Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Cuộc hành trình thầm lặng trở về chơn tâm

Cuộc hành trình thầm lặng 
trở về chơn tâm  
Tôi có duyên được đọc thơ Trần Huiền Ân từ những sáng tác đầu tiên trên tạp chí Bách Khoa, tập thơ đầu tay THUYỀN GIẤY, cho đến những sáng tác đều đặn, những tập thơ vừa được xuất bản trong vài năm gần đây. Bên cạnh cái duyên thơ ấy, tôi cũng được có cái duyên quen biết, thân tình với anh (và cả gia đình) trong những năm tôi về dạy học tại Tuy Hòa, Phú Yên. Chính vì nhờ hai “trợ duyên” đặc biệt, thâm sâu ấy tôi rất hiểu anh và thơ anh… Bài thơ “Bài Hát Ngày Về” đã thực sự làm cho tôi thấy được cái mới, cái chuyển hóa tâm thức trong anh đang nẩy mầm, đang hướng về tâm linh, về bản chất hồn nhiên – về cái sinh hoạt nhiệm màu mà theo tư tưởng Đạo Phật gọi là “Phật Tánh”, và nhà Thiền gọi là “Bản lai diện mục” của chính mỗi con người, mà với cái tâm điên đảo, lăng xăng dính mắc… không thể hiểu và tìm thấy ra được.
Nhà thơ đã bắt đầu có giây phút (hay chỉ vài “sát na” thôi) nhìn lại nội tâm, nhìn lại “cái đích thực là mình, tuy rằng cái tâm (hay dòng sông dòng suối tâm linh) đã vì bao đổi thay, bao gian truân của cõi đời vô thường thiêu đốt gần khô cạn:
Ta ngồi lại soi xuống dòng suối rách
Vốc nước lên kỳ cọ mặt mày.

Đúng là anh đã có giây phút tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được. Có ai trong chúng ta có giây phút nhìn lại tận cội nguồn của chính tâm ta, để tự xét, tự hỏi một cách trung thực, nhi nhiên như thế chăng? Kỳ cọ mặt mình cũng chính là kỳ cọ Tâm mình.
Anh cũng đã nhận ra - sau khi cái Tâm đang dần trở lại trong sáng qua sát na “đốn ngộ” tự tâm: Rằng đời người là quá ngắn ngủi, trăm năm ở cõi ta bà cũng chỉ như “mộng, huyễn, bào, ảnh”; con người ghé đến cõi trần với hai tay trắng và lúc trở về với hư vô, cũng chỉ có từng ấy mà thôi!. Đó là “Tánh KHÔNG” - sắc tức thị không - tư tuởng cốt lõi của Phật giáo.
Tôi cho giây phút chánh niệm ấy vô cùng quý báu bởi vì, tu sĩ quên cả đời học tập kinh sách, qua bao giới luật khổ hạnh, cũng chỉ mong “tự chứng” được như thế: Lòng từ bi chân chánh cũng bắt nguồn từ đó mà phát sinh.
Bắt nguồn từ cái “thức tỉnh” (hay nói theo Đạo Phật là giác ngộ ban đầu) nhà thơ đã ngược dòng thời gian (thời gian của tâm linh) để tự vấn lòng mình:
Giá như người xưa … gác gươm sườn đá
Tháo đôi giày cỏ thả trôi
Cởi áo vắt vai cười ha hả
Vời trông bốn hướng đất trời…
Lại có chút lòng tự sám hối: “giá như người xưa”. Nếu “người xưa” (một hình ảnh phân thân của tác giả ở quá khứ) sớm tỉnh giác, sớm hiểu ra cõi đời là “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn”, là “vô thường và vô ngã”, tất cả pháp hữu vi đều giả tạm (Kinh Kim Cang Bát Nhã: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Kinh Đại Thừa Kim Cang: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc, như điện”), thì đã sớm trở về với cội nguồn trong sáng, an tịnh của Tâm mình rồi. Đã “cởi áo vắt vai… vời trông bốn hướng…”.
Nhưng thực tế thì không được như vậy. Hay nói theo triết lý nhà Phật thì nhà thơ đã bị “bức màn vô minh từ muôn ngàn kiếp” che phủ… Rồi phải tranh giành, bon chen, được mất, thành bại… Cuối cùng, khi chợt tỉnh “giấc mộng Nam Kha” ấy thì “Ta một kẻ hèn”. Ý chữ “kẻ hèn” ở đây phải được hiểu : Ta đã mù quáng vì vô minh, tham ái, sân si, nên không hiểu ra được cái Tâm thanh tịnh bản nhiên, hằng có, hằng sáng trong ta đã bao lâu, để không xứng đáng với “con người đích thực” giống như gã cùng tử con nhà giàu sang quyền quý đã “quên hạt châu vô giá trong thân” để đi lang thang sống đói khổ trong “Phẩm Thí Du” của “Kinh Pháp Hoa” vậy.
Ta, một kẻ hèn – kẻ hèn đời mới
Hèn, không đáng mặt kẻ hèn
Đức bạc tài sơ, bảy chìm ba nổi
Sao còn vất vả đua chen?
Tôi đã rất kinh ngạc (và thích thú) khi được nghe lời tâm sự (cũng là lời tự thú, lời sám hối) quá đỗi khe khắt, nghiêm túc, tận cùng nỗi “tỉnh thức” của nhà thơ. Đúng như lời các vị Thiền sư đã từng nói: “Có giác mới có ngộ”. Không giác thì chẳng bao giờ ngộ được. Ấy là lẽ huyền nhiệm không thể lấy lời lẽ, ngôn từ mà bàn luận vậy ! Có thể gọi đó là “Trí tuệ vô lậu”.
Sau giây phút “phản tỉnh” với tâm mình một cách rất trung thực, rất can đảm (vì không phải ai cũng dễ làm), nhà thơ đã lóe sáng niềm vui, niềm an lạc – có thể gọi đó là nguồn “Pháp hỉ” (nhờ hiểu –giác ngộ Phật pháp mà có niềm an vui, hạnh phúc).
Dãy đồi bên kia là lau là cỏ
Có cây đa già tỏa mát trăm năm.
Kinh Phật có dạy: “Biển khổ mênh mông, quay đầu là bến”. Bên này là vô minh, bên kia là giác ngộ. Chỉ biết hướng về, quay lại – hay vượt qua “bên kia đồi” là sẽ có an vui, thanh tịnh; sẽ không còn quay lăn trong sinh tử luân hồi, không còn “hơn, thua, được, mất”, không còn có khổ đau, phiền não do tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến quấy nhiễu …
Ở đây, qua đến giai đoạn tâm thức đã có chút lóe sáng, chút thanh tịnh hồn nhiên, mà nhà thơ vẫn hãy còn bị ray rứt, áy náy, hoang mang về “cái nghiệp” cũ của mình một cách hết sức đáng trân trọng:
Giá như người xưa … cùng bầy trẻ nhỏ
(Mặc áo Huyền Đoan đội mũ Chương Phủ)
Múa ca vui với trăng rằm.
Nếu như (lại nếu như) thuở xưa sớm tỉnh giác, sớm hiểu “tất cả các hành đều vô thường và khổ đau” (Kinh Pháp cú), mặc áo Thiền, đội mũ Lão Trang vui với thiên nhiên, hoa lá, với “ánh trăng rằm” tròn đầy chưa từng thiếu mất của Phật Tánh, thì đâu có nỗi trầm luân, đâu còn sinh tử luân hồi nữa? Hình tượng “Trăng Rằm” trong từ ngữ Phật giáo Đức Phật thường chỉ cho “bản tâm, chơn như” của mỗi con người. Vui với cái “chơn như” hằng hữu trong sáng, tròn đầy ấy – thì có niềm vui nào lớn hơn đâu?
Lại có sự soi xét, nhìn lại thấu đáo từ chính con người mình, chính sinh hoạt tâm linh đã từng dính mắc, nhiễm ô với danh lợi bấy lâu, để tuổi già gần kề, sự vô thường biến đổi đang tiến đến hủy diệt thân tâm, mới chợt biết:
Ta còn gì chăng? Trái tim nguội lạnh
Ta còn gì chăng? Khối óc rỗng không
Tầm mắt yếu không đủ nhìn cuối dặm
Đâu bóng con trâu nhòa nhạt giữa đồng?
Cái “có” và cái “không” ở đây phải hiểu là có phước đức, trí huệ, và không có phước đức, trí huệ ; chứ chẳng phải là sự “có không” thường tình (được tính theo tiền bạc, tài sản, địa vị …). Đây là một cách “phản quan tự kỷ” nghiêm khắc thấu đạt tôn chỉ Thiền. Tự nhận mình là “đức mỏng tài hèn” hay “không có gì cả”, lời thơ tuy có hơi cường điệu (mà tính chất cuả thi ca là vậy) nhưng cho người đọc biết, nhà thơ đã có giây phút trực nhận của “trí huệ vô lậu”, đã theo cách nhìn của Đạo Phật, là nhà thơ đã “có” từ cái “không” rồi vậy!
Hình ảnh “bóng con trâu” đã nói lên rõ nét sự quay lại, trở về, tìm kiếm chân tâm bị phủ lấp, lu mờ, nhưng buồn tiếc thay – nhà thơ đã phân vân chưa thấu rõ “đâu bóng con trâu nhòa nhạt giữa đồng”. Trong nhà Thiền, người tu Phật (hay chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo) đều phải biết mười bức tranh tu Thiền nổi tiếng “thập mục ngưu đồ”. Kẻ chăn trâu (là chính ta) đi tìm trâu, chăn giữ trâu, hàng phục trâu và đồng nhất với trâu (Tâm) là con đường đi đến giải thoát, an lạc, mà có lẽ tất cả chúng sanh đều ao ước. Tuổi đã về già, sức yếu, mắt mờ… nhà thơ đâu tìm thấy “bóng trâu” rõ ràng nữa để mà chăn giữ, hàng phục, hòa nhập với bản tâm thanh tịnh? Đây là một biểu tỏ thâm tình, chân thực nhìn nhận sự bất lực của chính mình, chứ không khoa trương, lộng ngôn, tự cho là mình đã chứng đạt.
Đoạn cuối bài thơ làm sáng tỏ lên tâm từ, tâm bao dung, tâm hỉ xả - đây chính là cái còn lại quý báu của con người: “Sợ lưỡi rìu làm chảy máu thân cây”. Tuy nhà thơ không còn gì, có gì, nhưng quả thật anh đã có cái rất lớn, đó là tấm lòng yêu thương bao la đến muôn loài, ngay cả với cỏ cây :
Mặt sạm da mồi tóc râu đã bạc
Ta trở về quê lỡ thợ lỡ thầy
Muốn theo Lão Tiều non Du hái củi
Sợ lưỡi rìu làm chảy máu thân cây…
Chúng ta đã hiểu nhà thơ muốn tâm sự điều này: “Đối với cỏ cây xưa nay được coi là vô tri vô giác, nhưng đã không nỡ “làm chảy máu” chúng – thì với cõi đời, với mọi người, làm sao anh không yêu thương, gắn bó, kiến tạo chúng cho tốt đẹp, để tất cả đều được hạnh phúc, an vui?”. Quan yếu là ở cái Tâm từ bi chân chính ấy, chứ không phải ở những khoa trương, thủ đoạn, gian dối để mãi trôi nổi trong sinh tử khổ đau muôn ngàn kiếp.
Tuy vẫn hiểu rằng từ thơ ca đến đời sống thực là một quãng đường dài, có nhiều đổi thay cách trở - nhưng qua cái phút giây tự vấn, tự soi lại tâm mình của nhà thơ cho ta một niềm tin yêu, rằng anh còn có những thời khắc can đảm, tỉnh giác như trên trong cuộc đời để rèn luyện tâm mình theo dõi từng bước chân tìm về với chơn tâm, sống trong cuộc đời vô thường ngắn ngủi nhưng vẫn phải làm được đôi điều có ích cho số đông, cho quê nhà…
Bài thơ thắm đượm sâu sắc tư tưởng Phật giáo, có chút âm hưởng của Lão Trang, là một sự hòa điệu rất vi tế, như cùng một dòng sông. Tóm lại ”Bài Hát Ngày Về“ của Trần Huiền Ân đã cho ta có được giây phút quý báu, để có thể tự nhìn lại đời mình, cõi tâm luôn luôn giao động của mình, để sống cho hữu ích một kiếp người vậy.
BÀI HÁT NGÀY VỀ
Ta ngồi lại soi xuống dòng suối rách
Vốc nước lên kỳ cọ mặt mày
Hồi ta ra đi hai bàn tay trắng
Giờ ta trở về trắng hai bàn tay
Giá như người xưa…gác gươm sườn đá
Tháo đôi giày cỏ thả trôi
Cởi áo vắt vai cười ha hả
Vời trông bốn hướng đất trời
Ta, một kẻ hèn – kẻ hèn đời mới
Hèn, không đáng mặt kẻ hèn
Đức bạc tài sơ, bảy chìm ba nổi
Sao còn vất vả đua chen?
Dãy đồi bên kia là lau là cỏ
Có cây đa già tỏa mát trăm năm
Giá như người xưa … cùng bầy trẻ nhỏ
(Mặc áo Huyền Đoan đội mũ Chương Phủ)
Múa ca vui với trăng rằm
Ta còn gì chăng? Trái tim nguội lạnh
Ta còn gì chăng? Khối óc rỗng không
Tầm mắt yếu không đủ nhìn cuối dặm
Đâu bóng con trâu nhòa nhạt giữa đồng
Mặt sạm da mồi tóc râu ngã bạc
Ta trở về quê lỡ thợ lỡ thầy
Muốn theo Lão Tiều non Du hái củi
Sợ lưỡi rìu làm chảy máu thân cây
TRẦN HUIỀN ÂN
Quê nhà, đầu tháng 3.2000
Mang Viên Long
Theo http://www.newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...