Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Những khuynh hướng chính trong truyện ngắn ở vùng đô thị Nam bộ 1945 - 1954

Những khuynh hướng chính trong truyện ngắn
ở vùng đô thị Nam bộ 1945 - 1954

Những nhà nghiên cứu văn học miền Nam như Thế Phong (1957), Nguyễn Văn Sâm (1969, 1972) đều xem chặng đường 1945 – 1950 là văn học tranh đấu hoặc văn học kháng chiến trong sự phân biệt với văn học sau 1950 đã không còn mang đặc trưng này nữa. Với ưu thế sản xuất được nhanh và nhiều hơn so với tiểu thuyết và có tính hư cấu thẩm mĩ nhiều hơn, truyện ngắn ở đô thị cũng đã có một mùa bội thu, ghi dấu những năm tháng rực rỡ vàng son của lịch sử và văn chương Nam bộ.
Cảm hứng này phát triển ngay sau Cách mạng tháng Tám, lớn mạnh qua những chính biến liên tiếp cùng sự đổi thay trong đời sống xã hội ở Nam Bộ những năm sau đó, đạt đến đỉnh cao trong các năm 1948, 1949 và nửa đầu năm 1950. Từ sau lệnh kiểm duyệt 81-SG ngày 19.5.1950, cảm hứng tranh đấu trong văn chương lắng xuống khi các phong trào đấu tranh chính trị, xã hội, văn nghệ bị ruồng bỏ nhiều hơn, sách báo bị tịch thu, nhà văn bị truy đuổi… Những nhà nghiên cứu văn học miền Nam như Thế Phong (1957), Nguyễn Văn Sâm (1969, 1972) đều xem chặng đường 1945 – 1950 là văn học tranh đấu hoặc văn học kháng chiến trong sự phân biệt với văn học sau 1950 đã không còn mang đặc trưng này nữa. Với ưu thế sản xuất được nhanh và nhiều hơn so với tiểu thuyết và có tính hư cấu thẩm mĩ nhiều hơn, truyện ngắn ở đô thị cũng đã có một mùa bội thu, ghi dấu những năm tháng rực rỡ vàng son của lịch sử và văn chương Nam Bộ.
Truyện ngắn tranh đấu ở đô thị có hai khuynh hướng nổi bật là ngợi ca lòng yêu nước chống ngoại xâm và phản ánh đời sống cùng quẫn, khổ đau, thậm chí trụy lạc của những phận đời ở nông thôn, thành thị. Khuynh hướng thứ nhất thường được viết với cảm hứng lãng mạn, phản ánh những cuộc kháng chiến chống Nhật, chống Pháp thời hiện đại hoặc mượn bối cảnh và nhân vật từ trong lịch sử xa xưa. Dù nói chuyện hiện thời hay chuyện quá khứ, các nhà văn đều miêu tả thế giới của những người đi tranh đấu đẹp đẽ đến phi thường. Có những nhà văn trẻ đã ghi dấu tên tuổi của mình trên văn đàn giai đoạn này với truyện ngắn như Vũ Anh Khanh với các tập truyện Ngũ Tử Tư, Đầm ô rô, Sông máu, Bên kia sông; Lý Văn Sâm với các tập Mây trôi về Bắc, Nắng bên kia làng, Ngoài mưa lạnh; Quốc Ấn với các tập S.O.S, Vỹ tuyến XI; Nguyễn Xuân Mỹ với tập Lấp con sông máu…
Vũ Anh Khanh có sở trường vẽ nên những bức tranh bi tráng về người anh hùng chí lớn thời xưa. Ông dùng lời văn rất đẹp để kể về Ngũ Tử Tư loay hoay giữa trung quân và vị dân (Ngũ Tử Tư), về tiếng đàn của người nghệ sĩ Chế Liễu xứ Chiêm Thành làm động lòng công chúa Huyền Trân tha hương (Cây đàn câm), về một ni cô âm thầm phò trợ quân Tây Sơn và bị binh sĩ nhà Lê hỏa thiêu trong Hồng Liên Tự (Phổ xiếu Hùng Lìn Xì)… Tương tự truyện Ngũ Tử Tư của Vũ Anh Khanh, truyện ngắn Người yêu nước của Nhị Nhân cũng khai thác mâu thuẫn giữa lòng yêu nước và lòng trung thành, với nhân vật Huyền Quang từ bỏ thân tộc nhà Trần, phù tá nhà Hồ vì nhận thấy chỉ có nhà Hồ mới đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Tuy không phải truyện nào cũng bàn trực tiếp đến vấn đề yêu nước nhưng hầu hết truyện ngắn lịch sử đều đặc tả vẻ đẹp của tráng chí, của tinh thần biết hi sinh tình riêng vì hạnh phúc của cộng đồng. Không khí của truyện lịch sử làm thăng hoa vẻ đẹp của thẩm mĩ cổ điển, khiến cái hoa mĩ càng trở nên sang trọng và giàu sức hút với cả độc giả tinh hoa lẫn độc giả bình dân Nam Bộ.
Những người anh hùng thời hiện đại tham gia kháng chiến chống Nhật, chống Pháp cũng được các nhà văn xây dựng bằng nét bút lãng mạn trong nhiều truyện ngắn. Lý Văn Sâm ưa chuộng lối khắc họa nhân vật người đi chiến đấu qua kí ức của người tản cư hoặc ở lại đô thành. Mây trôi về Bắc là tâm sự của một người về thành nghĩ về các đồng đội đã hi sinh ở mặt trận Tân Uyên. Anh nhớ lại giây phút hấp hối của một người nữ chiến sĩ khi chị ngẩng mặt nhìn trời, tưởng tượng những đám mây trên cao sắp sửa đưa hồn mình về đất Bắc xa xôi nơi có mẹ chị đang chờ đợi. Trọng trong Ngàn sau sông Dịch tha thiết lên đường chiến đấu nhưng vì hoàn cảnh phải cùng vợ con đi tản cư. Anh xem đời sống tản cư của mình thật tù túng, hèn mọn, đối lập với cuộc đời của bạn mình là Cương, người đã thực hiện được giấc mộng Kinh Kha mà năm xưa cả hai từng ấp ủ.
Ở khuynh hướng thứ hai, các nhà văn chủ yếu dùng bút pháp hiện thực để khắc họa đời sống. Đối lập với thế giới tranh đấu kháng chiến phần nhiều tồn tại trong tưởng tượng hoặc hồi ức, đời sống đô thị là thứ mà các nhà văn phải trải qua hằng ngày, nên họ có đủ dữ kiện, chi tiết để tạo nên những bức tranh văn chương sống động.
Kiểu nhân vật vì hoàn cảnh mà mắc kẹt lại trong đô thành với nợ áo cơm được khai thác rất nhiều như Nhi trong Cứu lấy quê hương vì mắc bệnh sốt rét mà phải rời bỏ làng Bình Nhâm kháng Pháp, Lâm trong Thèm một ngọn đèn và Lương trong Về thành đều vì gánh nặng thê nhi mà không thể theo đuổi đại nghiệp cứu quốc, Thân trong Lột vỏ là văn sĩ nghèo luôn dằn vặt giữa việc dùng ngòi bút cổ vũ kháng chiến hay bẻ cong nó để kiếm tiền nuôi gia đình. Vũ Anh Khanh khắc họa một Sài Gòn sa đọa, ngập chìm trong tệ nạn cờ bạc, mại dâm… trong các truyện ngắn Sài Gòn ơi!, Hối tắc, Ma Thiên Lãnh để làm bật lên hình ảnh vùng kháng chiến đầy những vẻ đẹp trong lành, thánh thiện. Đối lập với tác phẩm xây dựng kiểu nhân vật tự truyện giúp nhà văn bộc lộ những dằn vặt, khổ sở của mình trước việc chí hướng bị hoàn cảnh trói buộc là những tác phẩm với lối viết mỉa mai nhằm đả kích những thành phần thanh niên hèn nhát, hoặc dửng dưng trước thời cuộc. Lê Hương khái quát chân dung những kẻ ham sống sợ chết trong truyện ngắn Vui sướng gì hay đã hèn nhát lại sĩ diện trong Quả đấm thôi sơn. Trên báo Đời mới, Lê Văn Thử viết truyện ngắn cho chuyên mục “Những mẩu truyện thời đại”, kể về những con người bé nhỏ với số phận thăng trầm trong bức tranh vân cẩu đầy biến động như Lá rụng về cội, Mình tha tôi một phen, Đời con Rỉ, Ông còm-mi báo hiếu… đăng trên báo Đời mới năm 1949.
Các truyện ngắn tranh đấu với hai khuynh hướng kể trên nở rộ ở đô thị giai đoạn 1945 – 1954 vì sự thúc đẩy của hoàn cảnh lịch sử, sự thuận lợi của không gian đô thị và tính tiện dụng của thể loại truyện ngắn. Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến ở Nam Bộ thổi bùng lên lòng yêu nước, tác động mạnh mẽ cả nhà văn và công chúng, tạo nên nhu cầu viết và đọc các sáng tác văn chương hướng về chủ đề này. Nhờ ưu thế ngắn gọn về dung lượng, truyện ngắn rộ hơn thể loại tiểu thuyết viết về cùng chủ đề. Ngành xuất bản, với thuộc tính thương mại của nó, đã tận dụng đặc điểm ngắn gọn này của truyện ngắn, tạo ra cả một dòng sách văn chương tranh đấu dành riêng cho thiếu nhi, thiếu niên. Các nhà xuất bản uy tín thời này đều có các tủ sách như Bạn trẻ, Tuổi trẻ của Nhà xuất bản Nam Việt, Thần đồng của Nhà xuất bản Tân Việt Nam, Tuổi xanh của Nhà xuất bản Sống Chung… với các truyện ngắn như Khói lửa toàn dương, Mười năm nuốt hận của Hoàng Tấn; Thù nhà nợ nước, Cỏ mọn hoa hèn, Đất khách, Dòng nước đỏ sông Hồng của Lý Văn Sâm; Đứa con đất nước, Lửa cháy Hạnh Hoa Thôn của Thiên Hồng; Bữa ăn cuối cùng, Con đường nghĩa vụ của Trúc Khanh; Trong quân y viện, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng, Mẹ người tử tù, Săn vàng, Sống mạnh sống hùng của Việt Quang… Thiếu Lăng Quân là tác giả sở hữu nhiều truyện ngắn kiểu này nhất, với Đường về Nam Bộ, Người hiệp sĩ, Anh là trai nước Nam, Ai lên phố Lạng, Ba chiếc dù ở Việt Bắc, Chàng đi theo nước thiếp theo chàng, Đêm nay ngủ nhà ai… Về mặt nội dung, các truyện này chủ yếu kể những câu chuyện thiếu nhi anh dũng, những chàng trai cô gái ra đi vì nghĩa lớn, những số phận chìm nổi trong thời chiến tranh loạn lạc nhưng cũng từ đó nuôi dưỡng lòng căm thù giặc ngoại xâm. Về mặt hình thức, các quyển truyện này khá mỏng, truyện dài nhất cũng chỉ khoảng 30 trang, có truyện chỉ 10 trang, lối viết đơn giản, chú trọng sự việc hơn là phân tích tâm lí nhân vật.
Sang thập niên 50, cảm hứng tranh đấu lắng xuống. Khuynh hướng phản ánh hiện thực tuy vẫn duy trì nhưng phai dần cái quyết liệt của tinh thần cải cách và khát vọng đổi thay, mà thay vào đó gợi lên cảm giác bế tắc đầy đau xót.
Tình trạng khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình cảnh bấp bênh của nhiều người, đặc biệt là tầng lớp bình dân ở cả thành thị lẫn nông thôn. Những tác phẩm kể về tầng lớp dưới đáy thường đi kèm với việc khắc họa mâu thuẫn giữa người chủ và người làm công, giữa kẻ giàu và người nghèo. Cảnh đói nghèo không lối thoát được khắc họa qua số phận của đôi vợ chồng vớt củi trên sông đối mặt với hiểm nguy hằng đêm lại còn bị thầy đội ép giá trong Xuồng củi của Thiên Tứ; qua cảnh một gia đình túng quẫn gồm bà mẹ già chăm con gái bệnh tật, cô con gái khác của bà đi khách hằng đêm kiếm tiền, và đứa cháu nhỏ lẻn ra ngoài trộm cắp trong Mái lá của Lưu Nghi; qua câu chuyện của hai anh em phiêu bạt chốn thị thành, người anh trí thức không tìm nổi việc làm đành phải đi khuân vác, đứa em trai chưa thành niên phải đi ở đợ, anh em lâu lâu mới có thể tranh thủ gặp nhau trong truyện Đồng tiền của Trần Phương Như…
Một số nhà văn sử dụng giọng giễu nhại để kể về cảnh sống bệ rạc của người dân thành thị. Trong Cúng cô hồn của Vĩnh Lộc, cặp-rằng Quyệt hay ức hiếp anh em công nhân bỗng lăn ra chết ngay dịp cúng cô hồn, chẳng biết có phải do bị anh em nguyền rủa là cô hồn mà hắn trở thành “cô hồn” thật hay không. Nhóm thanh niên vô công rồi nghề trong Đơ-dèm cúp-bắp của Vũ Xuân Tự chỉ mong được chính quyền bắt đi lính, không phải vì muốn cống hiến cho quốc gia, mà để trốn nợ hút xách, bài bạc đang bủa vây tứ phía.
Trong cuộc sống nặng nề của những người nghèo khổ ở thành thị, số phận người phụ nữ được các nhà văn dành cho khá nhiều trang viết. Những cô gái trong sáng bị cuốn vào đời sống trụy lạc vì nghèo đói, vì ngây thơ, vì bị phụ bạc, hoặc thậm chí vì đua đòi là những nhân vật trung tâm trong các truyện ngắn Bóng tối của Văn Hòa, Mưa xuân của Vĩnh Lộc, Tình trong gió cát của Trần Phương Như, Chân lý của Dương Tử Giang…
Không chỉ hướng ngoại để phản ánh trực tiếp đời sống và tâm lí xã hội đương thời, truyện ngắn trong chặng 1950 – 1954 còn quay vào thế giới tâm hồn với những cảm xúc tinh tế hoặc suy tư triết lí muôn thuở của con người. Đây là điểm ít thấy ở truyện ngắn trong chặng 1945 – 1950 khi phong trào tranh đấu dâng cao. Tính chính trị và hướng ngoại dần giảm xuống, các chủ đề và khuynh hướng viết ngày một đa dạng hơn là biểu hiện của việc văn học quay trở lại dần qũy đạo tự nhiên của nó. Tập truyện ngắn Nhốt gió của Bình Nguyên Lộc là một ví dụ tiêu biểu. Kinh (Bàn tay sáu ngón) có bàn tay sáu ngón, luôn cảm thấy khó chịu vì bị soi mói. Anh ngẫm nghĩ về sự kì quặc, bảo thủ của đầu óc con người khi họ luôn kì thị những thứ khác thường. Nghe bạn khuyên, anh đi phẫu thuật cắt bỏ ngón tay thừa để được sống như người bình thường, và sau đó lại thất vọng vì chính sự bình thường ấy. Trong lúc tình cờ nhìn một đứa trẻ chơi trò nhốt gió, Tạo (Nhốt gió) nhận ra rằng sự cô độc của con người là một định mệnh. Anh nghiệm ra mỗi cá nhân, mỗi thế hệ đều có lối đi riêng của mình.
Không chỉ ở sách in mà trên mặt báo cũng có nhiều truyện ngắn theo khuynh hướng triết lí và trữ tình như vậy. Nổi bật trong nhóm triết lí có Truyện con thằn lằn chọn nghiệp (Mới, 1953) của Hồ Hữu Tường. Thông qua việc sử dụng các hình ảnh Phật giáo, Hồ Hữu Tường gửi gắm tư tưởng canh tân xã hội bằng con đường văn trị, tức là dùng văn hóa để giáo dục và chuyển hóa con người và xã hội thay vì can thiệp bằng chính trị, vốn chỉ có tác động một thời, một giai đoạn, và đôi khi gây ra những hiểu lầm cùng hệ quả kèm theo. Trong hoàn cảnh Nam Bộ bấy giờ, tiếng nói gián tiếp xem nhẹ bạo lực cách mạng và nỗ lực cải cách chính trị mà Hồ Hữu Tường cất lên có phần ngược dòng và lạc lõng, từng bị phê phán không ít. Tuy nhiên, xét ở góc độ phổ quát, cũng khó có thể phủ nhận giá trị của con đường cải cách xã hội bằng văn hóa mà Hồ Hữu Tường đề xuất.
Khuynh hướng truyện ngắn trữ tình có các truyện Chồng con tôi của Duy Lam; Chân lý, Thiên nhiên trả nũa của Dương Tử Giang; Sầu riêng của Linh Bảo; Quằn quại của Thanh Nam; Gió bấc, Bãi cỏ, Có một người đi tự tử của Thụy An Hoàng Dân; Một đêm xa nhà của Nguyễn Thị Vinh… Nhiều truyện đặc sắc trong khuynh hướng này là của các tác giả gốc Bắc như Duy Lam, Linh Bảo, Thanh Nam, Thụy An Hoàng Dân, Nguyễn Thị Vinh… Phân tích tâm lí và suy tư triết lí vốn là sở thích và sở trường của người viết và người đọc miền Bắc, trái ngược với miền Nam ưa chuộng các truyện thiên về tình tiết và hành động. Các truyện này thường lấy trọng tâm là tâm trạng của nhân vật thay vì sự kiện, nhiều truyện gợi nhớ đến văn chương của Thạch Lam trước kia, khi các tác giả chạm bút vào những rung cảm hết sức mong manh và tế vi của con người. Trong truyện ngắn Sầu riêng, Linh Bảo miêu tả tâm trạng khi yêu nhiều hơn là kể chuyện tình yêu. Hoài và Thạch đều có cảm tình với nhau, nhưng cả hai đều kiềm chế vì cảm thấy tình cảm giữa họ không có tương lai. Hoài rất nhớ Thạch nhưng không liên lạc với anh. Truyện miêu tả mọi sắc thái nỗi nhớ của Hoài, và cả cách cô tự vượt qua nỗi nhớ. Cô học cách yêu chỉ để mà yêu thôi. Nỗi sầu trong lòng cô như lớp bùn đã lắng, mặt nước trong veo tinh sạch nhưng không nên chạm vào vì sẽ làm lớp bùn dưới đáy lại sôi lên.
Trong chặng 1950 – 1954, văn xuôi đô thị phục hồi khuynh hướng giải trí vốn rất phổ biến ở Sài Gòn trước 1945, với các loại truyện diễm tình, truyện trinh thám, kiếm hiệp. Tuy nhiên, trong mảng giải trí này truyện ngắn có vẻ không thịnh vượng bằng tiểu thuyết, vì có lẽ độ dài và đặc tính đăng theo kì của tiểu thuyết phù hợp hơn để kể những câu chuyện có vận động lắt léo, kích thích sự mong đợi của độc giả. Truyện ngắn diễm tình thường chỉ mô tả những khoảnh khắc mơ mộng, kể những chuyện biệt li đau xót khá sáo mòn như Bên song cửa, Người viễn khách, Con đò cũ của Dương Hà; Người khách lạ năm xưa của Văn Hòa; Tình trong gió cát của Trần Phương Như… Thiết Can thường xuyên xuất hiện với các truyện ngắn trinh thám trên báo Đời mới như Bàn tay sáu ngón, Con mèo trinh thám, Máy hát giết người… Chỉ trong khuôn khổ truyện ngắn đăng báo, các vụ án thường rất đơn giản, vắn tắt nên không hấp dẫn bằng các tập truyện dài, tiểu thuyết trinh thám của Lê Đằng Phương xuất hiện cùng thời. Tương tự như vậy, các truyện kiếm hiệp cũng phát triển mạnh ở thể loại tiểu thuyết hơn là truyện ngắn. Trong khuynh hướng giải trí này đáng chú ý có tập truyện Cô lâu kỳ biên (1953) của Mộng Trần Lê Chơn Tâm. Tác phẩm kết cấu theo kiểu truyện khung chứa đựng những truyện ngắn độc lập kể những giai thoại tình người duyên ma éo le kì bí. Các truyện con được xâu chuỗi lại qua lời kể của một thanh niên thời hiện đại vì chán nản thời thế mà lang thang vô định, đi lạc vào một lầu cổ ở Hà Tiên, gặp hồn ma của hậu duệ Mạc Thiên Tích và được ông trao lại tập sách ghi chép những chuyện liêu trai mà ông thu thập được trong suốt thời gian mấy thế kỉ ở thế giới bên kia.
Tóm lại, truyện ngắn ở đô thị Nam Bộ giai đoạn 1945 – 1954 đậm đặc tinh thần tranh đấu trong chặng 1945 – 1950 với hai khuynh hướng ngợi ca tinh thần yêu nước chống ngoại xâm và phản ánh đời sống đô thị tù túng nhằm kích thích tráng chí lên đường, sau đó phát triển đa dạng hơn trong chặng 1950 – 1954 với các tác phẩm triết lí, trữ tình và giải trí bên cạnh khuynh hướng phản ánh hiện thực đời sống thành thị, nông thôn vẫn tiếp tục được duy trì.
12/8/2022
Nguyễn Thị Phương Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái hạt

Cái hạt Phiên tòa thành phố. Trước vành móng ngựa là một chàng trai chừng hai nhăm tuổi, mặt xanh gầy, vô cảm. Chánh án, một người rất có ...