Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Những nẻo đường mùa xuân

Những nẻo đường mùa xuân
1. Mùa hè năm 1965, tôi về thăm quê người bạn học ở Mái Dầm trên một chuyến tàu xuôi dòng sông Hậu. Ở quê tôi “chiếc tàu” nhỏ bé thế này chỉ được gọi là “đò máy” và  rất ngại  mỗi lần ngược sóng sông Tiền trong mùa gió chướng. Tàu nhỏ, dòng sông cuồn cuộn phù sa, lại thêm đất trời trắng xóa một màn mưa, nên trong lòng không chút nào yên. Tôi ngồi nhấp nhổm trên băng gỗ phía trước, mắt cứ ngóng về phía tay phải dòng sông. Theo lời bạn tôi, khi nào nhìn thấy cột ống khói lò gạch, cũng có nghĩa là tới Mái Dầm. Một tiếng-rồi hai tiếng trôi qua. Dòng sông dậy sóng, hàng đàn lục bình trôi tăm tắp,  xuôi về đâu mà hối hả như một cuộc đuổi bắt không có điểm dừng chân? Lẫn trong tiếng máy, trong tiếng sóng vỗ vào mạn tàu, tôi còn nghe được cả âm thanh của những tràng đại liên vang lên đâu đó trên bờ. Thời chiến, hình như mọi người cũng ít nói hơn. Nụ cười trẻ thơ cũng tắt hẳn trên môi. Cái cảm giác phập phồng lo sợ như một ám ảnh không rời.
Khi mọi người trên tàu reo mừng, tôi nhìn qua cửa sổ, thấy trước mắt mình là cột ống khói xây bằng gạch thức thật cao đang thả từng ngụm khói lên bầu trời tháng năm bây giờ sau cơn mưa đầu mùa đã  trong vắt gờn gợn mấy làn mây trắng. Bất chợt, nhìn trên bến, dọc theo bờ sông, những cánh bằng lăng nở tím đung đưa trong gió. Bao nhiêu lo lắng, băn khoăn bất chợt tan biến để trải lòng ra hòa nhập cùng đất trời vô tận:
Em Mái Dầm sông xa lớp lớp
Bằng lăng mọc tím lối lên trời
Khói tàu bay trắng vàm kinh nhỏ
Đôi mắt em - màu xanh biển khơi…
Chút lãng mạn thời học trò được gửi qua mấy dòng thơ. Yêu dòng sông Hậu cuồn cuộn phù sa, yêu bến nước phủ sắc tím bằng lăng, nhưng không khỏi ngán ngẫm vì chuyến hành trình hơn ba tiếng đồng hồ trong khi khoảng cách giữa bến Ninh Kiều và Mái Dầm chỉ trên dưới mười cây số! Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà bao nhiêu khách đi tàu buổi ấy, vẫn thầm mong có một con đường nối liền phố thị với vùng quê. Những ước mơ này sớm chìm trong lửa đạn. Thời chiến, sinh mạng con người mong manh, nói chi là đắp bồi, xây dựng? Năm tháng dần qua, chiến tranh kết thúc. Bao nhiêu gia đình trở về chốn cũ. Buổi đầu còn nhiều khó khăn, di chuyển chủ yếu vẫn là sông nước. Con đường nối các vùng quê được người dân tự lực sửa chữa, nhưng vẫn là những con đường đất mùa mưa lầy lội. Họa hoằn lắm mới có một số ít đường quê lót xi măng, nhưng thường ngắn và chủ yếu dành cho người đi bộ. Như vậy có nghĩa là mơ ước năm nào của tôi và của những hành khách trên chuyến tàu xa xôi kia ví như những cánh lục bình trôi về biển cả…
Tháng 12 năm 2010, tôi trở lại Mái Dầm không phải trên chuyến tàu năm cũ mà bằng xe gắn máy. Qua khỏi cầu Quang Trung, rẻ phải, bỏ lại sau lưng cái ồn ào của một thành phố đang chuyển mình theo bước đi thời công nghiệp hóa, con đường nhựa phía trước trải rộng thênh thang. Tháng Chạp phương Nam thoáng chút gió mùa Đông Bắc, cái nắng không gay gắt nhưng bầu trời thì xanh thăm thẳm làm lòng ta chợt nôn nao khi trời đất giao mùa. Về mái Dầm lần này, không chỉ thăm người bạn cũ mà còn để tiễn bạn tôi vào cõi vô cùng. Thời học trò, chúng tôi đã từng mơ ước một con đường như thế này, nhưng tiếc cho bạn tôi: sau năm 1975, anh về quê sống cuộc đời nông dân bình dị rồi ngã bệnh liệt giường suốt mấy năm dài. Điều đó cũng có nghĩa là anh không có cơ hội để nhìn và để được đi trên con đường dẫn về quê mẹ. Và có bao nhiêu người như bạn tôi - như những người dân tay lấm chân bùn, giống như cánh đom đóm nhỏ bé kia lập lòe mơ ước từ một góc quê hương rồi cuối cùng chìm khuất  trong bão táp thời gian?
Mấy mươi năm dài sau chiến tranh, còn nhiều điều chưa vừa ý và cần thay đổi, nhưng rõ ràng ai cũng nhìn thấy được những thay đổi rất lớn của Cần Thơ. Con đường nhựa thênh thang đâu chỉ đến Mái Dầm, mà còn qua Cái Côn, còn về Kế Sách. Cuối năm 2011, tôi và các bạn đồng nghiệp cùng làm một cuộc viễn du. Từ con đường này, chúng tôi qua Kế Sách, ghé Sóc Trăng, xuống Vĩnh Châu rồi trở lại Cần Thơ theo quốc lộ. Con đường chúng tôi đi qua hai bên là những cánh đồng tăm tắp một màu xanh, có lúc là một thị trấn trẻ với cửa nhà san sát. Đẹp và tự hào  biết bao quê hương tôi trong những năm tháng thanh bình…
2. Thêm một lần đất trời chuyển nhịp. Cũng buổi chiều cuối năm se lạnh, Thành phố nhộn nhịp chuẩn bị vào Xuân. Con đường Hòa Bình lung linh ánh đèn với sắc màu rực rỡ. Xuôi theo dòng người hối hả, tôi lại qua cầu Quang Trung, nhưng rẽ trái theo đường dẫn cầu Cần Thơ về hướng Hậu Giang. Miền Nam nhiều sông rạch nên đường đi cũng san sát những nhịp cầu! Nhưng có lẽ đặc biệt và độc đáo hơn, nếu bạn dừng xe, đứng trên cầu và hướng tầm mắt  về xa. Dưới kia là dòng sông hiền hòa, đục nước phù sa, uốn quanh những vùng quê yên tĩnh. Cặp theo dòng sông, không chỉ một con đường, mà có đến năm bảy lối đi, kết lại tựa như những cánh hoa tỏa về muôn nẻo. Những con đường này dẫn về đâu? Một thôn xóm yên bình, một chợ quê ồn ào ban sáng, hay một ngôi trường rộn tiếng đùa vui?
Yêu biết bao nhiêu - những con đường quê như thế. Những con đường - giống như đường về Mái Dầm - là ước mơ từ bao nhiêu năm tháng để hôm nay trở thành hiện thực. Chợt nhớ thời thơ ấu, đứa học trò nhà quê chân đất đầu trần, mùa mưa phải bấm từng bước chân trên con đường trơn trợt, mùa khô đất nứt trắng, lại bước thấp bước cao nên hầu như các móng chân không bao giờ nguyên vẹn! Con đường đi tìm tri thức của thế hệ chúng tôi sao mà vô cùng gian khổ. Có những ngày bụng đói, phải vượt mấy “gian đồng”, mắt đổ hào quang mà trường tôi vẫn còn xa thăm thẳm.
Tuổi thơ hôm nay thật vô cùng hạnh phúc. Con đường quê  các em đi bằng phẳng, thênh thang mà lối vào đời cũng phủ kín hoa hồng. Xin được ghi ơn những hy sinh lặng thầm của bao nhiêu người khai hoang mở đất. Xin gửi chút ngậm ngùi quá khứ như một hạt bụi chôn vùi để nảy mầm hoa cỏ. Và, để những con đường Cần Thơ tôi yêu mãi mãi là những nẻo đường xuân…
Cần Thơ, tháng chạp 2012
LÊ PHƯỚC NGHIỆP
Theo http://www.ptgdtdusa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...