Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Một chút lòng quê

Một chút lòng quê
1. Cuối năm, trời mênh mang trở lạnh. Mùa đông đến sớm với chút mưa bụi lất phất dường như điểm thêm một nét duyên ngầm cho vùng đất phương Nam chỉ có hai mùa mưa nắng.
Buổi tối, xem phóng sự ngắn của Đài THVN về sự chuyển đổi đột ngột của thời tiết buổi tàn niên. Người miền Nam khi được phỏng vấn “Bạn nghĩ gì về cái lạnh và cơn mưa bụi?” thì thích thú, hài lòng vì được cái “hương vị” của mùa đông chỉ biết từ sách vở. Những người miền Bắc, từ một viên chức, công nhân... đến người lao động thủ công đang ngược xuôi mưu  sinh ở đất Sài Gòn, đều có chung cảm xúc “thương nhớ mười hai” và nỗi nhớ càng thiết tha hơn khi đất trời đang chuyển nhịp. Mới thấy tình quê thật là sâu nặng....
2. Năm 1923, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh vừa tròn 24 tuổi. Có người nhận xét rằng ông mang tâm hồn nghệ sĩ, ít nghĩ tới việc tổ chức lực lượng cách mạng.Nhưng chắc chắn ở ông là lòng nồng nàn yêu nước, yêu dân  mà cụ thể là tình yêu đất, yêu người. Trong bài “Cao vọng của bọn thanh niên An Nam” ông có viết:
“Ta cần phải lên một chỗ non cao, ở một nơi yên tĩnh mà tra mình cho biết các thân của mình thế nào, rồi lấy con mắt hòa hảo, tương ái mà ngó cả vũ trụ, xã hội chung quanh mình. Chừng ấy, ta mới bỏ chỗ non cao mà trở về với xã hội, cái xã hội ấy ta có thể dùng trọn cái tinh thần tạo lập của ta được. Nghĩa là ta đây là người An Nam, ta phải trở về với xứ Nam Việt này vì ta là người sanh trong xứ nầy, ta quen biết với non sông, nòi giống của ta thì ta làm việc làm của ta, ta khỏi mất công lần mò vô ích.”
Văn phong quốc ngữ những năm hai mươi của thế kỷ trước có thể hơi dài dòng, khó hiểu với thế hệ hôm nay, những nội dung của nó vẫn là những điều còn tươi rói: Yêu nước gắn liền với tình yêu quê và luôn luôn, quê hương vẫn là nơi đẹp hơn tất cả.
Từ mối đồng cảm với người xưa, lòng ta chợt thoáng chút bồi hồi khi cuối năm nhớ về quê cũ.Quê tôi nằm bên kia Thành phố Mỹ Tho, cách một dòng sông cửa Đại mênh mông bốn mùa miên man sóng vỗ.Hồi đó, chiếc cồn cát chắn ngang vàm sông chưa nổi lên, nên tới mùa gió chướng thì sóng bủa trắng chân trời. Trên dòng sông, hàng đàn le le không biết từ đâu, đúng hẹn trở về dập dềnh bơi lội, như báo cho mọi người biết là năm cùng tháng tận.Chúng dạn dĩ đến độ chẳng thèm tránh ghe tàu xuôi ngược, nên đôi khi chết dưới “chân vịt” mấy chiếc phà. Loài vật này giống hệt loài “vịt Tàu”, có điều nhỏ hơn một chút, và tôi cũng chưa thấy ai săn bắt chúng làm thức ăn.Rồi khi mùa đông sắp hết, tiết trời ấm áp chuyển sang xuân, cả đàn rủ nhau bay đi, trả lại cái mênh mông của dòng sông với hàng vạn cánh lục bình nối nhau trôi về vô tận.
Khoảng vài mươi năm nay, tự dưng không còn thấy đàn le le xuất hiện (Nếu có chăng, chúng trở thành một trong những món ăn “cao cấp” ở các quán nhậu đầy rẫy trong thành phố Cần Thơ!). Có phải vì nòi giống chúng bị tận diệt hay vì cuộc sống ồn ào náo nhiệt của thành phố ngày càng sôi động làm mất đi hình ảnh một thời qua?
Nối hai bờ sông lúc đó, là những chiếc phà nhỏ chỉ có một đầu để xe cộ và khách bộ hành lên xuống. Khi phà cặp bến, khách lên xong, mới đến lượt xe di chuyển và dừng lại ở bàn cầu gỗ đặt  trên cầu phao. Cái sàn cây này cũng thật đặc biệt: hình chữ thập, lót gỗ chắc chắn, có hệ thống bánh xe lăn phía dưới. Những người công nhân bến phà sẽ dùng sức đẩy cầu, để xe được trở đầu thuận chiều lên bến. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, dạng cầu phao này cũng đi vào quá vãng, bởi đã có phà 2 đầu và cầu phao cũng vững vàng, rộng rãi hơn. Nhiều lúc qua phà, lòng lại chợt bâng khuâng. Trong cái se lạnh cuối năm, khoảnh khắc dừng lại trên chiếc cầu phao mới, lòng ngậm ngùi nhớ “người muôn năm cũ”!
Rồi những ngày sóng lớn, qua phà ướt  đẫm cả người. Công nhân phà phải cột chặt các xe lớn bằng dây buộc vào hai bên lan can phà. Những bà mẹ, người chị đi chợ tết Mỹ Tho về, đang tíu tít nói cười, trong phút chốc mặt mày xanh mét ngồi nép mình bên thành phà, miệng lâm râm cầu Trời Phật cho được bình yên, phà mau cặp bến. Nhiều bà mẹ quá sợ, quăng bớt hàng của mình xuống sông lớn để cho “nhẹ phà, không chìm”! Khổ thay, đó lại là dưa Tết- những trái dưa loại nhất- chẳng những không chìm mà lại dật dờ trên sóng nước. Và suốt thời thơ ấu cho đến khi được đi trên những chiếc phà lớn, rộng rãi, an toàn như hôm nay, tôi chưa bao giờ nghe có một chiếc phà nào chìm trên dòng cửa Đại!. Có điều, những hình ảnh ngộ nghĩnh, buồn cười với bao nhiêu con người chơn chất, thật thà đã mãi mãi chìm sâu trong con sông đời vô tận.....
Mùa Xuân miền Nam hình như thường hay đến sớm.Đến trong âm thanh tiếng quết bánh phồng từ làng trên xóm dưới. Đến trong tiếng guốc rộn rã đường quê.Người dân quanh năm đầu trần, chân đất, lối đi thì mùa mưa lầy lội, mùa nước nổi thì di chuyển bằng xuồng ghe. Nhưng khi bắt  đầu trở gió bấc, con đường khô trắng, buổi sáng dẫm lên mát rượi bàn chân. Nhớ biết bao hàng vĩ đan bằng lá dừa phơi bánh tráng, gác trên giàn cao, đủ cho tôi bóng râm với giấc ngủ bình yên những ngày trưa tháng chạp.
Nêu mới vươn trời ru gió bấc,
Mười lăm tháng Chạp đã vào xuân             
Bỏ manh áo vá từ năm ngoái,
Khua guốc đường mơ pháo lại gần....
Nhưng với thời thơ ấu, kỷ niệm tuyệt vời nhất của tôi là những sớm cuối năm qua đò Rạch Miễu. Một vùng sông nước trắng xóa sương mù, phà trôi nhẹ nhàng, sóng gợn lăn tăn. Tâm hồn cậu học trò nhà quê nhiều mơ mộng như gởi tận đâu đâu. Tôi hình dung phía sau vùng sương mù ấy, chiếc phà sẽ đưa tôi đến cõi Đào Nguyên! Bồi hồi nhớ chuyện Từ Thức gặp tiên “Từ buộc thuyền lên bờ cõi, thì thấy khí núi xanh biếc, vách đá dựng thẳng, cao hàng ngàn trượng. Rồi theo lối nhỏ mà lần vào. Cửa vách đá khép lại ngăn lối về trần. Và từ đó, nhân gian bảo rằng Từ Thức đã lạc lối Thiên thai...” 
Tuổi thơ ai lại chẳng một lần ước mơ như thế? Huống chi  khi tôi vừa lớn lên thì quê hương mịt mù khói lửa. Nhưng khi bước vào cuộc đời nghiệt ngã, mới hiểu rằng Đào Nguyên không có thực. Nhưng không thể phủ định rằng chính những điều đáng nhớ đáng thương của thời thơ ấu đã chắp cánh cho tôi bằng những ước mơ hồng.....
3. Cho đến hôm nay, câu chuyện cổ tích của hơn 600 năm trước vẫn còn nao lòng người. Có điều, chưa ai lý giải rõ ràng nguyên nhân nào Từ Thức lại cương quyết rời bỏ cõi tiên để trở về cõi tục. Phải chăng giữa người xưa và thế hệ hôm nay vẫn chung dòng suy nghĩ: Đào Nguyên đẹp, nhưng thiếu hẳn tình người và Từ Thức quay về bởi chàng còn một chút lòng quê?.
Cần Thơ, đầu năm 2010
LÊ TRÚC KHANH
Theo http://www.ptgdtdusa.com/

                                                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...