Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Những dấu ấn khó quên

Những dấu ấn khó quên

Hay một thời để nhớ
Xa quê từ thuở ấu thơ, nửa đời lang dạt, tôi đã từng qua những miền quê dịu vợi, từng nghiêng mình ngưỡng mộ trước vẻ đẹp thiên nhiên, thành phố nơi xứ người. Nhưng cái thị trấn bé nhỏ tên An Nhơn khiến lòng tôi luôn nao nhớ và hướng về.
Mỗi năm, nhân kỷ niệm ngày giỗ của cha-nhà thơ Yến Lan, tôi về thăm quê. Lần này, tôi nhận ra có sự đổi thay lớn trên mảnh đất nhỏ bé của quê. Người dân nơi đây, đang gồng mình, đồng hành cùng cả nước, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển địa phương, để thị trấn trở thành thị xã, hòa nhập với bối cảnh Hoàn cầu hóa hiện nay.
Tôi ngỡ ngàng đi trên những con đường mới với những tên mới. Đó là sự chuyển biến về cách nhìn, cách nghĩ của lớp trí thức trẻ hôm nay; trong thời kỳ hội nhập. Ý thức đó cho thấy người dân thị trấn này đã biết “Uống nước nhớ nguồn.” và như vậy có nghĩa là đã khẳng định công lao của những bậc tiền bối để lại.
Cha tôi, luôn là người tâm đắc đến những dấu ấn lịch sử, từng khuyên con cái “biết hiện tại nhưng đừng quên quá khứ, nó là vàng trong tương lai”. Điều đó, không có nghĩa chúng ta cứ ngồi mà tơ tưởng hồn cốt hào hùng của ông cha để lại trên mảnh đất đã sinh ra những vĩ nhân cho nhân loại, như người anh hùng áo vải vua Quang Trung-Nguyễn Huệ, mà tài thao lược của Ông vẫn mãi là bài học cho cả dân tộc bao đời sau, cũng đừng quá tự hào những vinh hoa quê nhà vì những người đã làm rạng danh cho quê hương như Đào Tấn, Hàn Mặc Tử…
Mà chúng phải tiếp tục nhiệm vụ cốt lõi hiện nay là; mọi người, mọi nhà cùng nhau đoàn kết, gắn bó trong tình làng nghĩa xóm để củng cố, xây dựng cho quê hương không còn hộ đói nghèo, không có tệ nạn xã hội, dân giàu, xã hội công bằng, không có người vi phạm pháp luật, xã hội trong sạch, dân chủ văn minh để bắt kịp thời đại Quốc tế hóa hiện nay
Tuy nhiên, dư âm của quá khứ vẫn còn đây. Các bạn hãy tìm hiểu và lắng nghe về họ - những trí thức ở thế kỷ XX của quê ta. Câu chuyện tôi sẽ kể cho bạn về một người trong số đó - nhà thơ Yến Lan-người cũng đã được thị trấn chọn, đặt tên cho một trong những con đường mới mở.
An Nhơn, mảnh đất hầu như quanh năm quạnh hiu, vắng vẻ. Nhưng khi Cách mạng về thì lớp lớp thanh niên, trí thức thời ấy đã ra trận để bảo vệ đất nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ.
Sự đóng góp của trí thức tiền bối trên mảnh đất này không phải bằng súng đạn, gươm giáo mà chỉ bằng ngòi bút. Trong khí thế hừng hực lửa căm thù, người trí thức đã tự đặt ra cho mình nhiệm vụ “Ta phải làm gì cho cách mạng”.
Họ đã nghĩ, đã làm và làm cách mạng một cách triệt để:
Một tổ chức được thành lập cấp tốc, đó là Đội kịch mang tên “Đội kịch Yến Lan”. Tổ chức này, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, giới tính kể cả quá khứ theo tinh thần đại đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ cứu nước.
Tuy là tự phát nhưng Đội đã biết kết họp với chính quyền địa phương, biết dựa vào lòng dân và tài năng quần chúng. Vì vậy, Đội đã đạt được những kết quả tốt đẹp trên các mặt trận, góp phần cùng cả nước đưa Cách mạng và cuộc kháng chiến cứu quốc đến thắng lợi hoàn toàn:
Đấy là việc làm có ý nghĩa trong một thị trấn nhỏ, diễn ra trong thời gian dài, được sự hưởng ứng tham gia của các giới mà nhất là chị em phụ nữ trong thị trấn.
1/- Hàng ngày, phát thanh tuyên truyền chủ trương chính sách của Bác Đảng, giải thích những điều dân chưa hiểu, chưa thông.
“Thời ấy, trong giao tiếp, hằng ngày người dân thường hay nghe cán bộ nói nhiều đến những từ rất mới và rất khó hiểu như “Cách mạng”“du kích”“tuyên ngôn” “tổng tuyển cử”. Biết đây là những từ Hán-Việt, có thể dân không hiểu đầy đủ nên sau khi đọc xong các bản tin, thỉnh thoảng nhà thơ Yến Lan giải thich. Cách giải thích của anh có tính văn học mà lại bình dân.
Ví dụ từ “mâu thuẩn” anh nói:- Đồng bào muốn hiểu mâu thuẩn là gì phải không? Vậy xin mời đồng bào nghe câu chuyện sau đây:
Ngày xưa ở nước Tàu có một anh chàng lém lĩnh làm nghề buôn bán vũ khí. Ban đầu anh ta đưa ra cái “mâu” và quảng cáo ầm ỉ rằng đây là loại vũ khí có thể đâm thủng được tất cả mọi thứ, dù cho các thứ ấy dày và cứng đến đâu, cho nên nó vô cùng lợi hại. Đã là người chiến sỉ thì không thể thiếu loại vũ khí này!
Lác đác một vài người mua.
Sau đó anh ta đưa tiếp một loại vũ khí khác rồi lại lớn tiếng rao:
- Đây là cái “thuẩn” nó có tác dụng che chắn thân thể con người một cách an toàn tuyệt đối, chắc chắn rằng không hề có loại vũ khí nào khác dù nhọn và cứng đến đâu có thể đâm thủng được nó…
Đấy, mâu thuẩn là thế, là cách nói trước sau không thống nhất. Trước sau ngược nhau, là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Là nói lấy được nhằm thu được nhiều lãi mà thôi..
2/ Một tháng diễn kịch hai lần. Nội dung có thể “dẫn ra những tấm gương nghĩa khí của lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa là nông dân ở trong nước hay Trung Quốc thời xưa”
Để khích lệ lòng yêu nước trong dân; vở kịch thơ “Gái Trữ La” được diễn nhiều đêm. Nội dung ca ngợi tinh thần yêu nước của những người con đất Việt. Nhân vật chính trong vở kịch thơ này là cô Gái Trử La - nàng Tây Thi nước Việt của Câu Tiển, bị nước Ngô xâm chiếm. Sau khi thoát khỏi lao lung, Câu Tiển mượn nhan sắc Tây Thi - Người đẹp vốn là cô gái giặt lụa ở thôn Trử La làm mỹ nhân kế lung lạc Ngô Phù Sai.
Với giọng ca vàng trời phú của cô Ngọ, qua làn điệu bài chòi và hát bội đã cuốn hút bà con thị trấn đến với các đêm diễn. Điều này, như đã đúng quỉ đạo mà Đội kịch hướng tới để đưa chủ trương, chính sách của Bác Đảng đến với từng người dân.
Anh Cao Kế- giảng viên Trường Đại học Qui Nhơn, kể lại:
Mỗi lần đọc tin, chúng tôi leo lên một chiếc ghế cao khoảng 5m, đọc trước một cái loa dài làm bằng sắt tây, có hình giống như chiếc loa thời trung cổ. Cái loa được gác vào một lỗ thông hơi vốn có sẵn ở trên tường nhà.”
“Tôi được may mắn là khi Cách mạng thành công, tôi tham gia công tác thiếu nhi xã. Còn nhà thơ có chân trong Ủy ban huyện (Sau CM, các phủ đều thống nhất đổi thành huyện) Ủy ban huyện đặt trụ sở Phòng thông tin tại thị trấn Bình Định (thuộc làng An Ngãi) Sau nhiều đêm cùng nhân dân vác mõ, thanh la, mã tấu, mác, gậy tre vót nhọn cùng một vài khẩu súng trường mousqueton, vừa tịch thu được của tiểu đội lính khố xanh-Phủ An Nhơn. Anh là người được Ủy ban huyện tin tưởng giao nhiệm vụ đặc trách Phòng thông tin này. Còn tôi, được giao đọc các bản tin vào ban đêm.
Trụ sở phòng thông tin là ngôi nhà sang trọng của bà chủ hiệu R.A-R.O.= nơi trước đây bán thuốc phiện và rượu. Như vậy từ một nơi nhằm đầu độc và hủy hoai thể xác con người, chỉ một tuần sau khi Cách mạng về, đã biến thành địa điểm phát ra nguồn ánh sáng trí tuệ, nâng cao trình độ dân chúng.
Ngôi nhà ấy, nằm giữa ngã tư thị trấn Bình Định, trước mặt là quốc lộ số I và bên hông là đường đi Gò Bồi.
Từ ngày tham gia vào công việc đọc bản tin, tôi có điều kiện gần gủi và trở nên thân thiết với anh Yến Lan, rồi được nghe anh nói nhiều về văn, thơ. Giọng anh nhỏ nhẹ, rất có duyên và hấp dẫn lạ thường. Lúc này, ban ngày anh đi diễn thuyết về “tám mươi năm nô lệ”, ban đêm anh đến phòng thông tin. Vừa sắp xếp chương trình vừa phân công người đọc, và cùng anh em trong phòng đọc một số bài trước loa.
Mỗi khi gặp trên báo có bài thơ, câu chuyện hay anh mang ra ngâm, đọc và bình trước thính giả. Nhờ anh, những người nông dân vùng phụ cận thị trấn Bình Định, lần đầu tiên trong đời mới biết thế nào là một cuộc bình văn, bình thơ.
Thơ anh thời gian trước đó mang đậm “phong cách Yến Lan”, có nhiều chỗ khó hiểu. Nhưng, trước phong trào sôi sục Tổng khởi nghĩa, trước khi thế như nước biển dâng triều của quần chúng theo Cách mạng, cách diễn đạt của anh trong các cuộc mít tinh, trong những cuộc bình thơ lại trở nên trong sáng, dễ hiểu.
Bây giờ ngồi nhớ lại, thấy rõ lúc ấy nhà thơ Yến Lan rất có ý thức chọn những từ ngữ gần gủi với lời ăn, tiếng nói của người nông dân, phù hợp với đối tượng thính giả. Không phải một lần, những nông dân chất phác - thính giả phòng thông tin tấm tắc khen ngợi tài ăn nói của anh.
Nơi nào tôi không biết chứ ở “Phòng thông tin” An Nhơn thời ấy, dưới sự chỉ đạo của anh Yến Lan, công tác tuyên truyền khá sinh động. Ngoài việc đọc tin, bài. Còn có ngâm thơ, hát những bài ca Cách mạng, hô bài chòi, có đưa ra những câu thơ để đố. Chính anh Yến Lan là người đảm nhiệm chuyên mục này. Anh sáng tác một số câu thơ ẩn ý để đố về tên các loại vũ khí, các huyện trong tỉnh, các cửa hiệu thị trấn…Hoặc tổ chức thi, khuyến khích khán thính giả gửi bài về “Phòng thông tin”. Đến ngày định trước, anh phân tích các câu thơ đã đố và đưa ra lời đáp án. Ai trả lời đúng được nêu tên trước thính giả, được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ có thế mà tác dụng rất lớn.
Năm 1951, chủ trương giảm nhẹ biên chế ở lĩnh vực Hành chính và Y tế các tỉnh miền Trung. Bình Định, nhờ có vựa lúa của huyện Tuy Phước, không bị đói như các tỉnh bạn. Việc giảm biên chế, khiến Bình định trở thành điểm hẹn văn hóa lý tưởng cho các văn nghệ sĩ của tỉnh bạn.
An Nhơn-Bình Định sẵn sàng đón nhận và tập họp các văn nghệ sĩ của bạn để thành lập “Đoàn kịch Liên Khu Năm”. Đoàn nhất trí bầu nhà thơ Yến Lan làm trưởng đoàn. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày tập kết (tháng 3 năm 1955)
Cách mạng bùng nổ trên toàn quốc; các tỉnh Miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.. tuy muộn hơn nhưng không khí kháng Pháp ở những nơi này như cái vòng xoáy cuốn hút tinh thần quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cỏi, cũng rực lửa anh hùng nào kém nơi đâu. Tinh thần đó đã chuyển hóa thành những hành động cụ thể, người dân luôn trong tình thế sẵn sàng:
Ta giấu kho hàng,
Ta dồn lều lưới
Hầm chồng cát dội
Địch mà cập bến
Kẻng nhanh thúc hồi
Nào anh em ơi,
Trí thức đã đồng cam cộng khổ, chung tay tiếp sức với dân trên mọi trận tuyến, họ không có thời giờ nghĩ ngơi
Tôi sống những ngày thân cò lặn lội
Gánh gạo, phá thành, đốt đước dời kho
Cùng xứ sở chung ngọn đèn le lói
Ngày như đêm tiếp mãi lửa căm thù..
Để quần chúng dễ thuộc, nhớ lâu nhà thơ đã sáng tác hàng loạt bài ca dao:
Từ khi anh bạn đường dây
Cái loa đóng cột dựng ngay giữa làng
Thế là thơ kịch cải lương
Sớm trưa chiều tối rộn ràng lòng em
Đi cấy cuối mặt lặng im
Giờ cầm dảnh mạ, cất lên tiếng hò
Đáp bạn nói ngang như cua
Giờ vào cuộc họp đắn đo từng lời
Duyên em thêm nết, thêm tình
Chính nhờ các buổi truyền thanh đắp bồi
Ơn này, ơn Đảng anh ơi
Đẹp người sẽ đẹp lứa đôi vợ chồng.
Hưởng ứng công tác “chống giặc đói”. Phụ nữ trong thị trấn tham gia tích cực vào các hội như “Hội Mẹ, Hội chị chiến sĩ”.
Tìm em –Nhơn Hậu, Nhơn Thành
Em đang truyền đạt tình hình vụ đông
Tìm em –Nhơn Hậu, Nhơn Phong
Ngược lên Đập Đá, Nhơn Hưng tìm vào
Em đang cất giọng ca dao
Phổ điều chính sách thành câu ân tình
Tìm em - Nhơn Thọ cây xanh
Nhơn Hòa, Nhơn Lộc âm thanh còn nồng
Tìm em chẳng phải nhọc công
Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ thêm nồng hơi tăm
Tìm em cuối tháng cùng năm
Dẫu khi nắng hạn mưa dầm vẫn ra
Lúc nhỏ, tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đi đến nhà các dì. Tôi nhận biết tinh thần hăng say của các dì trong mọi phong trào. Tôi phục sao, tuổi cao, mắt kém nhưng các dì chăm lắm. Tối đến, cô Ba Đen, chị Hiến con cậu Thành, chị Năm Đủ con bà Cữu Sen, chị Mườì con bác Vĩnh Mai v.v, tay đèn, tay vở đến lớp để tập đọc, tập viết từng chữ như trẻ con
Tôi còn thấy nhà nào cũng có hủ sành để ở góc bếp, đựng gạo bớt ra trước mỗi bữa. Cuối tháng có dì đến thu, dồn vào ruột tượng (túi may bằng vải xi-ta, khổ to như ruột voi) gửi ra chiến trường cho bộ đội ăn no đánh giặc. Việc gì không làm được chứ bớt gạo bỏ hủ thì tôi có tinh thần rất cao. Má bỏ một nắm, tôi lén bốc thêm hai tay hai nắm, vì muốn hủ gạo nhà tôi mau đầy.
Khoai lang lột vỏ hai đầu/Có chồng bộ đội là dâu Bác Hồ.
Năm 1975, Giải phóng, nhà thơ lại trở về quê. Quê hương là sự mặc định số phận của mỗi con người. Người ta, có thể vì lý do gì đó phải tha phương. Người ta có thể không chỉ một vợ một chồng, nhưng quê, mỗi người chỉ có một mà thôi. Nên quê hương không thể chối bỏ hay thay đổi được.
Xin trích đoạn văn của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Yến Lan và đoàn làm phim của nhà báo Thụy Kha.
“Đó là cuối tháng Tư 1985, 2 cán bộ của Hội VHNT Nghĩa Bình là Thanh Thảo và Từ Quốc Hoài đưa 4 vị khách chúng tôi là vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và tôi (Nguyễn Trọng Tạo) từ Qui Nhơn ra An Nhơn thăm nhà thơ Yến Lan. Yến Lan lúc ấy đang ốm nằm trên giường bệnh tưởng không dậy được, nhưng khi nhận ra tiếng Văn Cao gọi, ông quay phắt lại và mở bừng mắt nhìn người bạn xưa. Thế là bỗng dưng Yến Lan ngồi dậy được. Và ông đòi ra bàn ngồi tiếp khách. Và ông đã ngồi tiếp chúng tôi khá lâu. Mấy anh em nhắc lại chuyện Văn Cao từng đề tựa cho tập thơ "Những ngọn đèn" của Yến Lan xuất bản năm 1957. Yến Lan nhớ lại ngay, và bảo người vợ mở tủ lấy tập thơ đó ra. Bà vợ cũng đã già nhưng còn minh mẫn lắm, bà tìm được ngay cuốn thơ đó. Tôi mở tập thơ đã cũ sờn ấy và đọc to cho mọi người nghe lời tựa của Văn Cao. Một bài viết về thơ vô cung sâu sắc, và Văn Cao thú nhận đấy là một bài viết ông rất tâm đắc. Hình như quan điểm thơ của ông trong lời tựa từng bị "phê" thời Nhân văn - Giai phẩm, còn bây giờ thì được khâm phục.
Mà thơ Yến Lan thời đó thật mạnh mẽ. Tôi cứ tâm đắc mãi câu thơ ngang tàng của ông viết về kinh đô Chàm ngày xưa: "Chiếm hồn ta như chiếm một kinh thành". Một câu thơ thật oai hùng nhưng cũng thật buồn. Cái câu thơ đó nói lên cái khí phách tâm hồn tác giả.
Sau những câu chuyện của hai người bạn già tri âm bởi thơ ca nghệ thuật, chúng tôi phải chia tay cho Yến Lan được nghỉ ngơi. Cuộc chia tay khá ngậm ngùi. Hai ông bạn già ôm nhau mãi như không muốn rời. Họ không biết bao giờ sẽ gặp lại nhau.
Lãnh đạo huyện An Nhơn tiếp đoàn chúng tôi và giới thiệu về huyện. Và họ không ngờ chúng tôi đã đến thăm Yến Lan rất trân trọng. Tôi đọc lại câu thơ Yến Lan tôi tâm đắc, và nói rằng, không ngờ đất Bàn Thành lại có một câu thơ hay như thế. Các anh lãnh đạo huyện khá xúc động trước tình cảm của các văn nghệ sĩ, và họ tự hào về Yến Lan, người đã bằng văn chương làm sáng giá cho quê hương họ.
Nhà thơ Yến Lan đã trọn một đời người trên mãnh đất bé nhỏ được gọi là thị trấn An Nhơn-Bình Định.
Lâm Bích Thủy
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt “L’amour est au monde pour l’oubli du monde (Tình yêu có trên đời là để cho quên hết đời đi)” Paul...