Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Phạm Dạ Thủy “Mang trái tim buồn giữa đời ngơ ngác”

Phạm Dạ Thủy “Mang trái tim buồn 
giữa đời ngơ ngác”
Đêm và ngày và ta là tập thơ thứ năm của Phạm Dạ Thủy vừa được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (6/2004) đã tới tay bạn đọc. Theo dõi hành trình thơ Phạm Dạ Thủy từ tập thơ đầu tay Biển xanh không bình yên qua Gửi người chiêm bao rồi Bóng lá đến Chiều biển lặng chúng ta sẽ thấy Đêm và ngày và ta vẫn giữ được nét dịu dàng đằm thắm khiêm nhường lặng lẽ của những tập thơ trước nhưng u buồn và sâu đậm hơn. Rõ ràng năm tháng đã tỏ rõ uy lực của nó trên những trang thơ của nữ thi sĩ này. Bao nhiêu đắm say nồng nàn và cả nông nổi nữa dường như đã khép lại đã lùi xa nhường chỗ cho những nghĩ suy chiêm nghiệm và vì vậy dường như có một làn sương ưu tư phủ bàng bạc lên những trang thơ. Tuy nhiên đọc thơ Phạm Dạ Thủy ta vẫn cảm nhận thấy một dáng vẻ hồn nhiên của một người thiếu phụ "mang trái tim buồn giữa đời ngơ ngác"
Dường như càng sống càng từng trải càng có kỹ thuật thơ nữ thi sĩ này càng trở nên hồn nhiên và hồn hậu ngay cả khi chị muốn vứt bỏ đi mọi ảo giác đã neo buộc và làm khổ mình suốt bao tháng năm mê mụ vì huyễn tưởng vào một tình yêu xa vời. Và khi ấy thơ Dạ Thủy buồn đau thấm thía lạ lùng! Chị  ru lòng mình trong thổn thức:
Thôi đừng khóc nữa ta ơi
Thôi đừng mơ nữa cái thời đã xa
Thôi đừng thương nhớ người ta
Nụ cười ánh mắt như là chiêm bao
Trái tim dẫu có dạt dào
Tiếng lòng dẫu có xôn xao cũng đành
Tình là sợi khói mong manh
Phải đâu hạnh phúc cho mình mà mong....

(Khúc ru lòng)

Nhà thơ - người thiếu phụ tự ý thức về sự tan vỡ của tình yêu về một sự chia xa tất yếu mà lòng còn tha thiết níu với trong một tuyệt vọng hiển nhiên. Những câu lục bát tiếp sau nghẹn ngào như tiếng nấc:
Bàn tay nắm chặt bàn tay
Vẫn không giữ được tháng ngày bên nhau
Một ngày yêu. Một ngày đau
Vết thương rồi sẽ hằn sâu một đời
Thôi đừng buồn nữa ta ơi
Hãy quên cái thủa ta - người ngày xưa.... 

(Bài trên)
"Một ngày yêu. Một ngày đau" buồn là thế mà có hết khát khao đâu ngược lại hình như càng thất vọng người thơ càng mong ngóng chờ đợi một ngọn gió lành từ đâu đó từ phía núi tràn về. Bài thơ Gọi gió của Phạm Dạ Thủy là một bài thơ thật hay mang đậm phong cách đặc trưng của thơ chị đó là sự vững vàng trong lập tứ sự phóng hoạt trong câu chữ sự bình tĩnh trong tâm thế và sự nồng nàn trong cảm xúc. Bài thơ được mở đề như sau:
Ngọn gió núi lạc về phố biển
Mơn man... mơn man chiều thu xanh
Có người vô cớ lòng xao xuyến
Ngỡ như trời đem gió tặng mình

Mở để như thế là rất hoạt rất chỉnh song nghe kỹ thấy phảng phất chất giọng thơ tiền chiến thơ của người thiếu phụ những năm 1930 - 1945 của thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên sang đoạn 2 giọng thơ khác mới hẳn.

Biển mặn chắt chiu hương gió ngọt
Để dành ru sóng khát từng đêm
Sóng thì dữ
Gió thì hiền như núi
Không đủ làm bay mái tóc mềm

Rồi đột ngột những câu thơ dồn dập như một cao trào cao trào của nỗi niềm khao khát cao trào của âm nhạc:
Ta gọi gió
Ta xòe tay hứng gió
Gió núi lạc loài
Gió núi lang thang
Tay trống không
Trống không lời gió vọng
Chỉ có chiều xanh vương chút nắng tàn...

Cái "ngọn gió hiền như núi" kia hóa ra cũng chỉ là một "ngọn gió lạc loài" một "ngọn gió lang thang" mà thôi. Hai bàn tay trống không và trống không một lời gió vọng người thơ như bàng hoàng sực tỉnh sau một giấc mơ một giấc mơ đẹp nhưng quá mong manh:
Lặng lẽ quá
Thêm một lần gọi gió
Gió vô tình chỉ một thoáng đi qua
Núi và Biển - cao và sâu như thế
Chẳng bao giờ gần gũi để mà xa!

"Gió vô tình chỉ một thoáng đi qua" là một nhận chân hay một lời hờn dỗi? Thật ra bài thơ muốn nói với chúng ta rằng đừng bao giờ tin cậy hay chờ đợi gì ở những ngọn gió lãng tử ấy! Viết đến đây tôi chợt nhớ tới hai câu thơ thật hay của Hoàng Nhuận Cầm và không khỏi  bật cười:
Trái tim anh như căn nhà trống trải
Gió em vào. Nếu chán gió lại ra!

Thì ra cái người đàn ông thi sĩ cũng có khác người đàn bà thi sĩ ở một nét nào đó thật! Suy ra "ngọn gió đàn ông" luôn bị ràng buộc bởi yêu thương - một yêu thương mang tính sở hữu còn "ngọn gió đàn bà" thì tự do tha hồ tung tẩy. Biết ngọn gió nào sướng hơn? Biết ngọn gió nào đáng trách hơn? Một bài thơ hay bao giờ cũng gợi cho người đọc rất nhiều suy nghĩ và liên tưởng. Không hiểu sao đọc bài Gọi gió của Phạm Dạ Thủy tôi bỗng thấy động lòng rồi liên tưởng vu vơ! Thành ngữ Việt có câu: "có tật giật mình". Có phải vậy chăng?.

Thơ Phạm Dạ Thủy ở "Đêm và ngày và ta" đã đạt tới độ chín chắn đó là cái chín chắn của đoan trang chín chắn trong ứng xử với cuộc đời với bạn bè với cõi người. Chợt đâu đó tôi bắt gặp những câu thơ đột ngột một đặc sản thơ Phạm Dạ Thủy.
Chẳng hạn:
Mẹ trong ngần như giọt nước
Rơi vào dòng sông hư vô

Chẳng hạn:
Em bây giờ là tôi ngày xưa ấy
Em là tôi cái thủa mới tập ... buồn

Và đây nữa:
Xác thân như đám cỏ nhàu
Thôi thì mình tự bắc cầu mình đi

Hoặc:
Em buồn hơn mưa vỡ
Thầm ru một khúc chiều... 

Nhà thơ lão thành Lê Đạt có lần nói rằng: "Chữ bầu lên thơ" Câu nói bề ngoài có vẻ cực đoan ấy ngẫm kỹ ta thấy cái lý và sự thâm hậu của nó. Tuy nhiên theo tôi đơn vị nhỏ nhất của thơ chính là câu thơ. Chỉ có những câu thơ hay mới đem lại và làm nên một bài thơ hay. Cả tập thơ hay cả đời thơ mà không có nổi một câu thơ "cửa miệng" câu thơ "ngôn truyền" thì hãy nên xem lại! Nói như vậy để thấy rằng Phạm Dạ Thủy đã và đang đi đúng hướng đó là "sản xuất những câu thơ hay"
Người ấy dẫu có "trái tim buồn" thì cũng sẽ không bao giờ "ngơ ngác" cả.
Người ý thức được rằng "mình tự bắc cầu mình đi" là người tự tin tự thức và tự tại.
Vậy thì còn gì mà phải lo nữa đúng không?.
Hà Nội Xuân 2005
 TRỊNH THANH SƠN 
Theo http://phamdathuy.vnweblogs.com/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...