Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Suy ngẫm cùng Hải Trung về thơ Vua

Suy ngẫm cùng Hải Trung về thơ Vua

“Thơ vua và suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung chỉ “khai thác” một số lượng nhỏ – rất nhỏ thơ của ba nhà vua Triều Nguyễn – trong đó, nhiều bài được khắc chạm công phu trên Điện Thái Hòa và cả trong những bản in hiện được lưu giữ tại Viện Hán Nôm, đồng thời trở thành một tác phẩm mỹ thuật – đã thấy đây là những giá trị văn hoá nên được lưu truyền, trước hết là với những du khách đã và sẽ đến thăm Cố Đô Huế.
Trong những giá trị văn hóa “người xưa” để lại cho Cố Đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, lâu nay du khách trong và ngoài nước thường mới chỉ chú ý đến các công trình kiến trúc (lăng tẩm, Hoàng Thành Huế, đình chùa…), cảnh quan (sông Hương, nhà – vườn…) văn hoá ẩm thực (mè xửng, tôm chua, bún bò Huế…) mà không mấy người biết đến một kho báu “phi vật chất” chưa có điều kiện “khai thác”. Đó là hơn một vạn bài thơ của các nhà vua Triều Nguyễn sáng tác trong hơn sáu chục năm. “Điều kiện” nói ở trên, trước hết là khả năng chuyển ngữ và in ấn, do nguyên bản đều là chữ Hán; phần nữa là do nhận thức một thời có phần đơn giản, ấu trĩ rằng thơ phú của vua chúa – nhất là vua Triều Nguyễn – chỉ biết thưởng hoa vịnh nguyệt, có giá trị gì mà “khai thác”! Quả là cũng có ông vua bà chúa như thế, nhưng mặt khác, dần dà người ta hiểu ra, thơ vịnh trăng với hoa mà viết cho hay vẫn là giá trị được lưu truyền dài lâu. Chỉ cần nêu một dẫn chứng đủ rõ: bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư về đóa hoa mai bất ngờ nở trong đêm đã có biết bao nhà nghiên cứu “khai thác” mỗi độ Xuân đến…
Những năm gần đây, với tinh thần đổi mới tư duy trong mọi hoạt động văn hoá xã hội được khởi phát từ 1986, nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu đã lần lượt cho công bố những tác phẩm về Triều Nguyễn. Đây không phải là việc “chiêu tuyết” (rửa sạch nỗi oan ức) cho người xưa, có khi là gượng ép hoặc do một “động cơ” không trong sáng như một số người đã chỉ ra ở đâu đó mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu, một cách nhìn khoa học và công bằng. Tiểu thuyết “Từ Dụ Thái Hậu” ( 2 tập) của Trần Thùy Mai và mới đây là “Cuộc đời xa khuất” chủ yếu viết về vua Tự Đức của Lê Hoài Nam là những tác phẩm như thế, tuy mức độ thành công khác nhau…
Trong khi tiểu thuyết “Từ Dụ Thái Hậu” như mở “một cánh cửa vào hậu cung Triều Nguyễn”, thì “Thơ vua & suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung vừa xuất bản lại mở cánh cửa chuyên sâu về văn học nghệ thuật của chính các nhà vua Triều Nguyễn – chủ yếu là vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Tác phẩm dày trên 300 trang, bìa cứng, gồm 23 bài kèm nhiều tranh, ảnh màu chụp nguyên bản các bài thơ, hiện vật, công trình kiến trúc liên quan. Nếu quả đúng “văn là người” như một danh nhân đã nói thì qua những thi phẩm của các nhà vua, chúng ta có thể hiểu được thế giới tinh thần của các Hoàng đế Triều Nguyễn tiêu biểu – yếu tố quan trọng nhất định hình nhân cách và mọi hoạt động người đứng đầu đất nước; do đó, qua đây, chúng ta hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời.
Tác giả đã dẫn tư liệu của Viện Hán Nôm cho biết, “trong 63 năm (từ 1820 đến 1883), các hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức  đã “ngự chế” 15.097 bài thơ văn dài ngắn khác nhau… Đó là một số lượng trước tác cực kỳ lớn, thực sự đã tạo nên một kỷ lục thi ca trong lịch sử văn chương của Việt Nam”. Về quan điểm nghệ thuật, tác giả cho rằng, tuy mỗi nhà vua có phong cách riêng của mình, “nhưng cùng chung một mạch rễ truyền thống từ thi dĩ ngôn chí và văn dĩ tải đạo”. Chúng ta thấy rõ điều đó qua “tự bạch” của các nhà vua.
“…Những thơ ta làm đó phần nhiều là mình tự dạy mình về đạo kính trời yêu dân, so sánh lúc tạnh lúc mưa để xem thời tiết, không có lời hoa hòe chải chuốt để cho người ta thích nghe…” (Minh Mạng)
“…Này, thơ:ở trong bụng là chí, nói ra là thơ, thơ để tả tính tình, chính giáo hóa, là lòng của trời đất đó..” (Thiệu Trị)
Có lẽ vì thế, trong hầu hết bài khảo cứu, tác giả không đặt trọng tâm vào việc phân tích nghệ thuật thơ mà “suy ngẫm” nhiều về đạo lý, về trách nhiệm của người đứng đầu đất nước đối với với xã hội, với đời sống muôn dân qua những vần thơ. Xét về khía cạnh này, vua Minh Mạng thực sự tiêu biểu và những vần thơ, những suy tư của nhà vua từ gần hai thế kỷ trước vẫn có ý nghĩa thời sự.
***
Nguyễn Phước Hải Trung (con trai của nhà thơ Hải Bằng – người đã có nhiều năm gắn bó với Quảng Bình), với kiến văn một tiến sĩ văn học, lại có thuận lợi trải qua nhiều năm nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế, chỉ riêng một bài thơ “Tự huấn” (tự răn mình) của vua Minh Mạng, tác giả  đã dẫn giải, “suy ngẫm” thành một tiểu luận dài 10 trang sách. “Tự huấn” gồm 8 câu chữ Hán; ở đây (cũng như toàn bộ thơ trích dẫn tiếp) chỉ giới thiệu bản dịch:
“Đạo vua phải lắng nghe / Luôn phân biệt tà chính / Tin dùng lẽ thẳng ngay / Chớ nghe lời xu nịnh / Kẻ gian lo nhà mình / Người trung chăm triều chính / Sai một li – một dặm / Ngày đêm lòng như kính”
Bài thơ “tự răn mình” nhưng cũng có thể nói đây là “tuyên ngôn” của nhà vua về nguyên tắc ứng xử trong chính sự quốc gia, về  cách dùng người, chọn người cộng tác. Theo Nguyễn Phước Hải Trung, vua Minh Mạng xem bài thơ là “quân đạo” (đạo của vua) và đã nhiều lần “triển khai” qua các chiếu chỉ; ví như chiếu cầu lời nói thẳng mùa thu năm 1820 đã viết: “Trẫm nghe đường ngôn luận mở rộng thì nước mới trị… Vua muốn nghe lỗi của mình, tất phải đợi ở tôi ngay. Vậy cho các văn võ ở Kinh từ Tứ phẩm trở lên, các quan thành dinh trấn ở ngoài đều lo cố gắng, đua nhau đối đáp rõ rệt, hoặc lỗi chính ở trẫm, về kính đức nối sáng có thiếu, về nhân ân yêu giữ chưa tròn… Lại phàm nghe thấy chính sự  có thiếu sót, dân tình có khổ sở, đều cho dùng phong bì mà tâu thực lên… để vua tôi sửa chữa lẫn nhau…”
Nhà vua không chỉ khuyên răn hay ra lời kêu gọi mà đã chứng tỏ “quân đạo” của mình bằng hành động cụ thể. Năm 1830, khi hai quan đại thần là Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế “dâng lên vua một bài tụng với những lời hoa mỹ…ngợi ca vua chuyên cần chính sự; vua Minh Mạng… phê thẳng vào bài văn: Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu? Vậy ném trả lại và truyền chỉ quở mắng”.
Có lẽ không cần dẫn thêm bằng chứng về sự nghiêm minh của vua Minh Mạng, kể cả với con cháu trong hoàng tộc, do có nhiều sách báo đã nói đến. Nhà vua cũng đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và đời sống nông dân, nên Nguyễn Phước Hải Trung đã viết liền mấy tiểu luận về chủ đề này:“Bức thư pháp ngự bút và ngự đề của vua Minh Mạng về nhà nông”, “Ngạn ngữ nhà nông qua chùm thơ của vua Minh Mạng”, “Thơ vua về lễ Tiến xuân, một điển lễ trọng nông”. Nguyễn Phước Hải Trung nhận định:
“Trong lịch sử trung đại, vua Minh Mạng có lẽ là một nhà thơ viết nhiều nhất về nông nghiệp, về nông dân. Đề tài này tràn ngập trong sáng tác của nhà vua với hàng trăm bài…”
Không có điều kiện để phân tích nghệ thuật thơ về phương diện ngôn ngữ nguyên bản (chữ Hán), chỉ xin trích bài dịch “Vị nông ngâm” ít nhiều có chất thơ viết năm 1832, “do vua Minh Mạng ngự chế và ngự bút (theo lối thư pháp thảo thư) treo tại Hoàng cung Huế, sau đó in lại trong BAVH…” :
“ Đêm đón mưa vui trận trận qua / Hạt tuôn từng đợt gió ngân nga / Hắt hiu giá rét mùa xanh lá / Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà / Mặc ấm ghi ơn người dệt vải / Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa / Bao đời trọng nỗi gian nan ấy / Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca.”
Hình như nhiều người đã được đọc bài thơ này; tuy vậy, đọc “Vị nông ngâm” thời điểm hiện nay lại có ý nghĩa như một lời nhắc nhở chúng ta, mặc dù xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang mạnh mẽ tiến bước, không gì ngăn được, nhưng xin chớ quên nông nghiệp và nông dân luôn là chỗ dựa, là cơ sở bảo đảm an ninh cho đất nước, nhất là trước những biến động khó lường của thế giới, môi sinh…mà Dịch Covid-19 đang làm đảo điên các khu công nghiệp là bằng chứng nóng hổi.
Trong khoảng 4000 bài thơ của vua Minh Mạng, đặc biệt có một bài giúp chúng ta “đính chính” ngộ nhận của nhiều người rằng Triều Nguyễn có luật “tứ bất lập”, trong đó có điều quy định  không lấy trạng nguyên. Nguyễn Phước Hải Trung có đủ căn cứ để minh chứng điều đó chỉ là suy đoán của hậu thế, do các kỳ thi từ thời Minh Mạng trở về sau không chọn được trạng nguyên. Điều dễ thấy là không một tác giả nào đưa ra được tư liệu chứng tỏ Triều Nguyễn có luật “tứ bất lập”; nhận định của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang và Huỳnh Công Bá cho rằng “vua Gia Long  cho đặt lệ không lấy trạng nguyên” càng dễ bác bỏ, do dưới triều Gia Long chưa tổ chức thi Đình mà chỉ mới thi Hương với học vị cao nhất là cử nhân! Bài thơ của vua Minh Mạng “Kêu gọi khích lệ sĩ tử tại kỳ thi Hội” khi đến xem kỳ thi năm 1838 là một bằng chứng bổ sung khó tranh cãi:
“Hôm nay rét lạnh đã ban than / Đem hết tinh hoa kiếm trạng nguyên / Năm lạnh bách tùng lên tươi tốt / Cùng nhau gắng sức báo ơn trên.”
Như vậy, mặc dù nhà vua khao khát tìm nhân tài muốn có trạng nguyên, nhưng rút cuộc kỳ thi Đình năm đó chỉ lấy được 2 người “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân” (còn gọi là Hoàng Giáp). Bài thơ không chỉ bác bỏ sự suy đoán không có căn cứ về lệ “tứ bất lập” mà “còn nói lên khoa cử vào thời bấy giờ rất chú trọng tính khách quan, một lối tư duy đào tạo hướng đến thực chất…” Nguyễn Phước Hải Trung đã nhận xét như thế sau khi giới thiệu bài thơ của vua Minh Mạng và “số liệu” cụ thể nhiều kỳ thi, dù vua muốn có Trạng nguyên, nhưng không ai đủ 10 điểm thì nhất quyết không chọn. Mãi đến kỳ thi năm 1851 (thời Tự Đức) mới có 2 người đạt 9 điểm đỗ Bảng nhãn là Phạm Thanh (người Thanh Hóa) và Vũ Duy Thanh (Ninh Bình)…
***
Trong ba nhà vua đã dẫn ở trên với hơn vạn bài thơ, vua Thiệu Trị có số lượng ít nhất (3200 bài); tuy vậy, theo nhà nghiên cứu cứu Hán Nôm Lê Nguyễn Lưu (người đã dịch và in tuyển 1000 bài thơ Đường) thì về nghệ thuật thơ, thơ của vua Thiệu Trị còn hay hơn vua Minh Mạng và Tự Đức. Đặc biệt ông có nhiều bài thơ được khắc hay khảm nổi bằng ngà, xương hay đồi mồi trên những ô hộc tại Điện Long An. Trong tập “Ngự chế cổ cách thi pháp” gồm 157 bài với nhiều hình thức chơi chữ khác nhau rất trí tuệ, trong đó kỳ công nhất là bài thơ “Vũ trung sơn thuỷ” được khảm trai (cẩn xà cừ) hiện đang treo trên vách điện Long An (Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), chỉ 56 chữ mà biến hoá tài tình. Trong một bài viết trước đây, Nguyễn Phước Hải Trung cho biết, năm 1994, Nguyễn Tân Phong đã giải mã đọc thành 64 bài tứ tuyệt và tiếp đó, G.S Nguyễn Tài Cẩn lại đọc được thành 64 bài bát cú. Đây là thể thơ hồi văn liên hoàn, nghĩa là xuất phát từ điểm nào cũng có thể đọc thành câu, thành bài. Bây giờ, một số nhà thơ chuộng “cách tân” hình thức cũng “chơi” trò thách đố chữ nghĩa, nhưng dễ gì sánh được với vị vua hơn hai thế kỷ trước.
Trong tác phẩm mới xuất bản, Nguyễn Phước Hải Trung giới thiệu“một bài thơ trường thiên luật đặc sắc… một đỉnh cao của “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”…” cũng là một kiểu “chơi chữ” nghệ thuật tài tình của vua Thiệu trị cùng 3 hoàng đệ và đại thần Lâm Duy Nghĩa.“Bài thơ có hình thức xướng họa đặc sắc, tài tình vì người xướng thơ, ra chủ đề phải làm chủ “cuộc chơi xướng họa”, người họa thơ phải ứng đối lại tức thì… rồi tiếp tục xuất đối lại một vế tiếp theo…” Ở đây chỉ xin dẫn mấy câu kết thúc trong bài thơ dài 36 câu (trong đó vua Thiệu Trị viết 20 câu xướng thơ và kết thúc):
“Sách vở bút nghiên nghĩ thấm sâu/ Lời đẹp việc hay khuyên tiến tấu / Nước gìn đạo giữ hãy truyền lưu/ Nương cùng sương khói thơ đề vịnh / Vui hứng chan hòa ý nối câu”.
***
Về “ông vua thi sĩ” Tự Đức với số lượng kỷ lục khoảng 4.600 bài, Nguyễn Phước Hải Trung chọn bình bài “Mạn ca” có lẽ do bài thơ không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm thế giới tinh thần của nhà vua mà còn phản ánh nội dung cốt lõi “hệ tư tưởng văn hoá thời Nguyễn.” Theo Nguyễn Phước Hải Trung, “Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là ba tôn giáo có vị trí quan trọng, chi phối mạnh mẽ đến hệ tư tưởng văn hoá thời Nguyễn. Đặc biệt sự gặp gỡ của tính thiện, tính nhân của ba tôn giáo này được xem là điểm mấu chốt để tạo nên sự “đồng nguyên”, “đồng quy” trong suốt chiều dài lịch sử thời trung đại của Việt Nam..”
“Mạn ca” (Khúc hát tản mạn) thể hiện tinh thần “tam giáo đồng nguyên” ấy gồm 17 câu chữ Hán (bài dịch do cần diễn giải rõ ý thành 20 câu),“nhưng tính cô đúc của những lẽ đời giản dị được Tự Đức trình bày rất mạch lạc”:
“Sông dài biển rộng dặm xa xôi,
Sánh với con mương cũng nước thôi.
Sóng gió yên bình thì biển lặng,
Gió lên mương rãnh tựa ngàn khơi.
Từng khắc thời gian cùng cõi sống,
Ai nào thanh thản suốt trong đời.
Trừ phi thần tiên thì chẳng biết,
Quý, tiện, hiền, ngu ai cũng người.
Hạc diệc có chân dài ngắn khác,
Báo dê da chẳng thể giống vằn.
Mải mê triều thị như mây nổi,
Gặp họa ganh gì kẻ roi chăn.
Chuyện ngựa Tái Ông ai cũng rõ,
Bao nhiêu mưu chước sáng tiêu tan.
Sáng ra ngẫm lại không hề biết,
Tự hỏi rằng sao lắm bẽ bàng.
Tâm kia lại bị hình chi phối,
Trong cõi phù sinh vất vả này.
Suốt cả một đời danh chẳng để,
Chỉ mang tiếng xấu giữa trời mây.”
Bài dịch khá hay, giữ nguyên được từng cặp câu thơ mang tính “tương phản vốn có trong sự vật mà nguyên lý chung nhất là sự đối lập và thống nhất giữa “có và không”…” Tính triết lý trong mỗi cặp câu thơ thật giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, giúp con người sống phải tử tế hơn. Thì đó, biển rộng – sông dài khác xa mương rãnh, nhưng cũng chỉ là nước thôi! Nhà vua “tản mạn” chuyện biển và mương rãnh, nhưng suy ngẫm một chút thì hiểu ngay đây là lời nhắc nhủ con người phải biết sống khiêm nhường; dù “anh” đang có chức to quyền lớn như vua chúa cũng chớ có vênh váo – “con vua thất thế lại ra ở chùa” – dân gian từ xưa đã nói vậy! Và “Quý, tiện, hiền, ngu ai cũng người”- cái lẽ giản dị này của cõi nhân sinh muôn thuở, nếu đừng sao nhãng, sẽ giúp cho con người biết cách sống tốt đẹp hơn…
Chỉ “khai thác” một số lượng nhỏ – rất nhỏ thơ của ba nhà vua Triều Nguyễn – trong đó, nhiều bài được khắc chạm công phu trên Điện Thái Hòa và cả trong những bản in hiện được lưu giữ tại Viện Hán Nôm, đồng thời trở thành một tác phẩm mỹ thuật – đã thấy đây là những giá trị văn hóa nên được lưu truyền, trước hết là với những du khách đã và sẽ đến thăm Cố Đô Huế…
20/9/2022
Nguyễn Khắc Phê
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phương Đông và phương Tây từ tầm nhìn văn minh, văn hóa, khoa học

Phương Đông và phương Tây từ tầm nhìn văn minh, văn hóa, khoa học Nói đến sự tiếp xúc giữa phương Đông và phương Tây; người ta thường nói ...