“Ai
mua trăng tôi ban trăng cho
Chẳng
bán tình duyên ước hẹn hò”
Có một người thi sĩ yêu trăng, mơ trăng, say trăng nhưng đành
phải bán trăng đi để rồi ôm mối sầu cô đơn. Trăng- người bạn tri âm, tri kỷ,
trăng - nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ thăng hoa cảm xúc.
Trăng
dường như đã trở thành duyên nợ đối với mỗi thi nhân. Trong cuộc đời cầm bút mỗi
người nghệ sĩ, ai mà chẳng có một vài đôi câu viết về trăng. Nhưng ở mỗi ngòi
bút hình tượng trăng lại ánh lên một vẻ đẹp rất riêng. Các thi sĩ tìm đến trăng
không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để chia sẻ, để tâm sự, để tìm sự đồng điệu của
tâm hồn. “ Thi tiên” Lý Bạch đã xúc cảm trước đêm trăng ở một ở một nơi xa xứ
mà viết lên những câu thơ tuyệt bút:
“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ
mặt đất phủ sương
Ngẩng
đầu nhìn trăng sáng
Cúi
đầu nhớ cố hương”
Trong đêm trăng mông lung, huyền ảo đầy sương khói người
khách tha phương lữ thứ bỗng thấy mình cô đơn, lẻ loi. Một cảm xúc bâng khuâng,
xao xuyến và nỗi nhớ quê hương cứ da diết, khôn nguôi. Ánh sáng của vầng trăng
như gọi dậy những kỉ niệm yêu thương trong quá khứ, những ngày Lý bạch
đứng trên núi Nga Mi để ngắm trăng, để ngắm vẻ đẹp của quê hương. Có
một chút gì đó như ngậm ngùi, tiếc nuối trong sâu thẳm trái tim của một người
con xa quê.
Vầng
trăng trong thơ Lý Bạch khiến cho tâm hồn ta phải rung động, ta lại đến ánh
trăng của một tác giả trên quê hương xứ sở Ba Tư:
“Em yêu ơi ai biết được ngày mai
Ta hãy quên phiền muộn với trăng này
Uống đi em kẻo một ngày nào đấy
Trăng lại về còn ta sẽ xa bay”
(Omakhayya)
Đời người không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Ta chỉ
sinh ra một lần và cũng một lần đi vào cõi hư vô, chỉ có ánh trăng vàng kia là
vĩnh cửu, là mãi mãi. Bởi vậy ta hãy trút bỏ hết những ưu phiền, buồn lo trong
cuộc sống để mà thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.
Thơ
là cung đàn lay động trái tim. Đến với những bài thơ viết về trăng, tâm hồn người
đọc bị lay động, cuốn hút:
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng hay chưa?”
Một đêm trăng thật đẹp, thật thơ mộng, trữ tình - trở thành
nơi hẹn hò của đôi lứa yêu nhau. Có lẽ, là mỗi người Việt Nam không ai lại không
biết đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng trong 3254 câu thơ lục bát ấy người đọc
làm sao có thể quên được cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn của Thúc Sinh và
Thúy Kiều:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa
in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Cuộc chia tay cũng diễn ra vào một đêm trăng thu buồn, lạnh lẽo.
Trăng ở đây không phải là vầng trăng của thiên nhiên nữa mà là vầng trăng tình
yêu - vầng trăng cô đơn, vầng trăng lẻ bóng, lẻ hình, lẻ đôi - vầng
trăng buồn, vầng trăng thương nhớ, chờ mong khắc khoải. Nó cũng mang tâm trạng
của con người vậy.
Sống trong ngục tù tăm tối của Tưởng giới Thạch nhưng tâm hồn
người tù cách mạng vẫn hướng ra ngoài để giao hòa với thiên nhiên, đất
trời. Ngắm trăng, uống rượu, thưởng thức hoa là một thú vui tao nhã của các thi
nhân xưa. Ấy vậy mà đêm nay trong tù “không rược cũng không
hoa” nhưng tâm hồn của Người vẫn dạt dào thi hứng: “Cảnh đẹp đêm
nay khó hững hờ”. Đêm trăng đẹp quá, thơ mộng quá, làm sao có thể hờ hững. Ánh
trăng lung linh tràn qua khung cửa sổ như mời gọi thi nhân ra mà tâm tình, trò
chuyện. Dường như nó cũng biết làm duyên, làm dáng, làm tình, làm
tình làm tứ. Nó không “nhìn, ngắm” mà chỉ “nhòm” thôi. Câu thơ thi vị quá, nó
khiến cho trái tim ta phải rung động mà thốt lên rằng: trăng với người, người với
trăng như đôi tình nhân gắn bó, thân thiết.
Ai đã
từng để hồn mình lạc vào “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư và “Nguyệt Cầm” của
Xuân Diệu thì mới cảm nhận được cái hay, cái thi vị của những bài thơ
trăng:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức”.
(Tiếng
thu- Lưu Trọng Lư)
Có tâm hồn người nghệ sĩ nào mà lại không rung động trước ánh
trăng thu bàng bạc, mờ ảo, mơ hồ, huyễn hoặc? Với Lưu Trọng Lư trăng thu lại
còn “thổn thức”, - có suy nghĩ, có tâm trạng rất người. Phải chăng nó hiểu được
tâm trạng của cả một thế hệ những nhà thơ mới đang cô đơn trước thời đại? Nỗi
thổn thức của lòng người đã lan tỏa ra không gian, tạo vật. Trăng thu đẹp nhưng
buồn quá! Ta hãy lắng nghe âm thanh tiếng đàn hòa nhập vào ánh trăng
trong thơ Xuân Diệu:
“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần”
(Nguyệt cầm - Xuân Diệu)
Trăng đêm nay là trăng lạnh, trăng thương nhớ. Âm thanh và
ánh sáng như trộn lẫn vào nhau. Ánh trăng sáng như soi tỏ nỗi cô đơn, trống trải,
lạnh giá trong tâm hồn thi sĩ.
Trong
thơ mới, có một thi sĩ cô đơn, suốt đời chung thủy với trăng. Đó là Hàn Mạc Tử.
Trăng trong thơ Hàn Mạc Tử như một điều huyền bí, màu nhiệm đến kì lạ. Ông nghe
được hơi thở của trăng, nhìn được bước đi của trăng. Thi sĩ họ Hàn ấy đã có lần
say trăng, đùa giỡn với trăng, ôm trăng vào lòng. Ông chỉ sợ ánh trăng mất đi,
tan đi: “ ánh trăng đêm nay sẽ tan đi mất, ta sẽ buồn và nhớ tiếc”. Dưới con mắt
của thi nhân, trăng là người con gái đẹp đang độ tuổi xuân thì:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”
Hay:
Người thơ ăn vận toàn trăng cả
Gò má
riêng thôi lại đỏ hườm
Hàn Mạc Tử dến vời trăng như là duyên trời đã định. Thật
khó ai có thể quên được câu thơ tuyệt bút:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Câu thơ toàn trăng, một dòng sông trăng, một con thuyền chở
trăng. Đẹp đến nao lòng người. Dòng sông trong cõi thực đã chảy vào cõi mộng. Vầng
trăng kia có hiểu được bi kịch tâm trạng của Hàn Mạc Tử hay không? Thi sĩ đang
phải chống chọi với bệnh tật, đang lâm vào tuyệt vọng vĩnh viễn đau thương.
Nhịp
thời gian cứ chảy trôi, cứ đến hẹn rồi lại lên theo quy luật của tạo hóa, ánh
trăng kia vẫn khoe sắc đẹp của mình qua từng thời điểm: trăng lưỡi liềm, trăng
tròn, trăng khuyết. Nhưng những thi sĩ bất hủ của chúng ta đã trở về với cát bụi.
Vẫn còn đó những bài thơ trăng lung linh tỏa sáng.
Phạm Thị Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét