Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Đồng tước xuân thâm tỏa Nhị Kiều

"Đồng tước xuân thâm tỏa Nhị Kiều"
Ngày mới tới Cần Thơ, khi xe qua hai chiếc cầu sắt song song nối liền đôi bờ sông Cái Khế, trong đầu tôi đã hiện ra một câu thơ Đường quen thuộc: “Đồng tước xuân thâm tỏa Nhị Kiều”.
Dĩ nhiên, câu thơ cổ này chẳng chút liên quan nào đến hiện tại, bởi đó là một giai thoại từ thời Tam quốc! Nhưng chỉ vì “Nhị Kiều” lại là một mỹ danh để gọi chiếc cầu đôi. Ôi, hiền lành và nhỏ bé biết bao, con sông nối mạch Cần Thơ để rồi len lỏi vào tận vườn cây trái xanh tươi miệt Bình Thủy, Phong Điền.Trong thời học trò, không biết bao nhiêu lần, tôi ngẩn ngơ đứng trên bến Nhị Kiều mà trông vời chiều mưa Cái Khế. Những đám mây đen đó, rồi sẽ theo gió trôi giạt về đâu, cứ để con sông bập bềnh muôn lượn sóng. Sát bờ sông, có một công viên nho nhỏ, đặt vài băng ghế đá, bãi cỏ xanh, bóng cây mát rượi là chỗ dừng chân cho khách nhàn du. Kỷ niệm một thuở trong sáng hồn nhiên chừng như theo con nước lớn, ròng với những đám lục bình vô định trôi tăm tắp về đâu.
Rồi theo quy luật muôn đời “Sông sâu bên lỡ bên bồi”, phía bên này bờ bị dòng chảy Cái Khế xoáy mòn và chỉ trong một khoảng ngắn thời gian, công viên nhỏ bé kia đã chìm theo bao lượn sóng vô tình. Ở ngay giao điểm ngã ba con đường Phan Thanh Giản và Duy Tân (Nay là đường Xô Việt Nghệ Tĩnh và Hoàng Văn Thụ) sát bờ sông, có một gốc phượng già, đến mùa hè trổ bông rực rỡ. Bạn bè tôi đều đồng ý đó là cây phượng đẹp nhất thành phố Cần Thơ. Những cánh phượng hồng rơi trong gió, bay lả tả trong không gian rồi cũng tự giấu mình trên mặt sông dài. Phượng giống như chúng tôi, vùi lấp tuổi thơ ở một góc quê hương ngạt ngào mộng tưởng. Theo năm tháng, tôi trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh và bước vào nghề dạy học. Đôi lúc giữa nợ nần, cơm áo vây bủa, chợt nhớ lại ngày thơ, lòng không khỏi ngậm ngùi:
Bảy tám năm rồi xa lớp học
Xa trường - xa hết cuộc rong chơi
Dòng sông Cái Khế buồn thiu đó,
Đã cuốn tình trôi vạn nẻo đời….
Vậy đó, mà đã gần 50 năm trôi qua. Có biết bao cuộc đời, bao thế hệ lớn lên trên một quê hương đang từng ngày đổi mới. Cây phượng cũ không còn. Hai chiếc cầu sắt hiền lành, nhỏ nhắn được thay bằng chiếc cầu bê tông hiện đại, nhưng cái tên Nhị Kiều vẫn tồn tại với thời gian. Mấy năm sau này, bờ sông Cái Khế được kè đá cả hai bên, phía đường Hoàng Văn Thụ xây dựng công viên mới, cũng tấp nập trên bến dưới thuyền. Đặc biệt hơn, cứ mỗi lần giáp Tết, những dãy hàng hoa san sát, nối liền hai đầu cầu bên này là An Cư, và bên kia là An Hội. Dưới bến sông, chen chúc ghe xuồng chở hoa từ các vùng quê tới: An Bình, Long Tuyền, Bình Thủy, Vàm Xáng, Phong Điền... Lại có cả người bán hoa Tết từ các vùng cù lao, từ Sa Đéc, Đồng Tháp... cũng ghé vào đây để góp thêm sắc màu cho mùa xuân mới. Nhị Kiều rộn ràng với vạn thọ, hoàng mai, đỗ quyên, trạng nguyên, ngọc nữ... và hàng trăm loại hoa mà tôi không làm sao nhớ hết. Cái không khí vui tươi, rạo rực ấy bắt đầu sau rằm tháng Chạp cho đến xế trưa ngày ba mươi Tết. Khi chiếc ghe thương hồ cuối cùng rời bến, Nhị Kiều trở lại với bình lặng cố hữu của nó như mọi ngày, để cùng nhân gian nhẹ bước vào xuân.
Lòng tôi lại bồi hồi vì một cảm xúc mênh mang, như muốn ngược dòng ký ức. Vẫn là Nhị Kiều quen thuộc của tôi, của một thời học trò hồn nhiên trong trắng. Chắc hẳn là do chủ quan, tôi yêu Nhị Kiều hơn cả bến Ninh Kiều! Trong cảm nhận của riêng tôi, Ninh Kiều đẹp và sắc sảo như một cô gái thành phố, trong khi cái đẹp của Nhị Kiều là một nét duyên quê, một thứ “hoa đồng cỏ nội” mà gặp một lần ta chẳng dễ gì quên.
Lại thêm một lần đất trời chuyển nhịp. Mùa Xuân trở về để Nhị Kiều thêm rực rỡ, để tôi có dịp nhìn từng hàng ghe thuyền san sát mà trở lại ước mơ thời trẻ: chờ đợi một chuyến đi xa với điểm khởi đầu là con sông Cái Khế thân quen. Tuổi tác, năm tháng, cuộc đời... đã làm mòn dần trong ta bao nhiêu khát vọng. Thì thôi, xin nguyện làm một giọt phù sa, lắng giữa dòng trong để giữ tròn kỷ niệm hôm qua và gởi lại nghìn sau chút lòng yêu đất nước…
Cần Thơ, những ngày cuối  năm 2011
LÊ TRÚC KHANH
Theo http://www.ptgdtdusa.com/
                              
                                                                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...