Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Chú gà trống mộng du

Chú gà trống mộng du

Trước tiên phải nói cho các bạn được rõ, tôi là một con gà giò, và cũng tên là Giò. Chắc có bạn sẽ hỏi, gà giò là sao? À, gà giò nghĩa là con gà thiếu niên ấy mà. Và ở cái tuổi gà thiếu nhiên, tôi luôn mơ ước mình sẽ mau ăn chóng lớn, để có được bộ lông đầy màu sắc sặc sỡ và cất lên tiếng gáy ò ó o thật dài và thật ngọt, như các anh gà trống trưởng thành của xóm Gà. Điều mơ ước đó được tôi thực hiện ngay sau mỗi lần tự nhủ. Rướn cổ thật cao, tôi gáy: “ó ò ọ ọ”. Tiếng gáy của tôi chưa dứt thì bọn gà Trống Cồ, Trống Chiến sặc sụa cười nháy theo, “ó ò ọ o”, tụi nó nhấn mạnh âm “o” cuối tiếng gáy cho thật dài, thật thanh để chế giễu tôi. Trên cây sào tre, bọn chim sáo đập cánh nhái theo trêu ghẹo, “ó ó, ó ó”. Tôi tức tối vô cùng, sừng sộ nhìn thằng Trống Cồ cao lớn:
–  Này Cồ, mầy muốn gì?
Trống Cồ liền nghiêng mắt nhìn tôi, nó hất mặt lên hỏi:
–  Tao cấm mầy từ nay không được gáy nữa, nghe chưa?
Tôi lắc đầu, đập cánh tỏ vẻ bất tuân, rồi gáy hắt vào mặt Trống Cồ một tràn, dù chẳng ra tiếng gáy của con gà trống bao giờ “ó ò ọ ọ”. Lúc đó, thằng Trống Chiến từ xa bay đến, tụi nó tức giận bởi sự không phục tùng của một con gà trống con. Hai đứa Chiến và Cồ hợp sức, mổ tôi lia lịa. Biết mình chẳng thể nào làm lại cặp cựa bén nhọn của hai con gà to lớn, chuyên đi đá lộn. Tôi tốc chạy, nhưng chẳng kịp. Bọn nó đã nhanh chân nhanh mỏ mổ bấu lấy tôi lại, đè xuống đất mà nhổ từng cọng lông tơ. Ôi những cọng tôi tôi yêu quý biết bao nhiêu, tôi dưỡng cho thật đẹp mong chờ một ngày chúng trổ ra thành chiếc nhung bào đẹp đẽ, giờ đây bị bọn gà lớn mổ te tua khiến tôi chẳng khác nào con gà rách rưới và ghẻ chóc. Tôi la toán lên “ó ó ó” nhưng chẳng ai tiếp cứu, kể cả những bà gà mái già cũng e ngại đứng xa nhìn. Một đứa mồ côi cha mẹ từ nhỏ như tôi, quen bị ức hiếp từ lâu nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình tuyệt vọng như lúc này.
Khi những sợi lông của tôi bị bức ra văng đầy trên đất một cách không thương tiếc, thì từ xa, gà Trống Chuối bay đến đá tứ tung mịt mù bon Trống Cồ và Trống Chiến. Bị đá bất ngờ, bọn nó ngã lăn quay. May sao lúc đó ông chủ nhà kịp lúc phát hiện nên ra tiếp cứu, chứ thôi chưa chắc tôi và Trống Chuối còn sống đến bây giờ.
Trống Chuối dắt tôi đến một gốc cây, bóng mát tràn dưới chân chúng tôi rung rinh theo gió. Ở cùng chuồng từ nhỏ, nhưng ít khi tôi có dịp gần gũi với Trống Chuối như bây giờ. Bởi cậu có một sự mặc cảm về căn bệnh mộng du của mình, ngại ngùng và tự phụ, cậu không dám chơi với ai. Suốt ngày lủi thủi một mình ở bờ vườn. Thậm chí những buổi ăn, cậu cũng len lén đứng nơi xa, chờ cho đến lúc bầy gà ăn no nê bỏ đi, cậu mới trở lại chỗ ăn mổ những hạt lúa lép hay những cơm thừa đã bê bết đất. Ăn cực sống khổ vậy mà Trống Chuối vẫn trổ mã đẹp xinh. Cậu có chiếc áo choàng cả cổ màu trắng và cái quần màu đen trông thật đẹp. Đứng gần nhau hồi lâu, tôi cất tiếng mở lời:
– Cảm ơn Trống Chuối, nhờ cậu mà tôi thoát nạn.
Trống Chuối nhìn tôi cười, nụ cười rất tươi:
– Không có gì đâu gà Giò, cùng là gà với nhau, giúp nhau khi hoạn nạn là đạo đức của nhà gà mình mà.
Lời Trống Chuối nói, làm cho tôi chực nhớ đến bài học đầu tiên khi vừa khẻ vỏ trứng chào đời. Mẹ tôi, và cả những bà mẹ gà khác nữa, đều có truyền thống dạy con về sự sống cùng nhau và giúp đỡ bầy đàn, khi những chú gà con vừa cất tiếng chào đời chíp chíp. Vậy mà tôi đã quên mất từ lâu. Phải chăng bởi sau ngày chào đời đó, mẹ bị cúm mùa qua đời cùng với mười anh chị của tôi. Duy nhất tôi sống sót nhờ vào sự thương cảm của bà gà chột mắt cưu mang cho ở cùng với đàn con bà một thời gian, mà không hề sợ tôi sẽ lây lan bệnh dịch. May sao trong mùa ấy, tôi không bị gì và cả đàn bình an.
Nhớ lại những ngày ở cùng bà gà chột mắt, tôi lại thấy thương yêu và kính trọng Trống Chuối thật nhiều. Lâu rồi mới có chú gà cho tôi cảm giác thân thuộc và bình đẳng!
Chúng tôi kết bạn cùng nhau. Biết tôi mồ côi không nơi nương tựa nên chiều đó Trống Chuối rủ tôi, “nếu không ngại căn bệnh mộng du của mình, thì bạn hãy đến nhà mình ở cùng cho vui”. Không ngại, tôi lập tức nhận lời.
Nhà Trống Chuối là một cây mận nhỏ, kề bên ngôi nhà có mái tole của bọn gà thuộc hạ Trống Cồ và Trống Chiến. Hai đứa tôi leo lên cây mận ngồi ngủ ngon ơ sau một ngày dài trải qua bao nhiêu chuyện.
Đêm đó, tôi đang mơ màng về bộ lông của mình sẽ mau mọc lại đầy và tuyệt đẹp, thì bỗng dưng nghe tiếng gáy vang động kề bên mình. Tôi giật mình thức giấc ngó ngang, Trống Chuối nhắm mắt, đứng thẳng và cất cao cổ gáy liên hồi “ò ó o” thật dài và thật thánh thót. Tiếng gáy của Trống Chuối làm bọn gà chuồn bên xao động, bọn nó la lên táo tác và hoảng loạn. Bởi giờ này đang giữa khuya, đâu phải là hừng sáng sớm. Lắng tai, tôi nghe thấy tiếng những bà gà mái sợ sệt hỏi nhau “ma hả, ma hả”, tiếng thằng Trống Cồ văng tục, tiếng mổ vào cánh cửa đòi ra “xử đẹp bọn nó” của Trống Chiến.
Tôi cố lay Trống Chuối dậy, nhưng cậu ấy vẫn đê mê, không thôi gáy. Gáy kiểu này đến sáng thế nào cậu cũng sẽ khát nước cho mà coi. Không thể được, tôi cố mổ vào người Trống Chuối nhưng cậu ấy vẫn không thôi. Lúc đó có bác tắc kè Bông đeo trên nhánh mận, ngó xuống nói với tôi: “Cháu hãy mổ vào chân nó một cái, thì mới tỉnh”. Tôi, “dạ bác”, rồi lập tức làm theo. Hiệu nghiệm thật, Trống Chuối tỉnh dậy, mở mắt ra nhìn tôi. Cậu ấy thở những hơi thở rất dài và mệt nhọc.
Hồi tỉnh chút lâu, cơn mệt bao vây, Trống Chuối dần dần chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng ngủ tự bao giờ trong lời ru “tắc kè, tắc kè” của bác Bông đeo trên nhánh mận.
Sáng sớm đó, bọn tôi vừa mới nhảy xuống sân thì bọn Trống Chiến, Trống Cồ cùng đám thuộc hạ đã bao vây tứ phía. Bọn nó mài sẵn cựa từ đêm qua, quyết sáng nay sẽ thay mặt bầy gà xử đẹp cái thằng đêm nào cũng phá giấc của cả đàn. Bọn nó bay vào mổ hai đứa tôi lia lịa. Bụi đất tốc lên mù mịt. Bác tắc kè Bông không thôi hét lên từ phía vòm cây, những con gà còn lại đập cánh hùa theo “đánh đi đánh đi” làm cho trận chiến càng thêm nảy lửa. Chỉ có hai đứa, tôi và Trống Chuối không cách nào chống lại nỗi cả chục con gà lớn nhỏ. Bọn nó không chỉ nhổ lông tôi, xé rách áo Trống Chuối mà còn để lại nhiều vết sẹo tứa máu trên người hai đứa. Cho đến lúc đau đớn riêm mình sắp không gượng dậy nổi, thì ông chủ mới xuất hiện can ngăn.
Được cứu sống, cứ nghĩ rằng mọi thứ sẽ bình yên khi bọn tôi được đặt cách ở một khoảng đất riêng, ngăn bằng tấm vách. Nhưng đêm đó, Trống Chuối lại tiếp tục cơn mộng du gáy thất thanh. Bọn gà sáng hôm sau bu quanh tấm vách chỉ trỏ hai đứa tôi không thôi. Tôi trấn an Trống Chuối, đừng sợ, mình còn có ông chủ bênh vực mình. Nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ. Sáng đó ông chủ đến chuồng chỉ mặt hai đứa tôi rằng, “nếu ngày mai tụi bây còn gáy giữa đêm khơi khơi, tao sẽ đem đi làm thịt”. Nghe lời hăm dọa đó, Trống Chuối sợ rung bần bật cả người. Sự hoang mang đó kéo dài đến tận trưa, làm cho giấc trưa của cậu tiếp tục bị mộng du khóc thét không thôi. Nhìn Trống Chuối mà lòng tôi đau như cắt.
Trưa đó, bác tắc kè Bông đến thăm hai đứa. Bác bảo rằng, phương đông nhiều nắng tốt, đất lắm phì nhiêu, ắt sẽ có thứ thảo dược chữa được bệnh mộng du của Trống Chuối. Tôi hỏi, nơi ấy cách đây bao xa vậy bác? Bác tắc kè Bông nói, “bác chưa đi bao giờ, nhưng chắc là không xa lắm, nếu cháu đã quyết tâm đi”. Nghe bác nói, tôi chợt nhớ lời mẹ mình dạy, tôi không sợ xa hay gian khó, nhất định tôi sẽ đưa Trống Chuối đến nơi tìm thuốc.
Khăn gối lên đường bằng mớ gạo chủ cho chúng tôi sáng nay, tôi giấu vào trong cánh. Trống Chuối hơi do dự, nhưng nghĩ đến nỗi sợ bị làm thịt, cậu chẳng còn phương án nào hơn. Trưa đó khi mọi người đã ngủ say, tôi và Trống Chuối làm một cuộc bay ngoạn mục. Sáu lần như thế hai đứa tôi đã bay ra được khỏi chuồng. Len lỏi theo một lối mòn không ai biết ngoài tôi, bọn tôi thoát ra khỏi nhà vào một buổi chiều nắng đỏ ở bờ Tây như ai đó rắc những đốm lửa lên bầu trời.
Tối đó, theo hướng đông bọn tôi ghé qua đêm ở một cành cây me nước. Đêm xuống thật nhanh, tôi và Trống Chuối đã chìm vào giấc ngủ. Bỗng nhiên có tiếng sột soạt kề bên, nghe kỹ thì không phải tiếng gió. Tôi mở mắt ra nhìn, trời ơi, cái gì đây? Một con chuột cống ghẻ lốm đốm nhìn hai đứa tôi chằm chằm, Trống Cồ rung sợ không nói được nên lời. Tôi đang cố trấn an mình, thì thằng chuột lên tiếng:
– Bọn bây từ đâu đến, dám trèo lên nhà của bọn tao ở ư, có đi chỗ khác hay không?
Tôi biết lúc này mình không nên cự nự:
– Anh bạn, bạn của tôi bị bệnh, anh em tôi đi tìm thuốc chữa bệnh, lỡ đường nên xin anh bạn cho tá túc qua đêm.
Thằng chuột nghênh mặt nói:
– Không được, chỗ tụi tao làm ăn, không cho ngủ khơi khơi.
Tôi không biết phải năn nỉ ra sao, bởi trời đêm như vầy mà bị đuổi đi thì còn gì khổ bằng cho nữa. Tôi ngửa cái cánh mình ra, những hạt gạo nằm trong lông cánh:
–  Anh bạn, hay anh bạn cho bọn tôi qua đêm hôm nay, tôi sẽ gửi anh bạn mớ gạo này.
Là chuột cống, ăn uống dơ bẩn đói khát, thấy gạo, nó mừng húm, ra vẻ xuề xòa:
– Được thôi, tụi bây cứ ở đây, sáng mai thì biến.
Nói xong, nó liền chớp lấy mấy hạt gạo trên cánh tôi rồi vụt đi mất.
Đêm đó Trống Chuối vẫn không thôi căn bệnh mộng du, cậu gáy lên một tràng dài. Bỗng dưng có cơn mưa đổ lên cây me ầm ĩ át đi cả tiếng của Trống Chuối. Những hạt mưa rơi lộp độp, ướt cả lông và mặt hai đứa, lạnh tanh. Lúc đó bỗng dưng Trống Chuối tỉnh giấc. Từ đó đến sáng cậu không gáy nữa.
Sáng ra khi bọn tôi vừa nhảy xuống cây thì có người đến hét:
– Hai con gà này chứ không ai, tụi nó mổ rớt hết cả me rồi.
Tôi định rằng đứng lại phân trần, “ông ơi, không phải do tui đâu, do đêm qua có mưa và bọn chuột phá nên vậy, chứ ban đêm tụi tôi quán gà, đâu có thấy rõ đâu mà mổ từng trái me”. Tuy nhiên chưa kịp mở lời thì Trống Chuối đã mổ lấy đuôi tôi, hai đứa vụt chạy, trước khi bị cái cây quơ càn tới. Trống Chuối nói, “con người họ đâu hiểu tiếng gà đâu, cậu lý giải họ cũng không biết được”. Tôi chợt nhớ ra, “ừ há”.
Sáng đó chúng tôi đào trùn ở một bờ ao, ăn no nê thì men theo hướng đông mà đi tới, đi mãi đến tận chiều. Chiều đó, bọn tôi lại lựa một cái cây cao, có tán rộng để ngủ, hy vọng rằng nhờ tán cây to sẽ tránh được mưa. Đêm về, khi đang mê ngủ thì bắt gặp dưới đất một lão mèo đang rình chị chuột đồng dắt bầy con đi kiếm ăn. Tôi đang ngó theo coi lão ta sẽ làm gì thì bỗng dưng Trống Chuối mộng du gáy lên vang động làm bầy chuột sợ xanh mặt tốc chạy tứ tán. Lão mèo loạng choạng không biết xử xự ra sao nên lão ngó chúng tôi một cách căm tức, chạy đến gốc cây cào móng. Lúc đó may sao Trống Chuối lại cất lên tiếng gáy liên tục, làm lão mèo từ giận chuyển sang sợ, cong đuôi chạy đi, chúng tôi thoát nạn.
Sáng hôm sau, chờ bọn tôi vừa nhảy xuống cây, lão mèo liền nhào tới chụp lấy tôi, đè xuống. Lúc đó Trống Chuối bỗng dưng lanh lẹ lạ thường, cậu ta mổ và đá liên tiếp vào lão mèo làm lão đau quá, bỏ tôi ra mà tốc chạy. May sao lão mèo chỉ bấu mẹ vào tôi, chứ nếu lão cắn mạnh chắc tôi đã lên đường thỉnh kinh rồi.
Ngó tôi, Trống Chuối bỗng rưng rưng:
– Sao cậu lại tốt đến tôi nhiều đến vậy, Giò?
– Không có gì đâu Chuối. Tôi sẽ vì cậu, đến khi nào cậu khỏi bệnh mới thôi!
Hai chúng tôi câu cánh nhau đi tiếp, hướng đông đang mở ra một cánh đồng!
Đó là cánh đồng vừa xong mùa gặt, ban ngày bọn tôi thỏa thích mà lượm lúa rơi ăn no nê, đến tối lại trèo lên cây gáo ngủ. Đêm đêm, những bầy chim túa về kể chuyện huyên thuyên. Có lúc, chuột đồng cũng leo lên cây hóng chuyện. Nhưng nơi đây không có mèo, không có những con gà đá nhau. Chim chuột và cả hai đứa chúng tôi sống hòa đồng với nhau, không ai đụng chạm ai bởi cánh đồng mùa gặt còn bao la hạt lúa rụng.
Thời gian ở cánh đồng, vui thú và yên dạ, có lẽ vậy mà Trống Chuối bớt bệnh mộng du. Cậu ta thì lại tin rằng, nhờ những hạt lúa đồng thơm mùi gốc rạ mà cậu khỏi bệnh.
Một bữa, bầy chuột đồng báo tin cho chúng tôi rằng, hãy đi nhanh ra khỏi cánh đồng. Vì nay mai người ta sẽ cho nước vào ngập tràn để gieo sạ mùa vụ mới. Nghe theo lời bầy chuột, bọn tôi chuẩn bị hành lý đầy lúa và lên đường men theo hướng mặt trời mà đi.
Đi suốt hai hôm thì bỗng thấy một đàn gà đang ăn trong vườn chuối. A, đây là bầy gà nhà mình mà. Thằng Trống Cồ và Trống Chiến mới đó mà đã già khụ, nhìn bộ lông chúng là biết ngay không còn khỏe trẻ như trước nữa rồi. Vậy là đã mấy tháng trôi qua. Gặp lại tôi, bọn nó  như không còn bất kỳ oán thù nào, tấm tắc khen:
– Bộ lông anh bạn đẹp quá!
Tôi không thể nào tin được lời bọn nó, cho đến lúc soi mình vào vũng nước đọng, trời ơi tôi đã trổ mã thành công, tôi đã là một con gà trống thực thụ rồi… Ông bà chủ mừng rơn đón chúng tôi, họ nói, “tụi nó đi lạc mấy tháng nay mà còn biết đường về nhà nữa. Khôn thiệt ông ha”.
Đêm đó, tôi thức canh Trống Chuối, cậu ấy có mấy lần mơ mơ sắp gáy, nhưng bỗng dưng giọng dừng lại, rồi mở mắt ngó tôi. Cậu nói rằng, ngay cả trong mơ, lúc sắp gáy, cậu cũng thấy lại hình ảnh tôi đã cùng cậu vượt qua bao gian khó, nghĩ vậy mà cố trấn tỉnh mình thức dậy để không mộng du nữa. Sau đó không lâu thì Trống Chuối hết hẳn bệnh.
Một sáng thức dậy, tôi ngứa miệng quá, nên cất cao cổ gáy lên “ò ó o o”… Cả bầy đều nhìn tôi đầy thán phục. Họ không biết vì sao tôi lại có tiếng gáy hay như thế và có cả bộ quần áo đẹp như thế. Trống Chuối bảo rằng, khi bạn sống tốt vì mọi vật thì những gì xung quanh bạn cũng sẽ tốt đẹp theo. Đứng trước chân dung mình soi trong vũng nước đọng, tôi tin, và rất tin điều đó, nên dẫu sau này khi đã được bầu là Bầy trưởng xóm Gà thay cho tụi Trống Cồ và Trống Chiến già yếu sau những đợt đi đá nhau, tôi vẫn luôn sống hòa đồng và yêu thương tất cả những con gà ở xóm cũng như những đứa đi lạc ngang qua. Biết đâu tụi nó cũng đang trong hành trình tìm phương thuốc nào đó.
11/9/2022
Lê Quang Trạng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...