Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Nhịp song lang giãn cách

Nhịp song lang giãn cách

Một đêm thanh vắng, ông Tam “phát trực tiếp” cho ông Vĩnh đang nằm chèo queo một mình xem buổi đờn ca tài tử “giãn cách” ở nhà. Có sáu, bảy người trong khu vườn rộng, mỗi người ngồi một góc, nhưng vẫn có đủ đờn, sáo, phách, amply, và rượu nếp… Ai cũng mặc đồ đẹp, đeo khẩu trang, để lộ đôi mắt mơ màng trong tranh tối tranh sáng… “Đã xa… Cố thổ bao ngày… lắm nỗi ai hoài”… Nghe tiếng đờn kìm của ông Tam tưng tửng, day dứt cứa vào màn đêm, ông Vĩnh gửi tin nhắn: “Bạn già!”…
1. Đêm đờn ca tài tử ấy có một người khách lạ ngồi lặng lẽ cuối vườn, sát bụi trúc bên mép hồ. Khách nghe tiếng ca, điệu đàn, nhịp phách cứ rời rạc trong cảnh đêm càng về khuya, càng thưa tiếng cá đớp ngang mặt nước.
Giọng đào nữ khàn khàn chậm chậm. Khách thấy ly rượu trong tay mình nghiêng ngả, không ngoảnh đầu mà ông cũng biết mặt hồ xao động bởi những cái rùng mình của sen súng trong đêm. Trăng thượng tuần đang nhạt dần trên những ngọn cây bông gòn khô khẳng.
Ly rượu và điếu thuốc tàn chực rơi khỏi tay, ông Vĩnh nhìn mọi người ca hát quanh bộ ghế đá mà nhớ tấm giấy cuộn tròn trên ngực áo. Sau ít ngày nữa, khu vườn này, hồ sen này sẽ là của ông. Song ông cũng cần thêm thời gian để biến những dự định thành hiện thực: Một khu vườn đầy những kỳ hoa dị thảo, một ngôi nhà an dưỡng tuổi già cho riêng mình, một không gian lấp đầy những mất mát từ thuở ông bà nội đến đất này rồi lại phải ra đi…
Có lẽ ông Vĩnh đã không thể ngồi lại lâu đến vậy, nếu không phải vì ông Tam đang ngồi kia, người đang nhấn đờn kìm mà gương mặt lặng buồn như chiếc lá trong khu vườn lặng gió. Ông Tam là chủ nhân khu vườn này, con trai làm ăn thua lỗ, phải bán đất để trả nợ cho con. Ông đang thu xếp để thằng con quay trở lại thành phố với công việc kinh doanh gì đó; ông Tam góa vợ nên sẽ lên thành phố ở luôn, phụ trông đứa cháu nội đang có nguy cơ cha mẹ tan đàn xẻ nghé. Ông Tam mời lơi:
– Nghe tin tôi từ thành phố về, mấy anh chị đờn ca tài tử trong ấp tụ tập lại, hát với nhau một đêm kỷ niệm. Ông ở lại nghe cho vui…
Ông Vĩnh liền “cancel” việc đặt chỗ khách sạn, đồng ý ngủ lại nhà ông Tam. Nhưng tiếng đàn, tiếng hát văng vẳng đã kéo ông khỏi căn phòng tươm tất gia chủ chuẩn bị cho ông nghỉ tạm, ra bờ hồ ngồi gật gù, rồi lang thang trong vườn khuya. Cái giai điệu của bài Tứ đại oán lớp hồi thủ, sao mà nó cứ não nùng bi ai, đeo bám hoài trong tâm trí ông Vĩnh:
Xa… Đã xa…
Cố thổ bao ngày…
Đời phu phen, lắm nỗi ai hoài…
Bao đổi thay, biết lòng có vẹn…
2. Vậy mà chỉ một tháng sau, bệnh dịch lan ra khiến ông Vĩnh trở tay không kịp. Các mặt hàng gia công không xuất xưởng được, đối tác nước ngoài ngưng nhận hàng dựa theo điều khoản hợp đồng: “Trường hợp bất khả kháng: thiên tai, bệnh dịch…” Ông xem lại hợp đồng đã ký với cha con ông Tam, không có điều khoản ấy…
– Tôi xin thương lượng với ông được không – Bí bách quá ông Vĩnh gọi điện cho ông Tam – Tôi bị tồn kho quá nhiều hàng, không có tiền để thanh lý hợp đồng cho ông, ông thư thả cho tôi vài tháng…
– Con trai tôi cũng trong tình trạng như ông, nhưng thê thảm hơn nhiều, vì tất cả gia sản đều đang thế chấp ngân hàng. Nó đang có nguy cơ phải đền hợp đồng…
– Nhưng thật tình tôi không thể xoay xở gì được, ngay cả việc thế chấp ngân hàng trong thời điểm này…
– Ông coi cách nào… cứu con trai tôi! – Ông Tam vụt nói lớn khiến ông Vĩnh xây xẩm mặt mày: Nó đang đòi tự tử. Mất thì tôi chịu mất hết rồi đó, nhưng còn con cháu tôi…
– Chỉ còn một cách là tuyên bố phá sản, treo nợ lại đó… Tôi nghĩ thế… – Ông Vĩnh nói.
– Cách đó, bọn trẻ làm nhiều lần rồi… – Giọng ông Tam như một tiếng thở dài.
Như vậy là cứ mỗi khi làm ăn thua lỗ, thất bại, người ta có thể tuyên bố phá sản, rồi khoanh lại món nợ cũ như khoanh một cái hố, chờ chôn lấp cho xong. Trong tình cảnh này, hàng trăm, hàng ngàn công ty sẽ biến mất, đồng nghĩa với việc xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn những hố sâu. Cả thế giới khựng lại, nhân gian chỉ còn toàn hố sâu, trống đen, tuyệt vọng. Ông Vĩnh nhìn lên cái bản đồ hoành tráng trong phòng làm việc, nơi ông đánh dấu những đầu mối quan trọng để mở rộng thị trường của mình. Trong nỗi khát khao phủ thật rộng, thật dày những ngôi sao mơ ước ấy, có một khu vườn dậy lên mùi bùn đất và hương rượu nếp, khu vườn ủ đầy kỷ niệm của ông, cha và một tuổi thơ ngủ sâu dưới rễ cây, lá cỏ. Ngày đó ông nội đưa gia đình từ miền Bắc vào làm mộ phu ở đồn điền cao su, mọi người đã đổ bao nhiêu máu và nước mắt ở nơi ấy trước khi ly tán khắp nơi. Tuy ông nội, rồi cha ông không dặn dò điều gì, nhưng ông tự cho mình phải có trách nhiệm trở về, gom nhặt lại những gì thuộc về quê hương, gia tộc…
Gia đình ông Tam cũng là những người làm ở đồn điền đến từ miền Trung, họ đến sau, và ở lại cho đến giờ… Nhưng khác với những gia đình trong vùng chọn nghề nông theo truyền thống, con trai ông Tam quyết tâm “ly nông”, rồi “ly hương” làm giàu, để cha già sống một mình trong mảnh đất quá rộng mà không sinh ra lợi tức này. Nghe nói trước đây ông Tam kiếm sống tàm tạm bằng nghề trồng rau bắt cá, thỉnh thoảng đi hát đình với nhóm nghệ nhân trong ấp. Nhưng gần đây ông bị tai biến nhẹ, khả năng lao động kém sút hẳn.
Suy cho cùng, ai cũng có nhu cầu an cư, lạc nghiệp. Nhưng cao hơn nữa, là vinh danh tổ tiên, ông bà mình. Ông Vĩnh nghe nói: theo lệ, ai đến khai khẩn đất đai đầu tiên, mở mang đời sống sẽ được tôn làm Thành hoàng…
Nhưng dịch bệnh liên miên khiến ông cứ bị cuốn đi, tạm quên kế hoạch mua đất lẫn gia cảnh nhà ông Tam đang điêu đứng. Bẵng đi cả nửa năm, ông Tam gọi lại cho ông:
– Tôi tạm đưa gia đình thằng con về quê, về miếng đất của ông để lánh nạn Covid nghe. Cha con tôi ở đây không còn tiền sinh sống, phải nhờ vào cứu trợ mấy tháng nay, con nó cũng không đến trường nữa, phải học trực tuyến ở nhà…
Lời đề nghị làm ông Vĩnh ngơ ngẩn:
– Ơ kìa, đất tôi mới đặt cọc, còn chưa chồng tiền mua, chưa sang tên thì nó vẫn là của ông mà. Xin ông cứ lo liệu sao cho ổn thỏa trong hoàn cảnh này, tôi xin lỗi không hoàn thành được lời hứa, để liên lụy đến gia đình ông…
– Không sao đâu ông ơi, giả sử bây giờ ông có tiền, tôi có tiền, cũng chẳng làm gì được…
3. Ông Vĩnh cho xe đến đưa gia đình ông Tam về quê, gửi thêm ít đồ “thiết yếu”, kèm máy tính cho đứa cháu học online. May sao mẹ đứa nhỏ cũng cùng về. Về đến nơi, ông Tam nhắn tin, rồi mở điện thoại cho ông Vĩnh thấy cảnh nhà cửa, vườn tược hoang tàn sau hơn một năm đi vắng. Cha con ông Tam bắt tay vào dọn dẹp, quét tước, nhặt cỏ.
Một đêm thanh vắng, ông Tam “phát trực tiếp” cho ông Vĩnh đang nằm chèo queo một mình xem buổi đờn ca tài tử “giãn cách” ở nhà. Có sáu, bảy người trong khu vườn rộng, mỗi người ngồi một góc, nhưng vẫn có đủ đờn, sáo, phách, amply, và rượu nếp… Ai cũng mặc đồ đẹp, đeo khẩu trang, để lộ đôi mắt mơ màng trong tranh tối tranh sáng… “Đã xa… Cố thổ bao ngày… lắm nỗi ai hoài”… Nghe tiếng đờn kìm của ông Tam tưng tửng, day dứt cứa vào màn đêm, ông Vĩnh gửi tin nhắn: “Bạn già!”.
Ông Tam đeo mắt kính lên, ngó vào màn hình điện thoại để trả lời: “Ừ, tôi đây!”.
– Trên đất này có chôn khúc nhau rốn của anh em tôi đấy ông ạ!
– Tôi cũng vậy! – Ông Tam nhắn lại.
– Thôi tôi xin hủy hợp đồng nghe ông. Thỉnh thoảng cho tôi về nghe đờn ca tài tử là được!
– Vậy à, nếu mà như thế thì cha con tôi không phải tha hương nữa. Chúng nó bỏ mộng làm giàu rồi. Dịch bệnh kéo dài, không biết làm gì mà sinh sống…
– Được vậy thì lợi cả đôi đàng. Ông muốn tôi hủy hợp đồng ngay bây giờ, hay đợi hết dịch mình gặp nhau?…
– Thế nào cũng được, quan trọng gì đâu. Tôi sẽ trả tiền cọc lại cho ông, chúng mình làm anh em kết nghĩa nha!
Ông Vĩnh ngồi nhỏm dậy giữa ngôi nhà trống trải, đối diện với tấm bản đồ “phát triển kinh tế” bằng đôi mắt rưng rưng, hai vai xuội xuống:
– Có lẽ nào…?
– Đưa ông bà về nhà thờ tổ, tôi coi sóc cho. Ông tha hồ đi làm ăn, lúc nào về thăm cũng được…
24/8/2022
Trần Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn

Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn Lúc 12 giờ 45, ngày 1 tháng 4 năm 2001, Trịnh Công Sơn đã ra đi. Trái tim nhân ái và nhạy cảm...