Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Phạm Dạ Thủy - Đắm đuối với nỗi niềm riêng

 Phạm Dạ Thủy
Đắm đuối với nỗi niềm riêng
(Đọc tập thơ HOA MÙA ĐÔNG của 
Phạm Dạ Thủy - NXB HỘI NHÀ VĂN- 2005 )

Đắm đuối đến thế là cùng. Cảm nhận đầu tiên của tôi về tập thơ HOA MÙA ĐÔNG của Phạm Dạ Thủy là như thế. Tâm hồn chị cứ trải ra mênh mông với những buồn vui của riêng mình. Chỉ có khác những vết cắt cứa của cuộc đời cứ phơi ra làm cho người đọc có thể cảm nhận được như nỗi niềm của chính mình. Tập thơ vì thế đã tạo ra được sự đồng cảm của nhiều người nhất là của những người đồng giới. Ở đó họ tìm thấy được sự trống vắng hụt hẫng hy vọng khắc khoải và đôi khi có được một nụ cười.
Tôi còn có cảm giác khi làm tập thơ này Phạm Dạ Thủy tìm kiếm sự đồng cảm trong cõi mông lung của cuộc đời này. Với Phạm Dạ Thủy một bài một câu thậm chí một chữ được người khác biết đến là sự an ủi với cái nghiệp vốn dĩ rất cô đơn này. Tìm trong tập HOA MÙA ĐÔNG thấy được nỗi khắc khoải tìm kiếm ấy của Phạm Dạ Thủy. Và cũng có lẽ vì thế những gì Phạm Dạ Thủy trải ra trong HOA MÙA ĐÔNG là những điều tâm sự bắt đầu từ chính cõi lòng mình. HOA MÙA ĐÔNG mà. Mùa đông giá rét những bông hoa phải có sức sống thật mãnh liệt mới nở tung rực rỡ làm tan giá lạnh làm ấm đất trời.  Có một lần gặp mặt bạn bè những người bạn có cả một thời tuổi trẻ nói vô tư cười vô tư Phạm Dạ Thủy đã tìm thấy tuổi đẹp nhất của đời mình. Trong một đời người ai chẳng mong có một lần gặp gỡ như thế. "Hãy cởi lên lớp tro tàn mười bảy/ lửa kỷ niệm sẽ cháy/ Trái tim cằn sẽ tươi" (HẠNH NGỘ). Tôi cũng đã từng có lần gặp lại bạn bè của ngày xưa. Chúng tôi ôm lấy nhau chẳng kể đấy là bạn trai hay bạn gái. Chúng tôi tíu tít chuyện trò. Chuyện ngày xưa chuyện bây giờ cứ đan xen. Nhưng rồi thực tế bày ra trước mắt: tóc đứa nào còn đen một chút là mừng mặt đứa nào còn phẳng phiu một chút là mừng còn nhận ra giọng nói của nhau là mừng. Một cái mừng khác chen chật cuộc gặp gỡ chuyện vợ chồng chuyện làm ăn chuyện con cháu chuyện nhà cao nhà thấp mảnh vườn trang trại. Ngày xưa đúng như một lớp tro tàn trong đó hiếm hoi còn lại một hòn than ấm chút lửa phải thật khéo nhen mới hồng lên chút chút. Vì thế: "Giọt cà phê đêm nay hình như sánh hơn/ một chút đắng- hạnh- phúc cho lòng ta dịu lại/ ta tỉnh táo lục tìm trong ký ức/ những chuyện xưa như trái đất/ để mà thương mà tiếc mà buồn" (HẠNH NGỘ).

Mạch nuối tiếc cứ theo hoài trên những trang thơ của Phạm Dạ Thủy. Ngẫm ra cũng đúng thôi. Ai cũng có một thời oanh liệt. Ai cũng một thời cho và nhận. Và hình như ai cũng có cảm giác mình cho thì nhiều mà nhận chẳng được bao nhiêu. Thậm chí với cuộc đời ta phóng túng đến mức tung tất cả vốn liếng để mong được đón nhận được một nụ cười viên mãn một tiếng khóc tràn hạnh phúc hoặc một tiếng thở dài cho lòng dạ lâng lâng thanh thản. Nhưng hình như ai cũng vậy phần nhận lại có khi chỉ là con số không thôi. Giống như người đàn bà tìm cỏ, cỏ biến trong đất trắng người đàn ông tìm đất chỉ thấy cỏ nát dưới chân: "Người đàn bà ôm khát vọng xanh/ khóc cỏ ngoài tầm tay đã chết" (KHÓC CỎ). Cái người ta tìm là cái người ta muốn có thèm khát có vậy mà độc ác chưa cái người ta thiếu đang bị dẫm nát dưới chân người khác. Xót xa thật đấy. Những lời thơ đúng là một sự giãi bày. Phạm Dạ Thủy muốn ai cũng hiểu những điều dễ hiểu nhất. Đó là những băn khoăn phiền muộn luôn chất chứa quanh ta. Ở đâu cũng thấy nhất là thấy ngay trong mỗi một con người: "Người lại về gõ cửa trái tim/ cánh cửa mở/ và mọi điều vẫn thế/ chỉ mình người biết tôi muối bể/ chỉ mình người biết tôi sương mai" (VÌ NGƯỜI). Muối bể ở đây là gì? Sương mai ở đây là gì? Có thể là giữa trùng khơi mênh mông chút muối kia nào có ăn nhằm gì? Có thể là giữa buổi mai trong ngàn giọt sương mai lóng lánh một giọt sương tôi sẽ nhòa đi trước long lanh muôn sắc muôn màu. Nhưng cũng có thể hiểu là giữa chốn biển khơi chỉ một người biết chút mặn tôi. Giữa ban mai rực rỡ chỉ một người biết giọt sương tôi. Thôi đừng băn khoăn Phạm Dạ Thủy nói rồi: "Khi chợt hiểu ra mình ngốc nghếch/ thì sương đã tan/ muối đã nhạt vì người" (VÌ NGƯỜI). Một lời tự thú thật đắng. Cứ ngỡ là chỉ một người biết cửa trái tim tôi đến mà gõ. Đâu ngờ khi người đến chính là lúc tôi thất vọng nhất. Dù muối không nhạt dù sương không tan thì với người tôi chờ đợi cũng chẳng chút vấn vương. Thà rằng gặp ai đó có một nụ cười thân thiện có khi còn vui hơn đằm thắm hơn nhiều.
Niềm khắc khoải trong thơ Phạm Dạ Thủy là một chất sống trong HOA MÙA ĐÔNG. Lối giãi bày trong thơ của chị giống như người làm ca khúc. Có đoạn A và đoạn B. Đoạn A thường là sự dàn trải những tâm sự. Đoạn B cao trào là lúc sôi lên những cảm xúc. Chỉ có khác đoạn đầu trong thơ chị thường khía rất sâu vào kỷ niệm. Cái mà ai cũng có và ai cũng say đắm với kỷ niệm của mình dù đó là kỷ niệm gì. Còn ở phần B thường là được buông bằng một dấu lặng. Ngắn hay dài cũng là một dấu lặng. Và chính dấu lặng ấy làm cho người đọc có thể bỗng thấy hụt hẫng và cũng có thể tự mình buông một tiếng nấc khan.  Bài thơ SẼ LÀ CỔ TÍCH là điển hình cho lối viết này của Phạm Dạ Thủy. Chuyện bắt đầu từ câu hỏi: "Anh còn nhớ hay anh đã quên". Nhớ gì thế? Những ngày chờ đợi khi số phận đẩy đưa ta đến cùng nhau ta có được cái hữu hạn là có nhau trời xui đất khiến cho ta gần nhau. Đời chúng ta đến đấy thì dừng lại đi cho ta được trọn vẹn niềm hạnh phúc. Nhưng không: "Rồi một ngày ta không có nhau/ dù muộn màng sông vẫn chảy/ ta muộn màng về đâu". Tất cả lắng lại:
Ơi khát vọng chiều
Đành thả trôi theo dòng sông chảy muộn
Sẽ là cổ tích
Biết sau còn nhớ nhau?

Phạm Dạ Thủy ơi! Hỏi thế mà cũng hỏi còn hỏi tức là còn nhớ. Có ai mà không biết một người đang nhớ một người nhưng nỗi nhớ ấy nó chỉ là một chút lặng thầm của biết bao nhiêu cuộc tình đi chẳng đến nơi về chẳng đến chốn đầu chưa bạc và răng chưa long.
Cái đoạn B của bài thơ này còn đỡ. Có những đoạn còn như xát muối vào những vết thương: Lời anh bây giờ là dao lạnh/Ôi vết cắt ngọt ngào/Mà đau cả chiêm bao (VẾT CẮT NGỌT NGÀO)
Bờ sông trắng một chỗ ngồi/ Mình ta lau trắng khóc lời nguyền xưa (TRẮNG)
Có một bài thơ cứ ám ảnh tôi hoài sau khi đọc xong tập HOA MÙA ĐÔNG cùa Phạm Dạ Thủy. Tên bài thơ không có gì mới: GÕ CỬA TRÁI TIM. Tứ bài thơ hình như cũng chẳng có gì mới. Gõ cửa trái tim tức là đánh thức tình yêu thôi chứ gì. Nhưng khi đọc một câu mà bất cứ một người nào theo đạo Thiên chúa đều biết: gõ thì mở thì hướng bài thơ tứ bài thơ cũng bắt đầu khác. Trái tim ta đây gõ thì mở. Nhưng ai biết rằng trái tim ta đã lặng câm bao nhiêu tháng ngày có mở ra chỉ thấy những ngu ngơ thấy sự tan vỡ. Trái tim ấy đóng cửa lâu rồi nó không chỉ chất chứa những gì của xưa cũ mà chất chứa cả những gì xưa cũ đã phũ phàng với trái tim. Ừ gõ thì mở nhưng người ơi:
Chỉ chập chùng ảo ảnh
Chai mười ngón tay gõ phía dại khờ
Chìa khóa trái tim đã rơi vào sông lạnh
Này những ngón tay buồn thôi gõ cửa hư vô

Chiếc chìa khóa trái tim kia của ai vậy? Hay chính là của người có trái tim đang muốn gõ thì mở kia. Nó ám ảnh tôi không bằng câu chữ của bài thơ. Nó ám ảnh tôi bởi một dòng suy nghĩ: trái tim người vốn dĩ nhạy cảm yêu thương. Có lúc nó được mở ra dễ dãi. Nhưng khi nó đã bị tổn thương rồi thì nó trở thành chai cứng dị ứng với tất cả mọi cám dỗ. Và thật ghê gớm khi buông một câu: ừ gõ thì mở nhưng mà có gì đâu. Nó đâu chỉ đúng với tình cảm trai gái nó còn đúng với đối nhân xử thế trong đời.               
Nói ra những điều trên đây chắc nhiều người cho rằng thơ Phạm Dạ Thủy sẽ trượt dài trong nỗi buồn thê thảm. Thiếu gì người làm thơ như thế. Họ mang nỗi buồn của mình ra trải cùng thiên hạ như muốn kêu lên rằng: tôi là người buồn nhất thế gian mọi người có hiểu cho tôi chăng? Không Phạm Dạ Thủy không như vậy. Chị đã tìm ra chỗ dựa vững chắc nhất cho mình. Đó chính là trái tim biết yêu biết rung động biết tha thứ và biết dừng lại ở khoảng nào trong bao nhiêu trái ngang cuộc đời: "Ta và người. và khúc hát trái tim. Lời của núi của sông không sấm gào chớp giật. Núi xanh thẳm sông no đầy con nước. Cầm tay người qua giông gió trưa nay" (
BÀI THƠ GỬI NÚI).
Đọc những câu như thế này ai dám bảo Phạm Dạ Thủy là ủy mị. Rõ ràng chị đã vượt trên tất cả để khẳng định ý thức làm thơ của mình. Tôi có thể cho mọi người thấy có biết bao nhiêu mất mát trong cuộc đời này. Nhưng đừng vì thế mà đứng dẹp sang một bên để tuôn ra hàng hàng nước mắt để mà rũ xuống như một tàu lá héo. Ta hãy chấp nhận nó và sống chung với nó để ta sống có ý nghĩa hơn. Với bạn bè ta già rồi ư? Không sao: "Cám ơn đời bao dung đã ban tặng ta niềm vui hạnh ngộ/ Cám ơn quê hương đã dang tay đón bạn trở về" (HẠNH NGỘ). Còn quê hương là còn có những cuộc trở về. Còn những cuộc trở về thì còn có những lúc thắp lại niềm vui tuổi mười bảy nõn nường. Rồi khi ngoảnh lại thấy được mất đầy vơi buồn vui sướng khổ. Thấy lầm lỗi và tỵ hiềm. Thấy yêu thương và bao dung bỗng buồn vì thấy mình đã chiều rồi chỉ còn lại đôi ba lá vàng thu nữa thôi. Nhưng Phạm Dạ Thủy cho rằng không sao: "thôi hãy sống tốt hơn và yêu người hơn nữa/ hãy xanh như rêu/ như cỏ/ như đời" (NGOẢNH LẠI). Rồi một ngày kia có khi ta phải làm một cuộc chia tay. Cuộc chia tay ấy thấy từng ngày không thể níu kéo như dòng sông thì phải xuôi về biển cả. Trên dòng sông ấy xin được thả một chiếc lá nhỏ xíu thôi làm con thuyền nhỏ nhưng chở nặng những kỷ niệm cuộc đời. Với sông thì nhẹ tênh tênh nhưng với ta thì trĩu nặng những tâm tư. Rồi một ngày kia sông hòa với biển sẽ là mênh mông đất trời sẽ là ào ạt sóng trùng khơi sẽ thỏa chí tang bồng cho xứng với một lần hóa kiếp sông ơi. Còn ta không biết ta có ngồi trên chiếc lá bồng bềnh chở đầy kỷ niệm kia không: "chiếc lá gầy chở buồn ta kịp tới/ sóng có vùi tan tác những lời câm?" (BIỆT KHÚC).
Hỏi thì hỏi vậy nhưng Phạm Dạ Thủy đã có câu trả lời: "Ta một mình sông không hề có lỗi/ Đời đã chia thì tan hợp cũng đành" (BIỆT KHÚC). Sẽ có người bảo rằng: Phạm Dạ Thủy buông xuôi! Ô kìa ở đây làm gì có chuyện buông xuôi. Dòng sông cứ trôi dòng đời cứ chảy. Sông ra biển phải vượt thác ghềnh. Người trưởng thành phải qua ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Đó là sự chấp nhận. Dám chấp nhận sự thật cũng là một sự dũng cảm vậy.
Như trên đã nói Phạm Dạ Thủy làm thơ như người ta viết nhạc. Phần cuối bài có những nốt lặng làm người ta sững sờ hoặc xao xuyến. Nhưng cũng có những phần cuối của những bài thơ làm cho người ta mạnh mẽ hẳn lên bằng những nốt nhạc trầm lắng hoặc vút lên chói sáng.
Có thể chút xanh em giữ lại một ngày sẽ chợt sáng lên niềm hy vọng sẽ sáng lên bật mầm xanh trên gập ghềnh dốc đá.
Ngày ấy em có thể đi mà không cần gắng sức về cuối con đường rẽ về phía không anh (CÒN CHÚT XANH EM GIỮ LẠI)
Cả tập thơ 
HOA MÙA ĐÔNG của Phạm Dạ Thủy là một chuỗi dài đắm đuối mà lại là sự đắm đuối với chính mình. Mới hay đắm đuối cũng là một thứ nguyên liệu chắt ra từ hồn cốt một người mà làm nên thơ và làm nên nhà thơ. Nhân gian chắc hẳn còn độ lượng Xin rót tôi đầy một chén vui PHẠM DẠ THỦY Còn nhiều chén vui cho Phạm Dạ Thủy nếu Thủy còn những bài thơ như trong tập HOA MÙA ĐÔNG mà tôi có trong tay.    

Nguyễn Đức Thiện
Theo http://phamdathuy.vnweblogs.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...