Chúng tôi cùng anh em văn nghệ sĩ thành phố Uông Bí hành
hương về Yên Tử khi những tia nắng của mùa thu chớm khoác lên
cây rừng một màu áo mới. Yên Tử mùa này đẹp lắm, mây trắng trôi bồng bềnh,
những trận mưa rào bất chợt đổ xuống ào ạt như muốn rửa sạch bụi trần còn vương
lại trên cỏ cây hoa lá sau mùa lễ hội đã
qua lâu rồi. Ngồi trên ca bin cáp treo nhìn xuống cánh rừng bạt ngàn, thấy sáng
bừng lên sắc màu của cỏ cây hoa lá. Những ngọn trúc mảnh mai uốn cong cong
đan xen giữa những tán cây tùng gần ngàn năm tuổi in trên nền mây trắng bồng
bềnh trông tựa như những bức tranh thủy mặc.
Phù Vân Yên Tử
Chùa Hoa Yên la đà sương trắng trôi trước thềm, mái đao
chùa khi ẩn khi hiện trong mây. Thoang thoảng mùi hương trầm trong gió. Tiếng
chuông chùa vang vọng lắng đọng dưới thung sâu. Tháp Huệ Quang lừng lững
vươn cao trước màu xanh thẫm của cây đại cổ thụ. Hương hoa đại ngan ngát. Mái
ngói tường bao quanh vườn tháp thâm nâu điểm những đóa hoa đại trắng ngần, làm
tôi nhớ đến tác phẩm ảnh nghệ thuật “MÀU THỜI GIAN” của nghệ sĩ Nhiếp ảnh Tô
Minh Bình từ mấy chục năm về trước. Yên Tử mãi còn, cái sắc màu thời gian này sẽ
còn mãi cho muôn đời con cháu mai sau, bởi tấm gương của vị minh quân Trần
Nhân Tông - Phật Hoàng Trần Nhân Tông - sẽ còn mãi với lòng dân
đất Việt.
Chúng tôi vào chùa lễ Phật, sau đó anh em Mỹ thuật dừng chân
tại chùa Hoa Yên để sáng tác, còn anh em nhiếp ảnh tiếp tục lên đường. Người
đi chùa thắp hương lễ Phật mùa này không đông như trong mùa lễ hội. Nhưng nếu
muốn đi chùa lễ Phật đồng thời để cảm nhận cái vẻ đẹp hùng vĩ của non
thiêng Yên Tử và sự thâm nghiêm nơi cõi Phật thì đi vào mùa này là
đúng nhất. Bởi không có sự ồn ã chen lấn vội vàng mà dường như thiên nhiên, con
người và vạn vật được hòa quyện vào nhau trong một dòng chảy vô định vô thường,
ta sẽ cảm thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng hơn và dường như đã trút bỏ những ưu
phiền trong cõi trần ai để mà đến với chốn tâm linh này.
Sương mù Yên Tử
Đường Tùng
Vách đá rêu phong mịn như nhung còn đọng lại những hạt sương
trong như ngọc. Những thân tùng cổ thụ vươn cao, vòm lá xanh thẫm khi mờ khi hiện
trong màn mây trắng. Tiếng ngọn nước rơi trong khe đá như điểm nhạc cho tiếng
chú ve rừng cuối hạ đầu thu cứ mải miết mải miết vi vi như nhắc lữ khách “đi...
đi...” không nghỉ. Gió bốc lên từ dưới lòng khe những đụn sương trắng cuồn cuộn.
Sương phủ kín lối đi, phủ kín dòng người mảnh mai đi giữa đại ngàn, phủ kín
dòng người đang cong lưng mà ngược dốc lên đỉnh non thiêng giữa muôn vàn nhấp
nhô đá núi. Tượng đá An Kỳ Sinh đã cả ngàn năm năm rồi vẫn đứng đó
như một dấu chấm than nhắc nhở người đời về một điều gì đó mà ta chưa hiểu được.
Phải chăng cố nhân muốn nhắc cho người đời sau biết rằng chẳng thể nào có được
thần dược trường sinh bất lão, có chăng chỉ có cái tâm cái đức từ bi hỉ xả của
con người là mãi trường tồn!?
Chùa Vân Tiêu
Chúng tôi reo lên khi nhìn xuống con đường vừa đi qua, những
đám mây trắng bồng bềnh trôi ngay trước mặt, tưởng chừng như chỉ đưa tay là với
được. Vườn tháp chùa Vân Tiêu thoắt ẩn thoắt hiện trong mây. Những
chiếc ca bin cáp treo như đang trôi trên dòng sông trắng. Tôi muốn thử sức
mình, một mạch chạy theo con đường dốc thẳng đứng để xuống chùa Vân Tiêu.
Từ ngày có cáp treo, con đường này ít người qua lại nên đôi chỗ bậc đá cũng đã
bị long lở, lan can bị gãy mọt, hoen gỉ. Khi chùa Vân Tiêu lộ ra khỏi
vách núi thì cũng là lúc những đám mây trắng bay hết, ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy
một khoảng trời xanh ngắt.
Đường Tu
Sư bác Thích Khai Thuận còn trẻ lắm, mới chưa đầy ba mươi tuổi,
đi tu cũng đã khá lâu rồi, nay trụ trì tại chùa Vân Tiêu. Nhà sư niềm nở
tiếp tôi và kể cho tôi nghe về cuộc sống tu hành, về núi rừng Yên Tử. Dưới
tán bồ đề trong vườn tháp, nhà sư ngồi thiền trên mỏm đá trước thảm cỏ xanh ngắt,
áo cà sa vàng nổi bật giữa mây trời. Nhà sư bảo hàng ngày vẫn ngồi như thế, thiền
như thế trong tiếng gió reo, mây bay, sương mù bao phủ quên đi tất cả những bon
chen trong cuộc sống đời thường. Sống đạm bạc, chay tịnh làm lòng người nhẹ
nhàng hơn, đức độ hơn, tôi tìm thấy ở nhà sư trẻ này một sự gần gũi, thương mến
cũng giống như những vị tu hành khác mà tôi đã gặp. Tu hành âu cũng là cái
duyên phận đời người, phải đâu ai cũng dám dời bỏ cuộc sống phàm trần mà đi tu.
Tạm biệt sư trụ trì chùa Vân Tiêu sau khi đã được dùng bữa cơm chay cùng nhà
chùa, tôi lại một mình ngược dốc, bây giờ cũng đã quá ngọ rồi. Đi gần đến
khu An Kỳ Sinh mới gặp một tốp thanh niên xuống dốc. Mấy chàng trai
cô gái này từ Phủ Lý về Yên Tử lễ Phật. Tôi hỏi: Sao các cháu không
xuống bằng cáp treo? Chúng cháu lên bằng cáp treo, bây giờ xuống đi bộ để còn đến
được hết các chùa thắp hương lễ Phật. Nói rồi họ ùa lao xuống dốc, để lại cho
tôi những tiếng cười trong như tiếng suối reo.
Trong sương mù
Được sự giúp đỡ tận tình của Ban quản lý Di tích & Rừng
Quốc gia Yên Tử, anh em chúng tôi cứ việc yên tâm sáng tác. Bữa trưa vội vã
trong cơn mưa ào ạt, mưa trắng trời Yên Tử. Mưa tạnh, mây lại bồng bềnh trôi
ngang núi. Những chùm tia nắng xiên qua từng kẽ lá gặp sương mù đặc quánh lại
như mật ong rừng. Nhiều đoàn khách thấy trời tạnh cũng hò nhau đi
tiếp. Mấy chàng trai cô gái nước ngoài tóc quăn da trắng khoác ba lô từ trên dốc
đi xuống gặp chúng tôi miệng bập bẹ câu : - A Di Đà Phật! chúng tôi đáp lại: -
Mô Phật!
Đường Tùng
Mây mù lại ào ạt dồn về khiến người và vạn vật cứ mờ mờ ảo ảo,
con đường lên tới chùa Đồng tưởng như còn xa vời vợi. Tiếng chuông đồng
trầm trầm từ trên đỉnh núi xuyên qua màn mây vọng xuống làm ta cứ ngỡ lạc vào
nơi bồng lai tiên cảnh. Bỗng chốc gió lùa mây bay về phía trời tây, chùa Đồng hiện
ra ngay giữa khoảng trời xanh bao la. Anh em vào thắp hương vái Phật xin được
phù hộ độ trì, cầu mong quốc thái dân an, nhìn lại thấy mây trắng bồng bềnh
trôi trên lưng núi, mây trắng phủ kín dưới vực sâu thăm thẳm phía sau chùa. Cặp
vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ chừng bốn năm tuổi đang chắp tay khấn vái, họ từ
Bình Thuận ra Yên Tử để mà lễ Phật, lúc nãy khi cùng ngược dốc với
tôi anh chồng nói vậy.
Đêm ngủ lại nhà nghỉ bên tượng đá An Kỳ Sinh. Trăng mười
tư trong vắt đi ngang qua hiên nhà. Bạch Đằng giang bắt ánh trăng sáng lên như
dòng sông bạc. Thành phố Hải Phòng rực ánh đèn. Tượng đá An Kỳ Sinh trầm
mặc dưới ánh trăng. Các bạn tôi vẫn hối hả đi tìm góc nhìn đẹp để ghi lại cái
khoảnh khắc “trăng Yên Tử” này. Lần đầu tiên tôi nghỉ lại đêm trên non thiêng Yên
Tử nên tôi cứ thao thức không sao mà chợp mắt, trong khi ấy các bạn đã cất
tiếng ngáy đều đều, nhìn đồng hồ đã ba giờ sáng, mở cửa, mây lạnh ùa vào phòng
trắng đặc.
Bốn giờ ba mươi sáng, mấy anh em đã trở dậy xách máy đi. Một
mình tôi mải miết theo con đường đá còn mờ mờ ảo ảo trong sương để lên đỉnh
núi. Sương rơi lộp độp trên các tán lá. Tiếng gió vi vu thổi qua vách đá cổng
trời. Một mình tôi đứng giữa không gian bao la. Đá núi cổ xưa, cây rừng đã có cả
ngàn năm tuổi, chỉ có mình tôi là hậu sinh giữa muôn vàn tồn tại những nhân chứng
của thời gian. Tôi thấy mình nhỏ bé, cô đơn giữa cái mênh mang của vũ trụ bao
la, vậy mà không hề có cảm giác sợ hãi lo âu, phải chăng trên cao kia đức Phật
Hoàng vẫn đang dõi theo từng bước đi của tôi mà che chở. Bởi kể từ tháng bảy
năm Kỷ Hợi (1299) nhà vua cởi hoàng bào lên đỉnh non thiêng lập ra thiền
phái Trúc Lâm tới tháng bảy năm Quý Tị (2013) này đã tròn bảy trăm mười
bốn năm rồi người vẫn ngự ở nơi đây giữa muôn ngàn mây gió và cây rừng nước suối
để độ trì cho con dân Đại Việt.
Trời đông rạng dần, những tia nắng lóe lên, mặt trời tỏa ánh
sáng xuống cho muôn loài. Ngôi chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh non thiêng
bỗng sáng bừng lên trước ánh mặt trời. Từng dải mây trắng trôi qua, tôi như thấy
ngôi chùa thiêng đang bay bay trong mây. Yên Tử khi thu sang lạ lắm,
tôi bỗng nhiên cảm nhận thấy trong chuyến đi này, nếu chỉ lên Yên Tử vào
mùa lễ hội như bao lần trước thì tôi không thể nào có được.
Nguồn: sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét