Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Đại đường thi ca - Thi tiên Lý Bạch

Đại đường thi ca - Thi tiên Lý Bạch
Lịch sử Trung Hoa 5.000 năm được hình thành bởi các triều đại, những dấu son chói lọi. Vào thời kỳ đỉnh cao triều đại nhà Đường, Trung Hoa được hưởng một nền thái bình thịnh trị trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tam giáo (Đạo Giáo, Phật Giáo, Nho Giáo) cũng phát triển cực thịnh. Tinh thần triều Đường như ánh mặt trời dẫn lối khai hóa nền văn minh sáng lạn, huy hoàng tráng lệ trong lịch sử Trung Hoa.
Đặc biệt thời kỳ này văn học và nghệ thuật được tôn vinh là “Tường Đường Khí Tương”, trong thi ca tiêu biểu là tác phẩm “Đường Thi” là bộ sách được biên soạn vào thời Hoàng đế Khang Hy triều đại nhà Thanh, là tác phẩm được tập hợp hơn 48.000 bài thơ, trong đó có 2.200 nhà thơ. Số lượng bài thơ, thể loại thơ cùng với nội hàm uyên bác của nó đã trở thành một đại hùng tinh chiếu sáng trong lịch sử văn chương Trung Hoa. Những bài thơ được sáng tác dưới thời nhà Đường không chỉ phong phú về số lượng, mà giá trị nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Thi tiên Lý Bạch (701- 762), một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời nhà Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Ông đã viết hơn cả ngàn bài thơ bất hủ.
Lý Bạch ở Lũng Tây, Cam Túc suốt thời thơ ấu, được mẹ dạy cho chữ Tây Vực, cha dạy cho Kinh Thi, Kinh Thư, đến 10 tuổi đã thông thạo và thích làm thơ. Gia đình giàu có, nên từ nhỏ Lý Bạch đã được ngao du sơn thủy cùng cha. Ông tỏ ra rất thích thú, chí hướng của ông sau này không phải quan trường, mà là thơ túi rượu bầu, thong dong tiêu du, tự tại. Đến năm 10 tuổi gia đình chuyển về huyện Chương Minh, Tứ Xuyên. Tại đây, Lý Bạch say mê học kiếm thuật, trong một thời gian ngắn, tài múa kiếm và tài thơ của ông được bộc lộ rõ rệt. 15 tuổi, ông đã có bài “Phú ngạo Tư Mã Tương Như, bài “Thư gửi Hàn Kinh Châu”, khá nổi tiếng. Lúc 16 tuổi danh tiếng đã nổi khắp Tứ Xuyên, khi trở nên nổi tiếng lúc đó ông lại có chí hướng khác, bèn lên núi Đái Thiên Sơn học đạo, bắt đầu cuộc đời ẩn sĩ và ngao du thiên hạ.
Sự nghiệp thơ ca của Lý Bạch
Tương truyền rằng Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ, nhưng làm xong bài nào rồi lại vứt bỏ bài đó, thơ của ông được biết tới là nhờ dân gian ghi chép lại, sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều. Năm 762, khi ông đã qua đời thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, chỉ còn lại không đến 1/10 so với số lượng dân gian truyền tụng. Đến năm 1080, Sung Minh Chiu người Cao Ly mới gom lại tập thơ của Lý Bạch, số lượng gồm 1.800 bài. Đến nay thì còn trên dưới 1.000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan…
Chúng ta cùng đọc một số bài để cảm nhận cái chất thơ trong Lý Bạch – một phong cách thơ tiêu biểu thời kỳ nhà Đường, một phong cách Thi Tiên.
Dưới đây là một số bài mà người viết nêu ra, do số lượng bài viết có giới hạn và cũng không thể phân tích và hiểu được hết cái hay trong đó, xin phép đề cập một số bài để người đọc cảm thụ:
1. “Vọng Lư Sơn bộc bố” - Xa ngắm thác núi Lư
Bài thơ cho thấy trí tưởng tượng phóng khoáng, khả năng quan sát rộng lớn, ý thơ vượt ra khoảng không bao la, ngôn từ hoa lệ, khí khái cao siêu. Bài “Xa ngắm thác núi Lư” của Thi Tiên Lý Bạch đã lưu lại muôn đời trong văn học về cái đẹp, hùng vĩ của một dòng thác khổng lồ kì bí.
Vọng Lư Sơn Bộc Bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên
Xa ngắm thác Hương Lô
Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây
2. “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi quảng lăng”- Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Đây là một trong những tuyệt tác về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt của Lý Bạch. Trong cuộc chia tay tiễn bạn lên đường tại lầu Hoàng Hạc. Đọc bài thơ thấy được cách sử dụng từ ngữ thanh cao, ý tứ nhẹ nhàng, thiên nhiên rộng lớn. Một bức tranh giữa thiên nhiên với lầu Hoàng Hạc, hoa khói huyền ảo, dòng sông, cánh buồm xa xa, đúng là khung cảnh vô cùng khoáng đạt, thủ pháp sử dụng cao siêu chỉ với 28 từ, tác giả đã vẽ nên bức tranh kiệt tác tại nhân gian.
Cấu trúc không gian xa – gần (cận – viễn), lấy ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm, ngôn ngữ trang nhã, gợi cảm, hàm xúc… đó là những yếu tố nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp văn chương và cốt cách của bài thơ này.
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa giang nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
Tại lầu Hoàng Hạc tiễn bạn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
3. “Tĩnh dạ tứ”- Cảm nghĩ đêm yên tĩnh
Trăng trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ của Lý Bạch. Vầng trăng đã đi vào trong những vần thơ tuyệt đẹp như: Nga Mi sơn nguyệt ca, Quan sơn nguyệt, Nguyệt hạ độc chước,…
Bài thơ miêu tả trong một đêm rất đẹp, trên trời ánh trăng tỏa sáng khắp nơi, một thứ ánh sáng lung linh huyền ảo. Với khung cảnh thiên nhiên ấy, trong Lý Bạch bỗng trào dâng, nhớ về nơi xa xôi, mênh mang, (Trăn trở trong đêm thanh vắng), một bài thơ mà không người Trung Quốc tha phương cầu thực nào không thuộc lòng.
Tĩnh dạ tứ
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sơn
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Cảm nghĩ đêm yên tĩnh
Đầu giường ánh trăng rọi
Mặt đất như phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương
4. “Há Giang Lăng” – Xuống Giang Lăng
Bài thơ miêu tả cảnh về Giang Lăng thời gian và không gian rất gần, nhưng tác giả lại miêu tả như ở một nơi rất xa xôi. Bài thơ còn cho ta thấy tâm thái nhẹ nhàng giữa muôn vàn sóng gió của tác giả “thuyền nhẹ lướt vạn trùng san” chỉ 4 câu mà bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đã hiện lên.
Há Giang Lăng
Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san
Xuống Giang Lăng 
Bạch thành một sớm mây giăng
Ngàn xa về tới Giang Lăng một ngày
Bên bờ vượn hú chẳng dứt
Con thuyền nhẹ đã lướt vạn trùng san
Những điều ông lưu lại cho hậu thế
Tư tưởng bậc Thi Tiên lưu lại muôn đời cho hậu thế, những tác phẩm của ông thể hiện được tinh thần khoáng đạt nội tâm rộng lớn, bao la, khí khái hùng hồn, thâm viễn, các tác phẩm siêu việt thời gian và đại biểu cho tinh thần thịnh Đường.
Các tác phẩm của ông thể hiện khí khái ung dung, thảnh thơi tự tại, đồng thời cũng thể hiện nỗi nhớ nhung, sầu muộn nhưng nó vẫn thể hiện sự thanh cao trong đó. Thơ của ông gắn liền với thiên nhiên, trăng, gió, rượu,… đồng thời cũng cho chúng ta thấy cảnh giới tư tưởng của nhà thơ dường như không còn vướng víu vào thế tục.
Thanh Phong
Theo http://trithucvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...