Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Bình thơ "Chị ơi, xuân về"

Bình thơ "Chị ơi, xuân về" 
của Phạm Duy Tân 
Chị ơi, chim én về rồi
cành xuân gió lẩy,
bồi hồi
lạ chưa
biết rằng chị thưở ngày xưa
hài rơm, nhẫn cỏ
chạm vừa lòng nhau
đồng làng
em trước, chị sau
tập làm người lớn
buồng cau dạm nhà
ông mai bà mối như là
cô dâu chú rể
cuống ca, cuống cuồng
roi bà giục dặt tay luôn
lại đây
ai bẻ trộm buồng cau xanh
lệ tròn mắt chị long lanh
chân run em đứng chòng chành
dạ thưa
lắc đầu bà mắng
lạ chưa
hài rơm, nhẫn cỏ
ngày xưa
bây giờ
ngoài trời khóm trúc dăng tơ
nhìn chim én liệng
mấy bờ
rưng rưng...

PHẠM DUY TÂN

Chị ơi, chim én về rồi
cành xuân gió lẩy
bồi hồi
lạ chưa

Tôi đã đọc nhiều bài thơ xuân, với rất nhiều hình tượng của mùa xuân trong đó. Nhưng, khi đọc bài thơ này, tôi vẫn xúc động trước mùa xuân ở đây. Chỉ bằng hai câu thơ thôi với rất ít hình ảnh: một cánh én, một làn gió xuân, một cành xuân run nhẹ mà sao tôi đã thấy mùa xuân tràn trề, thấy như cả đất trời đang rạo rực, từng mầm cây, ngọn cỏ đang cựa mình, tách vỏ vươn lên. Tôi chợt thấy ùa về theo cánh én là làn gió xuân hây hẩy, nồng nàn, âm ấm để cho lòng chợt bồi hồi, mềm lại, mở ra cho kỷ niệm ùa về...
Ngày xưa... câu chuyện ngày xưa đẹp như cổ tích, trong suốt như pha lê:
Biết rằng chị thuở ngày xưa
hài rơm nhẫn cỏ
chạm vừa lòng nhau
Chị, hẳn chỉ mười ba, mười bốn tuổi
Em, chỉ độ mươi, mười hai tuổi

Em tự nguyện làm cái đuôi của Chị, lẽo đẽo theo Chị khắp đồng làng, ngõ xóm. Lứa tuổi thần tiên chưa bị vẩn đục bởi cuộc đời, cho "hài rơm, nhẫn cỏ" quí hơn hết thảy châu báu sau này. Đã mấy lần tôi thầm hỏi, vì sao tác giả lại dùng chữ "chạm" ở đây, nếu dùng chữ "cho" thì có phải đơn giản và dễ hiểu hơn không? Thường khi "chạm" là phải rất khẽ, rất nhẹ... Với "hài rơm nhẫn cỏ" phải chăng Chị và Em ở đây đã "chạm" được vào một miền ký ức thiêng liêng trong đời,"chạm" vào những rung động đầu đời,như "chạm" khẽ vào sợi tơ lòng mảnh nhất, để tiếng ngân trong vắt của nó cũng chẳng dễ nhận ra.
Để có một ngày... Chị và Em "tập làm người lớn", bẻ trộm buồng cau xanh của bà làm "ông mối, bà mai"
Họ còn trẻ quá, trong trắng quá nên khi bị bà bắt được, mới dứ dứ ngọn roi là Chị đã nước mắt lưng tròng. Ô kìa, sao đang là "ông mối, bà mai" mà lại hóa thành:

"cô dâu chú rể
cuống ca cuống cuồng"

Bắt quả tang hai chị em rồi nhé, chỉ giả vờ là "ông mối, bà mai" thôi, thực ra là muốn chơi trò "cô dâu chú rể" kia. Sự chuyển hướng này thật bất ngờ mà lại rất dễ thương.
Lệ tròn mắt chị long lanh
chân run em đứng chòng chành
dạ thưa

Em lúc này còn nhỏ nhưng đã tỏ ra có phong độ của đấng nam nhi. Trước "lệ tròn mắt chị long lanh" chỉ chực vỡ ra, òa xuống Em đã cố gồng lên, chòng chành trên đôi chân run rẩy để nhận về trách nhiệm cho mình, khiến cho bà cũng phải lắc đầu, chịu thua...
Lạ kỳ thay là mùa xuân, gió xuân, mưa xuân và những sợi tơ hồng giăng tơ trên khóm trúc. Ai xui xuân về để lòng Em bỗng rưng rưng nỗi nhớ... vẫn vẹn nguyên trong Em "hài rơm, nhẫn cỏ" để thầm thì Em gọi:
Chị ơi
chim én về rồi
cành xuân gió lẩy
bồi hồi
lạ chưa...

Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...