Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Gõ cửa "Quán văn" Hoàng Đăng Khoa

Gõ cửa "Quán văn"
Hoàng Đăng Khoa

Với vốn kiến thức rộng và sâu, có cảm giác như Hoàng Đăng Khoa có thể trò chuyện sòng phẳng với bất kỳ ai, về bất kể vấn đề gì. Anh là người biết cách kích gợi để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình nói về họ, tác phẩm của họ, họ của hiện tại và họ của tương lai. Trong một không gian thân tình, cởi mở, mang tính học thuật, chuyên môn, Hoàng Đăng Khoa đã cuốn những khách văn của mình vào câu chuyện của họ, câu chuyện của chính anh và câu chuyện của văn chương nước nhà…
Nếu để ý một chút về cách đặt tên các tập tiểu luận – phê bình, đối thoại văn chương của Hoàng Đăng Khoa, chúng ta nhận thấy sự xuất hiện của nhiều động từ: “gặp”, “phiêu lưu”, “song hành”, “đối thoại”. Điều này phần nào nói lên được phong cách phê bình của anh là phê bình dấn thân, nhập cuộc, thích kiếm tìm, khám phá, đào xới vấn đề. Ngay từ những bài phê bình đầu tiên được công bố, người đọc đã thấy ở anh sự chuyên tâm, bản lĩnh, tài hoa của một cây bút có nghề. Và nay, với Song hành & đối thoại, cuốn sách mới nhất của anh do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2018, Hoàng Đăng Khoa không những củng cố và khẳng định cá tính phê bình, mà còn trình hiện ấn tượng, thuyết phục ở một tư cách mới: tư cách người dẫn chuyện thông minh, có duyên trong những cuộc song thoại văn chương, học thuật.
Song hành & đối thoại tập hợp 21 cuộc đối thoại của Hoàng Đăng Khoa với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả – những người thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x đã và đang dự phần vào đời sống văn học Việt Nam đương đại. Nơi quán văn này, chủ quán và khách văn được lắng nghe nhau, tranh biện nhau, từ đó những tri kiến, phổ quan tâm, ý tưởng, mỹ cảm được cọ xát, khai mở. Đó không đơn thuần là những cuộc đối thoại song phương, mà thật sự là những cuộc đối thoại đa phương, đa chiều. Những cuộc đối thoại văn chương ấy hiển lộ sinh động chân dung của cả chủ quán lẫn khách văn, và trên hết là bức tranh muôn màu của văn học nước nhà hôm nay.
Với lối dẫn chuyện có nghề, Hoàng Đăng Khoa buộc các đồng nghiệp của mình phải ngẫm suy, trăn trở để cùng anh đào xới, lật trở vấn đề. Trong mỗi cuộc trò chuyện, anh luôn đặt mình vào ba tư thế: nhà sáng tác, nhà phê bình và độc giả. Với tư cách người đọc, anh thể hiện sự hứng khởi, niềm say mê, ngỡ ngàng, thích thú trước những trang viết của các nhà văn, nhà phê bình; trong cái nhìn của nhà phê bình, anh sẵn sàng bộc lộ thẳng thắn những chủ kiến, nhận định cá nhân của mình; ở vị trí người sáng tác, anh thể hiện sự đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu những ý tưởng văn chương, những tìm tòi sáng tạo của đồng nghiệp. Vì vậy trong từng câu hỏi anh đặt ra, chúng ta có thể thấy được cái tinh nhạy của người sáng tác, cái sắc sảo của người phê bình, và đặc biệt là cái tò mò, hiếu kì của một độc giả ham tri nhận.
Cùng với mỗi câu hỏi là những nhận định sắc sảo, có chủ đích, nhưng không có tính áp đặt, mà thường có tính chất gợi mở, mời gọi, kích thích và cả khiêu khích đối thoại. Hoàng Đăng Khoa biết “lẩy” ra những vấn đề mà người được hỏi quan tâm, am tường, những vấn đề nằm trong vùng hứng thú của họ. Với nguồn mỹ cảm sâu sắc, sự tinh anh của một nhà thơ, khả năng phát hiện vấn đề nhạy bén, sự thẩm định văn chương tinh tế của nhà phê bình giàu cá tính, Hoàng Đăng Khoa không ngần ngại chia sẻ, tranh biện, phản biện. Anh chọn đúng người, trúng vấn đề và biết cách khơi chuyện, cài cắm trong nhận định của mình ý kiến của dư luận, để biến mỗi câu hỏi, từng vấn đề trở thành những câu chuyện có phần phổ quát, chung cho nền văn học hôm nay. Với vốn kiến thức rộng và sâu, có cảm giác như Hoàng Đăng Khoa có thể trò chuyện sòng phẳng với bất kì ai, về bất kể vấn đề gì. Anh là người biết cách kích gợi để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình nói về họ, tác phẩm của họ, họ của hiện tại và họ của tương lai. Trong một không gian thân tình, cởi mở, mang tính học thuật, chuyên môn, Hoàng Đăng Khoa đã cuốn những khách văn của mình vào câu chuyện của họ, câu chuyện của chính anh và câu chuyện của văn chương nước nhà.
Là người trực tiếp tham gia vào đời sống văn học đương đại với tư cách là nhà thơ và nhà phê bình, Hoàng Đăng Khoa thấu hiểu những vấn đề tồn tại, những giới hạn trong sự viết, những thách thức với nghề, từ đó chia sẻ quan điểm của mình, mong tìm kiếm sự đồng cảm, vẫy gọi sự đối thoại của người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Các cuộc trò chuyện của anh thường neo vào một vấn đề được khởi sinh từ những sáng tác, những công trình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật mới nhất của đồng nghiệp; sau đó, anh mở rộng ra nhiều vấn đề cốt tủy trong đời sống văn học đương đại. Những vấn đề nổi cộm được anh đưa ra bàn thảo là: chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn học Việt Nam; sự khả thủ và giới hạn của lý thuyết hiện đại phương Tây trong nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học Việt Nam; câu chuyện bếp núc của nhà văn với những ý tưởng, dự án văn chương cùng không ít những trăn trở, thách thức trong thời đại công nghệ số; vấn đề nữ quyền và dòng văn học nữ giới; văn học hải ngoại và hành trình đi về của các nhà văn; dịch giả và khát vọng truyền bá văn hóa; văn chương thị thường và lối phê bình “hàng xén”; sứ mệnh của nhà phê bình trong việc định hướng thẩm mỹ, định giá văn chương; những hiện tượng văn học nổi bật, những lối tiếp cận, lý thuyết mới… Đặt ra những vấn đề này, Hoàng Đăng Khoa không chủ đích (và cũng bất khả) đẩy những cuộc đối thoại văn chương đến chỗ hoàn kết, mà chỉ là để ngỏ, khai phóng, kích gợi nhiều cuộc đối thoại khác tiếp tục mở ra.
Tìm gặp được một người đọc mình, hiểu mình đã khó, tìm gặp được một người biết lật mở, khơi gợi những vấn đề cốt tủy của mình, kích tạo niềm cảm hứng cho mình… lại càng khó gấp bội. Nhưng Hoàng Đăng Khoa và quán văn của anh đã và đang là địa chỉ đáng tin cậy của những khách văn hữu duyên. Và trước khi gõ cửa, bước vào quán văn ấy, hãy luôn chuẩn bị tâm thế, sẽ không có trà ngon rượu thơm, không có lời tán dương hoa mỹ sáo rỗng, không có câu hỏi dễ dãi, cạn cợt, hay những kết luận vội vàng, chủ quan, tự tin; nhưng khi bước ra khỏi quán văn ấy, trở về, sẽ thấy mình được tiếp truyền năng lượng, cảm hứng sáng tạo, thấy một cách trực quan sinh động tiếng nói văn chương của mình được vọng đáp, câu chuyện văn chương của mình được dự phần vào đời sống văn học nước nhà hiện thời.
22/9/2022
Nguyễn Văn Hùng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giúp các cuộc thi văn chương địa phương hay hơn

Giúp các cuộc thi văn chương địa phương hay hơn Giải thưởng văn chương địa phương không còn là miếng bánh để luân phiên chia phần trong mộ...