Những bộ trang phục truyền thống, những tà áo dài thướt tha,
tiếng gọi thân thương “người Tràng An” như đã chìm vào quên lãng. Hà
Nội xưa có quay trở lại?
Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới 36 phố phường và 5 cửa ô với những
dấu tích của thời gian và quá khứ. Đó là hình ảnh của những mái đình làng ngói
đỏ nâu, những ngôi nhà cổ kính, những chiếc xe xích lô chầm chậm lăn bánh trên
đường, những tà áo dài thướt tha, tiếng chuông chùa Trấn Vũ trong buổi sáng
tinh mơ, hay làn sương giữa Hồ Tây nhẹ nhàng mờ ảo. Cảnh sắc thiên nhiên và con
người Hà Nội hòa vào nhau tạo nên nét thơ mộng của thủ đô nghìn năm văn hiến.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”
Thanh lịch là bản sắc Hà Nội xưa. Nó là vẻ đẹp của phong cách
sống, từ lời ăn, tiếng nói, cách sinh hoạt cho đến phép giao tiếp, ứng xử giữa
người với người. Luôn tinh tế, sâu sắc, lịch lãm có lẽ là nét đặc trưng riêng của
người Hà Nội.
(Ảnh minh họa: btrip.vn)
Thăng Long - Hà Nội là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của
nhân tài, của các ngành nghề, của giao thương buôn bán, của văn hóa các vùng miền.
Người dân khắp mọi nơi tới kinh đô, mang theo tinh hoa văn hóa của quê hương
mình, góp phần làm phong phú bản sắc cho Hà Nội.
Người Hà Nội lịch sự trong cách ăn mặc. Trang phục, trang sức
gọn gàng, trang nhã, tề chỉnh, cách tân tinh tế, lộng lẫy, kiêu sa. Họ thích
sang trọng, thích đổi mốt làm đẹp cho mình, cho phố phường nhưng không cầu kỳ,
khoe khoang.
Con gái Hà Nội giữ phẩm giá của người phụ nữ xưa, “công,
dung, ngôn, hạnh”. Tính cách của người phụ nữ e lệ, dịu dàng, ý tứ, khoan thai.
Từ dáng đứng, bước đi, nụ cười, ánh mắt. Con gái Hà Nội thân mật nhưng không
sàm sỡ, tế nhị mà không gò bó, biết chú trọng nét đẹp bên trong.
Hình ảnh người con gái Hà Nội in đậm trong ký ức với những tà
áo dài thướt tha trên phố, đi trên những con đường mùa thu rợp lá vàng, hay đứng
bên những chiếc xe xích lô, xe đạp mộc mạc mà thân quen, không ồn ào náo nhiệt
và thật yên bình.
Hà Nội ngày nay như thế nào? Hà Nội hiện đại không còn những
bộ trang phục truyền thống, mà thay vào đó là những mẫu mốt của các ngôi sao mới
nổi, phá cách và tiết kiệm vải. Nét dịu dàng xưa cũng bị thay thế bằng sự mạnh
dạn, suồng sã, xô bồ.
Những tà áo dài thướt tha, tiếng gọi thân thương “người
Tràng An” như đã chìm vào quên lãng.
(Ảnh minh họa: agrimark.org)
Người Hà Nội xưa coi trọng gia đình, truyền thống gia phong,
lễ nghĩa, quy tắc ứng xử. Cha mẹ, ông bà luôn chú trọng dạy con cháu những lễ
nghi cơ bản và những phong tục của người xưa. Các thế hệ luôn gắn bó và được
tôn trọng.
Tình xóm làng Hà Nội xưa thân thiện, tối lửa tắt đèn, luôn
quan tâm tới nhau, chào hỏi nhau thân mật, tạo nên nếp văn hóa láng giềng. Các
cụ già thường rủ nhau đi thể dục, đánh cờ, viết thư pháp, chơi hoa, nuôi chim,
v.v.
Hà Nội ngày nay ai biết người đó, nhà nào biết nhà đó. Chủ
nghĩa cá nhân, thực dụng khiến con người dần trở nên vô cảm trước những gì diễn
ra trong xã hộị. Quan niệm cá nhân và cái tôi lên ngôi, không liên quan đến
mình thì thờ ơ, không phải việc của mình, thì đều không cần biết.
Điều gì đã tạo nên những con người chỉ biết lo cho mình? Mất
đâu rồi những lời chào hỏi thân tình giữa các gia đình chung vách? Một lời hỏi
thăm chân thành lại quá xa xôi giữa cái xã hội ồn ào náo nhiệt của thời kỳ kinh
tế thị trường.
Người Hà Nội xưa dùng ngôn ngữ chuẩn xác, thanh âm mẫu mực,
không quen những từ thô tục, sỗ sàng. Họ biết nhún mình, tôn trọng người khác,
mềm mỏng mà không đưa đẩy, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm
cao, biết “lựa lời mà nói”, nhẹ nhàng chân thành, và thân mật.
(Ảnh minh họa: vietq.vn)
Người Hà Nội sành ăn uống, nâng cách ăn, cách nấu thành nghệ
thuật ẩm thực. Món ăn mặn, ngọt, chua, cay đều vừa độ, gia vị đầy đủ, nước chấm,
nước canh khéo chế. Bữa ăn ngon từ cách xếp mâm, bày đĩa, lên cỗ. Vào mâm, họ
biết trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn,
thong thả.
Hà Nội hiện đại không còn tế nhị như xưa, thay vào đó là những
lời thô tục, cợt nhả, quát mắng, ăn uống tùy tiện, mất đi cái nét khoan thai của
ngày nào.
Hà Nội xưa bao giờ quay trở lại?
Dẫu cuộc sống có vội vã, bon chen thì người Hà Nội vẫn nên
gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch ngàn đời. Và dù xã hội có phát triển đến đâu đi
chăng nữa, dù có phải là người dân đất kinh kỳ hay không, thì chúng ta hãy luôn
giữ lấy nét văn hóa đáng trân trọng ấy, giữ lấy những gì giản dị, mộc mạc, chân
thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét