Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Thơ Phạm Dạ Thủy - Niềm riêng thực và mộng

Thơ Phạm Dạ Thủy
Niềm riêng thực và mộng
"Ngày tất tả áo cơm 
Đêm khép lại riêng mình 
thèm giấc ngủ bình yên không mộng dữ.
…Sông trôi
Thời gian trôi 
Ngày tất tả và đêm thao thức- 
Kỷ niệm sao chẳng ngủ yên!" 
(Gọi)
Và:
"Ngỡ bình yên nào đâu bình yên
Đời vẫn gió và tình vẫn sóng" 
(Ngỡ bình yên)
Có thể coi mấy câu trên đây trong hai bài thơ nhỏ mở đầu cho tập "Bóng lá" của Phạm Dạ Thủy do Nhà xuất bản Văn học ấn hành không chỉ là chân dung tự họa mà còn là lời tâm sự sâu kín của chính tác giả- một cây bút thơ nữ đang độ sung sức của Khánh Hòa trong mấy năm gần đây. Kể từ tập thơ đầu "Biển xanh không bình yên" do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa xuất bản năm 1997 qua tập "Gửi người chiêm bao" (Nhà xuất bản Văn học-1999) đến "Bóng lá" (Nhà xuất bản Văn học- 2001) như vậy cứ 2 năm Phạm Dạ Thủy có một tập thơ ra mắt bạn đọc.
Đó thật là một kỷ lục đáng nể nhất là với một cây bút nữ ở địa phương sống không chỉ ở "tỉnh lẻ" mà còn ở "huyện lẻ" như Phạm Dạ Thủy. Điều đáng mừng là trong tình trạng thơ xuất bản nhiều như hiện nay mà nhiều người đã hoảng hốt kêu lên là "lạm phát thơ" thì những tập thơ của Phạm Dạ Thủy vẫn được đông đảo người đọc trong và ngoài tỉnh đón nhận như những tín hiệu vui của thơ ca.
Điều gì đã khiến cho Phạm Dạ Thủy có những ghi nhận đáng quý ấy đặc biệt là trong tình hình hiện nay?
Trước hết theo cảm nhận của tôi thơ Phạm Dạ Thủy là tiếng nói chân thực nghĩa tình của một người phụ nữ.
Có thể dễ dàng nhận ra điều này ở cách chọn đề tài cách nghĩ cách cảm của chị. Hầu như Phạm Dạ Thủy chỉ làm thơ về những gì rất thật của mình những gì đến với mình và cuộc sống thật xảy ra xung quanh mình cả những xúc cảm nghĩ suy cả những giấc mơ dường như cũng đều có thật. Đề tài của chị là nỗi nhớ thương về người mẹ mà với tuổi ấu thơ khi còn bên mẹ không thể thấu hiểu hết: "Con bây giờ áo gấm áo hoa- Thương mẹ một đời áo vải- Con bây giờ có đôi có bạn- Thương mẹ sớm lẻ đôi" (Khi mẹ ở tuổi con bây giờ)- "Năm mươi tám tuổi đời- sáu năm hạnh phúc- Một nửa đời góa bụa bên con" (Mẹ). Là những cảm nhận nghĩ  suy về cuộc đời mình gắn bó với nghề với mái trường và học sinh thân yêu: "Từ nơi này ngày đầu tiên tôi làm cô giáo- Hai mươi tuổi đời đầy ắp ước mơ xanh… Có lần nước mắt ướt nhòe trang giáo án- Chỉ vì các em không chịu học bài" (Tự tình 2). 
Là con sông Dinh nhỏ bé êm đềm đã tắm mát tuổi thơ: "Thương lắm sông ơi! Con sông quê- Tuổi mười ba mê tắm… quên về- Vẫy vùng trong nước sông xanh mát- Êm êm tiếng hát của bờ tre" (Với sông Dinh). 
Là những lời thắm thiết ước mong với đứa con dứt ruột của mình: "Hai mươi tuổi con rực hồng sức trẻ- Con bình minh -Mẹ đã chớm hoàng hôn- Mẹ thắp cho con ngọn lửa soi đường- Niềm hy vọng- Hạnh phúc mênh mông-Nỗi đời riêng mẹ đó" (Nói với con). 
Chị còn viết về cả nỗi đau trong những ngày bệnh tật phải nằm bệnh viện. Về kỷ niệm với Huế Đà Lạt và những miền đất từng qua. Về một "cô bé học trò vĩnh viễn ra đi" như "nụ hồng" gãy lìa trong cơn bão tố. Về em bé bán vé số. Về những con chim tội nghiệp được phóng sinh. Về chú gấu bông rất gần gũi trong vòng tay ôm mà chú không sao hiểu được nỗi đau đang giằng xé trong lòng người…
Những đề tài phong phú mà Phạm Dạ Thủy bỏ công khai thác nhiều nhất cũng là phần chị bộc lộ tâm can nhiều nhất là đề tài tình yêu. Chỉ nhìn vào tựa đề chị chọn cho cả ba tập thơ đã xuất bản cũng thấy rất rõ điều đó: "BIỂN XANH KHÔNG BÌNH YÊN"- "GỬI NGƯỜI CHIÊM BAO" và "BÓNG LÁ"- "Ngỡ bình yên nào đâu bình yên- Đời vẫn gió và tình vẫn sóng" (Ngỡ bình yên).
Hãy nghe chị kể về mối tình đầu: "Đã xa lắm rồi những ngày tháng đó- Năm em mười bảy phải không anh?" "Anh còn nhớ ngày xưa- Lời anh chúc ngọt ngào trong cánh thiệp- Em nâng niu tình xanh - mộng đẹp- Xuân cho em- Xuân cả bốn mùa" (Ký ức mùa xuân). 
Mối tình đầu ở tuổi học trò ấy của chị dẫu chỉ như một tia chớp thoáng qua trên đường đời nhưng là vầng sáng đẹp mà ánh hồi quang của nó sẽ còn dõi theo chị rất nhiều năm sau này và có lẽ chỉ đến lúc… chị không còn làm thơ nữa! "Ba mươi năm yêu người chiêm bao-  thấy mình như có lỗi… Chưa một lần cầm tay- huống hồ chi một lần hôn vội- Quá nửa đời còn nguyên vẹn nhớ thương" (Niềm riêng).
Tất nhiên thơ tình yêu của Phạm Dạ Thủy không chỉ viết về mối tình đầu. Chị còn có nhiều bài thơ câu thơ viết về những cung bậc khác nhau của tình yêu. Có khi chỉ là một rung động thoáng qua với "Sông Hàn yêu thương- Mãi là bến đợi" (Con sóng- Dòng sông) là "Tình cờ ta gặp nhau- Nha Trang chiều biển động" để rồi "Một thoáng thôi mà buồn- Một thoáng thôi mà nhớ" (Đa đoan). 
Có những nỗi niềm riêng không thể tỏ bày chị đành "Giấu nỗi niềm trong câu thơ- Gửi đến người như một thông điệp khẩn" ((Nỗi niềm). Có những con người rất hiểu nhau thương nhau mà do hoàn cảnh không thể đến với nhau được. "Ngược nhau mà thương nhau- Ngược nhau mà nhung nhớ- Bên bồi thương bên lở- Hai bờ một dòng sông" (Ngược)
Những câu thơ sau đây có lẽ chỉ có được ở một cây bút nữ: "Có những điều không dễ dàng bày tỏ- Phong kín làm hành trang cuộc đời- Có những lúc lòng mềm như lá cỏ- Vẫn vờ như sỏi đá mà thôi"(Bình phong)
Trong cả ba tập thơ phần thơ viết tặng chồng của chị  nhưng dường như luôn là niềm trăn trở khôn nguôi của Phạm Dạ Thủy. "Bài thơ viết tặng chồng- Mãi là trang bản thảo- Chắp vá từng mảnh lòng- Vẫn không thành tấm áo" (Khuyết). Chị tự trách mình: "Nửa đời ngụp lặn biển mơ- Mà không vớt được vần thơ tặng chồng- Tình mênh mông- Nghĩa mênh mông- Cơ hồ thơ lạc giữa dòng- nổi trôi" (Thơ lạc).
Chúng ta có thể cảm thông niềm trăn trở và cách lý giải của chị. Thơ của chị tuy luôn lấy cái thực làm nền nhưng lại luôn hướng về những giấc chiêm bao bay bổng với những giấc mơ. "Em sẽ thả nỗi buồn bay xa- Có anh rồi tình yêu xanh mãi… Cảm ơn ngày dẫu đã hoàng hôn- Nắng chiều vẫn rắc vàng rực rỡ- Cảm ơn anh ngọt ngào hơi thở- Và tình yêu như buổi ban đầu". Khi chị không định viết riêng về người chồng thì những câu thơ nói lên tình yêu đích thực hiện hữu bây giờ lại bất ngờ bật lên như thế.
Được biết trong đời thường suốt mấy chục năm nay chị luôn là một nhà giáo mẫu mực đầy tâm huyết; một người vợ người mẹ chung thủy đảm đang giàu ý thức trách nhiệm với gia đình. Càng may mắn hơn là chồng chị cũng là một nhà giáo với sự hiểu biết cảm thông và bản lĩnh của mình đã dành cho chị một tình yêu đích thực không chỉ yêu một  Dạ Thủy thật mà yêu cả một Dạ Thủy chiêm bao! Có được điều này tất nhiên phải là kết quả của sự nỗ lực vun trồng từ cả hai phía. "Em sẽ thả nỗi buồn bay xa- Có anh rồi tình yêu xanh mãi- Em sẽ không nhớ ngày hôm qua- Quên hết chỉ tình yêu còn lại". Những lời tâm sự ngọt ngào dành cho tình yêu và hạnh phúc rất thật chị đang có được trong đời đã nói lên điều đó.
Có thể nêu một nhận xét tổng quát: Thơ Phạm Dạ Thủy dường như chủ yếu để nói lên nỗi niềm riêng cả phần thực lẫn  phần mộng và hơi thiên về nỗi buồn, dẫu ở đây là những nỗi buồn thường nhẹ nhàng man mác… Đây là mặt mạnh đồng thời cũng là mặt hạn chế so với những đòi hỏi thông thường của người đọc đối với một nhà thơ. Nhưng biết làm sao được? Cái "tạng" của chị vốn như vậy. Chị không thể và không muốn vay mượn những gì mình vốn không có. Không thể đòi hỏi một cây liễu ven hồ phải có cốt cách của cây tùng cây bách nơi rừng rậm núi cao. Trong cuộc sống của chúng ta rất cần những cây tùng cây bách cây lim… nhưng cũng cần cả những cây liễu cây hoa hồng cả cây quỳnh chỉ có thể nở hoa vào khoảnh khắc giữa đêm trăng sáng…Thơ viết về tình yêu về cuộc sống bình thường của một phụ nữ một cô giáo mà đến được với bạn đọc được không ít người yêu thích cảm mến như thế đã là một đóng góp rất quý của chị. Bởi xét cho cùng ai dám nói: tình yêu và cuộc sống gia đình là một đề tài nhỏ với thơ ca?.
5- 2001
NGUYỄN GIA NÙNG
Theo http://phamdathuy.vnweblogs.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...