TRĂNG - NGUYỄN THỊ KIM LIÊN
Trăng chưa tròn sáng
trong như tình yêu tuổi ấy
trong như tình yêu tuổi ấy
Không gian im ta lặng nhìn trăng
Khoảnh khắc này ai đâu đó có trông
Về hướng trăng nhòa nhạt
Rồi tròn trăng
Đắm mình giữa ngàn sao
Có phải trăng ngày nào
Soi tỏ nỗi niềm riêng
Trăng hôm nay vẫn lặng im
Như bạn hiền
Tri kỷ
Chung và riêng
Hiếm quý
Tin tưởng và bình yên
Trăng ơi! làm gương soi tỏ mọi miền
Để người thấy người ở đó
Để gửi lời qua gió
Gửi hình qua trăng
Đêm tuyệt vời mênh mang
Muôn nỗi chất chồng
Bề bộn quá
Trăng ơi!
(Thơ: Nguyễn Thị Kim Liên )
LỜI BÌNH: Mai Chiêu Sương
Ở nhà một mình.Trăng rằm tráng lệ - có trăng mà không đọc thơ
thì uổng quá!. Tôi lấy tập thơ Môi Ngọt ra xem. Tập thơ rất đẹp đọc
qua một lượt tôi chợt bàng hoàng khi đọc đến bài Trăng - Tôi như bị
cuốn hút vào một bài thơ rất lạ… - cả bài thơ vương vương chút buồn sương khói
dễ thương.
Tôi
đọc rồi đọc và đọc lại nữa:
Chắc là tuổi yêu đầu rồi? Kim Liên đang đứng ở
đâu đó một mình đêm nay? Ồ! Sao chị lại có sự so sánh kỳ lạ đến thế? Lạ lắm. Có
lẽ chưa ai “nhập vào trăng” bằng cách viết… lạ như chị:
“Trăng chưa tròn sáng như tình yêu tuổi ấy?
Không gian im ta lặng nhìn trăng
Khoảnh khắc này ai đâu đó có trông”
À ra thế. Chị đang khắc khoải … nhớ “ai” xa:
“Khoảnh khắc này ai đâu đó có trông”
Về hướng trăng…”
Hình như chị đang nhìn trăng một mình xao xuyến- Kim Liên “đi”
vào bài thơ như nói chứ không phải gieo vần “gò” tứ làm thơ như thông
thường. Tôi có cảm giác thi sĩ Kim Liên nói thơ chứ không
phải làm thơ - “Điệu nói” chỉ có chị mới làm được. Bỗng Kim Liên bị xúc động
mạnh quá mạnh đến dồn dập:
- “Rồi tròn trăng…”
(Có lẻ chị đợi trăng hơi lâu)
- “Đắm mình giữa ngàn sao
Có phải trăng ngày nào
Soi tỏ nỗi niềm riêng?”
Bài thơ tiếp tục như một niềm suy tư dâng trào. Không phân khổ
đoạn không “bó” nhưng vẫn ngắt câu kín vần có nhạc rất dễ
thương:
- “Trăng
hôm nay vẫn lặng im
Như bạn hiền
Tri kỷ
Chung và riêng
Không hiếm quý sao được khi mà chị đã:
“Tin tưởng và bình yên”
Nhìn trăng để mà thoát tục đối diện với “bạn hiền
tri kỷ” thì đúng là Kim Liên hiền triết rồi. Hai thứ đó giữa cuộc đời
này KHÓ KIẾM lắm! Gặp lừa lọc ba hoa ồn ào và giả tạo thì nhiều.
Phải nói không nhập thần thì Kim Liên không thể NÓI
CHUYỆN với trăng như thế!
- “Trăng ơi làm gương soi tỏ mọi miền
Để người thấy người ở đó”
Tôi chợt nhớ Hàn Mặc Tử:
- “Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”
(Hàn
Mặc Tử)
Hàn Mặc Tử làm thơ về trăng - Kim Liên thì khác - chị
là nói thơ với trăng- Vầng trăng Kim Liên không thể mua được
cũng không bán được mà chỉ để:
“Để người thấy người ở đó”
Chị muốn trăng làm một “trạm viễn thông” trăng
đây chắc?:
- “Để gửi lời qua gió“
Gửi hình qua trăng”
Quá lãng mạn mà cũng quá thực - bởi hai người cùng ở
mặt đất cùng xa nhau (có khi chỉ gặp nhau trong… mộng thôi) thì làm sao
mà thấy nhau? - mặc dù có nhớ quay quắc cũng… đành chịu chỉ còn cách đưa tâm
hồn lên trăng và nhờ trăng giúp đỡ cho tình yêu của mình có lẽ trăng
đã thấu được nỗi lòng đó nên chị reo lên bất chợt:
- “Đêm tuyệt vời mênh mang”
Kim Liên chỉ gói đêm trăng bằng trong năm chữ
- “Đêm tuyệt vời mênh mang”
Cao thủ chẳng thua gì cổ thi Trung Quốc:
- ”Nhân gian vô lộ nguyệt mang mang”
(Cổ Thi)
Đúng có đường ngõ gì đâu? - Nơi nào trên mặt đất
thiên nhiên này mà trăng không tới được? Đoàn Thị Điểm diễn trong Chinh
Phụ Ngâm cũng thế:
- “Nẻo nhân gian trăng dõi dõi soi”
(Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm)
Chúng ta thử hái trăng bỏ vào túi thì mới thấy câu
thơ năm chữ của Kim Liên SÁNG GIÁ như… Trăng.
Khác với Tản Đà nhìn trăng rồi buồn rồi tuyệt vọng:
- “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi.
Trần thế em nay chán nữa rồi”
(Tản Đà)
Chợt Kim Liên kéo tôi về thực hữu - nửa đêm rồi. trăng vẫn
tròn vẫn sáng vẫn trong veo. Nhưng chắc chị đã đi về rồi - Về với
đời thường với tổ ấm với lo toan đủ thứ. Đành bỏ lại nhớ nhung hoài niệm và vẻ
đẹp muôn đời của chị Hằng:
- “Muôn nỗi chất chồng
Bề bộn quá!
Trăng ơi!
Kim Liên nuối tiếc. Tôi thấy như… chị còn yêu trăng lắm!
- ”Tôi tìm một ánh trăng xưa”
(Chút xưa - NTKL)
Hay:
- “Ngoài kia trăng sáng lung linh
…Tại cái khe cửa trăng ùa vào tôi”
(Một mình - NTKL)
Tôi giật mình vì tiếng gọi “Trăng ơi”. Ngoài trời trăng vẫn y
nguyên. Tôi đọc lại Trăng của của Kim Liên Lần nữa. Chị dẫn tôi đi sâu vào
bài thơ như đi vào một đêm trăng của nỗi lòng của tâm sự riêng. Tuy chị dùng từ đơn
giản cú tứ rất thoải mái theo thể thơ tự do mới nhưng sâu sắc và rất thực
như cuộc sống và cuộc đời.
Mai Chiêu Sương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét