Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử

Không gian nghệ thuật
trong thơ Hàn Mặc Tử

Không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử vận động từ hiện tại đến tương lai, nhưng luôn đồng hiện chúng trong hoài niệm quá vãng, tạo thành mạch cảm xúc thi ca tuôn tràn trên ngọn bút. Qua đó, hình tượng không gian luôn ám ảnh, xáo trộn trong từng trạng thái tinh thần và cơn đau thể xác để trở thành thể nghiệm tâm hồn và siêu nghiệm thi ca, nói lên âm bản cuộc đời nhiều thương đau và bất hạnh, nhưng cũng hạnh phúc bất tuyệt  của ông. Ở đó, ông hướng đến thiên nhiên và đi thêm một đoạn nữa để tìm gặp đức tin tôn giáo trong sự hòa đồng giữa vũ trụ và Đáng hằng sống với con người để tự an ủi, vỗ về tâm hồn thanh xuân, buồn bã của mình. Và may thay, chúng không trở nên siêu hình, vô nghĩa mà chúng trở thành “thi ca chi bảo”, thành những gì đồng nghĩa với tình yêu và khát vọng sống của chính người thơ.
1. Không gian và thời gian nghệ thuật là hai phạm trù tồn tại trong tác phẩm văn chương mang tính quan niệm của chủ thể sáng tạo. Chúng gắn liền với cảm thức của tác giả về hiện thực cuộc sống và khát vọng tinh thần của nhân vật trong tác phẩm. Đó là hình thức cơ bản tạo nên kinh nghiệm quan hệ sống của con người, thông qua từng trạng thái tình cảm và các phương thức biểu hiện đặc biệt của ngôn ngữ, qua đó, tác giả thể hiện tư tưởng và phong cách của mình. Riêng lĩnh vực thi ca, không gian và thời gian được cấu trúc một cách đặc biệt, trở thành hình tượng, thành yếu tố kiến trúc tác phẩm độc đáo, giàu biến ảo và ám ảnh, tâm linh.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tìm hiểu phạm trù không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử với tư cách là quan niệm và sáng tạo riêng của ông xuất phát từ hoàn cảnh và quan hệ đặc biệt, tạo thành tâm lý học sáng tạo độc đáo của thi sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu này.    
2. Không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử được cấu trúc thành nhiều kiểu, nhiều chiều, đan xen giữa các mặt đối lập: ảo – thực, hiện hữu – hư vô, hiện thực – lãng mạn, thiên đường – trần thế, tâm tưởng – tâm linh… Tất cả làm thành thế giới trần gian và thế giới tưởng tượng ảo diệu, chuyển tải tư tưởng, biểu trưng và tình cảm đặc biệt của nhà thơ. Ông đã từng tự thú trong đau thương: “Bây giờ tôi dại tôi điên/ Chấp tay tôi lạy khắp miền không gian”. Miền không gian trong thơ Hàn Mặc Tử đi từ hiện thực trần thế đến miền thượng thanh khí và tâm linh kỳ bí, huyền diệu.
Không gian hiện thực thường trực gắn liền với bi kịch và bi tình sử của ông trong tác phẩm là Huế, Qui Nhơn, Phan Thiết, Đà Lạt, Sài Gòn… Huế trong tâm tưởng của thi nhân hiện ra nên thơ với những lời trách móc, giận yêu của người con gái đẹp.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Nhưng rồi không gian ấy cũng mờ xa, ảo giác trong tâm tưởng, ước mơ của chàng trai xa cách: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”. (Đây thôn Vỹ Giạ).
Một không gian đặc biệt đắm say, mơ mộng nhưng đượm nỗi buồn ly biệt trong thơ Hàn là Phan Thiết. Lầu Ông Hoàng là không gian cao vợi để thăng hoa tình ái, nhưng rồi phải nhận lấy những bi ai để ông thốt lên những lời ta thán: “Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi/ Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi”. Vậy mà bước lang thang của chàng lãng tử như níu người yêu dừng lại trong khoảnh khắc đêm sâu để hận sầu Phan Thiết.
Ta lang thang tìm đến chốn lầu trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!
(Phan Thiết! Phan Thiết!)
Một không gian hiện thực thơ mộng khác là Đà Lạt được Hàn Mặc Tử nhìn bằng con mắt vũ trụ, biến thực thể thành hư ảo, biến cõi thế thành trời cao, biến trăng sao thành huyền diệu: “Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu”. Cả không gian thực hư không phân biệt được, chỉ còn lại sự im lặng đến nao lòng: “Cả trời say nhuộm một màu trăng/ Và cả lòng tôi chẳng nói rằng/ Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng” (Đà Lạt trăng mờ).
Không gian làng quê trong thơ Hàn Mặc Tử bao giờ cũng được chiêm quan trong con mắt thiên nhiên sinh động nhưng có sự bất an, rạn vỡ, vợi xa làm thành nỗi buồn chia biệt: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Lòng thi nhân dường như đê mê trong mây chiều phiêu bạt, rồi một cảm thức buồn thương lại dâng lên phủ vạn lý tình: “Cách nhau ngàn vạn dặm/ Nhớ chi đến trăng thề/ Dầu ai không mong đợi/ Dầu ai không lắng nghe/ Tiếng buồn trong sương đục/ Tiếng hờn trong lũy tre” (Tình quê). Có phải không gian hiện thực trần thế buồn vợi và cách chia ấy đã là tiền đề để không gian nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử chuyển thành những cảm quan vũ trụ chăng?
Người phương Đông trung đại xem vũ trụ là chuẩn mực để nhìn ngắm và đăng cao, để xác định tâm thế và tầm vóc của mình. Hàn Mặc Tử sống trong thời hiện đại, phạm trù không gian đã chuyển thành những quan niệm tích cực, hóa giải theo con mắt đo đếm của phương Tây. Vậy tại sao không gian trong cái nhìn của ông lại ảo diệu và nhuốm màu huyền thoại như thế? Chu Văn Sơn đã có lý khi nhận xét không gian đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử: “Giữa nơi này và ngoài kia, giữa cõi Thế gian và Xuất thế gian (cõi vô vi – cõi Thượng thanh khí), ám ảnh lãnh cung – Động Huyền không – Giếng loạn – Trời sâu tuyệt vọng tìm ý giải thoát” [4,tr.294]. Giải thoát tâm hồn hay giải thoát tư tưởng triết mỹ về không gian? Ở đây, ta thấy không gian vũ trụ đã hòa điệu, hòa âm trong từng con chữ thi ca để nói nỗi niềm nhân thế: “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn). Thơ Hàn Mặc Tử tràn ngập trăng, sao, mây, trời, vầng dương, cầu Ô thước, sông Ngân Hà, có cả không gian tâm tưởng bên ngoài vũ trụ dành cho “loài thi sĩ” mà ông sở hữu như báu vật. Hàn Mặc Tử muốn hòa nhập vào vô biên ấy để được tận hưởng không gian thượng thanh khí và để “nghe trời giải nghĩa yêu”, để được thấy: “Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm”, để cảm nhận: “Thinh không tan như bào ảnh hư vô – Dải Ngân Hà biến theo cầu Ô thước”. Ở đó, một trời trăng diễm ảo hiện ra.
Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng, mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh, mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa tôi quá nói nghe chăng?
(Huyền ảo)
Tình yêu lý tưởng lại đẻ ra những ước vọng thi ca, hòng tan hòa vào xứ Say Mơ để tình yêu tha thiết, tạo thành tư tưởng văn chương ràng rịt những ước nguyền dang dở: “Đấy là tất cả người anh tiêu tán/ Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ/ Cùng tình em tha thiết như văn thơ/ Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế” (Trường tương tư).
Cõi mộng tình nơi thượng giới cũng chính là cõi mộng tình trong con người mơ Hàn Mặc Tử đó thôi. Tình yêu không đạt được trong thực tế đã khiến xui ông tìm đến chiêm bao và khao khát tìm đến miên trường nơi bến Mê, cung Quế để được bên người tình tưởng tượng: “Lên chơi Cung Quế lần đầu/ Ôi phép lạ, ôi nhiệm màu/ Vườn tiên sáng láng như lòng người thương”. Nơi đó, ông gặp hồn nàng đang chới với.
Anh đã gặp hồn em đang chới với
Bến Mê Hà trốn dải nước mênh mông
Anh đã đón tình em bay phất phới
Như hương trăng đằm thắm cõi không gian
Chúng ta biến, em ơi, Làm thanh khí
Cho tan ra hòa hợp với tình anh
Của trời đất, của muôn vàn ý nhị
Và tình ta sáng láng như trăng thanh:.
(Sáng láng)
Từ không gian vũ trụ, Hàn Mặc Tử đã sáng tạo ra những vầng thơ sáng láng, tinh khôi, bay bổng để xoa dịu những buồn khổ trần gian: “Ta cho ra một dòng thơ rất mát/ Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương/ Trời như hớp phải hơi men ngan ngát/ Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương”. Thơ từ đấy tuôn trào những lời như trân châu, mã não.
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
(Thánh nữ đồng trinh Maria)
Ông sống trong khát khao trở lại trời để được sống trong muôn sao chói lói: “Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc/ Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay” để mãi “Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh/ Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh” (Thánh nữ đồng trinh Maria). 
Từ không gian vũ trụ, Hàn Mặc Tử tiến thêm vào thế giới tâm linh của chính lòng mình để vỗ về, thanh lọc. Chiêm bao cũng là trạng thái vô thức trong cõi hữu hình có tác dụng thỏa mãn những ước nguyền dang dở, giúp ông sống và yêu và sáng tạo. Không gian mây, gió, khói, sương tạo nên những vần thơ chập chờn, hư ảo.
Lãng tử ơi! Mi là tiên hành khất
May không hộc máu chết rồi còn đâu
Trời hỡi! nhờ ai cho khỏi đói!
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?
(Lang thang)
Không gian hư ảo, nhưng lại rất thực trong cảm nhận của thi nhân, tạo thành cơ chế tâm lý thỏa mãn trong tâm tưởng: “Khói trầm lan nhẹ ngấm không gian/ Giây phút buồn lây đến mộng vàn… Bóng người thục nữ ẩn trong mơ/ Trong lá, trong hoa, khói bụi mờ” (Mơ hoa).
Không gian hư ảo trong thơ Hàn Mặc Tử còn diễn ra đồng nghĩa với tuổi trẻ tàn phai, ngày xanh không trở lại, mọi kỷ niệm đã thành xác thời gian mù mịt: “Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất/ Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm/ Hồn xưa tự ấy không về nữa/ Ở cõi hư vô dấu đã chìm” (Thời gian).
Hàn Mặc Tử muốn qua không gian để triết lý về cuộc sống và thời gian hữu hạn của kiếp người. Konrat đã từng nói: “Quay trở về một cái gì đó không nhất thiết là lặp lại cái gì đó đã từng xảy ra” [3,tr.37]. Đồng cảm nhận định này, ta dễ dàng lý giải hình tượng không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử. Toàn bộ không gian được ông vọng ngắm và đồng hiện qua hư cấu, tưởng tượng với nhiều sắc thái và trạng thái của thiên nhiên là để hiện hữu mình trong nhứt buốt, chứ không phải là sự lặp lại vô nghĩa. Những hình ảnh phái sinh biểu hiện không gian như hồn, máu, vũng, gió để hữu hình hóa tình cảm và trạng thái điên cuồng chính là cách để ông tô đậm những bi đát của đời ông. Hàn Mặc Tử có tác phẩm Máu cuồng và hồn điên chính là ám ảnh không gian bất ổn của tinh thần.
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Say trăng)
Hàn Mặc Tử biến bi kịch tinh thần của mình thành những lời than vãn, kêu rên thảm thiết cũng là để phủ định hiện tại đổ vỡ niềm tin trần thế trong trạng thái nan y của ông. Máu, tâm can là không gian cá thể mà ông cảm nhận bằng chính thân thể bất an của mình. Quả là Hàn Mặc Tử có cái nhìn bi đát về cá nhân mình, nhưng lại trì hoãn và níu kéo nó trong không gian tâm tưởng và tôn giáo để được cứu rỗi và chuộc lại theo ngôn ngữ Thánh kinh.
Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng
Cho ngây người mê dại đến tâm can
Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng
Mà muôn năn rớm máu trong không gian
(Rướm máu)
Như vậy, không gian trong thơ Hàn Mặc Tử, vô hình trung tự nó đều mang ý nghĩa vừa hiện thực vừa biểu trưng, tạo thành hình tượng có sức ám ảnh căn cứ với từng trạng huống tinh thần của ông. Chiều kích của nó có thể từ rộng đến hẹp, từ mặt đất đến bầu trời, từ cõi âm rợn ngợp đến cõi triều thiên bát ngát để ông được soi thấu cõi thẳm lòng mình bằng cái nhìn mơ mộng và ảo diệu.
Người lắng nghe, lắng nghe trong đáy giếng
Tiếng vàng rơi chìm lỉm xuống hư vô
Tiếng ngọc địch nhớ nhung còn uyển chuyển
Bên cầu sương lưu đọng ánh trăng mơ
(Thi sĩ Chàm)
Hàn Mặc Tử muốn làm người lạ lùng nhất khi ông phiêu lưu vào cõi “thượng thanh khí”, nhưng rồi ông cũng đã nhận ra cách phục chế không gian để nó ngự trị ngay trong chính cõi lòng để ông còn có cơ hội mà luyến lưu, hy vọng: “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt/ Mộng có thành là mộng ở đầu hôm/ Hương không ngọt, xuân sớm lẽ nào quên/ Mật không đắng ân tình không thú vị” (Dấu tích). Vì vậy, ông đặt tên cho sáng tạo của mình là “Hương thơm và Mật đắng” cũng là cách để tự cảm nhận những cung bậc của tình yêu đắng như hạnh phúc.
Đấy là tất cả người anh tiêu tán
Cùng trăng sao bàng bạc xứ say mơ
Cùng tình em tha thiết như vầng thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.
(Trường tương tư)
Chính Hàn Mặc Tử đã bằng thi ca, nối liền khổ đau và hạnh phúc, khoảnh khắc và bất tuyệt, sự sống và cái chết trong mắt nhìn thực tại, tuy có lúc không khỏi rơi vào siêu hình, như là cách để giải thoát những mộng mị, buồn thương. Đó cũng là cơ chế tự vệ tâm lý khi ông biết rằng mọi phủ định về cái bất an vẫn đeo đẳng lấy con người ông từ thể xác đến tâm hồn.
Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương
(Hồn lìa khỏi xác)
Bóng tối thuộc về đêm. Đêm là thời gian, nhưng đêm còn thuộc về không gian. Không gian hóa thời gian là cách Hàn Mặc Tử tìm lại ánh trăng mộng mị và tiếng rú rợn người của những đêm mờ nơi bến vắng: “Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ/ Tiếng rú ban đêm rợn bóng mờ/ Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng/ Rung tần không khí, bạt vi lô” (Cô liêu). Trăng – Hồn – Máu trong thơ Hàn Mặc Tử cũng luôn hiện ra trong bóng đêm thẳm lạnh, có lúc kinh dị, hãi hùng theo những cơn bạo bệnh, nhưng tận cùng là những khát khao níu kéo sự sống vô vọng nơi trần thế.
Ôi hồn thiêng liêng không hề chết đặng
Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên
Ngày tận thế là ngày thôi tán loạn
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên
(Hồn lìa khỏi xác)
Sự vận động của hình tượng không gian trong thi giới Hàn Mặc Tử đi theo chiều tiêu cực, nhiều bóng tối mà ít bóng sáng. Màu sắc, thanh âm trở nên buồn dai dẳng, nó như âm bản của cuộc đời ông, âu đó cũng là trạng thái chủ quan và khách quan có thật đang từng ngày từng giờ làm cho ông phải phải tiêu tán từng tế bào do căn bệnh hiểm nghèo đang giành giật từng không gian sự sống.
Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hòa thành vũng máu đào trong các lặn
(Trường tương tư)
Nếu chủ nghĩa tượng trưng đề cao cái kinh dị, bí ẩn, quái đản để phủ nhận những thực tại chán chường trong hiện tại, thì ở đây, Hàn Mặc Tử, qua trạng thái tinh thần cá nhân, đã bắt gặp sự cộng hưởng thi ca ở quan niệm có tính mỹ học của chủ nghĩa tượng trưng mà P. Valery và C. Baudelaire là hai thi sĩ tiêu biểu, luôn đề cao sức tưởng tượng quá ngưỡng trong thơ, khi họ cho rằng cái tinh thần của thi ca là đẹp, chứ không nhất thiết cái hiện thực được kể tới là đẹp. Hàn Mặc Tử đã tiếp nhận quan niệm này và thể hiện chúng trong trạng thái xúc cảm đặc biệt của trái tim đau, và sự“chết điếng của làn da” để phản chiếu lên tinh thần khác; lấy sự hư cấu, tưởng tượng cá nhân làm đối tượng để khám phá những bí ẩn đau thương; từ đó làm bệ đỡ cho sáng tạo và bệ đỡ của tâm hồn.
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim
(Huyền ảo)
Không gian trong mối quan hệ triết lý giữa Vũ trụ – Tinh thần trong thơ Hàn Mặc Tử chịu sự quy định có tính nhân quả, tương tác đặc biệt từ hiện thực để thành hình tượng thơ có tính khả nghiệm và tiên nghiệm cho hành trình hóa giải nỗi đau bằng nghệ thuật. Nhờ vậy, trong u buồn vẫn chói chang ánh hào quang của thiên nhiên đồng hiện.
Thượng thanh khí tiết ra nguồn thanh khí
Xa xôi đời trăng mọc nước Huyền Vy
Đây Miên trường, đây Vĩnh cửu, Tề phi!
Cao cao vượt với hai hàng bóng vía
Trời nhựt nguyệt cầu vồng bắc tứ phía
Ôi Hoàng hoa, hồn phách đến nơi đây
Hương ân tình cho kết lại thành giây
(Đừng cho lòng bay xa)
Và cuối cùng, nhờ vây, tâm hồn và thi ca Hàn Mặc Tử luôn trường thọ trong ý nghĩa chan hòa cùng thiên nhiên, vạn vật, có “hương thơm, màu sắc và âm thanh tương hợp” trong cõi khát khao bất tuyệt: “Hoan hô cao trường thọ đến vô biên/ Hoan hô cao vàng ngọc sẽ đoàn viên”.
Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thầm bay
Bút đề lên nền sáng báu năm mây
Thơ chen lấn vô trong nguồn cảm giác
Ta uống hết dũ hương và mộc dược
Ớn làm sao, đầy một miệng hào quang
(Trường thọ)
Và chỉ có cách đó, thi nhân mới vượt qua những bế tắc trần thế để miên viễn trong thế giới đau thương của nghệ thuật một cách chân thành và mơ mộng, hiện thực và huyền ảo. Và một khát vọng lý tưởng khác lại hiện lên – khát vọng thi ca vĩnh hằng – nếu có thể nói như thế!
3. Không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử vận động từ hiện tại đến tương lai, nhưng luôn đồng hiện chúng trong hoài niệm quá vãng, tạo thành mạch cảm xúc thi ca tuôn tràn trên ngọn bút. Qua đó, hình tượng không gian luôn ám ảnh, xáo trộn trong từng trạng thái tinh thần và cơn đau thể xác để trở thành thể nghiệm tâm hồn và siêu nghiệm thi ca, nói lên âm bản cuộc đời nhiều thương đau và bất hạnh, nhưng cũng hạnh phúc bất tuyệt của ông. Ở đó, ông hướng đến thiên nhiên và đi thêm một đoạn nữa để tìm gặp đức tin tôn giáo trong sự hòa đồng giữa vũ trụ và Đáng hằng sống với con người để tự an ủi, vỗ về tâm hồn thanh xuân, buồn bã của mình. Và may thay, chúng không trở nên siêu hình, vô nghĩa mà chúng trở thành “thi ca chi bảo”, thành những gì đồng nghĩa với tình yêu và khát vọng sống của chính người thơ.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Thế Hà (2005), Thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Hồ Thế Hà (2007), Những khoảnh khắc đồng hiện, Nxb Văn học,Hà Nội.
3. N. Konrat (1996), Phương Đông và phương Tây, Nxb Giáo dục,Hà Nội.
4. Nhiều tác giả (2005), Văn học so sánh – Nghiên cứu và triển vọng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. Nhiều tác giả (1998), Thơ Mới 1932 – 1945, Tác gia và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.                                                              16/9/2022
Hồ Thế Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Băng Tửu: Rượu ngon xứ Tuyết

Băng Tửu: Rượu ngon xứ Tuyết Có một loại rượu, kết quả của một sự tình cờ, từ Châu Âu, vùng Francoinia thuộc nước Đức. Người Đức gọi loại ...