Nhân vật Thúy Vân: Sự công bằng
của tạo hóa hay bi kịch của
cuộc đời?
Ta nhận ra ở Thúy Vân có một trái tim nhân hậu biết nhường
nào, nàng thật tinh tế và cao thượng khi trả lại chàng Kim - trả lại người chồng
đã 15 năm chung sống cho chị mình.
Từ trước tới nay, mỗi khi nhắc đến “Truyện Kiều” của Nguyễn
Du, có lẽ sự liên tưởng đầu tiên của mỗi độc giả đều hướng đến nhân vật Thúy Kiều.
Phải chăng, vì thế mà, chúng ta đã vô tình hay hữu ý lãng quên đi Thúy Vân - một
nhân vật “hờ” của tác phẩm. Bởi trong tiềm thức mỗi người, Thúy Vân chỉ là cái
bóng của đời Kiều, là nhân vật được Nguyễn Du xây dựng với dụng ý làm đòn bẩy,
làm phông nền cho sự tỏa sáng vẻ đẹp toàn diện của người chị Thúy Kiều. Nhiều
nhà nghiên cứu cũng chỉ nhắc đến Thúy Vân trong hệ thống các nhân vật của Truyện
Kiều một cách khái quát với một vài lời nhận xét ngắn gọn, giản đơn. Ví như,
theo Lê Đình Kỵ: “Thúy Vân luôn bị đặt vào những hoàn cảnh khó xử nhưng không
bao giờ làm trái lời chị”. Ngoài ra, còn có một số ý kiến nhìn nhận về nhân vật
Thúy Vân với một thái độ thiếu thiện cảm, xem Thúy Vân là người vô tư, vô tâm,
vô tính, có tầm hiểu biết thường thường.
Tuy nhiên, hãy một lần đến với Truyện Kiều bằng cách lãng
quên đi cái tư tưởng: “bên cạnh nàng Kiều sắc sảo, mặn mà Thúy Vân chỉ hiện
lên mờ mờ nhân ảnh, không đáng được lưu tâm” ta sẽ hiểu hơn về nàng. Tuy cuộc đời
nàng không truân chuyên, 15 năm lưu lạc như Thúy Kiều mà được hưởng một cuộc sống
êm đềm. Nhưng thử hỏi rằng: liệu đó có phải là sự công bằng, ưu ái của tạo hóa
hay chính là bi kịch của cuộc đời nàng?
Sẽ chẳng có gì để nói khi cho rằng đó là sự công bằng, ưu ái
của tạo hóa bởi sắc đẹp của Thúy Vân chỉ khiến cho mây thua, tuyết nhường chứ
không làm cho thiên nhiên phải ghen, phải hờn như với vẻ đẹp của Thúy Kiều:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”
Nhưng có lẽ, đó chỉ là một sự đánh giá khách quan khi mà
trong tiềm thức người đọc Thúy Vân chỉ là một nhân vật “vô tâm hiền hậu” (Xuân
Diệu), là người luôn gặp may mắn. Hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh của Thúy
Vân, sống cuộc sống của nàng ta sẽ hiểu số phận của nàng không như ta vẫn nghĩ,
rằng: cuộc đời nàng có lẽ bi kịch nhiều hơn là hạnh phúc.
Vậy bi kịch của cuộc đời Thúy Vân là gì? Theo nhà nghiên cứu
Nguyễn Đăng Na thì bi kịch chỉ xảy ra đối với những ai hội tụ đủ ba điều kiện
sau:
Một là, có trí tuệ. Không trí tuệ thì không thể ý thức được về
mình; đã không ý thức được về mình thì không ý thức được vị trí xã hội mà
lẽ ra mình phải được hưởng, do đó bi kịch không thể xảy ra cho dù bị xã hội, bị
người đời chà đạp.
Hai là, có trái tim nhân hậu, biết yêu thương con người. Nếu
chỉ có trí tuệ mà không có trái tim nhân hậu, người đó sẽ sống ích kỷ, sẽ sẵn
sàng giẫm đạp lên người khác. Kẻ bất nhân chẳng thể có bi kịch.
Ba là, có lương tri. Khi có trí tuệ và trái tim nhân hậu rồi,
nếu không có lương tri người đó cũng sẽ không đủ can đảm hy sinh mình để bảo vệ
lẽ phải, bảo vệ công lý cho người bị áp bức. Như vậy, người ấy sẽ chẳng thể biết
bi kịch là gì; nghĩa là ở họ không có bi kịch.
Tuy nhiên, nhân vật bi kịch không có nghĩa là lúc nào cũng phải
phô ra ba phẩm chất trên. Hơn nữa, ba phẩm chất ấy hòa vào nhau, khó tách bạch
và khi thể hiện trong tác phẩm, tác giả có thể nhấn mạnh phẩm chất này hoặc phẩm
chất kia.
Như vậy, xét theo các tiêu chí trên thì bi kịch thứ nhất của
cuộc đời Thúy Vân là bi kịch của một con người có lương tri. Điều này thể hiện
trong sự kiện: khi chị em Thúy Kiều đang sống trong cảnh: “Êm đêm trướng rủ màn
che” thì xảy ra cơn gia biến, Thúy Kiều buộc phải bán mình lấy tiền chuộc cha
và em. Trong đêm trao duyên, dường như đồng cảm với nỗi lòng của Thúy Kiều,
nàng Vân đã cùng thức để chia sẻ, an ủi chị:
“Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:
“Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?”
Ta nhận ra viên ngọc với cái tên “đồng cảm, sẻ chia” vẫn đang
tỏa sáng trong sâu thẳm tâm hồn Thúy Vân chứ nàng không hề vô tâm như ta vẫn
nghĩ khi mà trước mộ Đạm Tiên, Thúy Vân buột miệng nói với chị: "Khéo dư
nước mắt khóc người đời xưa". Quả là có ít nhiều thờ ơ, lãnh đạm trong khi
Thúy Kiều "đầm đầm châu sa". Nhưng thiết nghĩ, người nằm dưới đáy mồ
hoang tàn kia không từng quen biết, thì khóc than, van vái đề thơ, cũng thật
đáng nực cười. Tuy nhiên, bằng thủ pháp ước lệ, Nguyễn Du đã nâng cao cảm xúc của
nhân vật, đã thể hiện thành công bản tính đa sầu, đa cảm của Thúy Kiều.
Quyết định bán mình chuộc cha và em đồng thời không muốn phụ
tình với Kim Trọng nên Thúy Kiều đã nhờ em thay mình trả nghĩa Kim Trọng:
“Cậy em em có chịu lời
Trong hoàn cảnh này, Thúy Vân chỉ biết im lặng. Bởi, thử hỏi
rằng nàng có thể nói gì? Từ chối ư? Kể rõ nỗi lòng của mình? Điều đó có lẽ sẽ
càng làm cho Thúy Kiều thêm đau khổ. Hay dối lòng, quả quyết với chị rằng “ sẽ
lấy Kim Trọng làm chồng” trong khi Thúy Kiều đủ tỉnh táo để biết rằng giữa Kim
Trọng và Thúy Vân không hề có tình yêu. Bởi Thúy Vân và Kim Trọng mới chỉ gặp
nhau duy nhất có một lần trong ngày tết thanh minh. Vẫn biết rằng, ngay từ buổi
đầu gặp gỡ thì cả Thúy Vân và Thúy Kiều đều có sự cảm mến trước “tài mạo tót vời”
của Kim Trọng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đã phát triển
thành một tình yêu trong sáng và sâu nặng. Còn với Thúy Vân, có lẽ nó vẫn chỉ
là sự cảm mến! Vậy thử hỏi rằng, chỉ với một sự cảm mến mà có lẽ ai cũng
sẽ có khi lần đầu gặp Kim Trọng như vậy thì liệu có thể nhanh chóng làm nên một
tình yêu đích thực? Quả thực là khó. Mặt khác, tuy trao duyên cho em nhưng Thúy
Kiều vẫn không thể dứt tình với Kim Trọng: “Duyên này thì giữ, vật này của
chung”. Tình yêu giữa Thúy Kiều Và Kim Trọng quá sâu nặng vậy thì làm sao Thúy
Vân có thể chạm tay tới. Hơn nữa, trái tim của Kim Trọng đâu có chỗ cho nàng
Vân bởi nó đã là nơi ngự trị vĩnh viễn của Thúy Kiều. Có người cho rằng, xã hội
mà Thúy Vân và Thúy Kiều đang sống là xã hội phong kiến với quan niệm “cha mẹ đặt
đâu con ngồi đó”. Vậy nên, Thúy Vân và Kim Trọng vẫn có thể nên duyên vợ chồng
khi chưa có tình yêu và tình yêu có thể sẽ nảy sinh trong thời gian họ chung sống
bên nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, một trong những nội dung cơ bản
trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiếng nói nhân đạo, là biểu hiện của những
khát vọng giải phóng, vươn lên, vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của lễ giáo
phong kiến Á Đông để khẳng định những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ,
đồng thời thể hiện khát vọng tự do tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc đích thực chứ
không phải là do sự sắp đặt, định trước. Bởi vậy mà mới có những hành động: “Săm săm băng lối vườn khuya một mình”. Vậy nên, với vẻ đẹp của mình, Thúy Vân
hoàn toàn có quyền tìm kiếm một tình yêu, hạnh phúc đích thực.
Tuy nhiên, Thúy Vân lại đồng ý thay Kiều trả nghĩa Kim Trọng.
Có ý kiến cho rằng, Thúy Vân hời hợt, vô cảm khi dễ dàng chấp nhận lời trao
duyên của Kiều. Nhưng, thử hỏi rằng, Thúy Vân có thể từ chối sao? Trong khi
nàng đã hiểu được tấm lòng, sự hi sinh cao cả của Thúy Kiều khi quyết định vì
chữ “hiếu” mà bỏ chữ “tình”? Sự đồng ý ở đây thể hiện một lòng cảm thông sâu sắc
của Thúy Vân đối với chị, nàng chấp nhận một sự hy sinh - hy sinh tuổi xuân và
hạnh phúc của mình. Ai có thể nói rằng: đây là sự công bằng, ưu ái của tạo hóa
đối với Thúy Vân trong khi đã “tước đoạt” đi quyền hưởng thụ tuổi xuân và tự do
tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc đích thực của nàng nếu không muốn nói là
Thúy Vân buộc phải chấp nhận sự hi sinh ấy.
Hơn nữa, quãng thời gian mà Thúy Vân chung sống với Kim Trọng - một người chồng mà chưa bao giờ tỏ ra là chung thủy, 15 năm chàng Kim luôn tưởng
nhớ đến người xưa và cũng là 15 năm mà nàng Vân phải sống trong sự thờ ơ, hững
hờ:
“Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai”
Rõ ràng, đây không phải là quãng thời gian hạnh phúc mà nhiều
người vẫn cho rằng Thúy Vân được hưởng. Nếu như 15 năm lưu lạc của Kiều là 15
năm đầy sóng gió, vất vả, truân chuyên xen lẫn khổ đau và nước mắt thì 15 năm sống
với Kim Trọng của Thúy Vân chẳng khác gì “Một cực hình dành cho tâm hồn” một
người con gái vẫn còn đang tràn đầy sức sống và lòng yêu đời. Một người con gái
đẹp như Thúy Vân đáng phải được hưởng hạnh phúc, tình yêu đích thực chứ không
phải là một thứ tình yêu “thừa”, tình yêu “chắp nối”:
“Gặp cơn bình địa ba đào
Nên đem duyên chị buộc vào duyên em.”
Bi kịch thứ hai trong cuộc đời Thúy Vân là bi kịch của một
con người có trái tim nhân hậu. Bởi sau 15 năm lưu lạc, Thúy Kiều được đoàn tụ
với gia đình, đây thực sự là niềm vui khôn tả đối với tất cả mọi người. Nhưng
còn Thúy Vân? Nàng vui, nhưng có lẽ niềm vui chưa kịp cất cánh bay lên thì đã bị
nỗi buồn, nỗi đau xót ghì chặt xuống và giày xé tâm can. Bởi Thúy Kiều trở về
cũng có nghĩa là người mà Kim Trọng luôn tưởng nhớ suốt 15 năm qua đã trở về.
Những tưởng rằng, Thúy Vân sẽ lại im lặng như trong đêm Kiều trao duyên. Nhưng
không, nàng đã chủ động đứng lên đặt vấn đề “Thúy Kiều nên thành hôn với Kim Trọng”.
Bởi nàng hiểu rằng, suốt 15 năm qua, tuy sống với nhau như vợ chồng nhưng cả lý trí và trái tim của Kim Trọng đều dành hết cho Thúy Kiều:
“Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy, biết bao là tình!”
Và như một người cầm cán cân công lý, để trả lại sự công bằng
cho Thúy Kiều trước những gì mà nàng đã phải trải qua trong suốt 15 năm lưu lạc.
Thúy Vân đã dũng cảm nói lên suy nghĩ của mình - suy nghĩ thật thấu đáo nhưng
cũng thật xót xa cho số phận mình:
“Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
Còn duyên, may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đương vừa
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì!”
Ta nhận ra ở Thúy Vân có một trái tim nhân hậu biết nhường
nào, nàng thật tinh tế và cao thượng khi trả lại chàng Kim - trả lại người
chồng đã 15 năm chung sống cho chị mình. Nhưng nàng cũng thật đau đớn biết bao
khi phải xác nhận một sự thật, sự thật về duyên phận của mình - cái duyên “chắp
nối” sẽ chẳng bao giờ tồn tại mãi mãi.
Nỗi đau, bi kịch của cuộc đời Thúy Vân càng nhân lên gấp bội
khi mà cái hạnh phúc dù là mong manh, dù là hờ hững nhưng là duy nhất của nàng,
cái hạnh phúc mà nàng đã phải hi sinh cả tuổi xuân và quyền tự do mưu cầu tình
yêu đích thực của mình để có được bây giờ lại phải chính tay mình trao lại cho
người khác. Với Thúy Vân, có lẽ giờ đây với nàng hạnh phúc gia đình là tất cả.
Bởi thử hỏi rằng, cuộc đời nàng còn gì ngoài hai chữ “gia đình” khi mà tuổi
trẻ, cái tuổi khao khát yêu đương và tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc đích thực đã
đi qua. Thế nhưng, cái hạnh phúc gia đình đó những tưởng sẽ là của riêng nàng
bây giờ lại phải chia sẻ cùng với chị.
Đau xót hơn nữa cho nàng Vân khi phải ngày ngày chứng kiến chồng
mình gần gũi, yêu thương người khác. Vẫn biết rằng, xã hội phong kiến công nhận
sự tồn tại của quan niệm “Trai năm thê bảy thiếp”. Nhưng thử hỏi, liệu có người
phụ nữ nào, trong bất kỳ xã hội nào mà không biết buồn, biết đau, biết ghen khi
chồng mình yêu thương một người phụ nữ khác? Ai đó có thể nói rằng, giữa Thúy
Vân và Kim Trọng không có tình cảm với nhau, họ chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa
như vậy Thúy Vân sẽ không biết buồn, biết đau. Cứ cho là, 15 năm trước Thúy Vân
đến với Kim Trọng không phải do tình yêu nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, 15 năm là vợ chồng chung sống với nhau chẳng lẽ giữa họ lại không nảy sinh chút
tình cảm nào? Có thể, tình cảm đó không phải là tình yêu nhưng 15 năm để xây dựng
nên tình nghĩa vợ chồng là điều hoàn toàn có thể.
Thử hỏi rằng: tạo hóa có công bằng, ưu ái với Thúy Vân trước
những hy sinh của cuộc đời nàng trong khi cái tên “nhân vật Thúy Vân” đang dần
đi vào sự quên lãng, quên lãng trong tác phẩm và trong lòng độc giả.
Mai Văn Qúy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét