"Hoa bần thôi rụng xuống phù sa"
1. Tôi làm quen với "Chương trình thi văn Mây Tần"
trên đài phát thanh Sài Gòn từ thập niên 60 của thế kỷ trước qua bài thơ "QUÊ
NGOẠI". Mấy chục năm dài trôi qua, bây giờ đọc lại, mới thấy rõ những vụng
về trong vần điệu, ngôn từ...của thơ thời học trò hồn nhiên, trong sáng. Nhưng
tôi yêu quí bài thơ vô cùng, bởi nhờ nó mà tôi mới có cơ hội gặp gỡ, gắn bó
lâu dài với một nhà thơ lớn miền Nam: Kiên Giang - Hà Huy
Hà.
Bài thơ được diễn ngâm liên tục hai kỳ trong chương trình
"Thi văn Mây Tần". Sau đó, qua phần nhắn tin, anh Kiên Giang muốn
gặp tôi để thực hiện một cuộc phỏng vấn về nhóm Về Nguồn - Tây Đô mà tôi và một số
anh em văn nghệ tại Cần Thơ như Huyền Vân Thanh, Trân Khanh, Lăng Cảnh
Huy... sáng lập từ năm 1964..Tôi và anh Lê Hà Uyên lên Sài Gòn để trả lời phỏng
vấn. Cần Thơ-Sài Gòn chỉ hơn trăm cây số, nhưng phải qua hai phà Cần thơ, Mỹ
Thuận lại thêm những bất trắc của đoạn đường thời chiến, nên dù đi từ sáng sớm
mà đến xế trưa anh em tôi mới tới Sài Gòn! Nơi gặp là môt quán cà phê nhỏ nằm
trên đường Phát Diệm, cạnh tòa soạn báo Tin Sáng lúc bấy giờ. Điều tôi không ngờ
được là trong buổi chiều hôm đó, tôi lại vô cùng vinh hạnh được diện kiến
đến hai ngôi sao trên khung trời văn nghệ miền Nam : nhà thơ Kiên Giang và nhà
văn Sơn Nam. Bằng thái độ hết sức chân tình, hai anh đã hỏi thăm chúng tôi về
những hoạt động văn nghệ ở Cần Thơ, trao đổi về các sáng tác của
nhóm Về Nguồn. Tôi không thể nào quên được buổi chiều hôm ấy dù đã trên 40 năm
với bao nhiêu sao dời vật đổi. Hình ảnh những bậc đàn anh văn nghệ lại rất mực
gần gũi, khiêm tốn ngay cả với những thế hệ đi sau-cho đến hôm nay-vẫn
mãi là một ấn tượng khó phai trong lòng tôi. Suy cho cùng, bài học về đạo
lý làm người này, chắc hẳn đâu chỉ riêng tôi, mà còn cho bao nhiêu người
làm văn nghệ trong cuộc sống hôm nay. Cũng trong chiếc quán nghèo đó, ngồi
cạnh bàn chúng tôi , còn có diễn viên điện ảnh La Thoại Tân và nhà văn
đang "ăn khách" Nghiêm Lệ Quân. Những người "muôn năm cũ"
đó, giờ ai còn, ai mất, hay đang trôi dạt nơi xứ lạ trời xa?
Từ lần gặp gỡ này, tôi được hai anh
hết lòng giúp đỡ. Qua anh Kiên Giang, tôi có dịp làm quen với bao nhiêu
người bạn văn nghệ khắp miền đất nước: Trần Ngọc Hưởng, Như Uyên Thủy, Mặc Tuyền,
Ngô Nguyên Nghiễm, Việt Chung Tử... Năm 1970, tôi và các bạn thực hiện tạp chí
KHƠI DÒNG, thì cũng chính hai anh Kiên Giang và Sơn Nam góp tiếng với các sáng
tác của mình mà không hề đòi hỏi một đồng nhuận bút. Kiên Giang với bài thơ
"Lúa sạ miền Nam" và Sơn Nam với truyện ngắn "Người đẹp Cần
Thơ". Đây là những sáng tác của hai anh chưa từng đăng trên bất kỳ tạp
chí, nhật báo nào ở miền Nam. (Lúc đó, tập thơ "Lúa sạ miền Nam" của
Kiên Giang cũng chưa xuất bản). Nếu bạn là những người làm văn nghệ ở miền Nam
trước 1975, hiểu được vị trí của hai cây "cổ thụ" này
trên văn đàn, thì bạn mới biết đây là một góp mặt lớn lao và ý nghĩa đến
dường nào. Cũng từ sự động viên của hai anh, tôi đã cùng các anh chị
em văn nghệ tại Cần Thơ cộng tác với Đài phát thanh Cần Thơ để thực hiện "Chương
trình thi văn Về Nguồn", hoạt động liên tục từ năm 1968 cho đến tháng
4 năm 1975.
2. Từ sau 1975,
anh em chúng tôi như những nhánh sông đời trôi về vạn nẻo. Nhóm Về
Nguồn xẻ đàn tan nghé, mỗi người một cuộc đời riêng. Tôi mỏi mòn chạy
theo "nghiệp dĩ", gắn với nghề dạy học. Con đường xa tăm tắp, nặng nợ
áo cơm, thêm bao nhiêu đổi thay sau ngày 30-4 ở miền Nam, đã làm cằn khô trong tôi những ước mơ, nhiệt tình về văn nghệ. Đôi khi nhớ quay quắt
kỷ niệm một thời, nhớ bạn bè... nhói lòng, nhưng cũng cố quên... Với ước mơ
ngày đất nước thanh bình của một người trẻ lớn lên từ ly loạn, trong bài viết
nhân kỷ niệm 7 năm (1971) thành lập nhóm Văn nghệ Về Nguồn-một nhóm văn
nghệ học trò-tôi đã nói lên cảm xúc tự lòng mình: "Ngày nào thôi làm
văn nghệ, tôi sẽ bắt chước Kiều Phong, đưa A Châu về bên kia ải Nhạn Môn quan
chăn cừu độ nhật. Kiều Phong rữa tay gác kiếm, bỏ một bên những ân oán giang hồ.
Tôi sẽ hứa với nàng là chẳng làm thơ nữa, nếu có chăng là đặt vài câu lục bát để
nàng thay ca dao hát ru con ngủ. "Cái ước mơ mang hơi thở" kiếm hiệp
Kim Dung" có pha chút ngông nghênh thời trai trẻ đến hôm nay phần nào đã bị
thời gian mà chết. Nhưng cũng có lẽ chính ước mơ này đã thắp lại ngọn lửa nhen nhúm trong lòng.
Một điều lạ là những năm đầu tiên sau 1975, tôi lại gặp anh Kiên Giang nhiều hơn. Anh thường xuống Cần Thơ và lần nào cũng ghé nhà tôi. Trong những lần đó, anh luôn động viên phải gắng "giữ lửa", gắng đi tiếp con đường văn nghệ. Cũng trong những lần đó, tôi mới hiểu thêm một phần về sự thủy chung, ân nghĩa trong trái tim nhà thơ lớn. Lần nào, anh cũng rũ tôi (có khi có cả anh Lê Hà Uyên), đến thắp hương cho cố nhân trong bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Trong ngôi nhà nhỏ nằm phía sau nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ, anh thường ngồi yên lặng nhìn lên chân dung người đã mất sau làn khói hương nghi ngút. Hai người con của chị hiện sống ở đây -đều là giáo viên- rất hiền lành, mực thước, rất quí trọng nhà thơ và gọi anh là cậu. Một điều cũng rất lạ là tên anh em trong gia đình đều bắt đầu bằng vần Tr... (Ba của các em cũng có tên Trinh, giống như tên nhà thơ Kiên Giang. Có phải chăng từ một góc sâu thẳm trong trái tim người con gái xóm đạo vẫn là nỗi hoài niệm khôn nguôi về một mối tình thời học trò thơ dại?
Một điều lạ là những năm đầu tiên sau 1975, tôi lại gặp anh Kiên Giang nhiều hơn. Anh thường xuống Cần Thơ và lần nào cũng ghé nhà tôi. Trong những lần đó, anh luôn động viên phải gắng "giữ lửa", gắng đi tiếp con đường văn nghệ. Cũng trong những lần đó, tôi mới hiểu thêm một phần về sự thủy chung, ân nghĩa trong trái tim nhà thơ lớn. Lần nào, anh cũng rũ tôi (có khi có cả anh Lê Hà Uyên), đến thắp hương cho cố nhân trong bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Trong ngôi nhà nhỏ nằm phía sau nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ, anh thường ngồi yên lặng nhìn lên chân dung người đã mất sau làn khói hương nghi ngút. Hai người con của chị hiện sống ở đây -đều là giáo viên- rất hiền lành, mực thước, rất quí trọng nhà thơ và gọi anh là cậu. Một điều cũng rất lạ là tên anh em trong gia đình đều bắt đầu bằng vần Tr... (Ba của các em cũng có tên Trinh, giống như tên nhà thơ Kiên Giang. Có phải chăng từ một góc sâu thẳm trong trái tim người con gái xóm đạo vẫn là nỗi hoài niệm khôn nguôi về một mối tình thời học trò thơ dại?
Ít nhất một lần, anh
Kiên Giang rủ tôi cùng theo anh vào nghĩa trang Công giáo viếng mộ người xưa.
Nhìn anh đứng lặng lẽ thật lâu trước ngôi mộ trong buổi trưa cuối năm vắng ngắt,
lòng tôi dâng lên bao nỗi cảm hoài tha thiết. Hình như hôm đó, trời đất đã chuyển
mùa, gió bấc phương Nam đủ làm se lạnh lòng người, mái đầu nhà thơ qua mấy mươi
năm xuôi ngược giang hồ cũng đã ngã màu sương gió. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận
ra cái phù du của kiếp người, cuối cùng rồi cũng lấp vùi trong cát bụi thời
gian. Và cũng trong khoảnh khắc đó, càng thấm thía hơn hai câu thơ của anh:
"Trong lòng con- giữa màu hoa trắng,
Cứu
rỗi linh hồn con, Chúa ơi!".
Mấy năm sau này,vì tuổi tác, anh Kiên Giang ít có dịp lên xuống Cần Thơ. Giật
mình khi chợt nghĩ nhà thơ đã vượt tuổi tám mươi. Đọc báo, nghe tin anh bị người
khác mượn danh làm chuyện không tốt do anh ưa để mất điện thoại di động, càng
ngậm ngùi hơn khi nhớ lại cuộc gặp gỡ năm nào chỉ như là giấc mộng! Tuổi già
làm cho ta dễ nhớ, dễ quên, con đường "phiêu bạt giang hồ" của người
thi sĩ tài hoa ấy cũng ngắn lại như con đường thời gian của một kiếp người mong
manh, là hạt bụi trong vũ trụ vô cùng. Nhưng tôi tin rằng,với tâm hồn đầy ắp
lòng nhân ái đó, Kiên Giang vẫn mãi mãi là một " hạt bụi
nghiêng mình nhớ đất quê"...
3. Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo nằm ven bờ sông Tiền bốn mùa miên man sóng vỗ.
Từ những năm thơ ấu, trong tâm hồn đứa học trò nhà quê nhiều mơ mộng đã không
biết bao lần bâng khuâng khi nhìn những cánh hoa bần rụng xuống trường giang. Hồi
đó, tôi chưa quen và cũng chưa được đọc bài thơ nào của anh Kiên Giang. Sau này,
khi đã vào Trung học có dịp biết đến tập thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo
tím", tôi rất tâm đắc mấy câu thơ anh viết trong bài "Đẹp Hậu
Giang":
Nếu cô thôn nữ ngừng câu hát,
Nếu bạn thương hồ bặt tiếng ca
Đờn nguyệt không hòa câu vọng cổ
Hoa bần thôi rụng xuống phù sa.
Có lẽ những
câu thơ này tác giả viết ra từ nguồn rung cảm về những tiếng hát câu hò một thời
trên sông nước miền Nam. Khi tôi vừa lớn lên, cũng là lúc chinh chiến tràn
lan, tiếng đạn nổ bom gầm đã giết chết bao âm thanh ngọt ngào, trong trẻo
của những chàng trai, cô gái miệt vườn cất lên trong những đêm trăng trải dài
theo từng vàm sông, ngọn rạch. Nhưng, bất chấp quy luật khắc nghiệt của những đổi
thay từ cuộc sống, bất chấp chiến tranh, và ngay khi cả tiếng đàn nguyệt lắng
sâu vào quá vãng, thì hoa bần vẫn rụng xuống phù sa!. Có phải
chăng đó chính là nguồn mạch quê hương, là tự tình dân tộc vẫn âm thầm cuộn
chảy trong trái tim ta khi bao lượn sóng đời cứ muốn xô dạt ân nghĩa, thủy
chung về cuối trời quên lãng?
Và cũng phải chăng cánh bông bần mang sắc trắng tinh anh đó, cũng chính là tấm lòng của những con người nặng
nợ văn chương như Sơn Nam, Kiên Giang, như bao nhiêu đứa con của vùng đất
phương Nam, góp hương làm đẹp cho đời rồi cuối cùng âm thầm gửi trọn kiếp nhân
sinh cho mạch đất phù sa ngọt ngào ân tình quê mẹ?
Bài viết ngắn ngủi này xin được gửi đến
anh, một đàn anh văn nghệ mà tôi vô cùng yêu mến và trân trọng. Mấy mươi
năm gặp gỡ và quen biết quả thực không nhiều so với đất trời vô tận, nhưng
riêng tôi, là những tháng năm đầy hạnh phúc. Anh Kiên Giang ơi, biết đến
bao giờ anh em mình mới có dịp qua chuyến đò Xóm Chài trong buổi hừng
đông, bỏ lại sau lưng thành phố Cần Thơ rộn ràng xe ngựa để anh viết trọn những
dòng thơ đầy lãng mạn: "Cô lái đò ngang cười chúm chím - Thầm
trêu hàn sĩ lúc sang sông"?....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét