Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Nghĩ về ngôi trường trăm tuổi

Nghĩ về ngôi trường trăm tuổi
Kỷ niệm 100 năm trường Nam tiểu học Cần Thơ
1. Vào những năm đầu thế kỷ XIX, vùng đất Trấn Giang đã được “Gia Định thành thông chí” nhắc đến như là một trong những trung tâm thương mại phồn thịnh nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu. Địa danh Tân An, Thới Bình đã có rất sớm ngay trong buổi đầu khai hoang mở đất. Trong thời điểm này, giao thông chủ yếu vẫn là hệ thống sông rạch thiên nhiên “nhiều như mạng nhện”, dẫn đến việc hình thành hệ thống làng xã dọc theo các con sông với những xóm ấp, chợ búa, đình chùa,… mang nét riêng  của văn hóa miền sông nước.
Với những người lưu dân sống đời “gạo chợ nước sông” như thế, phải đấu tranh với thiên nhiên để tìm cái sống, nên buổi đầu - không chỉ Trấn Giang - mà cả vùng Nam Bộ, người dân ít chú trọng đến việc học hành, thi cử. Cộng đồng dân cư ở Trấn Giang bao gồm: một bộ phận là binh lính và gia đình của quân binh Hà Tiên, Rạch Giá và một bộ phận là những lưu dân từ miền ngoài vào, từ miền Đông xuống. Vì thế, những dấu vết văn hóa truyền thống từ miền ngoài còn được lưu giữ trong tập tục thờ cúng của nhiều địa phương trong vùng. Nhưng qua năm tháng, ý thức hệ Nho giáo cùng với những chế định về văn hóa- giáo dục, những quy tắc về đạo đức và chuẩn mực ứng xử ngày càng phát triển. Nói như thế, việc giáo dục ở phương Nam vẫn theo khuôn mẫu cửa Khổng sân Trình như ở miền Trung, miền Bắc. Những bậc trí thức khai khoa làm vinh dự cho vùng đất lầy, đất đứng như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan văn Trị,.. đã góp mặt vào giới khoa bảng dân tộc bằng tài năng và nhân cách mang đậm “sĩ khí miền Nam”.
Nhưng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội ở Nam Kỳ lục tỉnh. Thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông theo hòa ước nhượng bộ của triều đình Huế năm 1862. Ngày 20, 22 và 24 tháng 6-1867, thực dân Pháp đã vi phạm hòa ước 1862, chiếm 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Ngày 1-1-1868, Thống đốc Nam Kỳ Bonard quyết định sáp nhập huyện Phong Phú (Trấn Giang - Cần Thơ) với Bãi Sào (Sóc Trăng) đặt thành quận, lập tòa bố tại Sa Đéc.
Ngày 30-4-1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập Phong Phú với Bắc Tràng (một vùng thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long) lập thành một hạt, đặt tòa bố tại Trà Ôn. Một năm sau, tòa bố Trà Ôn lại dời về Cái Răng (Cần Thơ).
Ngày 23-2-1876, Soái phủ Sài Gòn ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ (Arrondissement de Cantho) với thủ phủ là Cần Thơ (làng Tân An, huyện trị của huyện Phong Phú cũ). Năm 1889, Pháp đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi thành quận.
Như vậy, từ năm 1876 đến năm 1954, Cần Thơ - một phần đất của Nam Kỳ lục tỉnh - nằm trong sự cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Khi đã tạm ổn định về an ninh, chính quyền xâm lược tiến hành việc khai thác thuộc địa: không chỉ tiềm năng kinh tế mà còn cả chất xám của người dân bản xứ. Trong chiều hướng đó, tại các địa phương nhiều trường học đã được người Pháp lập ra.
2. Nói đến các trường học ra đời tại Cần Thơ, ta thường nghĩ tới trường College de Can tho, nay là trường THPT Châu văn Liêm được xây dựng từ năm 1917. Thực ra, có những ngôi trường ra đời còn sớm hơn cả trường Trung học Cần Thơ. Đó là trường Tiểu học Phong Phú (nay là trường Tiểu học Trần Hưng Đạo) có mặt đã 101 năm! Và trong thành phố Cần Thơ, trường NamTiểu học (nay là trường Tiểu học Mạc Đỉnh Chi) vừa tròn trăm tuổi.
Trường Tiểu học Mạc Đỉnh Chi được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây đúng 100 năm (1913-2013). Nó ra đời trước trường College de Cantho  (nay là Trung học phổ thông Châu Văn Liêm) đúng 4 năm. Trường tọa lạc trong địa phận làng Tân An, nay thuộc phường An Hội - Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, là một trong những ngôi trường nội ô lâu đời nhất của thành phố Cần Thơ và cả miền Tây sông Hậu.
Trường gồm 3 khu vực, địa giới ban đầu gần bên nhau với tổng diện tích 6750m2.
Khu vực chính (Khu A - vị trí của trường tiểu học Mạc Đỉnh Chi hiện nay) xây dựng năm 1913, diện tích rộng 4560,9m2, nằm giữa 4 con đường chính. Mặt chính của trường hiện nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đường Phan Thanh Giản cũ), bên trái là đường Trương Định, bên phải là đường Võ Thị Sáu (trước là đường Pasteur), phía sau của trường là đường Ngô Hữu Hạnh (trước đây là đường Trịnh Tấn Truyện). Vị trí này rất thuận lợi cho việc đi lại học hành của học sinh và cả việc đưa rước con em của các bậc phụ huynh.
Khu B: Trước còn gọi là trường Võ Tánh xây dựng năm 1948 (nay là Trung tâm GDTX – KTTHHN TP. Cần Thơ tọa lạc ở góc đường Trương Định – Xô Viết Nghệ Tĩnh).
Khu C: (tức là Mẫu giáo An Hội) xây dựng năm 1949,  hiện nay không còn sử dụng.
100 năm qua, những thế hệ học sinh đã lớn lên từ mái trường này luôn làm rạng danh nhà trường bởi thành tích học tập, rèn luyện của mình. Nhiều học  sinh thành đạt ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm việc ở mọi nơi của Tổ quốc. Nhiều cựu học sinh có học hàm, học vị cao, nhiều học sinh giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp thành phố, cấp quận, các tổ chức , đoàn thể, quân đội… Nói không quá lời, hầu như những nam công dân cư ngụ trên  địa bàn trung tâm thành phố, từ những năm 13 của thế kỷ trước, đều bước chân qua cổng trường Nam tiểu học với bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu. Sức lan tỏa của ngôi trường không chỉ ở địa phương Cần Thơ, mà nó còn đi theo bước chân những học sinh ngày nào đến mọi miền Tổ quốc để cùng nhân dân góp sức dựng xây, bảo vệ quê hương bằng tri thức, bằng cả tuổi thanh xuân đã một thời được sự dạy dỗ của bao bậc ân sư đất Cần Thơ cây lành trái ngọt.
2. Khi tôi đến Cần Thơ thì đã trưởng thành và cũng qua rất lâu thời học trò tiểu học. Chính vì thế, tôi  không có được vinh dự là học sinh của ngôi trường tuổi tròn thế kỷ. Nhưng không biết bao nhiêu lần, tôi đứng tần ngần trước những dãy phòng học cũ kỹ, nằm lặng lẽ dưới những cây cong rợp bóng ban trưa, hay những đêm mưa, ánh đèn từ bên ngoài đường Phan Thanh Giản hắt ánh sáng vàng vọt vào khoảng sân trường ngập nước. Sao mà trường Nam Tiểu học Cần Thơ giống vô cùng trường Tiểu học Tân Thạch ở quê tôi, vùng đất Bến Tre trong những năm mịt mờ khói lửa. Rồi lại  nhớ lan man đến Thầy cô, những người gần gũi biết bao với đám học trò quê áo quần không lành lặn, mỗi sáng ôm chiếc cặp đan bằng đệm, lội qua mấy đoạn đường ngập nước, qua mấy chiếc cầu gãy nát vì bom đạn, rồi lại tiếp tục qua “mấy gian đồng” mắt đã mờ vì bụng đói đường xa mà ngôi trường vẫn còn xa thăm thẳm!...
Có lẽ vì thế mà tôi quý trọng biết bao những thầy cô dạy tại trường Nam tiểu học Cần Thơ. Có thầy về sau chuyển sang làm Giám thị tại trường Phan Thanh Giản, rất được học trò kính nể vì đức độ, nhân cách, nhất là việc đối xử với học sinh bằng cả tấm lòng nhân ái. Quý Thầy Cô ngày nào kiên trì tận tụy với nghề, giờ đây hầu hết đã bước vào cõi trường sinh. Một trăm năm đi qua đã có biết bao thế hệ Thầy Cô nối bước để viết tiếp những trang đời. Và... bao lớp học trò lớn lên, rời khỏi ngôi trường thân yêu bước xuống cuộc đời, sao khỏi bồi hồi khi nhớ về những tháng ngày thơ ấu?
Qua tuổi sáu mươi, mỗi sáng tôi lại đến trường Nam tiểu học ngày nào với một công việc khác hơn: đưa cháu vào lớp học. Ngôi trường đã hoàn toàn thay đổi với những dãy lầu cao, những phòng học khang trang, làm ta hơi hụt hẫng. Nhưng trên sân trường như vẫn còn đọng lại chút hồn xưa. Đứng bên này nhìn qua cánh cổng, tôi vẫn còn thấy được bên kia là mái ngói cổ kính rêu phong, là dãy lầu với khung cửa sổ lá sách quen thuộc của trường trung học Cần Thơ. Đây cũng là nơi tôi từng đứng hơn 40 năm trước. Từ điểm “định vị” này, tôi đã quyết tâm tiếp bước thầy cô. Khi tóc bắt đầu nhuốm bạc, khi bỏ lại hết ảo vọng phù hoa, ta mới thực sự trải lòng ngược dòng kỷ niệm và trong phút giây chợt thấy mình trở lại tuổi hai mươi!
Phía sau tôi, tiếng cười đùa của các học sinh như tiếng chim ríu rít gọi bình minh. Trong vô cùng những âm thanh rộn rã đó, chắc chắn có sự góp phần của đứa cháu ngoại thân yêu, cũng là một kỳ vọng của riêng tôi cho một tương lai rực nắng. Và có lẽ, cũng là cách tôi đền ơn bao nhiêu bậc ân sư dù không trực tiếp dạy mình nhưng đã cho tôi những bài học sâu xa về cuộc sống thanh cao, về điều không gì so sánh được trong trái tim thấm đẫm chất nhân văn mãi rạng ngời trước bao biến động của thời gian.
Thành phố Cần Thơ đang bước vào những ngày cuối năm. Chút nắng lên cho đất trời thêm rạng rỡ. Và càng đẹp biết bao, ngôi trường bước qua tuổi đời tròn thế kỷ mà vạn tấm lòng vẫn phơi phới mùa xuân!.
LÊ TRÚC KHANH
Theo http://www.ptgdtdusa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...