Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Bướm bay vườn cải hoa vàng

Bướm bay vườn cải hoa vàng
Mười năm vườn xưa xanh tốt
hai mươi năm nắng dọi lều tranh
mẹ tôi gọi tôi về
bên bếp nước rửa chân
hơ tay trên bếp lửa hồng
đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.
tôi không bao giờ khôn lớn
kể gì mươi năm, hai mươi năm, ba mươi năm
mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã
trong khu vườn cải hoa vàng
mẹ và em còn đó
gió chiều như hơi thở
mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?

gió mang tiếng ca; ngày ra đi em dặn: “nếu ngày về thấy khung trời đổ nats, thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh”
tôi đã về. (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa,
hỏi rằng: “có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?”
gió thì thầm: em nên hát ca
bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
hãy là đoá hoa, hãy là nụ cười,
hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?
hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
tôi tìm em. (như đêm giông tố loạn cuồng
rừng sâu đen tối
những cành cây sờ soạng
đợi anh chớp loè ngắn ngủi
thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu,
hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
tôi đứng đây. chúng ta không cần khởi hành
quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ,
xin đừng ai xâm phạm-tôi vẫn còn hát ca.
đầu còn gối trên thánh kinh, sáng nay tôi nghe xôn
xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con
ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng
công trình xây dựng ngàn đời.
nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có
mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.
tóc mẹ tôi còn xanh, và dài chấm gót
áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu
nắng sớm mùa thu
tôi ở đây. chính thực vườn xưa
những cây ổi trái chín thơm
những lá bàng khô thắm
đẹp
rụng
còn chạy chơi la cà trên sân gạch
tiếng hát vẳng bên song
những gánh rơm thơm vàng óng ả
trăng lên, quây quần trước ngõ
vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.
tôi không ngủ mơ đâu,
ngày hôm nay đẹp lắm, thực mà
em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,
đến đây,
khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm, trong
ai nói cho em nghe rằng thượng đế đã bằng lòng
cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác
cùng người?
chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp
khổ đau vì không tự biết là lá là hoa
em hát ca đi, bông cúc cười theo em bên hàng dậu,
đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát
những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
để cho chúng tôi hát ca, để cho chúng tôi là những
đoá hoa, chúng tôi đang ở trong cuộc đời –
mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.
bàn tay cũng là hoa, đừng biến bàn tay em tôi thành giây chằng
thành khớp răng cưa
thành móc sắt
hiện hữu không kêu gọi tình thương.
hiện hữu không cần ai phải thương ai
nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính
xin ghi vào đây một tân ước  nữa của tất cả chúng ta
và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng
em về, đưa mẹ về cho tôi thăm
cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc mẹ.
Theo tác giả, đây là một trong những bài thơ vui nhất của thầy. Thầy đã viết bài này tại Nữu Ước, sau ngày 1.11.1963. Tôi còn nhớ một buổi sáng chủ nhật trên đồi Dương Xuân Thượng trước chùa Từ Hiếu thầy đã đọc bài này cho một nhóm sinh viên Đại Học Huế lên thăm. Hôm ấy tôi cũng có mặt, bởi vì hồi đó tôi phải ra dạy ở trường Khoa Học, gần cầu Trường Tiền, mỗi tháng bảy ngày. Tôi nghĩ không nên nói động đến nội dung bài này vì không cần thiết. Tôi chỉ nhớ là thầy Đức Nhuận đã nói rằng thầy không ưa bài này lắm bởi vì trong bài có xen mấy danh từ Cơ Đốc như đầu còn gối trên Thánh kinh và ai đã nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người? Riêng tôi thì tôi thấy hình ảnh một ông thầy tu Phật giáo cầm đọc Phúc Âm là một hình ảnh đẹp. Thầy nói thầy đã từng giảng những đoạn trong Cựu Ước  và Tân Ước  cho nhiều sinh viên Công Giáo và Tin Lành theo cái nhìn của một người thầy tu đạo Phật như thầy và họ rất ưa thích cái nhìn mới mẻ tươi mát của thầy. Rất tiếc là mấy năm gần đây tôi không có dịp thuật cho thầy Đức Nhuận nghe là tôi đã từng hát mừng Phật đản hàng trăm lần trong các thánh đường Tin Lành và công Giáo. Cũng xin bạn đọc lưu ý tới hai câu sau đây gần cuối bài thơ, trong đó lại có danh từ Tân Ước:
"Xin ghi vào đây một Tân Ước nữa của tất cả chúng ta
và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng"
Bài này được in lần đầu trên báo Hải Triều Âm số 12 ra ngày 9.07.1964.
Nhất Hạnh 
 Theo http://langmai.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...