Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Miền đất phượng hoàng

Miền đất phượng hoàng

Hàng ngàn đời nay, Na Hang nức tiếng giàu có với một nền văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc anh em đang quần tụ về đây. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa độc đáo riêng tạo nên một bức tranh văn hóa rất phong phú, sinh động đa dạng làm đắm say biết bao lòng người. Nơi hầu như mỗi ngọn núi, mỗi cánh rừng, mỗi dòng sông, con suối nào cũng có sự tích gắn liền với địa danh truyền thuyết lịch sử đầy hấp dẫn.
Na Hang là một huyện vùng cao tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố hơn 110 km đường bộ, trong những ngày tháng sáu, trời chang chang nắng, cái nắng oi nồng của mùa hạ, tôi cùng đoàn công tác Hội Nhà báo ngược dòng sông Lô – Gâm hướng phía Tây Bắc Nà Hang về miền đất cổ tích nơi có 99 ngọn núi và 99 chim Phượng Hoàng năm xưa trú ngụ. Con đường nhựa phẳng lì chạy dọc theo những triền núi đá vôi với ngút ngàn rừng cây xanh biếc soi bóng dưới dòng nước xanh thăm thẳm kéo dài đến thượng nguồn giáp ranh với huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang, Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Những cảnh sắc thiên nhiên rừng đặc dụng đẹp kì vĩ, huyền ảo dưới sự tác động của bàn tay con người tạo cho vùng đất nơi đây trở thành một trong những tiềm năng phát triển kinh tế – du lịch lớn nhất của vùng Sơn cước này.
Hàng ngàn đời nay, Na Hang nức tiếng giàu có với một nền văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc anh em đang quần tụ về đây. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa độc đáo riêng tạo nên một bức tranh văn hóa rất phong phú, sinh động đa dạng làm đắm say biết bao lòng người. Nơi hầu như mỗi ngọn núi, mỗi cánh rừng, mỗi dòng sông, con suối nào cũng có sự tích gắn liền với địa danh truyền thuyết lịch sử đầy hấp dẫn.
Bản Bung – tiềm năng của Homestay.
Theo chân anh anh Hoàng Văn Vấn, cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân xã Thanh Tương, đến thôn Bản Bung, bản nằm dọc theo hai ven rừng đặc dụng, mảnh đất được thiên nhiên ban tặng cho người dân nhiều đời nay rất màu mỡ, phì nhiêu, trù phú, mát mẻ nhờ rừng nguyên sinh cung cấp nguồn nước cho dân ở đây sinh hoạt, sản xuất trồng cây ngô, cây lúa cứ lên xanh tốt tươi bời bời lại tăng năng suất, chất lượng, bình quân đạt 49 tạ /ha lúa; 42 tạ /ha ngô, ít khi mất mùa.
Bản Bung cùng các thôn khác của xã Thanh Tương (Nà Hang) đang trong lộ trình phấn đấu hoàn thành nông thôn kiểu mới. Mọi công việc kiến thiết thôn bản, xây dựng đời sống mới đang được khẩn trương hoàn thành.
Bản Bung, xã Thanh Tương nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Tát Kẻ – Bản Bung. Khoảng 50 năm trước, một số hộ người Tày đã về đây lập bản. Sau này bản có thêm những hộ người Dao ở rải rác trong vùng tập trung về đây chung sống. Hiện nay, Bản Bung có 48 hộ dân, 232 nhân khẩu, dân tộc Tày và Dao. Bản Bung là thôn thuộc diện khó khăn của xã Thanh Tương, thôn vừa có điện, con đường vừa được bê tông hóa, nhà văn hóa đang ở giai đoạn hoàn thành, sóng điện thoại vẫn chưa vươn tới.
Ghé thăm nhà ông Phạm Văn Thi, 74 tuổi là người Kinh duy nhất sống ở Bản Bung từ những năm 1986 gần 40 năm nay. Ông Thi vốn là người quê Giao Long, Giao Thủy, Nam Định làm nghề thợ xẻ. Cái nghề đi làm khắp nơi, ăn cơm thiên hạ, hễ có ai thuê mướn thì ông đến, ở và làm  khi nào xong việc rồi lại chuyển nơi khác. Thế rồi công việc, đã dẫn ông “lạc” vào thung lũng Bản Bung. Rồi nên duyên với chị Nguyễn Thị Chải cô gái Tày bản xứ, ông bảo đi mãi rồi cũng mỏi đôi chân. Bản Bung có hình thuyền cách trung tâm xã 8 km tuy có xa xôi, hẻo lánh nhưng ruộng đất rộng, phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, con người thân thiện, vậy là ông quyết định ở lại Bản Bung cùng người con gái mình yêu và sinh được 4 người con, từ ngày đó ông cùng vợ con cứ làm ăn sinh sống trên mảnh đất này và cho đến giờ đã đề huề có của ăn của để, hiện ông Thi còn mở thêm quán nhỏ bán hàng tạp hóa phục vụ cho dân bản. Ngày ấy Bản Bung đâu có đường như bây giờ, muốn ra ngoài thị trấn thì phải đi bộ mất cả nửa ngày mới đến nơi. Người Bản Bung mấy đời trước cứ “âm thầm” sống tự cung tự cấp, mãi cũng thành quen.
Anh Vấn đèo tôi bằng xe máy đi một vòng từ đầu bản đến cuối bản những nương ngô hai ven đường xanh mướt, cây nào cũng cõng hai bắp to bè, bên cánh tả đường máy ủi đang san ủi những ụ đất trên đồi cho vuông vắn bằng phẳng, anh Vấn bảo; đấy là công trường đang khẩn trương thi công làm mặt bằng để di dời 14 hộ gia đình ở sát chân rừng đặc dụng đấy anh! Chiều buông chúng tôi ghé thăm nhà anh Bàn Văn Phúc, 57 tuổi, dân tộc Dao Đỏ, là một thương binh hạng 1/4 thời chiến tranh biên giới Hà Tuyên, nhà anh nằm sát chân rừng đặc dụng cách thôn chừng 2 km, và thuộc diện hộ phải di dời đến nơi ở mới, anh Phúc bảo, trong khó khăn người Bản Bung đã nuôi cho mình một ý chí, một cuộc sống đổi thay. Đó là khi Bản Bung tiếp nhận chủ trương của Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông. Con đường bê tông dài 8 km trong suốt 3 năm của người Bản Bung bỏ ra đã hoàn thành. Nếu đem tính chi li mỗi người dân Bản Bung phải cõng hàng chục khối cát từ dưới suối khoảng 2 km  để về làm đường. Thành quả đó chính là sự hun đúc từ khát vọng của người dân Bản Bung. Từ khi có đường, giao thương đã phát triển, người dân sản xuất ra nông sản đã được tiêu thụ dễ dàng hơn, thương lái đến Bản Bung mua bán thuận tiện hơn. Tuy nhiên, con đường bê tông đó chỉ có thể đi xe máy.
Anh Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ Bản Bung cho biết, đời sống của bà con trong thôn mấy năm nay khá lên nhiều, giờ thì nhà nào cũng có xe máy. Thời điểm chưa có đường bê tông trong thôn có trên 80% hộ nghèo, đến nay thôn còn 28%. Nhiều hộ trong thôn đã tính chuyện làm giàu, đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất màu sang trồng cam, bưởi, rau. Trong thôn đã có vài hộ đầu tư chăn nuôi trâu từ 5 con trở lên, tổng đàn trâu trong thôn có gần 200 con, có khoảng chục hộ chăn lợn đen (lợn tên lửa), nhà nào cũng nuôi lợn, gà vịt thì nhiều và một số hộ đã đào ao phát triển nuôi cá chép, cá lăng… Từ đó thu nhập của bà con đạt trên 18 triệu đồng/người/năm đời sống luôn được cải thiện đáng kể.
Anh Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung cho biết thêm, hiện nay nhà văn hóa đang được bà con xây dựng đã hoàn thành cơ bản. Bà con trong thôn vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Để thi công thuận lợi, bà con trong thôn đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Thôn rà soát, vận động một số hộ dân chỉnh trang lại nhà cửa vườn tược thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng (Homestay). Người dân Bản Bung đang tràn ngập niềm vui, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành thôn nông thôn kiểu mới trong năm.
Hồ trên núi Phượng hoàng
Rời Bản Bung, chúng tôi đến lòng hồ Thủy điện Nà Hang du thuyền, anh Nguyễn Văn Hữu, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Nà Hang dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá dưới lòng hồ, anh Hữu bảo; Nà Hang tiếng Tày nghĩa là “Ruộng cuối thung lũng” có những cánh đồng lúa, ngô nằm xen kẽ dưới chân núi đá vôi xanh mướt, bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh. Thủy điện Nà Hang tạo nên lòng hồ trên núi trông thật đẹp mắt. Có thể nói, hồ Nà Hang là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Việt Bắc, tạo nên một Khu du lịch hấp dẫn du khách, được nối liền bởi hai huyện “Nà Hang và Lâm Bình” nơi mà tiếng chim Phượng Hoàng gọi bầy cả 4 tỉnh: huyện Nà Hang – Tuyên Quang; huyện Bắc Mê – Hà Giang; huyện Bảo Lạc – Cao Bằng; huyện Chợ Đồn – Bắc Kạn cũng nghe được. Ngồi du thuyền chúng ta sẽ được đắm mình với bao cảnh thiên nhiên sông nước hòa quyện bồng bềnh với cảnh sắc mây trời. Mặt nước lúc nào cũng trong xanh như một tấm gương in đậm bóng núi, lòng hồ là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và dòng sông Năng được bao bọc xung quanh bởi 99 ngọn núi điệp điệp, trùng trùng đan cài bên nhau. Mỗi ngọn núi tự tạo cho mình một dáng dấp hình thù riêng và in lên một màu xanh hòa lẫn với làn nước trong xanh thăm thẳm khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất sơn cước đầy truyền thuyết này.
Pác Tạ là ngọn núi cao nhất ở Nà Hang có hình dáng giống như chú voi cúi đầu bên nậm rượu, sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn, dưới chân núi Pác Tạ có một ngôi đền cổ thờ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật, thế kỷ XIII, khi xưa nàng theo chồng đi kinh lý ở châu Vị Long, không may bị lật thuyền, một nông dân họ Ma vớt được xác nàng đem mai táng rồi lập đền thờ, có nhiều linh ứng dân gian tôn bà là thánh mẫu. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử cùng với sự thay đổi của thời gian, đền Pác Tạ đã được con người trùng tu xây dựng khang trang và trở thành một điểm linh thiêng để nhân dân và du khách bày tỏ lòng thành kính, niềm khát vọng của mình về một cuộc sống bình yên dân khang, vật thịnh, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong vùng.
Đoàn công tác Hội nhà báo thăm trang trại nuôi cá Thường Mai
Chúng tôi đang háo hức khám phá, ghi lại những hình ảnh trong xanh biển nước, lừng lững núi Pác Tạ đẹp tuyệt diệu, thì cơn mưa lướt nhẹ tới. Cô Bàn Thị Triều, dân tộc Dao Đỏ, cán bộ Phòng văn hóa huyện người cao mét sáu bảy, với khuôn mặt trái xoan xinh xắn nhỏ nhẹ nhắc nhở chúng tôi lên tàu nhớ mặc áo phao bảo hiểm vào người để ra khơi cho an toàn các anh ạ. Chúng tôi lên chiếc thuyền của hãng Mai Anh con thuyền thong thả bơi ra giữa lòng hồ Thủy điện Nà Hang bồng bềnh lướt sóng đi tạo sóng cuộn lên thành một đường xoáy tròn xoăn tít tung bọt nước trắng xóa phía sau như hình tượng đuôi của con chim Phượng Hoàng đang chao lượn dưới mặt hồ mênh mông. Chỉ sau ít phút chúng tôi đã đến trang trại Thường Mai trước mặt hiện lên những chuồng nuôi cá lăng; cá trắm đen, cá sộp… Đặt chân lên lồng bè khung cảnh im phăng phắc, đàn cá chỉ bơi lượn chìm dưới đáy lồng, nước trong vắt lúc này tôi mới có dịp nhìn ngắm những đàn cá lăng, cá trắm, cá sộp; chúng tôi bảo anh Triệu Văn Trường công nhân nuôi cá cho cá ăn để ghi lại những hình ảnh Thường bảo; để chúng em vớt lưới lên cho các anh tha hồ ghi hình, Trường và Thực thoăn thoắt đến bên lồng nuôi cá trắm đen, Trường bảo lồng này có 300 con, con nhỏ là 20 ki lô gam một con, con lớn được 30 ki lô gam/1 con, Trường và Thực mỗi người một đầu lưới kéo nhẹ ối chà chà cá to thật, chúng tưởng bị bắt nên nhào lộn lên khỏi mặt nước bồm bỗm làm nước bắn lên tung tóe ướt cả người, đến lồng cá sộp cũng đông quá, đàn cá sộp thì con nhỏ là 2 kg, con to khoảng 3 kg, chuồng cá lăng thì đặc sịt nhiều vô kể… Đi qua lồng cá lăng khùa tay xuống nước định rửa tay bỗng cả ngàn con cá nhao tới chúng nhảy bổ lên quẫy bồm bỗm tạo cho một vùng nước đặc quánh cá, chúng tưởng được ăn; buộc anh Trường và Thực phải bê rổ thức ăn ra qoãi cho chúng ăn sớm hơn giờ quy định.
Trang trại có 2 công nhân là anh Triệu Xuân Trường tổ trưởng và Hoàng Văn Thực, công nhân hợp đồng, Triệu Xuân Trường đã làm việc lâu năm ở Công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng, còn Hoàng Văn Thực mới vào trang trại thử việc được vài tháng hưởng mức lương 5 triệu đồng/tháng, hai anh em, đều là người dân địa phương sống lâu năm trên đất Nà Hang và thuộc diện gia đình di dân lòng hồ, Nhà nước xây thủy điện, đất nhà của họ đã chìm dưới lòng hồ, gia đình phải di dời về địa bàn khác. Hằng tháng anh em thay phiên nhau về thăm gia đình, nhờ có trang trại nuôi cá này mà cả hai anh em đều được Công ty tuyển dụng vào làm công nhân và giao trọng trách chăm sóc đàn cá dưới lòng hồ. Anh Triệu Xuân Trường chia sẻ;
Từ khi có Công ty TNHH Thường Mai đón chúng em về làm công nhân cho Công ty vì biết chúng em là người bản địa. Sống ở đây từ nhỏ, địa bàn đồi núi, sông nước chúng em đều quen thuộc, hơn nữa công việc nuôi cá với em lại quá phù hợp bởi trước đó chưa có lòng hồ, chưa có Công ty này gia đình cũng có ao thả cá và cũng đã từng nuôi cá chuối, cá lăng… cùng với sở thích đam mê chăn nuôi nữa, phần nào cũng nắm sơ đẳng chút ít đặc tính của từng loại cá. Công ty rất tin tưởng và giao trọng trách cho hai anh em chăm sóc và giữ gìn bảo vệ cả bạc tỉ này, cũng nhờ có trại cá của Công ty Thường Mai này mà chúng em có việc làm và ổn định cuộc sống.
Hiện trang trại của Công ty Thường Mai này có tổng số là 70 lồng cá, chủ yếu nuôi cá trắm đen, cá lăng, cá sộp… 70 lồng cá này bình quân mỗi đợt xuất bán từ 50 tấn; cá lăng cứ từ 2,5 đến 3 kg là xuất bán được; cá trắm đen và cá sộp Công ty bán với giá 200 nghìn đồng/kg chủ yếu cung cấp cho các thị trường như các nhà hàng ăn ở Nà Hang; Tuyên Quang; Phú Thọ; Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc; Hà Nội…
Ngoài Công ty TNHH Thường Mai, trên lòng hồ thủy điện Nà Hang còn có hàng trăm Công ty và hộ gia đình nuôi lồng cá trên lòng hồ. Từ khi có lòng hồ Thủy điện Nà Hang là điều kiện để người dân Nà Hang đổi đời, làm giầu cho gia đình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh
Rời trại cá Công ty TNHH Thường Mai. Đoàn trưởng Ma Xuân Chức bảo; mọi người nhổ neo để đi trải nghiệm thác Mơ cho cá rỉa chân, thế là chúng tôi cùng lên thuyền đến thác Khuổi Nhi leo đát, con đát thoai thoải trời đang nắng bức chúng tôi trèo lên được lưng chừng thì trong người mát lạnh, lên thêm một đoạn có một vũng nước rất đông người; già trẻ gái trai… đã tụ tập trong vũng nước, người thì tắm, người thì đưa chân xuống ngâm để đàn cá đến rỉa chân, những con cá bé bằng ngón tay thấy chân người ngâm xuống chúng thi nhau đến rỉa kì cọ hết chất bẩn ghét ở chân, chúng rúc các kẽ chân buồn buồn và kì rỉa sạch sẽ càng ngâm càng thích, sau ít phút tôi thấy trong người đã lạnh và rút lui trở về xuống thuyền. Câu chuyện về cá và vùng đất Phượng Hoàng cứ ẩn hiện trước mặt tôi. Về đến thành Tuyên rồi mà vẻ đẹp hoang sơ dịu dàng của vùng đất Nà Hang vẫn ám ảnh trong tôi. Cảm giác thoải mái và yên lành, văng vẳng đâu đây tiếng đàn Then, tiếng páo dung du dương như mời như gọi chúng tôi sớm quay trở lại vùng quê phố núi này, một vùng quê huyền thoại với 99 ngọn núi của 99 con chim phượng hoàng trú ngụ năm xưa.
22/8/2022
Bàn Minh Đoàn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...