Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Ma giáo

Ma giáo

Nó đói! Từ sáng đến giờ nó chưa có cái gì vào bụng. Thằng bé thất thểu bước đi trong cái bóng tối chập choạng. Không một bóng người, làng xóm tiêu điều xơ xác. Cái bụng nó réo lên ùng ục. Mệt lả, nó ngồi phịch xuống dưới một gốc cây bên đường. Mắt nó bỗng sáng lên khi nhìn thấy một mấy ngọn khoai lang đang bò trên cánh đồng ngay trước mặt. Nó vội vàng mò ngay xuống thửa ruộng. Bàn tay nó thọc sâu xuống luống đất đào bới. Đây rồi! Nó muốn reo lên khi ngón tay nó chạm vào một vật tròn tròn. Một củ khoai! Móc vội củ khoai lên, chùi vội vào manh áo bẩn thỉu đang mặc rồi cứ thế nó tống vội củ khoai vào mồm ngấu nhiến nhai. Thoáng một cái, củ khoai bé tý đã biến mất khỏi cái mồm khiến cho nó ngơ ngẩn tiếc. Tay nó lại thọc sâu xuống đất một lần nữa kiên nhẫn tìm kiếm.
- Này cháu! –Nghe tiếng gọi, nó ngẩng mặt nhìn lên. Trên đường, một người đang đứng nhìn nó –Đừng phí công nữa! Từ sáng đến giờ không biết bao nhiêu người mót đi mót lại ở luống khoai này rồi. Ở phía trước kia có một ngôi chùa. – Vừa nói, người đi đường vừa chỉ tay về hướng nó cần phải đi. – Cháu hãy đến đó xem thử có xin được chút gì hay không.
Nghe người đi đường mách bảo, nó vui mừng khôn xiết. Nó rời luống khoai, thất thểu buớc về phía trước. “Phía trước kia” nghe người đi đường mách bảo nó cứ tưởng là gần không ngờ lại xa đến vậy. Thắt chặt thêm cái giải rút quần để đàn áp cái bụng đang réo lên của mình, nó kiên nhẫn bước về phía “Một chút gì hay không” của người đi đường chỉ bảo với một nghị lực phi thường mà cuộc đấu tranh sinh tồn dẫn dắt.
Đây rồi! Một ngôi chùa không to nhưng với nó, với cái bụng rỗng không của nó thì nó tráng lệ như một lâu đài nguy nga trong các truyện cổ tích. Ngoài cổng chùa là một đôi câu đối. Nó lẩm nhẩm đọc.
Vế bên phải:
“Bốn biển một nhà, dẫn dắt chúng sinh tới miền cực lạc”
Vế bên trái:
Muôn người đồng chí, mở ra tiên cảnh ngay chốn trần gian”
- Nhanh lên các đạo hữu! Thịt chó phải ăn nóng mới ngon.
- Mô phật!—Một tiếng nói hiền từ cất lên –Sao con lại ăn nói thô tục vậy! Người ngoài mà nghe được có phải là mất hết niềm tin của họ vào giáo phái chúng ta. Thầy đã bảo nhiều lần rồi phải gọi là “Đậu phụ” mà sao mãi vẫn không nhớ?
Người bị mắng có vẻ sợ hãi.
- Bạch thầy! Con quên mất.
- Thế phải làm sao để cho nó nhớ hả con?
Cái giọng hiền từ ấy vẫn cất lên rất hiền từ.
- Bạch thầy con sẽ làm cho cái mồm này khong bao giờ quên nữa ạ.
Nó rồi người ấy tự tay mình vả vào mồm mình đôm đốp.
-Thôi được rồi! –Cái giọng hiền từ ấy lại cất lên. –Ai ra đóng cửa chùa vào đi kẻo ngộ nhỡ có khách vãng lai. Các con ngồi xuống ăn đi cho nóng.
Mùi rượu cay cay, mùi sả thơm nồng, mùi thịt chó béo ngậy tất cả những tứ đó xúm cả lại tra tấn cái dạ dày lép kẹp của nó khiến cho nó không thể chịu đựng nổi phải khẽ vén tấm rèm che gầm bàn thờ ngó ra.
Nó thấy bẩy tám người, người nào mặt cũng nung núc mỡ làm cho cái cổ như ngắn tũn hẳn lại, đang xúm quanh cái mâm. Người ăn bốc, người cầm đũa nhưng người nào cũng nhai nhồm nhoàm duy chỉ có nhà sư trụ trì ngồi tách hẳn ra khỏi đám đông. Ông khẽ khàng nâng chén rượu lên tợp một ngụm nhỏ rồi khẽ khà lên một tiếng với cái dáng vẻ tiên phong đạo cốt. Một đệ tử bưng lại một cái bát cung kính đặt trước mặt sư trụ trì.
-Bạch thầy! Rượu nữ nhi hồng mà nhắm với óc C… May cho gã, gã đột nhiên lại nhớ ra. –“Óc đậu phụ” thì bổ dương lắm ạ.
Trụ trì tủm tỉm cười hài lòng nhìn gã đệ tử.
Đột nhiên! Một miếng “Đậu phụ” bị một người đánh rơi văng ra ngay sát cửa bệ thờ. Không thể kìm nén được nó nhẹ nhàng thò ngón tay ra kều miếng thịt.
Chát! Nó có cảm giác những ngón tay đã đứt lìa ra khỏi bàn tay. Cánh tay của nó giật lên làm bung cả miếng rèm che chỗ gầm bệ thờ. Cái tiếng nói hiền từ ban nãy lại cất lên.
-Thí chủ hãy ra ngoài này đừng sợ!
Nó lồm cồm chui ra, lấm lét nhìn mọi người.
-À! Ra một chú bé. Khổ thân chưa kìa. Ra đây với ta bé con.
Cái tiếng nói trầm ấm, dịu dàng làm cho nó yên lòng. Nó nhích dần về phía sư trụ trì. Một bàn tay khô gày nhẹ đặt lên đầu nó.
- Ngồi xuống đây. Chắc con đói lắm. Khổ thân!. – Sư trụ trì quay sang một đệ tử ngồi gần nó nhất bảo. –Hãy múc cho chú bé một bát đã rồi sẽ nói chuyện.
Một bát thịt chó bốc hơi được đẩy đến trước mặt nó. Cái bụng rỗng không đã mấy ngày của nó réo lên sung sục làm tan hết cả nỗi sợ hãi. Nó vục mặt ngay vào bát thịt. Nó không biết rằng có một cặp lông mày đang nhíu lại nhìn nó suy tính. Đợi cho cái bụng của thằng nhỏ đã bớt réo gào, sư trụ trì mới từ tốn hỏi.
- Con không được ăn đã mấy hôm rồi?
- Bạch thầy. –Nó chắp tay lại với thái độ cung kính. Từ “Bạch thấy” và cái bộ dạng cung kính ấy nó vừa mới học được ở cái người vừa tự vả đôm đốp vào mồm mình. –Đã tuần nay con chưa có gì vào bụng ạ.
Vừa nói, nó vừa sợ hãi liếc nhìn người đang hỏi chuyện nó. Nó sợ! Không biết rằng ông ta có biết là nó bốc láo lên không. Sức nó mà một tuần không có gì ăn chắc là đã nằm bẹp một chỗ từ lâu rồi. Hình như ông ta không để ý đến điều đó.
-Thế con có muốn gia nhập vào giáo phái của chúng ta không?
Nó không tin vào tai mình. Dễ thế sao? Ôi! Bát thịt chó! Vốn là người linh lợi, quyền biến. Cuộc sống đầy gian manh đã dạy cho nó nhiều điều. Nó vội vàng quỳ sụp xuống chắp tay vái lia lịa.
-Xin Phật tổ đại từ đại bi, đức quan thế âm “ Phúc đẳng hà sa”, đức thế tôn,….
Cứ thế nó lảm nhảm một tràng dài mà chính nó cũng không biết là mình đang nói gì. Nhà sư trụ trì hài lòng nhìn nó. “Phải có những người như nó mới có thể hoằng dương đạo pháp của giáo phái ta” Nhà sư thầm nghĩ.
-Được rồi! được rồi! Ta nhận người vào môn phái. Ta đặt pháp danh cho ngươi là.—Nói đến đây sư trụ trì im lặng suy nghĩ một lúc. – Là …là …Phải rồi! Là Giả Chân
Nó có căn tu. Đấy là hồi mới đẻ, một ông đồ trong làng lấy tử vi cho nó bảo thế. Bố mẹ nó tin là thật nên hồi lên mười hai tuổi, bố nó gửi nó lên chùa nhưng chỉ được đâu vài tháng, không thể chịu đựng nổi nó bỏ chùa, không dám trở về nhà, nó dạt lên Hà nội và bắt đầu sống cuộc sống của kẻ đầu đường xó chợ.
Công việc của nó trong chùa cũng chẳng lấy gì làm vất vả. Quét dọn, lau chùi và đảm nhận thêm việc sai vặt. Thế cũng tốt chán! Dẫu không được ăn ngon (Vì bát thịt chó ấy là bát đầu tiên cũng là bát cuối cùng nó được ăn cùng với các huynh đệ trong chùa) nhưng dẫu sao ngày ngày cũng có cái nhét vào bụng.
Một hôm, khi nó đang quét sân chùa, trong Đại điện, mọi người tập trung học kinh. Sư trụ trì ngồi trên, tay cầm cái dùi khoan thai nhịp trên chiếc mõ gỗ và chậm rãi đọc từng câu một. Các đệ tử ngồi dưới đồng thanh đọc theo.
-Cha là bà, bà là cha,bà là cha, cha là bà
Tiếng đọc cứ rền rĩ âm vang cả sân chùa. Nó cầm cái chổi tựa lưng vào một gốc cây và cứ thế lẩm nhẩm đọc theo “Cha là bà, bà là cha, bà là cha cha là bà, chacha,bà bà….”. Đến giờ nghỉ, nó lân la đến bên nhà sư trụ trì hỏi.
-Bạch thầy “Bà là cha, cha là bà” có nghĩa là gì ạ?
Sư trụ trì lấy tay xoa lên đầu nó hiền lành.
- Con ạ! Giáo lý Phật môn cao thâm hơn biển. Để giải thích cho con nó nghĩa là gì thì nói cả ngày cũng không hết nên con không cần phải hiểu. Phật giáo chia làm hai phái, một Phái “Thiền”, phải tự mình tìm hiểu và một phái “Tụng”, không cần hiểu, chỉ cần con hàng ngày tụng nó rồi sẽ đến một ngày trong con bừng lên sự giác ngộ.
- Bạch thầy! Ngày trước con cũng đã vào chùa một lần. Ở đấy sư trụ trì bắt con quay mặt vào tường để nghĩ đến một chữ “Nhân”
Sư trụ trì cười hỏi nó.
- Thế ngày ấy con nghĩ được cái gì?
- Bạch thầy! Con chẳng nghĩ được gì cả. Ngồi một lúc, con gục xuống ngủ quên đi mất.
Sư trụ trì cười từ tốn giảng giải lại cho nó.
-Đời là bể khổ con ạ. Ngày xưa đức Phật tổ dạy rằng con người ta có tám nỗi khổ được gọi là bát khổ nhưng ta, sau nhiều năm “Bích diện thiền tâm” Ta ngộ ra rằng cuộc đời con người còn một nỗi khổ nữa gọi là “Minh khổ”, vì hiểu biết mà khổ. Con thấy không! Vì hiểu biết nên con mới nhận ra mình kém hơn kẻ kia. Kẻ mà con thấy mình kém hơn làm cho con thấy ghen ghét, bực bội đấy là khổ. Nếu như con cứ ngu si luôn nghĩ rằng mình hơn kẻ kia đến nghìn lần thì có phải là con sẽ sống vui vẻ không. Chẳng phải vì thế mà các cụ ngày xưa có câu “Ngu si hưởng thái bình” hay sao. Con đã nghe thấy câu ấy bao giờ chưa?
Nhà sư hỏi nó. Nói gật đầu
- Bạch thầy rồi ạ. Ở cạnh nhà con có một lão thầy đồ chẳng biết làm một cái gì cả. Đến cơm cũng không biết thổi thế mà lão vẫn sống rất ung dung. Nếu như chỉ cần biết “Bà là cha, cha là bà, bà bà cha cha” Mà có cơm ăn áo mặc thì con nguyện đi theo giáo phái ta trọn đời.
“Thằng bé này thế mà được”, trụ trì thầm nghĩ, nó sẽ rất trung thành. Muốn hoằng dương đạo phái phải dựa vào những người như nó.
Đông qua xuân lại, thằng bé lớn nhanh như thổi. Nó đã thuộc làu kinh kệ. Tối nào nó cũng ngồi trước tam bảo, xếp bằng tròn tay cầm cái dùi mõ thả từng tiếng mõ khoan thai vào không gian tĩnh lặng của chùa. Miệng nó đọc mà cái đầu không cần nghĩ. Nó thả cho đầu óc mình trôi đi tận đâu đâu. Nó có cái giọng đọc kinh trầm bổng đến lạ lùng. Nghe nó đọc, những tiếng bà, cha, cha bà luyến quện vào nhau làm người nghe không thể phân biệt được rõ từng âm tiết. Ai cũng nghĩ đấy như là những câu kinh bằng tiếng Phạn. Tiếng cầu kinh của nó lên bổng xuống trầm như một câu hát, ru ngủ những tín đồ.
Một buổi tối, đã khuya lắm rồi, sau buổi cầu kinh trước khi đi ngủ, nó trở về thiền phòng của mình. Đi ngang qua phòng sư trụ trì, nó bỗng nghe được những tiếng rên khe khẽ, tiếng thở gấp gáp và một nhịp điệu đều đều. Thấy lạ, nó tiến lại căn phòng, ghé mắt nhìn qua khe cửa. Điện tắt, căn phòng được chiếu sáng bằng một ngọn nến nhỏ và nó thấy…..
Lần đầu tiên trong đời nó thấy cảnh này. Nó dán chặt mắt vào khe cửa. cái quần đang mặc của nó cứ thế căng lên lúc nào mà nó không rõ.
Kịch! Bất ngờ, vì quá mê mải nhòm, cái trán của nó va vào cánh cửa. Ngọn nến trong nhà phụt tắt. Có những tiếng động lịch kịch trong căn phòng tối om, một lúc sau có tiếng hắng giọng của sư trụ trì.
-Ai đấy?
Hoảng sợ nó ngồi sụp xuống len lén bò đi.
Sáng hôm sau, như thường lệ nó lại lên đại điện ngồi xếp chân tụng kinh. Đầu óc nó bấn loạn, cảnh tối qua cứ hiện về trong óc nó. Đang ngồi tụng kinh giữa đại điện mà cái quần của nó phồng lên một khoảng. Hoảng hốt, nó lấy vạt áo cà sa phủ lên trên để giấu đi. Đột nhiên nó thấy gáy mình nóng rát. Nó biết sư phụ đang đứng đằng sau lưng nhìn nó. Nỗi sợ hãi làm tiếng cầu kinh của nó bị đứt đoạn.
- Hình như sáng nay con cầu kinh mà cái tâm của con chẳng yên?
Nghe sư phụ hỏi, nó toát mồ hôi hột. Nó ngừng đọc kinh bối rối.
- Bạch thày! Tối qua con bị viêm họng nên hôm nay đọc kinh không được trơn chu cho lắm.
Nó cố gắng giữ bình tĩnh và biện bạch. Sư trụ trì đi đến ngồi xuống chiếc bồ đoàn giọng bình thản bảo nó.
- Sáng nay ta muốn kiểm tra trình độ phật pháp của con xem con học hành thế nào. –Giọng sư phụ vẫn hiền từ, trầm ấm không tỏ ra một chút khác biệt nào làm nó hơi yên tâm. –Bây giờ con hãy nói cho ta biết con hiểu thế nào là “Sắc không “?
-Bạch thầy! “Sắc” nghĩa là “Có”, “Không” nghĩa là không. Có mà như không. Không mà hóa ra có. Có không, không có, có có, không không lúc thì tách ra lúc thì nhập vào trộn lẫn với nhau cứ thế mà biến đổi một cách vô thường làm cho không ai có thể nắm bắt được. Đấy chẳng phải là hồn cốt của giáo phái chúng ta sao
Nghe nó nói, sư trụ trì kinh ngạc. “Thằng lỏi này cơ trí hơn người” Ông ta thầm nghĩ. Cái điều nó thấy hôm qua mà như không thấy. Ý nó đã rõ thế rồi còn gì. Nhà sư yên tâm hẳn. Ông ta gật gù.
- Con con trẻ thế mà phật pháp đã uyên thâm hơn người. Từ lâu, ta đang muốn tìm một người để mai sau có thể truyền y bát. Có lẽ ta đã tìm ra được người rồi.
Nghe sư phụ nói, nó như mở cờ trong bụng. Sư phụ nhìn nó tủm tỉm cười hỏi.
- Thế tối nay con có muốn “Không” không?
- Bạch thầy! Đi vào cái “Sắc” để hiểu rõ cái “Không” trong lòng mình, nó chính là đi vào thực tế để kiểm tra lại phần lý thuyết. Vả lại chẳng phải chính cái “Sắc” mới làm cho cái “Không” của giáo phái chúng ta trở nên ảo diệu muôn phần đó sao?
Trụ trì vỗ đến đét một cái vào đùi bật ra lời khen ngợi.
-Giỏi! Giáo lý uyên thâm! biến không thành có! Biến có thành không! Tưởng trên đời này ngươi là số một.
Nó cúi mặt chắp tay cung kính.
- Bạch thầy! Thầy hay khắc có trò giỏi đấy là đạo lý muôn đời.
Thế là từ đấy, thỉnh thoảng nó được tháp tùng sư phụ đi vào cái “ Sắc” để chứng ngộ cái “Không” đầy kì ảo. Những lần như thế nó lại luôn nghĩ về chiếc áo cà sa màu vàng mà nó sẽ khoác lên người.
Thời gian như thoi đưa, tình nghĩa sư đồ ngày càng thắm thiết, thế nhưng mãi mà sư phụ của nó vẫn chưa có ý định truyền y bát. Nó vô cùng sốt ruột. Bây giờ, buổi cầu kinh nào, sau khi xong đứng lên nó lại châm thêm một tuần hương nữa và thầm khấn.
- Phật tổ! xin người phù hộ cho thầy con được sớm về nơi cực lạc. Thầy con đã già yếu, trọng trách người gánh vác lại nặng nề. Xin Phật tổ phù hộ cho thày con.
Hình như sự thành tâm của nó đã thấu đến Phật tổ. Một buổi tối sư phụ nó tập trung mọi người lại và tuyên bố.
-Ta đã già yếu không thể đảm nhận được công việc nặng nề của giáo phái. Sáng mai, mọi người tập trung lên đại điện, ta chính thức truyền y bát cho người sẽ thay ta giữ trọng trách của giáo phái ta
Khác với mọi người đều cố len lên phía trước để cho sư phụ có thể nhìn thấy mình. Nó lại đứng cuối cùng nhưng lại đứng ngay chỗ bục cửa ra vào. Chỗ bục cửa cao hơn nền nhà nên tự nhiên nó đứng cao hơn hẳn mọi người. Nó dơ bông sen lên, nhìn sư phụ cười.
Sư phụ cũng nhìn về phía nó, ánh mắt hiền từ. sư phụ nó cũng cười. Ông ta hắng giọng vài cái rồi nói.
- Đệ tử… Một khoảng dừng lại, nhà sư già nhìn khắp lượt các đệ tử của mình. Không ai bảo ai, ánh mắt của mọi người đều nhìn theo ánh mắt của sư phụ. Ánh mắt ấy dừng lại ở chỗ nó. Nó nín thở. Mặc dù biết chắc rồi nó vẫn nín thở. Mọi người đều nín thở.—Thích Tất Cả lên đây!
Bông hoa sen rời khỏi tay nó rơi xuống đất. Đấy không phải là nó!
Mấy hôm sau, vị trụ trì mới điều nó xuống lo việc cơm nước cho chùa. Một hôm, nó đang thái rau để chuẩn bị thổi cơm thì sư phụ của nó đi xuống bếp. Ông ta cầm con dao trong tay nó ngắm nhía một lúc rồi bảo.
- Con dao này lưỡi dao là “Sắc”.— rồi lật con dao lên, chỉ vào cái sống của con dao. –Còn đây là “Không”. Con dao này, phần sắc thì quá sắc. Cẩn thận nghe con kẻo không lại đứt tay thì khổ!.
Nguyễn Thế Duyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...