Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Một chút Liêu trai tại Hàng Châu

Một chút Liêu trai tại Hàng Châu

Nguyễn là người đất Hà thành, tính tình phóng khoáng ưa chuyện phong tình nhưng cũng chưa thấy một ai nói gã là con người hư hỏng. Nguyễn đọc nhiều biết rộng, những khi đàm luận văn chương thường đưa ra đuợc những ý khác hẳn với những nhận định thông thường làm cho mọi người phải bội phục.
Bình sinh gã thích đọc thơ Đường. Nói đến Đường thi mọi người ai cũng xúm vào ca ngợi Hoàng Hạc lâu hay Đằng Vương các. Riêng gã, gã thích Đỗ Mục mà lại chỉ thích mỗi một bài của thi nhân này đó là bài “Khiển hoài”.
Lạc phách giang hồ tải tửu hành
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Dinh đắc thanh lâu bạc hạnh danh
Gã vẫn thường bảo “ Riêng cái tên của bài thơ đã thấy Đỗ Mục khác đời. Cái mà đời muốn dấu kín đi thì ông lại muốn đuợc nói ra mới cảm thấy nhẹ lòng. Lời thơ cao ngạo. Tứ thơ phóng túng. Mười năm mà chỉ như một giấc mộng thì chỉ có ái tình mới làm đuợc. Chao ơi! Giá như ta cũng có một giấc mộng như thế!”
Có người nghe gã nói vậy thì bảo.
- Tưởng bác mộng cái gì chứ mộng thành nghèo đói đến cái mức bụng thì lép kẹp, tay nhẹ bẫng không tiền thì mộng mà làm gì!
Đấy là người ấy lấy một câu của một học giả có tiếng dịch câu “Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh” là nói cảnh Đỗ Mục vì lêu lổng ở Dương Châu mà thành tiền không (chưởng trung khinh) người đói (Sở yêu tiêm tế). Nghe người ấy nói vậy gã cười hỏi lại.
- Đã nghèo đói không tiền thì liệu có thể thành danh chốn thanh lâu đuợc không?
Người ấy chịu không sao trả lời đuợc. Lúc ấy gã mới từ từ bảo.
- Dương Châu nằm ở phía nam Trung Quốc. Gái phương nam nổi tiếng xinh đẹp, dáng người thanh mảnh. Câu thơ ghép hai tích, một tích nói về Sở tương vương vì thích những người eo nhỏ nên có những cung nữ nhịn đói đến chết để giữ cho eo của mình thon thả để đuợc vua yêu, còn một tích về Triệu Phi Yến người thon nhỏ tưởng như có thể múa đuợc trên bàn tay mà thành. Tôi thì tôi cho rằng câu thơ này nói về những cô gái đẹp chốn thanh lâu đất Dương Châu thì hợp lý hơn. Vì chỉ có những cô gái đẹp như thế mới có thể thu ngắn thời gian mười năm thành một giấc mộng. Người kia phải chịu là gã nói đúng.
Đấy là về thơ. Còn văn thì gã thích mỗi Bồ Tùng Linh. Gã bảo “Chuyện hay thì có nhiều nhưng chuyện mà đọc xong khiến người ta cứ mơ màng như lạc vào cõi mộng thì chỉ có mỗi Bồ Tùng Linh là làm đuợc”. Chả thế mà thỉnh thoảng, người ta lại thấy hắn như người mộng du lang thang một mình trong đêm miệng lúc thì cười cười, lúc thì lẩm bẩm một mình như đang nói chuyện với một ai đó.
Mùa thu năm ấy gã dành dụm đuợc một ít tiền nên quyết định đi Hàng Châu du ngoạn. Gã đến Hàng Châu đã và cuối thu, hàng phong ven hồ đã ngả sang mầu đỏ rực. Gió thu hiu hắt sóng nước mênh mông gieo vào trong gã một nỗi buồn tàn thu cũng mênh mang như trời đất. Bất giác gã buột mồm ngâm “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”Tiếng ngâm vừa dứt, đột nhiên có một trận gió nổi lên bứt những chiếc lá phong bay lả tả xuống mặt hồ. Những chiếc lá phong đỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nước được gió thu thổi cứ từ từ trôi xa dần chỗ gã đứng làm cho gã chợt liên tưởng đến Vu Hựu bèn ngâm tiếp.
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy
Thập tải ưu tư mãn tố hòa
Kim nhật khước thành loan phượng hữu
Phương tri hồng điệp thị lương môi
Ngâm xong, trong đầu gã lại mơ màng như mình đang đuợc sống trong chốn “Liêu trai”. Gã thuê một chiếc thuyền bơi ra ngoài đảo, một mình lững thứng đi dưới hàng dương đang xõa mái tóc xanh mượt của mình xuống mặt hồ trong xanh.
Đi một lúc đã thấy mệt nhoài gã bèn ngồi xuống dưới một gốc liễu tựa vào gốc cây thiu thiu ngủ. Thốt nhiên thấy một bà lão đi đến bên gã quỳ xuống van xin:
- Xin công tử cứu tiểu thư của già
Gã vội vàng đứng lên đỡ bà cụ đứng dậy
- Xin cụ đừng làm thế khiến vãn sinh tổn thọ. Chẳng hay cụ là ai và tiểu thư của cụ làm sao mà cần phải cứu?
Bà cụ liền bảo.
- Già là Giả Di nhũ mẫu của Tô tiểu thư.
Nghe nói, gã thất kinh hỏi lại.
- Phải chăng người bà nói là Tô Tiểu Tiểu tiểu thư? – Bà lão gật đầu. Gã sững sờ mất một lúc mới có thể hỏi tiếp – Chẳng phải là Tô tiểu thư đã chết từ hàng ngàn năm nay rồi sao?
Bà lão thở dài, gật đầu bảo.
- Đúng vậy! Tiểu thư của già mất đã hàng nghìn năm rồi nhưng nỗi hận đàn ông trong tiểu thư của già không tan nên linh hồn của nàng không thể siêu thoát. Lúc nãy già nghe công tử ngâm thơ biết công tử là người trọng tình nên mạo muội đến đây cầu xin công tử cứu tiểu thư của già.
Gã nhìn bà lão nghi hoặc:
- Sao Tô tiểu thư lại có thể hận đàn ông đuợc? Tuy vãn sinh là kẻ hậu bối nhưng cũng đuợc biết hai người đến với Tô tiểu thư đều là những bậc chính nhân quân tử. Trọng tình trọng nghĩa. Một người chỉ vì cha mẹ ngăn cấm còn một người đuổi theo đám ma ôm quan tài mà khóc. Đời một người đàn bà có đuợc hai mối tình như vậy còn hận nỗi gì?
Bà lão thở dài nói:
- Người đời ai cũng nghĩ như vậy. Họ đâu có biết rằng trong chuyện tình cảm có cha mẹ nào ngăn cấm đuợc con cái đâu. Ngay đến Trác Văn Quân phận nữ lưu ngoài cha mẹ ngăn cấm còn bị người đời chê cười là bỏ nhà theo giai mà còn không ngăn cản đuợc huống gì đến Nguyễn Uất đường đường là một trang nam tử. Vả lại, nếu cha mẹ có ngăn cản thì cũng chỉ ngăn cản khi cưới chính thất còn thêm thê, nạp thiếp có ai nghĩ đến môn đăng hậu đối nữa đâu. Còn người đàn bà khi đã vì tình thì đâu có nghĩ gì đến chuyện chính danh. Là vợ, là thê hay là thiếp với họ đâu có gì là quan trọng. Với họ chỉ cần có một chữ “Tình” mà thôi. Vậy nên nói Nguyễn Uất vì bị cha mẹ ngăn cấm chỉ là một cách nói để tự bào chữa cho mình. Tiểu thư của già làm sao mà không hận cho được?
- Thế còn với Bào Nhân?
Gã hỏi. Bà lão nhìn xa xăm ra ngoài hồ với ánh mắt u buồn, chậm rãi trả lời.
- Chẳng lẽ công tử chưa bao giờ nghe đuợc câu “Nhi nữ tình trường”? Với Bào Nhân, thực sự tiểu thư của già không có tình cảm gì. Chẳng qua hình dạng bên ngoài của Bào Nhân giống với kẻ bạc tình nên tình xưa trỗi dậy mà ra tay cứu giúp. Còn chuyện Bào Nhân đuổi theo xe tang ôm quan tài mà khóc đấy không phải là vì một chữ “Tình” mà chỉ vì một chữ “Ơn”, chữ “Nghĩa” mà thôi.
Nghe bà lão kể, Nguyễn trong lòng đầy cảm thán. Chao ôi! Tài sắc nức tiếng một thời chỉ vì một chữ “Tình” mà ôm hận ngàn đời không siêu thoát.
- Vậy vãn sinh phải làm sao mới có thể giúp cho Tô tiểu thư siêu thoát đây?
Nghe Nguyễn hỏi bà lão buồn bã lắc đầu:
- Già cũng không biết. Từ khi mất đi, tiểu thư của già mối hận khôn nguôi nên cứ đến đêm rằm tháng mười hàng năm nàng lại hiện nguyên hình cưỡi một con thuyền nhỏ đi trong hồ này để quyến rũ những tao nhân mặc khách thưởng trăng. Đêm nay là đêm rằm, canh ba đêm nay tiểu thư của già sẽ đến nơi đây. Lúc nãy nghe công tử ngâm thơ không hiểu sao già linh cảm thấy chỉ có công tử mới là người có thể cứu nổi tiểu thư của già. Chỉ cần công tử bằng cách nào đó làm tan đi mối hận đàn ông của tiểu thư là công tử có thể cứu được nàng.
Gã gật đầu đồng ý.
- Thôi được để vãn sinh thử xem sao.
Nghe gã nói vậy bà cụ vui mừng chắp tay vái tạ rồi vội vã bỏ đi. Bà cụ đã đi xa, Nguyễn mới chợt nhớ ra chưa hỏi xem thuyền hoa sẽ đậu nơi đâu nên vội vàng chạy theo để hỏi thì vấp vào một hòn đã ngã lăn xuống đất. Sực tỉnh, thấy mình đang nằm dưới gốc liễu. Thì ra đấy là một giấc mơ. Nguyễn bán tín, bán nghi nên không đi dạo nữa mà trở về nhà trọ đợi trời tối.
Canh ba đêm đó, Nguyễn tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề rồi gọi chủ nhà dậy để họ mở cửa cho mình. Người chủ nhà trọ hỏi
- Giờ này rồi mà cậu còn định đi đâu?
Nguyễn bảo:
- Trăng đêm nay đẹp quá. Tôi định đi ra bờ hồ ngắm trăng.
Người chủ nhà mặt thất sắc:
- Cậu không biết gì sao mà lại định ra hồ đêm nay?
Nguyễn ngạc nhiên hỏi lại:
- Biết gì?
Người chủ nhà trọ trả lời:
- Đêm rằm tháng mười năm nào cũng có một người chết đuối ở hồ này.
Nguyễn cười bảo:
- Chuyện ma quỷ chỉ là những chuyện tào lao mà sao ai cũng tin là có thực.
Nói rồi mở cửa bước ra ngoài đường. Nguyễn đi ra ngoài hồ, tìm đến chỗ mấy chiếc thuyền chài đang đậu ở ven hồ đánh thức chủ thuyền dậy.
- Tôi muốn ra ngoài đảo ngắm trăng. Xin ông chở tôi ra ngoài đó.
Vừa nói Nguyễn vừa móc túi lấy ra mấy tờ giấy bạc đưa cho ông lão. Ông lão lắc đầu nguây nguẩy từ chối:
- Chịu thôi! Tôi chẳng dám chở khách ra đảo đêm nay đâu.
Nguyễn tưởng ông lão chê ít bèn móc ra thêm mấy tờ bạc nữa đưa cho ông lão ngư phủ. Ông lão vẫn từ chối.
- Không phải là tôi chê tiền ít đâu cậu mà là chẳng ai dám bơi thuyền ra hồ đêm nay. Cậu nhìn xem. – Vừa nói ông lão vừa chỉ tay ra ngoài hồ. – Đêm nào thuyền đưa khách đi du ngoạn cũng tấp nập suốt đêm. Chỉ có đêm nay là không.
Nguyễn nhìn theo tay ông lão chỉ. Quả thật hồ vắng ngắt không một bóng thuyền. Lúc này thì Nguyễn mới tin là ông chủ nhà trọ của mình nói thật. Thế nhưng Nguyễn vẫn không hề nao núng.
- Nếu thế cụ cho cháu thuê chiếc thuyền nan nhỏ này. Cháu sẽ tự chèo ra ngoài đảo.
Ông cụ thuyền chài gàn Nguyễn.
- Nguy hiểm lắm cậu ạ. Không biết đã có bao nhiêu người chết đuối ở hồ này vào đêm rằm tháng mười rồi. Nếu cậu muốn ngắm trăng thì hãy để đến đêm mai, tôi sẽ đưa cậu đi.
Nguyễn lắc đầu kiên quyết.
- Không! Cháu nhất định phải ra đảo đêm nay.
Biết là không thể ngăn đuợc, ông lão đưa cho Nguyễn một chiếc mái chèo.
- Tôi đã nói rồi. Cậu đừng trách là tôi biết mà không bảo đấy.
Nguyễn cầm lấy cái mái chèo leo sang chiếc thuyền nan nhỏ chèo ra ngoài đảo.
Đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, gió thu hiu hắt. Một làn sương mỏng mờ mờ giăng kín mặt hồ. Đột nhiên Nguyễn nghe thấy tiếng đàn tỳ bà xuyên qua làn sương mỏng ai oán như than như khóc. Tiếng đàn nhỏ từng giọt thê lương xuống mặt hồ làm mặt hồ đen thẫm lại, giá buốt, thăm thẳm sâu như nỗi đau của người đàn. Mặt hồ run rẩy gợn từng con sóng nhỏ. Không gian như ngưng đọng lại, lặng đi rồi đột nhiên òa vỡ trong tiếng đàn gấp gáp, giận dữ như một trận cuồng phong chợt cuộn lên mang theo một nỗi hận đến khôn cùng. Từ trong làn sương trắng một chiếc hoa thuyền đèn đuốc sáng choang từ từ hiện ra như một ảo ảnh. Đầu thuyền, một người đang cầm một chiếc mái chèo nhẹ nhàng khuấy nước, gã nhận ra ngay đấy chính là bà lão mà gã đã gặp buổi trưa nay. Qua chiếc rèm thưa, bóng một giai nhân xõa tóc ôm đàn mắt dõi về rặng núi phía xa bàn tay nhỏ nhắn lướt trên cần đàn.
“Phừng!” Gã còn kịp nhìn thấy năm ngón tay gảy đàn của nàng như muốn bấu đứt dây đàn để tạo ra một tiếng “Phừng” đầy giận dữ. Lòng đầy cảm khái, Nguyễn cầm một thanh trúc nhỏ gõ lên mạn thuyền mình mà hát rằng:
Trăng mộng hề!
Thuyền hoa mộng hề.
Mộng bất thành hề giai nhân hận.
Thiên thu hề! thiên tình hận.
Tan hề trong tình thiên thu.
Tiếng hát của gã dứt, tiếng đàn cũng ngưng bặt. Một khoảng lặng kéo dài rồi gã chợt nghe thấy một tiếng cười nhạt phát ra sau tấm rèm thưa của chiếc hoa thuyền.
- Xin mời công tử lên thuyền.
Một tiếng oanh thánh thót vang lên. Gã điềm nhiên bước lên hoa thuyền vén rèm cửa bước vào. Cô gái đứng dậy cúi mình thi lễ. Đẹp! Sắc đẹp của cô gái làm cho gã ngơ ngẩn. Một nét đẹp buồn toát ra từ cô gái và có lẽ chính cái nét buồn ấy làm cho cô gái càng trở nên quyến rũ hơn. Gã cũng chắp tay xá một xá.
- Tô tiểu thư! Danh nghe đã lâu bây giờ mới gặp thật là vạn hạnh.
Mặt cô gái thoáng biến sắc xong rất nhanh, cô gái lấy lại ngay vẻ mặt bình thường.
- Hóa ra công tử đã biết tiểu nữ là ai. Vậy công tử không sợ chết hay sao?
Nguyễn mỉm cười nhìn thẳng vào cô gái ánh mắt không hề dấu diếm vẻ ngưỡng mộ.
- Chết trong lòng mĩ nhân là cái chết nặng tựa thái sơn còn chết trong tình mĩ nhân là cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tại hạ có việc gì mà phải sợ?
- Có vẻ công tử tự tin là sẽ chiếm đuợc chữ “Tình” của thiếp chăng?
Nghe cô gái hỏi gã điềm nhiên gật đầu.
- Tiểu thư vì một chữ “Tình” mà chết chứng tỏ tiểu thư là một người trọng tình còn ta vì một chữ “Nghĩa” mà không sợ chết lẽ nào một người như thế lại không thể chiếm đuợc chữ “Tình” trong lòng tiểu thư?
Cô gái cười nhạt hỏi lại gã.
- Tiểu nữ không hiểu:Vì một chữ “Nghĩa” mà công tử vừa nói
- Có gì mà không hiểu. – gã đáp. – Tiểu thư vì một chữ “Hận” mà không thể siêu thoát còn ta lại muốn làm tan đi chữ hận ấy để tiểu thư có thể siêu thoát chẳng phải là một việc nghĩa hay sao?
Cô gái nhìn gã, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Môi nàng mấp máy định nói nhưng lúc ấy người vú nuôi Giả Di bưng khay trà vén rèm bước vào nên nàng không nói nữa. Giả Di đặt khay trà xuống bàn, rót nước ra chén. Cô gái nâng chén trà lên mời gã:
- Mời công tử dùng trà.
Gã giơ tay đỡ lấy chén trà mà cô gái đưa. Hình như cô gái cố ý để cho bàn tay của mình chạm vào tay gã. Gã rùng mình. Một xúc cảm trỗi dậy khiến cho bàn tay cầm chén trà của gã run run làm nước trà nóng sánh xuống tay cô gái. Gã vội vàng đặt chén trà xuống bàn, một tay cầm lấy tay cô gái còn tay kia rút chiếc khăn tay định lau những giọt nước trên bàn tay ấy. Một nụ cười nhạt rất mờ nhạt hiện ra trên đôi môi hồng tươi của cô gái. Gã nhận ra ngay điều đó nên vội vàng buông tay cô gái ra lúng túng nói:
- Xin lỗi tiểu thư
- Không sao! – Cô gái lạnh nhạt. – Nhưng công tử định dùng cách này để làm tan chữ “Hận” trong lòng tiểu nữ sao?
Gã vội vàng dịch chiếc ghế đang ngồi ra xa một chút rồi nghiêm nghị nhìn cô gái hỏi:
- Vậy theo tiểu thư phải dùng cách nào mới có thể làm tan đi mối hận ấy?
Cô gái cười.
- Dễ lắm! Chỉ cần đêm nay tâm công tử không động là mối hận trong lòng tiểu nữ sẽ tan ngay.
- Tiểu thư sai rồi! – Gã điềm tĩnh nói. – Trời sinh ra âm dương là để cho âm dương giao hòa. Âm dương gần nhau thì hút nhau. Đấy là Đạo trời. Trong Kinh dịch có câu “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong (Thuận theo Đạo trời thì sống, trái với Đạo trời thì chết). Tiểu thư hoa nhường nguyệt thẹn. Ta sao có thể trái với Đạo trời để tâm không động đây?
Cô gái cười gằn, nét mặt bỗng đanh lại:
- Những kẻ hạ lưu kẻ nào cũng nói như công tử để biện minh cho hành động khốn nạn của mình. Công tử nói “Âm dương giao hòa” vậy thế nào là giao hòa? Có phải là trong âm có dương, trong dương có âm không? Còn như trong âm có dương còn trong dương không có một chút âm nào thì gọi là gì đây? Và công tử nói thế nào về Liễu Hạ Huệ?
- Tiểu thư lại sai nữa rồi. – Gã lắc đầu. – Người ta khen Liễu Hạ Huệ là chính nhân quân tử, còn với ta, Liễu Hạ Huệ cũng chỉ là một ngụy quân tử mà thôi. Người quân tử yêu thì nói là yêu, ghét thì nói là ghét. Còn như trong bụng thì thích ngoài miệng lại nói không thì những kẻ như thế không đáng để cho ta bàn đến.
Trong ánh mắt của cô gái lộ rõ vẻ hoang mang pha lẫn với một chút thích thú. Nàng cười nhẹ hỏi.
- Sao công tử lại nói như vậy?
- Liễu Hạ Huệ ôm cô gái trong lòng mà mắt không dám nhìn xuống cơ thể tuyệt mĩ của nàng là cái tâm của ông ta đã động. Ông ta không dám nhìn là vì sợ sẽ đến một lúc mình không thể kiềm chế được cái tâm đang động của mình mà đi đến động thân. Trời sinh ra ngũ giác để mà cảm nhận cái hay, cái đẹp của cuộc đời. Cái đẹp bày ra trước mắt mà không dám cảm nhận, chẳng phải là ngụy quân tử sao? Chỉ có thế nói Liễu Hạ Huệ không động thân thôi chứ quyết không thể nói ông ta không động tâm được. Còn điều tiểu thư hỏi về “Trong âm có dương nhưng trong dương không có một chút âm nào” thì... – Nói đến đây gã phải dừng lại suy nghĩ một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt cô gái thẳng thắn thừa nhận. – Đấy không phải là giao hòa mà đấy là một sự chiếm đoạt. Một hành động đê tiện.
- Chắc công tử cho là mình cũng có thể làm đuợc như Liễu Hạ Huệ chăng?
Cô gái hỏi gã với một giọng đầy châm biếm. Gã gật đầu.
- Ta hơn hẳn Liễu Hạ Huệ một bậc. Vừa gặp nàng tâm của ta đã động nhưng ta vẫn có thể gối đầu vào lòng nàng, ngắm nhìn cơ thể tuyệt mĩ của nàng mà chẳng hề động thân.
- Ta sẽ thử xem.
Cô gái đứng dậy đi vào phòng trong, chỉ một thoáng cô gái quay trở ra. Gã nhìn lên. Toàn thân gã nổi gai, người gã cứng đơ. Mắt gã dán chặt lên người cô gái. Cô gái đã cởi bỏ toàn bộ nội y chỉ khoác hờ lên trên mình một tấm xoa trắng mỏng. Cô gái đi lại bên bàn, ngồi xuống duỗi đôi chân thon, mịn, trắng ngần dùng tay vỗ vỗ vào đùi mình bảo gã.
- Công tử có thể gối đầu lên đây nghe tiểu nữ gảy đàn được không? Vừa nói, cô gái vừa vươn tay với lấy cây đàn làm cho tấm xoa hơi trễ xuống. Một bên vú lộ hẳn ra tròn đầy, săn chắc như chưa hề bị một bàn tay nào động vào.
Gã cắn môi đi lại bên cô gái, nằm dài trên tấm thảm gối đầu lên chiếc đùi thon. Một mùi hương từ cơ thể cô gái thoát ra làm cho gã ngây ngất. Từ trong lòng cô gái ngước nhìn lên gã thấy nét mắt cô gái đoan chính một cách khác thường không hề có lấy một chút tà dâm trái ngược hẳn với tấm thân như ngọc, như ngà mờ mờ hiện dưới làn xoa mỏng. Chính cái nét mặt đoan chính ấy càng làm cho nỗi khát thèm trong gã trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Răng hắn lún sâu thêm vào môi chút nữa. Tiếng đàn bắt đầu dìu dặt cất lên. Tiếng đàn như một bàn tay thiếu nữ nhẹ mơn man lên khắp cơ thể gã. Tiếng đàn thầm thì nói về nỗi khát khao thiếu nữ. Tiếng đàn không hề có khúc nào mạnh mẽ, cuồng nhiệt làm cho con người có thể bùng lên đột ngột như một ngọn núi lửa chợt phun trào mà tiếng đàn chậm rãi, nhẹ nhàng, miên man như một ngọn lửa cứ liu riu thiêu đốt lòng người khiến cho đôi bàn tay như muốn cựa quậy. Tiếng đàn thầm thì, trách móc, gợi cảm. Mùi hương con gái tràn ngập khắp phòng. Mầu hồng của da thịt mờ mờ dưới làn xoa. Dịch xuống, áp sát ngay vào mặt gã, một vệt đen mượt như nhung cũng mờ mờ dưới tấm xoa như khêu gợi như mời gọi. Toàn thân gã rạo rực trong tiếng đàn ma mị. Trong tấm thân ma mị. Trong làn hương ma mị của đời.
- Tiểu thư! Đừng đàn nữa. – Người vú già bỗng hoảng hốt kêu lên. – Nhìn công tử kìa!
Trong suốt cả quá trình đàn, cô gái không hề cúi nhìn xuống gã dù chỉ một lần. Nghe người vú kêu. Tiếng đàn dừng lại. Cô gái cúi nhìn xuống. Từ làn môi rách nát của gã một dòng máu kéo dài qua mép nhỏ đúng xuống chỗ vệt đen đang mờ ảo hiện dưới làn xoa mỏng ngang thân cô gái tạo thành một vết đỏ tươi trên nền trắng của xoa
Cô gái bỏ cây đàn xuống quay sang bảo người vú già.
- Vú ra ngoài đi và khép cửa lại!
Người vú già đi ra ngoài khe khẽ khép cánh cửa hoa phòng. Đợi người vú đi ra rồi, cô gái mới nhẹ nhàng gỡ bàn tay đang bấu chặt cứng lấy chân bàn của gã từ từ đặt nó vào chỗ bầu vú đang để trần của mình.
- Thả lỏng người thư giãn đi chàng! Trong thiếp đã có chàng rồi.
Nến phụt tắt. Bầu trời và mặt đất gặp nhau.
Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy, gã thấy mình đang nằm ôm một nấm mộ. Nhìn vào tấm bia đá thấy đề “Tiền Đường Tô Tiểu Tiểu chi mộ”. Một trận gió nổi lên, những chiếc lá phong đỏ rực rơi xao xác. Gã ngước nhìn lên bầu trời. Một làn mây trắng đang từ từ dâng lên cao và tiếng đàn tì bà đang dạo khúc Phượng cầu hoàng thánh thót từ đám mây trắng vọng xuống như một lời tiễn biệt.
Nếu Tô tiểu thư có thật trên cuộc đời này xin nàng đại xá!.
Hà Nội, 27/10/2012
Nguyễn Thế Duyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...