
Lúc đứng ở trạm xe buýt, Thịnh bỗng nói :
- Mình muốn đập cái kèn đi quá.
Anh Bằng vội trấn tĩnh hắn :
- Đừng nói nhảm. Cố gắng tập thêm ít lâu nữa là được. Vội gì.
Chúng tôi vừa bước lên xe buýt thì trời đổ mưa lớn. Đoạn đường
từ nơi xe đậu đến cổng trường khá dài. Chúng tôi lại không dám đi nhanh. Cả bốn
đều bị ướt, lạnh.
Sinh đón chúng tôi ở chân cầu thang, hỏi to :
- Thế nào? Công thành danh toại cả chứ?
Tôi đáp :
- Thành công được ba phần tư.
- Anh nào là cái một phần tư xấu số đó. Thịnh hả?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét